Saturday, January 28, 2017

Ly rượu mừng giữa cuộc bể dâu



Mùng một Tết Đinh Dậu, trong một buổi chiều xuống, thành phố như tan vào một dấu lặng thanh thản, tôi chợt nghe bài Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương vang lên. Giai điệu như ngọn gió xuân dịu dàng, đáp xuống mái hiên của các ngôi nhà cao tầng, len vào từng căn phòng nhỏ, chảy vào trong tim người giữa mùi hương trầm nhè nhẹ. Ly Rượu Mừng lại vang lên, bất hủ, rót thật đầy vào không khí đón Tết trong lòng người bao thế hệ.  Bài hát như nói thay giấc mơ của nước Nam về một tương lai mới, mà con người khát khao biết mấy về một tương lai sẽ được tắm trong tự do và an bình.

 “Nhấc cao ly này. Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do”

Bài hát mơ về tự do đó, đã bị giam cầm hơn 41 năm. Chỉ mới năm ngoái, khi những câu hát này vang lên trong ngỏ hẻm, bên ly cà phê vỉa hè, khe khẽ trên môi những người yêu nhạc… cũng đồng nghĩa với thái độ chống lại Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vì đó là một bài hát nằm trong danh sách bị đóng dấu cấm. 

Như một giấc ngủ dài đến mức quên thức dậy, bất chợt một ngày, người ta hay tin bài hát Ly Rượu Mừng đã không còn bị cấm nữa. Chuyện được nghe, được hát Ly Rượu Mừng chỉ như điều thoảng qua tai, mà lý do cấm hay không còn cấm đều mơ hồ như nhau. Vì bởi không cần việc nhà cầm quyền cho phép, những con người Việt Nam vẫn hát và vẫn lắng nghe nó từ Nam chí Bắc, thản nhiên, từ rất lâu rồi.

Trên các trang báo nhà nước, người ta dễ dàng tìm thấy trong lúc này các bài viết tung hô việc thôi cấm đoán bài hát Ly Rượu Mừng, với cách nói như là một sự “giải oan”. Ở nơi đâu đó, nhạc sĩ  Phạm Đình Chương và những tiền nhân ắt hẳn đã nhìn nhau bật cười, “oan gì mà giải”? Những người đã đóng góp và xây dựng nên đất nước này từ bao đời nay, từ Nguyễn Ánh, Phan Thanh Giản, Phạm Quỳnh… cho đến Phạm Đình Chương nếu có nỗi niềm gì, có lẽ cũng chưa cần đến sự lên tiếng đơm đặt của những người dựa trên tinh thần chủ nghĩa cộng sản. Nếu có phán xét, đó là quyết định và quyền của nhân dân Việt Nam trên tinh thần chủ nghĩa dân tộc chứ không phải là một hệ thống kiểm duyệt văn hóa dựa vào tư duy chính trị ngoại bang, của Mác hoặc Mao.

Trong câu chuyện về bài hát Ly Rượu Mừng, thật buồn cười khi nhìn lại cách thức của chế độ kiểm duyệt văn hóa được kiểm soát kiên trì ở Việt Nam từ bao nhiêu năm nay. Những người có trách nhiệm luôn luôn giỏi trong các vai diễn lố bịch của mình: khi cấm thì cao giọng với đủ lý do quan trọng tầm ruồng, nhưng khi ngừng cấm thì cũng giỏi trình diễn sự nhân đạo hay cao cả  vô nghĩa nào đó.

Dù không còn bị cấm, nhưng ước mơ trong bài hát Ly Rượu Mừng, về tự do và bình đẳng, dường như vẫn còn quá xa vời. Sau năm 1975. Sách vở của miền Nam bị đốt, bị cấm. Hàng ngàn bài hát bị đưa vào song sắt. Con người và tri thức miền Nam Việt Nam bị phế bỏ hoặc bị tước đoạt các giá trị của mình.

Năm 1992, ca sĩ Ngọc Sơn bị bắt và kết án tù do hát và ghi âm hàng trăm bài hát “không được cấp phép”. Nhưng rồi từ năm 2012, các ca khúc như vậy lại xuất hiện một cách bình thường trên truyền hình. Dòng nhạc bolero từ năm 1977 bị hàng trăm các bài báo, truyền hình… phê phán trong chiến dịch bài xích “một nền văn hóa đồi trụy”. Thế rồi, hôm  nay, 2017, lại là những bài hát được các nhà sản xuất và biên tập viên xã hội chủ nghĩa săn đón và giới thiệu nồng nhiệt trên truyền hình.

