Friday, December 28, 2018

Yêu sách 2019 với tám điểm :”Đó là ý nguyện của nhân dân”





Không thể không thấy bản Yêu sách 2109 với tám điểm gửi đến nhà cầm quyền Việt Nam, là một văn bản thú vị cũng như có sức tác động mạnh mẽ trong người dân. Thế nhưng cũng vì sự mạnh mẽ này mà không ít người lo ngại rằng đó là một thách thức với thể chế, nhất là vào thời buổi tòa án dành cho người bất đồng chính kiến diễn ra không ngớt.
Đặc biệt là sau vài tuần lễ, từ lúc bản Yêu sách 2019 được phát đi, mọi thứ đều là im lặng. Có thể đó sự im lặng của nhận thức thiện chí – tạm hy vọng – hoặc đó có thể là sự im lặng trước bão tố với những âm mưu thấp hèn.
Cuộc trò chuyện cuối năm với nhà báo Võ Văn Tạo, người ký tên trong bản Yêu sách 2019 này, đã mở ra thêm nhiều chiều suy nghĩ khác. Đặc biệt, về suy nghĩ của những người dấn thân cho sự thay đổi tốt đẹp của đất nước, vốn chỉ có trái tim yêu nước, sẳn sàng đối diện với dùi cui, ngục tù hay lý luận hàm hồ chủ nghĩa.

-----------

Một lần nữa, Yêu sách – hay thư ngỏ của giới trí thức Việt Nam gửi đến nhà cầm quyền đã rơi vào im lặng. Theo ông những người soạn ra bản Yêu sách 2019 có nên thất vọng trước sự im lặng này không?
Thật ra những thư ngỏ, kháng nghị hay yêu sách… của giới trí thức hay tranh đấu cho dân chủ tự do của Việt Nam, hầu hết mọi người khởi xướng hay ký tên đều không kỳ vọng gì nhiều. Vì theo dõi trong suốt bao nhiêu năm nay, cho thấy những người cộng sản cầm quyền không hề lắng nghe.
Nhìn lại để thấy, bản yêu sách được nhóm Ngũ long ở Paris được chuyển đến hội nghị Hòa bình Versailles (1919) thì ít nhiều gì đó, người Pháp cũng tiếp thu, đặc biệt với hội nghị Mặt trận bình dân. Còn những tuyên bố, khuyến nghị… của giới nhân sĩ, tranh đấu… gửi đến nhà cầm quyền Việt Nam mấy chục năm nay, đều để bị rơi vào quên lãng. Đó là chưa nói đến chuyện họ phản ứng ngược lại, khủng bố. Thi thoảng họ cũng bị tác động và chỉnh sửa, nhưng không đáng kể. Chính vì vậy, mục tiêu mà bản Yêu sách hướng đến nhà cầm quyền thì ít, mà cái chính là gửi gắm đến đồng bào.
Yêu sách nhằm thức tỉnh mọi người rằng sống trong mọi thời đại văn minh, thì con người cần có những quyền tối thiểu nào, và hôm nay chúng ta đã có những cái gì? Đây là cơ hội để so sánh 100 năm qua ở Việt Nam, quyền con người đang tiến lên hay thụt lùi? Đồng thời bản Yêu sách này cũng nhắm đến các quốc gia đang có mối quan hệ với Việt Nam để nói cho họ rõ hiện trạng nhân quyền ở Việt Nam hiện nay ở mức độ nào. Nếu có thiện chí với người dân Việt Nam, các quốc gia đó sẽ góp phần tác động với nhà cầm quyền.

