Wednesday, April 2, 2014

Saigon, trong thanh âm vô lượng

Image
Mỗi người dân Sài Gòn nhập cư đều có một cố hương để hoài nhớ. Thành phố này ôm trong lòng nó đủ hạng người với nhiều cung bậc cách biệt, nhưng không biệt xứ. Có cõi quê trở về cho tròn lời hứa Xuân này con trở về, rồi lại khắc khoải nỗi tha hương Lạy mẹ con đi. Đi để về và đi là về.

Vài mươi năm trước, tôi vẫn bị hấp dẫn bởi những tiếng gõ nhịp của xe mì đêm. Những chủ xe mì đẩy dọc vỉa hè ban đêm luôn có một, hai tùy tùng lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm để rao mì bằng tiếng gõ độc đáo.

Đó là những nhịp điệu không quá chói tai để tránh làm phiền người ngủ sớm.

Có lần được nói chuyện với A Hoành, một ông già Trung Hoa đầy kiến thức dân gian, ông nói việc gõ mì cũng báo hiệu bang hội và đẳng cấp. Để phát ra tiếng kêu thanh và chắc đó, người bán mì sử dụng hai miếng gỗ dài, mặt hơi cong để tạo âm vang, và sau này thường là hai miếng tre. Hình thức này rất giống với người mõ làng ngày xưa vẫn đi tuần trong thôn xóm, gõ báo sang canh cũng như phòng trộm cắp. Nhưng gõ mì thì nhịp điệu thôi thúc và nhiều nhạc tính hơn.

A Hoành nói ngày xưa người bán mì rong vỉa hè cũng có bang hội. Người vào nghề bán mì nếu là hạng thứ, chỉ được gõ chứ không được đứng bán. Học gõ rao mì không dễ, có người phải tập một, hai tuần mới được. Người Hoa từ xưa đã mang nghề bán mì đi khắp thế giới để kiếm sống, nên người đến trước có quyền hạn như đại ca. Tiếng rao mì của vùng do đại ca quản lý, tiếng gõ có những âm thanh khác biệt mà dân trong nghề nghe phải biết và tránh lấn vào vùng làm ăn của đại ca như một cách bày tỏ sự tôn trọng.

Những ngày tháng xã hội biến động, không chỉ ở Trung Hoa hay Việt Nam, những xe mì tham gia hội kín cũng hay dùng tiếng gõ mì như một loại truyền tin mà chính quyền nào cũng bó tay, không tài nào hiểu được.

Khi thêm hiểu biết, tôi thú vị vì giá trị của tiếng gõ mì như một loại truyền thông tiếp thị đường phố – street marketing, loại quảng bá kinh doanh quan trọng được đưa vào sách giáo khoa của các đại học lớn trên thế giới sau nhiều thập kỷ nghiên cứu, vậy mà ông cha sử dụng tự nhiên từ một cảm giác trời ban, không cần loằng ngoằng lý luận.

Năm 1995, khi ông vua nhạc pop Michael Jackson phát hành album History, tôi từng sửng sốt khi nghe nhịp điệu của bài They don’t care about us: nó không khác gì nhịp điệu của mì gõ Sài Gòn, được thêm thắt bằng những âm thanh hiện đại. Nhịp điệu thôi thúc và hấp dẫn này lọt vào top 10 của hầu hết các quốc gia châu Âu. Còn tiếng gõ mì, nếu được bình chọn, tôi tin rằng nó sẽ lọt vào top 10 của những âm thanh làm nên một Sài Gòn hoa lệ và bao dung, che chở và nuôi nấng hàng triệu người nhập cư.

Đã nói đến bình chọn thì không thể không nhắc đến tiếng trống – phèng rao bán đầu lân ông địa mùa Trung thu. Cùng với tiết tấu của hip hop, điệu trống bán đầu lân luôn khiến đám nhỏ nhảy múa quanh chiếc xe. Đứa nào được gia đình cho tiền mua một cái thì như lên tiên, cứ tung tăng không ngừng nghỉ bên nhịp điệu “tùng cheng”. Điệu trống làm trẻ nhỏ nôn nao đó là cột mốc thời gian, báo hiệu một thời khắc của mùa, của đời đang đến.

Sài Gòn đã nhận vào lòng mình muôn muôn tiếng động, như nhịp đập của trái tim của vùng đất, như hơi thở của thị dân linh hoạt và tự do thiên định trong dòng máu của mình. Vô cùng sáng tạo, người ta có thể nhớ nhiều đến tiếng răng rắc rao đấm bóp đêm, tiếng leng keng của xe bán kem, tiếng kèn bóp hơi của người mua bán ve chai, tiếng mu rùa lốc cốc của người coi bói dạo... kể cả tiếng kèn tây đám ma tiễn đưa người chết.

Nhưng cũng như tuổi thanh xuân đẹp nhất của mỗi người đã đi qua và không bao giờ trở lại, cô gái Sài Gòn nhiều tuổi hơn và cũng mất mát những điều diễm lệ đời thường đã từng có. Những thanh âm độc đáo đó cũng mất dần. Những tiếng rao hàng cũng xa xôi. Sài Gòn giờ rực rỡ hơn, ồn ào hơn... Nhưng cũng chừng như ít nhiều vô vị.

Những thanh âm được sáng tạo của người xưa giờ được thay bằng những chiếc loa sắt và các phần ghi âm sẵn. Nền công nghiệp bèo nhèo của hệ thống tiếp thị kinh doanh đường phố đã giết chết những điều rất “người” và kỳ thú còn sót lại của thành phố.

Tiếng nhạc kẹo kéo giữa những đêm bên các tụ điểm sôi động của Sài Gòn với dòng ca sĩ bắt kịp thời sự của Mỹ, là một dấu ấn khác. Những Michael Jackkeo, những Lady Keokeo...

Có lẽ rất nhiều người vẫn thầm nghĩ tiếng loa rao bán keo bẫy chuột hay tò te tí vô hồn của xe kem cây đời mới, không bao giờ so được với tiếng rao của con người, dù yếu ớt giữa muôn vàn tiếng động đô thị. Nhưng những đổi thay buồn chán đó vẫn được ôm trọn trong lòng Sài Gòn bằng sự bao dung rộng lớn, vì đó cũng là những cách để mưu sinh.

Trong những điều rất mới của âm thanh Sài Gòn, có những chiếc xe ba gác chở đầy đĩa nhạc, xập xình những bài hát được yêu chuộng. Nhưng âm thanh được phát ra trên những chuyến xe đó, vang vọng lời ca một thời của Thanh Tuyền, Duy Khánh, Sĩ Phú... cũng là những điều xưa cũ, hoặc làm người ta nhớ đến những điều rất xưa cũ.

Sài Gòn là vậy đó. Sài Gòn bao dung ôm trong lòng mình tương lai nhưng không bao giờ phản bội quá khứ.

Tuấn Khanh
(12/2013)
Nguồn ảnh:Tư Liệu

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.