Tuesday, March 30, 2021

Thế hệ uống sữa sói


Câu chuyện bé gái viết thư tố cáo cô giáo của mình, và những chứng cứ về chuyện học sinh trong lớp của cô giáo Tuất được hậu thuẫn để đập phá, xúc phạm và làm mất uy tín, chắc rồi sẽ sớm đi qua, chìm vào quên lãng như những tệ nạn khác trong xã hội Việt Nam vẫn có, vốn vẫn tức giận hò hét và tuyệt vọng.

Trường tiểu học Sài Sơn B (huyện Quốc Oai, Hà Nội), nơi xảy ra vụ bê bối đang được bàn tán trong cuối tháng 3/2021, chắc rồi cũng sớm đi qua được các lời bàn tán và bình phẩm. Cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Quyên – người được cho là tạo ra những màn kịch quái gở ấy - chắc cũng không gặp khó khăn gì với chuyện cô giáo dưới quyền mình, từng là 6 năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, bỗng hóa người ngây ngô, bị đẩy đi gác cửa, dọn vệ sinh…

Rồi cái kiểu báo chí đồng loạt phẫn nộ, đồng loạt trở giọng, rất quen thuộc trong sinh hoạt xã hội chủ nghĩa, cũng như đã nói rõ điều gì nơi được mệnh danh là “trồng người” ấy.

Nhưng cái còn lại, ghê sợ hơn.

Tôi vẫn nhìn hình ảnh bé gái nói vanh vách lời tố cáo cô mình, hình ảnh học trò đột nhiên nổi loạn trong lớp cô Nguyễn Thị Tuất, tấn công và sách nhiễu cô ngang nhiên, từ bắn thun vào cô, ném đá, tạt nước, trùm đầu cô và lấy thước đánh… nhiều năm sau, nếu các em nhỏ đó được cổ vũ cho hành động điên cuồng như vậy, chúng sẽ trở thành giống loài nào trong gia đình mình? Và nếu có một cơ may, sự cắn rứt và tổn thương thầm kín trong những trái tim bị vẩn đục đó, sẽ dẫn các em về đâu?

Hình ảnh ở trường Sài Sơn B, Hà Nội, gợi nhớ nhiều về thời kỳ cách mạng văn hóa ở Trung Quốc, nơi trẻ em được hướng dẫn, dạy lớn lên bằng căm thù, bạo lực và trung thành với kẻ có quyền lực, đã biến một thế hệ con người hoặc là trở thành vô loài thấp hèn, hoặc trở thành những người khuyết tật tinh thần, luôn đau đớn khi nhớ về sự ngu dốt và tàn bạo của mình.

Một từ ngữ quen thuộc của dân chúng Trung Quốc khi nói về lớp người đó, là thế hệ “uống sữa sói” – những đứa trẻ Hồng Vệ Binh được đẩy vào các tình huống phục vụ người lớn, chỉ biết cắn xé, căm ghét và bầy đàn.

Rất nhiều các thiếu niên bị kích động, tham gia những lực lượng Hồng Vệ Binh để đấu tố cô giáo, thầy giáo mình, thậm chí tham gia đánh đập đến chết. Những đứa trẻ như vậy, được Mao Trạch Đông ngợi ca là những “đóa hoa cách mạng”. Có không biết là bao nhiêu những dữ liệu ghi lại về thảm nạn này, của những đứa trẻ đeo băng đỏ, trừng mắt quát vào mặt thầy cô, cười khoái trá khi đánh đập họ nơi công cộng, lật đổ mọi giá trị giáo dục công dân và học đường. 

Và cũng có không biết bao nhiêu lời thú tội, đau đớn, nguyền rủa quá khứ của những người đã lớn khôn, nhận ra mình đã làm gì với đời mình. Trong tác phẩm Red Shadows, Memories and Legacies of the Chinese Cultural Revolution, một phụ nữ gần 70 tuổi nói rằng sau sự kiện cách mạng văn hóa ấy, bà dọn đi nơi khác sinh sống, và dù nhớ quê mình da diết nhưng có lẽ bà sẽ chọn chết ở nơi xa nhà cho yên ổn, vì luôn bị ám ảnh những gì đã xảy thời tiểu học của bà ở đó, nơi bà từng là một Hồng Vệ Binh.

Yu Xiangzhen, một người tích cực nghe hướng dẫn từ người lớn, đã tố cáo và hành hạ cô giáo mình. Bà tự thú với báo chí vào năm mình gần 70 tuổi, về chuyện đời mình đã được cho bú mớm “sữa sói” như thế nào. Lúc ấy, bà chỉ mới 13 tuổi.

“Tôi là một trong những học sinh tích cực nhất, nếu không muốn nói là cách mạng nhất, khi lớp tổ chức một phiên đấu tố chống lại cô giáo Zhang”. Tôi đã đưa ra lời kết tội không đâu, những điều hoàn toàn sai sự thật”, Bà Yu nói. Thành quả cách mạng ấy đã đưa cô giáo Zhang  đến ở trong một chuồng bò, cô phải đi dọn vệ sinh và làm mọi thứ theo yêu cầu, chứ không phải là dạy học.

Bà Yu kể ra rằng mãi đến năm 1990, bà lấy hết can đảm để xin lỗi cô giáo của mình, lúc đó cô giáo đã già yếu lắm, cười và nhớ lại “cô đã bị bắt bò trên đất như chó”. Bà Yu đã bật khóc khi nghe vậy.  Thật đau đớn quá, lúc ấy bà chưa đầy 14 tuổi, nồng nhiệt hành động với sự thao túng của người lớn, và đã mang lại đau khổ cho cuộc sống của chính cô giáo mình, và biến mình thành kẻ vô đạo đến chết. 

Bao nhiêu lâu nữa, phụ huynh của các em nhỏ ở trường Sài Sơn B sẽ giật mình suy nghĩ - Những người vốn đã đồng thuận với những âm mưu tố cáo cô giáo Tuất, và thản nhiên nhìn hình ảnh con cái mình đánh đập một phụ nữ và là người dạy dỗ con mình? Không chỉ bọn nắm quyền, bọn âm mưu… mà chính các phụ huynh ấy đang giúp cho con cái mình uống sữa sói, tập cho chúng thói quen tàn bạo là lẽ thường, dạy cho chúng rằng bất nhân và vô đạo là cách sống cần thiết để lớn lên trong mái trường xã hội chủ nghĩa?

