Tuesday, May 31, 2016

Tuyệt thực có ý nghĩa gì trong thế giới hiện đại?


---------------------
"Mẹ ơi, tuyệt thực có ý nghĩa gì?" -
Mến tặng chị Nguyễn Thị Bích Nga và con gái bài viết này, bởi cuộc đối thoại đáng yêu của người mẹ dạy cho con biết tranh đấu, công lý, tự do và nhân quyền là gì.

https://www.facebook.com/ngavoi.nguyen?fref=nf&pnref=story&_ft_=top_level_post_id.1216724785004294%3Atl_objid.1216724785004294
----------------------


Có bao giờ bạn tự hỏi, người ta biểu thị sự phản kháng bằng tuyệt thực để làm gì, và vì sao lại có chuyện tuyệt thực?

Tuyệt thực đã có trong lịch sử của loài người từ rất lâu, thậm chí hình thức này đã nằm trong ghi chép của luật pháp Ireland cổ xưa. Nếu ai đó nhận ra điều sai trái của bạn và tự mình nhịn đói đến chết trước cửa nhà bạn, đó là một món nợ danh dự và công lý mà suốt cuộc đời mà bạn phải gánh.

Trong đời sống hiện đại, Mahatma M. Gandhi (1869-1948), người tiên phong của phong trào sự bất tuân dân sự, đã phát động nhiều cuộc tuyệt thực và ăn chay để phản đối sự cai trị hà khắc của người Anh tại Ấn Độ. Con đường bất bạo động của ông tạo ra một giá trị khác của việc biểu tình: Những người tuyên bố tuyệt thực hay tham gia tuyệt thực không mang ý nghĩa của “chống lại”, mà họ hành động dựa trên sức mạnh tinh thần để đòi hỏi việc đạt được một giá trị phổ quát mang tính đại chúng.

Tuyệt thực trong việc phản kháng, bất tuân dân sự thường bị các chế độ độc tài hay cộng sản bóp méo là một hình thái như “nằm vạ”, nhưng thực chất các cuộc “nằm vạ” đó cao quý ở chỗ là các yêu cầu của người tuyệt thực thường nhắm đến một quyền lợi chung của cộng đồng, hay công bằng xã hội. Tuyệt thực được giáo sư Sharman Apt Russell, tác giả của Hunger: An Unnatural History (tạm dịch Nhịn đói: Một lịch sử bất thường) dẫn ra với những ví dụ đáng kính trọng, và thành quả của nó đã thúc đẩy nền văn minh và nhân ái của con người.

Một trong những người tuyệt thực đầu tiên được ghi vào sử sách đầu thế kỷ 20, là trường hợp của bà Marion Wallace-Dunlop (1864-1942). Là người đấu tranh cho nữ quyền và yêu cầu cho phái nữ phải được quyền bỏ phiếu bầu như nam giới, bị bắt giam, bà đã từ chối các bữa ăn. Khi bác sĩ trong trại giam đến yêu cầu bà dùng đến các phần ăn, bà đã tuyên bố “ Ăn, là một quyền tự quyết của tôi”. Bà đã được trả tự do khỏi nhà tù Holloway sau 91 giờ tuyệt thực.

Nhưng cũng có chính quyền bất chấp cái chết của công dân mình. Chẳng hạn như trường hợp Bobby Sands (1954-1981), người đấu tranh cho việc cải thiện chế độ lao tù ở Bắc Ireland vào năm 1981. Đó là vết nhơ khó tả của chính quyền bấy giờ và bị ghi vào sử sách nhân loại như một hệ thống khủng bố con người. Trong mắt thế giới, loại chính quyền để cho công dân của mình tuyệt thực đến chết vì quan điểm khác biệt, là loại vô liêm sỉ.

Việc phản kháng bất bạo động là hình thức phổ biến và được rất nhiều người thực hiện, bao gồm những người không phải là chính trị gia. Mia Farrow - nữ diễn viên điện ảnh cũng đã áp dụng cách tuyệt thực để phản đối cuộc xung đột ở Darfur trong năm 2009. Chính quyền Khartoum (Sudan) đã dùng quân đội và công an để trấn áp và khuất phục dân chúng tại Darfur rằng chỉ có họ mới có quyền duy nhất lãnh đạo đất nước.

“Tuyệt thực trở thành một hình thái văn hóa được tổ chức để kiếm tìm công lý trong thế kỷ 20” ("It has become an established cultural form of seeking justice in the 20th Century), nữ giáo sư Sharman Apt Russell đã khẳng định như vậy, trong sách của mình.

Tuy nhiên bà Russell cũng cảnh báo rằng, sức mạnh của vấn đề tranh đấu bằng tuyệt thực là được sự quan tâm liên tục của công chúng. Sức mạnh của việc tuyệt thực sẽ yếu dần nếu công chúng bị chính quyền tổ chức đánh lãng qua các sự kiện khác như giải trí, các vụ bê bối dàn dựng… Công lý và tính mạng của người tranh đấu phụ thuộc và sức quan tâm và chia sẻ lan rộng của cộng đồng. Thế kỷ 21, cộng đồng mạng là một sức mạnh vô lượng trong việc hậu thuẫn và giải cứu những người chọn đấu tranh bằng tuyệt thực.

Tuyệt thực không phải là hình thức hay nhất trong các loại tranh đấu, tuy nhiên vì hiệu quả của nó, nên tuyệt thực đã được sử dụng bởi cả hai phong trào bạo động và bất bạo động. Ý nghĩa phát đi khắp nơi cho thấy một hình ảnh quan trọng rằng ước muốn ôn hòa và chính nghĩa của người tranh đấu, đại diện cho sự tuyệt vọng và bất tín của nhân dân đối với nhà cầm quyền.

Nhà nghiên cứu xã hội học Michael Biggs từ đại học Oxford ghi nhận rằng thường thì các chính quyền đối diện với các trường hợp tuyệt thực, sẽ không sớm có các hành động nhượng bộ nhằm thách thức sức mạnh tinh thần và chịu đựng của các nhà tranh đấu. Nhưng càng kéo dài, chính quyền càng nhận được số lượng dân chúng căm ghét dành cho họ ngày càng lớn hơn. “Tính bất tuân dân sự và bất hợp tác của người dân dành cho chính quyền ngày càng lớn, đó là khởi đầu cho những hỗn loạn và sụp đổ của một chế độ coi thường mạng sống và tiếng nói của người dân”, Michael Biggs viết.

Trở lại với trường hợp đau lòng của nghị sĩ Bobby Sands, khi ông mất vì suy kiệt từ cuộc tuyệt thực cho việc đòi cải thiện chế độ lao tù, đám tang của ông tại Belfast đã có đến 100.000 tham dự, mở đầu cho tiền đề của một cuộc đổi thay. Trong thời hiện đại, việc đưa đám tang của một người tuyệt thực đến chết vì công lý và cộng đồng, hoặc chỉ tưởng niệm tại nhà, đó là những cam kết dứt khoát về việc không còn chấp nhận chế độ đương nhiệm.

Hầu hết những người đấu tranh bằng tuyệt thực muốn sử dụng mạng sống của mình như một cam kết sẵn sàng trả giá cho đổi thay. Tuyệt thực không có nghĩa là người tranh đấu muốn kết cục là cái chết, nhưng họ sẵn sàng chấp nhận cái chết, như một cột mốc để chính quyền xét lại tự cách cầm quyền của mình, trước sự giám sát và phẫn nộ của nhân dân.

Việc tuyệt thực trong lao tù cũng vẫn hay xảy ra. Vì bởi trong trại giam, khó có hình thức nào biểu tình được, ngoài tuyệt thực. Trong tù, chính phủ chính xác là nơi phải chịu trách nhiệm cho cuộc sống của tù nhân, nếu tù nhân chết, lời kết án sẽ nhắm vào chính phủ từ người dân cũng như các quốc gia khác đang có thông tin theo dõi về tình trạng trên.

