Wednesday, February 20, 2019

Chuyện Lư hương: sự sụp đổ khó gượng của phía chính quyền




Giữa cơn giận dữ đang ngày càng lan rộng của người dân Việt, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh vội vã tổ chức lễ an vị lư hương của Đức Thánh Tổ Trần Hưng Đạo tại đền thờ Ngài tại số 36 Võ Thị Sáu, phường Tân Định, quận 1, (tức Hiền Vương cũ), ngay vào trưa 20-2, nhằm 16 âm lịch Kỷ Hợi.

Trong những bản tin ngắn đầy tính đối phó về việc an vị lư hương, nhà cầm quyền thành phố Hồ Chí Minh không cách nào che giấu nổi sự vội vã và lấp liếm sự kiện này, bắt nguồn từ việc đã manh động nhằm cản trở người dân đến thắp hương tưởng niệm Đức Thánh Trần, nhân ngày 17-2-1979, ngày tưởng niệm Trung Cộng xua 600.000 quân sang Việt Nam, giết hại người già, phụ nữ, em bé… và tàn phá làng mạc Việt Nam.

Trên thực tế, hành động vô thần của nhà cầm quyền, đã và sẽ không có lời nào giải thích nổi vì sao một bộ máy nhà nước hùng hậu đã cho quây xe rác, dựng bao cát, kẽm gai chắn tượng đài, tổ chức an ninh, mật vụ bao vây khu vực này, không cho ai đến gần tượng đài Đức Thánh Trần vào ngày 17-2, một ngày chủ nhật, và cẩu lư hương đi mà không có bất kỳ một hành động tôn kính nào, chẳng hạn như làm lễ niêm hương cho việc di dời đó. Nên việc tổ chức rình rang lễ an vị, có hình ảnh phát đi chỉ cho thấy sự trí trá, mưu mẹo của kẻ cầm quyền. Đặc biệt thô bỉ khi cố ý tách một lư hương trong tổng thể kiến trúc tâm linh của người Việt đã có từ năm 1930, để gá ghép thừa vào một đền thờ vốn đã hoàn chỉnh.

Đó là còn chưa nói vô số người yêu nước bị an ninh, mật vụ bao vây trước cửa nhà, đuổi chặn trên khắp các con đường dẫn đến tượng đài của Đức Thánh Tổ Trần Hưng Đạo vào ngày 17-2. Chuỗi bi kịch về con người, đất nước Việt Nam trong các hành xử nhà cầm quyền lâu nay nhiều đến mức để không ai có thể đủ sức nhếch mép cười nổi, khi chứng kiến trò hề nhạt vào trưa 20-2 vừa rồi.

Nội bộ của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh rối loạn đến mức, ai cũng đùn đẩy việc có mặt tại lễ an vị lư hương, và cố ý chỉ để phát đi những bức ảnh chính được chụp từ sau lưng vì sợ dư luận quần chúng. Bà Trần Kim Yến, bí thư quận nhứt đã trở thành con dê tế thần trước dư luận sôi sục vừa qua để chạy án cho hành động ngu xuẩn tập thể. Nhưng gánh nặng quá lớn đến mức một ngày sau, phía chính quyền đã phải đưa ra thêm công văn, ghi rằng có quyết định di dời lư hương là do bà Phó chủ tịch Ủy ban thành phố Nguyễn Thị Thu đưa ra. Tin trong giới thân quen với gia đình bà Thu cho biết cách làm hèn hạ, đùn đẩy trách nhiệm cho một người chết, là điều khiến cho gia đình cũng như bạn bè của bà Thu vô cùng tức giận.

Đang có lời vận động từ trong nhiều nhóm và cá nhân trên facebook, nói rằng mỗi người dân cần mang một lư hương nhỏ đến trước tượng đài để thắp hương, bày tỏ lòng tôn kính Đức Thánh Trần cũng như bày tỏ sự phản đối với hành động báng bổ tồi tệ của nhà cầm quyền hiện nay. Một facebooker giấu tên nói rằng nếu nhà cầm quyền ngăn cản, thì hãy thắp hương ở bất kỳ nơi nào chung quanh đó, hoặc đặt một lư hương trên các lề đường bất kỳ của thành phố để biểu lộ thông điệp về sự bất bình. Điều đáng nói, câu chuyện này đang xuất hiện ở các nơi, với sự bàn thảo bởi những guơng mặt rất mới, chưa từng tham gia bàn luận gì về chính trị. Họ chỉ bắt đầu bằng sự phẫn nộ của ý thức mình là người Việt.

