Saturday, December 30, 2017

Luật sư Võ An Đôn: "Tôi không hối tiếc".

Trò chuyện với luật sư Võ An Đôn, những ngày cuối năm 2017
Đây không phải là một cuộc phỏng vấn. Bởi một cuộc phỏng vấn thì tôi sẽ phải chọn lựa cách nói, xoay trở cách trình bày cho chỉn chu.
Nhưng nếu như vậy, thì sẽ không thể mô tả được một tính cách của Đôn. Tính cách đã đem lại cho anh sự thương mến từ rất nhiều người, cũng như sự ghét bỏ từ không ít người.
Tôi giữ nguyên cách xưng hô của Đôn, như một người anh em. Nhưng đó không phải là riêng với mối quan hệ quen biết với tôi, mà hầu hết các cuộc phỏng vấn của VOA, BBC, RFA, SBS... Đôn vẫn luôn xưng hô như vậy: nhũn nhặn và gần gũi.
Đôn có biệt hiệu là "luật sư chăn bò" - một cách gọi mà các đồng nghiệp một thời không kìm nổi sự tức giận đã thốt lên như vậy. Nhưng Đôn đón nhận hình ảnh đó một cách tự nhiên như một phần đời của mình. Trong cuộc nói chuyện với Đôn, tiếng gà kêu, tiếng trẻ con nghêu ngao... vẽ cho tôi một bức tranh về cuộc sống của Đôn. Anh bước ra từ bùn đất quê nhà, và khi phải quay lại, thì anh đón nhận mọi thứ thật an nhiên.
Tôi chọn luật sư Võ An Đôn làm người trò chuyện để khép lại một năm đầy biến động. Một năm mà người làm nghề tìm công lý cho kẻ khác, đã không thể nhìn thấy ngay trên số phận của mình.

Sau khi bị khai trừ khỏi danh sách luật sư đoàn tỉnh Phú Yên, hiện nay Đôn đã làm gì hồi đáp sự kiện đó?
  • Dạ, sau khi Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên đã loại em ra khỏi danh sách luật sư đoàn, thì em đã có làm đơn khiếu nại gửi lên Liên đoàn luật sư Việt Nam. Nhưng đến nay thì chưa thấy phản hồi gì anh à.
Khác với năm 2015, khi Đôn có dấu hiệu bị rút thẻ hành nghề, thì đã có sự can thiệp rất rõ ràng từ Liên đoàn luật sư Việt Nam. Nhưng nay, vì sao mọi thứ lại im lặng khó hiểu như vậy?
  • Năm 2015, liên ngành tư pháp của Phú Yên gồm công an, Viện kiểm sát, tòa án có ra văn bản kiến nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề hành của em. Lúc đó thông tin được Luật sư đoàn tỉnh Phú Yên cho biết đã khiến báo chí và dư luận phản ứng rất mạnh. Rồi chủ tịch nước là ông Trương Tấn Sang đã chỉ đạo cho các cơ quan ở tỉnh Phú Yên phải rút lại quyết định đó. Có lẽ vì vậy mà Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã cử 3 người xuống để bảo vệ em.
Nhưng lần này thì khác rồi anh. Theo Luật sư đoàn tỉnh Phú Yên cho biết thì việc khai trừ đã diễn ra rất gấp rút, ngay sau khi em cho biết tin tức liên quan đến Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ở trong tù. Và có tin là Liên đoàn Luật sư Việt Nam chỉ đạo việc khai trừ em, cũng như nhiều cơ quan khác nữa, nên phải làm nhanh gọn. Đó là vì sao lần này diễn biến không giống như lần trước.
Ngay trước, và sau khi có tin Đôn bị rút thẻ hành nghề, đã có những tin rò rỉ, nhạo báng… từ những luật sư không đồng quan điểm với Đôn. Họ có thông tin trước về một vụ loại bỏ và sử dụng như kiểu tấn công tinh thần một cách hạ cấp. Không khí hả hê về một vụ trừng phạt một thành viên của đoàn luật sư như vậy, có vẻ như rất khác với hoạt động minh xét vì quy chuẩn nghề nghiệp?
  • Em nghĩ rằng cũng có cơ sở để suy luận như vậy. Bởi việc tước thẻ hành nghề của em là từ sự chỉ đạo của bên trên. Do đó, em tin rằng dù làm đơn và các đồng nghiệp thông cảm cùng làm đơn kiến nghị cũng không ăn thua, vì đã có sự chỉ đạo từ trung ương.
Người ta không muốn em làm luật sư nữa vì em tham gia nhiều vụ án nhạy cảm ở Việt Nam. Những vụ án oan. Những vụ công an dùng nhục hình đánh dân… Tính của em thì khi tham gia, không chịu được thì chỉ có thể nói hết, nói sự thật. Các cơ quan tố tụng thì không muốn vậy nên tìm cách ngăn lại thôi.
Có hy vọng gì về việc lấy lại quyền hành nghề luật sư không? Lẽ nào có một sự thật khác, ngoài bộ mặt trơ trẽn của nghề luật sư Việt Nam qua câu chuyện này, là Đôn bị tước thẻ bởi vì “khó ưa”?
  • Em nghĩ là không có hy vọng lấy lại được quyền hành nghề anh à. Mọi thứ như em nói, là đã được chỉ đạo có hệ thống nên chuyện lấy lại quyền hành nghề luật sư là rất mong manh. Mặc dù lý do để tước quyền luật sư của em là họ kết tội em nói xấu chế độ, nói xấu chính quyền… nhưng lại không có chứng minh gì về lời kết tội đó. Nên có cố gắng thì không được gì nữa. Em nghĩ vậy.
Luật sư thì bị tước thẻ với lý do mơ hồ. Còn tất cả các vụ án về chính trị hay dân quyền, nhân quyền mà các luật sư tham gia trong năm 2017 thì lại hoàn toàn thất bại. Không có một sự bào chữa nào thành công, thậm chí luật sư còn bị khước từ quyền tranh tụng, hay đòi hỏi triệu tập nhân chứng, văn bản phân tích khoa học ngay tại tòa… vậy theo Đôn, 2017 có nên gọi là một năm thất bại của nghề luật sư Việt Nam không?
  • Dạ, lâu nay các vụ án liên quan đến nhân quyền mà được các luật sư nhận lời tham gia cũng không nhiều, bởi phần lớn người ta sợ Nhà nước gây khó khăn cho công việc làm ăn, hay rồi bị rút thẻ như em. Nhưng thật lòng mà nói, cho đến lúc này thì hầu hết các vụ án liên quan đến nhân quyền thì luật sư chỉ còn đóng vai trò tham gia cho có vậy thôi anh. Bản án thì đã được ấn định trước. Luật sư đang dần trở thành người chỉ còn có vai trò đưa thông tin cho nạn nhân, bị cáo, rồi chuyển lời nhắn đến gia đình…
Vai trò luật sư thiếu sức mạnh đúng của mình. Ngoài chuyện là người xuất hiện chuyện trò, an ủi, động viên những ai đang vướng vào vụ án trong lúc họ sợ hãi hay cô đơn, thì đôi khi luật sư phải nhờ đến dư luận bên ngoài, bằng cách phát đi thông tin cho mọi người quan tâm và ủng hộ. Còn để giảm được án hay bào chữa cho thoát án thì không thể, anh à.
Nói như vậy, luật sư và tòa án ở Việt Nam hiện ra phần lớn như một loại nghệ thuật trình diễn, ít khi đạt được giá trị công lý?
  • Dạ đúng vậy anh à. Ở tòa án, hầu hết các bản án đều đã định trước, thỉnh thoảng có chút thay đổi. Đặc biệt án chính trị hay nhân quyền thì vai trò luật sư để góp mặt vậy thôi chứ không ai quan tâm họ nói gì. Trong giới tụi em thì nói đùa là tới để đủ mâm đủ cỗ thôi. Làm nghề luật sư đôi khi chứng kiến những chuyện diễn ra mà không làm gì được nên cũng buồn lắm. Đó là lý do mà em nói rằng nghề luật sư ở Việt Nam chỉ còn sống bằng nghề chạy án thôi là vậy đó.
“Đủ mâm, đủ cỗ” – tính hình thức tạm bợ đó, có phải đã khiến các phiên xử nhân quyền hay chính trị thường diễn ra rất nhanh, mặc dù còn rất nhiều chứng cứ, nhân chứng hay luận cứ cần phải được tranh tụng trước tòa. Thậm chí mới đây có vụ xét xử 9 với tội người chống chế độ ở Bình Định, rồi kế đến là 15 người mang tội khủng bố ở Sài Gòn, lại chỉ diễn ra chỉ trong 1,2 ngày, nhanh đến ngạc nhiên?
  • Dạ, thì ai cũng biết án thì do chỉ đạo nên diễn ra nhanh chóng thôi anh. Các mức án thì mỗi lúc càng cao. Em nghĩ Nhà nước đang muốn dùng các mức án này để khiến cho những người muốn đấu tranh không dám hành động nữa. Án cao và xử nhanh, không có cơ hội thay đổi là nhằm cho mọi người khiếp sợ.
Ở Việt Nam thì không có tam quyền phân lập, nên các vụ án sẽ luôn gặp trường hợp thiếu khách quan, thiếu minh bạch. Và nếu không có thay đổi thì mọi thứ sẽ mãi mãi như vậy thôi.
Trở lại câu chuyện riêng của Đôn, có nhiều người nói lẽ ra Đôn đã có một tương lai tốt đẹp hơn, nếu không phát ngôn làm trái ý nhiều người. Mọi thứ có thể gọi là vạ miệng, Đôn có hối tiếc về những gì mình đã nói không?
  • Em nghĩ mình không có hối tiếc đâu anh. Vì những gì em nói ra hay không thì dân chúng cũng đã biết từ lâu rồi. Em chỉ khẳng định với tư cách là người chứng kiến thôi.
     Khi em nói là luật sư Việt Nam chạy án, thì cũng nhiều đồng nghiệp bực bội,             chính quyền thì không ưa. Em biết em nói thì cũng thiệt hại cho mình, nhưng           nếu mình không nói thì cũng không ai nói. Em nói cũng chỉ mong cho nghề luật         sư rồi sẽ có một lúc nào đó thay đổi và tốt đẹp hơn.
     Nói thật để dân chúng không quá hy vọng vào khả năng luật sư trong nền luật         pháp hiện nay, rồi tin rằng công lý là có thật, để rồi thất vọng.
     Em nói là cũng mô tả hiện trạng và đòi hỏi sự thay đổi, chỉ mong tốt cho những       đồng nghiệp cũng trong tâm trạng như mình mà không thể nói được thôi. Em           không hối tiếc những gì đã nói ra đâu anh.
Nhưng cũng có ý kiến nói rằng Đôn cũng cần phải thỏa hiệp để có thể sống dược với nghề. Rất nhiều luật sư đang phải như vậy mà?
  • Dạ đó là quan điểm cá nhân, chọn lựa để sống yên. Nhưng quan điểm của em thì sống làm nghề luật sư, thì phải lựa chọn nói thật. Bởi luật pháp và công lý là sự thật, thì em cũng muốn được nói thật. Em biết nói thật thì khó nghe nhưng rồi nó sẽ tác động vào việc thay đổi xã hội.
Nếu em không học cách nói thật, thì em cũng như mọi người, thỏa hiệp với sự bất công mà sống thì xã hội này sẽ ra sao? Dạ, em không muốn sống như vậy.
Nhưng như vậy, Đôn có cảm thấy mình trở nên cô đơn không? Chẳng hạn như lúc nào?
  • Dạ thiệt tình em thấy buồn lắm vì không còn được làm nghề luật sư nữa để giúp cho mọi người. Nhưng cũng an ủi khi thấy dư luận xã hội vẫn không quên em. Đi ngoài đường, người ta không coi em là người thất thời, mà cũng mời em café, nói chuyện chào hỏi… nên em cũng hạnh phúc lắm anh à.
Để nói một lời kết thúc năm 2017, hướng về năm mới 2018, Đôn muốn gửi lời gì đến mọi người quan tâm đến câu chuyện của Đôn?
  • Em cảm ơn lắm, việc mọi người quan tâm đến em, giúp em đi qua những giờ phút khó khăn của đời mình. Trong năm mới, em chỉ mong mọi người hãy dành thêm sự quan tâm, kêu gọi cho sự thay đổi cho luật pháp ngày càng làm đúng công việc phục vụ cho người dân, cho xã hội. Lúc đó thì em cũng như mọi người đều chung một niềm vui, anh à.

