Friday, November 29, 2019

Nhà báo Phạm Đoan Trang:"Chúng tôi muốn khẳng định viết và đọc sách là quyền không thể bị cưỡng đoạt"

Câu chuyện một nhà xuất bản (NXB) ở Việt Nam tự in và phát hành nhiều tác phẩm không qua kiểm duyệt, đã trở thành một sự kiện quốc tế. Bởi lẽ, gần 100 người mua sách từ Nam chí Bắc đã bị phía an ninh Việt Nam đặt vào tình trạng như tội phạm. Phạm Đoan Trang, tác giả nhiều cuốn sách cùng NXB Tự Do - nơi in và phát hành - bị săn đuổi ráo riết. Hai tổ chức Theo Dõi Nhân quyền (HRW) và Ân Xá Quốc Tế (AI) cũng đồng loạt ra thông cáo trong tháng 11/2019, trong đó phản đối công an Việt Nam về các vụ vây bắt, dẫn đến cả việc hành hung cả độc giả và người giao sách.
Thật ngạc nhiên, nếu so với những ấn phẩm khác như Đèn Cù (Trần Đĩnh), Bên Thắng Cuộc (Huy Đức) hay mới nhất là cuốn Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo (Phạm Thành)… thì những cuốn sách của NXB Tự Do và nhà báo Phạm Đoan Trang hoàn toàn vô hại, chỉ là sách kiến thức thuần túy.
Cuộc trò chuyện với nhà báo Phạm Đoan Trang từ một nơi nào đó, lưu lạc vô định cho công việc của cô, đã mở ra nhiều góc nhìn thú vị về sự kiện này.
Đoan Trang có thể tóm tắt cho biết tình hình của của mình ở giai đoạn gần đây, và nếu được thì cho thêm những thông tin về NXB Tự Do.
Tôi may mắn được trao giải tự do báo chí của tổ chức RSF vào tháng 9/2019, nhưng cũng vào giờ phút nhận giải ấy, tôi tin rằng sự căm ghét của công an đối với tôi cũng tăng lên rất nhiều. Và từ đó, họ ghép tôi là có dính líu sâu xa với nhà xuất bản (NXB) Tự Do, mặc dù NXB này là một tổ chức độc lập, không làm việc riêng cho cá nhân nào, đảng phái hay tổ chức chính trị nào. Công an ghép tôi và NXB Tự Do vào một suy nghĩ chung là “phản động”. Thật ra, NXB Tự Do ngay từ ngày đầu thanh lập (14-2-2019) đã bị đàn áp rất nhiều. Facebook của họ bị đánh sập, các hoạt động thường ngày như mua bán, phát hành đã bị ngăn cản, rượt đuổi. Đến tháng 7, thì tất cả các tài khoản ngân hàng của họ đều bị khóa một cách vô lý. Phía ngân hàng chỉ thông báo đơn giản là tài khoản này đã bị vô hiệu, không thể hoạt động. Những người đi giao sách bị săn đuổi, gài bẫy rất nhiều. Đến tháng 10, nhiều người giao sách ở Sài gòn và miền Trung bị bắt. Từ đó họ tìm ra một số người đặt mua sách. Ngay sau đó, họ mở cuộc tổng đàn áp trên diện rộng, ở toàn quốc.
Nhiều người mua sách bị công an sách nhiễu. Có người mua sách đã lâu rồi, nhưng công an lần biết đã đến tận nhà, lục soát, bắt về đồn thẩm tra… Không có ngày nào mà tôi không nhận được thư của độc giả. Có người kể chuyện của họ, có người hỏi cách đối phó, có người kêu cứu vì bị công an áp bức quá đáng. Rất nhiều người sợ hãi.
Thật ra, không có ai mà không sợ hãi cả. Thâm tâm mọi người vẫn tin rằng đọc sách không thể là tội. Thế giới văn minh không coi việc đọc sách là tội cả. Nhưng công an thì bất chấp, khi đối diện với người có sách của NXB Tự Do, thông điệp của họ là “đồ này phản động, chúng mày đọc chỉ có chết” (Đoan Trang cười). Và khi hỏi về luật hay lý lẽ, thì họ gạt phăng và nói đây là Việt Nam, và Việt Nam có luật riêng về chuyện này.
Cho đến lúc này, tôi biết số độc giả bị hăm dọa, bị đến nhà lục soát, bị bắt cóc… lên đến cũng khoảng 100 người, trên toàn quốc. Nhiều độc giả giờ bị cắt liên lạc, không biết họ thế nào. Nhiều người đi giao sách cũng mất tích, không biết họ ở đâu.
Nhưng với việc hành động táo tợn và sách nhiễu diện rộng như vậy từ mấy tháng nay, Đoan Trang nghĩ rằng họ chỉ muốn tấn công cá nhân Trang hay muốn dẹp bỏ NXB Tự Do, một hình thái của một tổ chức XHDS mới phát sinh?
Tôi nghĩ rằng họ muốn cả hai. Họ ghét cay ghét đắng sách tự do, và họ ghét luôn người xuất bản tự do. Qua cái cách mà họ thẩm vấn những người đi giao sách và người mua sách, công an luôn dùng những lời lẽ miệt thị nặng nề với tôi và cả NXB. Họ thường gọi bằng “con phản động ấy” (Đoan Trang lại cười).
Thêm một điểm nữa là thường vào cuối năm, căn bệnh háo thành tích cũng thúc đẩy họ làm mạnh hơn để nhận khen thưởng, chiến tích… Nên mọi cuộc đàn áp thường tăng vọt bắt đầu vào quý 4 hàng năm.
Đã có người đặt câu hỏi rằng, việc bắt giữ Đoan Trang hết sức dễ dàng, thậm chí còn dễ hơn là bắt giữ nhà báo Phạm Chí Dũng. Nhưng vì sao họ lại không chủ trương bắt?