Trung Quốc thật may mắn vì họ chỉ có 10 năm cách mạng văn hóa, và 1000 năm để thống hối và sửa sai. Nhưng những câu chuyện như ở trường Sài Sơn B, sẽ là một minh chứng về một thế hệ con trẻ đang hóa sói, từ chính ngay môi trường giáo dục của mình, thầm lặng hình thành và không biết bao giờ mới có một điểm kết.

Lẽ nào, chúng ta, người Việt phải gánh vác trọng tội về một thế hệ được dạy lấy nhẫn tâm làm niềm vui, ngay khi trên miệng còn vương mùi sữa mẹ, từ chính nền giáo dục chính thống? 


-------------------------------------------------

· Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc diễn ra từ năm 1966 đến năm 1976 và được mô tả là cuộc đấu tranh quyền lực và ý thức hệ lớn nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nó được tổ chức bởi Mao Trạch Đông, lúc đó là lãnh đạo của Đảng Cộng sản, với mục đích chính thức là để đổi mới và truyền bá cuộc cách mạng tinh thần đến mọi thành phần của xã hội Trung Quốc. 

Một nền văn hóa mới cho xã hội xã hội chủ nghĩa đã được tạo ra. Trên thực tế, đó là một cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng, đặc biệt là sau khi vị trí của Mao trong đảng đã bị suy yếu do thất bại của cuộc Đại nhảy vọt, dẫn đến nạn đói hàng loạt. Nhiều người đã bị giết trong những năm đó và hầu như các nhà nghiên cứu lịch sử, đều đồng ý với cách mô tả Cách mạng Văn hóa là “tội ác chống lại loài người dưới chế độ cộng sản”.


Monday, March 29, 2021

Ruồi và Kên Kên của Ns Nguyễn Đức Quang


Rất nhiều người không hiểu nhiều về Phong trào Du Ca Việt Nam trước năm 1975, thường hay thắc mắc tại sao một phong trào sinh hoạt lại phải xin giấy phép hoạt động của Bộ Giáo Dục và Thanh Niên VNCH.
Đây cũng là một trong những điểm mà sau năm 1975, phía tuyên truyền của chế độ mới luôn chụp mũ phong trào du ca, gọi đó là âm mưu dài lâu của của CIA, của tình báo VNCH… Trong thời gian tuyên truyền để hủy diệt các danh tính văn hóa của miền Nam, chiến dịch bắt giữ và kết tội các văn nghệ sĩ miền Nam, phát động từ ngày 3-4-1976, Nguyễn Đức Quang cũng bị lực lượng quân quản tìm tới, cùng số phận với Trần Dạ Từ, Đằng Giao, Nhã Ca, Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Hữu Hiệu, Hoàng Anh Tuấn, Thân Trọng Kỳ, Hoàng Vĩnh Lộc, Trịnh Viết Thành, họa sĩ Chóe, Như Phong Lê Văn Tiến, linh mục Trần Hữu Thanh, linh mục Đinh Bình Định, thượng tọa Thích Huyền Quang… Sau đó ông đi tù 3 năm.
Theo thông tin từ ông Hoàng Ngọc Tuệ, cựu chủ tịch nhiệm đầu tiên của PTDCVN và ông Nguyễn Thiện Cơ, một trong những người khởi xướng phong trào cho biết, ngày 24-1-1969 là ngày có giấy phép hoạt động của phong trào. Ông Hoàng Ngọc Tuệ là chủ tịch 2 nhiệm kỳ đến năm 1972, sau đó là ông Đỗ Ngọc Yến phụ trách vị trí đó cho đến tháng 4-1975. Sau đó, di tản sang Mỹ, ông Đỗ Ngọc Yến với tư cách là người sáng lập báo Người Việt ở Little Saigon có tập hợp và tổ chức cùng nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang nhiều chương trình ở quận Cam, thủ phủ của người Việt tỵ nạn.
Phải có giấy phép, vì tính trách nhiệm của những người tổ chức PTDCVN đưa người đi biểu diễn khắp nơi, tổ chức xây dựng phân ban ở các tỉnh… nếu không rõ được nhóm hành động này thuộc về ai, trong bối cảnh chiến tranh leo thang, và khủng bố trong miền Nam xuất hiện nhiều, một căn cước chung để an toàn và hợp pháp các hoạt động tập hợp con người ở các tỉnh, qua các chương trình văn nghệ, là cần thiết. Hơn nữa, khác hơn các sinh hoạt văn hóa ngẫu hứng, PTDCVN có kết nạp thành viên theo tôn chỉ xây dựng quê hương, tình đồng bào và chán ghét mọi âm mưu đang đặt trên đất mẹ.
Khác với các nhóm nhạc, ca sĩ… bình thường, PTDCVN không có nhiều băng ghi âm để lại theo kiểu phòng thu, phần lớn là thu ngay tại chỗ qua băng cassette và chuyền tay nhau. Hầu hết chứng phẩm của PTDCVN là các nhạc tập. Có cả thảy 10 nhạc tập đã ra đời như vậy:
1. Chuyện Chúng Mình (1960-1964),
2. Trầm Ca (cũng là tên của phong trào lúc khởi đầu, nhiều bài để đời của Du Ca xuất từ đây với Việt Nam quê hương ngạo nghễ, Chiều qua Tuy Hòa, Tiếng hát tự do…),
3. Những Bài Ca Khai Phá,
4. Cần Nhau (đây là tập được khán giả hâm mộ với nhiều bài được ghi âm với ca sĩ thịnh hành, như Vì tôi là linh mục, Bên kia sông, Cần nhau…),
5. Thỏ Thẻ Loan Phòng (hay Lời Nguyện Cầu Hạnh Phúc),
6. Khúc Nhạc Thanh Xuân,
7. Hương Đồng Quê,
8. Khúc Ca Mùa Lễ,
9. Ruồi và Kên Kên,
10. Dưới Ánh Mặ Trời.
Ba nguyên tắc của Du Ca lúc đó, là (1) Ăn mặc giản dị , nhạc cụ đơn giản. (2) Bất cứ một buổi trình diễn nào của ban Du Ca , bao giờ cũng có những màn hát cộng đồng . Người trình diễn hát với người nghe , người trình diễn dạy cho người nghe ngay tại nơi trình diễn và tất cả cùng hát . (3) Phải tạo ra các sinh hoạt cộng đồng , mới tác động được tinh thần dân tộc và khai phá . PTDCVN chính là hình thái cách tân của các Troubadours (người hát rong) ở Châu Âu thời trung cổ.
Nhưng quan trọng nhất, ý niệm của Du Ca là hát với đời, với hiện thực.
Một trong những bài của dòng Du Ca, tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, mà mình rất thích là bài Ruồi và Kên Kên. Đây là một nhạc tập được hoàn tất năm 1970, gồm 11 bài, là những ca khúc bi phẫn về những vấn đề lớn nhất trong một khung cảnh chính trị và xă hội đen tối nhất của cả 2 miền đất nước : Im Lặng Là Ðồng Lõa, Ruồi Và Kên Kên, Bọn Lái Buôn Ở Khắp Nơi, Phòng Thí Nghiệm Công Cộng, Vụ Án Cuối Cùng… Cho đến nay, lời và suy nghĩ của các ca khúc này vẫn còn đầy giá trị chứng hiện.
Đất nước và nhân dân thì vẫn vậy, dù hôm qua đi chân đất, ngày nay đã ngồi trên xe hơi, những khổ nạn không lời vẫn diễn ra, vẫn giàu xéo tâm can của bất kỳ ai có trái tim thao thức như nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang. Kẻ hèn, bọn ninh bợ, lũ âm mưu quyền lực vẫn dẫy đầy, dù tên gọi khác hay hình dạng khác.
Thử nghe lại Ruồi và Kên Kên của đầu thập niên 70, để thấy.