Một nhà báo từ miền Trung, hiện đang viết cho các tờ báo thời sự quốc tế, nhận định vào tối ngày 20-2 rằng có điều gì đó đang diễn ra, cho thấy một phía là bộ mặt chính quyền đang sụp đổ hoàn toàn trong dân chúng, một mặt là sự nhen nhóm của một làn sóng bất mãn, bất tuân, tạm gọi tên là cuộc “Cách mạng lư hương”.

Cũng trong ngày 20-2, có tin các nhóm dư luận viên hàng đầu đang được phổ biến gấp các nội dung để tuyên truyền chống đỡ cho giới nhà cầm quyền. Trước các diễn biến rất mới và liên tục, nội dung phổ biến của “phản sự kiện” này vẫn lặp đi lặp lại cách làm rất cũ, là nhân dân “bị kích động, xúi giục”.

---------------------------------- 

(*) Lễ Niêm Hương: Thông thường các buổi lễ trong đạo Phật đều có phần niêm hương bạch Phật, gọi tắt là niêm hương.

Từ Đại lễ Phật đản tổ chức trên các lễ đài lộ thiên, cho đến lễ cầu an, cầu siêu trong các chùa, lễ an vị Phật tại tư gia, lễ cúng giỗ, ghi nhớ, nhắc nhở về Ông bà, Tổ tiên trong gia đình đều có niêm hương.

Niêm hương bạch Phật là tay cầm cây hương dâng lên cúng dường và trình bạch lên đức Phật hôm nay mình làm việc gì đó, cầu xin Tam bảo chứng minh gia hộ cho buổi lễ được thành tựu viên mãn.

Đức Thánh Tổ Trần Hưng Đạo, sống và chết trong thời đại cúa Phật giáo.