Bắt giữ hay hành hạ lâu dài bên ngoài đều thuộc về chủ trương. Và mọi hình thức, họ đều có cách tính toán cẩn thận. Thời điểm này không bắt, không có nghĩa là sau này không bắt, và không bắt không có nghĩa là được yên thân.
Với tôi, có lẽ họ đang dùng một phương thức là cô lập, chặt hết chân tay để vô hiệu hóa ở môi trường được coi là tự do. Nhưng họ sẽ khủng bố tinh thần bằng cách săn đuổi – một kiểu khủng bố tinh thần – và bắt được ở đâu thì đánh cho dở sống sở chết.
Họ cô lập mình bằng cách ruồng bố những người thân, bạn bè của mình, làm cho những người chung quanh sợ hãi và thấy phiền vì mình. Từ đầu năm đến nay, các nhóm như Green Trees hay Luật Khoa Tạp Chí… đều bị đàn áp dữ dội. Thường thì công an thẩm vấn những người quen biết, luôn có ý muốn giấu mục đích này bằng cách tra vấn đủ mọi chuyện không liên quan, nhưng họ cũng không quên nói xấu hay nặng lời về tôi.
Từ sự kiện rất nhiều người bị bắt, bị sách nhiễu, đàn áp… ở khắp cả nước vì đọc sách của Đoan Trang, nhận sách của NXB Tự Do, đã xuất hiện nhiều lời đồn đãi – thậm chí là cả phía người Việt ở hải ngoại – về chuyện Đoan Trang là “nằm vùng” hay “cộng sản cài” để âm mưu phát hiện và bắt giữ những người bất đồng chính kiến?
Tôi tin rằng là có. Tôi tin là công an CS đang dùng biện pháp kép. Một mặt chặt hết chân tay – theo nghĩa đen – là bắt được là đánh, thậm chí đánh cho thương tật nhưng không bắt. Mặt khác họ săn đuổi khiến những ai quen biết đều sợ hãi và mệt mỏi khi muốn đồng hành hay giúp mình. Riêng về độc giả của các sách tôi viết, NXB Tự Do phát hành thì bị đàn áp liên tục và dai dẳng với cái kiểu “ai dây vào con phản động này sẽ đi tù hết” (lại cười). Nhưng công an cố tạo tình huống thắc mắc “người đọc sách bị bắt, người viết sách vẫn bình an”. Họ cũng cho tung ra dư luận là Phạm Đoan Trang và NXB Tự Do là do bọn công an gài bẫy, một loại chim mồi để phát hiện và bắt giữ những ai có lòng yêu tri thức, yêu sách xuất bản tự do. Dĩ nhiên, có không ít người do sợ hãi và yếu lòng, cũng bị thao túng.
Chỉ là viết sách, nhưng lại trở thành kẻ bị săn đuổi và hành hạ. Mọi thứ đang ngày càng trở nên nguy hiểm bằng suy nghĩ của mình nhưng Đoan Trang vẫn tiếp tục như một thách thức với nhà cầm quyền. Qua công việc này, Đoan Trang (hay cả NXB Tự Do) muốn chuyển thông điệp gì đến với giới trẻ, với đám đông?
Thông điệp của tôi – và có lẽ của cả NXB Tự Do – hướng về người đọc là chúng ta không sợ hãi, không cần phải sợ hãi. Với công an, không có chuyện sợ thì sẽ được nương tay. Hãy nhìn Hồng Kông để thấy đó là một bài học. Sự đàn áp là có mục đích nên khi con người lùi lại hay sợ hãi, sự đàn áp sẽ còn mạnh hơn để phục vụ cho mục đích của kẻ đắc thắng về bạo lực.
Tôi hay NXB Tự Do muốn giới thiệu việc hành động bằng quyền của mình, tự do chính đáng của mình mà không cần phải lo sợ. Nếu sợ hãi, thì đã không có sách in từng cuốn, giao tận tay để chia sẻ sự không sợ hãi với quyền của mình. Nếu ngán ngại, thì chọn ebook phát hành trên mạng là xong và không cần nghĩ ngợi, lo lắng gì cả. Nếu đã chọn sợ hãi làm lẽ sống, và không dám thể hiện quyền của mình thì chúng ta cũng chẳng nên làm gì cả, cứ thủ phận và chấp nhận mọi thứ, và chúng ta cũng chẳng có gì cả. Thậm chí tự mình phủ nhận việc đọc sách hay viết sách là quyền tối thiểu của con người.
Việc xuất hiện sách với suy nghĩ tự do, còn có giá trị lưu trữ cho đời sau. Để mọi thứ là chứng cứ và tính kết nối kế thừa. Đó là dấu hiệu của một cuộc đòi dân chủ ôn hòa, để người sau nhìn thấy những bài học của người đi trước và tiếp tục. Các bạn trẻ ở Hồng Kông không thể tự mình phát sinh ra các phương thức đấu tranh dân chủ từ cách mạng dù vàng 2014 cho đến cuộc đòi dân chủ 2019. Họ đã được học, được đọc, được trao đổi và kế thừa từ rất nhiều thứ. Và những thứ đó, từ những người hành động tưởng chừng như vô ích như NXB Tự Do.
Tôi hay NXB Tự Do đối diện với nguy hiểm, nhưng điều đó không còn quan trọng nữa. Vì giả sử ngày mai, tôi hay NXB Tự Do bị bắt hết, tôi tin là sẽ có những người khác hành động, vì đó là trách nhiệm và sứ mạng của những ai biết nghĩ cho tương lai, dân tộc mình.
(ghi)