Monday, March 15, 2021

Tiếng đàn bất ngờ của nghệ sĩ siêu sao ở phòng chủng ngừa covid-19




Mới đây, giới hâm mộ thích thú khám phá một hình ảnh đời thường của Yoyo Ma, nghệ sĩ chơi Cello hàng siêu sao của thế giới, khi ông xách theo cây đàn và chơi cho những người đang chờ lượt chích ngừa Covis-19 thứ hai tại Massachusetts.

Chia sẻ về buổi diễn bất ngờ dài 15 phút này, Yoyo Ma nói đây coi như là cách ông tự ăn mừng và cùng chung vui với những người đang đến nhận lượt chích ngừa cuối của mình. Đoạn phim ngắn về Yoyo Ma ở Đại học Cộng đồng Berkshire, Massachusetts được nhanh chóng lan đi, trong sự thú vị của người chứng kiến. 

Yoyo Ma, người đã giành được 18 giải Grammy và bán được hàng triệu đĩa trong sự nghiệp của mình, nói rằng ông muốn làm một cái gì đó như sự cám ơn, trả lại cho những gì mà ông nhận được. Những người may mắn thưởng thức được phần trình diễn của ông là người đến chủng ngừa và hầu hết là bác sĩ, y tá phục vụ ở đó. Cần biết rằng vé xem một buổi hòa nhạc của người nghệ sĩ 65 tuổi này, trung bình 300 USD, đến 1000 USD cho những hàng ghế gần sân khấu.

Richard Hall, một nhân viên làm việc tại đó, nói với tờ báo địa phương Berkshire Eagle rằng cả không gian ở đó đột nhiên yên bình một cách kỳ lạ, với tiếng cello văng vẳng những nốt nhạc của Bach và Schubert.  


Nơi đây, Yoyo Ma đã đến chích ngừa lần 1, ông kín đáo quan sát mọi thứ và lần thứ hai khi ông đến, thì mang theo đàn cello. Kết thúc 15 phút trình diễn ngẫu hứng của mình, hàng tràng tiếng vỗ tay cám ơn đã vang lên ở mọi góc của tòa nhà.

Đã có hơn 530.000 người Mỹ đã chết, cho đến khi thuốc chủng ngừa Covid-19 được áp dụng. Vào tuần trước, chính quyền Biden đã thông qua dự luật cứu trợ coronavirus lên đến  1,900 tỷ USD, một đợt chi tiêu phúc lợi đầy tính lịch sử, tính từ nhiều thập niên qua. Biden cho biết ông sẽ ra lệnh cho các tiểu bang cung cấp thuốc chủng ngừa cho tất cả người lớn tuổi ở Mỹ trước ngày 1-5. Ông cho biết, hy vọng rằng vào ngày 4 tháng 7 năm nay, người Mỹ có thể kỷ niệm Ngày Độc lập và 'bắt đầu đánh dấu sự độc lập của chúng ta khỏi loại virus này'.

Một năm trước, khi đại dịch bắt đầu, Ma bắt đầu một loạt bài trực tuyến có tựa đề 'SongsOfComfort', với nỗ lực tạo sự an ủi và giảm bớt lo lắng 'khi đối mặt với nỗi sợ hãi và sự cô lập với những người yêu âm nhạc.'Trong những ngày đầy lo lắng này, tôi muốn tìm cách liên tục chia sẻ một số bản nhạc đã từng mang lại sự bình tâm cho tôi', Yoyo Ma viết trên Twitter, một năm trước.

Theo trang web của Yoyo Ma, dự án truyền thông xã hội của ông, bắt đầu bằng những video ngắn tự quay tại nhà, nhanh chóng thu hút người xem trên toàn thế giới, với hơn 18 triệu người. Vào tháng 12 năm ngoái, Ma và nghệ sĩ dương cầm Kathryn Stott đã phát hành một album có tựa đề 'Những bài hát của niềm An ủi và Hy vọng’. Ma và Stott viết trong phần thông báo về album: 'Các bài hát giữ lại thời gian ngắn ngủi của cảm xúc: chúng có thể chứa đựng những ước mơ và mong muốn đã mất từ lâu. Mong các bài hát mang lại cảm giác cộng đồng, bản sắc và mục đích, vượt qua ranh giới và gắn kết chúng ta lại với nhau trong lời cảm ơn, an ủi và động viên’.

Buổi trình diễn đầy cảm hứng của Yoyo Ma vào tháng 11 năm 1989, nhắc lại hình ảnh nhạc sĩ Mstislav Rostropovitch mang cây đàn cello đến chơi dưới chân bức tường chia đôi nước Đức. Một người nghệ sĩ tóc bạc trắng, một cây đàn và bản Suites của Bach là biểu tượng hòa bình. Hình ảnh đó là sự hồi sinh. Berlin đang hồi sinh.