Thế kỷ 21, đám đông dân chúng có thể gửi thỉnh nguyện thư cho tòa án quốc tế để xét xử quan chức/chính quyền chịu trách nhiệm về thảm trạng. Trường hợp của Giang Trạch Dân bị tòa án Tây Ban Nha truy nã về việc thảm sát con người (2013) do đơn tố cáo từ một người Tây tạng tên là Thubten Wangchen, là một ví dụ. Theo cáo quyết, tất cả những quốc gia liên đới ngoại giao và chính sách nhân quyền với Tây Ban Nha đều có nghĩa vụ truy nã và bắt giữ Giang Trạch Dân, bất chấp việc ông ta nguyên là Chủ tịch Trung Quốc.



--------------
PHỤ LỤC
--------------
Một người tuyệt thực có thể kéo dài mạng sống đến bao lâu?

Nếu được uống nước, một người tuyệt thực dẻo dai có thể sống đến 60 ngày, tuy nhiên, với thể trang yếu và mang bệnh, bất kỳ ai cũng có thể chết trong vòng 8 đến 10 ngày. Một trong lý do có thể giúp kéo dài sức chịu đựng, khi glucose – lượng đường trong cơ thể cạn kiệt – thường là từ 3-5 ngày. Cơ thể sẽ chuyển qua việc dùng chất béo có sẵn trong cơ thể để làm năng lượng sinh tồn. Nhưng như vậy đồng nghĩa với việc chất béo xuất hiện trong máu vượt mức, sẽ trở thành nguy hiểm. Tim, gan và thận sẽ là những bộ phận bị tổn thương nhanh trong giai đoạn này.

Theo lời khuyên của các bác sĩ, những người tuyệt thực nên uống nhiều nước, uống vitamin, đường và muối… sẽ có thể kéo dài mạng sống của mình thêm đôi chút. Trong trường hợp của ông Trần Huỳnh Duy Thức ở trại giam Nghệ An hiện nay, được biết ông chỉ uống nước và từ chối mọi thành phần bổ sung.


Monday, May 30, 2016

Chia sẻ trên mạng để làm gì?

Giữa tháng 5/2016, em Huỳnh Thành Phát ở Sài gòn bị bắt về đồn công an do xuống đường cùng nhiều người khác để yêu cầu chính phủ Việt Nam phải sớm tìm ra lý do vì sao cá chết hàng loạt ở dọc bờ biển 4 tỉnh miền Trung. Em bị các công an viên tra vấn nhiều giờ liền, với các câu hỏi “động cơ nào khiến quan tâm đến cá chết”. Sau khi tra vấn và không tìm được điều gì sai phạm, công an thả em ra vào đêm khuya. Nhưng vừa ra khỏi đồn, em Phát bị những người to khỏe, mặc thường phục, đeo khẩu trang chận lại, đánh đập dã man. Lúc đó, em Phát chỉ là trẻ vị thành niên.

Cuối tháng 5/2016, anh Phan Anh, một người dẫn chương trình trên truyền hình ở Hà Nội bất ngờ được mời vào buổi tọa đàm, mà trong đó anh bị chất vấn bởi một nhóm người, được dẫn dắt bởi bà Tạ Bích Loan, trong suốt 2 giờ liền (cắt lại chỉ còn 60 phút) để truy vấn rằng “mục đích nào, động cơ nào…” trong việc chia sẻ các thông tin về vụ cá chết mà anh đưa trên facebook của mình. Những câu hỏi mang tính tấn công, diễn dịch sai hiện thực… cũng như thái độ muốn áp đảo anh tại trường quay đã khiến hàng triệu người Việt sững sờ. Sự phản ứng nhanh chóng và dữ dội ngay trong đêm đã thành một áp lực lớn, khiến đài truyền hình VTV phải lấy xuống bản phát trên youtube. Khác với trường hợp của em Huỳnh Thành Phát, cuộc đánh nguội vào Phan Anh đã hoàn toàn thất bại.

Có cái gì đó khá giống nhau trong 2 trường hợp điển hình nêu trên. Bởi thủ pháp và lý luận của phía những người đứng về phía chính quyền – từ hành chánh công quyền đến giải trí tuyên truyền – đều tương đồng.

Câu hỏi “mục đích gì, động cơ nào…” cũng không xa lạ gì với tôi. Từ những bài viết đầu tiên về hiện thực xã hội, tôi đã nhiều lần phải làm việc với những người luôn lặp đi lặp lại câu hỏi đó. Nhận thức trở thành một loại tội danh đối với những ai không chọn ăn đong khẩu phần thực tế trên đất nước này.

Nhưng đó là thủ pháp đặc biệt của phía an ninh văn hóa. Giờ thì tôi thấy thủ pháp đó đã phổ thông ở khắp nơi, leo lên đến tận truyền hình với những nụ cười giả văn minh. Không biết động cơ nào đã khiến một lớp người nói trên luôn biết cách né tránh gọi tên đúng những kẻ luôn gây sai lầm và khổ nạn với tổ quốc – dân tộc, nhưng rất giỏi học đòi thủ pháp của công an để truy vấn người dân mình.

Xã hội Việt đang suy đồi với một lớp người như vậy. Họ luôn tin rằng bất kỳ ai có ý thức về hiện thực, ai nói và tin vào sự thật, khác với những điều mê mị mà truyền thông nhà nước gieo rắc, đều là kẻ thù của họ. Dựa vào quyền lợi và sự bình an tạm thời mà họ đang hưởng thụ, tất cả những người quan tâm đến vận mệnh đất nước, đến đồng bào… đều là kẻ âm mưu lật đổ sự tận hưởng máng ăn mỗi ngày trong trang trại.

Từ câu chuyện của em Huỳnh Thành Phát đến anh Phan Anh, cho thấy tư duy và hành động của phía một phía vẫn không đổi, nhưng nhận thức và ý thức của phía nhân dân đã vùn vụt đổi thay. Chuyện của em Huỳnh Thànn Phát chỉ có hàng trăm lượt share, hàng ngàn like nhưng đến chuyện của Phan Anh đã là hàng ngàn lượt share, hàng chục ngàn like. Vấn đề không phải là Phan Anh nổi tiếng hơn, mà vấn đề ở chỗ cấp số nhân của thái độ đó, cùng một ý nghĩa là phẫn nộ cho sự thật.

“Chia sẻ trên mạng để làm gì?” – câu hỏi là chương trình 60 phút mở của VTV dàn dựng rất công phu về chuyện thảm họa cá chết đã không có được lời đáp, thì hôm nay, mạng xã hội đã giúp trả lời thay: để vùng đứng dậy, để biết mình còn mang giá trị một con người.

“Thoạt đầu họ, phớt lờ bạn, sau đó chế giễu bạn. Rồi họ chuyển sang tấn công bạn. Cuối cùng thì bạn chiến thắng”, Mahatma Mohandas Gandhi (1869-1948), nhà lãnh đạo tranh đấu dân quyền lừng danh của Ấn Độ đã để lại di huấn như vậy về những cuộc đối đầu giữa sự thật và xảo biện, giữa con người tự do và công dân chuồng trại.

Thoạt đầu những kẻ xảo biện trung thành phớt lờ em Phát hay Phan Anh vì cho rằng điều của Phát hay Phan Anh suy nghĩ là thiểu số. Đến khi nhận ra sức mạnh của suy nghĩ đó, thì họ chọn cách diễu cợt vô căn “nhận tiền của thế lực xấu”, “muốn làm người nổi tiếng”… để nhằm dập tắt. Rồi khi ngay cả những lời diễu cợt ấu trĩ đó thất bại, họ lại tổ chức tấn công. Em Phát bị đánh đập đến thâm tím mặt mày, Phan Anh bị đưa vào đấu trường Đỏ. Và cuối cùng thì những con người có suy nghĩ độc lập và chân chính lại chiến thắng. Họ làm cho giòng dõi Việt Nam ngập tràn sự tự hào và mạnh mẽ, rằng thành phần nặc nô trộn lẫn trong dân tộc này chỉ là số ít đáng thương hại mà thôi.