Thursday, November 14, 2019

Luật sư Lê Công Định “Vụ án Ls Hải ‘trốn thuế’ chỉ là đòn triệt hạ”




Vụ án xử luật sư Trần Vũ Hải với tội danh trốn thuế, ở mức 280 triệu đồng, được mở ra từ ngày 13-11 ở Nha Trang, Việt Nam, dự kiến ban đầu sẽ kéo dài đến 5 ngày. So với những vụ án xử đại tham nhũng ở mức sai phạm hàng ngàn tỷ đồng đã diễn ra trong năm 2018-2019, sự căng thẳng và phức tạp ở sân tòa Nha Trang, có những chi tiết nhìn thấy, còn nghiêm trọng hơn.
Điều gì đem lại sự bất thường này, mà với hơn 60 luật sư tha thiết đòi hỏi quyền được tham gia bào chữa? Từ Sài Gòn, luật sư Lê Công Định đã có những lý giải thú vị, và cũng rất thẳng thắn, về vụ kết tội “trốn thuế” đối với vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải.

Phiên tòa xử ông Trần Vũ Hải với tội danh trốn thuế - nhưng đã xảy ra nhiều hình ảnh kỳ lạ như luật sư phải qua kiểm tra 3 vòng an ninh, bị tịch thu dụng cụ hành nghề, phá sóng điện thoại… và công an đủ loại ngăn chận khắp nơi. Hành động này diễn ra với một phiên tòa rất bình thường, với ông, là mang ý nghĩa như thế nào?
Những điều diễn ra như vậy, hoàn toàn không nằm trong một quy định pháp lý nào cả. Máy tính, điện thoại… của các luật sư là công cụ hành nghề, nhưng phía tòa án lại ra lệnh thu giữ, nhằm gây khó cho việc bào chữa một cách hợp pháp và đầy đủ. Ngược lại, phía công tố và hội đồng xét xử (HDXX) thì lại được cung cấp đầy đủ các phương tiện đó. Rõ ràng, đó là một sự bất bình đẳng kỳ lạ trong các phiên tòa chính trị hoặc có tính cách chính trị ở Việt Nam. Luật sư muốn tham dự tòa thì phải qua ba vòng kiểm tra an ninh. Phóng viên nhà nước cũng không được quyền vào tường trình. Ai cũng thấy đây không phải là một vụ án xử trốn thuế bình thường, mà hoàn toàn là một cách tạo dựng để nhằm triệt hạ một luật sư có uy tín. Chính những hành động ngăn cản quái lạ này đã chứng minh đây không phải là một phiên tòa bình thường.
Mục tiêu của việc triệt hạ này, suy ra là chính quyền muốn ngăn không cho luật sư Trần Vũ Hải tiếp tục hành nghề để bảo vệ công lý, hay tiếp tục tham gia những vụ án gọi là “nhạy cảm” về chính trị.

