Sunday, June 18, 2017

Chuyện kể nhân ngày của Cha


Tôi ghi lại câu chuyện có thật, với bản video dưới đây như một phút suy niệm dành cho những người Cha đang - hay sẽ - đối diện với con cái của mình, mỗi ngày, từ nay và đến về sau.

Câu chuyện diễn ra ở toà án tại Mỹ. Một ông bố ra toà vì tội đậu xe sai chỗ và có thể bị phạt đến 90$.

Bất ngờ, khi phiên toà bắt đầu, cậu bé 5 tuổi - con trai của bị cáo - đột nhiên leo xuống ghế và tiến đến gần chỗ bố cậu đang đứng. Những ai đang có mặt tại phiên toà đều buồn cười. Vị quan toà cũng vậy. Điều đáng yêu là ông đã mời cậu bé lên chỗ của ông để phỏng vấn về tình trạng phạm tội của bố cậu.

Khi vị quan toà hỏi cậu bé, tên là Jacob, rằng nếu cậu chọn lựa mức phạt nào, số tiền 90$ và 30$, hoặc miễn phạt cho bố cậu thì Jacob đã đáp nhanh là nên phạt mức 30$. Mọi người trong phòng xử án đều bật cười.

Vị quan toà với gương mặt phúc hậu cũng bật cười. Và ông hỏi rằng cậu có đồng ý không nếu ông phạt bố cậu bé số tiền 30$ nhưng là dùng số tiền đó đưa cậu đi ăn sáng, Jacob gật đầu. Câu chuyện kết ở đó, có hậu như một cổ tích ở đời thường.

Nhưng điều tôi muốn kể với các bạn ở đây, đó là thái độ của cậu bé về bố của cậu. Khác với những điều mà nền văn học hay giáo dục cũ mòn hay thích thêu dệt về bố hay mẹ của mình như siêu nhân hay tô vẽ như huyền thoại, cậu bé Jacob khi được hỏi bố cậu giỏi nhất là gì, cậu đã trả lời nhanh, không chút do dự rằng "dạ là nấu ăn".

Và ngay khi quan toà hỏi rằng lớn lên, cậu bé ước mình sẽ làm giỏi nhất điều gì, Jacob nói ngay - với sự tự hào thấy rõ về bố mình - rằng cậu cũng sẽ nấu ăn, nhất là pizza, vì bố cậu cũng vậy.

Cuộc sống thật lạ lùng và cảm động, bạn thấy không? Một người bố lương thiện dù chỉ là vô danh cũng có thể làm cho đứa con mình tự hào, trưởng thành và tự tin noi theo về cuộc đời lương thiện của mình mà không màng một ánh hào quang danh lợi xa xôi nào khác.

Tôi tạm gọi đó là cuộc sống tử tế, mà người cha đó đã đối diện với con mình mỗi ngày, rồi giản dị tạo nên một thế hệ tử tế nối tiếp. Bình thường mà cao đẹp đến cảm động.

Tôi viết những dòng này, và nhớ đến những công an viên đang hung ác bạo hành với người dân trong đất nước mình, Việt Nam. Những công an viên đã tàn bạo đạp gãy xương đùi ông Kình ở Đồng Tâm, những công an viên đã giết chết anh Nguyễn Hữu Tấn ở Vĩnh Long hay anh Ngô Chí Tâm ở Thủ Đức... trong những trại tạm giam ngột ngạt sự thật. Dù truyền thông nhà nước có bao biện hay che đậy thế nào, ai ai cũng hiểu điều gì đã xảy ra. Và quan trọng nhất là chính những thủ phạm đó đều biết rõ họ đã làm gì.

Chắc không ít người trong số công an viên đã là những người cha. Và chắc chắn từng người ấy rồi sẽ có một gia đình và những đứa con mà họ sẽ đối diện mỗi ngày.