Đã 2 tháng, kể từ khi thảm họa môi trường phát đi từ Vũng Áng, Hà Tĩnh. Hàng trăm tấn cá chết, tài nguyên, con người bị thiệt hại. Những người có trách nhiệm đã cố tình im lặng, thậm chí chọn cách đối đầu với nhân dân để kéo dài thời gian, bịt chặt thông tin. Giữa việc mở rộng cửa sự kiện, thúc đẩy các biện pháp khoa học để tìm ra nguyên nhân, thì họ chọn cách bít lối, lùa dân xuống biển, ăn cá như một tập tục hoang dã nhằm chứng minh sự tồn tại của chính quyền. Hành động này nhắc cho người ta nhớ lại hành động của nhà lãnh đạo Cộng sản Nam Tư Slobodan Millosevic khi ông xua dân bắt buộc phải qua lại cây cầu mà NATO đã thông báo trước sẽ đánh sập, nhằm triệt hạ sử dụng quân sự bừa bãi của ông Millosevic vào năm 1999.

Tại sao một thảm họa quốc gia lại được bưng bít đến mức, khiến nhân dân bị hăm dọa, vây hãm, đánh đập, gán án tù… chỉ vì muốn biết điều gì đang xảy ra trên đất nước mình? 60 phút mở ấy, lại đóng sập những câu hỏi chính cần có, quay lưng một cách nhục nhã với tình trạng của đất nước.

Một Gạc Ma khác trên đất liền đang diễn ra. Hàng hàng tấn cá chết tràn bờ, những thợ lặn thoi thóp và những ngư dân nhiễm độc và khốn cùng đường sinh sống, đang bị bức tử một lần nữa bởi truyền thông nhà nước và các kiểu công dân máng ăn. Gạc Ma ở tọa độ 9°43’9″N -114°16’57″E thì người Việt bị thảm sát bởi giặc xâm lược Trung Quốc. Còn chương trình 60 phút mở lại cho thấy một Gạc Ma khác chạy dài dọc bờ biển miền Trung. Cuộc thảm sát tài nguyên và tương lai con người Việt Nam đang công khai diễn ra bởi những kẻ nhân diện thú tâm, có cùng tiếng nói và dòng máu Lạc Hồng.

Rất nhiều người tức giận đòi phải phản ứng đích danh từng người trong chương trình đấu trường Đỏ với Phan Anh, nhưng thật sự điều đó không cần thiết đâu, thưa các bạn. Tiếng gào rú từ chuồng trại dù lớn bao nhiêu, bộ lông bóng bẩy thế nào vẫn thấp hèn hơn những con người tự do sống giữa đồng xanh và mặt trời sự thật. Điều mà bạn cần ghi nhớ dứt khoát rằng, cột mốc hôm nay, là điểm dừng cuối của hành trình có thể đã dài hơn 41 năm, rằng truyền thông tuyên truyền nhà nước không bao giờ đáng tin cậy cả.

Và hơn nữa, đó là những kẻ phản bội tồi tệ, vì đã sử dụng tiền thuế của nhân dân để chống lại nhân dân.

Wednesday, May 25, 2016

Các nhà hoạt động xã hội bị ngăn cản không cho đến gặp tổng thống Obama *



HANOI, Vietnam — Tổng thống Obama đã giành được những tràng vỗ tay nồng nhiệt vào thứ Ba vừa rồi trước đám đông người Việt, khi lấy ý từ một tài liệu tham khảo về vấn đề các tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc, để nói trong bài phát biểu rằng "nước lớn không nên bắt nạt các nước nhỏ ". Ấy nhưng, trước đó thì nhiều nhà hoạt động xã hội có trong danh sách mời gặp với ông Obama, đã bị ngăn cản để không đến được cuộc họp, mặc dù bài phát biểu của ông Obama cứ nhấn mạnh với Hà Nội về chuyện nhân quyền.

Nhà Trắng đã yêu cầu cuộc họp với nhà hoạt động xã hội, như một cách bắn tín hiệu cho chính quyền Cộng sản Việt Nam hiểu rằng Hoa Kỳ vẫn quan tâm đến chuyện nhân quyền ở quốc gia này. Ông Obama đã dành nhiều thời gian hơn lịch trình của mìnhđể nói chuyện với với sáu nhà lãnh đạo xã hội dân sự Việt Nam tại khách sạn JW Marriott, nhưng Tổng thống nói rằng một số người khác đã bị ngăn cản để không tới được buổi gặp mặt.

"Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận, kinh tế đang phát triển nhanh, internet đang bùng nổ, và có một sự tự tin ngày càng tăng ở đây," ông Obama đã nói vậy khi với một nhóm phóng viên được cho phép vào cuộc họp trong một thời gian ngắn. "Nhưng như tôi đã chỉ ra vào ngày hôm qua, vẫn có những điều đáng lo ngại trong lĩnh vực tự do ngôn luận, tự do hội họp, trách nhiệm tạo ra sự kính trọng mà chính phủ cần có."

Các nhà hoạt động nhân quyền đã chỉ trích ông Obama hôm thứ Hai, một ngày trước đó, về dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đã có từ nhiều thập niên đối với Việt Nam mà chính quyền này không hề có sự nhượng bộ nào về nhân quyền. Hành động ngăn cản những nhà hoạt động xã hội dân sự Việt Nam vào hôm thứ Ba là một chứng minh rất rõ quan điểm của chính quyền Hà Nội này. "Chính quyền Việt Nam đã tự chứng minh rằng họ không xứng đáng với mối quan hệ thắt chặt hơn với Hoa Kỳ ", John Sifton, từ của Human Rights Watch cho biết. "Tạm giữ hoặc ngăn cả giới xã hội dân sự đến cuộc họp với Tổng thống Obama không chỉ là một sự xúc phạm đến cá nhân Tổng thống, mà đó còn là sự sách nhiễu quyền con người, tước bỏ quyền tự do ngôn luận và tự do đi lại."

Các nhà hoạt động bị giam giữ, không cho đến cuộc họp, có cả Nguyễn Quang A, 69 tuổi, một doanh nhân đã tự mình tranh cử vào Quốc hội một ứng cử viên độc lập cho Quốc hội nhưng đã bị chính phủ cố tình loại bỏ.

Ông Nguyễn Quang A đã bị bắt giữ bởi các nhân viên an ninh mặc thường phục, ông kể lại như vậy qua điện thoại. Họ xô ông vào một chiếc xe đậu bên ngoài nhà ông ở Hà Nội lúc 06:30 sáng Thứ ba, tịch thu điện thoại của ông, ngăn không cho ông liên lạc với gia đình của mình, và sau đó đã đưa ông đến 50 miles (hơn 80 km) về phía đông của Hà Nội.

"Tôi đã được đưa đi một tour du lịch", ông Nguyễn Quang A nói. Các nhân viên an ninh từ chối cho biết lý do tại sao họ đã lái xe đư ông đi loanh quanh trong bảy tiếng đồng hồ. "Ông biết biết lý do vì sao chúng ta phải làm điều này mà", những người này chỉ nói vậy.

Phạm Đoan Trang, một blogger nổi tiếng và cũng là nhà báo, người đã bay đến Hà Nội từ Sài Gòn vào thứ Hai, cũng bị ngăn cấm tham dự cuộc gặp với ông Obama. Bà ta đã “biến mất” từ khi hạ cánh tại Hà Nội, ông Phil Robertson, Phó giám đốc bộ phận châu Á của Human Rights Watch, cho biết.

Hà Huy Sơn, một luật sư đặc biệt chuyên về bảo vệ các nhà bất đồng chính kiến trước tòa, cũng bị cầm giữ để không đến được cuộc họp. "Nhân viên an ninh đã gác chận trước cửa tôi ở nhà của tôi trong hai ngày qua," ông nói với hãng tin Agence France-Presse, “Họ nói rằng ông đi đâu cũng được, miễn không đến đại sứ quán Mỹ”. Việc dùng các lực lượng an ninh để cầm giữ các nhà hoạt động đến gặp mặt tổng thống Obama, đã để lộ cho thấy rằng nội bộ của giới lãnh đạo đang có sự chia rẽ từ bên trong. Thật bất thường đối với một chính phủ, thậm chí đang có những báo cáo xấu về nhân quyền, lại cho phép như một cuộc họp mặt như vậy với một tổng thống Mỹ theo dự trù, nhưng sau đó thì bất ngờ ngăn chặn một số khách tham dự.

