Wednesday, December 23, 2020

Mừng Giáng Sinh từ một người ngoại đạo

Mùa Giáng Sinh năm đại dịch thứ nhất, thật thú vị khi được nghe một tu sĩ Phật giáo kể chuyện ngày Chúa sinh ra. Trong ngôi chùa nhỏ của hòa thượng Thích Thiện Minh, bữa cơm ngày cuối năm, ông kể lại nhiều kỷ niệm thời ngồi tù chung với các linh mục, các tu sĩ của Hòa Hảo, Cao Đài… và cả các sĩ quan của chế độ VNCH tại Xuân Lộc, Đồng Nai.
Hình ảnh cả ngàn người tù chia nhau một không gian chật chội, nhưng đầy yêu thương, như hiện ra trước mắt. Hai nhân vật của tôn giáo lớn là linh mục Trần Đình Thủ (1906-2007) và hòa thượng Thích Đức Nhuận (1924-2002) được mô tả là những thủ lãnh tinh thần của tất cả mọi người, cố gắng xây dựng một nơi hà khắc thành những nơi chia sẻ, an ủi lẫn nhau.
Ngài Thích Thiện Minh kể rằng Giáng sinh hàng năm nơi trại tù ấy, ngài linh mục Trần Đình Thủ luôn tính đủ số các tù nhân trong trại, và thuyết phục cán bộ để cho mọi người được nhận những phần quà và tiền lưu ký (tiền gửi vào trại, để tù nhân có thể mua hàng, thức ăn trong trại) lớn hơn ngày thường, cùng mừng một ngày lễ Giáng Sinh. Đức hy sinh và uy tín của linh mục hàng năm vẫn làm được điều đó, thậm chí khiến các cán bộ cũng đồng ý làm việc nhiều hơn để đạt được yêu cầu của ngài. Theo lời kể, lúc đó mỗi người tù chỉ nhận được 20.000 đồng tiền lưu ký, với chữ ký chấp nhận của cán bộ trại. Mùa Giáng Sinh, linh mục Trần Đình Thủ nhắn ra ngoài vận động, không để sót một ai trong số cả ngàn người tù, nên có đủ phiếu hợp lệ nhận tiền của từng người, các cán bộ trại phải chia nhau ký, mất đến mấy ngày mới đủ số phiếu theo yêu cầu của ngài.
Một miếng bánh, một điếu thuốc… là những món quà quý trong những ngày như vậy. Mỗi tù nhân không phân biệt là ai, đều được nhận cùng với lời chúc hy vọng cho bản thân mình và cho mọi người. Chúa thật sự đã ở cùng anh chị em trong những giờ phút đó. Dĩ nhiên, lễ tôn giáo thì không được nhìn nhận trong trại giam nên khi chúc nhau, mọi người đều nói nhỏ với nhau, mừng Giáng sinh an lành.
Thậm chí có một mùa Giáng Sinh, thấy mọi người phải đi lao động cực nhọc quá, linh mục Trần Đình Thủ từng trực tiếp gặp cán bộ trại, xin rằng nếu phần lao động đó được quy bằng tiền, ông muốn được đại diện cho tất cả tù nhân, tạo quy chế mới để ngày chỉ đi lao động 4 tiếng thôi, còn bao nhiêu thành tiền, mỗi tháng ông sẽ nhờ người đến trại để nộp vào. Dĩ nhiên, điều đó không được ban quản lý trại giam chấp nhận, nhưng lại là một kỷ niệm không thể nào quên đối với những ai đã từng có thời gian ngồi tù với ngài.
Phía Phật giáo cũng vậy, hòa thượng Thích Đức Nhuận cũng cố vận động, chia sẻ cho mọi người vào ngày Phật Đản. Cũng tương tự như cách làm phía Công giáo, ngày lễ này cũng là một ngày mà mọi người cùng được chút khác biệt. Hai vị linh mục và hòa thượng này ở trong tù, với nhau như bạn thân, luôn chia sẻ cách làm và giúp đoàn kết các người tù với nhau.
Quà Phật Đản cũng đặt ở trên đầu chỗ ngủ mọi tù nhân, không phân biệt là ai. Có năm, quà chia chậm, thấy mình chưa có, linh mục Trần Đình Thủ đi qua phía trại giam của hòa thượng Thích Đức Nhuận, cười hỏi “Sao Phật Đản mà tôi chưa được quà?”. Lập tức hòa thượng Thích Đức Nhuận chắp tay xin lỗi – thật sự - nói sơ xuất chậm trễ, rồi tự tay trao quà cho ngài.
Chuyện kể, chỉ để thấy rằng tôn giáo không có biên giới. Nếu sống với kim chỉ nam là tình thương và lòng từ bi, mọi sự khác biệt đều là thứ tầm thường nhất. Sự thân thiết và chia sẻ của hai vị lãnh đạo tôn giáo tại trại giam vô thần, luôn là bài học lớn cho đời sau.
Hòa thượng Thích Thiện Minh, người kể lại câu chuyện cũng là một tù nhân 26 năm, có cơ duyên gặp được cả hai vị linh mục và hòa thượng trong trại Xuân Lộc, Đồng Nai