Lâu nay, tòa án ở Việt Nam vẫn có một chiêu trò là luật sư bào chữa cứ đặt vấn đề và yêu cầu tranh tụng, nhưng HDXX thì cứ lờ đi và từ chối tranh tụng. Nay với đòi hỏi của hàng chục luật sư tham gia bào chữa cho ông Trần Vũ Hải tuyên bố là tòa phải ra tòa, phải tranh tụng cho tới nơi tới chốn, liệu vụ án này có mở ra được một tiền lệ nào tiến bộ hơn không?
Viện kiểm sát (VKS) lâu nay, trước các phiên tòa như vậy, vẫn luôn đuối lý trước các luật sư, nên họ chọn giải pháp là im lặng hoặc từ chối trả lời. Ngay điều này, cũng đã vi phạm nghị quyết của Bộ chính trị Đảng cầm quyền từ nhiều năm trước, là đòi hỏi các phiên tòa phải mang tính tranh tụng nhiều hơn. Nguyên tắc của một tòa án văn minh là đại diện VKS không thể từ chối các câu hỏi của luật sư. Tranh tụng là một phương tiện pháp lý để làm sáng tỏ tình tiết của những vụ án. Từ chối tranh luận tại tòa, không chỉ là chuyện đuối lý mà còn là vi phạm luật tố tụng. Trong những phiên tòa chính trị hay có ý nghĩa chính trị gần đây, đại diện VKS thường im lặng hoặc từ chối tranh luận, thì chính họ và cả phiên tòa đã vi phạm pháp luật, vi phạm tố tụng.

Vụ khởi tố của ông Trần Vũ Hải với nhiều chi tiết khác thường, có những nhận định nói rằng đây không phải là chuyện công lý nhà nước, mà là một sự thao túng có tính cách “lợi ích nhóm” với đối với luật pháp quốc gia?
Thật sự là vậy. Chúng ta thấy không chỉ từ chuyện liên quan vụ án của ông Trương Duy Nhất, mà còn nhiều vụ án khác mà luật sư Trần Vũ Hải đã và đang tham gia. Khi khám xét văn phòng làm việc của ông Hải, cơn quan an ninh đã cướp đi rất nhiều hồ sơ, lên đến 20 thùng, mà hầu hết là những hồ sơ liên quan đến các vụ án ông Trần Vũ Hải đảm nhận – không liên quan gì đến vụ “trốn thuế” cả. Chúng ta có thể nhận thấy ngay là một thế lực nào đó, đang muốn gạt ông Trần Vũ Hải ra khỏi các vụ án “nhạy cảm”, thậm chí có thể liên quan đến phe phái đánh nhau, nạn nhân đấu đá nội bộ… Việc luật sư Hải tham gia bị coi là có thể tạo ra những hệ quả bất thường mà họ không kiểm soát được, nên suy ra, triệt hạ có thể là giải pháp tốt nhất.