      Tuấn Khanh ghi
       (30-12-2017)

Saturday, December 16, 2017

Mặc Thiên, từ trong bóng tối vẫn không ngừng hát về quê hương



Sự xuất hiện của bài hát Biển đông dậy sóng ba đào của tác giả Mặc Thiên vào cuối năm 2017 này, nhắc lại 10 năm trước, người nhạc sĩ bí ẩn này đã từng làm cho giới mộ điệu xôn xao, với bài hát Khóc mẹ dân oan.

Thật xứng danh với lời nhận định “người nhạc sĩ bí ẩn nhất trong năm” mà đài Á Châu Tự Do đã loan đi về Mặc Thiên, khi bài hát Khóc mẹ dân oan do ca sĩ Như Quỳnh trình bày trong DVD của trung tâm Asia số 57 đã làm rơi lệ không biết bao nhiêu người quan tâm về thảm cảnh của hàng đoàn dân oan mất đất ở VN bị đánh đập, bị tù đày.

Năm 2017, bài hát Biển đông dậy sóng ba đào của Mặc Thiên lại xuất hiện với nội dung về số phận ngư dân Việt trên biển, túng cùng không còn cách mưu sinh khi những chiếc tàu của Trung Cộng vẫn chực chờ từ hôm qua, rồi hôm nay lại bị bắt, bị phá, bị tù… bởi sự ngăn chận Mã Lai, Nam Dương, Thái Lan…

Nghe lại các bài hát như Khóc mẹ dân oan, Khấn nguyện, Ngọn lửa thiêng liêng…, tưởng chừng như tác giả Mặc Thiên ngồi đâu đó trong căn phòng nhỏ của mình, luôn đau đáu nhìn theo phận người rồi ghi chép với nỗi buồn của một nghệ sĩ, mà chỉ còn biết hát thay cho tiếng thở dài. 10 năm như một chặng đường mà có vẻ như ông không bao giờ ngơi nghỉ trong hành trình quyết chọn làm lưu dân, đuổi theo, ghi chép nỗi đau của dân tộc mình.

Trong một bản tin phát đi vào ngày 27-2-2008 của đài Á Châu Tự Do, có nói rằng“Đã từ lâu, các sản phẩm băng đĩa nhạc của một số trung tâm lớn tại Hải Ngoại được sao chép lậu và bán tại thị trường Việt Nam.
Và những ngày gần đây nhất, công an văn hoá Việt Nam, còn gọi là PA 25, bắt đầu ra chiến dịch truy quét để ngăn cấm một sản phẩm vừa phát hành, đồng thời, tìm cho ra tác giả một bài hát trong sản phẩm ấy.
Đó là cuốn DVD Asia số 57, đó là bài hát “Khóc Mẹ Dân oan,” và đó là nhạc sĩ Mặc Thiên”.

Và đó chắc cũng là lý do là nhạc sĩ Mặc Thiên chưa bao giờ xuất hiện, xứng với lời nhận định rằng của đài Á Châu Tự Do rằng “Không một ai trong giới thưởng ngoạn Việt Nam biết Mặc Thiên là ai, và người ta gọi anh là “người nhạc sĩ bí mật nhất năm 2007". Trong lần nhận giải cho bài hát Hạng xuất sắc của Giải thưởng Âm nhạc Tự Do 2017 được tổ chức tại Sydney, Úc Châu, ông có gửi qua thư điện tử giọng nói của mình, để nói về bài hát của mình. Các thành viên của Hiệp hội yểm trợ văn hóa Úc-Việt (VAALA) đã phỏng đoán rằng có thể ông sống ở Khánh Hòa, miền Trung Việt Nam.

Chắc phải là một đứa con ở miền biển, Mặc Thiên mới có thể viết nên một nhạc khúc đẫm nước mắt của phận ngư dân Việt, mà vị mặn của đại dương không thể sánh với nước mắt của những người mẹ già dõi mắt ra biển, tuyệt vọng trông con trở về.

Ca sĩ Thanh Thúy, người được chọn trình bày ca khúc này với cộng đồng người Việt Úc Châu nói rằng chị như không thở được khi nghe bài hát này, cứ mỗi lần chị nghe, lại muốn khóc mà thương cho người Việt hôm nay.

Đọc trăm bản tin, nghe ngàn câu chuyện, đôi lúc không bằng thưởng thức một bài hát chân thành với đời. Đó là điều mà sự huyền bí của nghệ thuật có thể đem lại cho người nghe, và có thể giúp tái sinh trong cõi vô tâm với vận mệnh quê hương mình. Bài Biển đông dậy sóng ba đào là một trong những tác phẩm có khả năng đó.

----------------------------------
Lời bài hát
Biển Đông dậy sóng ba đào
Những con tàu đi đánh cá ngoài khơi
Biển đảo Hoàng sa, biển đảo Trường sa giờ đã không về
Những con người mang thân phận Việt Nam
Đã bao ngày qua nhục nhã ê chề
Tàu cộng xâm lăng, hòng cướp biển đông này
Phận người ngư dân bị Trung Quốc xâm hại
Mẹ Việt Nam ơi, người bỏ con sao đành
Nhìn trời quê hương mà xót thương con mình
Nước mắt mẹ tôi đã bao lần rơi
Ngóng xa biển khơi có bao giờ nguôi chờ các con về
Đến khi niềm tin đã cạn lực tan
Quê hương lầm than mẹ trút hơi tàn


----------------------------------

Tham khảo thêm:
Các giọng ca đoạt giải Âm nhạc Tự do 2017 (Viet Song Contest)
https://goo.gl/kFza59
Các bài hát đoạt giải Âm nhạc Tự Do 2017 (Viet Song Contest)
https://goo.gl/C8jS2V

Chuyện để nghĩ từ một bài hát



THƯƠNG CON VOI, THƯƠNG CẢ CHÚNG TA

Cách đây mấy năm, Ksor Đức gửi xuống một tấm ảnh anh đứng ở một vùng đồi trọc. Những gốc cây trơ nham nhở trãi dài như một cuộc tàn sát cao nguyên im lặng. Đức viết “rừng của bản làng giờ không còn gì”.

Ông trời – Giàng của người Tây Nguyên – chắc không nỡ hại con của mình, đất của mình. Mọi thứ chắc cũng không tự nhiên biến mất. Năm 2015, Tổng cục Lâm Nghiệp hé lộ một con số giật mình rằng chỉ trong 7 năm (2008-2014), diện tích rừng Tây Nguyên mất hơn 358.000 hecta, tức mỗi năm đã có ai đó “ăn” mất hơn 51.000 hecta rừng, gỗ quý, và có nghĩa là tiêu diệt luôn cả thảm thực vật và thú hoang trong khu vực đó.

Trong lời bình của Ksor Đức không nói hết được nỗi buồn của người miền thượng. Vì không có rừng, thì bản làng cũng tan hoang. Hàng chục ngàn năm các tộc người ở đây sống với thiên nhiên thì giờ phải nhìn ngó chung quanh mình là nhũng khối bê tông che chắn, và cách sống truyền đời xủa họ bị phá vỡ khiến khốn khó nối đuôi nhau vào tận bếp nhà từng gia đình.

Voi là biểu tượng cao quý ở rừng Việt Nam, và là sự kính trọng của người Tây Nguyên. Nhưng khi người Kinh “ăn” hết rừng, họ ăn luôn của sự sống còn của voi bằng cách thu hẹp vùng sinh sống, giết voi để lấy ngà, cắt lông đuôi. Trước năm 1975, dù đang trong chiến tranh nhưng chính quyền miền Nam vẫn cố gìn giữ nên voi có trên 2000 con, tập trung ở Daklak và Đồng Nai. Nghệ An cũng có nhưng không nhiều, khoảng 20-30 con. Nhưng đến 2016, theo thống kê của WWF (Tổ chức quốc tế bảo vệ thiên nhiên) thì Việt Nam chỉ còn khoảng 100-120 con voi.

Thương con voi, vì chúng trở thành thú sưu tầm và phô trương của tầng lớp mới giàu. Thương rừng xanh giờ cũng thành trùng trùng biệt điện biệt phủ của một giai cấp mới. Thương một đời Việt Nam bị cướp đoạt từ đồng bằng lên núi cao, và nơi nơi đều bình đẳng trong tai ương và tuyệt vọng.

Có những con voi còn trẻ, không có ngà, bị săn đuổi và giết chỉ vì lông đuôi của chúng là món chơi thời thượng như để may mắn, cầu tình duyên hoặc làm tăm xỉa răng. Những nhóm điều tra về động vật hoang dã khẳng định rằng có những chứng cứ về việc các đường dây mua bán động vật hoang dã ở Hà Nội, mà lông đuôi voi của Châu Phi và Việt Nam được rao bán với giá từ 500 đến 1 triệu đồng / một sợi.

Rậm rịch, các đợt hô hào bảo vệ động vật Châu Phi vẫn luôn được tổ chức. Các nghệ sĩ cắn móng tay, có người khóc vì thương tê giác ở Nam Phi. Thậm chí có cả một đoạn phố ở dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ, Quận 5 dùng để khuyến khích giới trẻ vẽ tranh cổ động cho tê giác ở đâu đó. Nhưng không ai nhắc người Việt Nam nhìn vào ngôi nhà của mình để biết con tê giác Java cuối cùng ở rừng Nam Cát Tiên đã bị bắn chết vào năm 2016.