Câu chuyện Giáng sinh của những năm rất xa được kể lại, cho thấy yêu thương và hòa đồng là điều đã luôn có, nhưng luôn mất đi hay bị thao túng vì chính trị.
Trong cuốn Lasting Happiness in a Changing World do nhà báo Douglas Abrams ghi lại cuộc trò chuyện phi thường của hai người bạn thân là Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 và Tổng Giám Mục Nam Phi Desmond Tutu, cũng cho thấy, khoảng cách và sự chia rẽ do con người tạo ra chỉ có thể cùng những âm mưu và thấp hèn. Cùng một động tác khi cả hai con người vĩ đại này bày tỏ với nhau – đặt tay lên tim – Đức Tổng Giám Mục nói đó là chân thành và yêu thương, còn Đức Đạt Lai Lạt Ma thì nói đó là từ bi, quảng đại.
Rõ là chẳng khác biệt gì, khi mọi người đến với nhau bằng những điều tốt đẹp nhất và tự giải thích nó bằng suy nghĩ tử tế nhất.
Mùa Giáng Sinh năm nay, không thấy nhiều các thầy tu lừng danh lẫn vô danh bên Phật giáo quốc doanh lên tiếng chống đối lễ mừng Chúa sinh ra của người công giáo. Cũng không thấy các công văn chỉ đạo từ ai đó đòi dẹp bỏ những hình ảnh Công giáo trong các trường học trẻ em. Từng năm như vậy trước đây, các ngôn luận đó luôn là loại gai độc làm nhói đau trái tim của tất cả những người tử tế, yêu tự do tôn giáo trên đất nước này.
Chưa hẳn Giáng Sinh năm nay là một giáng sinh thật sự an lành tại Việt Nam, khi vắng bớt những điều như vậy. Vì trước đại hội Đảng, mọi thứ ổn định xã hội là điều tối cần thiết, hơn là thực hiện nhiệm vụ thường ngày của các loại thầy tu, quen hành động báo công như vậy.
Cuộc sống vẫn mở ra với hướng đi tự nhiên, chọn lựa thanh bình cho mình và cho người. Tất cả từ sâu thẳm trái tim của mình. Thật đáng xấu hổ, nếu như cuộc sống ngoài đời lại thiếu tình thương và sự hòa đồng tôn giáo, thua cả những Giáng sinh khốn khó trong các nhà tù.

 

------

·     • Linh mục Trần Đình Thủ (1906-2007) là người sáng lập ra Dòng Đồng Công tại Việt Nam từ năm 1953. Trong một thời hai thập niên 60 và 70, sự phát triển mạnh mẽ của dòng tu này khiến những người chứng kiến phải khâm phục. Hoạt động của Dòng Đồng Công Là tập trung vào việc phát triển giới trẻ và mở rộng tất cả những hoạt động hỗ trợ cho giáo dục cho thanh thiếu niên nghèo. Tháng 6/1976, linh mục Đa Minh Maria Trần Đình Thủ bị chính quyền mới bắt giam lần đầu (giam trong một năm) cùng với 52 người của nhà Dòng tại Di Linh, mà lý do cho đến hôm nay vẫn mù mờ. Theo nhiều người kể lại, phía công an bắt giam nói khám phá tài liệu dạy giáo lý cho tín hữu của Dòng Đồng công do Linh mục Đa Minh Maria Trần Đình Thủ soạn thảo, mang tính chất tuyên truyền phản động chống Đảng và nhà nước XHCNVN. Thật khó giải thích, vì các tài liệu giáo lý này dạy rằng phải vâng lời và tín thác cho Chúa chứ không vì điều gì khác. Án tù (bắt lần hai, từ năm 1987) của linh mục Trần Đình Thủ là 20 năm, nhưng ngài chỉ ở có 6 năm thì được trả tự do, do sự vận động của nhiều nơi.