Năm tôi 7 tuổi. Khi ngồi ở trước hiên nhà trên đường Trần Quý Cáp, trên tay là cuốn truyện tranh Tintin, bất ngờ tôi bị kéo giật đi bởi một nhóm người mang băng đỏ - những người của “Bên Thắng Cuộc” được lệnh truy lùng và hủy diệt sách vở miền Nam. Ngay sau đó, nhà tôi bị ập vào lục soát. Sách kiếm hiệp của Kim Dung, truyện Quỳnh Dao, và những cuốn truyện tranh Spirou (Phan Tân Sĩ Phú), Strumpf (Xì Trum), Johan and Peewitt (Lữ Hân Phi Lục)… bị mang ra trước nhà đốt bỏ, như một trong những cuộc hành hình văn hóa đang diễn ra khắp nơi lúc đó. Rồi 20 năm sau, tôi lại nhìn thấy những cuốn sách đó được phát hành với những lời giới thiệu trân trọng đến mức có thể tạo nên những nụ cười mỉa.

Bài hát Ly Rượu Mừng vang bên tai tôi, khiến gợi nhớ biết bao điều. Nhớ những tác phẩm văn học miền Nam bị đem ra đấu tố như những tội đồ. Nhớ những nhạc sĩ miền Nam im lặng nhìn nhau, nói nhỏ về những tác phẩm của mình đang bị xé bỏ. Nhớ những thế hệ Việt Nam bị kết tội vì nhân thân, đã không được vào đại học, đã vào trại tù cải tạo… Hôm nay, mọi thứ như đang tốt dần lên. Có người nói với tôi rằng Ly Rượu Mừng được xóa án là một niềm vui của đổi mới. Nhưng tôi thì thấy đó là một trong những lần chùi rửa vội vàng của bộ máy kiểm duyệt, nhằm che bớt đi sự thù hằn và đen tối trên gương mặt, để có thể bước vào thế kỷ văn minh.


Bài hát chúc một non sông thanh bình, khiến ai yêu nước Việt cũng đều thấy day dứt. Ly Rượu Mừng xuân được nâng lên vào thời khắc này, xao xuyến nhắc quê hương đang đứng trước cuộc bể dâu khôn cùng bởi những kẻ tham tàn và bọn phản bội. Giấc mơ một ngày mai sáng trời tự do lại dậy lên trong lòng tôi về một ngày mai sáng trời tự do. Mong tổ tiên dẫn lối dân tộc này. Ngày ấy, ắt phải đến.


Saturday, January 21, 2017

Cho một người phụ nữ, tháng Chạp



Thật nhanh chóng, cuộc vây bắt người phụ nữ có hai đứa con nhỏ tại tỉnh Hà Nam mới diễn ra vào buổi trưa ngày 21/1, thì đến tối, người ta đã nhìn thấy hình ảnh video do công an đưa ra. Cơ quan này vội vã cho biết đã thi hành lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối với chị, Trần Thị Nga, về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo quy định tại Điều 88, Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1999.

Cuộc vây bắt được chuẩn bị thật tươm tất và chu đáo, đã nhắm vào một người không hề trốn chạy và luôn nhìn thẳng, đối diện với mọi hình thức tàn bạo nhất. Cuộc vây bắt rầm rập và quá chuyên nghiệp đến mức người ta nhớ đến các cuộc ra đi khỏi Việt Nam một cách thư thả, của các quan tham nhũng như Trịnh Xuân Thanh, mà tiếng hô vang truy tìm giống như một trò chơi trốn tìm của trẻ con.

Chị Nga bị bắt vào 24 Tết, tức chỉ còn vài ngày nữa là chị Nga và 2 đứa con nhỏ của chị là Phú và Tài sẽ cùng cùng nhau đón ông bà, cùng nhau đón một năm mới. Họ sẽ có cơ hội để ôn lại những ngày tháng cả gia đình nhỏ bé đó bị công an đập cửa sách nhiễu, an ninh mặt thường phục đeo khẩu trang hành hung, thậm chí bị 6 người vây đánh chị Nga bằng gậy sắt đến gãy chân vào năm 2014.