Nhà dột từ nóc. Ở đây đủ cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Có thể bài hát Thương Con Voi dưới đây, của tác giả Tuấn Anh Cù Lần vẫn chưa nói hết được nỗi đau của linh hồn núi rừng Việt Nam, nhưng chắc sẽ nhắc được nhiều điều về thực tại, vốn quá nhiều thứ có thể đưa con người vào mê ảo. Nhất là khi nghe qua tiếng hát Ksor Đức, giọng ca vừa đoạt giải hạng Xuất sắc của Giải âm nhạc tự do 2017 của người Việt toàn cầu, được Hiệp hội yểm trợ văn hóa Úc-Việt (VAALA) tổ chức tại Sydney, Úc Đại Lợi.

Chỉ là câu chuyện đời, cùng âm nhạc cho một ngày chủ nhật dần vào cuối năm. Nhưng nếu đã chọn nghe, xin hãy dành thêm đôi ba phút để nghĩ thêm về một Việt Nam của chúng ta hôm nay.

------------------------------------------------------
Lời bài hát của tác giả Tuấn Anh Cù Lần
(tên thật là Văn Tuấn Anh)
Ai ăn mất cái ngà con voi rồi?
Ai ăn mất cái chùm đuôi voi đớn đau
Hôm qua, con voi còn khoe đôi ngà
Hôm qua, con voi còn khoe cái đuôi
Ai ăn mất cái rừng xanh kia rồi
Ai ăn mất thú rừng cao nguyên đó đây
Năm xưa trên non đàn voi vui đùa
Năm xưa muôn chim còn về đây
Lê thân hằn bao vết đau - voi lang thang mãi đi tìm màu xanh đã xa
Nơi đâu dòng sông mát trong, đâu thiên nhiên, nơi đâu con tim hiền hòa
Trên lưng đồi không bóng cây, mây thôi bay, xác voi ngã gục bên suối khô
Thương cho đàn voi dấu yêu, đi về đâu, thần linh (Giàng ơi ) trời xa đau buồn.

-----------------------------------------------------
Tham khảo thêm:
Các giọng ca đoạt giải Âm nhạc Tự do 2017 (Viet Song Contest)
https://goo.gl/kFza59
Các bài hát đoạt giải Âm nhạc Tự Do 2017 (Viet Song Contest)
https://goo.gl/C8jS2V

Friday, October 20, 2017

“Họ từng hăm dọa là tiêu diệt tôi”.


Tìm đến chị Phạm Trần Thanh Long, nhân ngày 20/10/2017, được gọi là ngày vinh danh Phụ nữ Việt Nam để nghe thêm nhiều chi tiết từ vụ án kỳ lạ: kẻ gian đột nhập gia cư và cưỡng hiếp chị Long mà công an tỉnh Long An thì nhất mực từ chối khởi tố tội phạm.
Tóm tắt sự việc: Vào một đêm của sự cố, mà mọi thứ diễn ra như kịch bả
n hoàn hảo tính trước, một người đàn ông 29 tuổi xông vào nhà chị Phạm Trần Thanh Long, ngụ tại thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh, Long An và cưỡng hiếp chị ngay trước nơi có 2 đứa con gái đang nằm. Vì sợ tên tội phạm có thể làm hại đến hai đứa con nhỏ, do chị biết mặt hắn, nên chị Long đã phải tìm cách hòa hoãn và cam chịu.
Thế nhưng ngay sau khi nộp đơn lên công an địa phương để tố cáo, thì lại bị coi là chuyện thông dâm, và công an không khởi tố.
Người phụ nữ đơn thân này tức giận đến mức đã làm đơn xin đi tù vì không chịu nỗi kết luận nhục nhã mà công an huyện và tỉnh Long An áp cho chị. Dù là nạn nhân, ngay sau khi chị nộp đơn tố cáo, cuộc sống chị bị truy bức liên tục bằng việc công an cô lập chị, điều tra, tới tấp gửi giấy kèm dân quân cầm gậy canh trước nhà, buộc chị phải lên làm việc.
Câu chuyện thật kỳ lạ. Ắt phải có điều gì đó khác hơn trong các dữ kiện thô và hời hợt mà người ta được nghe thấy, từ báo chí nhà nước. Bài phỏng vấn nạn nhân Thanh Long (34 tuổi) dưới đây, hy vọng sẽ cho người đọc thêm đôi điều và nhận định về một miền quê không yên tĩnh của Việt Nam hôm nay.
Đặc biệt cuộc trò chuyện được thực hiện ngày 20/10/2017, nhân ngày vinh danh phụ nữ Việt Nam, vào lúc những tiếng cười nói và chúc tụng náo nhiệt nhất.
Sau khi bị gọi tên vụ án của mình một cách như diễu cợt là “thông dâm” bởi Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An vào ngày 29-9, với tư cách là người bị nạn, chị đã làm gì?
- Em đã tiếp tục làm đơn gửi ra VIện kiểm sát tối cao ở Hà Nội và bây giờ thì chờ sự trả lời từ ngoài đó. Còn ở Long An, thì họ tỏ rõ thái độ: Huyện bác đơn khiếu nại, tỉnh cũng bác đơn khiếu nại. Rồi họ cứ liên tục gửi giấu mời để buộc em phải lên làm việc về đơn tố cáo cũ của em. Khi gặp những lúc như vậy, em nói rằng “giờ này còn làm việc gì nữa khi chính các ông đã bác đơn của tôi? Chính vì vậy tôi phải gửi đơn ra Hà Nội, và tôi giờ chỉ còn chờ phía Viện Kiểm Sát Hà Nội trả lời mà thôi”. Công an huyện gửi giấy mời liên tục với mục đích buộc em phải gỡ bỏ những thông tin về vụ án của em, mà em để trên facebook. Nhưng em nói đó là sự thật, nên không phải việc gì phải gỡ xuống. Họ gửi giấy mời tới tấp, hơn chục lần rồi.
Phía công an huyện Tân Thạnh cũng như của tỉnh Long An đã nói gì về yếu tố chị là một phụ nữ đơn thân có 2 con nhỏ, và bị xâm nhập gia cư bất hợp pháp và tấn công chị?
- Dạ, phía công an cố tình không khởi tố anh à. Chuyện dài lắm. Bởi vì trước đó do em biết nhiều chuyện ẩn khuất của các cá nhân lẫn cơ quan công an huyện nên họ từng hăm dọa là tiêu diệt em, khi họ thấy em ghi lại trên facebook, thế là đêm 20/6 đã xảy ra chuyện với em. Với những gì xảy ra, em tin rằng thủ phạm là phía gần với họ, và việc ra thủ đoạn với em nhằm em sợ hãi hay nhục nhã mà phải đi chỗ khác ở, và như vậy mọi chuyện xấu em biết sẽ không có cơ hội để nói ra.
Trước đây, khi em viết và tố cáo trên facebook của mình, thì an ninh của huyện đã đến và nói em phải gỡ xuống. Đó là thông tin về chuyện con ông cháu cha chỗ của em được sắp đặt để ngồi vị trí cao, nhiều tiền của. An ninh buộc em phải giải trình là chi tiết em nói đến cụ thể là ai. Khi em kể ra từng tên và sự kiện thì họ đành phải xác nhận rằng chuyện đó là có thật, nhưng truy em rằng còn ai khác ngoài em biết những chuyện này hay không? Thế nhưng đó là chuyện ai cũng biết mà không dám nói vì lo sợ thôi. Trước đó, em đã từng nói với một nhân viên công an huyện về chuyện ông ấy có nhiều bồ bịch với địa chỉ cụ thể, ngay sau đó ông ấy đã tỏ thái độ bằng cách cắt các liên hệ với em.
Trước khi thủ phạm xâm nhập gia đình em vào ngày 20/6 thì đã có nhiều chuyện xảy ra, nhưng sau ngày đó thì em liên tục bị hăm dọa. Công an huyện còn liên kết với ủy an huyện, cấm tất cả công nhân viên chức trong vùng, kể cả dân đến gia đình em để may đồ, vì em sống bằng nghề may. Ai đi đến thì bị công an gọi lên làm khó dễ. Đã vậy họ cho truy em là tiền ở đâu em sống? Làm với ai? Công an cho người đi điều tra những người đặt hàng hay phụ việc với em từ 4 năm trước để điều tra em có nhận tiền của ai, sống bằng cách nào, đời tư ra sao… mà không hiểu nổi, người đứng ra thực hiện các cuộc chất vấn này lại là ông Phạm Công Bô, đại tá, trưởng công an huyện Tân Thạnh.
Nhân vật gây án là người không lạ, sống ngay trong vùng. Công an đã ứng xử như thế nào với người này?
- Họ bênh vực người này ngay từ đầu, bất chấp thực tế. Khi tên này đến gây án thì hai đứa con em ở ngay trong nhà. Đứa lớn thì mắc bệnh tăng động nên đêm phải uống thuốc ngủ, nó không hay biết gì. Còn bé nhỏ, tên Ngọc Hân chỉ mới 3 tuổi thì thấy tất cả mọi thứ và hết sức sợ hãi. Đến hôm nay nó vẫn mang di chứng khủng hoảng. Nó chơi hai búp bê và tự đối thoại một mình “mẹ đi công an, con ở nhà ngoan nha, đừng để công an bắt nha”. Nó cứ chơi như vậy cho đến bây giờ mặc dù em cố tìm cách để nó quên những điều như vậy. Công an thì nói con nít 3 tuổi không có tư cách làm nhân chứng.
Khi biết chị không chấp nhận kết quả vụ án hiếp dâm mà công an chỉ xét là thông dâm, rồi tiếp tục gửi đơn lên cao hơn, công an huyện Tân Thạnh, Long An, đã ứng xử ra sao với chị?
- Họ liên tục gửi giấy mời em lên công an huyện làm việc. Lần này họ không nói là chuyện em viết những tố cáo trên facebook nữa, mà nói rằng làm việc về chuyện đơn khiếu nại tố cáo em gửi ra Hà Nội. Em từ chối và nói là họ đã bác đơn thì hôm nay không nói nữa. Em cũng ghi vào giấy mời mà em trả lại cho họ rằng nếu muốn làm việc nữa thì phải cho em ghi âm nội dung.
Cho đến nay, chị đã tìm đến cậy nhờ các trợ giúp pháp lý ở nơi nào hay của ai chưa?
- Dạ, đến lúc này thì em có nhờ ba luật sư của văn phòng luật Hoa Sen. Đó là anh luật sư Trần Văn Học, Lê Minh Nhân và cô luật sư Ngân. Riêng anh luật sư Học thì nói rằng phải làm cho ra lẽ vụ này.
Thường thì một người dân bị công an chính quyền tìm đến liên tục, gửi giấy mời, điều tra qua hàng xóm… những chuyện này có khiến cho chị bị cô lập, hàng xóm tránh né không?
- Dạ đã có lần em nói lớn tiếng khi công an huyện đi cùng điều tra viên, rồi dân quân đến nhà em canh trước cửa, làm như em là tội phạm, sợ em trốn vậy. Em nói họ làm như vậy là làm phiền em. Nếu không giải quyết dứt điểm được thì đừng đến nữa. Em vừa nói vừa ghi âm lại làm bằng chứng. Họ thấy em ghi âm thì ai nấy im lặng, không nói gì hết. Đó là họ đến đưa giấy mời và buộc em phải trả lời là có lên cơ quan công an hay không, và có đi thì mới đưa giấy mời. Em nói phải đưa giấy mời cho em coi, thì họ từ chối. Rồi em nói không đi vì giấy mời hẹn gặp lúc 1g30 trưa, mà hơn 10g sáng công an mới đến đưa giấy.
Hàng xóm nói chung thì bình thường anh à. Nhưng nói cho đúng thì nhà em chung quanh là đất trống, mẹ con sống rất hiu quạnh. Gần nhất là nhà của mấy cô chú công nhân viên đi làm suốt ngày, ít có dịp tiếp xúc. Nhưng em thấy thái độ của các cô chú ấy vẫn bình thường.
Trên báo đài vẫn nói trân trọng phụ nữ, kêu gọi bình đẳng. Còn về xã hội thì lúc nào cũng nói sống theo pháp luật, công bằng văn minh… khi rơi vào hoàn cảnh hết sức mệt mỏi như vậy, chị có suy nghĩ gì?
- Dạ, nếu mà nói thật sự ra thì chỉ là những cái lời cho có thôi anh à, chuyện nói trên tin thời sự thôi. Lời nói và việc làm thì khác nhau. Ngay như Hội phụ nữ huyện không hề có ai trả lời cho em khi em gửi đơn cầu cứu. Không ai lên tiếng hay thăm hỏi nhưng trên thông cáo báo chí thì họ nói đã đến nhà em thăm hỏi sức khỏe, động viên và giúp đỡ mẹ con em. Chỉ là nói láo nói xạo. Ở ngoài Trung Ương, Hội Phụ nữ đến tận nơi, gọi điện yêu cầu đại diện Hội phụ nữ huyện đến nhưng cũng không ai đến. Đã vậy có tờ báo viết về em, lại viết sai sự thật. Chẳng hạn phóng viên Đình Hưng ở báo Phụ nữ TP.HCM đã viết 3,4 bài gì đó nhưng hoàn toàn viết sai sự thật. Khi em hỏi thẳng mặt rằng sao lại làm như vậy, biết rõ mọi thứ, thì Đình Hưng nói rằng chị thông cảm bởi Hội phụ nữ rất sỉ diện, cô Yến ở Hội phụ nữ buộc em viết như vậy. Hưng nói nếu cần thì sẽ chỉnh sửa nhưng không hề có.
Đã có lúc em quá mệt mỏi nhưng rồi nghĩ lại, nếu em buông xuôi thì tội ác này có thể lại xảy ra với em hoặc với người khác, rồi lại chìm xuồng, nếu em không làm cho tới nơi tới chốn. Em phải cố gắng. Khi các con ngủ hết, em vẫn phải ráng ngồi làm dù đang mệt và đau để có thu nhập mà sống. Do ban ngày em phải dành nhiều thời gian để chơi với các con để tâm lý của chúng không bị nặng nề. Bên cạnh đó, ban ngày em còn phải dành thời gian làm việc với luật sư, với giấy tờ, đi gửi đơn… về chuyện tố cáo này. Mọi thứ chỉ còn dồn vào ban đêm. Đã có lúc em mệt và kiệt sức đến mức tim như ngừng đập, hạ đường huyết nặng do sốc khi nhận được giấy mời của Viện Kiểm sát thị trấn Tân Thạnh.
Nhưng em tin là mình nói sự thật nên phải gắng sức. Có lúc em giận quá nên định liên lạc với các đài nước ngoài để lên tiếng giùm nhưng rồi kềm lại vì tránh không muốn bị vu khống là cấu kết với nước ngoài, là phản động…
(Tuấn Khanh ghi)