·     • Hòa thượng Thích Đức Nhuận (1924-2002) là một bậc trí giả, ngài vừa là giáo sư triết học Phương Đông của đại học Vạn Hạnh, vừa là chủ bút của của nguyệt san Vạn Hạnh và Hóa Đạo, cũng là chánh thư ký viện Tăng Thống Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (từ 1967 đến 1973). Năm 1985, ngài bị chính quyền mới kết án âm mưu, tổ chức chống cách mạng, do đó có cùng thời gian được gặp gỡ và làm bạn với linh mục Trần Đình Thủ. Ngài ngồi tù 9 năm, và về chùa Giác Minh tĩnh tu vào năm 1993. Từ năm 1977, hòa thượng Thích Đức Nhuận đã bày tỏ chính kiến và sự khác biệt với chính quyền mới. Nhiều bài phân tích và tuyên bố của ngài đã gây xôn xao trong lòng người miền Nam lúc đó. Bản cáo trạng phát đi năm 1977 của ngài là một ví dụ. Trong đó, ngài viết “Nạn nước không từ ngoài tới, mà bi thảm thay, lại do chính con người Việt Nam, mất linh hồn, chối bỏ dân tộc, từ chối giá trị làm người, cam tâm làm tôi tớ cho ngoại bang... xô đẩy đồng bào đất nước ta vào cuộc chiến tranh lửa đạn, một cuộc chiến tranh tàn bạo, nhơ bẩn, phi lý, chỉ nhằm phục vụ ý thức hệ và quyền lợi của khối Quốc tế Vô Sản… Hiện đồng bào mọi giới đang phải nép mình sống cuộc đời tù ngục, mất hết tự do kể cả thứ tự do tối thiểu cần có dành cho con người là quyền cư trú, đi lại, làm ăn sinh sống cũng đã bị nhà nước ngụy quyền cộng sản hạn chế, ngăn cấm.” (trích)

-------

Tuesday, December 22, 2020

Chuyện nhỏ, tháng 12

 

Tháng 12, làm nhớ thật nhiều điều, nhớ cả những người đã mất.

Tôi chứng kiến tháng 12 lần lượt đưa hai người mình yêu mến về với trời xanh: Nhạc sĩ Việt Dzũng - một người anh với nhiều kỷ niệm khó quên, và Duy Quang, giọng ca đã dẫn dắt tuổi hoa niên của tôi dạo chơi trong khu vườn thơ mộng, và đến với âm nhạc Phạm Duy từ thuở nhỏ.

Ca sĩ Duy Quang mất 19-12 năm 2012, lúc 62 tuổi. Còn nhạc sĩ Việt Dzũng thì mất 20-12, năm 2013, lúc 55 tuổi. Cả hai chuyến du hành định mệnh đó, đều làm tôi ngẩn ngơ.

Với Duy Quang, là những bài hát đầu tiên gây choáng váng về âm nhạc lẫn người trình bày. Đó là thuở non dại của cuối thập niên 70, của thằng con nít đang thiếu niềm vui, vô tình bấm vào cái máy cassette của bà chị trong nhà. Giọng hát như kẹo mạch nha của Duy Quang làm bài Đốt lá trên sân (Bé Ca 6) của Phạm Duy, lẫn lời bài hát như loại ma túy LSD không gian, có khả năng làm bàng hoàng đến nửa ngày sau.