Benjamin Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia, nói rằng các viên chức tùy tùng của phái đoàn Mỹ đã biết rõ điều này từ đêm hôm thứ Hai, về chuyện rằng chính phủ Việt Nam ngăn cản một số nhà hoạt động tham dự họp mặt với tổng thống Obama, và phía Mỹ cũng đã có lời phản đối.

Tuy nhiên, ông Benjamin Rhodes vẫn bảo vệ quyết định dỡ bỏ cấm vận vũ khí, thậm chí nếu các chính phủ Việt Nam không cải thiện ngay các quyền dân sự được ngay vào lúc này.

"Chúng tôi tin rằng thông qua việc thực hiện bình thường hóa ở Việt Nam, tức là một cách để trao sức mạnh cho nhân dân Việt Nam," ông nói thêm: "Và chúng ta có thể đẩy tiến trình đi tới hiệu quả hơn nhiều bằng mối quan hệ sâu đậm hơn là bằng cách lùi lại". Ông Obama đã có được lợi thế trong bài phát biểu buổi chiều ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia, để nói về việc cải thiện nhân quyền tại Việt Nam.

Khoảng 2.300 thính giả Việt Nam ăn mặc đẹp, ngồi ghế nhung đỏ và hầu hết là được chọn lọc bởi chính phủ, đã cổ vũ ầm ĩ khi ông Obama xuất hiện. Họ cổ vũ một lần nữa khi ông nói: "Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, và không có quốc gia nào có thể áp đặt ý muốn của mình lên các bạn", đây là một ám chỉ của ông Obama đến Trung Quốc, nước đã từng nhiều lần tuyên bố làm chủ vùng biển Đông, dọc theo bờ biển 2.000 dặm của Việt Nam.

Nhưng rồi khán phòng im lặng một cách lạ lùng khi ông Obama đề cập các chủ đề thực thi về nhân quyền.

Ông nói rằng Hoa Kỳ không tìm cách áp đặt hình thức của chính phủ Hoa Kỳ lên Việt Nam, nhưng có một số giá trị vẫn là phổ quát. Đó là các quyền tự do ngôn luận, hội họp và tự do báo chí, và ông biết, các quyền này cũng được ghi nhận trong Hiến pháp của Việt Nam.

"Vì vậy, thực sự, là điều mà tất cả chúng ta, mỗi quốc gia, cố gắng kiên trì để luôn áp dụng những nguyên tắc này," ông Obama nói. "Và cần đảm bảo mọi con người của chúng ta trong chính phủ phải luôn chân thành với những lý tưởng đó." Tổ chức Human Rights Watch ước tính rằng có khoảng 110 chính trị phạm đang bị bỏ tù ở Việt Nam. Trong tháng Ba vừa rồi, ông Nguyễn Hữu Vinh, 60 tuổi, một blogger, cũng đã bị kết án năm năm tù giam vì viết bài đăng trên trên mạng xã hội, do bị coi là chống lại chính phủ.

Vài tuần trước khi ông Obama đến Việt Nam, công an đã bắt giữ những người biểu tình phản đối tình trạng cá chết lan rộng trên bờ biển miền Trung, hàng tấn cá bị trôi dạt vào bờ, gần một nhà máy thép thuộc sở hữu của một công ty ở Đài Loan. Một số người biểu tình đã bị đánh đập. Ông Obama được chào đón nồng nhiệt tại Việt Nam, không những từ một chính phủ đang háo hức kiếm tìm một đồng minh mạnh mẽ để đối đầu với Trung Quốc, mà còn từ các người dân Việt Nam bình thường.

Kết thúc buổi thuyết trình của mình, ông gặp lại người đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain, tiếp tục ghi điểm trong mắt người Việt trong một trận mưa như trút, tiếp nhận sự nhìn ngó vui vẻ của dân chúng.

Ông Obama bước nhanh qua đám đông, bắt tay và nói, "Cảm ơn bạn." Vào buổi chiều, ông Obama bay đến Sài Gòn, nơi hàng chục ngàn người đã xếp hàng trên đường phố và reo hò rạo rực khi ông đi ngang qua.

Kế đó, thì ông Nguyễn Quang A đã được trở về nhà mình. Ở đó, ông cho biết, người con trai 25 tuổi được cảnh sát nói rằng "Chúng tôi phải mang cha của anh đi vì ông định tham dự một cuộc họp với Tổng thống Obama, vì vậy, chúng tôi phải ngăn chặn ông ta."


Gardiner Harris báo cáo từ Hà Nội, và Jane Perlez từ Bắc Kinh.

-------------
Nguyên Không lược dịch từ New York Times
(*) tựa gốc: As Obama Presses Vietnam on Rights, Activists Are Barred From Meeting http://www.nytimes.com/2016/05/25/w...

Saturday, May 21, 2016

Gánh xiếc to trên quê hương nhỏ

https://www.youtube.com/watch?v=G0Hbf2JBI20&feature=youtu.be

Gánh xiếc to trên quê hương nhỏ
Sáng tác & trình bày: Tuấn Khanh

-----------------------------

Ai đem từng trò hề
Đem đến thành thị
Đem đến thôn quê
Ca ca hát hát ê chề

Ai đem từng trò hề
Che khuất đường về
Gieo rắc u mê
Nơi quê hương đã lắm bộn bề

Gánh xiếc to trên quê hương bé nhỏ
Mẹ phải vỗ tay 
Mà cười buồn mắt âu lo
Gánh xiếc to trên quê hương cháy đỏ
Người người hỏi nhau
Thì thầm với đắn đo

Ai đem từng trò hề
Thay những mộ phần
Chôn lấp nhân gian
Cho quê hương nhỏ bé hoang tàn

Sao không đem mộng lành
Trong thế kỷ dài
Mơ tới tương lai
Quên đi bao chia chác tranh giành

Gánh xiếc to trên quê hương bé nhỏ
Người người lặng yên, u uất trong tim
Gánh xiếc to trên quê hương cháy đỏ
Bài học tự do đâu chỉ cơm no

Gánh xiếc to sao không nghe tiếng cười
Tiếng vỗ tay sao như tiếng khóc người
Vuốt mặt nhìn nhau
Bỗng thấy nghẹn lời

Friday, May 20, 2016

Thư cho người bạn trẻ

Tin nhắn từ một người không quen, bất ngờ hiện lên trong hộp thư facebook của tôi. Những dòng chữ không khách sáo của một người trẻ tuổi, có một nội dung thật xao xuyến “Chú ơi, tuần này cháu có nên tiếp tục xuống đường hay không?”. Xuống đường – tức bạn trẻ ấy ngụ ý về những cuộc tuần hành ôn hòa ngày Chủ nhật của hàng ngàn người dân Việt Nam, đòi minh bạch về nguyên do thảm họa môi trường, minh bạch về những kẻ có trách nhiệm luôn có những lời nói loanh quanh, vô nghĩa.

Suy nghĩ đó không phải từ một người, bởi tôi đã nhận được không ít câu hỏi băn khoăn và mạnh mẽ như vậy trong gần một tuần, bất chấp những thủ đoạn mà chính quyền áp dụng với con người trong suốt 3 tuần lễ: đánh đập, bắt cóc, gán tội, vu vạ… Rõ ràng, chọn cách dựng lên thành trì bằng bạo lực, chính quyền sẽ không bao giờ có thể ngủ yên nữa bởi các cơn sóng ngầm ngày càng dâng.

Tôi viết thư này như một cách trả lời chung cho các tin nhắn đó. Và đây chỉ là một tâm tình để suy gẫm và chọn lựa, bởi tôi không thể đưa một lời khuyên xác đáng nào trong một bối cảnh đang có quá nhiều dữ kiện dồn dập thay đổi, bao gồm cả sự nôn nao hành động – bất chấp của các bạn trẻ.