Sunday, February 17, 2019

Về đâu, 17-2-1979



Những ngày 17-2 luôn đầy biến động. 40 năm trước, cũng ngày này, người Việt ôm nhau chạy ngược xuôi trước đạo quân xâm lược của Trung Cộng. Trẻ nhỏ cũng bị giết, người già cũng bị chết. Đất nước đau thương trong họa cộng sản xâm lược.
17-2 hôm nay, năm 2019 cũng không bình yên. Người Việt nắm tay nhau, cố sống sót trong tình hữu nghị cộng sản Việt-Trung, nhìn quê hương tan rã. Nhìn người yêu nước bị giam hãm và tổ tiên bị phỉ báng ngay trước mắt mình trong ngày tưởng niệm.
Khó ai tin được là nhà cầm quyền hôm nay lại có thể dùng một loại kế sách bệnh hoạn, đển mức dùng xe rác bao vây tượng đài Đức Thánh Trần ở bến Bạch Đằng, Sài Gòn. Rồi ai đó đã ra lệnh dùng xe cẩu, mang lư hương lớn trước tượng đài đi nơi khác, vì sợ sẽ có người dân nào đó đến cắm vài nén nhang, tưởng nhớ những người Việt đã chết vì đất nước, sợ có ai nuôi trong mình sự thật về kẻ xâm lược mà quê hương ngàn năm vẫn chưa bao giờ thấy bình yên.
Nhiều ngày trước, một lượng lớn các barie, hàng rào kẽm gai… được đặt thêm ở gần chung quanh tòa Tổng lãnh sự Trung Cộng tại Sài gòn. Nhiều ngày trước đó, danh sách những người cần bị gác nhà, chặn cửa, ngăn chận đi lại… thậm chí có phương án bắt giữ đã được lập ra, nhằm đối phó với việc người dân muốn tưởng niệm 40 năm, ngày Trung Cộng mang 600.000 quân xâm lược Việt Nam. Đồng bộ với các hoạt động này, là báo chí nhà nước được cho phép mặc áo yêu nước, lớn giọng tố cáo Bắc Kinh xâm lược, khiến không ít người bỡ ngỡ: “Vậy là chính quyền đã quay về với nhân dân?”
Giới thạo tin nói rằng phía ngoại giao Trung Quốc cũng xông xáo khắp nơi để vận động Hà Nội hạ nhiệt. Không biết diễn biến như thế nào nhưng dân chúng theo dõi báo chí thấy rõ những bước chuyển của truyền thông nhà nước, Đầu tuần thì dữ dội, gọi là Trung Quốc xâm lược, ngày kế thì chuyển sang mềm mỏng, gọi là quân bành trướng, tiếp nữa thì chỉ tập trung phân tích sự anh hùng của Việt Nam trong sự lãnh đạo của Đảng. Cái kết đắng là vào ngày 15-2, một phóng sự dài của VTV nói về chiến tranh biên giới đã hoàn toàn né cái tên Trung Quốc, mà chỉ dùng cách nói như là “chúng ta bị tấn công, chúng ta kiên cường, chúng ta phản công…”. Bài thuốc hạ nhiệt mạnh và tốt nhất, là từ đêm 16/2, an ninh mật vụ của nhà cầm quyền đã bao vây chặt nhà từng người bị coi nguy hiểm vì yêu nước.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân kể anh bị công an khu vực thăm hỏi liên tục, dù đã có người gác trước cổng. Nhà báo Sương Quỳnh thì rạng sáng ngày 16/2, tù lúc 2 giờ, chị đã có người gác nhà để ngăn chị đi thắp hương tưởng niệm. Công việc này chu đáo đến mức, công an thuyết phục được hàng xóm cho họ vào đó làm trạm gác.
Lần theo bản công văn “mật” số 695-CV/ĐUK thuộc Đảng Bộ ở Sài Gòn về việc cảnh báo sẽ có những người tổ chức thương tiếc cho hơn 100.000 dân thường thiệt mạng trong 27 ngày chiến cuộc, và con số bộ đội thương vong còn giấu kín đến ngày hôm nay, được biết các nhân vật ấy, dù chỉ còn đủ sức thắp một nén hương cũng bị bao vây.
Ông Huỳnh Kim Báu, thành viên của CLB Lê Hiếu Đằng cho biết ông đi xe vào Sài Gòn từ sáng sớm ngày 17 tháng 2, nhưng rồi bị cảnh sát giao thông đột ngột nhảy ra chặn xe ở gần đoạn Võ Thị Sáu và Hai Bà Trưng. Hai bên công khai ý định của mình, riêng phần công an thì nhất quyết buộc ông quay lại. “Ai ra lệnh ngăn cản tưởng niệm, kẻ đó phản quốc”, ông Báu chỉ nói được vậy, khi phải quay về.
Tương tự như ông Báu, ông Kha Lương Ngãi, cựu phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, cũng bị an ninh kè theo suốt con đường và đến nơi cần bày tỏ thái độ, ông được biết “cấp trên” của các an ninh đó dứt khoát yêu cầu ông không được tham gia tưởng niệm vì tình hình “nhạy cảm”. Cũng còn nói được vài câu trước khi phải quay về, ông Ngãi hỏi 2 nhân viên an ninh rằng “đây là ngày toàn dân nhớ ơn, mấy cháu không nhớ ơn à?”. Hai nhân viên an ninh này ngần ngừ rồi cũng nói “cháu cũng nhớ ơn”.
Những người như ông Báu, ông Ngãi, bà Sương Quỳnh… đều bị an ninh vây nhà đến tận tối ngày 17-2 với nén hương lạnh chưa thắp được và những bài báo của nhà nước còn vương vãi dưới chân kêu gọi phải nhớ rõ kẻ thù xâm lược. Ở tượng đài Đức Thánh Trần, người đã trở thành huyền thoại vì đánh đuổi giặc phương Bắc xâm lược Việt Nam, đêm đó, vẫn còn những chiếc xe rác và kẽm gai bao vây. Và trên trang facebook của nhà báo Trung Dũng, tôi vẫn còn đọc thấy câu thơ
“Bị nhiều vết tẩy xoá
Tấm bản đồ rất đau
Lịch sử ai bôi bẩn
Bằng những bệt mực Tàu”.  