Nếu bé yêu anh, anh mời đến ở
Dưới mái thô sơ, nơi vườn xanh cỏ
Ngày thì chia nhau sách đọc, mới cũ
Để chiều còn ra tưới vườn, quét lá

Nếu gọi đó là ngôn tình, thì đó là thể loại ngôn tình chân nguyên nhất, bùa ngải nhất trong trí nhớ, đủ sức để mấy chục năm sau, thằng con nít đó nghe thấy những loại ngôn tình đổ về từ thượng nguồn Trung Hoa chỉ là đồ dỏm. Thứ ma túy LSD đó, nó vẫn mang theo, êm dịu trong từng nhịp thở.

Khi nhạc sĩ Phạm Duy về ở Việt Nam, trong căn nhà ở quận 11, tôi đến thăm và hỏi ông rằng, nghe nhạc Việt Nam hiện nay, ông nghĩ rằng tương lai sẽ còn đất cho kiểu âm nhạc luôn cân nhắc từng câu, chữ, ôm nặng những khối tình như vậy không? Ông cười như bỉu môi, nói chắc khó lắm. "Nhạc mới sẽ đi về hướng nghe trên da, chứ không nghe trong tim. Cái gì làm người trẻ rợn da gà, dựng lông tay và điện tử hóa sẽ chiếm lấy họ nhanh nhất. Nhưng nhạc với ca từ đẹp vẫn sẽ sống theo cách của nó".

"Sống", là một từ khó cảm nhận hết được, lúc đó. Khi ông mất đi, ca sĩ Duy Quang mất đi, tôi mở lại các bài hát cũ của những người không còn hiện diện trên thế gian, mới nhận đủ các ý nghĩa của chữ "sống", bao gồm cả việc tôi sẽ "sống" cùng với những điều ấy.

Quét lá trên sân, vun thành đống nhỏ
Bé sẽ cho anh cái quyền nhóm lửa
Mặt trời đã tan, giữa chiều êm gió
Một ngày ra đi với một chiều mơ



Còn với Việt Dzũng, thì là một câu chuyện khác.

Tôi may mắn được liên tục làm việc, lang thang xuyên bang, hội hè cùng nhạc sĩ Việt Dzũng trong một thời gian dài. Cứ ngồi gần anh, trò chuyện suy tư hay tán gẫu, anh luôn là nguồn năng lượng đổ vào người, khiến da thịt cứ ngứa ngáy, cứ muốn làm điều gì đó, vì sợ thời gian nham hiểm sẽ cướp mất cảm hứng của mình.

Việt Dzũng làm việc bằng ba người cộng lại. Có lúc phải bàn việc với anh, thấy anh đang nói chuyện A, nhưng tai thì vẫn nghe tin từ đài Mỹ, dịch trực tiếp để gửi đi, lại thấy nhắn chuyện B gì đó với ai đang có việc với anh. Nhiều khi nhìn anh bần thần : "Sao anh siêu vậy?", Việt Dzũng cười hề hề :"Đời ép anh mày phải siêu!". Quay về phòng thu, mấy tiếng sau lại thấy anh chống nạng đi vào, "Nghe thử bài anh mới viết nha". Lại là một bài nhạc mới, theo yêu cầu của nơi nào đó.

Những ngày trước khi mất, giọng anh khàn đục và mất hơi.  Ghi âm cho anh hát mà cảm thấy buồn buồn, nhưng lại không dám nói. Là một người Công giáo nhưng rất ngang tàng, Việt Dzũng đột nhiên chuyển sang viết và hát nhiều bài về Chúa và con đường đi của đời người sẽ đến, bằng giọng rất ngoan, suy nghĩ cũng đằm thắm hơn.

Anh kể rằng bác sĩ muốn thay một số mạch máu trong tim anh, vì đã hư. Nếu như người thường thì sẽ lấy những mạch máu dưới đùi hay bắp chân đưa lên. Khổ nỗi chân anh lại không đủ khỏe nên không thể tìm được những mạch máu đủ tốt thay thế. Bác sĩ đề nghị thay bằng một số mạch máu lấy từ tim heo. Anh thoái thác, nói để về suy nghĩ đã. Về quán cafe, anh lại cười khùng khục :"Ghê quá, em thử nghĩ tự nhiên mình có trái tim chơi đồ của heo, được không?". Tôi thúc "được", chỉ mong anh đồng ý, chỉ mong anh khỏe với cả đống ý tưởng anh luôn kể với tôi, bao gồm ước mơ một ngày Việt Nam thay đổi, anh sẽ về mở một đài phát thanh tại Saigon.