----------------------------- Tham khảo thêm:

Sunday, October 15, 2017

Trên tất cả đỉnh cao là lặng im (*)


Chứng kiến nhiều trận lũ lụt tang thương nơi xứ Việt, tôi vẫn hay tự nhắc mình phải viết một bài hát nào đó về những điều đã thấy, về những sinh linh đã tận. Ca hát thì chẳng để làm gì. Nhưng tôi mong mình cất lên được tiếng lòng như bài văn tế nhỏ cho những người cùng màu da, tiếng nói trên quê hương mình hôm nay, sao vẫn mang đầy khổ nạn. Có thể tôi chỉ hát khe khẽ thôi, vừa đủ cho những linh hồn oan khiên về quanh được chút ấm lòng.

Thế nhưng, nhiều năm trôi qua. Lũ lụt hết lần này đến lần khác. Mạng người lại vẫn chìm sâu. Tôi lại chất chồng trong ký ức của mình về ruộng vườn tan hoang, những tiếng khóc trôi dạt buồn tủi, và biết rằng mình sẽ không viết nổi một bài hát như vậy, mà chỉ còn im lặng. Sự im lặng khó tả nằm hoài trên trang giấy và suy nghĩ, như khoảng vô thanh điên loạn giữa rầm rộ ngôn từ.

Thống kê tạm của đài VOV trong ngày 15/10/2017, nói rằng đã có 60 người chết, 37 người mất tích và 31 người bị thương. Bên cạnh đó còn 189 nhà bị sập, 30.827 nhà bị ngập, 1.948 nhà phải di dời khẩn cấp, hàng chục ngàn gia súc, gia cầm chết ngập. Tháng trước, bão số 10 cũng làm 125 người chết và mất tích, thiệt hại tài vật cũng vô số.

Những con số thì vô hồn. Những nếu chỉ một lần nhìn thấy hình ảnh đứa trẻ co ro trần truồng chìm trong nước, bà cụ với đôi tay giơ lên như muốn níu lại phút giây sau cùng, bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận khoảng lặng trong lòng mình. Khoảng lặng nhắc chúng ta cũng là con người, và phải biết xót xa cho đồng loại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng “Rừng là vàng, chặt 1 cây gỗ cũng phải thắp hương lạy cây”.  Nghe mà rưng rưng cho phận làm người Việt. Phải thắp bao nhiêu nén hương cho những người vừa chết đêm qua? Bao nhiêu hương thì mới ấm lại thịt da đã xanh tím của đứa bé giữa rong rêu? Bao nhiêu hương thì tiễn được nỗi niềm của cụ già khỏi dòng tức tưởi? Lời thủ tướng Phúc nói, vào ngày 14/10, cũng là những ngày tìm thấy từng xác người lây lất. Không nghe ông nghe nói gì về nạn nhân thiên tai và nhân tai, chỉ nghe ông nói bái lạy và vàng.

Ngày 13/10, đáp lại lời hò reo xúc động của cử tri về sức khỏe của mình, ông Trần Đại Quang cũng không nói gì về thảm nạn đang diễn ra suốt nhiều tỉnh miền Bắc và miền Trung, mà chỉ nhấn mạnh về thông tin xấu độc trên mạng. Không biết có liên quan gì, mà đến 15/10, các trang facebook đưa hình ảnh và thông tin đáng lưu ý về thiên tai lũ và nhân tai lụt đột nhiên đồng loạt khóa bài, ẩn các hình ảnh đã đăng, đồng bộ với các bản tin báo nhà nước hết sức chừng mực và tiết kiệm hình ảnh thực tế.

Nơi của ông thủ tướng và chủ tịch thật náo nhiệt. Điều đó thật tương phản khi tôi nhìn vào tấm hình người phụ nữ ngồi thắp một nén nhang vào hư vô. Gương mặt của chị ẩn trong đó ngàn bài ca mà tôi không viết nổi thành lời. Nén hương ân cần gửi vào gió, hát vào khốn cùng mà chỉ có những trái tim Việt Nam còn đủ nhân tính mới chia sớt cùng những số phận Việt Nam.

Cuộc sống hôm nay như một sân khấu hai mặt. Một mặt trình diễn những dị thường và một mặt giới thiệu từng giờ phút của đời thường. Mà phần dị thường, có cả tiếng các quan chức thời tiết, thủy điện… luôn phủi tay và nói mọi thứ đã đúng quy trình, đẩy phần còn lại là may rủi của nhân dân. 

Loại quy trình thô bỉ ấy vẫn diễn ra hết năm này qua năm khác không hề có kế hoạch đổi thay nào tốt hơn cho đời sống dân lành. Nhưng phần các quan chức thì luôn biết cách dời xa, dời cao để không cùng chung số phận với nhân dân.

Cứ sau những thảm họa, nghe các ngôn từ chải chuốt ngụy biện và lẩn tránh trách nhiệm của họ, không khỏi buồn nôn. Loại ngôn từ trá ngụy mà W. Shakespeare từng mô tả “khi cần thì bọn ác quỷ có thể dùng cả kinh thánh để biện minh cho hành động của chúng”.

Thật khó biết còn bao nhiêu người phải chết trong nước lũ từ đây về sau. Và cũng thật nhục nhã cho một quốc gia luôn huênh hoang về bước đại phát triển 4.0 nhưng hàng năm vẫn phải tế sống dân mình cho nước dữ như thời man rợ.

Tôi xếp trang giấy trắng, xếp lại bài hát mà mình ôm ấp. Tôi cũng không nói gì được về những gì mình đã thấy, đã nghe. Không gian đã quá chật chội với những âm thanh chúc tụng và ca ngợi. Tôi chỉ còn đủ sức giữ lại cho mình sự im lặng. Loại im lặng như M. Heidegger từng mô tả rằng “Sự im lặng như sấm sét còn gây nên chấn động cho tâm thức còn hơn cả tiếng sấm sét trong cõi im lặng”.

Một ngày nào đó, nếu bạn cũng cùng im lặng với tôi trong ít phút giây, có thể chúng ta sẽ cùng nhận ra đất nước và con người Việt Nam đang huyên náo trên những nỗi đau như thế nào.



(*) tựa một tác phẩm của Phạm Công Thiện.


Sunday, October 8, 2017

Chuyện một bức ảnh



Những bức ảnh luôn ẩn sau đó là những câu chuyện dài. Bức ảnh hôn lễ đơn giản được nhìn thấy vào tháng 10/2017 của cô gái Nguyễn Thanh Loan cũng vậy.