Khi tôi viết những dòng chữ này, trên các trang mạng đã có những lời kêu gọi xuống đường ngày 22/5/2016. Nội dung vẫn như 3 tuần trước với một khí thế rất cao, bởi được hưởng ứng từ nhiều thanh phần, kể cả những người đang căm giận vì trở thành nạn nhân của chính quyền, với nhiều kiểu. Một trong những lý do mà nhiều bạn trẻ nhắm đến cho cuộc tuần hành mới, có ý nhằm đánh động tình trạng của Việt Nam theo chiều ngoại giao, với sự có mặt của tổng thống Mỹ Barrack Obama tại Hà Nội và Sài Gòn.

Nhưng tôi nghĩ, tuần lễ này sẽ là một sự bất lợi cho bất kỳ khẩu hiệu nào đòi đối thoại giữa người dân và chính quyền. Nhân danh bảo vệ cho yếu nhân của một cường quốc đến thăm Việt Nam, mọi việc trấn áp sẽ được áp dụng mạnh tay hơn bao giờ hết. Thậm chí, việc trà trộn những kẻ bạo động để làm mất uy tín người biểu tình, tạo thế cho việc trấn áp có thể diễn ra.

Hãy dành tinh thần và sức lực, trí thông minh của các bạn cho việc chào đón một nguyên thủ quốc gia đến Việt Nam, mà câu chuyện về nhân quyền sẽ là một trong những điều được ông ta đề cập. Bản thân của ông Barack Obama cũng không muốn đến nơi mà mọi lý do bất an được đưa ra từ chính quyền sở tại, để ông không có được cuộc tiếp xúc nào.

Tháng 11/2000, khi chuyến xe của TT Bill Clinton đến Sài Gòn, hàng ngàn người đã đứng hai bên đường để chào đón ông. Khi đoàn xe chạy qua ở đoạn đường Nam kỳ khởi nghĩa, các lực lượng canh giữ của chính phủ Việt Nam đã la lên “đừng vỗ tay, không được vỗ tay…” Thế nhưng ngược lại, tiếng vỗ tay lại vang lên rầm rộ đến mức ông bà Tổng thống phải hạ kiếng xe xuống để vẫy chào. Tôi muốn nhắc rằng tiếng vỗ tay đó cũng là một hình thức biểu tình.

Lần đến Việt Nam này, TT Barack Obama có thể sẽ mở ra một chiều thuận lợi với Việt Nam về việc bãi bỏ cấm vận vũ khí sát thương, tức đưa Việt Nam vào thế liên kết tốt hơn để bảo vệ Biển Đông, tách được một bước khỏi quốc gia Cộng sản tồi tệ Trung Quốc. Đây là cơ hội, là hy vọng của bất kỳ ai có lòng với tương lai đất nước mình. Vì vậy hãy chọn lựa cách làm đúng, và tư thế đúng cho thời khắc này.

Hãy để tiếng vỗ tay của mình được cường quốc về nhân quyền và tự do nghe thấy. Hãy để cho họ thấy khát vọng thật sự của người Việt Nam về vận mệnh tổ quốc mình. Hãy tiếp đón TT Barack như cách mà người dân Việt Nam đã tiếp đón Bill Clinton hay George Bush, đồng thời giảm thiểu được những hiểm nguy bất ngờ của chính bạn trước mọi âm mưu.

Sự thông minh của các bạn sẽ giúp đa dạng hóa các hình thái biểu tình, kể cả ngày giờ. Các poster, postcard, thông điệp kèm lời chào mừng gửi vào Tổng lãnh sự, Đại sứ quán, các thư ngỏ thu thập chữ ký, hình ảnh và sự kiện, các bản tuyên bố chung… vào lúc này đều có giá trị không khác gì các cuộc tuần hành. Số lượng các phóng viên, hãng tin quốc tế có mặt tại Việt Nam vào lúc này khao khát mọi sự diễn đạt từ dân chúng. Và đừng quên, không sức mạnh nào bằng sự diễn đạt ôn hòa.

Hãy tự mình chọn lựa, và hãy hy vọng vào tương lai tốt đẹp nhất của đất nước và dân tộc mình. Lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng biết uyển chuyển trước thời cuộc và bất bạo động luôn là phương thức tốt nhất để những người cầm quyền phải nhận ra khát vọng cao cả của nhân dân, là con đường để thay đổi mọi thứ tốt nhất cho quê hương mình.

Tôi gửi niềm tin vào các bạn.

Tuesday, May 10, 2016

Tường trình từ thánh phố bị bao vây



Trong nhiều ngày, thành phố bị bao vây rất đỗi ngặt nghèo. Bất kỳ ai cùng đều có thể nhìn thấy điều đó, theo bước chân của người xuống đường hay chỉ nhìn lén qua khung cửa sổ với những lời thì thào.

Rõ là thành phố bị bao vây. Những hàng rào thép gai được cài chặt kiên cố vào khung sắt rực đỏ dựng lên ở nhiều lối đi. Phối cảnh có khi là tháp nhà thờ cổ hay một kiến trúc có hơn trăm năm, khiến người ta nhớ đến một cuộc tấn công nào đó vào thời Trung cổ của các đoàn quân tàn bạo Vikings đến từ Bắc Âu, mục đích để bảo vệ thịnh vượng của mình bằng cướp phá và huỷ diệt kẻ khác.

Suốt trong nhiều ngày, không chỉ Sài Gòn mà nhiều thành phố khác cũng bị bao vây. Người dân bị giam hãm trong sự sợ hãi về môi trường sống của mình đột nhiên chuyển màu u ám. Hàng hàng lớp lớp sinh vật thiên nhiên chết gục trên bờ biển. Cảnh tượng như sấm truyền về ngày tận thế. Biển trở thành cửa địa ngục. Những thợ lặn nhoi người lên mặt nước, thở gấp và qua đời không nói kịp lời ai oán.

Suốt trong nhiều ngày, nhiều thành phố bị cầm giữ trong bí mật về cái chết mà tất cả vua quan đều lánh mặt. Bọn tôi tớ nói vài lời qua loa với đám đông đang xanh xao vì lo sợ. Bọn tôi tớ ấy chạy vội về nhận bữa ăn riêng đặc cách: sạch sẽ và an toàn như đã hứa để trả công cho sự dối trá.

Suốt trong nhiều ngày, thành phố thì thầm về những khu ghetto mới lập. Có thể đó là một sân vận động, nhưng cũng có thể là một văn phòng của cơ quan địa phương. Tất cả những nơi đó đều có một điểm chung: những loài súc sinh có gương mặt người được trao hiến pháp mới về quyền cắn xé bất cứ những ai có một linh hồn.

Thời đại của thành phố với những tấm bảng tuyên truyền về đạo đức Hồ Chí Minh, là những background ngập màu sắc, tạo nên một bức tranh hùng vĩ ghi lại từng gương mặt những người Việt yêu con cá, yêu giọt nước biển và yêu một tương lai không mù mờ u ám. Họ bị bao vây, đánh đập, chà đạp. Trẻ nhỏ bị giật tóc lôi trên đường. Những thanh niên bị đấm, bị xịt hơi cay mà khi chưa hề có ý định kháng cự. Những phụ nữ bị sờ soạng và đạp vào đầu. Máu. Internet như một loại truyền hình vĩnh cửu với các buối chiếu không dứt miễn phí cho vợ con, cha mẹ… của những bọn khát máu đánh người. Họ im lặng ngồi xem, có thể xem trong bữa ăn tối, với phần ăn là một con cá vô định.

Thành phố bị bao vây không chừa ngày nào. Mọi ngôi nhà bị đánh dấu như số phận của Moses. Mọi bà tổ trưởng trở thành kẻ cướp rình mò tự do của hàng xóm. Số phận con người nhỏ nhoi như ngọn cỏ. Đức Phật ở Sài Gòn không còn ngăn nổi một cuộc chiến nhằm vào con người, mà Ajàtasattu mê đắm cưỡng đoạt Vajji, trong suy nghĩ chỉ còn nụ cười xã hội chủ nghĩa.

