Saturday, December 31, 2016

Thư cho người bạn trẻ: Giấc mơ ngày mới


Nàm 2017 gõ cửa nhà tôi. Gỡ tờ lịch cuối cùng xuống như khép lại căn phòng thời gian đã hết, tôi nhìn thấy ba trăm sáu lăm ngày mới, trắng tinh xếp hàng dài, im lặng nhìn mình. Và như mọi năm, tôi lại tự hỏi với điều rất cũ “những gì sẽ đến, ngày mai, trên đất nước này?”.

Câu hỏi ấy, mỗi năm, tôi - và có lẽ là còn nhiều người khác nữa - vẫn tự hỏi như vậy. Những niềm hy vọng thấp thỏm về ngày mai tốt đẹp hơn trên quê hương luôn âm ỉ trong suy nghĩ. Những ngày mai vô định như nhà thơ Antonio Machado (1875-1939) khi ngồi ở biên giới nước Pháp, từng chiều nhìn qua hàng rào kẽm gai và nghĩ về quê hương Tây Ban Nha của mình. Machado đã qua đời trong niềm hy vọng. Và chúng ta, đôi khi giật mình, vì từng năm như vậy cứ chậm chập trôi qua, khi nhìn lại thì đã gần nửa thế kỷ, gần cạn một đời người, cũng với niềm hy vọng đó.

Mọi lời chúc và hy vọng cho năm mới vẫn như vậy. Tràn ngập trên facebook và điện thoại của tôi là những tin nhắn mừng năm mới. Năm thì mới nhưng nội dung thì không mới: vẫn là hạnh phúc, thịnh vượng…  Con người ngàn đời luôn khắc khoải mang giấc mơ về ấm no và bình yên. Nhưng hy vọng đó cũng là một loại ảo ảnh đáng sợ, nó lôi dắt con người chạy mệt nhoài về phía trước.

Ở các quốc gia độc tài, khái niệm hạnh phúc và bình yên được dùng như một loại ecstasy ảo giác toàn dân. Các nhà lãnh đạo quen lối mị dân vẫn hàng ngày cất lên những bài hát ru về hạnh phúc và bình yên ấy để mê mị đám đông, để họ tiện tay đục khoét đất nước và đặt ra những luật lệ trói buộc con người, để bảo toàn sự thống trị thô bỉ của họ.

Tôi và bạn, chúng ta may mắn sinh ra trong lòng một dân tộc truyền đời dạy cho nhau về yêu thương, về chia sẻ. Chúng ta được học rằng người Việt sẽ vượt qua mọi thứ khi đoàn kết cùng nhau, cũng như thề chết để gìn giữ quê hương và giá trị của tổ tiên để lại.

Nhưng rồi tôi và bạn chứng kiến rằng dân tộc này khi đã thống nhất địa lý trong thời hiện đại, bị áp đặt lòng căm thù với chính anh em của mình. Chúng ta chứng kiến rằng có một lớp người của giai cấp thống trị đang chia chác nhau tài nguyên của đất nước này, phó mặc nhân dân và tương lai vào nợ nần và cùng cực.

Chúng ta cũng sửng sốt khi nhận ra rằng nước Việt bị những người cầm quyền nhân danh, tuyên bố đoàn kết với kẻ thù, xóa bỏ lịch sử hôm qua đầy máu của các cuộc xâm lược từ phía Bắc, cũng như lịch sử hôm nay biển và xác ngư dân là những câu chuyện đang bị nhấn chìm. Dân tộc chúng ta với Trần Bình Trọng, như Nguyễn Trung Trực, như Nguyễn Thái Học…  đã thề chết cho quê hương mình, nhưng hôm nay, thì một câu nói của chân thành về bọn ngoại xâm cũng có thể đổi lại bằng đày đọa và bất an.

Những ngày tháng hôm qua như vậy đó, liệu chúng ta có nên mang một ước nguyện và hy vọng cho ngày mới rằng mọi thứ cần phải được đổi thay? Tôi đang mơ cho đất nước này và dân tộc mình trước những ngày như vậy, còn bạn?

Trong một chuyến đi với xe ôm Grab, tôi nghe người bạn trẻ kể rằng anh cũng có facebook, nhưng trước đây chỉ dám vào nghe, nhìn, đọc. Bấm một dấu like hay bình luận, anh cũng không dám. Anh thú nhận rằng anh rất sợ. Nhưng rồi gần đây, khi đọc về những câu chuyện về dân lành bị đánh chết trong đồn hỏi cung, do chính báo nhà nước đưa tin, khiến anh cũng đã không dằn được và góp lời bình luận.

Nửa thế kỷ trước, chúng ta đầy sợ hãi, nhưng hôm nay chúng ta có thêm những điều mới mẻ: đứng về phía lẽ phải và đám đông đang ngóng về tương lai, con người đã biết cách vượt qua sợ hãi. Tôi tin trong năm mới này, người thanh niên chạy xe ôm đó chắc cũng mơ một giấc mơ giống tôi, dù đó là một giấc mơ thầm lặng.

Một cô gái nhỏ nhiều năm sống ở Canada, về thăm nhà, kể rằng điều cô làm có ý nghĩa nhất, là đi mua cho ba một chiếc smartphone mới, lập facebook và hướng dẫn cho ba mình vào xem tin tức tự do, chỉ các trang cần theo dõi nhưng không quên dặn ba rằng nhớ đừng bấm nút gì hay bình luận lời nào. Nhưng tôi không tin rằng ông chỉ im lặng, bởi ngày thường, ông là một trí thức và luôn đau đáu về tương lai đất nước mình. Rồi chắc chắn rằng, ông cũng đang mơ một giấc mơ giống như tôi.

Chủ nghĩa Phát xít và Cộng sản Châu Âu từng có sách giáo khoa về cai trị giống nhau, rằng cứ nói dối, mãi rồi cũng sẽ thành một loại sự thật. Những con người sống quen im lặng, vì sợ hãi hay vì tự nhủ rằng nói ra chẳng để làm gì – nhưng đừng bao giờ quên nuôi hy vọng và giấc mơ.  Vì đó chính là khắc tinh của bài học cai trị. Một người nuôi giấc mơ thì nhỏ, nhưng một ngàn người nuôi giấc mơ thì lớn, và khi một dân tộc nuôi giấc mơ thì đó là sức mạnh thay đổi vận mệnh cho tất cả.

Truyền thuyết của nhân loại vẫn còn đó câu chuyện về đoàn người nô lệ và không tương lai, nuôi giấc mơ của mình nên đã cùng nhà tiên tri Moses bước qua dòng sông dữ và về đến vùng đất hứa. Và cùng với ước mơ và hy vọng, mà dân tộc Việt Nam đã từng vượt qua ngàn năm đô hộ, trăm năm thực dân.

Tôi nghe thấy năm mới gõ cửa. Thời khắc của đổi thay như đang đến, bạn có nghe không? Tôi mời bạn cùng tôi ước mơ và hy vọng. Và nếu bạn vẫn còn sợ hãi, thì cứ tạm giữ kín mọi thứ trong trái tim mình, nhưng xin đừng bao giờ vùi chôn, hay lãng quên về một ngày sẽ đến.


--------------------------
Tranh của Lê Thiết Cương

Tuesday, December 27, 2016

2016: Những đại án chưa thể khép



Năm 2016 đã bước qua, những sự kiện lớn lao như lũ lụt, nhân tai thủy điện, thảm họa môi trường Formosa… đã át tất cả mọi thứ, tràn ngập sự quan tâm của dân chúng. Thế nhưng bản ghi nhớ của năm, vẫn còn những câu chuyện về tù đày, oan khiên đang hằn vào con người cần phải được nhắc lại. Đó là những ghi chép về Việt Nam với phần tối đen, vật vã trên hành trình đòi quyền làm người và sự công chính.
Có những số phận treo lơ lửng chờ cái chết, khản giọng kêu oan, và có cả những vụ án tưởng là đã được minh oan, nhưng rồi sự trí trá trong bồi thường. nhận sai của chính quyền từng địa phương khiến họ lại tiếp tục trở thành nạn nhân. 2016 khép lại, nhưng những câu chuyện như vậy vẫn còn tiếp diễn.
Những đại án này, nhắc cho chúng ta nhớ, rằng vài vụ án được đưa ra ánh sáng, chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, rằng đâu đó trong các nhà lao, việc đánh đập bức cung, nhục hình vẫn tiếp diễn và vẫn có những con người đang đau đớn gào thét đòi công lý trong lằn ranh của sự sống và cái chết.