Ít ai biết rằng trước một đám cưới ấm áp và đơn sơ này tại một khuôn viên nhà thờ nhỏ ở Quận 11, Saigon, Loan đã trãi qua biết bao sự kiện nhọc nhằn đến khó tin.

Vốn là thành viên của nhóm Vì môi trường, Loan luôn bị chính quyền địa phương gây khó khi trở thành người lên tiếng về các vụ ô nhiễm sông nước, chặt cây xanh... cuộc sống của cô giáo trẻ này không còn bình yên nữa. Cô không thể dạy trẻ được nữa nên quay về mở lớp kèm thêm ở nhà cho một vài gia đình quen biết.

Tháng 3/2017, sự kiện ấu dâm đầy tai tiếng và nhiều tình tiết mờ ám ở trường Lương Thế Vinh, Thủ Đức diễn ra. Ấu dâm cũng là một loại ô nhiễm của đời sống xã hội mà, nên Loan cùng vài người mẹ cùng đến giơ khẩu hiệu yêu cầu bảo vệ trẻ em trước cổng trường. Những người phụ nữ này bị công an Thủ Đức ập đến giải tán. Người thì bị bắt, người thì bị đánh và xé khẩu hiệu. Riêng Loan thì bị quẳng lên một chiếc xe tải nhỏ, bắt về đồn. Cú xô đẩy và ném thô bạo đến mức Loan bị đập đầu vào thành xe, hôn mê.

Ở đồn CA, khi lục túi, người ta tìm thấy một khẩu hiệu bằng giấy A4, in chữ Stop Formosa, công an đã thẩm vấn Loan trong nhiều giờ giữa tình trạng cô không còn đủ ý thức. Điều mà cô nhớ được và có lẽ mãi mãi không hiểu là hình ảnh viên công an giơ tờ khẩu hiệu trước mặt cô, nghiến răng quát “đm, mày phản bội tổ quốc à?”

Loan chưa bao giờ tự vấn đủ về loại lý thuyết bảo vệ tổ quốc hay phản bội tổ quốc. Cô chỉ biết mình hành động như một người dân bình thường có đủ lương tri và tấm lòng cho cuộc đời chung quanh. Cô thương con cá chết oan ức do bị đầu độc, và cũng sợ con cá vào bữa ăn của gia đình nào đó. Cô thương hàng cây xanh và cuộc sống hiền lành như ước mơ của một cô giáo nhỏ muốn truyền dạy yêu thương đến bọn trẻ quanh mình. Vì vậy, cụm từ kinh khủng “đm mày, mày phản bội tổ quốc à?” Là một điều cô không thể tưởng tượng nổi.

Loan phải nằm bệnh viện nhiều ngày sau cú quẳng thô bạo đó. Vì cô bị buồn nôn và hoa mắt liên tục nên bệnh viện giữ lại, theo dõi cú chấn thường đầu để xem có nguy hiểm đến tính mạnh không. Cô giáo trẻ vốn gầy guộc, lúc đó mỗi lúc lại càng tiều tuỵ đến xót xa. 

Chuyện không dừng ở đó. Việc biểu tình chống ấu dâm của Loan khiến công an khu vực ở quê cô, tận phía Bắc xa xôi được lệnh đến nhà điều tra, khiến cả gia đình cô sợ hãi. Đã vậy, ở Sài Gòn, cô bị công an đến yêu cầu chủ nhà đuổi cô ra khỏi chỗ thuê. Thậm chí các công an thường phục còn chận đường phụ huynh chở con đến học thêm, ra lệnh không được đến nữa. Một lần rồi hai, ba lần như vậy. Người con gái miền Bắc vào Nam lập nghiệp bị đẩy xa dần thành phố, bị bức bách để không còn cách mưu sinh. Tứ cố vô thân là sự mô tả ý nghĩa nhất đối với Loan lúc này. Loan trở nên cô đơn và lạc lõng với những gì mà nhà trường và xã hội chủ nghĩa vẫn dạy và nhắc cô truyền lại với lớp trẻ rằng hãy sống và yêu thương, bảo vệ cuộc sống chung quanh. Cô đã sống và làm đúng như vậy, nhưng sao cô lại bị viên công an nhân dân cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ mặt “đm mày”?

Điều mà tôi vùa sợ hãi và lo sợ, lại vừa kính trọng là ít lâu sau đó, trong thời gian nhắc lại một năm thảm hoạ Formosa, là tôi lại nhìn thấy Loan với khẩu hiệu Stop Formosa xuất hiện trên Facebook. Loan tươi cười nhưng gầy gò. Chiếc áo quen giờ trở nên quá rộng so với thể trạng của Loan.

Bất chấp mọi thứ trái ngang ập xuống thật tàn nhẫn, Loan vẫn vậy. Ngay khi người ta dần quên chuyện biển miền Trung chết hay vết đau bé gái bị ấu dâm ở trường Lương Thế Vinh đã thành sẹo trong tim của bé, cũng như chính cha mẹ bé, Loan - một người vô can nhưng không thể dửng dưng - vẫn tìm cách nhắc lại, vẫn muốn pháp luật, công lý là kim chỉ nam của xã hội.

Tháng 10/2017, không lâu sau đó, Loan nhắn tin vui mừng là đã vô tình tìm được người để cô có thể tựa vào, tìm được hơi ấm chia sẻ và yêu thương giữa cuộc sống mà cô bị từ chối quyền thể hiện lương tri của công dân, của một người phụ nữ muốn chia sớt khốn khó với cuộc sống quanh mình.
Nhưng Loan nói cô vẫn vậy, suy nghĩ và nhịp đập trong tim không thay đổi nên cô vẫn chân nguyên là mình. Nhưng hôm nay Loan mạnh hơn vì cô được yêu thương, vì có người chia sẻ. 

Tôi ghi lại ở đây câu chuyện nhỏ này, như một cách góp chút yêu thương cho Loan, để cô mạnh hơn, tự tin hơn. Và cũng là một cách một mà tôi muốn bày tỏ suy nghĩ của mình với những con người mà mình từng được nhìn thấy qua ảnh - những bức ảnh chứa đằng sau đó vô số câu chuyện dài - mà họ trãi qua biết bao khốn khó và bị chà đạp, vẫn chân nguyên và đi tới. Đó là những thanh niên cô đơn với khẩu hiệu một mình trên những con đường, những người nông dân yếu đuối đứng lên đòi đất đai bị chiếm đoạt, những người từ bỏ vị trí đắc lợi để cất tiếng nói vì lương tri kêu gọi... Đất nước này cần họ, dẫu có vô danh, nhưng hàng ngày họ vẫn lấp lánh như những vì sao nho nhỏ trong đêm tối, lúc tất cả chúng ta đều đang giữa đêm đen ngóng chờ ánh sáng bình minh tới. Và rồi khi ban mai, có thể họ sẽ bị lãng quên.


Tham khảo thêm
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/be-7-tuoi-bi-nghi-xam-hai-co-te-bao-nam-trong-dich-am-dao-362034.html

http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/nghi-an-be-gai-bi-xam-hai-tai-truong-con-dau-lam-me-oi-20170313211541925.htm





Monday, September 11, 2017

Lịch sử nào, mà tha thứ cho ngày hôm nay? (*)



Thật khó tưởng tượng được rằng, khi chứng kiến đồng loại với những dấu vết bị trói và đánh đập đến chết nhưng ông Nguyễn Tiến Hải, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Thuận lại nhanh chóng đưa ra một kết luận đơn giản rằng “đã xảy ra một vụ đánh nhau” tại nhà tạm giữ công an của TP Phan Rang.

Ông Hải nói rằng “trích xuất” qua camera an ninh của  nhà giam (chứ không là nguyên bản), cho thấy. Nhưng nghe sao mà khó tin đến vậy. Một nghi phạm bị đưa đi vào nhà giam của công an, sau đó lại bất ngờ xảy ra một “vụ đánh nhau” không xác định - lời của ông Hải mô tả - khiến người ta rùng mình. Vì bởi nếu có một vụ đánh nhau như vậy, nạn nhân Võ Tấn Minh, 25 tuổi, chắc chắn đã bị không ít người tổ chức cùng đánh đến chết. Các dấu vết để lại cho thấy có từ phía sau đầu, đánh vào chân, ngực, tay đầy chủ đích… Đồn công an của nhà nước Việt Nam sao lại có sẳn một lực lượng “đánh nhau” sẳn sàng và chuyên nghiệp để kết liễu con người đến vậy?

Còn nếu trại giam không có “đánh nhau”, anh Võ Tấn Minh chỉ có thể bị trói và đánh đập đến chết. Vì qua video gia đình của anh quay lại vào ngày 10/9/2017, rất chi tiết, cho thấy hai cổ tay anh Minh bị xiết chặt và hằn đầy máu bầm của dây trói. Ông Nguyễn Tiến Hải nhân danh sự nghiệp của mình, hay bằng “lương tâm” loại gì để tuyên bố thật nhanh cho một nghi án mà bất kỳ người dân thường ít học, xem qua vẫn có được các suy đoán khác?

Mà bất luận là lý do gì đi nữa, cái chết của một công dân chưa bị kết án trong sự quản thúc của công an, là trách nhiệm và danh dự của ngành này. Giải thích như thế nào đi nữa, một khi đồn công an đưa người sống vào, trả xác chết ra là một dấu hiệu suy đồi và đen tối của ngành, mà cụ thể lúc này, trách nhiệm của công an tỉnh Ninh Thuận phải chia đủ cho từng người.
Tính từ đầu năm đến nay, ở Việt Nam, trung bình mỗi tháng có một vụ chết người đầy ẩn ức trong trại tạm giam. Nhưng riêng nhà tạm giam tạm giữ ở Phan Rang, Ninh Thuận gần đây đã tỏa sáng bất thường trên đất nước, trong việc góp 2 nạn nhân trong vòng 2 tháng. Nhắc lại cho rõ, đó là cái chết của anh Nguyễn Hồng Đê, 25 tuổi, vào tháng 7 vừa rồi. Và nay là đến anh Võ Tấn Minh, 25 tuổi, mà công an nói miệng là nghi can có chứa heroin trong người.

Cũng chưa có ai quên nổi chuyện cái chết rùng rợn đau thương của anh Nguyễn Hữu Tấn vào ngày 3/5/2017. Khi công an trả xác về, gia đình anh Tấn nhìn thấy trên cổ của anh chi chít những vết cắt bất thường không thuận tay. Dĩ nhiên, một kịch bản được dựng nên để diễn giải cho sự vô can, nhưng không ai tin nổi lời giải thích của các điều tra viên ở Vĩnh Long là anh Tấn chết do tự cắt cổ, từ dao rọc giấy của họ.

Tôi chỉ là dân thường. Thậm chí rất tầm thường. Nên tôi không bao giờ có thể đi qua nổi cảm giác đau đớn và tức giận khi nhìn thấy đồng loại của mình chết nghẹn ngào và oan khuất. Đặc biệt là nghẹn ngào và oan khuất từ chốn công quyền.