Tôi chẳng có ai là người thân trong cuộc chiến 1979, thậm chí chỉ nghe kể lại như một cuốn phim trắng đen mơ hồ về đất nước mình. Nhưng tôi lớn lên với một thân thể lành lặn, và không phải là một công dân nô lệ Trung Cộng, chính vì vậy, tôi biết ơn những người Việt vô danh ấy đã cho tôi một cơ hội.
Nhưng tôi cũng không thể đến thắp cho ai đó một nén nhang, dù là biểu trưng. Tương tự như những người vừa kể, những đứa trẻ đầy thanh xuân cũng ngồi trước cửa nhà tôi và làm công việc những chiếc xe rác và kẽm gai. Chúng cũng như tôi, được những người đã ngã xuống trên đất nước chia đều một cơ hội.
Ngày đã qua, những nén nhang vẫn lạnh. Tôi tự hỏi những linh hồn mang nặng nỗi niềm với quê hương ấy về đâu, kể từ năm 1979. Họ sẽ về đâu khi quê hương không còn là nơi chốn dung thân của mình, và bị cai trị bởi những kẻ phản bội?

Friday, February 15, 2019

Kỷ niệm 17-2: “Nhà cầm quyền nghiêng về chiêu trò hơn là thực tâm với đất nước”.



Năm 2019 có một sự kiện rất đặc biệt, là Hà Nội đã cho phép báo chí, dư luận được lên tiếng tố cáo cuộc chiến tranh Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc năm 1979. Những chồng tư liệu, tin tức về cuộc chiến này tưởng chừng bị xếp xó trong mối hữu nghị quái gỡ giữa Hà Nội và Bắc Kinh, nay lại được tung ra để cho dân chúng nhẹ lòng vào thời điểm kỷ niệm 40 của cuộc chiến.
Nhưng điều đó, không có nghĩa là mọi thứ dễ dãi. Trước một tuần ngày 17-2-2019, tất cả các phương án chặn người, gác nhà… của giới an ninh toàn quốc đã được bàn thảo và lên lịch. Có nghĩa là sẽ không có ai được tự do xuống đường tuần hành kỷ niệm ngày này, hoặc sẽ có danh sách dài những người bị giữ chặt để không tham gia được được một cuộc họp mặt, biểu tình nào đó được tổ chức trong vòng kiểm soát.
Nhân 40 năm sự kiện đau thương và bi hùng này, nhà tranh đấu và cựu chiến binh Trần Bang đã bày tỏ vài suy nghĩ của ông.

Năm nay, có không ít người bất ngờ trước việc ban Tuyên giáo Trung Ương bật đèn xanh, cho phép nói và chỉ trích Trung Cộng về cuộc chiến tranh biên giới 17-2-1979, anh nghĩ sao về điều này?
Nhà cầm quyền làm gì thì cũng thường có lý do ẩn sau bề mặt. Lần này, tôi nghĩ có vài nguyên nhân. Kỷ niệm 40 năm cuộc chiến Việt Trung là một dịp quan trọng khó có thể làm ngơ, mà vốn trước đây giới Xã hội dân sự đã lên tiếng rất nhiều, đòi hỏi lịch sử phải công bằng trong ghi nhận trong cuộc chiến phía Bắc lẫn biên giới Tây Nam. Chống Polpot ở Tây Nam, nhìn rõ sự kiện, cũng là chống Trung Quốc thôi. Sau khi yểm trợ cho Khmer Đỏ thất bại thì Trung Quốc mới mở thêm mặt trận chiến tranh phía Bắc Việt Nam. Nhân 40 năm kỷ niệm thì lại càng không thể bịt miệng nhân dân được nữa.
Nhìn về hướng tích cực thì có không ít người tham gia cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược vẫn còn nằm trong bộ máy chính quyền, thậm chí là có chức quyền. Họ cũng không thể nào chịu được việc mình bị bỏ quên, mà chỉ nghe suốt ngày tuyên truyền về các cuộc chiến chống Mỹ, chống Pháp. Họ cũng muốn được nói đến sự kiện xâm lược này.
Một điều nữa, tôi nghĩ rất gần với thời sự, là trong cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ và chủ tịch Kim Jong Un tại Việt Nam, việc phát lên một thông điệp không gần gũi với Trung Quốc là một cách Hà Nội giới thiệu mình với Mỹ, trong bối cảnh biển Đông ngày càng căng thẳng. Cơ hội này cũng là một cách để giới bình luận có thể suy đoán về một bước đi ngoại giao mới của Việt Nam, trong việc giữ gìn ổn định trên biển Đông.