Huỳnh Văn Nén
Là vụ án tốn nhiều giấy mực của báo chí, và chấn động dư luận. Ông Nén là người duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan. Gần 17 năm ngồi tù, cuối năm 2015, ông được minh oan và trả tự do. Trước tòa, ông Nén khai là đã bị điều tra viên Cao Văn Hùng bức cung tra khảo, nhục hình để ép nhận tội. Theo luật sư Phạm Công Út, sau khi ra tù, kết quả giám định tâm thần từ Bệnh viện tâm thần Trung Ương 2 (Đồng Nai) cho thấy ông Huỳnh Văn Nén bị rối loạn cảm xúc không biệt định 21%. Cùng với các tổn thương về gan, mắt... thì tổng tổn thương trên cơ thể ông Nén được xác định 63%.  Mất tất cả, kể cả sức lao động, nên Luật sư yêu cầu bồi thường 18 tỉ đồng. Nhưng Tòa án Tỉnh Bình Thuận nói chỉ bồi thường 2,6 tỉ đồng với lý do ông Nén phải cung cấp đủ các hóa đơn, chứng minh thiệt hại.


Hàn Đức Long
Ông Hàn Đức Long từng bị Công an tỉnh Bắc Giang cáo buộc các tội danh giết người, hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em và 4 lần bị tuyên án tử hình. Sau một thời gian dài nỗ lực kêu oan của luật sư, đặc biệt với công sức của luật sư Ngô Ngọc Trai, Ngày 20/12/2016, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang đã tuyên bố trả tự do cho ông Hàn Đức Long sau 11 năm giam giữ với những phần tra khảo, bị buộc phải diễn tập các hành động giết người cho khớp với cáo trạng.  Từ năm 2007 đến năm 2011, qua 4 phiên tòa, ông Hàn Đức Long bị TAND tỉnh Bắc Giang và TAND Tối cao tuyên phạm tội Hiếp dâm trẻ em và Giết người, hình phạt chung là tử hình. Tại phiên xử và trong suốt thời gian bị bắt, ông Long liên tục khóc và kêu oan trước tòa.


Trần Văn Thêm
Ông Trần Văn Thêm, 81 tuổi, chịu án oan tử hình từ hơn 40 năm, đã được nhà chức trách xin lỗi, sau khi ông được minh oan và trả tự do vào ngày 11/8/2016. Khi hồ sơ được giở lại, người ta nhìn thấy các chứng cứ để buộc tội ông Thêm hết sức lỏng lẻo và tùy tiện. Dù bị đánh đập, hành hạ liên tục để ép cung, ông Thêm vẫn thà chết chứ không nhận tội giết người cướp cửa. Câu chuyện này một lần nữa cho thấy nạn lạm quyền, bức cung phổ biến nghiêm trọng của các cơ quan tố tụng. Luật sư Nguyễn Văn Hòa, người đại diện cho ông Thêm đang đòi bồi thường cho ông số tiền hơn 12 tỉ đồng.


Nguyễn Thanh Chấn
Vụ án Nguyễn Thanh Chấn xảy ra giữa tháng 8/2003, khi có một phụ nữ bị hiếp dâm và giết chết. Ông Chấn bị bắt vì bị cho là nghi can và các cuộc điều tra nhanh chóng trong ngục tối bằng roi, gậy và nắm đấm mang lại kết quả là Tòa án tuyên phạt ông Nguyễn Thanh Chấn mức án tù chung thân do giết người “có tính chất côn đồ”. Điều đáng nói, thủ phạm gây ra án oan cho ông Hàn Đức Long và ông Nguyễn Thanh Chấn đều là Kiểm sát viên VKSND tỉnh Bắc Giang, cùng là tên Đặng Thế Vinh. Chính vì “bài bản” chung của Vinh, đã khiến có tình tiết tại tất cả các phiên tòa, cả hai ông Chấn và Long đều một mực kêu oan và tố bị các điều tra viên ép cung, dùng nhục hình để nhận tội và ép làm các việc như viết đơn tự thú, thực nghiệm hiện trường theo ý đồ của điều tra viên. Luật sư Nguyễn Đức Biền, người bào chữa cho ông Chấn nói mức đòi bồi thường mà gia đình đưa ra là 9.3 tỉ đồng.


Nguyễn Văn Chưởng
Vụ án Nguyễn Văn Chưởng là một trong 5 vụ án nghiêm trọng của năm 2015, có dấu hiệu oan sai rõ, mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã từng lên tiếng chất vấn Chánh án Tòa Án Nhân dân Tối cao vào ngày 13/3/2015. Luật sư Hoàng Văn Quánh, người bào chữa cho anh Nguyễn Văn Chưởng (Sinh năm 1983) đã đưa ra chứng cứ rằng khi vụ án giết người xảy ra, Chưởng đang ở nơi cách đó hàng chục cây số. Thế nhưng công an điều tra dựa vào đó, kết luận rằng Chưởng ở xa vì “là người chủ mưu”. Cho đến nay Nguyễn Văn Chưởng vẫn đang kêu oan chống án tử hình, thậm chí viết thư bằng máu gửi đến công luận. Từ trại giam Trần Phú ở Hải Phòng, tử tù Nguyễn Văn Chưởng gửi thư cho mẹ và gia đình, tường thuật lại toàn bộ vụ việc, khẳng định Chưởng đã bị tra tấn, ép cung nên mới phải nhận tội.
“Thế là họ đánh con tới tấp, không để cho con nói được câu nào nữa, họ thôi đánh thì con mới thở được và nói là sao các chú đánh cháu, cháu có làm gì đâu? Và họ nói “Không làm gì thì tao mới đánh chứ làm gì thì đã không bị đánh” và họ lại tiếp tục đánh con tiếp và dùng còng số 8 treo… chỉ có hai đầu ngón chân cái chạm xuống đất…”.
“Khi ở trên trại Kế – Bắc Giang, con đã nghĩ là mình không thể sống được đến lúc ra trước tòa để nói lên toàn bộ sự thật nên con đã thêu lên tất cả quần áo chữ Chưởng VT tức “Chưởng vô tội”. Cả vỏ gối con cũng thêu nữa, còn áo phông trắng con thêu bài thơ kêu oan…”.


Hồ Duy Hải
Là một số phận mong manh trước án tử hình, trước một ngày thi hành án (ngày 4.12.2014) tử tù Hồ Duy Hải (sinh năm 1985) đã được Chủ tịch Nước ký quyết định tạm hoãn thi hành án, để làm rõ những tình tiết có dấu hiệu oan sai mà báo chí đề cập. Tại phiên thảo luận ngày 20.3 về án oan sai, đoàn giám sát của Quốc hội thống nhất khẳng định rằng vụ án Hồ Duy Hải có đủ căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm xem xét lại, cụ thể là mọi chứng cứ kết tội Hải giết người đều là giả, thậm chí dấu vân tay thủ phạm cũng không khớp. Thế nhưng vẫn có một áp lực kỳ lạ nào đó muốn đưa Hồ Duy Hải vào cửa tử. Ngày 1 tháng 6/2016, báo Tuổi Trẻ còn lật lại vụ án này và viết rằng “Sau 18 tháng được tạm hoãn thi hành án tử hình, đến nay vẫn chưa có cơ quan nào trả lời chính thức về số phận của người tử tù này ra sao”. Luật sư Trần Hồng Phong - người bào chữa cho Hồ Duy Hải - cũng khẳng định ông đã gửi đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án bởi nhiều tình tiết bất thường chưa được làm rõ.
Bà Nguyễn Thị Rưỡi - cô Hồ Duy Hải nói rằng: “Dư luận xôn xao rằng, Hồ Duy Hải cháu nhà tôi là chết thay cho con một quan chức hay một đại gia nào đó. Thông tin này được phóng viên báo Nông Thôn Ngày Nay đã nói cho tôi”. Còn Mẹ của Hồ Duy Hải, bà Nguyễn Thị Loan nói những tin tức mà bà biết trong suốt 7 năm đi kêu oan cho con ““Có người viết thư mật cấm các nhà báo không được viết về vụ Hồ Duy Hải.” Bà kể rằng ” Nguyên phó giám đốc Công an Tp.HCM “cũng bức xúc và nói với các nhà báo rằng ‘tử hình dễ thế sao”.




