Friday, December 30, 2022

Sát thủ thầm lặng của năm 2022: Mạng xã hội

 

Tranh của Tomowwaka

Tờ Wired để lại một nhận định không thiện cảm của năm 2022 về các trào lưu thông tin và ứng xử, mà con người khi đối diện sẽ ngày càng dễ bị tổn thương hơn. Tham gia mạng xã hội không kềm chế, như việc liên tục đăng nội dung của mình lên mạng xã hội có thể làm xói mòn quyền riêng tư của bạn—và ý thức về bản thân.

Năm 2022 đánh dấu số lượng tham gia internet, và chủ yếu là các mạng xã hội, lên đến 5 tỷ người toàn cầu, tổng kết từ Statista cho biết. Xã hội ảo ngày càng lớn, và quyền lực hay thao túng quyền lực cũng ngày càng phức tạp.

Mạng xã hội thay thế các giao tiếp bên ngoài đời thường nhiều hơn cách đây 20 năm. Khi bạn trực tuyến, có nghĩa là phải thường xuyên tiếp xúc với nhũng người không rõ danh tính. Mặc dù điều này có vẻ bình thường, nhưng đó là sự đổi thay bất thường, chưa từng gặp phải với các định danh, tạm gọi là mang tư cách là con người.

Khi bạn đăng một ý kiến trên Twitter chẳng hạn, những người mà bạn chưa từng gặp bao giờ phản hồi bằng những suy nghĩ trái chiều và lời chỉ trích – thậm chí rất nặng nề vô cớ của họ. Mọi người đang xem bức ảnh selfie mới nhất trên Instagram của bạn, thật ra họ đang bước vào không gian riêng của bạn. Bị quá nhiều người quan sát có các tác động tâm lý đáng kể. Tất nhiên, tạm gác những yếu tố gọi là tích cực lại, chẳng hạn, trong thời kỳ cao điểm của đại dịch khi đó là cách mà chúng ta cảm giác ở gần những người thân yêu của mình. Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý cho biết có nhiều nhược điểm trong chuyện giới thiệu bản thân trên mạng xã hội, và những nhược điểm này có thể phức tạp và dai dẳng hơn chúng ta tưởng.

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mức độ sử dụng mạng xã hội cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các triệu chứng lo âu và trầm cảm. Gần đây đã có những bằng chứng đáng kể về mối liên hệ giữa sức khỏe tâm thần và thói quen trực tuyến của các netizen.

Hơn nữa, nhiều nhà tâm lý học tin rằng mọi người có thể đang phải đối mặt với những tác động tâm lý lan tỏa nhưng không phải lúc nào cũng rõ ràng. Larry Rosen, giáo sư danh dự về Tâm lý học tại Đại học Bang California, Dominguez Hills, cho biết: “Những gì chúng tôi nhận thấy là mọi người đang dành nhiều thời gian hơn cho màn hình, so với trước đây, hoặc so với mức suy nghĩ gọi là tự kiểm soát của họ. Nó đã trở thành như một loại bệnh dịch tinh thần”.

Rosen đã nghiên cứu các tác động tâm lý của công nghệ từ năm 1984, và ông ghi nhận về mọi thứ bị coi là “mất kiểm soát” của con người. Rosen nhận được hàng tá báo cáo mỗi ngày về các trường hợp tự phát hiện rằng người dùng mạng xã hội cảm thấy không thể thoát khỏi cuộc sống trực tuyến của mình. Rosen nói: “Ngay cả khi bạn không ở trên màn hình, màn hình vẫn lởn vởn ở trong đầu bạn”.

Giá trị của quyền riêng tư cho chúng ta không gian để hoạt động mà không bị phán xét. Nhưng khi chúng ta sử dụng mạng xã hội, thường có rất nhiều người lạ xem nội dung của chúng ta, thích, bình luận và chia sẻ nội dung đó với cộng đồng của họ. Bất cứ khi nào bạn đăng một cái gì đó trực tuyến, từ đó bạn đã tiết lộ một phần con người của bạn, nhưng vào năm 2022, ít ai lường được mình sẽ được tiếp nhận như thế nào trong thế giới ảo. Fallon Goodman, trợ lý giáo sư Tâm lý học tại Đại học George Washington, còn cho biết về một hội chứng của việc lo âu không biết mình đang tạo ấn tượng gì với bài đăng mới nhất trên mạng, có thể gây ra căng thẳng và trầm cảm.

“Khi bạn đăng một bức ảnh, dữ liệu thực sự duy nhất bạn nhận ngược lại là lượt thích và bình luận của mọi người”, Goodman nói, “và bạn phải đối diện những phản xét của người khác về mình theo những cảm quan may rủi. Và điều đó tác động vào tâm lý bình ổn của bạn”.

Anna Lembke, giáo sư Khoa học về Tâm thần và Hành vi tại Đại học Stanford, cho biết chúng ta dần tự xây dựng danh tính của mình, thông qua cách đám đông nhìn nhận. Và chúng ta dần sống giả tạo hoặc đa nhân cách với đời thường và trên mạng xã hội. “Danh tính ảo này là một thành phần của tất cả các tương tác trực tuyến mà chúng tôi có. Đó là một danh tính rất dễ bị tổn thương vì nó chỉ phục vụ việc tồn tại trong không gian mạng. Theo một cách kỳ lạ, bạn không có quyền kiểm soát nó, mà phải chuyển động theo xu hướng ghét hay thích của mạng xã hội” Lembke nói. “buồn thay, bạn cũng sẽ rất dễ bị lộ”.

Vì không có khả năng tìm hiểu xem “phẩm giá trực tuyến” của mình đang lan truyền như thế nào trên thế giới ảo, người dùng mạng xã hộidễ trở nên gay gắt phản ứng hoặc bỏ chạy sau khi trực tuyến nhiều giờ — và thậm chí, sự ám thị tinh thần đó vẫn đeo duổi sau khi đã đăng xuất.

“Đó là một dạng siêu cảnh giác cố thích nghi. Ngay khi bạn gửi một thứ gì đó vào thế giới ảo, bạn sẽ như ngồi trên đống lửa để chờ phản hồi”, Lembke nói, “Chỉ riêng điều đó thôi - kiểu kỳ vọng đó - là một trạng thái hưng cảm tột độ. Bạn sẽ luôn lẩn quẩn rằng mọi người sẽ phản ứng thế nào với điều này? Khi nào họ sẽ trả lời? Họ sẽ nói gì?”

Và bất kỳ một phản ứng hay bình luận nào không mong đợi, sẽ gây ra tình trạng ngày càng trầm trọng thêm cảm giác xấu hổ và ghê tởm bản thân, với nỗ lực xây dựng một thế giới “phẩm giá trực tuyến” trong thế giới hiện đại. Đó là chưa nói, với các quốc gia sử dụng các lực lượng bình luận trên mạng xã hội có mục đích để tuyên truyền, quảng cáo, thao túng thông tin hay bảo vệ các sản phẩm… như Trung Quốc, Nga, Việt Nam… bạn có thể càng bị tác động tổn thương, hoặc biến đổi tâm tính khác thường, khi tham gia vào các luồng truyền thông đó.

Không thoát khỏi nó, như lạnh nhạt hơn với các loại trình bày và phô diễn, bạn sẽ là tù nhân của không gian ảo, và luôn bị các mạng tra tấn tinh thần kể cả khi tắt máy. Năm 2022 đã để lại nhiều vấn đề như vậy - lớn hơn bao giờ hết – với 5 tỷ người.

Wednesday, December 28, 2022

Dửng dưng trước nỗi đau, cũng là một loại tội ác

 


Hồi đầu tháng 12, một tòa án miền bắc nước Đức mở phiên tòa kết án một phụ nữ 97 tuổi, vì bà ta có vai trò đồng phạm sát hại hơn 10.000 người trong Trại tập trung cải tạo Holocaust của Phát-xít Đức. Khi đó, bà mới vừa qua tuổi thiếu niên vào những năm 1940.

Từ năm 1943 đến năm 1945, bà Irmgard Furchner làm thư ký tại trại tập trung Stutthof, gần Gdańsk ở Ba Lan do Đức Quốc Xã chiếm đóng. Bà Furchner đã bị kết tội là tay sai đắc lực cho việc giết hàng ngàn người một cách có hệ thống trong thời gian làm công việc thư ký.

Dù nay đã 97 tuổi, nhưng phiên tòa được tổ chức diễn ra trước một tòa án vị thành niên, vì khi phạm tội, Furchner vẫn còn trong độ tuổi chuyển từ thiếu niên sang trưởng thành. Các luật sư của bà Furchner đã tranh luận để bà được tha bổng, vì cho rằng không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy bà ta biết về vụ giết người hàng loạt ở Stutthof.

Tuy nhiên, phán quyết cuối cùng của tòa án với người phụ nữ 97 tuổi này, hoàn toàn là kẻ đã phạm tội. Dù tòa án được tổ chức theo kiểu dành cho tuổi vị thành niên, nhưng thẩm phán xác định rằng ở tuổi 18 bước qua 19 lúc đó, bà ta có đủ suy nghĩ để nhận biết về cái chết và nỗi đau của người khác. Quan trọng là dù không tham gia trực tiếp vào tội ác, nhưng bà ta đã sắp xếp trình tự những cái chết, mà dửng dưng không hề quan tâm đến nó như thế nào.

“Việc thúc đẩy các hành vi này của bị cáo diễn ra thông qua việc hoàn thành các thủ tục giấy tờ cụ thể… Hoạt động này là mục đích rõ để tổ chức trại cải tạo và thực hiện các hành vi giết người tàn ác, có hệ thống”, tòa án cho biết trong một tuyên bố.

Nói lời sau cùng, người phụ nữ 97 tuổi xin lỗi về những gì đã xảy ra, và nói rằng bà hối hận vì thời làm việc ở trong trại tập trung.

Việc đem một thủ phạm bị coi tham gia tội ác chiến tranh ra xử ở tuổi 97 cũng gây nhiều tranh cãi. Trong những bình luận về vụ xử, cũng có ý kiến cho rằng có thể bà ta không thích Đức Quốc Xã, nhưng sinh ra vào một thời đại buộc phải phục vụ cho chế độ đó mà không thể bày tỏ quan điểm khác biệt.

Tuy nhiên cũng có ý kiến phản bác nói rằng, nếu không thích, bà ta có thể chọn một nghề nghiệp khác chứ không chọn nhận công việc tham gia hệ thống giết người, với những quyền lợi hơn hẳn những công dân Đức bình thường khác vào lúc đó.

Câu chuyện này chợt nhắc đến Việt Nam, những kẻ đã phạm tội ác với nhân dân, từ trong trại giam đến đời thường, lẫn tòa án... chắc chắn chỉ có thể ung dung được một giai đoạn trong bổng lộc đầy máu và nước mắt nhân dân. Những án oan như Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh, Lê Đình Công, Lê Đình Chức... cho đến những kẻ vu cáo giấu mặt trong các vụ án của Phạm Đoan Trang, Nguyễn Thúy Hạnh... rồi chắc chắn sẽ phải bị đưa ra trước ánh sáng của lịch sử để soi xét. Những kẻ như vậy, nhiều đến mức nào, công lý vẫn đuổi theo đến tận cùng.

Ở bất cứ nơi nào, và chắc chắn trong tương lai, mọi tội ác đối với cho con người dù nhân danh chính quyền, hay chỉ là "thi hành theo mệnh lệnh", cũng sẽ bị phán xét nghiêm khắc, bất chấp lúc đó thủ phạm đang ở trong tình trạng như thế nào.

Sẽ không có loại chính quyền nào là "chính nghĩa" mãi mãi để phục vụ hay nương nhờ, mà bỏ quên hiện thực ra sao. Mọi thứ có thể đổi thay, nhưng nỗi đau con người sẽ được ghi lại thành những hồ sơ lịch sử, để phán xét vào mai sau.

Câu chuyện của bà Irmgard Furchner còn nhắc về một điều khác, dửng dưng trước những bất công - khổ đau mà đồng loại phải gánh chịu, cũng là một loại tội ác không thể tha thứ.

 

Monday, December 26, 2022

Về một đại nạn chưa kịp đến

Ẩn sâu vào những câu chuyện hào nhoáng dễ làm lay động lòng người trong đại dịch, cũng có chuyện cần nhắc lại, đó là hình ảnh PTT Vũ Đức Đam dũng cảm tình nguyện chích Nanocovax để vận động cho nghiên cứu thương mại này sớm được đưa vào chương trình quốc gia. Không những chích một mũi, mà ông còn khẳng định đã chích đến hai mũi để chứng minh về tính hữu hiệu tuyệt đối của vaccine này.