Có tín hiệu khá mới mẻ trong bản Yêu sách 2019. Đó nơi là văn bản này hướng tới nhà cầm quyền không nhằm rõ là gửi cho ai, sau đó lại là nhằm đến nhân dân Việt Nam và Liên Hợp Quốc. Theo ông, sự thể hiện này có ngụ ý gì?
Bản Yêu sách của nhóm Ngũ Long là gửi đến nhà cầ quyền Pháp, hội nghị Versailles, để nói lên nguyện vọng của người dân xứ Đông Dương và người An Nam. Những người khởi xướng và cùng ký bản Yêu sách sau 100 năm này, nghĩ rằng mọi thứ nếu có lạc quan thì cũng không cải thiện nhanh được, có thể nhiều tháng, nhiều năm. Do đó, bản Yêu sách không đề tên ai cụ thể mà chỉ gửi chung đến những người giữ các cương vị trong bộ máy nhà nước Cộng sản Việt Nam thôi. Nhà cầm quyền ở giai đoạn nào thì cũng cần nhìn vào bản Yêu sách này.
Còn về nơi đến có cả Liên Hợp Quốc, đó là một hiện trạng đau lòng của người Việt Nam. Lẽ ra chuyện của người Việt Nam phải do người Việt Nam giải quyết, nhưng hiện thức rất khó khăn. Sau hàng chục năm dùng đến các biện pháp bưng bít thông tin, khủng bố, bộ máy công an trị… rất nhiều người chỉ dùng ngòi bút, suy nghĩ của mình lên tiếng chỉ mong nhân dân mình đỡ khổ thôi cũng đã phải ngồi tù. Những người tranh đấu cho quyền lợi người dân luôn dùng hết sức mình nhưng cũng tận dụng mọi khả năng yểm trợ từ quốc tế. Nhận định về tiêu đề nơi đến của Yêu sách, theo cách hiểu của tôi là như vậy.

Sự mới mẻ đó có thể dễ dàng nhìn thấy, nhưng nó cũng tạo thêm các luồng dư luận ngay sau khi Yêu sách 2019 ra mắt. Đã có những bình luận lo ngại rằng việc đặt ra yêu sách như vậy với Hà Nội, là có ý phủ nhận tính chính danh của hệ thống cầm quyền, và thậm chí là thách thức quyền cai trị?
Bản Yêu sách này không xuất phát từ một hệ thống hay đảng phái đối lập nào, mà chỉ là của những người đứng trong hàng ngũ nhân dân. Chính bản Yêu sách năm 1919 cũng nằm trong một tư thế như vậy. Đây là ý nguyện của nhân dân.
Có là một kiểu thách thức với nhà cầm quyền hay không? Tôi nghĩ mọi thứ vẫn ở mức ôn hòa nhất, đặc biệt gợi nhớ lại lịch sử có liên quan đến nhà cầm quyền.
Bản Yêu sách 2019 chỉ dựa vào những gì của 100 năm trước mà thanh niên Nguyễn Ái Quốc được nhóm Ngũ Long soạn thảo và nhờ mang đi đến hội nghị Versailles. Mà Nguyễn Ái Quốc được coi là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Giới nhân sĩ trí thức, tranh đấu muốn giới thiệu sự thiện chí của mình trong việc nêu lại những tiêu chí mà hoàn toàn không có gì khác biệt với bản Yêu sách 1919, do Nguyễn Ái Quốc phát đi.
Đọc bản Yêu sách 2019, ai cũng hiểu và tự hỏi rằng vì sao 100 năm rồi mà vẫn phải lặp lại bản Yêu sách 8 điểm – mà về cơ bản thì gần như hoàn toàn giống nhau. Sự nhắc lại này muốn nhấn mạnh rằng 100 năm qua, các quyền cơ bản của con người trên đất nước vẫn chưa được đáp ứng. Thậm chí có những mặt còn tệ hại hơn.
Cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ, tiến bộ xã hội nhằm xây dựng một nước Việt cường thịnh vẫn là cuộc đấu tranh chung của người Việt Nam yêu nước thương nòi, cho đến bây giờ. Tôi nghĩ ở đây không có bất kỳ sự thách thức nào. Tuy vậy, về phía những người ngồi trong guồng máy lãnh đạo của Nhà nước Cộng sản Việt Nam ắt cũng có thể nhột nhạt vì đây là câu chuyện liên đới với chính lãnh tụ sáng lập đảng. Không có lý do gì mà những người được coi là hậu duệ của Nguyễn Ái Quốc lại từ chối đáp ứng.