Những đứa trẻ ấy sẽ noi theo cha mình điều gì? Dù có giáo dục tốt nhất, có cắt đứt quá khứ... nghiệp chướng vẫn bao vây họ, chồng chất bởi những oán hờn. Mà sự thật thì không bao giờ có thể che giấu mãi mãi.

Chắc không kẻ nào, dù hung ác, lại muốn con mình noi gương, trở thành sát nhân. Nơi những ngôi nhà tưởng chừng vững chắc với quyền thế hay địa vị, không hẳn các người cha ấy sẽ vui mừng khi con cái đối diện với mình, ngày nào đó tuyên bố rằng chúng thích giết người như cha mình. Những ngôi nhà lộng lẫy, được thời chưa chắc rồi đã hạnh phúc khi mầm ác được nuôi dưỡng im lặng, từ chính người Cha của mình.

Trong phần trò chuyện với Jacob, vị quan toà có nhắc về vua Solomon (vua của Israel cổ đại, mất năm 931 trước CN). Đó là một con người khôn ngoan khi luôn chọn một giải pháp trung dung hơn là tự đưa mình về cực của các vấn đề.

Con người, dù là quan toà, thường dân hay công an viên - nếu khôn ngoan - thì luôn phải có những chọn lựa trung dung để không biến mình thành kẻ cùng cực trong hành động hoặc trở thành công cụ điên cuồng vô tri trong tay kẻ khác. Vua Solomon khôn ngoan có để lại lời dạy như vậy cho hậu thế.

Tôi ngừng câu chuyện kể ở đây, hẹn các bạn trong một dịp khác. Xin chúc một ngày của Cha bình an và tốt lành đến mọi nơi. Chúc một ngày lành của Cha đến những gia đình biết chọn lựa và nhận ra tương lai cần phải có cho mình và con cái của mình, là gì.