Lâu nay, những vụ chết người, khổ nạn như vậy nếu như không có tin tức từ cộng đồng mạng dấy lên, thì thường báo chí nhà nước cũng chỉ đưa tin qua loa lấy lệ. Các quan chức liên đới, đại biểu quốc hội… thì chỉ dám mở miệng bàn chuyện gái mại dâm hay quần bò, bất chấp những chuyện như bị thương nặng, chết người trong đồn công an diễn ra đều đặn, quặn căm lòng xã hội.

Tiếng khóc từ video của gia đình anh Võ Tấn Minh vang vọng, gào thét “anh thức dậy đi anh ơi” khiến tim tôi thắt lại. Không có loại âm nhạc nào mô tả được nỗi đau, kinh hoàng bằng tiếng khóc của mẹ, của vợ, của chị… Tiếng kêu gào của người dân tuyệt vọng tận đáy xã hội cứ nhắc tôi về những hình ảnh đẹp đẽ của các nhà lãnh đạo, quan chức cao cấp của Việt Nam, kể cả trong ngành công an, vẫn cung kính thắp nhang cúng chùa, xây đền, góp tiền cho tượng tháp…  Mọi thứ đó trong thoáng chốc đã bật ra sự lố bịch, rẻ rúng. Đồng loại thì khốn khổ, trò mua hình bán dạng ấy, liệu có ích gì?

Tôi không tin rằng chuyện cái chết của anh Võ Tấn Minh, anh Nguyễn Hữu Tấn… hay còn nhiều người khác nữa sẽ sớm được minh bạch, oan hồn của người đã khuất khó mà sớm được thảnh thơi. Vì những lời nói dối vẫn luôn chực chờ đâu đó. Thậm chí, những hàng hàng dùi cui và khiên chắn vẫn luôn được chuẩn bị để bảo vệ cho những lời nói dối như thế.

Nhưng dù sao đi nữa, xin mọi người đừng quên ghi lại. Mọi sự kiện vẫn cần được ghi lại về ngày đen đúa, tuyệt vọng của đất nước. Xin đừng để mọi thứ bị lãng quên. Những học trò ở Hàm Dương truớc khi bị chôn sống, vẫn ghi lại mọi thứ, để triều đại cao ngất của Tần Thủy Hoàng mãi mãi không bao giờ thoát khỏi lời nguyền rủa của nhân loại về sau. Nỗi đau và oan khiên cũng cần được trở thành lịch sử. Kẻ ác có thể dựng nên những loại lịch sử để ca tụng và lừa dối. Nhưng nhân dân cũng có những phiên bản lịch sử của sự thật được ghi xuống và lưu truyền. Lịch sử truyền đời từ hôm nay, nhắc rằng nền văn minh nhân loại không bao giờ lãng quên, không bao giờ dung thứ cho kẻ ác.




(*)mượn lời bài hát “Im lặng là đồng lõa” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang
--------------------------------
Tham khảo sự kiện:
http://www.baomoi.com/bi-danh-bi-can-tu-vong-bat-thuong-trong-nha-tam-giu/c/23244667.epi
Hình ảnh và video từ gia đình của nạn nhân Võ Tấn Minh (Ninh Thuận) https://www.facebook.com/DoanBaoCha...

Saturday, September 9, 2017

Đừng đi xa, hãy nhìn quanh mình



Những bức ảnh gợi nhớ thật nhiều về hàng cây cao và bóng mát đã chạy suốt trung tâm Saigon, mà đã bị đốn hạ cho một ước mơ bay cao bay xa về tuyến metro hiện đại Saigon - Suối Tiên. Tôi bồi hồi tìm thấy lại những hình ảnh mà mình loanh quanh ở Sài Gòn vào những ngày đáng nhớ ấy, ngay khi được nhắc bằng những dòng tin cho hay việc hoàn thành được công trình này có lẽ còn xa, vì nợ cũ ngập ngụa mà tiền mới để thi công chẳng biết lấy đâu ra. 

Metro nói đến ở đây, là dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành - Suối Tiên có tổng chiều dài 19,7km trong đó có 2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao. Dự án được khởi công từ tháng 8.2012, thời gian dự kiến hoàn thành lúc ban đầu là vào năm 2017. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, dự án chính thức ấn định lại thời gian đưa vào sử dụng, có thể là trong năm 2020.

Mà 2020 lại không dễ với tới, nhất là trong tình trạng kinh tế khó khăn, ngân sách cạn kiệt như lúc này.

Ngày ấy, tôi vẫn còn nhớ hình ảnh hai cụ già đạp xe ra ngồi nhìn tiếng cưa máy gầm rú, hổn hển vật ngã những thớ cây khỏe mạnh. Các cụ im lặng nhưng ánh mắt buồn buồn. Dường như những ánh mắt buồn nhân loại đều như nhau khi phải mất đi điều gì đó, chấp nhận đánh đổi cho tên gọi phát triển, mà có nơi thứ nhận lại là niềm vui, có nơi thứ nhận lại là ngỡ ngàng.

Hàng cây bắt đầu bị hạ xuống vào những ngày hè năm 2014, với những hành động rầm rộ nhằm thuyết phục người Nhật nhanh chóng trao vốn ODA, nhưng cho đến nay metro trung tâm Saigon không có gì ngoài những phần che chắn im lìm chờ thêm tiền cứu nguy rót xuống. Những con đường mở tạm vẫn len lỏi qua lòng thành phố, như một cách tạm bợ đi qua đời sống này, không có chuông rung báo hồi kết thúc.

Tính đến nay thì dự án này đã khiến chính quyền TPHCM công khai mắc nợ nhà thầu Nhật khoảng 1.339 tỷ đồng, một cách khó giải thích với nhân dân, nào là tiền phạt cho sự chậm trễ công trình, nào là khúc mắc chi tiêu cho dự án... Và nếu còn con số nào khác nữa, thì chắc chắn, nhân dân không được biết.

Có lúc chính quyền TP trách Trung Ương giam vốn ODA không cấp đủ cho dự án, còn có lúc thì Trung Ương trách TP tự động điều chỉnh tiền dự án tăng gấp 2,4 lần so với thời điểm ban đầu mà không xin ý kiến thông qua theo quy trình. Người Nhật thì phiền trách về việc ngưng đọng công trình, và nhấn mạnh rằng dù tiền cho vay ODA đã đưa đủ và đúng hạn rồi.

Còn nhân dân dám trách ai? Họ chỉ biết trách cuộc đời và ông trời đã để đặt họ vào cuộc sống dưới những người lãnh đạo mà họ không mong ước. Những lời nói văn vẻ qua lại của các quan chức không bộc lộ gì rõ hơn lúc này, ngoài ý nghĩa đó là một hệ thống rách việc.

Tiền thì giao đủ, nhưng dự án không xong, nợ phát sinh ngất ngưỡng. Người dân mất cây xanh, mất tiện nghi sinh thái và nay phải phải còng lưng góp sức đóng thuế để trả góp nợ, giúp cho chính quyền. Nghề làm chủ đất nước của người dân Việt Nam sao mà nhọc nhằn quá đỗi.

Năm 2015, khi phản biện về dự án này, tôi từng bị công an mời lên làm việc về thái độ dám chống lại chủ trương lớn của thành phố. Và không phải chỉ có tôi. Nhiều bạn bè tôi cũng bị làm khó dễ. Thậm chí còn bị một đội ngũ cực hữu hãnh tiến gào thét vào mặt "mai mốt khi có metro thì đừng có đặt chân vào nhé". Nghĩ cũng lạ. Khi ăn một cây kem, người ta còn muốn biết thành phần gì trong đó, thì tại sao một công trình hàng ngàn tỷ đồng, xáo động đời sống và bộ mặt của một thành phố triệu người, mà dân chúng không dễ thấy một bản vẽ hay mô hình trưng bày chi tiết để tham khảo. Nhưng nếu yêu cầu được biết thì có thể bị coi là kẻ phá bĩnh trong một ngày hội, mà dù không muốn vẫn phải mất tiền vé tham gia.

Lúc đó, với tư cách là một công dân của Saigon, tôi cùng bạn bè mình chỉ muốn yêu cầu được nhìn thấy một lộ trình hiện thực và khả thi cho việc đánh đổi.

Nhiều năm rồi, và cho đến hôm nay, tôi cũng vẫn đang ngồi chờ hiện thực ấy. Như bài hát của Trịnh Công Sơn "trong căn nhà nhỏ, mẹ vẫn ngồi chờ", tôi và bạn bè mình cũng vẫn ngồi chờ mà chưa thấy nổi một bậc thang một metro. Còn chung quanh mình, các bậc tam cấp vào nhà của các quan chức, cơ ngơi của các đại gia bắt tay làm ăn với chính quyền thì lại ngày càng nhanh chóng vĩ đại vững chắc. Không chỉ metro, khắp nơi trên đất nước này, các dự án cho nhân dân vẫn miệt mài và mông lung bên cạnh những sự phát triển đối nghịch như vậy.

Chắc rồi mọi thứ sẽ đến thôi. Metro rồi sẽ có. Dân tộc này vẫn thường hay gượng được qua mọi khổ nạn và khủng hoảng. Những chiếc vé metro cho đoạn đường đời ấy, đắt đỏ hơn người dân được biết. Đắt hơn, vì trong đó có cả những niềm tin mỏi mòn cùng việc bị buộc phải im lặng. Nhưng cái giá đắt ấy, cũng thật cần thiết. Vì phải trả giá và đi qua, con người mới nhận biết đủ con đường, cũng như mình đã đi cùng với ai.