Nhưng đó là bản Yêu sách 1919 là để đối với bọn cai trị và đô hộ… khi đem một chủ nghĩa ngoại lai vào áp đặt lên lưng nhân dân và đất nước Việt Nam. Còn bây giờ Việt Nam đã là một quốc gia độc lập, và thậm chí tuyên bố mới đây của đại diện Việt Nam trước kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát Toàn cầu (UPR) của Liên Hợp Quốc là đã thực hiện được đến 96% các hạng mục về nhân quyền….?
Từ lâu, Việt Nam được coi là một quốc gia độc lập, nhưng tôi nghĩ đó chỉ là độc lập trên danh nghĩa thôi.
Trong cuộc chiến tranh Nam Bắc, mọi quyết sách trong cuộc chiến, rõ ràng không phải đến từ Hà Nội hay Sài Gòn, mà xuất phát từ Moscow, Bắc Kinh hay Washington. Việt Nam lúc đó chỉ là một quân cờ nhỏ trên bàn cờ quốc tế. Người Việt trở thành quân cờ trong tay kẻ khác.
Còn sau hội nghị Thành Đô (1990), tôi để ý thấy rõ là cứ trước mọi kỳ đại hội Đảng, là có phải có phái đoàn của Việt Nam sang xin ý kiến của Trung Quốc. Đại hội xong, nhân sự yên chỗ, thì lại có đoàn sang Bắc Kinh để báo cáo. Vậy thì độc lập ở chỗ nào? Không chỉ vậy, chẳng hạn như vụ Bauxite Tây Nguyên cũng là một ví dụ. Hơn 200 trí thức lớn của Việt Nam viết thư kiến nghị, can ngăn nhà cầm quyền về môi trường, về an ninh quốc phòng… nhưng họ vẫn bất chấp. Cho đến nay thì hậu quả tai hại khôn lường, mà tất cả chỉ vì muốn cung phụng cho Trung Quốc.  
Nhiều người sợ rằng Trung Quốc mạnh lên, không thuận ý thì sẽ xảy ra chiến tranh như năm 1979. Thế nhưng điều đó không còn cần thiết, vì Bắc Kinh nắm được ngoại giao, tác động được cá nhân hay nội bộ thì muốn lái đi đâu thì lái. Do đó cần đặt dấu hỏi là chúng ta có thật sự độc lập hay không?
Còn về nhân quyền, thời Pháp có những thứ bóp nghẹt dân chủ. Nhưng ít nhất vẫn còn báo chí đối lập hay độc lập. Mặt trận Bình dân (1936-1939) hình thành, ông Trường Chinh nói và nghiên cứu về chủ nghĩa Marx, người Pháp để cho tự do. Còn bây giờ thì báo chí chỉ cần có bài không hài lòng ai đó, là bị dẹp ngay. Mọi thứ còn nghiệt ngã hơn thời thực dân rất nhiều.
Với những gì đã thấy, đã trải qua, tôi nghĩ việc đưa ra bản Yêu sách 2019 là cấp bách và cần thiết, chứ không thách thức hay đối đầu với ai cả.

Tuấn Khanh (ghi)





Sunday, December 23, 2018

Luật sư Võ An Đôn "Thất bại, để phơi bày"



Luật sư Võ An Đôn nói sau khi ông phát đi đơn khởi kiện ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Tư pháp, yêu cầu Tòa án tỉnh Phú Yên hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại và trả lại quyền hành nghề luật sư cho ông vào ngày 4/12 vừa rồi, mọi thứ vẫn lặng như tờ. Mặc dù theo luật, ông đã phải nhận được câu trả lời.
Việc khởi kiện của luật sư Võ An Đôn dấy lên 2 chiều dư luận: một là chẳng được gì và chỉ thêm hại thân, nhưng ở phía khác thì tin rằng hành động của ông sẽ gợi ý nhiều hơn về tư cách và hành động của giới luật sư, lâu nay vốn vẫn bị coi là những người thường xuyên bị tước đi sức mạnh nghề nghiệp trong chế độ độc tài.
Từ Phú Yên, luật sư Võ An Đôn cho biết ông vẫn chờ một phiên tòa của mình, và biết rõ sẽ là người thua cuộc, nhưng lại là người chiến thắng trong việc phơi bày tất cả.

Với những gì đã diễn ra, luật sư nghĩ rằng phía Bộ Tư có đủ lý lẽ để bác bỏ mọi yêu cầu khiếu nại của mình không?
Trong đơn khiếu nại, tôi có yêu cầu Bộ Tư Pháp làm rõ những gì mà tôi bị kết tội. Chẳng hạn tôi yêu cầu xác định câu nói nào, nội dung nào là tôi tuyên truyền hay nói xấu Nhà nước, Đảng hay giới luật sư. Thậm chí tôi còn đề nghị cách làm rõ những điều tôi nói, chẳng hạn như về việc chạy án thì cứ đến các văn phòng luật sư điều tra các sự việc đó thì sẽ ra ngay. Bên cạnh đó, báo chí Nhà nước cũng hay đăng các vụ luật sư chạy án như một ví dụ rất rõ. Tuy nhiên những yêu cầu của tôi vẫn không được làm rõ là tôi sai cụ thể như thế nào, họ vẫn im lặng, vì vậy tôi không đồng ý.