(Tổng hợp tư liệu từ Zing, VnExpress, Đời sống Pháp luật, Infonet, luatkhoa, Lao Động, Tuổi Trẻ…)

Monday, December 12, 2016

Ông Noel không đến


Mùa Giáng sinh năm nay, các bậc phụ huynh ở nhiều quốc gia nói rằng họ lo âu trước việc bọn trẻ ngày càng sớm không tin vào sự có mặt của ông già Noel, một nhân vật đã nuôi trí tưởng tượng của hàng tỷ trẻ em qua bao năm tháng. Ông Noel là nhân vật truyền kỳ vĩ đại trên thế gian này, suốt đời mang sứ mạng tạo niềm vui cho trẻ em mà không cần bất cứ một điều kiện đổi chác nào.
Một cuộc thăm dò của Yougov Poll hồi năm ngoái, cho biết trẻ em thường nhận ra sự thật đáng buồn rằng không hề có ông Noel trên đời, trễ nhất, thường từ tuổi lên 9. Thăm dò của Trung tâm nghiên cứu PEW thì còn ảm đạm hơn, nói rằng giờ đây chỉ còn có 1 trong 5 đứa trẻ (từ 8 tuổi) được hỏi là còn tin vào ông Noel. Điều buồn cười rằng phần lớn trẻ em sau 8 tuổi đểu làm bộ tin vào chuyện ông Noel để làm ba mẹ vui lòng và được nhận quà. Rất nhiều người mẹ hay người bố cũng đoán là con mình không còn tin vào chuyện có ông già Noel nữa, nhưng cả nhà cùng làm bộ như nhau, chỉ để cho vui mà thôi.
Từ nhiều năm nay, giới giáo dục và nghiên cứu tâm lý trẻ em thường khuyên rằng phụ huynh nên tìm cách nói sớm và khéo léo cho bọn trẻ biết về sự thật của chuyện ông già Noel, trễ nhất là vào lúc chúng 9 tuổi. Vì theo các nghiên cứu, đánh lừa trẻ em trong một thời gian quá lâu, đến khi chúng tự biết, sẽ có những trường hợp bị tổn thương tâm lý, ảnh hưởng đến nhiều năm sau trưởng thành.
Vậy đó, cuối cùng thì, sự thật vẫn là điều cần thiết cho một con người, dẫu sống trong sự huyễn hoặc vẫn luôn có một ánh hào quang đẹp đẽ bao phủ.
Con người vẫn luôn dễ tin vào các huyền thoại, để làm mờ đi sự tẻ nhạt hoặc khốn khó thường ngày đang vây hãm mình. Đôi khi, con người tạo nên các huyền thoại, nuôi nấng, như một cơ hội để băng bó các vết thương tinh thần. Liều thuốc giảm đau đó đôi khi để mình tự nuốt lấy, hoặc có lúc thì để một nhóm người, một quốc gia sử dụng để mê mị đám đông, chèo chống qua các cơn đau hiện thực.
Việt Nam một quốc gia Châu Á, nhưng có vẻ cũng thích sử dụng liệu pháp ông già Noel như vậy, thậm chí sử dụng không cần theo mùa.
Có thể đó là một giải pháp của một số người yêu thể thao Việt Nam. Trong những trận túc cầu quốc tế, người ta dễ dàng tìm thấy nhiều người cỗ vũ có thói quen mang theo hình của ông Võ Nguyên Giáp, ông Hồ Chí Minh… mới đây còn có cả Fidel Castro như một biểu ngữ. Những trận tranh tài thể thao đơn thuần luôn bị bóp nặn để đạt đến cực khoái bởi chủ nghĩa dân tộc và tệ sùng bái cá nhân, không khác gì những đứa trẻ luôn tin rằng hình dáng một ông Noel nào đó sẽ mang đến phép lạ đời thường. Tiếc thay, ông già Noel thì không bao giờ đến, và những người Việt như vậy, mãi mãi không thể trưởng thành – và mang vác những vết thương tâm lý suốt đời mình.
Mùa Giáng Sinh năm nay, bà Bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến dạo quanh bệnh viện trên chiếc xe nai, có nói thêm một câu bất hủ “4 bác sĩ ngồi 1 giường có chịu được không?”. Tuyên bố này làm cho người ta nhớ đến 5 năm trước, khi đi nhìn quanh các bệnh viện, bà Tiến cũng nói như một du khách đến Việt Nam “Chưa thấy một quốc gia Đông Nam Á nào, kể cả ở châu Phi mà tình trạng các bệnh viện quá tải như tại Việt Nam”. Suốt 5 năm nay trong triều đại bạc nhược của bà, sự cùng quẫn của ngành y tế Việt Nam vẫn y nguyên, chỉ có đối mới trong các nhận định của bà Tiến như lớp trang trí xanh đỏ trên cây thông. Như một bà già Noel giả trang tệ hại, bà Tiến cũng ghé qua và mùa Giáng Sinh và ban phát những lời có cánh, cho một vài tờ báo tung hô như những đứa trẻ chưa đến tuổi tin vào sự thật.
Cũng như vậy, phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cưỡi xe nai đi quanh mùa Giáng Sinh, ban cho một món quà adrenalin toàn dân, về việc một mai mỗi người dân Việt sẽ có một bác sĩ riêng. Một món quà hứa hẹn như một món nợ mà truyền đời các nhà lãnh đạo Việt Nam chắc không trả nổi, nhất là trong một thế giới đầy những khốn cùng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ xếp Việt Nam đứng ở hàng 160/190 quốc gia trên thế giới về khả năng chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Trong hàng triệu những đứa trẻ không muốn vào sự có mặt của một ông già Noel trên đời, chắc hẳn sẽ có rất nhiều đứa trong số hơn 1 triệu 700 ngàn trẻ em Việt Nam phải cực nhọc mưu sinh bởi đói nghèo là nguyên nhân. Đó là số liệu được ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho biết vào đầu mùa Giáng Sinh này, mà chỉ mới là số ước đoán vì thực tế, còn cao hơn vậy. Ông già Noel thì chỉ có thể tặng những món quà, nhưng không thể thay đổi số phận, nhất là số phận của con người sống và chết lặng lẽ ở Việt Nam, bó chiếu vác về nhà từ bệnh viện thành phố hay chìm trong cơn trong xả lũ giữa đêm khuya ở đâu đó rất xa thành thị.
Mùa Giáng sinh năm nay, tôi đọc được một câu chuyện cảm động. Một đứa trẻ 5 tuổi ở Nashville, Hoa Kỳ, bị bệnh nan y và đang chết dần, bé mơ ước được thấy ông già Noel. Một viên cựu quân nhân đã được mời đóng giả làm Santa Claus đến tặng quà cho bé. Lấy hết sức tàn, đứa bé ôm lấy ông và mở quà. "Con sẽ chết, nhưng nếu con chết, con sẽ đi đâu?". "Ở nơi con đến, sẽ có một Santa Claus tốt nhất đợi và đón con ở đó", viên cựu quân nhân trả lời. Ít phút sau, đứa bé chết trong vòng tay của ông già Noel giả trang đó.
Hóa ra, con người tạo ra những huyền thoại để làm dịu những nỗi đau của con người và nuôi những ước mơ chân thành từ trái tim của con người. Tôi đã rơi nước mắt với câu chuyện nhỏ đó, để cho hiện thực và cổ tích trộn lẫn trong trí tưởng, giữa một mùa yêu thương và hy vọng mà con người đã dịu dàng cùng nhau gìn giữ qua nhiều thế kỷ.
Và bất chợt, tôi cũng nghe văng vẳng những tuyên ngôn và hứa hẹn rất nhiều trên đất nước này, bất kể đó có là mùa Giáng sinh hay không, nhưng rồi thật dễ nhận ra, đó là những huyền thoại chưa bao giờ có hơi thở con người.

-----------------------------
Tham khảo thêm http://thepatientfactor.com/canadian-health-care-information/world-health-organizations-ranking-of-the-worlds-health-systems/