Phú và Tài, hai đứa bé đã cùng mẹ lớn lên, có đủ cơ hội để học biết về bạo lực của ngành công an Hà Nam, lẫn sự phi nhân của người cầm quyền đã không chỉ nhắm vào chị Nga, mẹ của chúng, mà còn cả với chúng - những đứa trẻ đến trường và bị buộc phải học và yêu thương những kẻ tàn độc với mẹ của chúng .

Chị Nga không phải là người phụ nữ duy nhất bị đối xử bất nhân và quy chụp theo điều 88. Nhà cầm quyền đã kéo lê điều 88, 258, 79… đi khắp nước như những cái máy chém vô hình để chụp xuống bất cứ ai mà họ cảm thấy là nhân vật gây khó trong công cuộc gieo rắc toàn trị. Từ sau 1975 đến nay, có rất nhiều người phụ nữ với tiếng nói và tinh thần tự do, ôn hòa của mình đã trở thành cái gai trong mắt kẻ có quyền. Từ Bùi Thị Minh Hằng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Phương Uyên, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Cấn Thị Thêu… và hôm nay là chị Thúy Nga, tức Trần Thị Nga. Đất nước có bao giờ như thế này đâu?

Trong video mà công an đưa ra vào ngày 21/1, gương mặt chị Nga như cố ghìm lại mọi cảm xúc để không ai lợi dụng được hình ảnh yếu lòng của chị. Lúc đó, nỗi đau lớn nhất của chị chắc chỉ là nghĩ đến 2 đứa nhỏ. Tết này chúng sẽ đón ông bà và năm mới mà không có mẹ. Thậm chí chúng sẽ phải tập sống với những ngày mà mẹ chúng bị giam cầm, chúng phải tự lớn lên và học biết chung quanh chỉ là dối trá.

Nhìn vào video, những ai không biết, có thể nghĩ rằng chị Nga là một người hết sức mạnh mẽ và lạnh lùng.

Năm trước, trong một dịp chị vào Sài Gòn, khi ghé thăm Phú và Tài, tôi hỏi là dạo này công an còn làm khó chị không. Trong tíc tắc, tôi thấy chị như rùng mình, trở lại yếu đuối như mọi người đàn bà trên thế gian này cần được sự chở che. Chị nói “chúng vẫn đánh Thầy à”. Và khi hỏi về lúc chị bị những tên bịt mặt vây đánh đến gãy chân, mà chị đã nhận mặt rằng đó là những tên an ninh vẫn đuổi theo chị, chị nói mà ngấn nước mắt “lúc đó, em chỉ nghĩ đến làm sao che được cho 2 đứa con. Chúng có đánh chết em cũng được nhưng em phải che cho Phú và Tài”. Trên đường về, tôi tự hỏi mình rằng, nếu như tôi có mặt ở đó, chứng kiến tội ác, tôi sẽ làm gì?

Lịch sử chưa thể ghi hết và kể hết. Nếu Việt Nam có một Svetlana Alexievich để viết về thân phận của những người phụ nữ đầy sợ hãi nhưng quyết đứng lên để nói sự thật và tranh đấu cho những oan khiên kẻ khác, thì chắc chắn nhân loại sẽ phải rơi nước mắt với nhiều chương u uất của nước Nam, không thua vì những người phụ nữ Nga trong Đệ nhị Thế chiến hay từ sự cố Chernobyl.

Từ vị trí một người công nhân đi lao động hợp tác bị lừa đảo, và khi trở về, nhận ra những bất công xã hội chung quanh mình, chị Nga cũng như những người phụ nữ Việt Nam khác đã dấn thân, trở thành người xây dựng nền móng công lý và sự thật trong xã hội. Thật dễ nhận ra, ở đâu cũng vậy, khi một nhà nước kinh sợ công lý và sự thật, tìm cách trấn áp, thì chắc chắn đó là một nhà nước tăm tối và vô luân.

Thế kỷ 21, có những người phụ nữ Việt Nam đã nguyện thắp lên những ngọn đuốc soi sáng trong xã hội, cho tôi và cho cả các bạn vậy. Ánh sáng đó, đôi khi họ phải trả giá bằng đời người, bằng tù đày và cô đơn. Hôm nay, nếu các bạn và tôi phản bội lại ánh sáng đó, chúng ta không xứng đáng làm người, cũng không xứng đáng để tồn tại trong giống nòi Việt Nam.