Thành phố không chỉ bị bao vây bởi những kẻ muốn dẫm lên đồng loại để giới thiệu mình, mà còn bị bao vây bởi những đoàn diễu hành quanh thành phố với những cái lưỡi nhọn. Nhà thơ Zbigniew Herbert có nhắc tôi rằng đó là những cái lưỡi được mài nhọn, chực chờ để dùng hiến tế đồng loại. Những trái tim dám mơ về tương lai hay dám bật ra điều mình nghĩ có thể bị treo lên trong nhiều tuần, chết khô với hoài bão.

Thành phố bị vây chặt trong ngày của Mẹ. Một ngày của mẹ đẫm máu đáng nhớ trong ký ức của những người yêu tự do. Những người đàn bà bị chà đạp trong tiếng reo hò của nắm đấm và của đoàn diễu hành lưỡi nhọn: những kẻ hèn nhát và đê tiện luôn cầm loa nói át đi sự thật, nhưng không bao giờ dám tự cật vấn về cuộc đời sâu bọ mà họ đang mang là loại sự thật gì.

Những loại đê tiện và hèn nhát đó, có thể là một kẻ nghe hóng và lập tức nói để khoe khoang sự phân tích khôn ngoan của mình, có thể là một tên chủ báo đêm đêm che mặt vào nhà thổ nhưng thích nói giọng đạo đức. Tất cả gào thét và cùng che giấu một sự thật, như là một người phụ nữ bị đánh đập trên đường phố Công xã Paris cùng con của mình. Mọi giọng hò hét bạo dâm đều lạc đi vì phấn khích do an toàn ngồi trước máy tính, chưa bao giờ dám đặt chân xuống vỉa hè để phỏng vấn một con cá, nhưng lại mừng rỡ vì mình được sơn màu công lý của kẻ mạnh.

Tôi nhớ Wislawa Szymborska, bà viết và để lại trong cuộc đời đã sống và chiêm nghiệm, về giống loài suy đồi, qua các triều đại cộng sản:

Không có gì đồi trụy hơn là suy tưởng.

Cái thứ phóng túng này tràn lan như một giống cỏ dại

mà gió đem lại trên một mảnh đất dành cho hoa cúc.


Không có gì là thiêng liêng đối với bọn người suy tưởng.

Trâng tráo gọi mọi sự bằng tên,
những phân tích bạt mạng,
những tổng hợp sỗ sàng,
theo đuổi như điên cuồng và phóng đãng
những sự kiện trần truồng,
mân mê thật bẩn thỉu những chủ đề dễ kích ứng.


Tôi viết vội bản tường trình về thành phố bị bao vây, mọi thứ được bỏ vào một cái chai, thả vào tương lai. Tôi gửi đi với niềm hy vọng chưa bao giờ mạnh mẽ hơn lúc này. Vì lẽ, cùng tiếng loa công cộng vờ điềm tĩnh kêu gọi trật tự để che giấu cho bạo lực phi nhân được kích hoạt, tôi nhận thấy những tiếng hát vang – đã ngày càng lớn – của những con người công chính về một ngày mới sẽ đến tốt đẹp hơn.

Tôi có gửi thêm trong chai một câu chuyện cổ xưa của người Ấn Độ. Câu chuyện kể về những ngày tháng thế gian dị động. Ngày tháng có rất nhiều dạng súc sinh mang hình dáng người, trà trộn vào trần thế để tung hoành nhưng chúng sớm bị phát hiện, bởi vẫn còn nguyên vẹn trái tim loài súc sinh. Tôi muốn nói rằng chúng tôi – thế hệ chúng tôi, có cả những người rất trẻ – đã từng kiêu hãnh vì thật sự là con người trọn vẹn nơi thành phố đó.


——————–
Các bản dịch thơ, do Diễm Châu, Hoàng Ngọc Biên, NXB Trình Bầy.