Trong video ghi lại hình ảnh các luật sư bị chặn trước sân tòa, người ta nhìn thấy sự bất mãn lan rộng trong từng người, và cũng cho thấy sự bất cập của một nhà nước chỉ muốn dùng luật pháp và luật sư như một công cụ cai trị. Trước đây, trong một status của mình, ông có nói với luật sư Võ An Đôn (cũng là một nạn nhân của một nền tư pháp giả hiệu) rằng sẽ có lúc một Hội luật sư độc lập ra đời. Liệu điều đó có đang diễn ra từ con số 60 luật sư muốn bào chữa cho đồng nghiệp và đòi ý nghĩa thật sự của công lý hay không?
Điều đó hoàn toàn khả thi. Vì các luật sư là những người làm việc tự do, dù họ là thành viên của các đoàn luật sư. Việc gắn với luật sư đoàn vì đó là một tổ chức nghề nghiệp, họ cần trao đổi, quan hệ… nhưng thực tế thì luật sư là những người làm việc hoàn toàn độc lập và tự do. Đó là tiêu chí hàng đầu của các luật sư. Nhưng trong một xã hội toàn trị như Việt Nam hiện nay, tổ chức nào thì cũng là cánh tay nối dài của Đảng cộng sản. Các đoàn luật sư hay liên đoàn luật sư đều bị đặt trong vị trí là thành viên của Mặt trận Tổ quốc, nên công việc của các luật sư bị hạn chế rất nhiều.
Vì tinh thần nghề nghiệp cao quý đã có từ hàng trăm năm nay trên thế giới, và cũng của Việt Nam, các luật sư luôn luôn hướng về sự độc lập. Đó là lý do vì sao nhiều năm nay, giới luật sư đã dấn thân nhiều hơn trong việc bảo vệ dân oan, bảo vệ những tù nhân chính trị, cùng tìm kiếm công lý vốn đang ngày càng hiếm hoi trên đất nước này… thì khả năng họ đoàn kết lại và lập thành Hội để bảo vệ nhau, đại diện… là hoàn toàn có thể.
Con số 60 luật sư ghi danh tham gia bào chữa cho luật sư Trần Vũ Hải cho thấy giới luật sư ý thức rõ, hôm nay là luật sư Trần Vũ Hải, ngày mai có thể chính là họ. Sự tham gia này cũng có một ý nghĩa phản kháng và đòi giá trị công lý đích thực, cũng như phản đối cách hình sự hóa của cơ quan chính quyền đối với hoạt động nhận lời bào chữa hay tranh đấu bằng pháp lý cho thân chủ. Giới luật sư đang muốn chứng minh rằng bằng luật pháp, họ có thể dành lại sự công bằng và thay đổi xã hội một cách hợp pháp.

Trở lại giả thuyết cho rằng, thế lực nào đó muốn triệt hạ ông Trần Vũ Hải, không muốn ông nhận bào chữa cho cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất. Nhưng thực tế, nếu không phải là ông Hải, vẫn có 5 hay 3 luật sư khác nhận bào chữa. Tại sao việc khởi tố rất rùm beng và gây tổn thương cho chính bộ mặt nhà nước về vụ “trốn thuế” này phải nhằm cho được vào ông Hải mới được?
Luật sư Trần Vũ Hải có quá trình làm việc rất lâu với ông Trương Duy Nhất. 4 năm trước, ông Hải đã làm luật sư bào chữa cho ông Nhất. Do đó, luật sư Trần Vũ Hải được coi là người thấu hiểu, nắm nhiều tài liệu và vấn đề của ông Nhất. Mà vụ ông Nhất bị giam giữ hiện nay cũng được coi là một vụ án tạo dựng để nhằm loại bỏ việc ông Nhất – mà họ tin là – có thể cung cấp những hồ sơ mật liên quan đến các quan chức cao cấp. Vụ án được dựng nên cũng có thể coi là một cách trả thù. Tôi nghĩ sự có mặt của luật sư Trần Vũ Hải bị coi là nhiều khả năng đưa vụ án đến những diễn biến bất ngờ, nên họ cần phải chặn trước.
Ngoài ra, cần phải thấy con số 60 luật sư cả nước ghi danh bào chữa cho ông Hải, cho thấy ông là một người uy tín và có vai trò nổi bật trong giới. Sắp tới đây, Đoàn luật sư Hà Nội sẽ tổ chức bầu lại nhân sự ban chủ nhiệm và người đứng đầu đoàn luật sư Hà Nội. Có tin đồn đoán rằng phía cơ quan nội chính đang lo ngại cho các ứng viên mà họ chỉ định có thể gặp khó khăn với luật sư Trần Vũ Hải được đề cử. Do vậy chuyện loại bỏ ông Hải là cần thiết. Vụ án “trốn thuế” buồn cười này ra đời có lẽ là vậy.

Xin cám ơn Luật sư Lê Công Định cho cuộc trò chuyện này.