Tuesday, November 29, 2016

Thế kỷ ánh sáng

trong muôn vàn ảo tưởng của đời người, tin vào chủ nghĩa Cộng sản như Bắc Hàn là điều chúng tôi đã may mắn, sớm bước qua từ tuổi 20.
Nhiều năm sau, tôi có gặp lại Oh, và cũng nghe nói về cô Kim ấy. Họ vẫn ở Việt Nam vì đã có cơ sở làm ăn và quen cuộc sống ở đây. Nhưng không ai muốn nhắc về những gì của tuổi trẻ của họ khi còn ở trong đất nước. Oh thì cười xòa, nói “thôi thôi”. Còn cô Kim thì không còn nói gì về Bắc Hàn hay thống nhất nữa. Thời đại mới với truyền thông tự do khắp nơi, đủ để lan truyền về  một Bắc Hàn thật sự ra sao. Và giờ đây, tôi cũng không còn thấy những cuộc biều tình đòi thống nhất của giới sinh viên cánh tả Hàn Quốc trên truyền hình nữa. Tin tức thì lại hay nói về những phong trào chuyển lương thực, đồ chơi và tin tức bằng bong bóng qua biên giới Bắc Hàn, giúp cho người dân khốn khổ ở sau đường biên của chế độ độc tài.
Tôi nhớ câu nói của Martin Luther King (1929-1968), câu nói hay làm tôi nghĩ ngợi “Chúng ta phải biết sống chung với nhau như là anh em, hoặc tiêu tan cùng nhau như những kẻ ngu muội”. (We must learn to live together as brothers or perish together as fools). Chắc là rất nhiều người Nam Hàn đã tìm mọi cách để đem sự thật đến cho thế hệ mình và sau nữa. Họ sống với tinh thần như những người anh em với nhau. Thật kiên nhẫn và đáng quý. Họ đã làm được, để thế hệ Nam Hàn hôm nay đủ nhận biết về các ảo tưởng cách mạng và những kẻ độc tài bên kia Bàn Môn Điếm, để tương lai người Nam Hàn sống với nhau mà không tàn phá nhau, không rữa nát trong ngu muội.
Nhiều thập niên trước, tôi cũng thần tượng Fidel Castro và cách mạng Cuba. Thầy dạy sử của tôi kể say mê rằng Fidel Castro đã thành huyền thoại khi tự mình đứng trước tòa bào chữa cho mình, và chế độ độc tài Batista buộc phải trả tự do cho ông. Nhưng rồi nhiều năm sau, tôi cũng tự hỏi một nền tư pháp của chế độ độc tài ấy, vì sao có thể tuyệt vời đến nhường ấy khi nhìn ra công lý để trả tự do cho Fidel.
Trong khi 47 năm cầm quyền của Fidel Castro, tòa án là vô nghĩa, hàng chục ngàn người phải lưu đày, tù ngục hoặc bỏ trốn khỏi nước. Hàng trăm người hành quyết công khai bởi các nhóm xử bắn lưu động nhưng không có cơ hội nào được tự bào chữa như Fidel Castro đã từng. Huyền thoại về công lý ở Cuba từng cứu sống Fidel, và rồi bị bóp chết bởi chính ông.
Tôi cũng muốn sống với thế hệ mình, và thế hệ mai sau như những người anh em, để chúng ta không rữa nát trong ngu muội. Vì vậy, tôi đã cố viết và nói, như có sự thúc giục không ngừng trong mình, rằng chúng ta phải tồn tại trong lẽ phải và sự thật. Chúng ta không thể rữa nát bằng sự tưởng tượng hay niềm tin bất cần lịch sử của những khổ đau mà con người đã gánh chịu.

Như một con cua phải tự lột vỏ mình, hết sức đau đớn, nhưng để sống còn, tôi đã bước qua những ngày tháng thiếu niên, mệt mỏi tự truy vấn để thôi ôm ấp những giấc mơ về Stalin, Lenin hay Fidel Castro, cũng không khác gì việc tôi đã tự mình chạy ra khỏi những hội hè mang tên Lê Văn Tám, Bảy Lốp… giữa những e dè và tổn thương của người quen, bạn bè trong suốt một giai đoạn dài. Nơi tôi đến, là sự thật. Mà sự thật thì không thể lẫn lộn mơ mộng hay thần tượng những kẻ dựng nên đền đài của mình bằng sinh mạng và máu của người khác.

Nhưng vì tôi tin rằng chúng ta là anh em, là đồng bào. Và chúng ta sẽ tồn tại cùng nhau chứ không thể cùng rữa nát trong sự ngu muội. Và đôi khi, tôi biết, thật đau đớn khi phải lột bỏ những gì đã học, đã biết, đã tin để bước ra cánh cửa, nhận ra sự thật mới mẻ. Nhưng đó là cách cuối cùng để chúng ta hay con cháu chúng ta không rữa nát, không trở thành kẻ đáng thương trong thế kỷ ánh sáng.

Wednesday, November 23, 2016

Thư cho người bạn trẻ: khi chúng ta thất bại

Trong một thời gian ngắn, rất nhiều sự kiện trên thế giới đem lại cho chúng ta những bài học về sự thất bại. Từ thất bại của một ứng cử viên tổng thống cho đến thất bại của một quốc gia bất ngờ về người lãnh đạo của mình. Rất nhiều những câu chuyện về thất bại được kể lại với nhiều ngôn ngữ, chủng tộc. Nhưng điều đáng để ghi lại, là khi giáp mặt với thất bại, con người đã hành xử như thế nào.
Điều tôi muốn nói với bạn là vậy.
Ngay tại Việt Nam, người ta cũng nhìn thấy vô số các biểu cảm về sự thất bại. Có người cảm thấy thất bại trong việc đã đặt niềm tin vào ai đó. Có người cảm thấy thất bại vì đã trông chờ vào những chuyển biến của thời cuộc tốt hơn, nhưng chỉ thấy toàn là nhiễu nhương. Trên một status của Facebook, một người bạn trẻ viết rằng anh sẽ rời bỏ trang mạng xã hội này vì đã quá mệt mỏi nuôi hy vọng về tương lai của đất nước mình.
Quả là chúng ta đang đối diện với hàng loạt thất bại. Nhưng đôi khi, có cả những thất bại không phải do chúng ta gây ra, nhưng phải gánh chịu.
Thật thất bại khi phải chấp nhận một Bộ trưởng giáo dục như Phùng Xuân Nhạ, khi cười vui, bán danh dự nhà giáo vào những cuộc chè chén, coi đó là những điều bình thường. Chúng ta đang phải sống và giáp mặt với thất bại từ một nền giáo dục loay hoay với những kẻ cầm đầu vô trách nhiệm cũng như vô liêm sỉ.
Thật thất bại khi mỗi ngày người dân chúng ta nói về biển, về đảo và lòng yêu nước. Nhưng rồi bàng hoàng nhìn tàu kiểm ngư oai vệ đâm chìm tàu ngư dân, hành động hung ác và tàn nhẫn không khác gì tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam ngoài khơi xa. Loại tàu kiểm ngư không bao giờ dám xuất hiện giải cứu ngư dân khi họ gặp kẻ cướp trên biển, chỉ vênh váo gần bờ.
Thật thất bại, khi mỗi ngày các câu chuyện công an, cảnh sát giao thông đánh chết dân vẫn diễn ra, nhưng pháp luật thì bâng quơ. Những kẻ phạm pháp tồi tệ nhất được nâng đỡ chỉ bởi là đảng viên đảng cộng sản. Chúng ta cũng là những kẻ thất bại, khi nhìn thấy chung quanh mình những điều bất cập diễn ra như một sự thách thức lương tri và lẽ phải, nhưng bất lực đối diện với sự thất bại của mình mỗi ngày.
Trong một lần trả lời phỏng vấn đài RFI vào tháng này, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nói rằng mọi thứ cần phải thay đổi để phát triển, Việt Nam sẽ phải, làm dù chậm. Sự thật là như vậy. Trong những giờ phút mệt mỏi nhất, tôi cũng đã tự hỏi sẽ còn phải đổi bao nhiêu những bất cập nữa, chịu đựng bao nhiêu quan chức tồi tệ như Võ Kim Cự hay Vũ Huy Hoàng… thì chúng ta có được những đổi thay tốt hơn, so với những thất bại từng ngày, từng giờ, trên từng phát biểu của các nhà lãnh đạo hiện nay?
Tôi cũng như bạn, và nhiều người dân Việt Nam khác, nhìn thấy sự thất bại của mình, của dân tộc mình khi nghe rau củ quả Trung Quốc sẽ tràn sang Việt Nam với mức thuế 0%. Tôi nghe thấy thất bại khi Ninh Thuận reo mừng thực hiện nhà máy thép Cà Ná, đường biên giới phía Bắc ở Vàng Ma Chải bị Trung Quốc âm mưu lấn từng ngày. Tiếng vọng thất bại còn ở chuyện nền kinh tế Campuchia giờ đây sản xuất được cả xe hơi điện và đòi xây tường ngăn biên giới Việt Nam – Campuchia như Donald Trump tuyên bố, để cấm Việt Nam xâm phạm chủ quyền.
Tôi sống trong thất bại, chúng ta sống trong thất bại, và một cơ đồ nhìn tổng quát như hôm nay, quả là thất bại. Không ít người Việt mang tâm trạng bế tắc và buồn phiền.
Đâu đó trên Twitter, một người ủng hộ cho bà Hilary Clinton, đã viết sau khi có kết quả chung cuộc. Đại ý của cô viết rằng “Chúng ta đã thất bại. Nhưng chúng ta không trốn chạy, không ẩn nấp. 4 năm thật dài, nhưng đó là cơ hội để chúng ta tập hợp và quay lại, giành quyền quyết định cho đất nước mình”. Những dòng chữ này đã có đến hàng chục ngàn like và chia sẻ.
Quả vậy, chúng ta cũng sẽ không trốn chạy, không ẩn nấp. Dẫu rất buồn phiền. Vì bởi giáp mặt với thất bại, nếu chấp nhận đau yếu, bạn sẽ bị hủy diệt. Còn nếu nghĩ đến tương lai và giữ một niềm hy vọng, bạn có thể đi tới và băng qua thất bại của mình, cũng như của kẻ khác.
Và vì bởi, thất bại nhìn thấy hôm nay nhắc mỗi người về tương lai của một quê hương không thể tan rã, con cháu chúng ta không thể lạc loài. Có thể là một ngày thất bại, một giai đoạn thất bại, chứ không thể là một định mệnh thất bại. Hãy nuôi một niềm hy vọng cho những đổi thay tốt đẹp nhất, lên tiếng bằng sự thật và lẽ phải.
Có thể bạn nói tôi mơ ước viễn vông, nhưng đừng quên nhớ lại câu nói nổi tiếng Nelson Mandela, người từng chịu 27 năm tù cho một giấc mơ thôi aparthied trên đất nước mình, “Mọi thứ đều là bất khả, chỉ khi sự thật đến”. Chúng ta cũng có quyền nuôi một giấc mơ và hy vọng về sự thật, dẫu đang giáp mặt với thất bại.