Nếu đã chích đến hai mũi của Nanocovax, vậy thì chắc chắn PTT Vũ Đức Đam sẽ khó có thể chích thêm được các vaccine khác mà Việt Nam đã xin thế giới viện trợ. Nanocovax không có tên trong bản đồ y khoa chích nối mũi 3 và mũi 4, vì không lường trước các phản ứng khác biệt vaccine. Nếu vậy, thì ông Đam chỉ có thể chích mũi 3 và mũi 4 với cùng Nanocovax, hoặc liều chết chích một loại khác của phương Tây, nếu âm thầm không còn tin tưởng nữa.

Thật lòng, cho đến bây giờ câu hỏi lớn vẫn là có chuyện thật sự ông Đam đã can đảm chỉ đưa duy nhất vaccine Nanocovax đang thí nghiệm với 2 mũi cơ bản vào cơ thể lãnh đạo quý báu của mình không, thay cho những vaccine uy tín hơn của nước ngoài? Rất nhiều người không tin chuyện này, Mặc dù hình ảnh cho thấy hết sức cảm động và chân thật trong đại dịch.

Thật đáng để suy nghĩ, khi 3 cơ quan nghiên cứu vaccine nội hóa công bố cuộc chạy đua giành thị phần ở Việt Nam từ năm 2020 cho đến nay, dẫn đầu là Nanocovax, đều bị Bộ Y Tế bác bỏ vì không có đủ mức đo lường về sự an toàn, mà theo một nguồn tin từ báo Quân đội nhân dân là tới tháng 3 năm 2022, thì Nanocovax mới được coi là hoàn thành thử nghiệm của mình, nhưng vào thời điểm đó thì đất nước đã không còn cần khẩn cấp vaccine nữa https://m5.gs/Uk1OVE .

Hãy thử nhìn vấn đề theo hai chiều trung dung: có hay không chuyện các cơ quan nghiên cứu vaccine thân thiết với bộ máy nhà nước hơn, đã làm áp lực ngầm để ngăn cản việc phát hành Nanocovax trước, nhằm để chiếm thị trường, mà phía ủng hộ thì có Thủ tướng Võ Đức Đam công khai tham gia "chích" thử nghiệm loại vaccine này, để nhằm vận động cho doanh nghiệp này bước vào phân phối. Mà nói trắng ra, lúc đó có nhận chích, ông Đam cũng không thể biết nhiều gì khoa học Nanocovax, ngoài đam mê và niềm tin.

Bức ảnh của ông Đam, được thấy là dàn dựng rất chu đáo: Ánh mắt của ông kiên định nhìn về phía ống kính như một Bồ Tát chấp nhận hiểm nguy để đi đầu thử nghiệm cho dân tộc (có báo đã bình như vậy). Bức ảnh cho thấy ông Đam mở hẳn cả một bên áo, làm rõ mục đích truyền thông là quyết tâm đồng hành với Nanocovax.

Thế nhưng bài phỏng vấn ông Vũ Đức Đam, lạm dụng cả kênh chính Bộ Y Tế của nhà nước, có tựa đề "Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: sức khỏe của tôi bình thường sau khi tiêm thử nghiệm" (có thể search/tìm với từ khóa này trên google để tìm thấy) đã bị im lặng gỡ bỏ, ngay sau khi Nanocovax liên tiếp bị Bộ Y Tế VN chỉ ra rằng chưa đủ tiêu chuẩn. Cũng không biết bài báo gỡ, là có phải do sức khỏe của ông Đam bị ảnh hưởng sau khi chích vaccine, ảnh hưởng đến tư duy lãnh đạo sau này?

Mà nếu vào cuối năm 2021, loại vaccine này có ra mắt và được áp dụng, thì cũng không còn thu được lợi nhuận như mong muốn. Bởi đã trễ thời điểm, và các đại án như "kit test Việt Á" và "chuyến bay giải cứu" đã làm lu mờ và hài hước hóa các giá trị hùng hục khẩn thiết "vì dân, vì nước".

Đường dây vận động cho Nanocovax - hãy xin tạm cho là có mục đích thao túng tin tức với dân chúng và cả bộ máy nhà nước - có cả sự tham gia của viên chức tôn giáo cấp cao của nhà nước là ông Thích Nhật Từ. 

Trong những bản video bị lộ và lan truyền trên mạng cho thấy ông Thích Nhật Từ (tục danh Trần Ngọc Thảo) đang dẫn đầu một nhóm nhà sư dưới tay đến làm lễ cầu nguyện cho Nanocovax ngay tại bản doanh của cơ sở thương mại này. Nếu chỉ là chuyện cầu nguyện cá nhân và riêng tư thì không có gì để nói, nhưng đến ngày 17 tháng 09 năm 2021, ông Thảo tổ chức đại lễ, vượt qua lệnh giãn cách, long trọng cầu nguyện riêng cho Nanocovax tại chùa Giác Ngộ, Q.10.

Tuy đại lễ cầu nguyện rất long trọng và được cả thế giới biết đến, thế nhưng không có tin tức nào nói về chuyện ông Thảo cùng chích vaccine Nanocovax để đồng hành với dân tộc.

Nếu nói là tấm lòng Bồ Tát, vì dân vì nước, thì ông phải cầu nguyện cho tất cả những vaccine của Việt Nam nghiên cứu sớm thành đạt để có thể cứu dân, chứ tại sao long trọng cho riêng Nanocovax? Đặc biệt ông Thảo hoàn toàn mù tịt, chẳng biết gì về khoa học và vaccine, nhưng lại quyết chọn Nanocovax như một đích đến duy nhất và rõ ràng làm truyền thông đại chúng để kéo chư Phật vào trình diễn, quảng bá với công chúng. (Giờ thì status này của ông Thảo dường như đã bị ẩn đi, không thể tìm thấy được).

Cũng may, phước phần của dân tộc VN còn lớn, vì người dân có phải trải qua hai kiếp nạn là Kit test Việt Á, cùng Chuyến bay nhân đạo giải cứu, nhưng vẫn là may mắn. Vì bởi nếu lúc đó Nanocovax được thông qua, và chẳng may để lại các hậu chứng - mà vốn người dân vẫn luôn phải tự gánh vác hậu quả phần mình - thì Tam Tai ấy,  ông Thảo và vị PTT Đam ắt gánh phần không ít.

Thật ra trong quá trình nghiên cứu của Nanocovax, người ta chỉ nghe qua tuyên bố về những thành tựu chứ không thấy một y văn nào mô tả chi tiết về việc họ đã nghiên cứu và hiệu quả nghiên cứu như thế nào. Trong khi các loại vaccine hàng đầu như Astra Zeneca, Pfizer, Moderna thận trọng nói họ có thể ngăn chặn được virus Corona từ 75-80%, riêng Nanocovax tuyên bố họ có thể ngăn chặn đến 90% đứng đầu thế giới, nhưng không cho các tổ chức uy tín của quốc tế cơ hội để kiểm chứng. Đó là chưa nói công ty thương mại này từng lập lờ nói như thể Liên Hiệp Quốc công nhận họ là một trong những vaccine đủ tiêu chuẩn, được chấp nhận.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, thuộc Viện nghiên cứu City of Hope, California, Mỹ kiêm cố vấn khoa học Ruy Băng Tím viết trên Facebook cá nhân rằng: "Nanocovax có thể không phải là một vaccine COVID-19 đứng đầu thế giới nhưng đây là vaccine đầu tiên trên thế giới được tổ chức lễ cầu nguyện để được lưu hành!"

Có thể thấy Nanocovax chưa được giới chuyên khoa chấp nhận, nhưng Hội đồng "tâm linh" của ông Thảo ngỏ ý muốn phê duyệt, làm áp lực quần chúng cho việc khan hiếm vaccine khẩn cấp, mà trên thực tế là do nhà nước không có chính sách đặt mua sớm, mà chỉ yêu cầu viện trợ là chính, nên có một giai đoạn hết sức khan hiếm.

Đã một năm đại nạn covid-19 trôi qua ở Việt Nam, có thể nhìn lại và thấy đại nạn ập đến không chỉ đến từ tự nhiên, mà còn đến từ những cơ hội âm mưu trục lợi phi tổ quốc, phi đồng bào, bất chấp nỗi đau và tiếng rên xiết của người dân trong nguy khốn. Câu chuyện vừa được viết lên ở đây có thể mô tả cho thấy là một trong những đại nạn đã không kịp xảy ra với dân tộc Việt, nay nghĩ lại, chỉ có thể tin rằng đó là phước phần của đất nước này, vốn vẫn luôn đứng trước những âm mưu lạnh lẽo.

Thursday, December 15, 2022

Hạnh phúc chưa chắc là từ đấu tranh


Nhiều người đã bày tỏ sự thất vọng trước cô Caddie ở sân golf BRG Đà Nẵng (tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), sau khi bị tay trọc phú cầm gậy đánh đến phải vào viện. Khát vọng muốn nhìn thấy công lý được thực thi, muốn nhìn thấy một giai cấp quyền lực mới phải trả giá cho sự càn quấy của mình đã khiến không ít người chán nản, thậm chí tức giận khi xem video của những người phỏng vấn cô, với nội dung là “không có gì”.

Nhưng nếu nhìn kỹ, đó là câu chuyện rất bình thường trong xã hội Việt Nam hôm nay – một xã hội dù được gọi tên bằng bất kỳ lý tưởng cao đẹp nào – nó hiện hình rõ ràng về một hình thái sinh hoạt xã hội giai cấp mới. Tác giả của khái niệm này, nhân vật cộng sản kỳ cựu Milovan Djilas đã từng nói một cách súc tích rằng đó là nơi sinh ra những cá thể và nhóm từ lực lượng cầm quyền, được giới thiệu đầy đủ bằng quyền lực, giả trá và sự hợm hĩnh.

Chuyện ông Nguyễn Viết Dũng, chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Đất Quảng, đại biểu đương nhiệm Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam dùng gậy chơi golf đánh một nữ nhân viên phục vụ khi tức giận bất thường trong cuộc chơi, nó tái hiện tất cả những ngôn từ xấu hổ nhất, mà hệ thống tuyên truyền của nhà nước đã dùng trong cả thế kỷ để mô tả về giai cấp tư sản thù địch bóc lột, lạm quyền và khốn nạn với nhân dân.

Trong đoạn cao trào của xã hội Việt Nam hôm nay, đang phẫn nộ nhìn thấy quá nhiều các biểu hiện giai cấp mới bùng phát, hài kịch và bi kịch luôn xen lẫn trong các suất trình chiếu thực tế hàng ngày của đời sống. Chuyện hung bạo của Nguyễn Viết Dũng không còn là chuyện cá nhân, khi ông ta lên giọng đòi “công lý” cho mình, cho rằng mạng xã hội đang tấn công ông, làm mất hình ảnh của một đại biểu nhân dân, thì đó cũng là lúc cả xã hội chứng kiến ông Dũng đang nhìn ngó đồng đội, để chờ một cú đỡ từ nhóm giai cấp mới đang hình thành của mình.

Nạn nhân của ông Dũng, người phụ nữ vô danh ở đất miền Trung đã may mắn hơn rất nhiều người khác, khi xin vào làm được ở một sân golf, nơi những người chơi tham gia đóng hội phí trung bình là 15.000 đến 50.000 đô la ở Việt Nam. Cô biết rõ mình chỉ là con sâu cái kiến. Cô đủ kinh nghiệm về chuyện chạm vào giai cấp mới đầy tiền của là chuyện không nên. Chạm vào giai cấp mới có cả quyền lực xã hội, thì lại càng không nên. Vì vậy, có thể trong suy nghĩ bé mọn của mình, cô chỉ mong bằng mọi cách giữ lại cuộc sống yên lặng, có việc, và nối dài sinh tồn thôi.

Ít ngày sau khi cô L. ra viện, cô trình bày sự việc của mình rất nhẹ nhàng, thậm chí hồ hởi trong việc phân minh cho người hành hung mình. Trong bản video được phát đi đầy chứng cứ có lợi cho ông đại biểu Hội Đồng Nhân Dân - mà tiếng miền Nam gọi là xởi lởi - phát ngôn đầy dễ dãi và sẵn sàng cho qua của cô L., nó hoàn toàn khác biệt với những gì diễn ra trong ngày đầu. Lúc đó, cô L. tố cáo ông Dũng đã không buồn tìm đến xem cô bệnh tình thế nào, chỉ nhắn xin lỗi qua công ty nơi cô làm việc. Vào lúc đó, rõ ràng cô không “xởi lởi” như bây giờ. “"Lúc đầu ông D. muốn tới nhà em nhưng công ty không cho địa chỉ vì khi đánh em xong ông D. có hù dọa, công ty sợ ảnh hưởng nên không cho địa chỉ của em. Từ hôm xảy ra vụ việc tới giờ công ty nói sẽ đứng ra giải quyết nên không thể tiết lộ thông tin", cô L. nói trên báo Tuổi Trẻ ngày 11 Tháng Mười Hai.