Là một nhạc sĩ đàn cello bậc thầy của thế giới, Rostropovitch, vào 30 năm trước, vốn đang sống yên bình tại một căn hộ sang trọng ở quận 16 Paris, qua đài phát thanh, ông hay tin bức màn sắt của thế giới cộng sản đang bị khai tử, và thế là ông lập tức khăn gói lên đường đến Berlin. Cùng một người bạn thân, Rostropovitch mang đàn và đi thẳng đến nơi chân bức tường ô nhục chia cắt và mượn một cái ghế, bắt đầu chơi.


Mstislav Rostropovitch kể lại buổi trình diễn ngẫu hứng đêm 11/11/1989, là ‘một ngày hạnh phúc’, bởi ông biết rằng kể từ giờ phút đó Berlin không còn bị phân chia, người Đức hòa vào một khối và những nốt nhạc của Bach là keo sơn hàn gắn lại hai nửa tâm hồn của những con người bị Đông và Tây giằng xé. Cũng Rostropovitch tâm sự rằng ông cần thấy phải có mặt dưới chân Bức Tường ở vào thời khắc kịch sử đó để tri ân những người đã nằm xuống cũng tại nơi đó.

Hơn 40 năm sau, Yoyo Ma, với cây đàn của mình, cũng cất lên hy vọng về một thế giới đã đau đớn vì thuyết âm mưu, sự thù hằn vô cớ, vì cái chết và sự chia rẽ của con người.

Saturday, March 13, 2021

Sự kiện Gạc Ma 14-3-1988: nhìn từ thế giới bên ngoài

 

Kể từ cuộc chiến tranh Trung-Việt, chưa có một cuộc chiến tranh nào giữa các quốc gia trong toàn bộ Đông Á, một khu vực chiếm 1/3 nhân loại, và vốn đã từng bị tàn phá bởi một số cuộc chiến tranh tồi tệ nhất.

Tuy nhiên, lịch sử tranh chấp ở Đông Nam Á, cũng đã ghi nhận các sự kiện nghiêm trọng, như vụ chìm tàu ​​chiến Cheonan của Hàn Quốc vào năm 2010, có lẽ là do ngư lôi của Triều Tiên và chuyện pháo kích vào một phần tranh chấp của biên giới giữa Campuchia và Thái Lan vào năm 2008-2011, gần ngôi đền cổ Preah Vihear.

Tất cả những điều xảy ra, đều nhắc các nhà quan sát về việc đáng lo nhất, có thể sẽ tái diễn trong tương lai gần là cuộc thảm sát tự do giữa tàu chiến Trung Quốc và binh lính Việt Nam, vốn được trang bị vũ khí rất kém vào ngày 14 tháng 3 năm 1988, tại Johnson South Reef thuộc khu vực Trường Sa, phía nam Biển Đông.

Các đảo nhỏ nằm rải rác ở Trường Sa được Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam tuyên bố chủ quyền, hầu hết trong số đó là của Philippines, và một số của Malaysia và Brunei.

Khi lực lượng hải quân Trung Quốc tiến đến đó vào năm 1987-1988, tất cả các đảo nhỏ đã bị các quốc gia khác chiếm đóng. Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) đã không tìm cách chiếm giữ các đảo nhỏ từ những người đã nắm giữ chúng, mà thay vào đó chiếm hữu một số rạn san hô dưới nước hoặc độ cao thủy triều thấp, phần lớn không có người đặt chân đến.

Khi các tàu chiến của Trung Quốc đến gần South Johnson Reef (Gạc Ma), gần đảo Sin Cowe (Sinh Tồn) do Việt Nam quản lý, Việt Nam đã cử một tàu nhỏ đến để ngăn chặn sự xâm lược của Trung Quốc và chiếm giữ đá ngầm. Một số bộ đội lội lên bãi đá ngầm và cắm cờ Việt Nam trước. Dĩ nhiên, Trung Quốc coi đây là một hành động khiêu khích vì mọi rạn san hô trên biển Đông, theo quan điểm của họ được giáo dục truyền đời, đều thuộc về Trung Quốc.

Vì vậy, các tàu Trung Quốc đã áp sát. Một mệnh lệnh dứt khoát từ tàu của Trung Quốc vang lên: 'Bắn!'. Ngay sau đó, gần như toàn bộ binh lính Việt Nam nằm chết hoặc bị thương dưới nước. Tàu Trung Quốc sau đó nã pháo vào tàu Việt Nam khiến thuyền viên của họ bị chìm. Hơn sáu mươi người Việt Nam đã chết trong ngày hôm đó. Có những tin tức từ Việt Nam nói rằng phía bộ đội đã xin lệnh đánh trả, dù khả năng không thể, nhưng vẫn không được cho phép. Đó là nguyên nhân của cuộc thảm sát tự do.

Năm 2009, một bộ phim có cảnh quay của chính quyền Trung Quốc về sự kiện này, được đưa lên mạng một cách có chủ ý, bộ phim này nhanh chóng trở thành “danh hiệu hào hùng” đối với cư dân mạng Trung Quốc, đặc biệt với thế hệ trẻ Trung Quốc được giáo dục yêu nước theo kiểu cực đoan. Giờ đây, nếu vào những trang youtube như vậy, bạn sẽ thấy những ngôn ngữ tán thưởng cuộc thảm sát đó ra sao.

Sau đó, người ta thấy Việt Nam cũng lấy lại và bổ sung đoạn phim từ các sự kiện tưởng niệm sau này tại đảo Sin Cowe để tôn vinh các liệt sĩ, và kể về cách những người lính trẻ Việt Nam ngày nay sẵn sàng chiến đấu và hy sinh nếu Trung Quốc tấn công lần nữa.

Nhưng có lẽ không có chuyện Trung Quốc sẽ tạo cơ hội cho những cuộc xung đột đơn giản như vậy nữa.