Nhưng cho đến nay, phản hồi phía Bộ Tư Pháp thì sao?
Về chuyện khiếu nại, từ lúc tôi gửi đơn cho đến khi nhận được thư khẳng định kỷ luật là 6 tháng. Trong khi đó luật quy định là trong vòng 30 ngày là Bộ Tư Pháp phải trả lời bằng văn bản. Chỉ chuyện đó thôi đã quá hạn 5 tháng rồi.

Luật sư đã gửi đơn khởi kiện Bộ Tư Pháp sau sự bê trễ và sự khẳng định rất quan liêu về trường hợp của mình. Tóm tắt nội dung khởi kiện của anh luật sư là gì?
Thứ nhất, việc đoàn luật sư tỉnh Phú Yên loại tên tôi ra khỏi danh sách là không đúng, vì họ cho rằng tôi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để nói xấu nhiều nơi nhưng họ lại không đưa ra được bằng chứng. Và dù vậy, khi khiếu nại lên Bộ Tư Pháp thì nơi này lại giữ nguyên kết quả. Theo luật của các luật sư và văn bản hướng dẫn các trường hợp xử lý các vấn đề của luật sư, thì tôi không phạm vào trường hợp nào để bị xóa tên khỏi danh sách.
Trong quy định, bị xóa tên khỏi đoàn luật sư, chẳng hạn như lừa đảo lấy tiền khách hàng, phạm tội hình sự… và đoàn luật sư tỉnh Phú Yên cũng không xác định được đặt tôi vào bất kỳ trừng hợp nào trong việc kỷ luật cả.
Nếu nói dựa vào luật pháp hoàn toàn, tôi tin tôi sẽ thắng kiện Bộ Tư Pháp 100% nhưng kết quả thường là chỉ đạo nên tôi cũng dự trù trước sự thất bại của mình.

Về phía đồng nghiệp, có ai dám ủng hộ luật sư một cách công khai không?
Tôi từ đầu đã tính đến việc nhờ sự hỗ trợ của tất cả những đồng nghiệp đã từng lên tiếng ủng hộ mình. Sau khi có tin tôi gửi đơn kiện, rất bất ngờ nhiều người đã nói sẽ cùng đồng hành với tôi khi ra tòa (chú thích: Ngày 10/12/2017, đã có hơn 100 luật sư ký thư gửi kiến nghị lên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, phản đối về quyết định kỷ luật luật sư Võ An Đôn. Tuy vậy, cho đến lúc này, tôi đề nghị các anh chị đó ẩn danh để chờ có quyết định ra tòa, đề phòng những trường hợp không lường trước được.
Nhưng ngay cả trong trường hợp xấu nhất là nếu bị áp lực nào đó mà những anh chị em đó không thể tham gia được, thì tôi sẽ nhờ những người dám nói lên sự thật cùng tham gia bảo vệ cho mình. Theo luật, bất kỳ ai có quyền công dân, đủ 18 tuổi đều có quyền tham gia bảo vệ người khác trước tòa, nên tôi sẽ chọn dám cất tiếng để ra tòa cùng với mình.
Lâu nay, nhiều phiên tòa diễn ra ở Việt Nam, đặc biệt là tòa về nhân quyền hay chống lại các thế lực đen tối trong xã hội… thường diễn ra bất thường như một tuồng diễn sân khấu, không có giá trị gì về công lý, luật sư hình dung phiên tòa của mình có rơi vào bối cảnh tương tự không?
Tôi cũng có hình dung trước về điều này. Đây là một phiên tòa người dân kiện cơ quan Nhà nước, và kịch bản là ở phiên tòa, nhân vật Bộ trưởng Bộ Tư Pháp sẽ không xuất hiện. Án này sẽ là án bỏ túi, và tôi sẽ thất bại.

Biết mình sẽ thất bại, nhưng luật sư vẫn đâm đơn kiện? Vậy ý nghĩa khác của chuyện này là gi?
Căn cứ vào pháp lý, tôi sẽ là người thắng. Nhưng diễn biến ở phiên tòa, tôi sẽ là người thua. Nhưng tôi vẫn khởi kiện vì muốn cho những ai quan tâm đến luật pháp ở Việt Nam có cơ hội nhìn thấy công lý là như thế nào. Chỉ cần theo dõi, và nhận ra sự thất bại của tôi là vì lý do gì, cũng là một cách để thấy hiện thực trên đất nước này ra sao.
Kế đến, vụ kiện này, tôi muốn tạo thành một tiền lệ để các đoàn luật sư và Liên đoàn luật sư Việt Nam khi muốn tước chứng chỉ hành nghề của một người nào đó, đều phải cân nhắc và đúng luật chứ không thể hành động đơn giản theo chỉ đạo.  