Cũng trong bài báo đó, tiết lộ rằng sau khi bị đánh đến gãy gậy golf vào ngày 6 Tháng Mười Hai, cô L. đi cấp cứu cho đến ngày 11 vẫn chưa thể trở lại làm việc được như bình thường. Gần một tuần lễ nằm viện và phải ngừng công việc, thật khó tin là trong những ngày ấy, đột nhiên cô tha thứ tất cả.

Những ngày ấy, có thể là cùng kịch bản về thế giới nhộn nhịp của phim Đại Hàn hay Hồng Kông mà người dân Việt đã quá biết, như cô L. cũng tiết lộ, là đe dọa hoặc mua chuộc, tác động các hệ thống quyền lực quen biết... Phải từng tiếp xúc với người dân thấp cổ bé miệng ở vùng quê xa, tiếng kêu có thất thanh cũng không lọt khỏi cánh cửa nhà, mới biết đòi công lý, đòi quyền lợi theo đúng nghĩa, chỉ là tiểu thuyết giải sầu. Người xưa từng dạy “Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết mới sống”. Dĩ nhiên, cô L. phải chọn cách sống.

Xin đừng giận cô L. vì sự tha thứ bất ngờ đó. Dù cô lớn lên trong mái trường xã hội chủ nghĩa và được học câu nói nổi tiếng của ông thầy chủ nghĩa cộng sản Karl Marx “Hạnh phúc là đấu tranh”, nhưng trong cuộc đời của cô - hay có thể với cả chúng ta - hạnh phúc chưa chắc là từ đấu tranh. Phải biết mới sống.

 

Thursday, December 8, 2022

Nhạc sĩ Tuấn Hải: Trái tim để lại miền Nam yêu dấu

Nhạc sĩ Tuấn Hải là một cái tên không phải ai cũng nhanh chóng nhận ra, nếu không liệt kê một vài bài hát nổi tiếng của ông làm điểm tựa, bởi ông chọn sống một cuộc đời yên lặng và khiêm tốn. Suốt hàng chục năm, nhiều phóng viên văn nghệ đã từng đề nghị ông kể lại câu chuyện đời sáng tác của mình, nhưng ông chỉ cười xòa, và nói rằng kể lại, cũng giống như tự ca ngợi mình nên ông thấy ngại.

Vì vậy, tư liệu về ông trên internet thật ít ỏi. Ngay trên Wikipedia, phải mất nhiều năm, thông tin về ông mới có được chút ít qua những mấu chuyện, tin tức lượm lặt về ông mà người ta gom lại được. Theo đó, nhạc sĩ Tuấn Hải Tuấn Hải có tên thật là Lê Xuân Nghị, sinh ngày 1 tháng 6 năm 1939 tại Hải Phòng. Người ta ghi nhận ông còn có những bút danh khác như Lê Kim Khánh (lấy tên con ông), Song Kim và Phụng Anh (trong một số bài). Khi hỏi ông về các thông tin này, ông lại cười xòa, nói rằng “có những điểm trên đó cũng không chính xác, nhưng thôi không quan trọng, vì đời mình rồi cũng qua đi, được quên cũng tốt”.

Năm 2023, ông bước qua tuổi 83. Hiện ông đang sống ở Brisbane. Úc Châu. Cuộc định cư ở quê hương thứ hai vào tháng Tư 1990. “Tôi có ở lại cũng không làm gì, nhưng đi thì lại thấy mình nhớ nhiều thứ quá”, ông kể, “giống như thân xác mình đi, nhưng trái tim mình ở lại với miền Nam cũ”.

Như số phận chung của giới văn nghệ sĩ sau 1975, nhạc sĩ Tuấn Hải ngừng công việc của đời mình. Trở về yên lặng và từ chối giao tiếp với đời sống văn nghệ của xã hội mới. Ông kể rằng những tháng sau biến cố đó, một số anh em nghệ sĩ quen cũng như các viên chức văn hóa của nhà nước đến đề nghị ông tham gia sáng tác và sinh hoạt ca ngợi cuộc sống mới. Nhưng nhạc sĩ Tuấn Hải từ chối. Ông nhận ra rằng mình không thể hội nhập được. Nói thẳng với những người mời mình, nhạc sĩ Tuấn Hải nói “tôi xin lỗi là tôi vừa trải qua một biến cố quá lớn của xã hội, và vẫn chưa lấy lại được tinh thần, nên hẹn khi nào cảm thấy có thể tham gia được thì tôi sẽ đến”.

Lời hẹn đó vẫn treo mãi, vì ông chọn sống một cuộc đời. “Tôi thấy mình tham gia, rồi viết ngược với suy nghĩ và cách sống của mình trước đây, khó quá. Làm người không làm vậy được”, nhạc sĩ Tuấn Hải nói. Khi hỏi vì sao ông lại mang suy nghĩ đó, ông chỉ nói đơn giản là “làm vậy kỳ lắm”. Câu trả lời đơn giản đầy phẩm giá này, không phải ai sống trong miền nam Việt Nam, sau 1975 cũng có được suy nghĩ như vậy.

Vốn là chuyên viên âm thanh của Bộ Quốc Phòng, và được biệt phái qua hoạt động kỹ thuật phòng vi âm của bộ phận Tâm Lý Chiến. Tháng 6 năm 1961, ông được tuyển chọn vào làm việc ở Đài phát thanh Sài Gòn, và mở rộng quan hệ với giới sáng tác của miền Nam Việt Nam. Sau đó, ông đã được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông - giám đốc hãng nhạc, giao cho việc phụ trách kỹ thuật âm thanh và chọn lựa bài hát, tổ chức thu âm cho hãng dĩa Continental.

Cuộc đời làm việc với âm nhạc của nhạc sĩ Tuấn Hải trải đầy những giải thưởng. Ông từng được các giải thưởng trong cuộc thi sáng tác được tổ chức bởi các cơ quan như: Văn Hoá Vụ, Tuyên Úy Phật giáo, Thiếu Nhi, Phòng Vệ Dân Sự, Dân Vệ Đoàn, bộ Thông tin và bộ Tư lệnh Cảnh Sát Quốc gia. Đặc biệt là ông đạt được giải nhất với bài "Mừng Ngày Quân Lực", trong cuộc thi sáng tác toàn quốc năm 1965, do Tổng cục Chiến tranh Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa tổ chức. Ông đã được sự khen thưởng đặc biệt của Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa cũng như Địa phương quân và nghĩa quân.

Cho tới nay, ông có khoảng hơn 100 tác phẩm để lại cho đời, bao gồm sáng tác cùng với những nhạc sĩ khác. Rất nhiều bài đã lưu mãi trong ký ức của người yêu nhạc như Phượng Buồn, Một Trăm Phần Trăm, Gửi Niềm Thương Về Huế, Kỷ Niệm Nào Buồn, Như Một Cơn Mê… và đặc biệt là 3 bài về mùa Giáng Sinh.

Ông kể lại với giọng hào hứng, tràn ngập kỷ niệm về những ngày làm việc không ngừng, và mô tả một xã hội sinh hoạt văn hóa của miền Nam Việt Nam đầy sức sống. Lúc đó, ba ban nhạc ghi âm thường xuyên là ông làm việc, là ban của nhạc sĩ Lê Văn Thiện, ban của nhạc sĩ Văn Phụng và ban của nhạc sĩ Y Vân. “Mỗi nhạc công lúc đó, mỗi bài ghi âm trước trả tiền là 2000 đồng. Một ngày thu tối đa là 4-5 bài, chuyện kiếm tiền rất nhẹ nhàng”, ông cười. Lúc đó thời giá một lượng vàng khoảng gần 3500 đồng, còn một chiếc xe honda mới, chỉ trên dưới 20.000 đồng. Cuộc sống của giới văn nghệ sĩ không cực nhọc như sau này.

“Vậy giá thu âm của ca sĩ là bao nhiêu vậy, thưa ông?”. Câu trả lời của nhạc sĩ Tuấn Hải thật thú vị: Ca sĩ không đòi hỏi giá ghi âm, nhưng cách tính của giới sản xuất dĩa và in nhạc giấy không làm họ thiệt thòi. Ca sĩ như Khánh Ly, Jo Marcel, Thái Thanh… thường ở mức giá 5.000 đến 6.000 đồng/bài. Nhưng hiện tượng lúc đó là ca sĩ Hùng Cường với thời trình diễn sân khấu lừng danh, được các nhà sản xuất chiều chuộng, trả có lúc lên đến 20.000 đồng/bài. Theo trí nhớ của ông, ca sĩ vedette phòng thu lúc bấy giờ, là Hùng Cường và Hà Thanh.



Nói về bài hát “Một trăm phần trăm” lừng danh một thời, nhạc sĩ Tuấn Hải kể nguồn cơn của việc ra đời, là một ngày ông và nhạc sĩ Ngọc Sơn đi ăn cháo cá ở đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận, thì nhạc sĩ Ngọc Sơn mới đưa cho ông tờ giấy nháp viết câu hát đầu tiên “100 em ơi, chiều nay 100%”, và đề nghị ông về phát triển thành một bài kích động nhạc. Vài hôm sau, ông mang bản chép tay toàn bài đưa cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và nói là bán đứt cho ông. Lúc đó, bài hát bán được 10.000 đồng và chia đôi cho cả hai người Tuấn Hải – Ngọc Sơn.

Chuyện tiếp sau đó, là một điều thú vị mà ít người biết: Vì mua đứt, nên nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đưa cho một người xuất bản nhạc giấy, cũng là đàn em, tên là Minh (sau này định cư ở Sydney, Úc). Tưởng là chỉ in bán để lấy vốn, do Hùng Cường hát trên đài phát thanh được yêu cầu nhiều lần, không ngờ lúc đó số bản in vượt hơn 100.000 bản, tiền lời nhiều đến bất ngờ. Ông Minh sau này gặp lại nhạc sĩ Tuấn Hải, có kể rằng con số thu được đến gần 2 triệu đồng, là phần tiền góp vào mua căn nhà của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ở đường Nguyễn Minh Chiếu, cho đến bây giờ. Nghe kể xong, nhạc sĩ Tuấn Hải bật cười. Lúc đó, chỉ nghĩ là một bài hát vui, không quá quan tâm nên ông cùng nhạc sĩ Ngọc Sơn dồng ý bán đứt, chứ đoán trước được thì đã cùng làm giàu rồi.

Nhạc sĩ Tuấn Hải chỉ có bạn trong đời, không có người ghét bỏ hay tỵ hiềm. Ông cũng là người hay giúp đỡ anh em trẻ mới vào nghề, chép lại nhạc cho họ, đưa vào chương trình ghi âm. Luôn ngại làm người khác phiền, nên ông hay cho qua mọi chuyện, kể cả những thị phi. Những năm tháng cách trở - và đặc biệt một phần là ông ít dùng mạng xã hội – nên việc gán đặt sai tên tác giả diễn ra, nhưng ông nghe rồi cũng cho qua, vì thấy tranh cãi cũng không để làm gì. Năm 2015, sau khi nghe nhiều người nhắn hỏi, ông buộc lòng phải viết một thư ngỏ, trong đó có nhắc đến ba bài bị tranh cãi nhiều.


--------------

Thư Ngỏ (trích)

Ca khúc Phượng Buồn

Bài này tôi viết năm 1974 tại Sài Gòn và đã sắp xếp Hoàng Oanh hát đầu tiên vào dĩa nhựa nhạc Ngày Xanh tại phòng thu của một người Hoa ở số 13 đường Bùi Hữu Nghĩa (trước cửa chợ cá Hòa Bình, quận 5 Chợ Lớn cùng trong năm ấy). Đến năm 2004 tôi về Sài Gòn gặp lại một số bạn cũ trong đó có các nhạc sĩ: Ngọc Sơn, Đài Phương Trang, Dzoãn Bình và Vinh Sử. Rồi chúng tôi có cuộc hẹn đi uống bia tại quán Hội Nghệ Sĩ...