Tại trang web của Tổ chức Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), bạn có thể thấy Bãi đá ngầm Gạc Ma ngày xưa và sáu bãi đá ngầm khác ở trong khu vực Trường Sa, do Trung Quốc kiểm soát - ngày nay trông như thế nào. Chúng không còn là những rạn san hô ngập nước mà là những hòn đảo nhân tạo được xây dựng hoàn chỉnh với sân bay trực thăng, bến cảng, hải đăng và nhà ở, thậm chí có thể rồi sẽ có thêm các hệ thống phi tiễn với đường bay đủ đe dọa cả Sài Gòn và Đà Nẳng của Việt Nam.

Hãy nhớ lại từ những thước phim Gạc Ma trông như thế nào vào năm 1988. Vào thời điểm đó, nó chỉ được nhìn thấy như một khu vực phẳng lặng của nước yên tĩnh kỳ lạ được bao quanh bởi những con sóng lớn, vỡ vụn. Trong số các kịch bản khả dĩ nhất có thể xảy ra cho chiến tranh bùng nổ ở Đông Á ngày nay, chính là một cuộc đụng độ khác trên các đảo nhỏ đang tranh chấp ở Biển Đông, mà bài học Gạc Ma là một điển hình.

Năm ngoái, các quan chức PLA và các học giả Trung Quốc thẳng thắn trao đổi về những xung đột tiềm tàng đối với 25 chốt giữ kiên cố mới được dựng lên của Việt Nam ở Trường Sa. Phía các tướng lĩnh quân đội Trung Quốc đã cười cợt về các một hoạt động xây dựng, mà họ gọi là “điên cuồng của người Việt Nam” trong những năm tháng sau cuộc đụng độ. Họ nói rằng việc hủy diệt chỉ là thời điểm lựa chọn để khẳng định câu hỏi về chủ quyền của Trung Quốc; đặc biệt khi sự phát triển hải quân của Việt Nam về sau này bộ lộ quan hệ của nước này với Mỹ và các đồng minh phương Tây ngày càng sâu sắc.

Một chiến lược gia của PLA nói: 'Người Việt Nam phải biết rằng chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép họ cố gắng kiềm chế chúng tôi thông qua những căn cứ nghèo nàn đó’. Gary Li, một nhà phân tích cấp cao của IHS Fairplay ở London, cho biết tình hình ở Biển Đông hiện đã khác rất nhiều so với năm 1988. Tin tức từ các phòng chiến lược Bắc Kinh mỉa mai rằng nỗ lực tăng cường năng lực hải quân của Việt Nam đã làm cho đường bờ biển của nước này vui nhộn như 'phòng trưng bày bắn súng' - có nghĩa là sử dụng vũ lực để nắm lấy các rạn san hô và đảo san hô ngoài xa. ‘Khác với năm 1988, các phòng triển lãm súng và phi tiễn mua từ Nga, có thể dễ dàng bị tiêu diệt bất kỳ lúc nào’, Gary Li nói.

Thay vì lo đối phó với Việt Nam, Trung Quốc đang xây dựng lực lượng giữ vững không bị thách thức đối với quần đảo Hoàng Sa, song song với chuyện khẳng định chủ quyền đối với Trường Sa thông qua sự hiện diện tăng cường trên biển với các hạm đội tàu hải quân và bán quân sự. Điều này có ích hơn và thể hiện chiến lược đường dài của Bắc Kinh.

'So với thời điểm mà việc chiếm đóng thực tế các đảo có nghĩa là tất cả, Trung Quốc đã phải chuyển chiến lược của mình sang một trong những vị trí thống trị khu vực biển’. Ông Li nói, ‘miễn là Việt Nam không đặt các khẩu đội tên lửa hành trình và radar mở rộng, hoặc hợp tác quá chặt chẽ với Mỹ, thì Trung Quốc có thể để yên cho họ, và toàn tâm thực hiện chiến lược này '', ông Li nói.

'Trung Quốc sẽ có thể thống trị khu vực bất kể các đảo thực tế và nó cũng sẽ cho phép họ bảo vệ bất kỳ nỗ lực tăng cường nào để thăm dò tìm dầu trong những năm tới', Ông Gary Li khẳng định.

Trong khi hai quốc gia Việt-Trung vẫn trò chuyện vui vẻ ở một mắt, và một mắt liếc về phía sau lưng mình, thì người dân ở hai nước vẫn đấu với nhau trên mạng mỗi khi ngày 14-3 đến.

Ngoài Facebook, bạn hãy xem các cảnh quay và bình luận trên YouTube bao gồm những lời bình từ Trung Quốc chế nhạo mang tính dân tộc cực đoan và bao gồm cả khả năng tình dục yếu kém khi Việt Nam để bộ đội bị thảm sát ở Gạc Ma (cách khiêu khích và lên giọng nhiều hơn hẳn, so với các lời bình tương tự với vụ Trung Quốc chiếm đảo Hoàng Sa 1974).

Khoảng 2 năm gần đây, khi báo chí nhà nước của Việt Nam cho công khai phần nào, phát đi kỷ niệm gần đây của cuộc chiến tranh biên giới Trung-Việt 1979 và Gạc Ma – trong muốn tỏ thái độ trong bối cảnh áp lực từ Bắc Kinh, một số bài viết đã nêu bật nỗ lực của các 'liệt sĩ' trẻ của hải quân. Điều này hoàn toàn mới, so với mối quan hệ Việt-Trung từ 1990 đến nay, bao gồm tin từ Việt Nam có những tác phẩm ghi chép về sự kiện Gạc Ma đã bị cấm ấn hành hay thu hồi, vì Hà Nội không muốn chọc giận Bắc Kinh.

Một nhà bình luận ở Trung Quốc viết, được trích dẫn trên tờ SCMP: 'Lịch sử máu của chúng ta đã thấm từng hạt cát', ngôn ngữ này như một lời nhắc nhở về cường độ phản ứng và yêu sách của Việt Nam gần đây. Các trang blog của Trung Quốc cũng kể, chào mừng chiến công Gạc Ma và nói rằng không được phép quên. Thậm chí, dư luận cực đoan còn so sánh nó với một cuộc đối đầu có thể xảy ra trong tương lai với Nhật Bản về các đảo Điếu Ngư đang tranh chấp.