Friday, September 1, 2017

Trung Quốc đâu chỉ tập trận ở sát biển Việt Nam



Trang web www.eastpendulum.com, một trang chuyên về tình hình Châu Á và biển Đông, bản Pháp Ngữ, đã đăng tải một bài của nhà báo Henri Kenhmann có tụa đề “Bientôt un mois d’exercice amphibie devant la porte du Vietnam” (tạm dịch: Gần một tháng tập trận đổ bộ gần cửa khẩu Việt Nam).
Bài viết đăng từ ngày 22/8, cho thấy sự kiện Trung Quốc tổ chức tập trận trên biển, cách Đà Nẳng chỉ có 75 hải lý, chỉ là một hoạt động đầy tính răn đe với riêng Việt Nam, tiếp theo cuộc tập trận trên bộ, kéo dài suốt trong cả tháng 8/2017.
Bài viết ghi rõ như sau “Kể từ đầu tháng Tám, Thủy quân lục chiến Trung Quốc cho thấy đang hoạt động tại Vịnh Bắc Bộ, gần biên giới Trung-Việt, bằng cách tiến hành một loạt các chiến dịch cứu hộ hỏa hoạn”.
Thế nhưng đó chỉ là bề ngoài của một cuộc tập trận quy mô với lệnh giới nghiêm, cấm mọi sinh hoạt qua lại của thường dân cũng như báo chí mà thời gian tập trận kéo dài từ ngày 1/8, cho đến ngày 23/8 vẫn còn dấu hiệu thao dượt.
Bài báo viết “Cần lưu ý rằng các vùng bắn dần dần chuyển hướng về phía Tây, theo hướng của Việt Nam, khi diễn tập diễn ra, trước khi quay về phía Đông. Khu vực gần nhất cách bờ biển Việt Nam khoảng 50 kilômét”.
Dựa trên các hình ảnh quân sự chính thức phát đi của phía Trung Quốc nhưng không tiết lộ rõ địa điểm, người ta thấy thủy quân lục chiến Trung Quốc đã dàn ra các loại xe bọc thép, như pháo tự hành PLZ-07B, xe tăng lội nước ZTD-05 hoặc xe chiến đấu bộ binh lội nước ZBD-05.
Theo một phóng sự trên kênh TV CCTV-7, một 'chiến dịch đào tạo đổ bộ' đã được tổ chức khoảng 30 phần diễn tập khác nhau, bao gồm phá hủy dưới nước, tiềm thủy công, tiến công đổ bộ…
Các bức ảnh khác được công bố vào ngày 21/8 cho thấy một lữ đoàn không quân của Quân đội Trung Quốc, thuộc Bộ tư lệnh miền Đông (Commandement du théâtre de l’Est), cũng có mặt trong việc thực tập đáp máy bay trên biển.  Đặc biệt, máy bay trực thăng chiến đấu Z-10 cũng xuất hiện bên cạnh 998 Kunlun Shan, chiến hạm lớp 071 của Hạm đội Nam Hải.
Một nguồn tin khác từ RFI, cho biết các cuộc diễn tập cận bờ này khởi đầu có vẻ là nội bộ của Trung Quốc, nhưng rồi vùng tập trận đã lặng lẽ dịch chuyển về hướng gần biên giới Việt Nam. Vòng ra biển rồi sau đó tiến vào một huyện giáp giới với tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam.
Giờ thì cuộc đại diễn tập của Trung Quốc chỉ còn cách bờ biển Đà Nẳng 75 hải lý.
Trong cuộc họp báo của Bộ ngoại giao Việt Nam vào ngày 31/8, trước các câu hỏi dồn dập của giới phóng viên về tình hình căng như dây đàn trên biển Đông, người phát ngôn Bộ ngoại giao lại cũng chỉ nói bằng một giọng điệu buồn chán, rằng “ “VN hết sức quan ngại về việc Trung Quốc công bố tiến hành diễn tập quân sự trong khu vực ngoài cửa vịnh Bắc bộ. VN đề nghị Trung Quốc chấm dứt và không lặp lại các hành động làm phức tạp tình hình tại Biển Đông”.
Trên thực tế, Trung Quốc đã đẩy mọi thứ trở nên hết sức phức tạp, từ tháng 6/2017 cho đến hiện nay chứ không phải chỉ riêng chuyện diễn tập.  Đến lúc này, tin về việc Bắc Kinh đe dọa dùng vũ lực với Hà Nội để buộc ngừng khoan thăm dò ở lô 136/03, đuổi hãng Repsol chạy khỏi Việt Nam chắc không còn là đồn đoán. Cách mà Bắc Kinh muốn nhắc nhở Việt Nam một lần nữa qua cuộc tập trận rầm rộ trên biển này, cho thấy người đàn anh cộng sản không vui trước tin tức Việt Nam định khai thác mỏ Cá Voi Xanh ở lô 118 vào tháng 11 này. Con số hải quân Trung Quốc chỉ còn 50 cây số nữa là đến Đà Nẳng, là một thông điệp rất rõ, vì lô 118 Cá Voi Xanh cũng chỉ cách bờ biển Việt Nam hơn 80 cây số mà thôi.
Quả là ngôn ngữ “quan ngại” thường dùng của Hà Nội giờ đây trở thành một trò hề trước các hành động rất cụ thể của Bắc Kinh. Và “quan ngại” cũng không thỏa mãn được hàng triệu người Việt đang xao xuyến trước vận mệnh đất nước mình, đặc biệt là những người từng cảnh báo về âm mưu xâm lăng của Trung Quốc lại bị chính nhà cầm cầm quyền Việt Nam đánh đập hay cầm tù.



Tuấn Khanh

Nguồn: http://www.eastpendulum.com/bientot-un-mois-dexercice-amphibie-devant-la-porte-du-vietnam 

Wednesday, August 30, 2017

Trò chuyện với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa: “Oan uổng cho tài sức của dân tộc Việt”



Sự kiện ông Trịnh Vĩnh Bình đang thắng thế trong cuộc chiến với Nhà nước VN, đòi 28.000 tỉ đồng, đang nhắc một chuyện rằng chưa nào giờ nền kinh tế của VN đang đứng trước nhiều khó khăn như hiện nay: nợ công tăng, tiền của nhiều dự án phải trả, cũng như hơn 200.000 tỉ đồng cần thanh khoản cho hệ thống nhà nước vào cuối quý 4 này. Nhiều người đồn đoán về một cú khủng hoảng lớn hay suy sụp của VN sắp tới, liệu điều đó có khả năng xảy ra không, thưa ông?

-         Đầu tiên, tôi muốn định nghĩa là thế nào là suy sụp. Tôi lấy ví dụ là năm 1997, Thái Lan đã trãi qua một giai đoạn tăng trưởng rất nhanh trong 8 nước có chủ trương tân hưng. Rồi bất ngờ vào ngày 2/7/1997 thì Thái Lan rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính, kéo dài đến 10 năm. Điều này tác động đến nhiều thứ thay đổi ở Thái. Trở lại định nghĩa suy sụp, tôi tin rằng chọn một mô hình phát triển kinh tế thì bao giờ cũng gặp phải những khủng hoảng và suy sụp nhất định ở các mặt. Có thể là 5 năm, có thể là 10 năm. Nhưng khủng hoảng về chính trị thì dễ chữa chứ còn khủng hoảng về văn hóa thì khó chữa hơn. Điều mà tôi ngại ở Việt Nam là vấn đề đó, tức tan nát từ văn hóa, đặc biệt khi Việt Nam ở bên cạnh Trung Quốc.
Trong bối cảnh mà thế giới cứ khoảng 5 năm lại bùng phát các đợt sáng tạo và thay đổi, thì sự suy sụp mà ta nói đến, sẽ kéo Việt Nam trì trệ sâu hơn, oan uổng cho tài sức của người Việt, của dân tộc Việt.

Tôi không nói Việt Nam sẽ sụp đổ về tài chính công, tức nói thẳng là nợ, mà sẽ gặp căng thẳng vô cùng về ngoại hối. Vì lẽ trong giai đoạn 2008-2014 đồng Mỹ kim trị giá thấp, ai nấy đều vay tiền Mỹ. Nay thì tiền Mỹ có giá hơn nên nợ trở nên cao hơn. Đặc biệt là chuyện vay nhiều rồi dùng sai mục đích, tham nhũng, chia chác… thì không có cách  gì trả nổi. Và chính giai đoạn đó sẽ dẫn đến đổ vỡ nhiều thứ và nhiều hậu quả, kể cả mất luôn các cơ hội tăng trưởng cùng nhịp với thế giới. Nhưng để gọi là suy sụp hay sụp đổ một chế độ thì không đơn giản là dựa vào các yếu tố  như vậy.

Nhà nước CSVN lâu nay vẫn kềm giữ sự bình ổn trong xã hội bằng bẫy thu nhập trung bình. Thế nhưng các vấn đề tài chính gần đây đã bắt đầu có những tác động như qua việc tăng thuế, tăng giá sinh hoạt… Sự liên kết phản ứng của giới tài xế trước việc lạm thu BOT ở Cai Lậy cũng là một chỉ dấu tạm gọi, về sự bất mãn của giới trung lưu. Đó có là những vấn đề liên quan đến khía cạnh chính trị, dù chưa rõ ràng?

-         Tôi nghĩ là chỉ một phần thôi. Vấn đề của giới trung lưu có hai mặt. Mặt kinh tế thì họ sẽ nhận thức xã hội khác đi khi họ bị mất quyền lợi thu nhập như trước. Nói nôm na là nghèo đi. Còn mặt ý thức chính trị thì luôn luôn là một ẩn số. Bởi trình độ văn hóa và tư duy về luật pháp-xã hội ở mỗi quốc gia đều khác nhau. Nhìn về Hàn Quốc, thì phải có một tầm mức nhận thức chung nào đó thì giới trung lưu mới cùng với dân chúng cùng xuống đường bãi nhiệm bà tổng thống Park Geun-hye như vậy.

Tôi thì quan tâm nhiều hơn đến thành phần gọi là trung lưu thấp, hoặc giai cấp nghèo hơn, vì ít ai để ý đến họ. Báo chí nước ngoài đến Việt Nam phỏng vấn thường tìm đến những người biết tiếng Anh, chứ ít khi nào gặp những bà cụ ở thôn quê hay gia đình những ngư dân chết dở sống dở vì biển bị nhiễm độc. Đó mới chính là tầng lớp phản ánh đúng về cuộc sống và mang khát vọng thay đổi xã hội lẫn chính trị.

Nhân dịp ông nói về giới “trung lưu thấp”, chúng ta hãy bàn về giới “trung lưu cao”. Nhà nước CSVN vẫn cố tạo một mặt bằng bình ổn cho giới này làm ăn, đầu tư và tạo ra một mặt bằng của Việt Nam có vẻ phồn vinh trong suốt giai đoạn hội nhập với thế giới. Nhưng rõ ràng là các lồng luật pháp nhốt giới trung lưu ngày càng chật với sự thành đạt của họ, đó là chưa nói về lớp đại gia như Phạm Nhật Vượng, Bùi Thành Dương, Trần Bá Nhơn… chẳng hạn. Liệu để đảm bảo cho quyền lợi và tương lai làm giàu của mình không bị tổn hại, giới này có tham gia tác động vào những thay đổi chính trị hay không?

-        Cũng có những lớp trung lưu nhận ra điều đó, nhưng không nhiều ở Việt Nam, bởi cái khó riêng của nó. Ở các nước khác, chẳng hạn như Đài Loan hay Hàn Quốc họ chấp nhận phần mất mát quyền lực của nhà cầm quyền để đất nước đổi thay qua các thời điểm tranh cử. Quốc Dân Đảng của Lý Đăng Huy hay Nam Hàn với Kim Đại Chung là những ví dụ rất rõ. Việt Nam không có đa nguyên đang đảng nên giới trung lưu ái quốc và tiến bộ hiện nay chỉ có thể nghĩ đến chuyện thay đổi kinh tế hay vậy chất mà thôi. Bị bao bọc bằng các luật lệ về chính trị nguy hiểm nên họ chỉ có thể mơ đến chuyện làm giàu và làm sao để không va chạm với thể chế. Và đó là cái dở, là ngõ cụt của giới trung lưu tiến bộ và ái quốc. Quan chức khuyến khích chỉ nên làm giàu chứ không nên đụng đến chính trị, nhưng với Việt Nam khi đã khủng hoảng chính trị đến, thì mọi thứ sẽ bị kéo sát đáy.