Sau khi tặng Vinh Sử một CD Phượng Buồn thì người bạn này nói liền: "Xin lỗi anh, em có làm một chương trình có bài Phượng Buồn nhưng gặp khó khăn về việc kiểm duyệt tác giả ở nước ngoài nên đã để tên anh Thanh Sơn cho dễ dàng và tiện việc thanh toán bản quyền..." Ngay lúc đó tôi không thấy gì phiền hà vì việc đã rồi. Hơn nữa Thanh Sơn sau này có chút gì vui vui... Thế là vấn đề thông qua.

Sau đó bài Phượng Buồn lần lượt được nhiều trung tâm sử dụng nên việc " tam sao thất bản" càng lan tràn theo tỉ lệ thuận. Cũng từ đó một số thân hữu của tôi tỏ ra bất đồng về sự im lặng này, cũng có vài người còn suy nghĩ ngược lại. Trong thời điểm này tôi không biết dùng computer nên chẳng muốn bận thêm làm gì. Nay tiện có cháu nội bà xã tôi sang du học tại Australia nên tôi nhờ cháu Thanh Trinh giúp cho việc này.

Cũng xin được nói thêm là giữa tôi và Thanh Sơn đã có thâm tình từ những ngày hai đứa mới vào nghề (nhắc tên bạn ở đây bằng tất cả lòng quí mến). Tôi nhớ rõ là nhạc sĩ Thanh Sơn có mấy bài viết về phượng rất nổi tiếng như: Nỗi buồn hoa phượng, Hạ buồn và Hai cánh phượng buồn (bài này ghép mấy bài cũ của Thanh Sơn). Tôi cũng thấy vài trung tâm còn ghi tác giả bài Phượng Buồn của Nguyên Vũ hay Nguyễn Vũ. Theo tôi được biết không có nhạc sĩ nào tên Nguyên Vũ, còn nhạc sĩ Nguyễn Vũ và chúng tôi cũng rất thân quen từ những ngày cùng cộng tác ở Continental do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông điều hành. Nhạc sĩ Nguyễn Vũ viết nhiều bài về tình yêu lính biển và mấy bài giáng sinh rất nổi tiếng. Tôi chưa nghe thấy bài nào viết cho phượng.

Ca khúc Nhớ Nhau Làm Gì

Ca khúc này đã do Elvis Phương hát trong dĩa Continental. Sau năm 1975 vài trung tâm khác sử dụng lại nhớ lầm là của Anh Việt Thu. Nhạc sĩ Anh Việt Thu với chúng tôi đã quen nhau sau khi ông viết bài Dòng An Giang.

Ca khúc Trót Dại

Ca khúc này cũng được viết năm 1968 có ghi tên tôi và con trai lớn của tôi là Lê Kim Khánh, đã do Giao Linh hát trong dĩa Continental cùng năm ấy. Cho đến sau năm 1975 tôi đã nghe ca sĩ Đình Văn hát ở trung tâm Mưa Bụi đã tự ý đổi tên ca khúc này là Lỡ Lầm. Thật là phản nghĩa! Cũng tình trạng đó Tuấn Vũ lại hát trong chương trình của trung tâm Vân Sơn mà không hề có trao đổi ý kiến gì hết. Trót dại cũng có web còn ghi thêm tên của nhạc sĩ Vinh Sử.

Tôi, Tuấn Hải, xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về các phát ngôn trên.










Monday, December 5, 2022

Chuyện về một con voi lớn ra đi


Gọi là voi, vì vốn danh hiệu của linh mục Giuse Tiến Lộc (tên thật là Nguyễn Văn Lộc) khi ông còn sinh hoạt với ngành hướng đạo là Voi Hoạt Bát. Chiều ngày 05.12.2022, ông đã thanh thản ra đi tại bệnh viện Quân Dân Y Miền Đông, để lại ký ức khó quên về một cuộc đời hoạt động không mệt mỏi, tạo ảnh hưởng đến nhiều thế hệ Công giáo cũng như Lương giáo.

Linh mục Tiến Lộc (1943-2022) được hầu hết những người sinh hoạt xã hội, hướng đạo và công giáo biết đến từ trước năm 1975. Việc góp sức theo đuổi ngành hướng đạo với tinh thần công dân phục vụ xã hội và xây dựng cộng đồng, linh mục Tiến Lộc trở thành ngôi sao của ngành hướng đạo suốt nhiều năm liền. Kể từ khi cùng gia đình di cư vào Nam năm 1955, cha Tiến Lộc đã không ngừng cải tiến và tạo niềm vui cho sinh hoạt hướng đạo, đến mức nhiều gia đình có con em tham gia chương trình hướng đạo lúc đó luôn tự hào.

Linh mục Tiến Lộc quen thuộc với giới hướng đạo sinh với vai trò tổ chức thành lập các Tráng đoàn và hoạt động. Cần nói thêm, trước năm 1975, các sinh hoạt và tổ chức nhóm, đoàn, hội… ở miền Nam Việt Nam là tự do và luôn được khuyến khích. Tráng đoàn (Rover Scouting) là nơi tập hợp tất cả những người đã tham gia hướng đạo sinh nhưng nay đã quá tuổi nhi đồng, là thanh niên nam, nữ. Đây là một hình thái hoạt động công ích xã hội được Hướng đạo sinh quốc tế công nhận từ năm 1922, mà Hướng đạo VNCH là một thành viên chính thức, hoạt động với màu sắc văn hóa Việt Nam và chỉ bị ngừng lại, cắt đứt với thế giới sau năm 1975. Biệt danh Voi Hoạt Bát của linh mục Tiến Lộc cũng xuất phát từ đây, do mọi nơi ông đến, ông đều đẩy mạnh các sinh hoạt văn nghệ yêu quê hương tự do, sinh hoạt anh em và xây dựng phát triển tôn giáo. Nhiều bài hát của ông đã nằm lòng với người miền Nam Việt Nam như Anh em ta về, Chúa là cây đàn, Con voi, Giây phút chia ly...

Cho tới trước Tháng Tư 1975, đặc biệt vào năm 1972, sự thành công và nở rộ các Tráng đoàn Việt Nam khiến bất kỳ ai chứng kiến cũng kinh ngạc. Đi đâu, các chương trình giúp đỡ người nghèo, người khuyết tật, giáo dục miễn phí, xây dựng tinh thần đồng bào, kiến thiết xã hội... không chỉ ở Việt Nam mà còn phát triển ở nơi khác như Pháp, Mỹ, Úc... 

Sau khi chấm dứt chiến tranh, trong chiến dịch truy quét "tàn dư văn hóa cũ", hướng đạo sinh bị chấm dứt không có lý do, các sinh hoạt tập hợp bị cấm. Chỉ còn một số ít trường học ở Huế, Nha Trang, Đà Nẵng, Sài Gòn cố gắng bí mật sinh hoạt nhưng tàn dần.

Ngày 25 Tháng Một 1978 là biến cố với linh mục Tiến Lộc. Trong giai đoạn bị chính sách ngăn sông cấm chợ của chính quyền mới, cái đói và sợ hãi diễn ra khắp miền Nam. Lúc đó đang là Cha cai quản Đệ tử Viện ở Thủ Đức, ông phân công cho các tu sinh trồng rau, bắt ốc để trợ giúp đời sống hàng ngày. Vô tình một tu sinh moi được một cây súng ngắn đã hỏng, ai đã vứt ở đó, không có đạn và bị rỉ sét và mang về đưa cho linh mục Tiến Lộc. Ông không nỡ vứt đi và dùng nó như một món đồ chặn giấy độc đáo. 

Một trong những vô số đợt kiểm tra nửa đêm, xét hỏi và lục soát vào những năm sau khi ngừng chiến tranh vẫn diễn ra ở tu viện, chùa, ký túc xá, nhà riêng... Đệ tử Viện cũng bị kiểm tra bất ngờ. Công an viên nhìn thấy cây súng, dù để ở trên bàn giấy, không sử dụng được nhưng cũng quyết định tội trạng của ông là "tàng trữ vũ khí". Tòa án chóng vánh không luật sư sau đó kết tội ông 4 năm tù, dù khi tang vật được kiểm tra là không còn khả năng sử dụng. 

Nói về giai đoạn này, linh mục Tiến Lộc của ghi lại như sau "Tôi lần lần nhận ra đây là một hồng ân Chúa ban nhờ bốn năm tù tội, tôi được sáng mắt như Thánh Phao lô và ngộ được nhiều giá trị hay... Trong thời gian này sống chung phòng với nhiều "loại người", tôi học được thêm bao nhiêu điều hay và chứng kiến bao nhiêu điều dở, từ những vị mà ngoài đời mình chỉ đáng là học trò, cho đến những người cùng đinh cặn bạ xã hội, từng cướp của giết người..."

Linh mục Tiến Lộc trải qua những ngày tù bình an và lạc quan giữa bao điều khốn khó. Ông học thêm được tiếng Nga và tiếng Trung Quốc trong tù, tập hát và làm trò chơi nhỏ với những người bạn tù, đem lại sự lạc quan và ấm áp tình người. Khi được hỏi, ông tâm tình rằng mình đã an nhiên giữa mọi thứ, do luôn mang theo bên mình Đức Tin và Tinh thần Hướng đạo.

Trong tù, ông đã làm Lễ Lên Đường trong ngành Hướng đạo cho linh mục Phạm Quang Hồng, người cũng ở tù chung. Linh mục Hồng là người hiện nay đang sống ở nước ngoài, có những bài giảng Công giáo hàng tuần được giáo dân ghi lại, để trên youtube, với lối nói chuyện hài hước và gần gũi, thu hút hàng trăm ngàn lượt xem.

Một trong những nỗ lực thầm lặng của Đức Tổng giám mục Phao Lô Nguyễn Văn Bình cho đến khi qua đời, là ông đã liên tục gửi thư kêu gọi nhà cầm quyền hãy trả tự do cho những linh mục bị giam giữ vô cớ hoặc đang đau yếu. Linh mục Tiến Lộc được trả về sau hơn phân nửa thời gian thụ án. Ông được trả về vào ngày 28 Tết. Khi ấy, thăm hỏi ông, Đức Tổng giám mục nói có nghe ai ở tù chung với linh mục Lộc đều rất vui vẻ. Ông cười, trả lời rằng "Thưa Đức Tổng, bây giờ người ký bài sai ra lệnh cho con vào tù đi, con xin vâng lời ngay. Ra tù thì khó, chứ vào tù thì dễ lắm Đức Tổng ạ".

Người suốt đời đóng góp cho xã hội, xây dựng tinh thần giới trẻ tự do, kết nối cộng đồng hòa bình anh em như linh mục Tiến Lộc thì có tận tụy hơn chắc ông cũng không được trao tặng huân chương, hay một bằng cấp nào đó của chính quyền ban cho. Nhưng sức ảnh hưởng của ông thì vô cùng lớn và tác động đến nhiều thế hệ, là chỗ dựa để nhận biết tình thương, tình đồng bào và sự cống hiến của đời người là gì. 

Sự ra đi của ông nhắc cho nhiều thế hệ người Miền nam tiếc nhớ rằng sẽ không dễ tìm được những tấm gương sáng như linh Mục Tiến Lộc, Nguyễn Hùng Trương, Nguyễn Hiến Lê, Hoàng Xuân Việt, Thu Giang Nguyễn Duy Cần.. đã từng nở rộ trong nền giáo dục với tinh thần tự do.

Friday, October 14, 2022

Giáo sư Ngô Vĩnh Long, chân dung một trí thức Việt


Người Việt tại nhiều nơi trên thế giới đón nhận tin tức về sự ra đi của giáo sư Ngô Vĩnh Long với nhiều suy nghĩ khác nhau. Ông từng là một trong những học giả hàng đầu đưa ra những lý luận thực tiễn về vấn đề chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và cảnh báo công khai những âm mưu của Bắc Kinh. Những nghiên cứu của ông được nhà nước Việt Nam theo dõi, nhưng ông cũng từng bị cấm về Việt Nam sau 1975.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long sinh năm 1944, tại Vĩnh Long. Tên của ông lấy từ địa danh ông sinh ra. Gia đình ông là người Bắc (Ninh Bình) di cư vào Nam. Ông Ngô Vĩnh Long là người Việt đầu tiên tốt nghiệp Đại học Harvard của Hoa Kỳ. Sau khi lấy bằng tiến sĩ về lịch sử Đông Á và Viễn Đông tại Harvard, ông làm Tổng Giám đốc Trung tâm tài liệu Việt Nam ở Cambridge và sau đó là giáo sư Đại học Maine.