Ở Việt Nam, thỉnh thoảng khi cần phải đối đầu với Trung Quốc, Hà Nội vẫn sử dụng nguồn lực từ người dân, chẳng hạn như vụ giàn khoan Hải Dương 981 vào năm 2014. Sự căng thẳng kéo dài gần hai tháng ở khu vực Hoàng Sa. Sau đó, dù Trung Quốc đã rút giàn khoan, điều đó khó có thể được coi là một chiến thắng cho Hà Nội, nếu không có áp lực từ người dân trong nước với cơn thịnh nộ truyền đời với “kẻ thù phương Bắc”. Tờ Diplomat nhận định.

Năm 2015, sau khi lấy lại được mối quan hệ gọi là tốt đẹp giữa hai bên, Việt Nam bắt tay vào sao chép luật an ninh mạng của Trung Quốc và lên kế hoạch để bắt giữ tất cả những người từng chống hay có ý định biểu tình chống Trung Quốc. Sau năm 2018, khi các cuộc biểu tình lớn diễn ra ở nhiều thành phố, kéo dài nhiều ngày về việc Hà Nội có ý định hợp tác cho thuê đất đến 99 năm cho Bắc Kinh, luật an ninh mạng được áp dụng và bắt giữ hàng loạt người đã lên tiếng chống Trung Quốc.

 

Tham khảo
---------------

·         The individual, the national, and the global: New connections in times of China-US confrontation 

·         East Asian Peace, the Peace Research Course, International Summer School, University of Oslo

·         14 March 1988: East Asia’s Last Interstate Battle (Prio.org)

·         SCMP- Spratly Islands dispute defines China-Vietnam relations

·         The Diplomat - Learning From the Battle of the Spratly Islands



Tuesday, March 9, 2021

Những câu hỏi treo trên đầu đại án thảm sát Đồng Tâm


 


Trong sự kiện Đồng Tâm, nhà cầm quyền đã bắt hàng chục người, đặt ra nhiều mức án tàn nhẫn với người già, thanh niên như một cách trả thù cho việc không trả lời được về mặt pháp lý, với âm mưu muốn cướp mảnh đất đồng Sênh của người dân.

Không phải việc xung đột với nhà cầm quyền và người dân về quyền sở hữu đất đai chỉ mới có với người dân Đồng Tâm. Trước đó đã có vụ án Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, Đất Dương Nội với gương mặt đại diện như bà Cấn thị Thêu… nhưng đến Đồng Tâm, sự xung đột đến từ quyết tâm nhà cầm quyền kiêu ngạo muốn chứng minh thế lực và quyền cai trị của mình, bất chấp lời kêu gào của hàng trăm người ở Đồng Tâm muốn có những phiên tòa xét công khai, bằng chính các chứng cứ pháp lý mà họ đã có.

Hai lần,tháng 4 năm 2017, khi người dân trình bày lẽ phải thuộc về mình, công an Hà Nội dưới quyền của chủ tịch Nguyễn Đức Chung (vốn xuất thân từ giám đốc công an) đã bắt cóc và đánh cụ Lê Đình Kình hơn 80 tuổi đến gãy chân, thương tật vĩnh viễn. Người dân Đồng Tâm vẫn tiếp tục đòi ra tòa để phân xử về đất đai và bồi thường cho người thủ lĩnh tinh thần của họ. Nhưng đến chính quyền im lặng và đến rạng sáng ngày 9 tháng 1, năm 2020, lại đem 3000 quân đột kích vào xã Đồng Tâm, bắt và đánh đập nhiều người, bắn chết cụ Lê Đình Kình (84 tuổi) ngay trong nhà của ông.

Mặc dù mở ra nhiều hướng ngôn luận lấp liếm và vu cáo cho người dân Đồng Tâm bằng cả một hệ thống truyền thông chính trị khổng lồ suốt một thời gian dài, nhưng công an Việt Nam vẫn không thể che mất được thế giới và tất cả những người quan tâm về sự kiện này. Nhà văn Nguyên Ngọc đã gọi đây là một “tội ác trời không dung đất không tha”, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao  thì đặt câu hỏi rằng “Nhiệm vụ gì?  Mà một lực lượng hơn 3000 người vũ trang tiến vào làng khi người dân đang ngủ yên?”.  Khắp nơi từ trong và ngoài nước, đã có rất nhiều câu hỏi đặt ra với chính quyền về vụ thảm sát này. Thế nhưng không có lời đáp nào từ bộ máy nhà nước.

Dưới đây là vài câu hỏi chính, mà nhà cầm quyền Việt Nam cần trả lời trực tiếp và cụ thể, chứ không thể né tránh dưới máu và nước mắt của người dân Đồng Tâm.

Tòa án nào đã đưa ra lệnh cưỡng chế hay tấn công vào dân làng Đồng Tâm. Công an Việt Nam cần giới thiệu với tất cả mọi người cho thấy lệnh từ tòa án xác nhận về quyền chính đáng thực hiện cuộc đột kích dã man này, cũng như ai là người đã đồng ý để thực hiện sự kiện.
Sự kiện cần nhớ, là vào lúc rạng sáng (từ 3g sáng ngày 9 tháng 1), công an đã mở đầu đánh chiếm xã Đồng Tâm, nơi không hề có bất kỳ phòng tuyến kháng cự nào, và lệnh bắt người ở nơi đó diễn ra hỗn loạn, không có lệnh bắt hay quyết định pháp lý nào.

Nhưng việc tấn công vào làng Đồng Tâm lại không hề có một căn cứ pháp lý nào cả. Báo chí nhà nước thì đồng loạt đặt tên ông Kình cầm đầu nhóm phiến loạn, nhóm khủng bố… nhưng lại không có một cơ quan pháp luật nào khẳng định điều đó. Điều đó cho thấy 3000 cảnh sát cơ động không thể tổ chức tấn công và giết người từ những dư luận linh tinh, từ những tin đồn. Liên tục sau sự kiện, 3 lần giải thích của Bộ Công An bất nhất, đều cho thấy cuộc tấn công vào thôn Hoành không hề có lệnh của tòa án, viện kiểm sát hay công an…  Nhà văn Nguyên Ngọc từng nói rằng “Kịch bản của cuộc tấn công cho thấy rõ: họ cô lập mọi gia đình chung quanh nhà ông Kình, dùng thuốc nổ phá cửa, tấn công bắt người và tra tấn, và giết.