Thursday, May 5, 2016

Lặng nghe thời gian đã mất

Saigon, Tháng 5/1975
Buổi chiều tháng Tư, nhạc sĩ Bảo Chấn ngó mông lung ra con đường, chép miệng: “mới còn hẹn nhau ngồi cà phê, vậy mà chưa gặp, ảnh đã đi”.
Đó là khi ông hay tin nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 rời bỏ cuộc chơi trần gian. Tin loan đi, gõ cửa nhà từng người quen, như nhắc vòng quay của vũ trụ vừa điểm, vừa xướng tên một người. Sớm mai chớp mắt, bất ngờ thời gian sững lại, báo tin rằng giọng nói ấy, ngón đàn ấy nay đã là thiên thu.
Đã hơn 40 năm, kể từ cuộc hợp tan định mệnh của hàng triệu người. Rất nhiều danh tài văn nghệ của Việt Nam đã ra đi. Nhà văn Thận Nhiên một buổi sáng ngồi nghe lại tiếng hát Duy Quang, bỗng giật mình kêu lên “ôi, có phải chúng ta đang sống với những người đã khuất. Âm nhạc, văn chương… rất nhiều thứ chung quanh chúng ta chỉ là những ký ức dội về”. Nghĩ cũng lạ lùng thật. Mới đây thôi, tiếng đàn của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 còn vang trong chương trình riêng trên truyền hình, tiếng thở dài của ông về một nền văn nghệ thiếu chiều sâu đang còn gây tranh cãi, đột ngột giờ chỉ còn là kỷ niệm.
Giới văn nghệ hay ngồi lại với nhau, nói đùa rằng nếu có một thế giới khác để đến, nơi đó các gương mặt sáng chói của Việt Nam đang tập hợp đông đủ và vui vầy biết bao nhiêu. Trần gian hơn 40 năm, nơi hàng ghế đợi của nhà ga chờ những chuyến đi cuối của đời, mỗi ngày lại càng vắng thưa người, nhạt nhẽo hơn, cô đơn hơn. Có khi nào bạn tự hỏi nơi ấy neverland – vùng miên viễn – nơi có đủ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Văn Cao, Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Hoàng Thi Thơ, Y Vân, Duy Khánh, Ngọc Lan, Duy Quang, Trần Thiện Thanh… họ đang làm gì? Ca hát, hay vẫn còn tiếc nuối cho những gì chưa làm được?
Vài năm trước, quán cà phê nhỏ trên đường Trần Quý Cáp (cũ), quận 3, nơi vẫn hay tề tựu những người quen thuộc như nhạc sĩ Hoàng Trang, Thanh Sơn, Mặc Thế Nhân, Hàn Châu, Tòng Sơn… nơi đó các cuộc chuyện trò luôn rôm rả về thời trai trẻ yêu đương và các ngã đường định mệnh lúc khói súng còn khét nồng trên quê hương. Những mái tóc bạc kề nhau, như vẫn còn đầy những khao khát. Ấy vậy mà nhanh quá. Từng người ra đi. Như những giòng sông nhỏ im lặng chảy dần về quy lộ.
Một ngày chợt vắng nhạc sĩ Thanh Sơn, rồi một ngày vắng cả nhạc sĩ Hoàng Trang. Chiếc bàn quen đột nhiên lặng lẽ, thưa dần. Những người quen ngại đến hơn vì sợ nhắc lại những khoảnh khắc còn nhìn nhau ngỡ như mới hôm qua ấy. Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân gọi điện cho bạn bè, thở dài mỗi khi nghe tin nghe ai đó ra đi “lại thêm một người bỏ cuộc ha, không biết chừng nào tới tui”. Vuốt mái tóc bạc bồng bềnh, tác giả của Cho vừa lòng em, Tương tư 4… nhìn đăm chiêu vào ánh nắng hoàng hôn. Khó mà biết rằng ông đang phân vân tiếc nuối nơi chốn này hay mơ về một nơi sẽ đến, như câu thơ của Bùi Giáng.
Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại 
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu 
Có lần, sau khi dự đám tang của nhạc sĩ Hoàng Trang về, gia đình của ông gọi vào điện thoại, nói sao tôi viết vào sổ tang nghe sợ quá. Nội dung đó là vầy :”Hẹn chú bữa khác cà phê nhé, giữ trước giùm con một chỗ”. Hiền thê của nhạc sĩ Hoàng Trang nói bà lạnh sống lưng khi đọc lại, và nói tôi có muốn bà bỏ trang viết đó không. Tôi cười, sợ gì nữa, chúng ta? Thật ra, sớm hay muộn gì thì chúng ta, kẻ xấu người tốt gì rồi cũng về đến điểm hẹn. Hẹn với nhau trước để không phải lạc lối nhìn mặt những kẻ tệ hại lúc sinh thời, có phải là sẽ vui hơn? 
Sau năm 1975, đất nước được gọi là liền một dãi, nhưng những con người văn nghệ ở hai đầu nước Việt đứng nhìn nhau rất bỡ ngỡ, lạ lùng. Chia cắt lâu quá nên để hiểu được nhau, thấu được lòng nhau có khi mất cả hàng thập niên nữa. Với nhiều người từ miền Bắc, không phải dễ dàng nhận ra những câu thơ như trẻ con của Bùi Giáng là tuệ giác. Với nhiều người miền Nam, không phải nhanh mà cảm nhận được sự trằn trọc trong thơ Việt Phương về đồng hồ Liên Xô và mặt trăng Trung Quốc.
Sau năm 1975, không phải nhạc sĩ nào của miền Nam cũng bắt nhịp được lại với nghề nghiệp của mình suôn sẻ. Có những người ngần ngại với thời cuộc, có những người vấp phải những hàng rào ác cảm chính trị của một hệ thống cầm quyền mới… mà thậm chí gần 20 năm sau mới có thể viết ra thêm được một bài hát mới. Lại có những người ra đi tìm tự do, dù không vướng bận điều gì trong tâm cảm, nhưng lại không thể dựng lại nỗi hồn mình. Như trong bài Không tiếng, nhà thơ Mai Thảo từng thở dài.
Sớm ra đi sớm hoa không biết 
Đêm trở về đêm cành không hay 
Vầng trăng đôi lúc tìm ra dấu 
Nơi góc tường in cái bóng gầy. 
Vài năm trước khi ra đi, nhạc sĩ Lê Hựu Hà ngồi ở sân nhà, đàn và hát bài Ngỡ đâu tình đã quên mình, rồi cười nói rằng lâu lắm, ông mới thấy mình như sống lại với âm nhạc. Mất một khoảng thời gian dài, như một người dè dặt đặt chân xuống vùng đất mới, rất nhiều bài hát ông viết nửa chừng, hoặc viết xong cười buồn, vo lại ném đi. “Nghe đâu phải là anh”, nhạc sĩ Lê Hựu Hà nói, trong một buổi chiều nắng rực rỡ ấy.
Một bước ngoặt mới trong đời xuất hiện. Nhiều nhạc sĩ ở miền Nam nói mình sẽ cố gắng “hội nhập” một cuộc sống mới vậy. Họ đã thật sự cố gắng biết bao. Trịnh Công Sơn viết Em ở nông trường, em ra biên giới. Bảo Chấn viết Bài ca chưa viết hết lời. Quốc Dũng thì viết Quê hương, tình yêu, tuổi trẻ. Trần Thiện Thanh viết Chiếc áo Bà ba. Lê Hựu Hà viết Hát về cuộc sống hôm nay và ngày mai… thế nhưng việc nhích lại gần cuộc đời trước mặt, “hội nhập” đã từng rất đỗi nhiêu khê. Họ đến, có người được tạm lưu dung, có người bị xô ra một cách lạnh lùng.
Hơn 40 năm ấy, trong những bước mà con người cố “nhích lại gần nhau”, không phải ai cũng đã đi trọn được đời mình với dăm ba nốt nhạc. Văn nghệ miền Nam bị tước mất linh hồn tự do của mình đã mất nhiều ngày dừng chân trên vỉa hè nghe ngóng. Những ngày tháng ấy bolero còn bị coi là đứa con lạc loài của nhạc Việt, những quy luật không có văn bản chỉ cho phép 30% bài hát trước 75, và 70% bài hát thì phải là sáng tác mới. Nhân thân thì phải “cơ bản và rõ ràng” khi nộp đơn duyệt xin phát hành một CD. “Âm nhạc thôi mà”, nhạc sĩ Thanh Sơn từng lắc đầu, mệt mỏi nói, trong lúc sinh thời, những lúc nối lại sự nghiệp. Xấp bài hát mới của ông từng bị Phó Giám đốc Sở VHTT vứt qua một bên, xẳng giọng “sao cứ dùng lại bài vở của những loại người như vầy”. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì ngồi dưới gốc cây lớn ở sân Hội Âm nhạc TP, cứ trầm ngâm khi biết nguyện vọng tái bản toàn bộ Ca khúc Da vàng nhưng không được phản hồi, dù qua hai đời Bộ trưởng Văn hóa.
Cuộc sống rồi dần dần mở ra. Bất chấp những kẻ có quyền cứ cố đóng lại. Thời cuộc rồi cũng thay đổi, dù chậm chạp. Và những điều khó tin lại đến. Bolero giờ đây xuất trên cả trên sóng truyền hình toàn quốc. Phạm Duy hay Khánh Ly đã trở về và hát những bài trong tâm tưởng của người yêu nhạc. Mất non nửa thế kỷ, nhưng dẫu sao, có còn hơn không – có còn hơn không, Nguyễn Tất Nhiên từng mơ hồ tiên tri.
Người Đức có câu nói rất hay “Mỗi người già là một thư viện”. Khi một người già ra đi. Chúng ta lại mất một thư viện, mất một không gian vĩ đại bí mật, nếu chúng ta không được trao quyền thừa kế.
Hơn 40 năm, con người mãi miết chạy lại gần nhau, bất chấp chính trị, bất chấp rào cản về kẻ thắng người thua. Cuộc chạy khôn cùng và nhọc nhằn để nắm lấy bàn tay nhau, như để hoàn thiện bức tranh đất nước đã liền một dãi, im tiếng súng nhưng chưa bao giờ thật sự hoà bình. Nhiều thư viện quý giá của âm nhạc, văn chương… của nền văn hoá vàng son miền Nam vẫn phải đóng cửa, ngậm ngùi. Nhiều thư viện khép lại mà không có di cảo nào gửi lại được cho hậu thế.
Sau khi nhạc sĩ Nguyễn Anh 9 vẫy tay chào và lên chuyến tàu đi về phía neverland. Mọi thứ trống trãi nhắc chúng ta đã mất thật nhiều thời gian của nhau để hàn gắn vô vọng, để có thể cùng vinh danh những tinh hoa Việt bất phân đỏ vàng trên đất nước này. Thời gian thinh lặng với những tàng thư cô đơn một cách đáng buồn. Những tàng thư bị bao vây, giam cầm bởi tư duy cộng sản chiến thắng. Ký ức của thời hòa bình, sao vẫn đầy mất mát.
À không, trước khi ra đi, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 có để lại lời nhắc. Rằng cuộc sống hôm nay âm nhạc đang nhạt nhẽo dần. Một nền văn nghệ người Việt đang hời hợt và sẽ dễ bị lãng quên. Một nền văn minh thế kỷ 20 của người Việt bị bóp, nặn thành quảng trường phục vụ tuyên truyền tư tưởng cộng sản. Lời nhắc để chúng ta không quá muộn màng và nhận ra khoảng trống vô cùng ấy. Những thư viện quý giá xưa cũ đã đóng cửa. Nhưng các thư viện mới thì chưa có, hoặc chỉ chứa toàn điều vô bổ. Non nửa thế kỷ, người Việt có còn dịp dừng lại để chiêm nghiệm về những gì đã mất, lặng nghe về một thời đã mất?

Một buổi cải tạo tư tưởng - học tập với cán bộ cách mạng, tháng 5/1976

Wednesday, May 4, 2016

Trung Quốc phát lệnh xả độc vào biển

Chỉ cần một chút tinh ý, bạn sẽ nhìn thấy đất nước Việt Nam đang lâm vào cuộc bao vây nào, cũng như sự im lặng của nhiều quan chức Việt Nam là hoàn toàn có thể phỏng đoán được vì sao.