Năm 2000, ông về dạy cấp đại học ở Việt Nam một giai đoạn ngắn, trong khuôn khổ chương trình Fulbright. Theo lời ông kể với bạn bè, dù chỉ là giảng dạy về kinh tế thế giới, nhưng hầu như ông luôn bị mật vụ theo sát và cuối cùng không quay trở lại. Trước đó, năm 1979, ông được mời về nghiên cứu tình hình nông nghiệp ở Hà Tây. Ông đã chỉ ra chính sách nông nghiệp hợp tác xã của Hà Nội là thất bại. Viết trên BBC Việt ngữ, tác giả Joaquin Nguyễn Hòa có tiết lộ về mối quan hệ giữa ông Long và Hà Nội rằng “Hà Nội lại cấm cửa không cho Ngô Vĩnh Long về nước, mà cũng không rõ lý do gì (những chuyện như thế thường không có lý do!). Anh Long kể với tôi rằng anh thoát bàn tay công an Việt Nam trong gang tấc nhờ một người bạn che chở trong một lần về Việt Nam”.

Theo đánh giá của giới trí thức cùng thời, giáo sư Ngô Vĩnh Long được chính quyền ưa chuộng vì quan điểm công dân yêu nước, chống sự xâm lấn Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng khó chịu vì sự nhận định không khoan nhượng của ông về chế độ cầm quyền cộng sản. Nói trên BBC vào năm 2013, ông khẳng dịnh là “Đảng đang làm ‘mất thời gian’ của nhân dân và các giới trong xã hội khi cố tình trì hoãn cải tổ thể chế, chính trị qua việc tiếp tục không ‘gạt bỏ’ điều 4 về vai trò độc tôn của Đảng Cộng sản lãnh đạo nhà nước và toàn thể xã hội ra khỏi Hiến pháp”.

Ông đưa ra các lý do cốt lõi về việc Bắc Kinh chiếm Hoàng Sa, và Hà Nội đã ngây thơ ủng hộ cuộc xâm lược đó ngay từ đầu, rằng Bắc Kinh đã âm mưu chiếm biển Đông từ nhiều thập niên trước cho mưu đồ bá quyền. Trong hội thảo về Hoàng Sa tại Harvard ngày 11 Tháng Một 2014, ông khẳng định “Trung Quốc lấy nốt Hoàng Sa rồi để từ đó mới nói rằng Trung Quốc có lãnh hải mấy trăm dặm, thành ra, gây tranh chấp khắp khu vực. Trung Quốc gây sự, chiếm chỗ này, chiếm chỗ kia, để mà người ta phải tới để điều đình với Trung Quốc. Khi mà tới nói chuyện với Trung Quốc thì Trung Quốc tuyên bố chỉ nói chuyện song phương thôi, chứ không nói đa phương. Trung Quốc dùng sức mạnh của các nước lớn để ăn hiếp các nước nhỏ”.

Trong mối quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh, được phủ bằng tấm khăn thêu đẹp đẽ về mối quan hệ hữu nghị, có những điều cần phải nói rõ thì Hà Nội lại phải mượn lời của “người thứ ba”. Thay vì tự vạch trần thì Hà Nội mượn ngôn ngữ của những người như giáo sư Ngô Vĩnh Long. Ngày giáo sư Ngô Vĩnh Long ra đi, báo chí nhà nước viết nhiều bài về ông, trên nền tảng vấn đề biển Đông và chủ quyền quốc gia trong tương lai. Nhưng không có tờ báo nào nhắc đến những ngôn luận như ông từng nói trên BBC vào năm 2020: “Tình trạng chuyên quyền và sử dụng quyền lực một cách độc đoán có thể nói lại càng ngày càng tăng… Chính quyền hiện nay chuyên quyền hơn, nhưng không phải một cách mù quáng. Sự chuyên quyền hiện nay không phải vì cộng sản hay không cộng sản mà vì lợi ích là phần nhiều”.

Cần nói thêm, việc khen ngợi ông Long của chính quyền Việt Nam là cách lợi dụng quen thuộc của họ sau 1975, đối với những trí thức mà họ không thể hoàn toàn thu phục hoặc biến thành công cụ của mình. Khi ngừng tiếng súng, nhiều trí thức miền Nam hy vọng có thể dùng khả năng mình để phục vụ đất nước thời hòa bình, hy vọng xây dựng một Việt Nam tốt đẹp hơn. Nhưng để rồi sau đó phải chấp nhận sự thật rằng cộng sản không thể thay đổi. Nhiều người chọn cách ra đi hoặc từ chối đứng cùng hàng ngũ, theo nhiều cách khác nhau.

Nhiều ý kiến không thích giáo sư ngô Vĩnh Long vì ông từng tham gia các thành phần phản chiến ở Việt Nam, tuy nhiên bên cạnh đó, cũng có thể thấy rằng giáo sư Ngô Vĩnh Long là người sống với chủ nghĩa yêu nước thuần túy theo quan điểm cá nhân và không thuộc về bất kỳ chủ nghĩa hay lý tưởng nào. Bi kịch cuộc nội chiến Việt Nam với phần thắng thuộc về phía xâm lược khiến quan điểm của những thành phần yêu nước, không thuộc về cộng sản cũng không thuộc về cộng hòa, trở thành chủ đề của những chỉ trích. Không ít trí thức Việt Nam đã rơi vào hoàn cảnh này.

Cho đến khi qua đời, giáo sư Ngô Vĩnh Long đã viết nhiều công trình nghiên cứu. Ông cũng là gương mặt quen thuộc của các diễn đàn về những vấn đề chính trị và ngoại giao quốc tế được tổ chức tại Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Sự ra đi Ngô Vĩnh Long là một mất mát cho thế hệ trí thức người Việt bên ngoài quê hương – một thế hệ luôn ưu tiên nghĩ về dân tộc và đất nước nhưng không thể sống cùng chế độ cộng sản.

Wednesday, September 28, 2022

Luật sư Võ An Đôn bị chận xuất cảnh đến Mỹ định cư

Tin từ sân bay Tân Sơn Nhất cho biết, đêm ngày 27 Tháng Chín, gia đình của luật sư Võ An Đôn khi đang chuẩn bị đi qua cửa hải quan để lên máy bay cho chuyến định cư tại New York, Hoa Kỳ, đã đột ngột bị nhân viên an ninh giữ lại. Phía an ninh đưa gia đình của luật sư Võ An Đôn vào phòng chờ và ít lâu sau, thông báo rằng ông Đôn không được xuất cảnh. Khi luật sư Đôn chất vấn lý do và yêu cầu có biên bản thì an ninh đưa ra biên bản số 1375/BBTHXC-TSN, vì “lý do an ninh”.

Sự việc diễn ra khá nhanh vì lúc hơn 19g tối, ông Đôn còn đưa hình ảnh gia đình đã gửi xong hành lý và chuẩn bị qua hải quan, với lời nhắn cho bạn bè “Gia đình tôi chuẩn bị lên máy bay đi Mỹ định cư, khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất đến bang New York. Xin chào tạm biệt anh, chị, em trong nước và hẹn gặp lại”. Hồ sơ xuất cảnh đứng tên luật sư Võ An Đôn, nên việc dừng ông Đôn, cũng khiến cả gia đình phải cùng ở lại.

Thế nhưng trong biên bản làm việc với công an hải quan, có ghi rằng “mọi việc kết thúc lúc 21g49 phút cùng ngày”. Điều này cho thấy công an đã theo dõi và chuẩn bị mọi thứ cho kế hoạch ngăn chặn chuyến đi định cư của gia đình ông Võ An Đôn, cùng vợ và ba đứa con nhỏ.

Như mọi trường hợp ngăn chặn không cho xuất cảnh rất quen thuộc của công an Việt Nam, văn bản xác nhận việc không cho gia đình ông Võ An Đôn lên chuyến bay EK393 của hãng hàng không Emirates vào lúc 23g55 phút chỉ nói ngắn gọn là dựa theo Điều 36 của Luật 49/2019/QH14, quy định về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh. Theo biên bản thì dường như cả gia đình ông Đôn vẫn còn giữ được sổ thông hành chứ không bị tịch thu.

Vào lúc 2g sáng ngày 28 Tháng Chín, ông Đôn có nhắn cho những người quan tâm, qua Facebook là “Gia đình tôi bị hoãn xuất cảnh: Sau khi làm xong thủ tục ký gởi hàng hoá, khi qua cổng an ninh sân bay Tân Sơn Nhất gia đình tôi bị công an cửa khẩu chặn lại không cho xuất cảnh vì lý do an ninh, theo đề nghị của công an tỉnh Phú Yên. Gia đình tôi đành phải trở về nhà khi cơn bão Noru đang ập đến”.

Facebook của ông Võ An Đôn cũng đăng hình ảnh cho thấy ba đứa con nhỏ của ông đang ngủ vật vạ tại ghế chờ ở sân bay, trong khi ông đi lấy lại hành lý đã gửi hãng hàng không Emirates, để quay lại Phú Yên.

Theo kinh nghiệm của các trường hợp như luật sư Võ An Đôn, thì dù cho giấy tờ đầy đủ, hợp lệ, chuyện làm khó của an ninh Việt Nam thường có thể khiến việc ra đi bị chậm lại từ sáu tháng cho tới hai năm.

Võ An Đôn (sinh năm 1977) là cái tên quen thuộc trong ngành luật. Chỉ một thời gian ngắn hoạt động nhưng ông đã để lại một dấu ấn đặc biệt về việc dám đối đầu với cơ quan công an và hệ thống chính trị Việt Nam bằng chính luật pháp đã ban hành. Năm 2014, ông gây chấn động giới luật sư bào chữa khi thắng kiện vụ năm công an ở Phú Yên nhục hình làm chết công dân Ngô Thanh Kiều. Sau vụ án đó, Võ An Đôn được người dân yêu mến nhưng đồng thời cũng khiến ông trở thành đích ngắm của những âm mưu trừng phạt vì ông dám bày ra hình ảnh công an bạo lực khắp cả nước.

Năm 2015, ba gia đình ngư dân ở Bình Thuận là Trần Thị Lụa, Trần Thị Thanh Loan và Trần Thị Phúc dùng thuyền cá của gia đình vượt biên đến Úc bị trả về. Dù đã có cam kết giữa Úc và Việt Nam rằng những người này sẽ không bị trừng phạt khi trở về nguyên quán thế nhưng ngay khi đặt chân về nước, công an đã kết án những người này nhiều năm tù.

Ông Hồ Trung Lợi (chồng bà Loan) cũng tố cáo rằng trong thời gian bị giam giữ, ông bị đánh đập đến mức tàn tật một chân. Luật sư Võ An Đôn tham gia vụ án này để bảo vệ những người dân bị tù, đồng thời là người yểm trợ pháp lý cho họ trong lần vượt biên kế tiếp đến Úc. Nói với báo chí Úc, bà Lụa khẳng định “thà bị bắn chết” còn hơn là bị trả về Việt Nam lần nữa. Còn tất cả những người còn lại thì thề nếu bị đưa về Việt Nam để chịu tù đày tra tấn nữa thì họ sẽ nhảy xuống biển chết tất cả chứ không chọn sống với cộng sản.

Sự kiện những người dân vượt biển tìm tự do này đã trở thành tai tiếng tầm quốc tế đối với chính phủ Úc, khiến họ phải đồng ý không trục xuất những người này quay trở lại Việt Nam. Tháng Bảy 2022, Cao ủy Tị nạn Liên hợp quốc đã cấp quy chế tị nạn cho những người này, cả ba gia đình tổng cộng 20 người, qua Canada định cư. Đây cũng là nỗ lực kéo dài từ năm 2016 của bà giáo sư người Úc Shira Sebban, để cứu giúp các gia đình này. Bà Shira Sebban cũng là người đứng ra nhận cấp dưỡng cho những đứa trẻ trong ba gia đình, cho đến khi cha mẹ chúng hết án, ra tù ở Bình Thuận.

Võ An Đôn là người có câu nói nổi tiếng: “Ở Việt Nam, các luật sư chỉ có thể chạy án chứ không có thể thực hành luật pháp đúng nghĩa”. Ông cũng là một trong những người đầu tiên công khai nói rõ khái niệm “án bỏ túi” với giới truyền thông bên ngoài, trong các vụ xử chính trị.

Năm 2018, ông Võ An Đôn bị rút giấy phép hành nghề luật sư. Sự kiện bức ép này đã khiến hơn 100 chữ ký của các luật sư cả nước yêu cầu trả lại quyền hành nghề cho ông Võ An Đôn, nhưng rồi tất cả cũng bị ỉm đi ngay sau đó.