Nhưng đây có là một cách lợi dụng sức mạnh dư luận quần chúng của Hà Nội, vốn là có tiếng giỏi cách thao túng dư luận xã hội và lợi dụng truyền thông cho những mục đích khác của mình?
Tôi cũng nghĩ vậy. Bởi vì, đảng Cộng sản Việt Nam có tiếng là ma lanh. Họ tận dụng mọi sức mạnh để bảo vệ sức mạnh độc tài của họ. Đây cũng là cách mà họ lợi dụng quần chúng, lợi dụng báo chí. Ai cũng biết báo chí trong nước hiện nay chỉ là cái loa của nhà cầm quyền.  Việc chủ trương cho phép báo chí nói mạnh và nói nhiều về sự kiện chiến tranh biên giới 1979 cũng chỉ là một cách xoa dịu sự tức giận của quần chúng vốn đã kìm nén lâu nay về việc nhà cầm quyền luôn đàn áp các tiếng nói đòi phải minh bạch lịch sử, minh bạch kẻ thù đã xâm lược với các thế hệ người Việt. Vừa lấy lòng được quần chúng, vừa nói được ý mình muốn trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ Việt Trung, thì họ sẽ làm ngay. Mà lâu nay, mọi thứ vẫn vậy chứ không có gì mới mẻ.

Có người nói rằng, cho phép nói thật về lịch sử, về giặc Trung Quốc xâm lược không quan trọng bằng phải có chương trình trả tự do cho những người yêu nước, xuống đường chống trung Quốc và bị bỏ tù, thậm chí là phải có cách nói tử tế và chính danh về cuộc chiến 1979 trong sách giáo khoa lịch sử?
Tôi vẫn thấy câu chuyện này còn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Lúc này, tôi nghĩ nhà cầm quyền đang nghiêng về chiêu trò nhiều hơn là chuyện thực tâm với đất nước, con người.
Tôi tin là trong bộ máy cầm quyền, vẫn có những người nghĩ đến chuyện phải trả tự do cho những ai chống Trung Quốc xâm lược mà lại bị cầm tù quá oan tức như hiện nay. Nhưng đây là một câu chuyện dài và phức tạp vì lâu nay các vụ án xử người yêu nước, nhà cầm quyền Cộng sản không bao giờ có đủ dũng khí để gọi tên án chống Trung Quốc, mà chỉ xử về tội tụ tập rối, kiểu gắp lửa bỏ tay người, mánh khóe chụp mũ, đổi tội danh.  Trong số 20 người đi tù ở Đồng Nai vừa rồi, vì đã xuống đường biểu tình chống luật đặc khu giao đất 99 năm cho Trung Cộng, có bao giờ quan tòa hay Viện kiểm sát dám gọi tên là tội biểu tình chống Trung Quốc đâu?
Còn trong sách giáo khoa, họ cũng đã nhỏ giọt thông tin, nhưng chắc là sẽ còn lâu lắm mới có đủ những lượng thông tin tương ứng và xác đáng về cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược năm 1979.

Là một sinh viên được động viên, trở thành quân nhân trong cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược. Anh và những người đã đổ máu cho đất nước nghĩ gì về thái độ và hành động của nhà cầm quyền Cộng sản hôm nay?
Tôi hay ai đã trãi qua một phần của cuộc chiến 1979 đều thất đó là một điều bất công. Dù có cho báo chí nói nhiều, nói mạnh một lần như lúc này cũng là bất công với hiện thực. Nhà cầm quyền chỉ vì quyền lãnh đạo mà đi theo một loại chủ thuyết, ôm chân giặc Tàu.
Tôi đã viết rằng số người hy sinh ở chiến trường Campuchia – họ vẫn nói úp mở là chiến trường K – và những số người hy sinh ở chiến trường phía Bắc, kể cả dân binh và những người trực chiến, cộng lại còn lớn hơn cả hơn số người chết vì chống Pháp hay chống Mỹ. Đó là tôi không tính chuyện nội chiến Bắc Nam. Thì với con số người chết như vậy mà chỉ hô hào chống Mỹ, chống Pháp rồi để cho có ít dòng – lại mới chỉ đưa vào vài năm gần đây - trong sách giáo khoa lịch sử là điều không thể chấp nhận được. Tôi luôn luôn phản đối và đòi sự công bằng về lịch sử, về những mất mát của dân tộc Việt Nam.