Tuesday, November 15, 2016

Giáo dục bằng đớn hèn, chúng ta không thể dựng được thế hệ của hy vọng


Đầu tuần này, có một chuyện khá thú vị diễn ra ở Viện đại học Virginia, Hoa Kỳ. Có gần 500 sinh viên và giảng viên của Viện đại học này cùng ký tên vào một bức thư phản đối bà giám đốc của trường là Terasa Sullivan, vì đã phát đi một bức thư kêu gọi sự hợp nhất của toàn Viện đại học, nhưng trích dẫn trong đó ý văn của tổng thống đời thứ 3 của Hoa Kỳ là Thomas Jefferson.

Mục đích của sự phản đối, là các sinh viên lo ngại về việc giớ thiệu các tư tưởng của tổng thống Thomas Jefferson vào lúc này, có thể bị coi là gợi ý “liên quan sâu sắc về lịch sử phân biệt chủng tộc”. Từ bản tin của The Richmond Time Dispatch, người đọc có thể rằng trong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đắc cử, khuynh hướng dân tộc cực đoan đang lan đi, việc trích dẫn bị coi là đầy ngụ ý này có thể làm ảnh hưởng tinh thần của Viện đại học nên hàng trăm sinh viên đã cùng ký vào thư phản đối này. Hoàn toàn không ai kich động hay xúi giục họ cả.

Sự phản ứng tức thì này khiến bà giám đốc Teresa Sullivan đã phải viết một lá thư trần tình, giải thích rằng “mọi việc trích dẫn đều không có nghĩa là ngầm tán thành các cấu trúc xã hội hay niềm tin của thời đại đó, chẳng hạn như về chế độ nô lệ, xem thường phụ nữ và không cho người da màu vào trường đại học”. Trong một khung cảnh văn minh, giám đốc của một trường đại học đã phải minh bạch, như một cách tôn trọng thế hệ của tương lai, thay vì coi mình là “người lớn”, và sinh viên chỉ là “kẻ nhỏ” và đến chỉ để đóng tiền học phí.    

Sự kiện này nhắc tôi về những gì đang diễn ra ở đại học Hoa Sen, Saigon, vài ngày trước, nơi có các cuộc tranh chấp giữa các Hội đồng quản trị mới và cũ. Hãy nhích một bước, đứng ngoài các giá trị được và mất của các nhà đầu tư và điều hành, sự kiện đáng nói ở đây, liên quan đến các sinh viên của trường Hoa Sen.

Tóm tắt sự kiện ngắn gọn như sau, ngày 11 tháng 11, khi biết tin Hội đồng quản trị mới đến làm việc ở trường Hoa Sen, hàng chục sinh viên đã làm biểu ngữ, biểu tình… yêu cầu Hội đồng quản trị mới đi theo khuynh hướng phi lợi nhuận. Việc bày tỏ thái độ rất bình thường trong một xã hội dân chủ, thế nhưng được một hệ thống phối hợp tổ chức đưa tin như một âm mưu làm loạn.

Sài Gòn trước năm 1975 có vô số các hội đoàn sinh viên, trong đó có một Tổng hội Sinh viên, nay là Nhà văn hóa Thanh Niên, với hàng ngàn người luôn xuống đường cho các vấn đề xã hội. Ấy vậy mà mới mấy mươi sinh viên bày tỏ ý kiến trong khuôn viên trường của mình, đã bị coi như là một “thế lực thù địch”.

Khác với cách hành xử của Viện đại học Virginia, Hội đồng Quản trị mới không tìm một không gian đối thoại hay giải thích một cách tử tế. Ai đó trong các vị có quyền lực của Hội đồng Quản trị mới đã gọi điện cho các nhân viên công an văn hóa mật PA83 chạy đến như một cách trấn áp, ngay trong buổi ghé đến đại học Hoa Sen lần đầu tiên. Ai đã kinh qua trường đại học ở Sài Gòn trước 1975,  đều biết rằng không thể có chuyện công an được gọi xồng xộc chạy vào như thế. Đại học là một khuôn viên riêng, là một thánh đường của trí thức.

Nhiều ngày, đọc các bản tin trên báo, các dòng tin trên facebook… cứ nhắc đi nhắc lại việc sinh viên bị “xúi giục, kích động”… thật không thể không thảng thốt và buồn nôn. Tinh thần đại học độc lập và giá trị biểu kiến của giới trẻ chưa gì đã bị dán cho những nhãn quan mập mờ đe dọa về chính trị. Đáng tiếc hơn, đôi khi chính những vị là nhà giáo dục, luật sư… cũng có một thói quen cất tiếng, giới thiệu lối tư duy tăm tối của mình để áp đặt cho một không khí sinh hoạt xã hội dân sự bình thường. Chính quý vị trí thức ấy cũng đã góp phần bóp chết tinh thần đại học của Sài Gòn, của giới trẻ là vậy.

Nói trên báo Giáo dục Việt Nam, một luật sư tên Lê Xuân Lộc cứ nhấn đi nhấn lại là việc điều hành là của “người lớn”, sinh viên chỉ có một việc là “học”. Thậm chí tay luật sư này còn đe dọa bằng việc viện dẫn chuyện biểu tình của sinh viên có thể bị ghép vào tội hình sự. “Pháp luật hoàn toàn không cho phép việc tụ tập la ó, giơ các bảng biểu ngữ như các bạn sinh viên Trường Đại học Hoa Sen đã làm vào chiều ngày 11/11 vừa qua”, luật sư Lê Xuân Lộc nói như vậy.  

Nếu đây là người đại diện luật pháp cho Hội đồng quản trị mới, đó là một người đại diện tồi, vì ông ta không thể học thuộc nổi một đoạn Hiến pháp Việt Nam đã đặt nền tảng cho quyền con người. Dùng luật pháp như một con dao để vung lên dọa tứ tung trong đám đông, hơn nữa lại mang đầy tư duy ngu dốt về thế hệ trẻ trong nền giáo dục đại học, làm sao ông ta có thể thuyết phục giới trẻ nắm tay giúp lôi ông đi vào tương lai?

Chúng ta hay nói và mơ một ngày nào đó, đất nước mình cũng có những thế hệ như sinh viên Hồng Kông bản lĩnh, về những sinh viên đầy tinh thần độc lập như Viện Đại học Virginia, nhưng nếu chúng ta chấp nhận im lặng và thỏa hiệp với những tư duy giáo dục đớn hèn, trẻ con hóa sinh viên, thì làm sao dựng được thế hệ của hy vọng?


Tham khảo thêm

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Phai-dieu-tra-ai-kich-dong-sinh-vien-Truong-Hoa-Sen-tu-tap-gay-mat-trat-tu-post172401.gd

Wednesday, November 9, 2016

Tân tổng thống và bầu cử trong mắt người Việt

Ý kiến nói “nhiều người Việt theo dõi cuộc bầu cử không vì nước Mỹ, mà vì cho quê hương mình”.

Cũng như bao người có khuynh hướng thích bà Hillary Clinton làm tổng thống, tôi đã có thoáng bàng hoàng khi nghe kết quả chung cuộc. Thế giới quả là đầy những bất ngờ, nhưng sự dân chủ và nỗ lực ủng hộ lựa chọn mang tính dân chủ ở một quốc gia cách Việt Nam hàng ngàn dặm, cũng đem lại nhiều điều bất ngờ hơn nữa.

Nhà báo Phạm Đoan Trang có phân tích ngắn của mình, nói rằng phân nửa số bạn trên facebook của cô đã buồn, vì chọn phía bà Hilary. Cô phân tích rằng nhiều người Việt trong nước có cảm tình với bà Hilary Clinton vì bà có nhiều hình ảnh gắn với Việt Nam. Chồng bà cũng vậy. Thậm chí những nỗ lực về cải cách nhân quyền và cứng rắn trong các chính sách về tự do tín ngưỡng, ngoại giao… của bà cũng là điều dễ gây thiện cảm.

Nhưng quan trọng hơn, có lẽ thái độ luôn không muốn nhún nhường trước Trung Quốc của bà, khiến hàng triệu người Việt đang mang tâm trạng ức chế về tổ quốc, dân tộc khiến họ thân thiện với bà hơn.

Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, xa xôi và lạ lùng, nhưng khiến báo chí Nhà nước cũng đưa tin liên tục, phân tích và dự đoán. Có lẽ ngoài các cuộc hội ngộ túc cầu tầm quốc tế, thì không có khi nào không khí báo chí Việt Nam lại hừng hực và dễ có đề tài như vậy. Thậm chí, trên trang VnExpress sáng ngày 9/11, người ta còn đọc được một tít bài lớn “Vì sao bầu cử tổng thống Mỹ năm nay gay cấn hơn cả siêu xổ số?”

Sự lựa chọn một nhà lãnh đạo tương lai cho mình, công khai và minh bạch, đã khiến mọi thứ reality show đều tuột hạng. Thậm chí, dựa vào từng ngày, từng giờ của cuộc tranh cử, người Việt lại có cơ hội so sánh và cười mỉm về những gì gọi là bầu cử trong cuộc sống của mình.

Trên trang facebook của mình, nhà văn Nguyễn Đình Bổn viết về việc người Việt theo dõi sát sao cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, rằng “cho thấy khát vọng tranh cử, bầu cử tự do tại Việt Nam hiện nay là cháy bỏng. Nhưng từ khát vọng đi đến hiện thực này tại Việt Nam xa hay gần lại lệ thuộc vào quá nhiều tác động từ bên trong lẫn bên ngoài mà khai dân trí là một trong những điều kiện cần thiết”.

Một facebooker khác vì hóm hỉnh nói rằng khác với những cuộc bầu cử ở Việt Nam, đến giờ cuối cùng người ta mới có được kết quả cuối cùng của người thắng cuộc. Còn ở Việt Nam thì mọi thứ có thể biết trước cả tuần, thậm chí cả tháng.

‘Không giống ai’

Riêng tôi, lại thấy thêm rằng khi bước vào một kỳ bầu cử nào đó, hầu hết các cử tri đều không biết hoặc xác minh được nhân thân, trình độ… của các ứng cử viên được Đảng giao phó là ai. Người dân chỉ còn tạm lựa ra những nhân vật đã được chọn. Mà cái “chọn” đó, luôn giới thiệu những sai lầm hoảng kinh về việc không có ai chịu trách nhiệm đưa ra các nhân vật đó. Cụ thể như Trần Văn Truyền, Trịnh Xuân Thanh hay Vũ Huy Hoàng… chẳng hạn.

Dù ông Donald Trump quả có làm nhiều người hoảng kinh về tính cách hay phát ngôn, nhưng rõ ràng sự lựa chọn rất mạnh mẽ của công chúng Mỹ là bởi họ có thông tin và cho rằng đã hiểu rõ ông. Ngay cả ở Việt Nam cũng vậy.

Ông Huỳnh Ngọc Tuấn đã hân hoan bày tỏ sự ủng hộ với Trump. Ông viết: “Vì ông ta là người mà tôi mong đợi, người có thể thay đổi cái trật tự thế giới và khu vực hiện nay, cái trật tự bất công và bất lợi cho đất nước tôi. Đã nhiều lần tôi nói rằng chỉ khi nào cái trật tự này bị phá vỡ thì khi đó đất nước ta mới có cơ hội thoát Trung, thoát cộng. Còn một điều nữa tôi ủng hộ Donald Trump vì ông ta và tôi đều là những thằng “không giống ai” và ít có người ưa”.

Donald Trump: ‘Chính quyền sẽ phục vụ người dân’

Đây cũng là một điều thú vị. Sát nách, Bắc Kinh qua các kỳ bầu cử, ngoài việc báo chí Nhà nước hô hào và giới thiệu, dân chúng vẫn bàng quan. Thậm chí, ai lên tổng bí thư hay vào chủ tịch, không mấy người Việt quan tâm để học thuộc tên. Bất luận hai Đảng cộng sản vẫn luôn nói tình hữu nghị keo sơn, nhưn dường như đa số người dân Việt vẫn có khuynh hướng gần phương Tây hơn, gần Mỹ hơn. Cũng như niềm tin đã được thử thách của những người ủng hộ bà Hilary hay ông Donald, nhiều người Việt tin rằng nền dân chủ phương Tây sẽ đem lại một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước nước mình, nhân dân của mình.

Trong tâm thế đó, nhiều người Việt theo dõi cuộc bầu cử không vì nước Mỹ, mà vì cho quê hương mình. Một người tên là Hien Le, chỉ rời khỏi Việt Nam đi định cư chừng vài năm nay, viết rằng cô lo ngại khi ông Trump đắc cử. Lý do vì “Trump phản đối hầu hết các hiệp định thương mại có liên quan Việt Nam và Mỹ, Trump lên thì xác định mất xuất siêu. Trump phản đối người nhập cư, kể cả người nhập cư Việt Nam, và Trump phản đối ảnh hưởng quân sự của Mỹ ở Biển Đông, Trump lên thì biển Đông là chuyện riêng của Trung Quốc và Asean”.

Một người bạn của tôi trên facebook, anh Truong Thanh Liem, có viết vài dòng khiến tôi không khỏi tần ngần, rằng anh chọn bầu đảng Dân chủ vì những chính sách an sinh xã hội cho người già, cho những người tỵ nạn còn kẹt ở Philippines hay Thái Lan thỉnh thoảng có cơ hội ra đi đến nước thứ ba. Còn những người bạn của anh thì chọn đảng Cộng hòa bởi những chính sách cho dân làm ăn. Thật rõ, người ta lựa chọn không phải vì một đảng nào là thần thánh hay vinh quang mãi mãi, mà là đảng có thật sự có khả năng làm gì cho con người hiện tại hay không, hay chỉ ăn mày quá khứ.

Thật là bất đồng, trong một cuổi chiều ở Việt Nam, khi tôi như đang buồn về sự thất cử của bà Hilary Clinton, một người bạn trẻ ủng hộ Donald Trump reo mừng và nhắn vào máy của tôi “ghé qua làm ly bia chúc mừng Trump đi”.

Ai nói bầu cử tổng thống Mỹ xa lạ với Việt Nam?