Monday, September 26, 2022

Chuyện không có điện cho một tiếng hát

Ca sĩ Quang Thành, người đại diện cho ca sĩ Khánh Ly im lặng một chút khi nghe yêu cầu về cuộc phỏng vấn nhanh vào tối 25 Tháng Chín, sau đó anh nói “mọi chuyện rất rối, và cô Khánh Ly chỉ có thể nói về chuyện này sau ngày 28 Tháng Chín”. Đó là ngày mà bà Khánh Ly đi về Mỹ và nghỉ ngơi, chuẩn bị cho tour diễn ở Châu Âu. Ngày 28 là ngày mà bà rời khỏi hẳn Việt Nam, không biết khi nào quay lại.

Chương trình của ca sĩ Khánh Ly có tên là Nhớ mùa thu Hà Nội, ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được viết vào năm 1985. Nhưng số phận ca khúc đó cũng long đong không kém show diễn tổ chức tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Một vài năm sau khi ca khúc Nhớ mùa thu Hà Nội được đón nhận rầm rộ trên mặt truyền thông, như là một  sáng tác góp vào nền văn hóa mới của chế độ mới, nhưng bài hát cũng bắt đầu bị soi chiếu và thậm chí bị phản ứng khi đưa vào các chương trình truyền hình. Đến năm 2017, nhạc sĩ Đoàn Bổng, trưởng phòng ca nhạc Đài Truyền hình Việt Nam từng tiết lộ là bài Nhớ mùa thu Hà Nội Tân luôn bị dằn xuống bàn, soi chiếu từng câu chữ.

“Không ít có ý kiến cho rằng ca khúc có những ca từ nhạy cảm: “…Hà Nội mùa thu đi giữa mọi người, lòng như thầm hỏi, tôi đang nhớ ai, sẽ có một ngày trời thu Hà Nội trả lời cho tôi, sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi… Mùa thu Hà Nội tượng trưng cho mùa thu cách mạng. Vậy nói mùa thu Hà Nội trả lời là trả lời cái gì? Nếu một số ca khúc trước đây bị cấm vì có ca từ nhạy cảm, thì sao ca khúc này không bị cấm?”, ông Đoàn Bổng tiết lộ.

Bài hát hay con người của một nền văn hóa của miền Nam trước 1975, vẫn luôn bị xét lại như vậy vào bất kỳ lúc nào. Có thể là công khai, hoặc thầm lặng trong nội bộ của những người có quyền.

Chương trình Nhớ Mùa Thu Hà Nội của Ca sĩ Khánh Ly đã hoàn toàn không thể cất tiếng ở giữa lòng thủ đô nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong cuộc đối thoại với bà Hoài Oanh, người tổ chức chương trình đêm nhạc bị cắt điện, không có một thông điệp nào cho thấy rằng cuộc dàn dựng tốn kém đến 1,6 tỷ đồng này sẽ tổ chức lại vào một tháng nào đó, thậm chí là làm lại chương trình Nhớ Mùa Thu Hà Nội vào mùa thu năm sau.    

Cũng trong cuộc trò chuyện này, tất cả những bất cập được nhận ra không chỉ có một lần cúp điện, mà khởi sự từ rất nhiều vụ, quanh cái tên Trịnh Công Sơn và Khánh Ly. Bà Hoài Anh nói vào buổi tối, trước ngày diễn, bà nhận được một tin nhắn qua zalo của các nhân vật của nhà hát, đơn giản nói là ngừng vì “cúp điện” và hứa lát nữa sẽ có văn bản gửi chính thức. Vào lúc 19g10 phút, một văn bản ngắn gọn gửi tới, nói về chuyện “khó khăn chung” của việc cúp điện lúc 21g - ngay vào ngày đã có lịch diễn.  Sau khi đọc thấy câu đề nghị “lùi lịch diễn sang thời gian phù hợp”, những người trong ban tổ chức đã thay phiên nhau gọi cho tất cả các quan chức của Nhà hát lớn, cũng như những người có trách nhiệm trong Sở văn hóa tại Hà Nội, nhưng điều kỳ lạ là điện thoại của của tất cả những nhân vật có trách nhiệm, như đều bị cùng cúp điện.

“Em rất sốc, nếu như thực sự chương trình của chị Khánh Ly có vấn đề gì thì từ đầu đừng cấp phép. Đằng này mọi thứ diễn ra êm thắm, nhưng rồi lại có chuyện xảy ra, mà em phải nói là lãng xẹt”, bà Hoài Oanh nói.  

Báo chí ngay trong đêm 23 Tháng Chín cũng biết chuyện và các phóng viên đổ xô đến để ghi lại câu chuyện quái đản này. Có thể thấy rõ là trên văn phong, nhiều phóng viên cũng bất bình thay cho ban tổ chức và đặt những câu hỏi như “ai sẽ chịu trách nhiệm cho chuyện này?”. Nhưng chỉ trong một ngày, qua đến sáng ngày 25, thì toàn bộ tất cả những nội dung liên quan đến chương trình Nhớ Mùa Thu Hà Nội bị lột sạch trên tất cả các trang web báo chí Nhà Nước. Cuối cùng chỉ còn là những lời chỉ trích kịch liệt ở lên trên các trang mạng của những người Việt bình thường, nơi không có các vị tổng biên tập.  

Đây có thể gọi là lần thứ cúp điện thứ ba, liên quan show diễn, vì đường dây tin tức của toàn bộ báo chí cũng bị cúp điện theo. Không còn một tín hiệu nào cho thấy họ có thêm ý kiến gì. Mọi thứ tối đen như căn nhà tranh của Ngô Tất Tố.

Thật ra, hành trình để gặp khán giả xuyên Việt Nam của Ca sĩ Khánh Ly đã không trơn tru từ lúc bắt đầu. khởi đầu với bài Gia Tài Của Mẹ ở Đà Lạt và sau đó là dẫn lần lượt là những show bị hủy điều có những trục trặc mơ hồ, tương tự như câu kết trong công văn “những trường hợp bất khả kháng mà chúng ta đều không mong muốn”.

Dĩ nhiên, nếu vì lý do đột ngột “kiểm tra thiết bị điện cao thế” của Nhà hát lớn, những người quản lý nhà hát vẫn có thể du di được thêm 24 tiếng đồng hồ; nhưng bất khả kháng lệnh của ai đó, thì lại là chuyện khác. Với câu hỏi trực tiếp “Liệu đây là tình trạng của hệ thống hay là của một cá nhân không ưa thích ca sĩ Khánh Ly?”, bà Hoài Oanh trả lời rằng “Em tin rằng chỉ là một vài người, một vài cá nhân tác động vào thôi ạ”.

Những người tổ chức chương trình cho ca sĩ Khánh Ly, là những người lớn lên trong nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam hôm nay. Họ hoàn toàn ý thức được lằn ranh mong manh của họ, giữa việc làm nghệ thuật và xung quanh là một bầu không khí chính trị với những ánh mắt sát thương nhìn từ bóng tối. Thế nhưng với niềm tin là cứ làm đúng theo pháp luật, thì họ có thể vững bước và làm được những điều mình muốn. Theo suy nghĩ của ban tổ chức, là khán giả Hà Nội hôm nay sẽ có dịp thưởng thức tiếng hát của một ca sĩ nổi tiếng của  miền Nam bằng xương bằng thịt, chứ không phải qua những ký ức về cassette tape mở khe khẽ trong thời chiến tranh. Vì vậy trong số khách mời của show diễn, có nhiều quan chức ở phía Bắc cũng hẹn đến tham dự. Đùng một cái, suốt cả đêm 23 qua đến 24 Tháng Chín, các thành viên ban tổ chức đã phải thay nhau hối hả gọi điện cáo lỗi với tất cả những người đã có vé, trong đó có những quan chức – mà có không ít người đã bày tỏ sự sửng sốt vì thủ đoạn “cúp điện” rất trẻ con này.

Thế nhưng từ miền Nam, không phải ai cũng tin rằng đây là chuyện của một vài cá nhân đối với bà Khánh Ly. Từ khi về Việt Nam biểu diễn từ năm 2014, ca sĩ Khánh Ly chưa lần nào được chính thức vào trung tâm Sài Gòn để trình diễn, vì những lời thề "quyết tâm" đầy tính tập thể, giữ không cho Khánh Ly được hội ngộ với vùng đất lịch sử và con người mà bà đã thành danh.

Có thể có những người đầy quyền lực không thích bà Khánh Ly, không mệt mỏi tác động hết nơi này nơi nọ để ngăn cản hay làm khó chương trình biểu diễn của bà, nhưng chắc chắn sẽ phải là một tập thể mới có thể tác động một cách đồng bộ từ nhiều tỉnh thành và “cúp điện” luôn cả báo chí như trong trường hợp ở Nhà hát lớn Hà Nội. Tư tưởng chống việc trở lại của Khánh Ly - hay của bất kỳ văn nghệ sĩ miền Nam nào đã từng ra đi sau tháng Tư năm 75 - vẫn âm ỉ và tiếp diễn. Và đó cũng là mâu thuẫn giằng xé trong các chính sách gọi là mở cửa, hòa hợp dân tộc đã bị lợn cợn khó ăn với những “món nợ cũ” của phía chính trị cực đoan.

Nhiều người cho rằng và Khánh Ly bị gây khó bởi bài hát Gia tài của mẹ hay phản ứng với phim Em và Trịnh, thực ra đó chỉ là một tiểu tiết trong một chuỗi hệ thống cầm quyền nhìn nhận về bà, xuyên suốt lâu nay.

Ít ai biết được chuyện, trước đây mỗi lần cất lời hát cùng khán giả bài Nối Vòng Tay Lớn, là ca sĩ Khánh Ly đều đã vi phạm việc trình diễn ca khúc không được cấp phép lưu hành. Đến năm 2017, khi việc trình diễn bài Nối Vòng Tay Lớn đã trở thành chuyện quá phổ biến ở các trường đại học và những sinh hoạt tập thể thì Cục Biểu diễn Nghệ thuật đành phải cấp phép cho bài hát này lưu hành chính thức ở Việt Nam vào ngày 11 tháng Tư, 2017. Nhiều năm trước, đã có người nhắc bà Khánh Ly về chuyện bài Nối Vòng Tay Lớn “coi vậy mà vẫn chưa có giấy phép biểu diễn”, bà đã trả lời rằng “thì họ không nói gì, mình cứ hát thôi”.  Và chuyện “mình cứ hát thôi”, đã khiến bà gặp không ít những khó khăn với chính sách kiểm duyệt văn hóa nhưng đong nước bằng miệng.  

Trong những lần phỏng vấn hiếm hoi và lắng nghe sự trả lời chân thành từ bà, ca sĩ Khánh Ly đã nói về chuyện không ít những lời đơm đặt ác ý trên báo chí nhà Nước về bà, kể cả chuyện bà ra đi khỏi Việt Nam vì bị ép buộc, chứ không phải tự mình. Ca sĩ Khánh Ly cũng là ca sĩ duy nhất của người Việt hải ngoại được nhà nước cấp phép năm 2012 để về phối hợp trình diễn, nhưng bà từ chối mà chỉ về làm show riêng của mình vào năm 2014.  

“Một quan chức của TP.HCM nói rằng chị đã ký tên lên những quả bom mà máy bay Mỹ chở ra thả ở ngoài Hà Nội, điều này có không?”, bà bật cười đến chảy nước mắt, “Nếu chuyện đó có thật, nó đã là một sự kiện và báo chí có đủ những hình ảnh ghi lại hết rồi, chứ đâu phải nằm trong một lời nói đơn giản gán tội cho tôi như vậy”.

“Mình già rồi, và chỉ còn mong cất tiếng hát cho hết đời thôi chứ.  Ai làm gì mình cũng phải đành chịu thôi”, bà lắc đầu, cười.   

Tôi có hẹn là khi ca sĩ Khánh Ly rời khỏi Việt Nam, thì sẽ gọi nói chuyện về chuyện đã qua. Thế nhưng, lúc này thì tôi nghĩ không cần phải nói gì thêm nữa. Nếu có, thì chắc chỉ nhắn rằng: rõ là bà muốn kỷ niệm, dừng cuộc đời ca hát ngay tại quê hương của mình, tại ở Hà Nội. Nhưng rốt cuộc lại không xong. Và như vậy, biết đâu cuộc đời nghệ thuật của bà lại phải tiếp tục cho đến khi lòng tự trọng của những người có quyền ở Việt Nam có được lúc sáng đèn.