Người ta tìm thấy một cái bao đầy quần áo đầy máu, mà chúng dùng để lau dọn phi tang vụ tra tấn. Sau đó chúng dùng súng bắn vào ông. Cái phát súng bắn vào tim đó – tôi là bộ đội, tôi biết rõ – vết thương cho thấy phát súng đó bắn gọn, bắn rất gần, kê thẳng vào ngực mà bắn. Vết đạn sắc gọn, không nở toét ra như bắn từ xa. Họ còn bắn thêm vào đầu, bắn vào chân”.

Đây là một sự kiện kinh hoàng, lan rộng đến tin tức của thế giới, nhưng lại vô cùng bí ẩn vì đến giờ, cả nước Việt Nam, người dân Không ai có thể biết được rằng ai là chủ mưu hay là người đưa ra kế hoạch điên cuồng này. Thậm chí, suốt một năm nay cho đến khi lệnh tập kích có tên gọi là kế hoạch 419a được tiết lộ. Luật sư cũng như tất cả những người quan tâm về sự kiện này hiện vẫn đang đòi hỏi Bộ công an phải trả lời rằng: chủ trương tàn bạo đó là từ ai, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hay chỉ là của Bộ trưởng Công an Tô Lâm?

 

Mù mờ chung quanh cái chết của 3 nhân viên công an tấn công vào xã Đồng Tâm, mà nhân dân đòi làm rõ nhưng công an thì chối quanh. Phía công an nói Hai ông Lê Đình công và Lê Đình Chức đã đẩy những chiến sĩ công an này xuống một hố sâu bên hông nhà sau, đó đổ xăng xuống thiêu sống những người này.  Đây là mấu chốt của những mức án tử hình mà tòa đưa ra, và cũng là nội dung kích động với người dân bên ngoài về một cái gọi là “tội ác”. Thế nhưng mọi chứng tích về điều này cũng như chứng lý cho lời kết tội, công an đều không đưa ra được. Hiện trường còn lại người ta tìm thấy không có nơi nào có dấu hiệu bị đốt cháy như công an nói.  Và cũng không ai làm chứng cho thấy được việc hai người nông dân có thể đối phó được với ba công an như vậy.

Điểm mờ ám nhất là phía công an đã vội vã  an táng bí mật và nhanh chóng những thi thể mà không có biên bản pháp y nào trưng ra. Có đến 14 luật sư đã yêu cầu tòa án phải thực nghiệm lại hiện trường để xác minh những lời kết tội đối với những người nông dân Đồng Tâm nhưng  chính quyền thì bác bỏ, thậm chí trong đó lời bác bỏ trơ trẽn nhất, được tổ chức lập đi lập lại đó là “vì lý do nhân đạo”.

Nói trong một cuộc phỏng vấn từ đài BBC, tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao từng đặt câu hỏi rằng “Công an có nhiệm vụ là để bảo vệ nhân dân.  Vậy thì ba chiến sĩ công an đó nửa đêm đi vào làng, leo lên nóc nhà của người ta làm gì, theo lệnh của ai, để chết một cách đau đớn như vậy?” 

 

Vì sao phải xông vào nhà bắn chết một người già 84 tuổi, đang phải ngồi xe lăn, lục soát và lấy đi mọi của cải cũng như giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu Đồng Sênh đang tranh chấp? Nhiều câu hỏi về mặt nghiệp vụ của công an không được trả lời ở đây là ai đã bắn cụ Kình, và vì sao phải bắn? Cũng như lấy cắp tài sản và giấy tờ của nhà cụ Kình, rồi ngăn chặn tiền quyên góp phúng điếu đến cho gia đình cụ. Đó là chưa nói đại diện của Bộ công an là Thiếu tướng Tô Ân Xô, còn lên giọng phỉ báng cụ Kình là một loại cường hào địa chủ mới, tạo cớ cho hệ thống truyền thông độc quyền của nhà nước sỉ nhục người dân Đồng Tâm và gia đình cụ Kình. Hành động này nhắc cho người ta nhớ rất nhiều về việc những người cộng sản đã giết chết bà Nguyễn Thị Năm ở Hà Nội vào những ngày cải cách ruộng đất.

Bà Năm hay cụ Kình có một điểm chung, họ là những người đi theo phục vụ cách mạng hoặc giúp đỡ cho cách mạng. Nhưng rồi sau đó, họ bị chọn để giết chết, làm gương cho một giai đoạn trấn áp và cầm quyền của hệ thống cộng sản.  Và mặc dù đã giết sai, làm sai, nhưng hệ thống phục vụ tay sai cho tuyên truyền được lệnh phải liên tục chửi rủa, vu vạ, dựng lên những câu chuyện tồi tệ về nạn nhân. Từ bà Năm (vào năm 1945) cho đến cụ Kình (chuyện của năm 2020), vấn đề được đặt ra rằng, không hề có câu hỏi nào từ thắc mắc của người dân về tính minh bạch lẫn chính đáng của việc giết người, mà được chính quyền trả lời. Đáp lại chỉ có những tiếng reo hò thao túng vô nghĩa từ bọn thủ ác.  

Điều không thể hiểu nổi trong cái gọi là luật pháp của nhà nước xã hội chủ nghĩa, là khi bà Dư Thị Thành, vợ của ông Lê Đình kình nộp đơn để đòi làm rõ việc bà chứng kiến chuyện công an Cộng sản Việt Nam bắn chết chồng bà ngay tại phòng ngủ của ông, hệ thống cầm quyền trả lại, với lý do rằng bà không có chứng cứ gì để nói được điều như vậy.

Trên đây chỉ là ba câu hỏi đơn giản gửi đến công an và chính quyền Hà Nội về việc bắn chết một công dân và áp đảo tinh thần của cả một quốc gia về việc tùy tiện sử dụng vũ lực không cần thiết. Khi nào những câu hỏi này còn chưa được trả lời minh bạch, thì lúc đó giá trị và bộ mặt của những người cầm quyền Hà Nội  vẫn tiếp tục được gọi tên bằng những ý nghĩa tồi tệ nhất trong mắt nhân dân.

 

 Tuấn Khanh

 

 

Tiết lộ: Việt Nam không dám nhập vaccine Trung Quốc, vì sợ dân chúng tẩy chay?