Trái tim có mạch máu heo? Có gì đâu đáng sợ. Trong đời mình, tôi đã thấy đủ những người sinh ra đã có sẳn trái tim như heo thật sự, kể cả đàn em, bạn bè lẫn quan chức chính quyền. Nhưng với Việt Dzũng, chắc chắn phần heo không thể lấn được phần người của anh.

Ấy vậy mà không kịp. Buổi sáng tháng 12 năm đó, nghe tin anh mất như chuyện đùa. Anh lên cơn đau tim ngay tại bàn làm việc, đưa đến bệnh viện thì đã muộn.

Sau đám tang của anh, tôi quay về Việt Nam, tôi như bị tuột hết năng lượng. Rồi năm sau, nghe tin tên anh được chính quyền địa phương đặt cho một đoạn đường trên đại lộ Beach, là "Việt Dzũng Human Rights Memorial Highway". Anh ngầu thiệt!

Chắc ít người biết câu chuyện tôi vừa kể, về một người đã sống và chết, kiêu hãnh với cuộc đời tự do, và không muốn mang trong mình trái tim thú vật.

 

Saturday, December 19, 2020

Làm người yêu nước

 


Lần đến gặp nhà nghiên cứu Phan Thuận An ở Huế, ông giới thiệu cho thấy một văn bản thú vị có từ thời vua Bảo Đại - rất quan trọng - để chứng minh rằng Hoàng Sa thuộc về Việt Nam.