Friday, September 23, 2022

Ngưỡng của mỗi chúng ta


Bản tin tháng 9/2022 của báo chí Nhà nước có nói thoáng qua về cuộc đình công của hàng ngàn người tại Khu công nghiệp Phú Hà, tỉnh Phú Thọ, trong đó công nhân nói họ không thể nào sống nổi với mức lương cơ bản là 4,2 triệu đồng/tháng. Tính theo giá đô la, là chưa tới 200 USD/người. Nhưng nhanh chóng, chuyện mưu sinh của những con người khốn khổ ở các tỉnh phía Bắc ấy, chỉ trong một ngày đã chìm lấp trong các sự kiện giải trí của Việt Nam về các hoa hậu, bóng đá, lời thề bắt thủ phạm giả mẫu logo Bộ y tế…

Công nhân ở nhà máy BYD do Trung Quốc đầu tư ở Khu công nghiệp Phú Hà, tỉnh Phú Thọ chỉ là một trong những câu chuyện mà thanh niên Việt Nam đang hàng ngày làm  và sống tạm bợ bên trong các khu công nghiệp to đẹp, phát triển rực rỡ khắp trên đất Việt Nam. 

Bề mặt xã hội rộn rịp bên cạnh các câu chuyện vui đùa, những lời tuyên bố đầy kiêu hãnh Việt Nam, ít ai để ý rằng dưới lớp vỏ mỹ miều ấy, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 107 vụ đình công lớn nhỏ. Hầu hết là do tiền lương, tiền ăn quá sức thấp khiến giới công nhân tức giận.

Vì thấy không thể sống được với mức lương sinh hoạt ở đô thị, mọi người ở công ty BYD quyết định ngừng công việc. Điều mỉa mai, là khi đối thoại với công nhân, đại diện của chủ đầu tư Trung Quốc giải thích rằng, mức lương của đầu người như vậy, là công ty BYD đã trả lương cơ bản cao hơn so với quy định của pháp luật rồi.

Thật khủng khiếp, dù gọi là quy định của pháp luật, như làm sao có thể hình dung một mức sống của hàng triệu con người Việt Nam thấp đến vậy? Đó là chưa kể, trong tiếng kêu của công nhân từ năm 2021, lương cơ bản đã được chính thức tăng từ ngày 1 tháng Bảy 2022 thêm 6%. Ông Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong một báo cáo như tự khen mình, đã nói rằng Liên đoàn đã “tích cực đàm phán, thương lượng tăng lương tối thiểu vùng, tham gia trình Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP về quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động”. 

Người Trung Quốc ở Phú Thọ khẳng định rằng họ nhận thấy lương cho công nhân Việt Nam quá thấp, nên họ thấy “thương” và đã cho cao hơn ngưỡng quy định của pháp luật. Và trong tình thương đó, không có đoạn nào mà Liên đoàn Lao động “tích cực” tham gia cả. Liên đoàn mãi luôn là người tình hời hợt đến sau.  Khi người công nhân bắt đầu ngồi xuống trước các cánh cửa công ty, giơ khẩu hiệu và đòi hỏi quyền lợi của mình thành sự kiện lớn, thì lúc đó mới thấy người của Liên đoàn Lao động cùng công an địa phương rầm rập đến.

Sau vài ngày đàm phán, lương của công nhân BYD giờ là 4,8 triệu/tháng. Cộng vào đó, ai làm tăng ca thì không còn phải bù thêm tiền để được ăn cơm. Lương được hứa chuyển vào thẻ đúng ngày. Phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt – và xét thấy có hành kinh - thì được nghỉ 30 phút/ngày.

Hàng triệu con người trẻ tuổi Việt Nam đang sống và làm việc như vậy đó. Họ đang làm nền cho những lớp son phấn của xã hội, với các tuyên bố giả điên giả dại của các vị shark tank, của các trò vui ngơ ngáo của giới giải trí và các chỉ số tăng trưởng như xổ số.

Hãy tự hỏi mức sống dưới 5 triệu đồng/tháng đó, những con người Việt Nam sẽ xoay sở ra sao với phòng trọ nhỏ hẹp tối tăm của mình, bao gồm cả tích góp gửi về cho cha mẹ, nuôi con cái ăn học? 5 triệu đồng một tháng là nền tảng im lặng của hình ảnh Việt Nam giàu có và hùng cường  hôm nay. Những người chật vật xoay sở với 5 triệu đồng/tháng, đang là chỗ dựa vững chắc cho hình ảnh con cái các quan chức cấp thấp, cấp cao của Việt Nam khoe mình định cư ở xứ tư bản, khoe con cái tốt nghiệp ở những ngôi trường giá đắt đỏ mà chính người bản xứ cũng phải e dè. Mà nên nhớ, mức lương khai báo của các quan chức ấy chỉ gấp đôi hay gấp ba những người công nhân xanh xao lao lực ngày đêm đó.

Cách đây không lâu, có dịp nghe một anh chạy xe ôm tâm sự rằng anh bỏ làm công nhân để chạy xe kiếm thêm cho bớt nhọc, và ước mơ mua một chiếc xe tốt hơn hiện tại. Anh định mua lại một chiếc xe cũ chỉ dưới 30 triệu để làm nghề, vì “mắc quá thì em để dành không nổi”. Anh định chạy xe ôm hơn nửa năm thì có thể dành dụm mua được chiếc xe ấy. Còn đi làm công nhân, thì chắc phải 2 năm. Số tiền trong ước mơ nhỏ nhoi của người cần lao Việt Nam, có cái ngưỡng cao quá.

Ngưỡng - có nhiều loại ngưỡng - cũng khác với suy nghĩ của quan chức chống tệ nạn xã hội từng xuýt xoa giá mua - bán dâm 600 triệu đồng là rất cao!”. Cũng là ngưỡng thôi, nhưng dân khác, quan khác.

Chỉ là chuyện nghĩ thoáng qua, khi đọc được một bản tin về những con người Việt Nam, vậy thôi. Và lại nhớ thoáng qua về những người công nhân trong đại dịch đã bỏ của chạy lấy người về quê trong túng cùng, trước ngưỡng sống chết, bị báo chí miệt thị cả một thời gian dài như kẻ thù của xã hội. Tôi cũng nhớ đến ngưỡng tuyệt vọng và tức giận của những người dân khi bị giam nhốt và bị thất hứa về trợ giúp thực phẩm. Nhiều người đã vào tù sau đó vì dám vượt ngưỡng của nhà nước. Giờ họ ở đâu?

Saturday, September 10, 2022

Nhạc sĩ Vinh Sử ra đi, sau 10 năm bạo bệnh


Công chúng và giới trình diễn của dòng bolero không quá bất ngờ khi hay tin nhạc sĩ Vinh Sử qua đời: Nhiều tháng nay, ông phải nằm trong bệnh viện trong tình trạng sức khỏe đã suy kiệt. Vào lúc 3 giờ sáng ngày 10 Tháng Chín, ông qua đời ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Quận Bình Thạnh. Hưởng thọ 78 tuổi.

Được biết tang lễ của ông được tổ chức tại nhà riêng ở quận Bình Tân, Sài Gòn trong 4 ngày (10 đến 14 Tháng Chín). Lễ di quan diễn ra vào sáng 15 Tháng Chín 2022, và an táng tại nghĩa trang Hoa viên Bình Dương.

Suốt mười năm nay, chứng ung thư trực tràng đeo đuổi và khiến cho gia đình hết sức vất vả chữa trị, gần như vài tháng là ông phải nhập viện cấp cứu. Khoảng từ năm 2018 đến nay, mọi hoạt động văn nghệ của ông như dừng hẳn, do sức khỏe quá kém. 

Nhạc sĩ Vinh Sử là người có thu nhập tốt trong sinh hoạt văn nghệ nhưng không dành dụm được gì, đời khó lại ngày càng khó vì tiêu tán trong việc chạy chữa căn bệnh trường kỳ. Rất nhiều khán giả, nghệ sĩ thương mến đã cùng góp sức để giúp ông đi qua những chặng ngặt nghèo.

Theo Wikipedia, nhạc sĩ Vinh Sử sinh ngày 9 Tháng Sáu năm 1944 – mất ngày 10 Tháng Chín năm 2022, tên đầy đủ là Bùi Vinh Sử, là một nhạc sĩ của nhạc bolero và có nhiều sáng tác được yêu thích. 

Ông là người có quê gốc miền Bắc. Cha mẹ của ông từ Hà Tây đi làm phu đồn điền cao su cho Pháp, lưu lạc vào miền Nam trong thập niên 1940. Sau đó gia đình chuyển về Sài Gòn, sinh sống bằng nghề làm lò bún trong một xóm lao động nghèo ở quận 4. Gần 10 tuổi, ông mới đi học. Ông cũng là người duy nhất trong số 4 anh chị em trong gia đình được đi học. Ông từng có 4 đời vợ chính thức nhưng hiện tại sống một mình. Những ngày cuối cùng của ông, người chăm sóc và gần gũi là bà Ngọc Lệ, một trong những người vợ cũ của ông.

Từ nhỏ Nhạc sĩ Vinh Sử đã có năng khiếu thơ và âm nhạc, trong khi cả nhà không ai biết chữ. Ông bán báo để lấy tiền vừa đi học nhạc, học chữ đến năm 11, 12 tuổi. Nhờ có năng khiếu, ông vào được trường Quốc gia Âm nhạc của VNCH. Học được không lâu, ông bị đuổi vì ham chơi, ngày nào cũng trốn học. Bài đầu tiên ông viết là Yêu người chung vách, rồi Nhẫn cỏ cho em, không ngờ may mắn được khán thính giả yêu thích khiến ông nổi tiếng.

Cuộc đời của nhạc sĩ Vinh Sử từ đó bước qua ngã mới, đời sống ông sung túc hơn. Tâm tình trên truyền hình về thời hoàng kim của ông trước năm 1975, nhạc sĩ Vinh Sử nói rằng nhờ có âm nhạc mà ông thoát khỏi nghèo đói. Ông mua được nhà, xe và sống cuộc đời không còn phải đi bán báo dạo như trước.

Dòng nhạc của nhạc sĩ Vinh Sử gần gũi với công chúng, bởi vì đó là những câu chuyện đời, chuyện tình của những người nghèo khó, những khía cạnh của đời sống đô thị bình dân. Nói trên truyền hình trước đại dịch, nhạc sĩ Vinh Sử tâm tình “mình viết là dành cho những người nông dân, những người lao động. Tôi đã gởi hết toàn tâm toàn ý của mình vào đó và cũng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo công chúng lao động nghèo. Tôi nghĩ rằng nhạc của mình cũng là tiếng nói của một bộ phận nhân dân. Nghe nhạc của tôi, những người lao động nói rằng đó là nhạc của người Việt Nam, không lai căng".

Sau năm 1975, nhạc sĩ Vinh Sử có một đời sống khó khăn không khác gì những văn nghệ sĩ khác của miền Nam Việt Nam. Về sau, ông nhận làm biên tập cho các hãng thu âm (vào thời kỷ nhạc bolero quay trở lại, giữa cuối thập 90) nên đời sống khá hơn. Do là người không bày tỏ về các quan điểm chính trị, và lý lịch sáng tác của ông không nổi cộm về đề tài lính Việt Nam Cộng Hòa như các nhạc sĩ khác, nhạc sĩ Vinh Sử dần dần được quay trở lại đời sống sinh hoạt xã hội. Với sự nổi bật riêng lẻ của ông cũng như cách thiếu tin tức lịch sử âm nhạc của miền Nam Việt Nam - hoặc cố ý của báo chí nhà nước mới, ông được đặt cho cái tên “vua nhạc sến”. Cái tên này cũng gây nhiều tranh cãi trong giới khán giả, cũng như nghệ sĩ miền Nam Việt Nam trong và ngoài nước.