Nhắc về quá khứ, Nam Hàn và Việt Nam Cộng Hòa có cùng một trình độ  phát triển. Nhưng Việt Nam thì lại kẹt vào chiến tranh. Ngay lúc đó, Park Chung Hee đã yêu cầu giới kinh tế gia phải phác thảo những kế hoạch 10 và 20 năm cho nhu cầu phát triển kinh tế đất nước, từ đó các tập đoàn tư doanh lớn ra đời, đặt nền móng cho các thương hiệu và nền sản xuất lớn của Nam Hàn về sau. Riêng Việt Nam thì khác, chẳng hạn công ty điện lực nhà nước tự mọc ra một loạt các công  ty con (cũng của nhà nước) để chia chác, mua bán, tham nhũng. Rồi các công ty con nào đó của Bộ Quốc Phòng chia chác, lạm dụng đất đai của dân chúng để làm giàu thì không là kế hoạch phát triển cho tương lai, thì chỉ là dự báo cho những khủng hoảng sẽ đến. Ngay cả Trung Quốc giàu mạnh vậy mà cũng đang vướng vào những chuyện khó gỡ tương tự thì Việt Nam không thể chạy khỏi.

Có thể trong con cháu của những người lãnh đạo, cũng có người có lòng nghĩ đến nước nhà nhưng chắc chỉ có một thiểu số nghĩ đến việc thay đổi chính trị. Nhưng với lợi thế của mình, phần lớn họ chỉ dám nghĩ đến việc làm giàu trước đã vì chính họ cũng nghĩ rằng các cơ hội như vậy sẽ không còn dài, trong một xã hội hay nền chính trị đầy bấp bênh trước mắt.


Tuấn Khanh ghi

Thursday, August 24, 2017

“Bolero không âm mưu cản đường phát triển của bất kỳ ai” nào về văn hóa"


– Bolero – từ khóa chưa thôi “hot” trong gần một năm qua với nhiều tranh luận của người làm nhạc. Có người cho rằng, bolero ngày càng sống khỏe – phản ánh giá trị đặc biệt của dòng nhạc này, nhưng có người lại cho rằng, bolero là hoài niệm, nếu sống mãi với hoài niệm, đồng nghĩa không chịu phát triển. Vậy bolero là một dòng nhạc thế nào trong anh? Theo anh, nó đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình?
– Nếu gọi bolero là hoài niệm, thì tôi cho đó là một nhận định sai. Người ta nhắc đến từ “hoài niệm” khi điều đó, giá trị đó không còn ở hiện tại, và chỉ được nhắc lại theo dịp. Nhưng bolero không mất, mà đúng như bạn diễn tả là “đang sống khỏe”, thì không có gì phải hoài niệm cả. Không ai nghe nhạc cổ điển của Mozart hay Beethoven mà bị gọi tên là hoài niệm. Và nếu thích thưởng thức chỉ nhạc cổ điển thôi, cũng không có nghĩa là “không chịu phát triển".
Tôi cũng rất ngạc nhiên khi nghe một lý luận râm ran và mơ hồ về chuyện bolero đã hoàn thành giai đoạn lịch sử của mình và nên nhường chỗ cho sự phát triển. Tôi đã từng bật cười với bạn bè của mình và hỏi rằng thôi thì cứ cho là âm nhạc cũng cần phát triển như cầu đường hay xe bus, nhưng xin chỉ giúp tôi một “dấu hiệu” về “sự phát triển” mà rất nhiều người đang muốn ngụ ý đến là gì? Cũng cần nên nhớ là bolero không âm mưu cản đường phát triển của bất kỳ ai, mà chỉ là những người chủ trương âm nhạc “phát triển” đang nghèo nàn về khả năng nên giận cá chém thớt thôi.
Rõ ràng việc thị trường âm nhạc hôm nay đơn điệu chỉ có bolero thôi, là một dấu hiệu bất thường và thụt lùi của mặt bằng văn hóa nước nhà. Mà bản thân những sáng tác bolero hơn nửa thế kỷ trước hay người nghe đâu có lỗi. Lỗi thuộc về những người có trách nhiệm về văn hóa.
–Trong quan sát của anh, bolero có đời sống thế nào từ khi nó xuất hiện ở Việt Nam? Dòng nhạc này có lúc được gọi là nhạc vàng, nhạc sến, phản ánh điều gì?
Tôi có viết nhiều bài về chuyện này, nói ra thì rất dài. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng tên gọi vàng – đỏ – xanh chỉ là gán ghép qua vỏ ngôn ngữ. Giống như người ta hay gọi nhạc cổ điển là bác học – quả là ngớ ngẩn – vì không có nhạc sĩ nào muốn làm bác học trong âm nhạc cả, họ chỉ muốn được là một nghệ sĩ, không cần phải là giáo sư hay tiến sĩ gì đó, cũng đã đủ kiêu hãnh.
Ngôn ngữ không có tính giai cấp, chỉ có con người mang sự thô thiển của riêng mình và thói quen áp đặt tạo thành các tên gọi, rồi từ đó tự phân loại xanh đỏ – sang hèn. Từ thập niên 1950 đến nay, ở miền Nam không ai tranh cãi hay phiền hà gì với các tên gọi. Chỉ là trong thời gian gần đây, khi dòng nhạc bolero bùng lên thì các tranh cãi đó mới ăn theo một cách vô nghĩa mà thôi.
– Việc dòng nhạc này thời gian gần đây “sống dậy” mạnh mẽ hơn ở các phòng trà, sân khấu lớn và truyền hình thực tế, anh lý giải chuyện đó thế nào?
– Nếu bạn để ý, phần lớn các ca sĩ của American Idol được chú ý, gây tiếng vang, đều là người trình bày dòng country. Điều đó không có nghĩa là nhạc country đang “sống dậy” ở Mỹ. Các chương trình thương mại ở Việt Nam đang phản ánh nhanh và đôi khi hời hợt – về thị hiếu cúa đám đông. Trong câu chuyện mà chúng ta đang nói đến, có lẽ nên đặt lại một ý khác, là các chương trình giải trí thương mại đang khai thác quá lố và bào mòn một dòng nhạc thưởng thức quen thuộc ở miền Nam, đến mức khiến khán giả của chính dòng nhạc này cũng khó chịu.
– Thực tế, bolero ở thời điểm không xuất hiện trên sân khấu lớn, vẫn tồn tại âm ỉ trong đời sống người Việt, đặc biệt người miền Nam – trên các chuyến xe đò đường dài, quán cafe… qua những chiếc băng cát xét như một mạch ngầm đời sống. Điều ấy theo anh phản ánh tâm thức nào của cộng đồng?
– Tôi đến Huế và đã từng ngồi hết một chương trình ca Huế với lòng tôn trọng, nhưng không cảm thấy mình bị thu hút nhiều. Ngược lại, sau đó nghe những người xung quanh tấm tắc, mới biết mọi thứ thuộc về sự quen thuộc và nhận thức rất riêng. Miền Nam có thú vui riêng của mình như cách ăn phở có nhiều rau và không quen thêm bánh quẩy. Âm nhạc cũng vậy. Miền Nam chọn bolero là cách giải trí và thưởng thức hàng ngày chứ không âm mưu làm một cuộc bành trướng nào về văn hóa. Gọi tên “tâm thức” nghe lớn lao quá. Tôi không nghĩ bolero tự chọn mang vào mình một sứ mạng cao cả nào, mà chỉ là sự chọn lựa đồng thuận của nhiều thế hệ nơi vùng đất hết sức dân chủ: văn hóa nào, dòng nhạc nào cũng có thể mang đến giới thiệu, nếu đủ sức chinh phục thì ở lại, vậy thôi.
– Việc nhiều ca sĩ hát coi việc hát lại các ca khúc này như thổi làn gió mới vào một dòng nhạc cũ, nhưng anh thấy thực sự bolero có được “làm mới”?. Anh chia sẻ thế nào về hiện tượng này?
– Tôi nhắc lại về tính phóng khoáng của bolero nói riêng và khán giả miền Nam nói chung. Có rất nhiều ca sĩ ở miền Trung, miền Bắc đã đến và lập nghiệp bằng bolero. Có người thành danh và được xưng tụng không cần đến báo chí nhận định hay gợi ý, chẳng hạn như ca sĩ Ngọc Sơn. Cũng có những cuộc “cách tân” hay thể hiện mới tạo nên làn sóng trong một thời gian nhưng quy tắc chung thuộc về một phong cách và khuynh hướng riêng của miền Nam vẫn chiếm ưu thế. Mãi mãi Tuấn Ngọc sẽ không thể hát hay những bài hát của Thanh Lam, ngược lại Mỹ Linh sẽ không thể hát như Ngọc Lan hay Tuấn Vũ. Nhưng sự thử sức mình trong một dòng nhạc có cơ may ăn khách là điều bình thường của showbiz trong giai đoạn rộn ràng và đơn điệu. Mai đây, khi thị trường lấy lại sự cân bằng và phát triển đồng bộ, mọi thứ sẽ khác.
– Anh đồng cảm hay không đồng cảm với phát ngôn của Tùng Dương: “già trẻ lớn bé đắm đuối bolero đúng là sự thụt lùi”? Vì sao?
– Tôi có đọc qua lời của ca sĩ Tùng Dương, và cũng đọc những lời chỉ trích anh. Nhưng tôi có sự diễn dịch riêng của mình, khác một chút, từ suy nghĩ của Tùng Dương. Trước đây, chương trình Bài hát Việt cúa VTV tốn rất nhiều tiền của để tạo nên một khuynh hướng mới và rồi cũng lịm dần vì không có khán giả. Rõ ràng việc thị trường âm nhạc hôm nay đơn điệu chỉ có bolero thôi, là một dấu hiệu bất thường và thụt lùi của mặt bằng văn hóa nước nhà. Mà bản thân những sáng tác bolero hơn nửa thế kỷ trước hay người nghe đâu có lỗi. Lỗi thuộc về những người có trách nhiệm về văn hóa, đang làm nghèo nàn đời sống đa dạng vốn đã có từ thời nhạc trẻ Làn Sóng Xanh ở miền Nam vào thập niên 90.
– Cảm ơn những chia sẻ của nhạc sĩ Tuấn Khanh!


Bài THỤC KHÔI thực hiện (tạp chí Đẹp)
(tháng 8/2017)