 



Đó là kết luận mà các nhà nghiên cứu ở Đông Nam Á tìm thấy và chia sẻ với tờ South China Morning Post (SCMP). Các nhà phân tích nói rằng tâm lý chống Trung Quốc trong dân Việt Nam, kèm với việc căng thẳng ngoại giao trong thời gian gần đây là hai yếu tố của sự ra đời của vắc xin Việt Nam, cũng như tìm mua sản phẩm từ phương Tây.

Việt Nam hiện nay theo các báo cáo chung thì đang có tổng số ca nhiễm coronavirus thấp nhất ở Đông Nam Á, sẽ khởi động đợt tiêm chủng vào tuần rồi, với hơn 117.000 liều vắc-xin do tập đoàn dược phẩm AstraZeneca của Anh-Thụy Điển phát triển.

Nhà nước nói giai đoạn đầu sẽ được tiến hành tại 18 bệnh viện điều trị bệnh nhân coronavirus, và ở những khu vực có số lượng nhiễm trùng cao hơn, Bộ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long cho biết.

Nói với báo giới bên ngoài, cô Hằng, 25 tuổi, một cư dân Hà Nội, nói cô sẵn sàng sử dụng bất kỳ loại vắc xin nào được các cơ quan quản lý Việt Nam chấp thuận, tuy nhiên loại vắc xin sản xuất tại Trung Quốc sẽ là sự miễn cưỡng, hàng cuối trong lựa chọn của cô . Cô Hằng nói “tôi sẽ chấp nhận ngay, vắc xin từ Nga, sau đó là Mỹ, còn nếu không còn gì nữa thì đành phải chịu vắc xin từ Trung Quốc”. Suy nghĩ của cô Hằng được coi là chiếm đa số trong suy nghĩ của người Việt Nam, trước khi nhà cầm quyền chọn mua được sản phẩm của AstraZeneca.

Theo báo cáo mà giới cầm quyền Hà Nội chuyền cho nhau xem, vắc xin AstraZeneca có tỷ lệ hiệu quả trung bình là 70%, trong khi vắc xin Sputnik V của Nga cung cấp khả năng bảo vệ khoảng 92%, dựa theo kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet. Tại Israel, cuộc thử nghiệm thực tế đầu tiên của vắc xin Pfizer / BioNTech mà Việt Nam cũng đã phê duyệt để sử dụng khẩn cấp cho thấy nó có hiệu quả 94%.

Trong khi đó, các sản phẩm của Trung Quốc thì không ổn định. Chẳng hạn Sinopharm của một công ty ở Vũ Hán sản xuất có kết quả là 72,5%. Còn vắc xin của Sinovac có trụ sở tại Bắc Kinh được phát hiện chỉ có hiệu quả 50,6% ở Brazil, nhưng hiệu quả hơn 91% ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Một tin tức lộ ra từ Hà Nội, cho biết dù Trung Quốc chào mời, kể cả việc Bắc Kinh cam kết đưa vắc xin trở thành hàng hóa công cộng toàn cầu và ưu tiên tiếp cận các nước đang phát triển như Việt Nam, nhưng có vẻ các nhà lãnh đạo chóp bu Việt Nam vẫn e dè. Điều này có vẻ làm cho Bắc Kinh khó chịu vì bị mất mặt, do Indonesia, Mã Lai, Thái Lan, Brunei, Lào, Campuchia… đều đã chọn mua.

Ông Nguyễn Phương Linh, phó giám đốc công ty tư vấn toàn cầu Control Risks, cho biết chính sách ngoại giao vắc xin của Trung Quốc đã thất bại với Việt Nam, chủ yếu là do người dân Việt không ưa hình ảnh Trung Quốc. “Các nhà lãnh đạo từ Hà Nội, vốn đã tuyên truyền mạnh mẽ trong việc thành công chống dịch thành công Covid-19 với 98 triệu dân – cân nhắc rất nhiều, không muốn rủi ro mất đi sự ưu ái đó”, ông Linh nói.

“Ngay từ đầu đại dịch Covid-19, loại virus này đã được thông báo rộng rãi ở Việt Nam với lý do ban đầu là xuất phát từ Trung Quốc. Kể từ đó, tình cảm chống Trung Quốc ngày càng mạnh hơn”. Bà Lê Thu Hương, nhà phân tích cấp cao và trưởng dự án Đông Nam Á tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, một tổ chức tư vấn do chính phủ Hoa Kỳ và Úc đồng tài trợ, cho biết Hà Nội đã đánh giá vắc xin dựa trên các yếu tố bao gồm tỷ lệ hiệu quả, uy tín y tế và khả năng chi trả.

Anh em nhà cộng sản Việt Nam và Trung Quốc luôn có một mối quan hệ ngoại giao không êm ấm, đặc biệt luôn khó với việc người Việt Nam vẫn giữ thái độ ác cảm với phương bắc, bắt nguồn từ sự chiếm đóng kéo dài hàng thế kỷ của Trung Quốc, kết thúc vào năm 939, và cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Những tình cảm này, lại được hâm nóng bởi tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra ở Biển Đông giữa Trung Quốc, Việt Nam và ba nước ASEAN khác, kể cả các hoạt động của Bắc Kinh trên sông Mekong.

Dấu hiệu không tin dùng vắc xin Trung Quốc, đã khiến Bắc Kinh tức giận, và đó là một trong những nguyên nhân Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm chín quốc gia ASEAN trong khoảng thời gian vài tháng trước lễ nhậm chức Tổng thống mới của Hoa Kỳ vào tháng Giêng - ngoại trừ Việt Nam.

Bên cạnh việc sử dụng vắc xin AstraZeneca và phê duyệt vắc xin Pfizer-BioNTech và Sputnik V để sử dụng khẩn cấp, Việt Nam cũng đang phát triển bốn loại vắc xin sản xuất trong nước, với hai loại đã được thử nghiệm trên người. Một trong số đó là vắc-xin Nano Covax của Công ty Công nghệ sinh học dược phẩm Nanogen có trụ sở tại Sài Gòn, đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ hai trên người và dự kiến ​​sẽ được chấp thuận sử dụng khẩn cấp vào giữa năm nay. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc Hà Nội tuyên bố có các loại vắc xin thử nghiệm chỉ là kế hoãn binh, mà đó là mục đích xoa dịu Trung Quốc trong việc muốn nói rằng “chúng tôi chưa làm phiền, vì cũng có thể tự sản xuất được”.

(tổng hợp)