TK(ghi)

Saturday, November 9, 2019

Bức tường Berlin, câu hỏi nhân kỷ niệm 30 năm



Thế giới vừa nhắc tên việc sụp đổ của một bức tường dài đến 155 cây số. Berlin Wall, bức tường là biểu tượng của một phần nhân loại bị ám đỏ, tuyệt vọng và khao khát tự do. Ngày 9/11 năm 2019 đánh dấu 30 năm hàng hàng lớp lớp con người bước ra ánh sáng, chào nhau và dặn dò với mai sau, rằng chủ nghĩa cộng sản chỉ là một thứ trá hình của cuộc hôn phối quái đản giữa chế độ phong kiến và độc tài hiện đại.
Nhưng ý nghĩa hơn nữa, đó là ngoài việc bức tường ô nhục Berlin sụp đổ, người ta nhìn thấy một cuộc tháo chạy, hốt hoảng đến điên cuồng của giới mật vụ, an ninh Stasi, vốn được coi là hung thần số một ở đằng sau bức màn sắt Đông Âu.
Không lâu sau khi hàng trăm người dân Đông Đức kéo nhau chạy qua đường biên giới, đánh dấu cho sự sụp đổ toàn diện đế chế cộng sản Đông Âu, hàng ngàn người dân cũng đổ xô, tràn vào các văn phòng của cơ quan mật vụ Stasi để lôi ra những hồ sơ mà ngày thường họ bị theo dõi, bị nghe lén, báo cáo... bao gồm luôn cả những người tìm kiếm tin tức thân nhân của họ đã bị an ninh bắt đi nhiều năm không còn tin tức.
Các nhân chứng vào giờ phút ấy, kể lại rằng nhân viên mật vụ Stasi cuống cuồng tiêu hủy các hồ sơ, nhằm tránh các cuộc phanh phui và trả thù của dân chúng, nhưng không kịp. Các máy hủy tài liệu chạy hết công suất, nghẽn hay cháy, khiến các nhân viên an ninh hoảng loạn xé bằng tay, nhồi vào túi hay thùng và đổ xăng đốt đi. Nhưng rồi các cánh cửa bật mở, đám đông giận dữ xông vào khiến những nhân viên Stasi phải buông tay, chạy trốn.
Ngày thường, các tay an ninh mặt sắt đen sì, cười kiêu ngạo, là nỗi ác mộng của hàng triệu người Đông Đức. Nhưng giờ đây, họ chỉ còn một mong ước cuối cùng là thủ tiêu những vết tích đã chống lại con người, chống lại ngay chính dân tộc của họ, và tháo chạy.
Tuy vậy, hàng triệu bản ghi âm, hình chụp, hồ sơ báo cáo... vẫn được giữ lại. Thậm chí những bản hồ sơ xé vụn cũng được các nhà hoạt động nhân quyền gom về, phục dựng, nối ráp. Thậm chí, vì khao khát tìm lại sự thật và công bằng cho các nạn nhân, suốt 10 năm, các nhà nghiên cứu ở Berlin Fraunhofer Institute vẫn tìm tòi và công bố bản nhu liệu E-puzzler có khả năng sao lưu, dùng thuật toán AI để gắn lại các mảnh vụn thành bản hoàn chỉnh, dựa trên tương ứng màu giấy, phông chữ, hình dạng... để phục vụ cho hồ sơ khoảng 3 triệu người Đức vẫn luân phiên nộp đơn về Federal Archives (Cơ quan lưu trữ liên bang) xin đọc và tìm kiếm về họ hoặc về người thân.
Nước Đức đã chi hơn 2 triệu Euro để phục vụ cho việc sao lưu và phục hồi các dữ liệu này, như một lịch sử của tội ác không chỉ ở riêng nước Đức, mà cả thế giới cũng không muốn quên. Có không ít người đã tìm thấy các văn bản điều tra, ép tội, bỏ tù mình khi các hồ sơ được phục hồi. Có không ít người tìm thấy thầy giáo hay bạn mình, chính là người đã mật báo về mình với công an.
Nước Đức tự do hôm nay ghi nhận rằng chủ nghĩa cộng sản đã tạo ra guồng máy an ninh mật vụ theo dõi, kiểm soát đến 5,6 triệu người Đông Đức bị coi là "phản động". Tức là khoảng 6 người dân thì có một nhân viên an ninh chính thức hay bán thời gian theo dõi. Mỉa mai thay, càng đồ sộ và tinh vi để trói buộc con người, vết tích của bộ máy an ninh độc tài càng lớn, khó mà che đậy.
30 năm sau cái chết của một nhà nước Cộng sản, sự tổn thương của người dân Đông Đức vẫn mới nguyên. Đặc biệt với các thành phần nghĩ rằng mình chỉ cắm cúi kiếm sống và chấp nhận chế độ nên sẽ thoát nạn. Thế nhưng khi đọc các hồ sơ theo dõi, tầng lớp đó lại sững sờ khi thấy họ cũng không vô can.
Có tin là chính phủ Đức muốn đóng lại toàn bộ các chứng tích đó vào năm 2020, như một cách khép lại quá khứ, chấm dứt sự căm hận không nguôi đang xâu xé con người. Trong đó, bao gồm việc cứu rỗi hàng chục ngàn cựu nhân viên Stasi vẫn nơm nớp sợ bị nhận mặt trả thù, hoặc đầy mặc cảm vì đã nhúng chàm theo một cách nào đó. Nhưng việc chính phủ muốn đóng lại kho dữ liệu này hiện cũng đối diện với sự phản đối của giới luật sư nhân quyền, các tổ chức xã hội dân sự và các nhà hoạt động. Lý giải cho việc có thể đóng lại kho lưu trữ này, một người từng làm việc cho Federal Archives nói rằng "một nhà nước văn minh ắt sẽ không thể hành động như cộng sản, tạo điều kiện cho con người căm thù và chà đạp nhau, và từ đó hưởng lợi".
Câu hỏi vẫn còn vọng lên, sau 30 năm thống nhất nước Đức, vì sao cũng cùng là con người, nhưng các chế độ độc tài cộng sản lại có thể biến một lớp người chỉ còn thú tính và thuần túy khao khát danh lợi. Không chỉ Stasi, mà cả KGB (Nga), Securitate (Rumani), AVH (Hungary)... đều là guồng máy giỏi tạo ra những nhân viên an ninh xảo quyệt và tàn nhẫn. Và họ, cũng là những kẻ chạy trốn nhanh nhất, giả dạng nhanh nhất khi triều đại nuôi dạy họ sụp đổ.
Nhưng vẫn còn một câu hỏi nữa, mà lịch sử vẫn đặt ra với mỗi chúng ta: có triều đại nào chống lại con người mà không sụp đổ?