Wednesday, June 14, 2017

Cho một kiếp mơ được yêu nhau



Tác giả hai bài thơ đã cùng âm nhạc của Phạm Duy trở thành bất hủ trong lòng người Việt, nữ thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh, đã ra đi vào ngày 9/6/2017 tại miền Nam California. Một cái tên lớn của văn hoá Việt Nam đã hoá mây về trời trong những ngày ở quê nhà đầy mưa và mây xám.
Kiếp nào có yêu nhauĐừng bỏ em một mình, là đôi tác phẩm trong hàng loạt các sáng tác của bà như truyện ngắn, truyện dài, thi tập... mà danh mục có đến 17 ấn bản, từ năm 1960 đến 1990.
Tài liệu về bà, chủ yếu được trích từ sách "Văn nghiệp & cuộc đời Minh Đức Hoài Trinh" do phu quân của bà là Nguyễn Huy Quang chép lại (sách đề tác giả là Nguyễn Quang). Hiện sách gần như tuyệt bản. Trong đó nói rõ tiểu sử của bà như sau:
"Minh Đức Hoài Trinh tên thật là Võ Thị Hoài Trinh, bà thường lấy các bút hiệu là Hoàng Trúc, Nguyễn Vinh, Bằng Cử. Bà sinh ngày 15 tháng 10 năm 1930 tại Huế, sống ở Pháp từ năm 1953 đến 1964. Sau đó bà đến định cư tại quận Cam, Hoa Kỳ từ năm 1982. Tên tuổi của Minh Đức Hoài Trinh không ai trong giới văn học không biết. Bà sinh tại Huế, con quan Tổng Đốc Võ Chuẩn, Ông Nội bà là Võ Liêm, Thượng Thư Bộ Lễ của triều đình. Năm 1945 Bà tham gia phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp, sau đó Bà biết sự lợi dụng của phong trào nên bà bỏ về Huế tiếp tục học.
Năm 1964 bà đi du học tại Pháp về ngành báo chí và Hán văn tại trường ngôn ngữ Đông Phương La Sorbonne, Paris đến năm 1967 bà ra trường và làm phóng viên cho đài truyền hình Pháp ORTF, lúc đó bà đi làm phóng sự nhiều nơi sôi động nhất như: Algerie và chiến trường Việt Nam. . . Năm 1972 bà được cử theo dõi và tường thuật cuộc hòa đàm Paris. 1973 Bà sang Trung Đông theo dõi cuộc chiến Do Thái, một thời gian sau bà trở về Việt Nam giảng dạy khoa báo chí tại Viện Đại Học Vạn Hạnh năm 1974-1975.
Sau biến cố 1975 bà trở lại Paris cho xuất bản tạp chí “Hồn Việt Nam” và trở lại cộng tác với đài phát thanh ORTF với chương trình Việt ngữ để tranh đấu cho những nhà cầm bút, những văn nghệ sĩ Việt Nam bị cộng sản cầm tù. Bà đứng ra thành lập Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại và vận động để được công nhân hội viên Hội Văn Bút Quốc Tế tại Rio de Janeiro, Ba Tây vào năm 1979"...
Về câu chuyện văn bút quốc tế, có rất nhiều chi tiết đáng ngưỡng mộ tâm sức của bà.
Sau năm 1975, rất nhiều hội đoàn chính danh liên kết với quốc tế của miền Nam Việt Nam như Hướng đạo sinh, Ngân hàng, báo chí... đều bị đứt đoạn. Hội nhóm văn chương tự do của miền Nam sau thời điểm đó đều tan tác, mỗi người một hướng.
Theo quy định của Văn bút Quốc tế, muốn tái lập, thì tổ chức nhân danh quốc gia đó phải có ít nhất là 20 thành viên. Từ một nền văn hoá có đến hàng ngàn danh sĩ của miền Nam, việc liên lạc và tập hợp 20 người vào năm 1977 đến 1979 đã trở nên khó khăn vô cùng, nhất là khi cuộc sống của người Việt di tản còn vất vả và ly tán.
Năm 1978, nữ thi sĩ và là nhà báo Minh Đức Hoài Trinh một mình tham dự Đại Hội Văn Bút Quốc Tế kỳ 43 tổ chức ở Stockholm, Thụy Điển, và đơn độc một tiếng nói Việt Nam ở đó, bà vận động các nhà văn và các bút nhóm quốc tế quen biết ủng hộ cho việc thành lập Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại (Vietnamese Abroad Pen Centre) chính danh là thành viên của Pen International, với lý do nối kết lại hoạt động của giới trí thức tự do Việt Nam sau chiến tranh. Đây là việc mà ai cũng thấy là vô hy vọng vì sự chống đối mạnh mẽ của phe thân cộng, lúc đó đang nổi lên trong Pen International. Nhưng kết quả bỏ phiếu thì thật bất ngờ: 23 phiếu thuận – 23 phiếu chống. Rất nhiều nhà văn trong hội đồng đã cảm động trước tâm nguyện của bà nên đã bỏ phiếu đồng ý. Tiếc là kết quả không như ý.