Để nói một lời với cộng đồng những người đang theo dõi câu chuyện của luật sư, thì đó là lời nhắn như thế nào?
Tôi mong mọi người quan sát tường tận sự việc của tôi, để nhìn thấy rõ mọi thứ. Theo dõi tôi là bảo vệ tôi. Và tôi có thất bại thì cũng là lúc để mọi người nhìn thấy thêm nhiều điều khác rõ ràng về luật pháp và tòa án ở Việt Nam.

Tuesday, December 11, 2018

Về công văn cấm học sinh vui Giáng sinh 2018: “Họ quyết tâm không buông tha cho người dân được tự do”



Mùa Giáng Sinh năm 2018 sẽ thật khó quên với câu chuyện các trường học ở Sài Gòn đột nhiên nhận được công văn yêu cầu không được tổ chức hay tham gia vui chơi Lễ Giáng Sinh. Dù công văn này bị rút lại ngay trong ngày 6/12, vài tiếng đồng hồ khi bị tiết lộ trên mạng xã hội, nhưng có cái gì đó bất an vẫn lưu lại trong lòng hàng triệu người về một đất nước hãnh tiến “có bao giờ được như thế này đâu?”
Không có quan chức nào phải chịu trách nhiệm về chủ trương gây bất an đó. Không có lời nào giải thích từ phía nhà cầm quyền, rằng vì sao tự do tín ngưỡng là cái gì đó rất mong manh trong nắm tay thô lậu của những kẻ có thể ra quyết định mà không cần nhớ đến Hiến pháp Việt Nam đã nói gì về quyền tự do cơ bản của con người, bao gồm tự do tín ngưỡng.
Câu chuyện Công văn số 1054/GDDT, ký tên Lê Thanh Hải, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo Huyện Nhà Bè chỉ là một ví dụ nhỏ về vấn đề Công giáo và nhà cầm quyền. Nhưng nó là một điểm tựa để tìm về những điều bất an nhiều cấp độ, vốn cũng đang diễn ra với Tin Lành Mennonite, Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hòa Hảo Thuần túy, Cao Đài Chơn truyền… trên đất nước Việt Nam, đặc biệt qua cuộc trò chuyện với linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh, Dòng Chúa Cứu thế tại Sài Gòn.