Thursday, November 7, 2019

Chính trị, như gai nhọn dưới chân trần


Sự kiện của tháng 11/2019, khi tổ chức Operation Smile va chạm với dư luận quần chúng về việc mời diễn viên Thành Long từ Trung Quốc đến Việt Nam để kỷ niệm 30 hoạt động ở Hà Nội, đã trở thành một bài học về cuộc sống. Đặc biệt, là câu chuyện cứ sống, làm việc và “không quan tâm về chính trị”.

Phải nói rõ, tổ chức Operation Smile là một tổ chức NGO đáng kính trọng trong việc nỗ lực chữa lành những nỗi đau về thể chất của các em nhỏ. Công việc của họ đã trãi dài một cách đáng ngưỡng mộ qua các châu lục và năm tháng, kể từ khi thành lập vào năm 1982. Nhưng công việc của họ, và hình ảnh đại diện chung hay người đại diện ở mỗi quốc gia, lại là một chuyện khác.

Làn sóng phản ứng về việc Thành Long có mặt ở Việt Nam đã nhanh và mạnh đến mức, chỉ chưa đầy 24 giờ sau khi những lời phản đối đầu tiên xuất hiện trên facebook, hàng ngàn các bình luận của công chúng đã ngập trong fanpage của tổ chức Operation Smile với cùng một nội dung – mà mục đích cuối cùng là không muốn thấy sự có mặt của Thành Long làm xấu đi hình ảnh của tổ chức này.

Trong bài trả lời nhanh về sự bất bình của công luận, ông Nguyễn Việt Phương - trưởng đại diện Operation Smile tại Việt Nam - nói rất khéo rằng mọi việc diễn ra là do “không có kinh nghiệm về chính trị”. Đồng thời ông Phương cũng nhấn mạnh rằng "Chúng tôi là một tổ chức thiện nguyện nên luôn tôn trọng tất cả những sự tham gia trực tiếp ủng hộ tổ chức từ tất cả cá nhân”.

Dĩ nhiên, đó là cách xử lý khủng hoảng có vẻ hợp lý, nhưng đó cũng là câu hỏi đặt ra cho rất nhiều người Việt Nam, tổ chức từ thiện Việt Nam: Chúng ta có cần phải lờ đi mọi thứ về chính trị, chỉ để làm việc thôi – đặc biệt ngay vào lúc, chính trị đang bao vây mọi thứ, ngay cả trên đầu ngón tay gõ máy tính của chúng ta mỗi ngày?