Năm 1979, tại Đại Hội Đồng Văn Bút Quốc Tế kỳ 44 ở Rio de Janeiro, Brazil, cuộc vận động của nữ thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh thành công. Và Văn Bút Việt Nam Hải ngoại tồn tại đến ngày hôm nay, vẫn chính danh là nhánh văn bút quốc tế thuộc Pen International.
Mục đích và tâm lực của nữ thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh là muốn xây dựng một tiếng nói truyền thông có tầm quốc tế cho giới trí thức người Việt đang phải ly tán, nhất là vào lúc khi muốn cất tiếng thì lại quá lạc loài. Tầm nhìn của một phụ nữ như bà, vào thời gian ấy, quả thật đáng ngưỡng mộ.
Từ năm 1982, Minh Đức Hoài Trinh định cư ở Hoa Kỳ, sau đó ở gần nơi cư trú của nhạc sĩ Phạm Duy. Nơi Midway City, mà ông thường diễn dịch một cách thơ mộng là Thị trấn giữa đàng.
Nói về cơ duyên của sự kết hợp thi ca và âm nhạc của Kiếp nào có yêu nhau và Đừng bỏ em một mình, nhạc sĩ Phạm Duy có ghi lại trong hồi ký Vang vọng một thời: “Tôi bấy giờ đang là quân nhân... bỗng gặp lại Minh Đức Hoài Trinh lúc đó được mười bảy tuổi từ thành phố Huế thơ mộng chạy ra với kháng chiến. Nàng còn đem theo đôi gót chân đỏ như son và đôi mắt sáng như đèn pha ô tô. Từ tướng Tư lệnh Nguyễn Sơn cho tới các văn nghệ sĩ, già hay trẻ, độc thân hay đã có vợ con... ai cũng đều mê mẩn cô bé này. Phạm Ngọc Thạch từ Trung ương đi bộ xuống vùng trung du để vào Nam bộ, khi ghé qua Thanh Hóa, cũng phải tới Trường Văn hóa để xem mặt Hoài Trinh. Hồi đó, Minh Đức Hoài Trinh đã được Đặng Thái Mai coi như là con nuôi và hết lòng nâng đỡ.
Năm 1954, tôi gặp Minh Đức Hoài Trinh lần thứ ba khi tôi tới Paris ở khoảng hai năm. Nàng đã rời Việt Nam, đang sống với một người em trai trong một căn phòng nhỏ hẹp. Ba lần gặp nhau là rất hy hữu, tôi bèn giao lưu với nàng và soạn được hai bài ca bất hủ”...
Là người sống cùng thời đại với nữ văn sĩ Pháp Francoise Sagan, và cũng là người theo Tây học nhưng tư tưởng bàng bạc theo thuyết cõi tạm của Phật giáo, ngôn ngữ của bà luôn u uẩn nhưng dữ dội và đắm đuối đến ngộp thở, đọc lại vẫn bàng hoàng:
"Đừng bỏ em một mình Trời đất đang làm kinh Rừng xa quằn quại gió Thu buốt vết hồ tinh"
Hay
"Kiếp nào có yêu nhau Nhớ tìm khi chưa nở Hoa xanh tận nghìn sau Tình xanh không lo sợ
Hoặc trong bài "Tình chúng mình sẽ được vẽ lên tranh" có đoạn:
"Anh còn sống là mình còn xa cách Vì cuộc đời hay ghét kẻ yêu nhau Vì hạnh phúc phải xây trên nhiều thử thách Xã hội điên cuồng, nhân loại ngợp thương đau"
Tạm biệt bà, một danh nhân của nền văn hoá đầy sức sống mãnh liệt của miền Nam Việt Nam tự do. Thêm một người nữa đã khuất, và thêm những núi đồi hùng vĩ lại mọc lên mà hậu sinh sẽ cứ phải ngước nhìn trong trầm mặc. Những ngọn núi nhắc rằng đỉnh cao của kiếp người là để sống và mơ được yêu thương nhau, dẫu muôn thương đau.

Phụ lục: Các tác phẩm của Minh Đức Hoà Trinh đã xuất bản gồm có:
Lang Thang (1960), Thư Sinh (1962), Bơ Vơ (1964), Hắn (1964), Mơ (1964), Thiên Nga (1965), Hai Gốc Cây (1966), Sám Hối (1967), Tử Địa (1973), Trà Thất (1974), Bài Thơ Cho Ai (1974), Dòng Mưa Trích Lịch (Thanh Long Bruxelles, 1976), Bài Thơ Cho Quê Hương (Nguyễn Quang Paris 1976), This Side The Other Side (Occidental Press USA 1980), Bên Ni Bên Tê (truyện dài, Nguyễn Quang USA, 1985), Niệm Thư 1 (tái bản 1987), Biển Nghiệp (Nguyễn Quang USA, 1990).