Trên wikipedia viết về ông, cũng còn ghi chú rõ về việc nhiều bài hát đang tranh cãi về quyền tác giả. Trong đó có những tác giả quen thuộc như Giao Tiên (xác nhận mình là tác giả của các bài Lần đầu nói dối, Nàng yêu hoa tím, Tình đẹp mùa chôm chôm…), Đài Phương Trang (xác nhận mình là tác giả của Đêm nhớ người tình, Hai mái nnà tranh, Tình đời tay trắng…)... Tranh cãi về quyền tác giả còn có cả những nhạc sĩ nổi tiếng như Anh Bằng, Hàn Châu, Phạm Minh Cảnh…

Giải thích về điều này từ Cam Ranh, nơi sinh sống của mình, nhạc sĩ Giao Tiên cho biết rằng giai đoạn âm nhạc bolero được quay trở lại trong bối cảnh tranh tối, tranh sáng, và cũng có sự kỳ thị chủ đích nhân thân của các tác giả, có nhiều người qua tình bạn đã cậy nhờ nhạc sĩ Vinh Sử tìm cách giúp để ra mắt CD, mong kiếm thêm được chút ít. Có bài nhạc sĩ Vinh Sử lấy, để tên của mình, có bài thì ông đặt ra một cái tên mới, bao gồm cả những bài hát của hải ngoại lúc đó không được phát hành tại Việt Nam. Trong trường hợp của nhạc sĩ Giao Tiên, lúc đó vì đời sống quá khó khăn, không còn nhà, phải dọn lên núi ở; ông đi xe đò vào Sài Gòn, cầm theo cả một tập 50 bài nhờ nhạc sĩ Vinh Sử phát hành, và xin nhận tiền nhuận bút ngay để đắp đổi chuyện nhà (theo lệ, một bài hát được duyệt và phát hành xong rồi thì tác giả mới được nhận tiền. Thời gian chờ đợi lúc đó cũng vài tháng) . Tuy vậy cũng có tác giả đòi quyền tác giả nói rằng họ chưa hề đưa bài cho nhạc sĩ Vinh Sử.

Tất cả những việc sai lệch về tên tác giả, thậm chí của tên bài hát, là những câu chuyện riêng rối rắm của thời thế, còn chưa được bày tỏ đủ của các tác giả với nhau và công chúng. Nhưng trước hết, đó là chi tiết lý thú minh chứng của một thời âm nhạc bolero quay lại ở Việt Nam đầy khó khăn, chạy vạy đây đó để tồn tại mà nhạc sĩ Vinh Sử đã vượt qua, và thành công từ đó.

Sunday, September 4, 2022

Vì sao Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ bước ra nhận Phật sự, lại được ủng hộ?


Trong ngày cuối tháng 8-2022, ở Việt Nam xôn xao tin tức về sự ra mắt của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, chính thức vào chức vụ Chánh Thư Ký - Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống. Bậc minh sư lâu nay ẩn danh đột nhiên xuất hiện ở lễ nhận di chúc, ấn tín, và khai ấn từ Đệ ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ khiến những người yêu Phật giáo chân chính và tự do của Việt Nam đều vui mừng.

Tuy nhiên, có không ít người nhầm lẫn vị trí hiện nay của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là một Tăng thống mới, tức vị trí của người lãnh đạo toàn diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN). Trên thực tế, khi phụng thừa ủy thác tâm nguyện của Hòa thượng Thích Quảng Độ vào năm 2020, ngài Tuệ Sỹ đã thông báo rằng sau giai đoạn sắp xếp lại nhân sự, nội bộ lãnh đạo của GHPGVNTN, khi “điều kiện thuận duyên”, ngài cùng Giáo hội sẽ tổ chức đại hội để suy cử Đệ Lục Tăng Thống, người lãnh đạo tối cao tiếp nối của Giáo hội. Hiện tại, nói nôm na, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ có vai trò như quyền tổng quản.

Bất kỳ ai theo dõi tiến trình tồn tại và tranh đấu cho sự tồn tại của GHPGVNTN từ sau năm 1975 đến nay, đều hiểu rõ cụm từ “điều kiện thuận duyên” là như thế nào. Ngay cả việc Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ làm lễ nhận chức vụ Chánh Thư Ký - Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống và lễ nhận Di chúc, ấn tín, và khai ấn… cũng đã phải lặng lẽ thực hiện, và chỉ công bố sau một tuần. Mục đích của sự lặng lẽ và bất ngờ, thông báo trễ, cũng chỉ để tránh những sự quấy phá rất quen thuộc từ bao nhiêu năm nay.

Trong  giai đoạn đau yếu cuối đời, Hòa thượng Thích Quảng Độ đã nhận ra được sự rối loạn trong nội bộ bởi nhiều nhánh của GHPGVNTN đang có những chủ trương khác nhau. Trong đó có hai nhánh chính khiến nội bộ bất đồng: Một là dùng mượn nhân lực Giáo hội để chuyên đấu tranh chính trị; Hai là muốn thỏa hiệp với chính quyền, thông qua một số nhân vật trong nội bộ đã suy đồi. Lợi dụng lúc Hòa Thượng Thích Quảng Độ đau yếu, những nhân vật muốn thao túng nội bộ GHPGVNTN đã làm giả những Giáo chỉ, phát đi, gây mâu thuẫn không ít trong các các vị lãnh đạo của Hội đồng Giáo phẩm trong và ngoài nước.

Thoạt đầu, tâm nguyện của Hòa thượng Thích Quảng Độ là trao quyền Đệ Lục Tăng thống cho ngài Tuệ Sỹ, nhưng vì muốn mọi chuyện minh bạch và tạo sự đoàn kết nội bộ, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã xin chỉ nhận quyền tạm thừa hành, để chờ thời điểm bầu chọn Đệ Lục Tăng Thống mới.

Sự ra đi của Hòa thượng Thích Quảng Độ vào tháng 2-2020, đã tạo ra một một loạt các cơn sóng ngầm. Phía những người muốn thủ tiêu GHPGVNTN, đã coi đây là cơ hội để dứt điểm cái gai trong mắt. Trong tang lễ của Hòa thượng Thích Quảng Độ, người ta chứng kiến các sư của phía Nhà nước tìm cách cướp tro cốt của ngài, đem về chùa của Nhà nước lưu giữ và thờ, như một thủ đoạn nhằm thống nhất toàn bộ Phật giáo Việt Nam trong vòng tay của thế quyền. Ngay sau đó, cũng đã có một cuộc bầu chọn chớp nhoáng Đệ Lục Tăng Thống diễn ra tại Bình Định, nhằm cướp quyền lãnh đạo. May thay, dù GHPGVNTN bị dày vò từ muôn hướng nhưng quý thầy và đệ tử vẫn giữ được sự kiên định trung thành theo Di chúc. Mọi âm mưu ấy, đã mau chóng tàn phai. Nói về những sự bất thường đó, Hòa Thượng Thích Không Tánh từng tóm tắt bằng câu nói “Chính quyền muốn quốc doanh hóa đám tang của Hòa thượng Thích Quảng Độ”.

Phải kể lại như vậy, mới thấy rằng GHPGVNTN dù bị bôi xóa, phủ nhận như thế nào, nhưng khi người lãnh đạo cao nhất của Giáo hội viên tịch, hầu hết các tờ báo lớn của nhà nước vẫn nhận được lệnh hối hả lên các bài viết mạ lị và bôi nhọ như để tự trấn an nhau. Điều đó cũng dễ hiểu, vì bởi trong lễ tang, ngoài các sư thầy của GHPGVNTN quy tụ về, còn có không ít các sư thầy ở các chùa mang bảng hiệu Giáo hội nhà nước lập nên, lặng lẽ đến cung kính lễ bái.

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã nhận trọng trách trong bối cảnh đó.

Có một câu hỏi được đặt ra với những người kính trọng GHPGVNTN - Giáo hội Phật giáo tự do và chính danh của Việt Nam trước 1975 - đã bị nhà nước đẩy ra như là một tổ chức nằm ngoài vòng pháp luật, thì sự có mặt của thầy Thích Tuệ Sỹ có thể làm được gì?

Sự có mặt của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ chính là ngọn đuốc thắp sáng đức vô úy của những Phật tử và những người hướng Phật trong một thế giới chập choạng không còn rõ lằn ranh Ma-Phật. Nó là điểm tựa của tư duy Phật giáo trong lành trong thời pháp nạn. Ngài là hiện thân của tín ngưỡng, đạo pháp sống và chết vì quê hương và dân tộc. Ít nhất, ngài đang là điểm tựa của những người tỉnh thức.

Tháng 4-1975, dòng tiến quân của miền Bắc vào Nam để lại phía sau vô số thương bệnh binh, những người bệnh bình thường không còn người chăm sóc. Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là người đứng ra tổ chức các tăng ni trong vùng ở lại để chăm sóc, cứu thương cho dân chúng đang kêu khóc. Nhiều người khuyên thầy phải đi lánh nạn ngay vì những tin tức dội về từ các vùng khác cho thấy các chùa và sư thầy đang gặp chuyện khó lường. Nhưng bài diễn văn ngắn của ngài đã chặn đứng mọi âu lo, ý thức trách nhiệm con dân Việt dội về “ “Tôi vẫn còn đây, thì anh em cũng phải ở đây, quê hương và đất nước này còn cần đến anh em nhiều hơn nữa. Chúng ta không thể trốn chạy khi dân tộc, đạo pháp đang gặp cảnh điêu linh”.  

Năm 1981, Nhà nước thành lập Giáo hội Phật giáo mới, nằm dưới quyền kiểm soát của Mặt Trận Tổ Quốc và ra chiến dịch triệt hạ những nhân sĩ, tu sĩ Phật giáo có tinh thần phản kháng việc chính trị hóa tôn giáo này. Năm 1984, công an tổ chức chiến dịch, đồng loạt đột nhập Viện Phật học Vạn Hạnh và chùa Già Lam, Sài Gòn. Hai nơi này chỗ trú ngụ của nhiều cao tăng và nhân sĩ Phật giáo lúc bây giờ. Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ và Thích Trí Siêu bị bắt mang đi, lúc đó hai ngài đang dang dở công trình Bách khoa Phật học Đại Từ Điển. Tháng 4-1984, cả hai thầy bị kết án tử hình với lý do ““tội tán thành, ủng hộ, che chở, đùm bọc hành động phản cách mạng, lật đổ chế độ Cộng sản”. Phiên tòa không có luật sư và khán giả là công an. Mọi thứ là một dòng chảy dài, định mệnh, cay đắng như chính số phận của Việt Nam. Cuối cùng, với sự vận động của quốc tế, thì cả hai thầy được trả tự do, nhiều năm sau đó.

Cũng như những người Tây Tạng có một điều an ủi thầm kín và lớn lao, khi nhìn về sự có mặt của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong thời đại của mình. Có rất nhiều người Việt Nam cũng mang niềm kiêu hãnh trong trái tim đã chọn tín ngưỡng là tự do của mình, là cùng với hình ảnh của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ. Vượt lên những huấn dụ tầm thường, để biến con người trở thành mê muội của Phật Giáo Nhà nước hôm nay như sống chỉ để cúng dường, sống để dòm ngó, hãm hại người khác… Hòa thượng Thích Tuệ sỹ hay GHPGVNTN dẫn lối đến đạo pháp và dân tộc, bằng lẽ phải và sự thật, với uy vũ bất năng khuất “Sống hay chết, vinh hay nhục, không làm dao động tâm tư của những ai biết sống và chết xứng đáng với phẩm cách của con người, không hổ thẹn với phẩm hạnh cao quý của bậc xuất gia”, (Thư gửi các Tăng sinh)

Với những đền đài ma chướng, lễ hội ngụy trá Phật hôm nay, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ tỏa sáng những khác biệt, vượt lên khỏi những rền rĩ nhảy múa từ các chùa tháp ““Các con hãy tự rèn luyện cho mình một tín tâm bất hoại; một đức tính dũng mãnh vô úy; nỗ lực tự huân tập trí tuệ bằng văn, tư, tu để nhìn rõ sự tướng chân ngụy, để thấy và biết rõ mình đang ở đâu, đang đi về đâu; không nhắm mắt phóng càn theo cỗ xe lộng lẫy bên ngoài nhưng rệu rã bên trong, đang lao xuống dốc dài không định hướng”, (Thư gửi các Tăng sinh)

Chưa lúc nào như lúc này, Phật giáo trong sự dẫn dắt của tăng ni, chùa tháp dưới quyền nhà nước không dắt tay chúng sinh đi vào cõi an nhiên, mà xô đẩy vào bóng tối, cạm bẫy và thao túng để phục vụ thế quyền. Sự có mặt của Hòa thượng Thích Tuệ sỹ cùng GHPGVNTN tựa như tiếng chuông để thức tỉnh, nhắc lại giá trị khôn cùng của người hướng Phật “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam không phải là một hiệp hội thế tục, do đó, không tự đặt mình dưới sự chỉ đạo của bất cứ quyền lực thế tục, không là công cụ bảo vệ sự tồn tại của bất cứ xu hướng chính trị, của bất cứ tổ chức thế tục nào; không hành đạo, hoằng đạo theo bất cứ định hướng ý thức hệ nào; duy chỉ một định hướng duy nhất: Thập phương Bạc-già-phạm nhất lộ Niết-bàn môn; một cứu cánh duy nhất là giải thoát. (Công bố tháng 9-2022 của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất - Viện Tăng Thống)