Có không ít kinh nghiệm buồn từ trước. Tháng 8, năm 2008, ca sĩ Mỹ Tâm cũng vấp phải làn sóng phản đối, và vẫn còn được nhắc đến tận hôm nay, về việc cô đồng ý tham gia đoàn rước đuốc Olympic của Trung Quốc - đi qua Hoàng Sa như một phần lãnh thổ của họ - khi đuốc đến Sài Gòn. Đơn giản là cô không biết và không quan tâm đến chính trị.

Năm 2018, ca sĩ Mỹ Linh cũng vấp phải một làn sóng phản đối dữ dội khi tán thành về việc xây dựng nhà hát Thủ Thiêm, mà cô lại không đủ quan tâm để biết rằng nhà hát đó chỉ là giải pháp mang tính chạy chữa cho một sai lầm gồm máu và nước mắt của hàng ngàn con người, bị các quan lại cố tình cưỡng đoạt.

Chính trị vẫn hiện ra quanh chúng ta hàng ngày như vậy, dù lại một nụ cười tự nhiên hay là nụ cười cần phải điều chỉnh, chúng ta vẫn phải đối diện với nó. Việc từ chối Thành Long đến Việt Nam, không hoàn toàn là chuyện thù ghét cá nhân, mà là một thái độ của một dân tộc, của một quốc gia đã bị bức hiếp công khai hoặc thầm lặng về chủ quyền, về phẩm giá của một quốc gia.

Thờ ơ với nó, chúng ta - hay cả dân tộc này - như những đôi chân trần, luôn chực chờ đạp lên gai nhọn. Nhỏ máu và đau đớn.

Nếu những người đi làm từ thiện ở những làng biển miền Trung, chỉ biết giúp cho những người ngư dân khó nhọc mà không buồn biết đến vì sao họ không còn thể ra khơi tự do, không quan tâm vì sao họ bị đâm tàu, vì sao có những chiếc mộ gió. Sẽ không có đủ sự thấu hiểu tử tế cho câu chuyện từ thiện, nếu không tìm biết đến chính trị.

Chính trị hôm nay, nằm trong từng chén cơm, từ giọt xăng, từ một phút điện ảnh cho đến một trang sách giáo khoa có lẫn đường lưỡi bò. Bất hạnh của người Việt hôm nay, là phải ngóng xem kẻ thù bên ngoài đang âm mưu điều gì và xốn xang không yên vì căm giận những người có quyền như thích thờ ơ với chính trị.

Trung Quốc không bỏ lỡ một cơ hội nào để lấn vào cuộc sống của người Việt, đầu độc cảm giác bằng cách tạo sự quen thuộc với dối trá mà họ đã dựng nên. Đừng nghĩ rằng Bắc Kinh khờ khạo khi đầu tư hàng triệu USD cho những bộ phim của Hollywood, chỉ để gán ghép một vài điều thoáng qua, để vẽ nên điều họ muốn. Trung Quốc cũng không tự nhiên để tặng các giáo trình công phu, chỉ để gắn vào đó một trang bản đồ có đường chín đoạn. Cũng không phải ngẫu nhiên mà nhiều lần du khách Trung Quốc đến Việt Nam lại mặc áo có bản đồ xiển dương cho đường lưỡi bò. Tất cả những những điều đó, âm thầm và dai dẳng để thay cho những phát ngôn chính thức của chính quyền Trung Quốc về một loại bá quyền, chà đạp lên chủ quyền của Việt Nam.

Hãy để Thành Long ở yên với suy nghĩ của ông ấy. Và khi nào ông ta không gắn liền với những vấn đề chính trị như đường lưỡi bò, hãy đến và cùng làm việc từ thiện với người Việt.

Bạn hãy nhìn lại bàn chân của chúng ta, đã đẫm máu chưa, nếu như ta vẫn nói không đủ kinh nghiệm về chính trị hay không quan tâm đến chính trị. Có thể chân bạn chưa có vết thương, nhưng lẽ nào bạn không cảm thấy bàn chân mình đang nhớp máu của những ngư dân bị bắn chết trên biển, hay máu những người lính ở biên giới phía Bắc, ở Gạc Ma vẫn còn chưa kịp khô?

Cuộc sống giờ đây là một bài học phức tạp, đừng nghĩ rằng chỉ cần sống với công việc là đủ, kiếm tiền, ăn ngủ, vui chơi là đủ. Cuộc sống đang đòi hỏi mỗi con người phải có nhận thức để kiểm soát các động cơ chính trị, hoặc thờ ơ và trở thành kẻ ngu ngốc bị chính trị lợi dụng.