Đầu tháng 5/2016, tương tự như người dân ở 4 tỉnh miền Trung việt Nam, những người dân Phi Luật Tân sống ở gần đảo Pag-asa (Thị Tứ), một hòn đảo ở gần vùng biển phía Tây Phi Luật Tân, cho biết họ kinh hoàng nhìn thấy hàng hàng lớp lớp các loài sinh vật biển chết, trôi dạt đầy các bờ. Thủ phạm cũng không khó tìm: chính các tàu cá giả dạng của chính quyền Trung Quốc đã đến gần, đổ hàng tấn hóa chất độc xuống nhằm hủy diệt môi trường, nhằm triệt hạ đường sống của ngư dân ở đây.

Lời tố cáo chính thức, phát đi trên trang Elitereaders, cho biết hành động hủy diệt này của Trung Quốc là có chủ ý rõ ràng. Khi môi trường của khu vực này bị hủy diệt, tức đời sống và nền kinh tế của dân cư chung quanh đó tê liệt và sợ hãi, sẽ khiến họ rời bỏ ngư trường. Đảo và biển sẽ bị bỏ hoang. Sau đó, Trung Quốc sẽ bất ngờ tiến vào kiểm soát, và thiết lập căn cứ quân sự ở đó.

Trung Quốc đẩy mạnh việc xả độc vào các vùng biển mà họ đang tranh chấp hay nhắm tới, nơi mà họ dùng ngư dân hoặc giả dạng ngư dân làm lá chắn để gây hấn. Đặc biệt, chiến dịch xả độc và gây hấn sẽ tăng mạnn trong mùa đi biển của ngư dân các nước.

"Tháng Ba, bà già đi biển", mùa làm ăn Bính Thân 2016 của ngư dân Việt vừa khởi động đã vấp phải sự cố xả độc chất ra biển của Formosa Hà tĩnh, Vũng Áng. Toàn bộ 4 tỉnh miền Trung hoàn toàn tê liệt trước thảm cảnh thủy sinh vật chết tràn ngập các bờ biển. Bên cạnh đó, hàng trăm ngàn tàu cá Trung Quốc ra khơi được trang bị vũ khí là một tín hiệu đe dọa cho bất kỳ tàu cá nào của Việt Nam muốn vượt xa ngoài 20 hải lý - đánh bắt dài ngày - để tìm nguồn cá sạch mang về đất liền. Hàng trăm cây số bờ biển Việt Nam bị cô lập.

Cùng thời điểm mà Formosa Hà Tĩnh bất ngờ đẩy mạnh việc xả hàng tấn độc chất ra biển, cũng là lúc nhiều tàu cá Trung Quốc nhận nhiệm vụ âm thầm xâm nhập sâu bờ biển Việt Nam. Nhiệm vụ của họ không phải là đánh cá. Ngày 8 tháng 4, lực lượng tuần tra biên phòng Quảng Bình chận bắt 6 tàu cá như vậy mà chỉ còn cách cửa Nhật Lệ (TP Đồng Hới) khoảng 19 hải lý về phía Đông, cách cửa Gianh khoảng 24 hải lý về phía Đông Đông Nam. Hồ sơ của biên phòng biển Quảng Bình ghi nhận rằng các ngư dân này bất hợp tác, nhiều phần là tàu trinh sát giả dạng.

6 chiếc tàu nói trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Có thể hình dung rằng ngoài việc Formosa "vô tình" ồ ạt xả độc ra biển vào thời điểm cụ thể, thì những chiếc tàu Trung Quốc như vậy cũng thực hiện nhiệm vụ thả các thùng độc chất dọc bờ biển không khác gì họ đã làm trên đảo Pag-asa mà người Phi Luật Tân báo động. Biển nhiễm độc kéo dài không điểm dừng tạo nên nỗi sợ hãi của người dân Việt, đồng thời gây hoang mang, tạo cớ cho những thành phần thông đồng với Formosa, núp bóng trong chính quyền hiện hành, lên tiếng chạy chữa, hoặc im lặng né tránh cho tội ác của khu tự trị Vũng Áng.

Nhiều ngày sau khi Formosa Hà Tĩnh ngưng xả độc và bất hợp tác với chính quyền sở tại trong việc cung cấp các dữ liệu MSDS (Material Safety Data Sheets), tức các thành tố minh chứng an toàn trong việc xả độc của họ, cá vẫn chết dọc miền Trung. Ngày 1/5, ngư dân vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị cách bờ 20 hải lý cho biết lặn sâu dưới mặt biển 5m vẫn thấy hàng đàn cá lờ đờ nhiễm độc và chết dần. Nước biển thì loang màu đỏ nâu.

Cho đến ngày 4/5 thì nước biển màu đỏ nâu này nổi rõ, xuất hiện dài đến 1,5km ở Bố Trạch Quảng Bình. Dân chúng hoảng sợ, các quan chức thì chết lặng với hiện tượng mới này, không tìm ra cách đối phó. Đồng thời ở Thừa Thiên Huế, cá nuôi nước biển cũng chết dần hàng loạt, bí ẩn. Có phải những thùng độc chất được đục thủng và cho chảy dần, thả dưới lòng biển, tương tự như ở đảo Pag-asa đã bắt đầu có tác dụng?

Ngày 4/5, ông Lê Hữu Phước, Phó Chủ Tịch UBND huyện Hải Lăng, Quảng Trị bàng hoàng trước tình trạng cá chình chết trôi lạ lùng. “Cá chình hết sức khó bắt vì nó sống ở tầng nước sâu, trong kẽ san hô nhưng giờ phải ngoi lên mặt nước là chuyện hết sức lạ thường” – ông Phước nhấn mạnh.

Đến lúc này, mọi chuyện không chỉ nên dừng ở Formosa, mà đó có thể là một nghi vấn về sự liên kết chặt chẽ trong cuộc bao vây đường biển và ngư dân Việt. Một sách lược rất quen thuộc mà ai cũng có thể biết, nếu đã từng tham chiếu phương thức lấn đất, công thành của người Trung Quốc qua các thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc: bỏ độc và bao vây.

Những ngày cá chết rộ lên, độc chất lộ ra... cũng là những ngày mà dân biển Thừa Thiên Huế nói họ nhìn thấy nhiều tàu cá Trung Quốc im lặng xâm nhập sâu. Ngày nước biển Quảng Trị bốc lên mùi hôi thối kỳ lạ, cũng là ngày mà đại tá Hồ Ngọc Hoàng, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết tàu cá Trung Quốc bất ngờ xâm phạm hải phận của tỉnh, chỉ còn cách đảo Cồn Cỏ từ 8-10 hải lý.

Chiến thuật bao vây biển cũng chặt chẽ hơn khi ngư dân Việt muốn thoát khỏi sự cùng quẫn của thảm họa gần bờ, họ đi xa hơn 20 hải lý thì luôn bị rượt đuổi, đâm tàu bởi các nhóm đi biển Trung Quốc, hơn nữa, các nhóm tàu cá Trung quốc hung dữ này giờ lại được phát súng.

Câu chuyện cá chết hôm nay, hoàn toàn khác với 15-20 ngày trước. Bên cạnh thảm họa về môi trường còn là một cảnh báo về an nguy của Việt Nam trước Trung Quốc. Viễn tượng thù trong giặc ngoài đang mỗi lúc một hiện rõ, mà nhân dân là người gánh chịu đau thương. Câu chuyện cá chết, biển nhiễm độc hôm nay chính là giờ phút đòi hỏi các nhà lãnh đạo Việt Nam cần phải chứng minh mạnh mẽ lời thề của mình khi nhậm chức, chứng minh sự dứt khoát chọn lựa thế đứng của mình thuộc về đâu, trước hiện thực đã quá rõ của thời cuộc.

__________________
Ảnh cá chết trên bờ biển quanh đảo Pag-asa (Thị Tứ)