_____________________
(Viết trên BBC)

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-37932801

Sunday, October 30, 2016

Trở về, đi tới


Trong một chuyến đi quốc nội, vô tình đoàn người đang xếp hàng lấy vé ra máy bay bỗng xuất hiện vài người khách Trung Quốc. Đó là những người khách hết sức ung dung. Họ ăn nói lớn tiếng, cười to và tự nhiên, không khác gì dân bản xứ. Hàng dài người Việt đang xếp hàng im lặng nhìn. Mỗi người một suy nghĩ.
Bất chợt 2 người khách Việt nói với nhau “Không biết mình qua Trung Quốc có tự nhiên được vậy không?”. Lời tán gẫu nhỏ, nhưng lại đủ cho vài người chung quanh nghe. Đột nhiên ai nấy đều cười. Những nụ cười khôn cùng ý nghĩa. “Thì tụi nó qua đây, tự nhiên như nước nó rồi còn gì”, một người khác nói bâng quơ, nhưng như muốn tất cả những người Việt còn lại cùng nghe. Trên mỗi gương mặt Việt lại có một nụ cười. Cũng thật khó tả.
Một người đàn ông lớn tuổi,đầu bạc trắng, cắt ngắn, đi dọc với tôi, kể rằng vừa rồi ông gặp một người khách Trung Quốc. Câu chuyện về ranh giới quốc gia, khác biệt dân tộc, chiến tranh… lại nổ ra. Người Trung Quốc rất tự tin, nói rằng từ nhỏ, ông ta đã được học về lịch sử, nói rằng Việt Nam thuộc về Trung Quốc từ ngàn năm, nhưng sau đó làm phản và tách ra. Vì vậy chuyện phải quay trở về mẫu quốc là điều tất nhiên. “Tụi tao có một tỷ người học thuộc điều đó, tụi mày chỉ có một trăm triệu, cãi không lại tụi tao đâu”, người khách Trung Quốc này cười lớn. Dù không ác ý, nhưng sự diễn đạt rất thật của ông làm tôi lẫn người đàn ông Việt tóc bạc khi kể cho nhau nghe, đều nao lòng.
Nếu như quả có một cuộc trở về định mệnh như vậy, thật xót xa cho lịch sử hàng ngàn năm của cha ông Việt đã chống chọi, bứt xiềng gông cho con cháu hôm nay. Một cuộc trở về như vậy, có lẽ chỉ có một ít người muốn, còn tất cả còn lại đều đau đớn, căm gan. Nhưng hôm nay, dường như mọi thứ đang “đi tới” chứ không phải “trở về”.
Cuối tháng 10, ba chiếc tàu chiến Trung Quốc ghé cảnh Cam Ranh. Chính quyền tỉnh Khánh Hòa huy động người dân và đoàn thể ra phất cờ tiếp đón binh lính Trung Quốc. Chiếc tàu dẫn đầu là Tương Đàm 531, tên gọi của chiếc chiến hạm đã tấn công Gạc Ma năm 1988, thảm sát 64 binh sĩ quân đội nhân dân Việt Nam khi không có khả năng kháng cự. Nhiều năm sau cuộc chiến Gạc Ma, chiến hạm này đã được bán cho Bangladesh, nhưng vì cái tên Xiangtan/Tương Đàm gợi nhớ về chiến công hiển hách năm 1988, nên khi đóng tàu mới, chiến hạm Tương Đàm lại ra đời như niềm kiêu hãnh của ngành hải quân Trung Quốc. Điều khác nhau duy nhất là chiếc Tương Đàm cũ, có số hiệu 556, còn chiếc mới có số hiệu 531.
Khi ca sĩ Khánh Ly hát ở Sài Gòn, mọi sự ngăn cấm của các quan chức đều dựa trên ý rằng “không muốn gợi nhớ về một quá khứ không tốt”. Sau năm 1975, hơn 15.000 đầu sách của hai nền Cộng hòa miền Nam Việt Nam bị đốt, bị cấm và bị truy lùng vì cho là “gợi lại hình ảnh và văn hóa đồi trụy”. Hàng chục ngàn bài hát cùng các văn nghệ sĩ miền Nam bị cấm, cô lập như kẻ thù. Thậm chí có người đã phải vào tù vì có “tội lỗi với nhân dân”… Ấy nhưng Tương Đàm, cái tên đẫm máu người Việt ngang nhiên mang quá khứ đi vào hiện tại, từ Gạc Ma vào nơi quan yếu của Việt Nam, Cam Ranh, lại được chính quyền mở champagne chào đón.
Chắc những người được lệnh chào đón ba chiếc tàu chiến Trung Quốc cũng không biết rằng, vào lúc này, Bắc Kinh đã hoàn thành xong vành đai chiến lược để bao vây đảo Trường Sa của Việt Nam. Phi đạn và chiến đấu cơ của Trung Quốc tạo nên một vòng hỏa tuyến từ đảo đá Chữ Thập, Su Bi, Châu Viên, Vành Khăn, Gaven, Tư Nghĩa, nối đến Gạc Ma. Từ đây, Trung Quốc có khả năng uy hiếp trực tiếp Sài Gòn, Cam Ranh và Trường Sa. Tờ Focus Taiwan đưa tin này, mới đây, vào ngày 18/10/2016.
Người Trung Quốc chắc không còn nói chuyện Việt Nam trở về, mà hình như họ chọn cách đi tới, vì mọi thứ đều đã thuận lợi. Hôm nay thì chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã chính thức có chính sách mỗi ngày cho 100 xe Trung Quốc lái thẳng vào Việt Nam. Một sự ưu ái khá lạ lùng và sẽ sớm là chuyện của các cửa khẩu ở những vùng khác noi theo, mà chắc con số 100 xe mỗi ngày sẽ dần chỉ là thông báo ước lệ.
Không lâu nữa, năm 2018, bởi những ràng buộc bởi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), một loại thỏa ước thương mại mà Bắc Kinh lập ra để đối đầu với TPP của Mỹ, từ Trung Quốc, các loại động vật sống dùng để nhân giống; nhiều loại thịt, nhiều loại thuỷ hải sản đông lạnh và hoa quả sẽ được miễn thuế 0% khi vào Việt Nam. Thật đúng lúc, giữa lúc bốn tỉnh miền Trung chịu nạn biển nhiễm độc, lũ lụt tàn phá hoa màu, nhà cửa, giới chăn nuôi khánh kiệt… thì ngay lúc họ chuẩn bị hồi phục, đã bị nhấn chìm trong cơn đại hồng thủy nhập khẩu 0% từ Trung Quốc.
Tôi có kể với bạn về chuyện người Trung Quốc học lịch sử rằng Việt Nam phải trở về mẫu quốc? Có một sự thay đổi nhỏ, có màu máu và nước mắt, là chính quyền Cộng sản Trung Quốc đang sốt ruột đi tới thật nhanh, chứ không đợi ai đó trở về. Cuộc đi tới này lộng lẫy và man rợ không kém gì các đạo quân của Thành Cát Tư Hãn tràn tới: cỏ không thể mọc, con người chỉ còn biết quỳ xuống và ngửa mặt khóc than vì sao đất nước chúng ta lại đến nông nỗi như vầy.
Trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tháng 9 năm nay, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hứa là sẽ sớm quyết việc thanh toán thương mại Việt Nam - Trung Quốc bằng đồng Nhân dân tệ. Còn bà phó Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Nguyễn Thị Hồng, người tháp tùng thủ tướng, thì hân hoan nói rằng chuyện này không khó, vì lâu nay các tỉnh phía Bắc đã “thử” làm như vậy rồi. Không biết Quốc hội Việt Nam có biết về việc này không? Liệu Quốc hội mới có ít hơn những kẻ ngủ gục, chơi game và xin nghỉ sớm để lên tiếng về những hiểm họa như vậy? Bất kỳ ai có một học vấn tối thiểu cấp trung học, cũng đều hiểu việc Nhân dân tệ hóa nền kinh tế Việt Nam mang đến nguy cơ lệ thuộc như thế nào. Đặc biệt, Trung Quốc đang “đi tới” rất ào ạt trong sự hân hoan của những kẻ như bà Nguyễn Thị Hồng, và trong với bối cảnh vô cùng thuận lợi khi hệ thống Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đồng bộ hô to chương trình chống đô-la hóa bằng quyết định 2589/QĐ-NHNN, hạ lãi suất tiền gừi bằng đô-la.
Trung Quốc đang biến nhiều quốc gia Châu phi trở thành những chư hầu kinh tế, cũng bằng cách dùng nhân dân tệ hóa như vậy. Hiện tại Zimbabwe, Angola và Nam Phi đã trở thành những quốc gia lệ thuộc kinh tế nặng nề vào Trung Quốc khi áp dụng thanh khoản bằng đồng Nhân dân tệ. Bạn nghĩ rằng chỉ là vấn đề thương mại? Áp lực kinh tế này, cũng đã trở thành áp lực chính trị khiến Nam Phi 3 lần từ chối cấp visa cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, chỉ vì muốn ve vuốt Bắc Kinh. Đại hội những người đoạt giải Nobel Hòa Bình tại Cape Town ở Nam Phi vào năm 2014, kể cả thị trưởng của thành phố cũng đã tuyên bố hủy hội nghị, nhằm tố cáo vì Pretoria đã cúi đầu trước Trung Quốc. Campuchia cũng vậy, trong vòng xoáy trở thành chư hầu của Bắc Kinh để chống lại Việt Nam, chính quyền này cũng đã ướm việc chính thức thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ, khởi đầu bằng du lịch.
Trong câu chuyện mà người đàn ông nói giọng Bắc, tóc bạc, kể với tôi về cuộc trò chuyện với người Trung Quốc. Giọng cười của ông rất sảng khoái. Một người biết ông, nói nhỏ với tôi rằng ông đã cùng gia đình tim đường định cư ở nước ngoài rồi. Có lẽ, vì vậy mà giọng cười của ông rất nhẹ nhàng, tiếng cười của một người đứng ngoài một nồi nước sôi sùng sục, hé nắp nhìn vào.
Nhưng tôi và hàng triệu con người khác – những người ở trong nồi – chắc không thể an nhiên được như ông. Vì bởi chúng ta là những người ở lại, là những người không có khả năng ra đi hay đã quyết chọn sống còn trên mảnh đất này. Tôi chắc rằng sẽ không có nhiều những kẻ muốn “trở về” trong chiếc nồi đóng kín nắp ấy. Nhưng chúng ta lại chứng kiến một cuộc đi tới, chà xát mọi thứ, không có sự xót thương di sản cha ông để lại. Cuộc đi tới của những chiến hạm Trung Quốc, của những đoàn xe tự do đi lại trên đất nước này, những đợt cuồng phong áp thuế 0% dẫm nát nông dân Việt Nam, và có thể có cả những đồng Nhân dân tệ mà chúng ta sẽ cầm trên tay để làm quen, không còn xa nữa.
Tôi vừa leo ra khỏi nắp nồi ấy, bằng hy vọng và sự thật về quê hương của mình. Và tôi nhận thấy mình có một niềm tin mới, rằng sẽ không có một sự “trở về” hay “đi tới” nào cả. Dân tộc này, đất nước này không thể đi vào khốn khó, nếu người người cùng nuôi hy vọng và nhìn bằng sự thật về đất nước mình, dân tộc mình, và cùng nhau leo ra khỏi nắp nồi đóng kín đó, trước khi quá muộn.