Những trò tiểu xảo gây bất an trong mùa vui Giáng Sinh, tạo nên những cảm giác hiềm khích hay dè chừng với Công giáo như kiểu công văn huyện Nhà Bè không cho các trường học tham gia vui chơi lễ Giáng Sinh, vẫn diễn ra hàng năm, theo nhiều cách ở Việt Nam. Hà Nội đang muốn gì khi một mặt vẫn niềm nở với Tòa thánh Vatican, khoe khoang các bước cải thiện về tự do tín ngưỡng nhưng một mặt vẫn tạo căng thẳng như vậy?
Nói đến chữ tự do tôn giáo, thì nhà nước CSVN không bao giờ muốn cho người dân hiểu theo cái nghĩa bình thường, mà phải hiểu tự do là thứ họ ban cho, họ cho phép. Với CSVN thì tự do không có nghĩa là quyền hiển nhiên của một con người phải được có.
Do đó, tự do tôn giáo đối với họ, kể từ miền Bắc năm 1954 và miền Nam từ 1975 đến nay, họ không bao giờ có sự thay đổi. Khi chúng tôi làm việc với quan chức, thì họ luôn nói đi nói lại cái gọi là chính sách tôn giáo nhất quán – tức không có sự thay đổi nào hết. Dù họ có khoe là có thay đổi, thì rồi cũng nằm trong chính sách nhất quán. Một mặt thì họ vẫn giao tiếp với quốc tế, với Tòa thánh Vatican và một mặt thì luôn tạo ra sự căng thẳng về đời sống tôn giáo trong nước, nguồn gốc sâu xa là như vậy. Họ không muốn người dân tự do.
Về mặt xã hội mà nói, đến giờ phút này, chỉ còn những đảng viên ngoan ngoãn thì mới nghe lời lãnh đạo, chứ đảng viên trí thức, đảng viên có lương tri thì đã không hoàn toàn như vậy. Đảng không điều khiển được chính nhân sự của họ, trong khi họ nhìn về Giáo hội Công giáo và nghĩ rằng giáo hội có thể kiểm soát được giáo dân. Thậm chí còn có ý nghĩa rằng Giáo hội Công giáo đối lập và cạnh tranh với họ về mặt quyền lực. Quan niệm sai lầm đó dẫn đến những thù hằn vô cớ.
Tổ chức tôn giáo nếu có can thiệp vào xã hội thì chỉ để mong xã hội tốt hơn. Chứ tổ chức tôn giáo, ở đây nói rõ là Công giáo, chẳng bao giờ có ý giành chính phủ với chế độ CS.
Về vấn đề đã xảy ra, có thể thấy rõ, thứ nhất là họ mang nặng sai lầm quan niệm về tổ chức tôn giáo và thứ hai là vẫn quyết tâm không buông tha cho người dân được tự do.
Nhưng theo Cha, đây là hành động ngu xuẩn của một quan chức đơn lẻ nhằm tạo thành tích, hay là một phép thử thí điểm về sự phản ứng từ Nhà nước, đối với người Công giáo Việt Nam? Nhất là trong bối cảnh Công giáo và người Công giáo bị nhà cầm quyền coi là “khó ưa” về việc tích cực tham gia các hoạt động mang tính công bằng xã hội, nhân quyền, môi trường…?
Theo văn bản ghi rõ, là lệnh cấm tổ chức lễ Noel, trang trí… là thực hiện theo chỉ đạo. Tức đây không phải là việc làm tùy ý, mà làm theo chỉ đạo. Tôi cũng nhận được cái tin đích danh một trường ở quận 11, cũng nhận được thông báo như vậy, và họ đã ngoan ngoãn chấp nhận. Như vậy thì không chỉ có huyện Nhà Bè, mà còn những nơi khác nữa mà các văn bản chúng ta chưa được tiếp cận. Những việc này không có cải thiện, chẳng hạn như việc thường xuyên xếp ngày thi của học sinh rơi vào ngày 24-25 tháng 12 cũng là cách muốn người không còn nhớ đến tôn giáo nữa.
Điều đáng nói nhất, là ngay sau phản ứng nhanh của người dân nói chung trên mạng xã hội về việc cấm đoán vui chơi Giáng Sinh, nhà cầm quyền đã rút lại quyết định này. Nhưng cũng cùng giai đoạn này, trên cổng thông tin của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam (tổ chức do Nhà nước thiết lập và kiểm soát) lại chỉ trích ngày lễ Noel của người Việt Nam, nói rằng đó là “một hình thức truyền bá tôn giáo bị cấm được ghi trong Luật Giáo Dục…” Có cái gì đó vừa trơ trẽn và thô bỉ, mà bất kỳ ai có chút hiểu biết về Phật giáo đều cảm thấy bất thường. Thậm chí thấy rõ những nghi vấn chia rẽ tôn giáo từ hệ thống thế quyền. Cha nghĩ sao về điều này?
Thủ đoạn chia rẽ tôn giáo là cách mà CS đã sử dụng từ rất lâu rồi. Thời gian gần đây thì họ mạnh tay hơn do gần như đã điều khiển được 100% Giáo hội Phật giáo Việt Nam do họ lập ra. Nắm truyền thông thì họ muốn đưa vấn đề gì ra thì cứ đưa thôi.
Còn Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thì hiện nay cũng có những vấn đề tế nhị trong nội bộ, có hai cộng đồng, nên không tạo thành được mạch chung. Chính giới Phật tử cũng chông chênh trong việc đón nhận việc làm thế nào cho đúng.
Trong vấn đề mà anh đặt ra thì họ dùng bàn tay cộng sản trong hệ thống Phật giáo Việt Nam để nói những điều sai rất căn bản về Công giáo. Mà thật ra họ đã làm như vậy từ nhiều năm trước chứ không phải mới đây.
Họ gây hiềm khích bằng cách nói Công giáo là ngoại lai, nhưng ngay chính Phật giáo cũng là tín ngưỡng du nhập. Nhưng các đạo sinh ra trong nước như Cao Đài, Hòa Hảo cũng bị đánh te tua. Nói chung đó là thủ đoạn chia rẽ tôn giáo của chính mấy anh CS. Và dù bị lợi dụng thế nào, từ tên ai, cũng cần phải hiểu đó là thủ đoạn của Cộng sản.

Tuấn Khanh (ghi)