 Bản gốc tấu chương năm 1939, của học giả Phạm Quỳnh, bấy giờ có chức Tổng lý đại thần, gửi cho vua Bảo Đại để xin ủy lạo cho binh sĩ đồn trú ở Hoàng Sa, nơi thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam. Vào thời ấy việc di chuyển ra Hoàng Sa bằng thuyền, đồn trú luân phiên của binh sĩ rất khó khăn. Không chỉ là trấn giữ phần đảo chủ quyền, mà đôi khi phải đánh nhau với hải tặc và cứu hộ cho ngư dân Việt. Bắc Kinh thì luôn đưa ra những lý luận cho thấy rằng Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc, lấn át và thách thức Việt Nam về các chứng cứ chủ quyền. Văn bản quý của nhà nghiên cứu Phan Thuận An đưa ra là một trong những chứng cứ mạnh mẽ và dứt khoát về việc Hoàng Sa thuộc người Việt Nam cho đến tận thời kỳ vương triều cuối cùng. Với tấm lòng yêu nước, nhà nghiên cứu Phan Thuận An gửi tặng bản gốc tấu chương cho Hà Nội, để nhằm góp vào những cứ liệu bảo vệ chủ quyền tổ quốc, theo lời kêu gọi lúc ấy. Ông chụp lại để làm bằng chứng, và kỷ niệm, treo ngay trong phòng khách nhà mình. Nhưng không hiểu vì sao chưa bao giờ thấy Hà Nội chính thức sử dụng tư liệu này trong việc tranh cãi về chủ quyền Hoàng Sa với Trung Quốc, và cũng không thấy chia sẻ bản văn này với bất kỳ nhóm nghiên cứu hay nhà nghiên cứu nào về biển Đông trong việc chống lại các luận điệu xâm lược hàm hồ của Trung Quốc. Khi hỏi ông rằng, liệu ông có biết giờ này văn bản đó ở đâu không? Nhà nghiên cứu cả đời gắn với Huế cười buồn, "chỗ mô thì chỉ có họ biết thôi". Ông nói rằng ông chỉ làm hết trách nhiệm của một công dân với tổ quốc - đặc biệt là một công dân ý thức mình là người Việt Nam - chứ không vì bất k chuyện công danh hay lý tưởng chủ nghĩa gì cả.
Khác với những kẻ sau năm 1975 được tự tung tự tác chiếm đoạt các tài liệu quý của nhà Nguyễn, cũng như từ văn khố lưu trữ của nhà nước Việt Nam Cộng Hòa, rồi tự xưng mình là Huế học hay là nghiên cứu cách mạng gì đó, nhà nghiên cứu Phan Thuận An tự mình đã viết lên hàng trăm công trình nghiên cứu, chọn sống một đời kể lại quá khứ có thật, và khiêm tốn. Theo lời của nhà nghiên cứu Phan Thuận An thì sau tấu chương của Phạm Quỳnh, các binh sĩ được Hoàng đế Bảo Đại thưởng hậu.
Cũng như hậu sinh Phan Thuận An, học giả Phạm Quỳnh cũng đã làm tất cả mọi thứ trong đời mình với một trách nhiệm công dân, chứ không chỉ là một quan chức dâng tấu chương. Thế nhưng tâm huyết của ông với đất nước và văn hóa Việt Nam được đổi lại bằng án tử hình bởi những người cộng sản, hay nói chính xác hơn là từ Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Thừa Thiên, vào năm 1945. Trong tạp chí Xưa và Nay số 269 (tháng 10/2006), do người chịu trách nhiệm là nhà sử học Dương Trung Quốc, cũng ghi chép lại việc tử hình ông bởi cách mạng. Toàn văn kết án của Ủy ban Khởi nghĩa Nguyễn Tri Phương kính gửi Tòa án quân sự Thuận Hóa ngày 9/12/1945, ghi rằng:
"Phạm Quỳnh, một tay cộng sự rất đắc lực của giặc Pháp trong việc củng cố địa vị của Pháp ở Đông Dương, đã bao phen làm cho quốc dân phải điêu đứng. Phạm Quỳnh đã giúp sức cho quân cướp nước làm mê muội dân chúng Việt Nam. Với cái nghề mãi quốc cầu vinh, Phạm Quỳnh đã từ một tên viết báo nhảy lên một địa vị cao nhất trong hàng quan lại Nam triều. Phạm Quỳnh lại còn dựa vào thế lực Pháp và địa vị của mình bóc lột, vơ vét tài sản của quốc dân. Mặc dầu chính quyền của giặc Pháp đã bị truất sau ngày đảo chính 9-3-1945, nhiều triệu chứng tỏ rằng Phạm Quỳnh chỉ chờ cơ hội rước bọn thực dân Pháp đến làm cho diệt nước chúng ta". (trích) Trong văn bản này, còn hai người nữa bị kết án tử hình nữa là Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Huân, thuộc gia đình của tổng thống đệ nhất VNCH Ngô Đình Diệm. Được biết, vừa khởi nghĩa chiếm chính quyền, Ủy ban Cách mạng vừa cho người đến bắt ngay cả ba ông, vào ngày 23-8-1945. Xưa và Nay cũng có trích lời của nhà sử học Cộng sản Trần Huy Liệu rằng việc kết án và giết hại Phạm Quỳnh là điều sai lầm và hoàn toàn vô lý. Kết luận của bài nghiên cứu lịch sử rằng việc giết người đó, vô cùng "lạc lõng" trong thời đại cách mạng đang muốn chinh phục lòng người của ông Hồ Chí Minh. Tiếc thay sự thật thì vẫn còn đó, nhưng những câu chuyện để bảo vệ sự thật như ở Xưa và Nay, thì cũng hết sức lạc lõng trong một thời đại thiếu ánh sáng. Đọc chuyện xưa, mà sợ. Những nỗ lực gây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam với tư cách công dân yêu nước của học giả Phạm Quỳnh chỉ được đổi lại bằng cái chết, và sự thật bị bóp méo. Nghe chuyện nay, rồi buồn. Tư liệu nghiên cứu công phu với tư cách công dân yêu nước của nhà nghiên cứu Phan Thuận An cũng được đổi lại bằng sự thờ ơ, và lãng quên. Và cũng có rất nhiều công dân yêu nước khác trên đất nước này đã làm tất cả theo bổn phận và lương tâm, nhưng rồi chỉ được đổi lại bằng sự đe dọa, sách nhiễu hay tù đày như Trần Huỳnh Duy Thức Nguyễn Văn Hóa, Hoàng Bình, Trần Đức Thạch... và rất nhiều người khác nữa, không thể kể hết. Ngẫm lại, sống với một lương tâm công dân yêu nước, thật khó biết bao.