Wednesday, October 26, 2016

Từ đôi mắt bò



Trong hầu hết các vụ quan chức địa phương đến từng nhà tịch thu tiền cứu trợ, với lý do để chia đều cho tất cả mọi người, có một tình tiết đáng chú ý: hầu hết những người bị thu tiền đều bất bình nhưng đành im lặng chấp nhận. Tình tiết này gợi lên nhiều suy nghĩ, đặc biệt rằng quan chức địa phương ở Việt Nam đã trở thành loại cường hào ác bá từ bao giờ, mà không ai dám phản đối công khai.
Hai tiếng nhân dân giờ âm vang xót xa và chịu đựng. Họ là tầng cuối cùng trên đất nước này, bị dẫm đạp, bị tước đoạt mà không hề dám cất lên một lời phản kháng. Số phận con người hèn mọn như ngọn cỏ trong đất nước mà nơi nào hai tiếng nhân dân cũng được đọc lớn, kẻ hoa. Tự nhiên, tôi nhớ đến con bò thoi thóp sống trong mùa bão lụt vừa qua ở miền Trung.
Trong trận lụt kinh hồn táng đởm trung tuần tháng 10/2016, Quảng Bình gánh chịu những đau thương không bút mực nào tả xiết. Những con số đếm giản đơn cho biết cả ngàn ngôi nhà ngập đến nóc, ruộng vườn hoa màu chìm trong biển nước. Gà vịt trâu bò chết lặng theo con nước dâng. Những con số đếm nhạt nhẽo nhưng căng phồng hàng ngàn câu chuyện về sống chết và phận người quẫy đạp để sinh tồn.
Trên các trang mạng xã hội. Người ta chuyền tay nhau bức ảnh vể một con bò, được chủ nuôi treo đầu cao khỏi mặt nước để không chết chìm, nhưng nước thì đã ngập đến mũi. Đây có thể là bức ảnh bao quát nhất, chỉ có cái đầu và đôi mắt tuyệt vọng, mệt mỏi của con vật, nhưng lại như nói hết, gào thét hết được trong thinh không về con người, về quê nhà, về nỗi đau và tương lai.
Không biết bức ảnh mờ nhạt, hay ánh mắt của con bò đã đục dần trong giờ phút hiu hắt của sự sống. Đôi mắt là người ta nhớ đến nhân vật phu kéo xe của Nguyễn Công Hoan. Người đàn ông mệt mỏi, kéo xe kiếm cơm qua ngày, thở dốc với từng ngày sống, mà nhà văn xứ Bắc Ninh mô tả rằng đôi mắt mờ đục, gượng sống như trái nhãn, không còn nhìn thấy tương lai.
Cũng cùng trong ngày tháng đó, thế giới chứng kiến một giải Nobel Văn Chương đến lạ, vì giải được trao cho một người chọn một đời hát rong ở Mỹ. Có không biết bao nhiêu là bất bình cũng như hân hoan trước sự kiện này. Thậm chí những người bảo vệ giá trị văn học, coi việc trao giải thưởng này như một sự sỉ nhục đối với giới cầm bút.
Vì sao Viện Hàn Lâm Thụy Điển lại có một quyết định bất thường như vậy? Tổng thư ký thường trực của Viện Hàn Lâm Thụy Điển là bà Sara Danius nói rằng Bob Dylan đã là người gợi nhớ lại thời kỳ thi ca Hy Lạp cổ, với những cách sáng tác và phổ biến thơ không khác gì các thi sĩ Homer và Sappho từ hơn 2500 năm trước”. Tạm gác lại các điều tranh cãi về đúng-sai. Điều mà Viện Hàn Lâm Thụy Điển quyết định, cho thấy những cái nhìn đột phá và ngẫu hứng. Nó xác định về các giá trị của nghệ thuật trí tuệ không có lằn ranh và định kiến. Sự sửng sốt của những người chứng kiến giải Nobel Văn Chương 2016, không chỉ là kết quả lạ lùng, mà có cả sự phát hiện về quan điểm của Ban tuyển chọn giải Nobel, mà tường chừng đã quá cũ mòn và bị câu nệ bởi các nguyên tắc, cũng như danh tiếng của chính mình.
Cùng một thế giới, cùng một thời gian. Con người ngoài kia mở ra những thách thức và tranh cãi về trí tuệ. Mở ra những lý luận mới về giá trị tinh thần và tương lai. Còn ở nơi đây, Quảng Bình quê chúng ta, người ta chỉ còn loay hoay và cuống cuồng nghĩ ra cách dùng một sợi dây để treo đầu, cứu sống một con bò.
Thật nghiệt ngã. Nước dâng cao ngập mái nhà. Ngập ruộng vườn và cuộc sống, lại khiến người Việt nghĩ nhiều hơn về số phận của mình.
Không phải thiên tai cố “cực đoan” mà mỗi ngày mưa lũ càng nhiều. Ngay trong các thành phố lớn, mưa chỉ cần kéo dài vài tiếng, nội thành đã không khác gì phố biển. Quảng Bình, Hà Tĩnh, Lào Cai, Cần Thơ, An Giang… khắp nơi đang đối diện với lũ lụt, sạt lở như chuỗi tin dữ của ngày phán xét.
Người dân Việt đang phải trả giá cho những gì mà họ không làm. Nỗi oan khiên này cay đắng biết dường nào. Từ năm 1993, người dân xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã kêu cứu khắp các nơi về chuyện Lâm trường Bố Trạch - do ai đó chống lưng, ban bệ nào bao che để cùng chia chác – đã tàn phá liên tục rừng đầu nguồn. Cả tỉnh Quảng Bình có diện tích tự nhiên 173,75km2, trong đó phần lớn rừng. Người dân đau xót kể lại rằng nơi đây ngày xưa chim muông khắp nơi, cổ thụ thì lớn đến mức 4-5 người chia nhau ôm mới hết vòng… nhưng Lâm trường Bố Trạch hủy diệt tất cả. Đến năm 2013 thì đợt lũ dầu tiên quét sạch mọi thứ do rừng không còn đã diễn ra. Thiên nhiên chết dần, mà con người đứng ra bảo vệ rừng cũng bị tấn công, bắt bớ. Tháng 12/ 2014, đã từng có những cuộc xung đột lớn giữa dân chúng và phía Lâm trường Bố Trạch, nhưng tiếng kêu của dân chúng không thấu được đến đâu cả.
Hôm nay lụt tràn về Hà Tĩnh, mà nguyên nhân chính là nhà máy thủy điện xả lũ vô trách nhiệm. Giải trình của chính Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh cho biết, bởi mưa lớn cộng với nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ với lưu lượng từ 500 m3/s - 1.800 m3/s, hồ Bộc Nguyên xả 150-200m3/s... đã làm cho địa phương bị ngập lụt.
Chuyện nhà máy thủy điện xả lũ vô trách nhiệm, coi thường tài sản và mạng sống con người không còn là chuyện lạ. Ở Việt Nam, nơi đâu có nhà máy thủy điện là nơi đó có sự cố xả lũ. Lời trách yêu của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh với nhà máy thủy điện Hố Hô rằng “Xả lũ hết cỡ như thế dân không kịp trở tay”, cũng vô trách nhiệm không kém. Sống và chết của hàng ngàn con người ở Hà Tĩnh như vậy đó, chỉ được giải đáp bằng những lời vuốt ve nhau lấy lệ. Nỗi đau thì con người vốn đành cam chịu đã lâu. Có thể chôn kín trong lòng đến tận mộ sâu. May ra chỉ còn đôi mắt mờ đục và tuyệt vọng của con bò hôm nay, là để minh chứng cho cây độc đã đơm hoa kết trái, mà kẻ gieo xuống, không phải là dân lành.
Đôi mắt của con bò cố sống sót ở Quảng Bình hôm nay, sẽ đi vào lịch sử. Nó là bức tranh hiện thực đau nghiến, nhưng căng phồng những nỗi niềm mà người dân cũng đang loay hoay và cố sống sót như chính con bò của mình. Gần một thế kỷ sau, hình ảnh đôi mắt của một con người không tương lai của Nguyễn Công Hoan lại ám ảnh người xem, nhưng lần này còn thấp hơn nữa, qua số phận một con vật.
Con bò vô danh ấy thật may mắn. Vì nó có được người chủ tử tế và nghĩ đến nó. Còn hàng triệu con người Việt Nam khác đang đối diện với môi trường đang vào thảm họa, ai sẽ cứu họ trong một ngày mai đầy thảng thốt? Và tương tự những người dân sống sót qua thảm họa, lại bị tước đoạt cả phần cứu trợ của mình, sự chịu đựng của một dân tộc ngày càng sâu hoắm và khủng khiếp ấy, khi nào mới chạm đáy và người người tỉnh giấc?