Saturday, January 14, 2017

Mặt trận mọi phía vẫn yên tĩnh



Nếu theo dõi các chuyển động thời sự gần đây, bất kỳ ai cũng có thể hiểu rằng chuyến đi của ông John Kerry lần này, hoàn toàn mang ý nghĩa là giải thích với các quan chức chóp bu VN về Tổng thống đắc cử và nội các mới, trấn an các quốc gia như VN trước các xáo trộn về chính sách của Hoa Kỳ với các khu vực, đặc biệt là cam kết về sự có mặt của người Mỹ ở biển Đông trong tương lai.

Vì vậy, dù đại diện cho nước Mỹ và đứng trên chủ trương nhân quyền hay tự do ngôn luận gì đó, ông John Kery vẫn đến, mang tư cách xã giao và gỡ rối cho hoàn cảnh ngoại giao mới mẻ giữa hai nước. Đó mới là mục đích chủ yếu. Thậm chí trong các phát biểu của ông Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ tại VN, nếu có ngụ ý gì các vấn đề mà Hà Nội không thích như nhân quyền, tự do... thì lúc này, ông John Kerry cũng chỉ thể hiện tính nguyên tắc, hơn là thật sự hết lòng cỗ võ cho một mặt trận bất đồng chính kiến tại VN trong bối cảnh hiện thời đang mệt mỏi và ô hợp.

Ông John Kerry quay về Mỹ với kết quả lớn nhất cần có, là cầm theo một hồ sơ tái cam kết về các mối quan hệ cấp quốc gia, và đặc biệt là sẽ không để những tiểu tiết bất đồng như tù nhân lương tâm, các nhóm XHDS hay tự do tôn giáo làm cản trở việc lớn của nước Mỹ.

Vì vậy, việc ngành an ninh VN tung một lực lượng hùng hậu để chận, theo đuổi, cản phá sinh hoạt bình thường của nhiều người trong đôi ngày vội vã của ông John Kerry ở Hà Nội và Sài Gòn, có vẻ là không cần thiết.

Nếu nhìn lướt qua các nhân vật bị chận, bị quấy rối vào những ngày này, người ta nhìn thấy đủ các thành phần như giới blogger phản biện, giới XHDS, giới trí thức nói chung, bao gồm cả văn nghệ sĩ. Số nhân viên an ninh đeo bám các nhân vật bị coi là "nguy hiểm" cho đất nước, được huy động ít nhất từ 2 người, cho đến cả 10 người, cho mỗi nhân vật. Quả là một sự chuyển động quy mô và đầy tốn kém, nhưng đầy im lặng, suốt từ Hà Nội đến Sài Gòn.

Anh Hoàng Dũng, thành viên của nhóm XHDS Con đường Việt Nam, có ghi lại hình ảnh anh bước ra cửa vào một đêm khi ông John Kerry chưa có ở Sài Gòn. Khoảng 8 thanh niên mặc thường phục đứng chặn ở cửa nhà của anh, không nói lý do ngăn cản, cũng như không giải thích được tình trạng hành động bất hợp pháp của họ.

Chị Đỗ Thị Minh Hạnh, đại diện cho Phong trào Lao Động Việt, cũng bị khoảng 10 thanh niên chận trước cửa nhà trong nhiều ngày. Những người này cũng im lặng trước hành động của mình, và dù vậy, ai cũng biết rằng việc giam lỏng công dân, cũng chỉ vì chuyến đi của ông Bộ trưởng ngoại giao Mỹ.

Ông Nguyễn Viện, nhà văn, với vũ khí duy nhất là những cuốn tiểu thuyết không thích xin phép kiểm duyệt của mình, cũng bị nhân viên an ninh mời đi uống nước. "Mời" là một cách nói khá phổ biến, mô tả cách làm việc của giới an ninh Việt Nam khi muốn quấy nhiễu hay tiếp cận để "thẩm vấn mềm" một ai đó. Nhiều năm sau 1975, có khá nhiều chữ nghĩa của người Việt biến dạng, sinh ra thêm các giá trị ẩn dụ. Chẳng hạn "mời" có vỏ bọc rất lịch sự, nhưng ẩn trong đó đôi khi là sự trơ trẽn hoặc thô bỉ.

Trên thực tế, việc canh giữ, theo đuổi, sách nhiễu... nhiều người như trong trường hợp ông John Kerry đến Việt nam là loại bài bản rất cũ. Thậm chí là phản tác dụng. Vì loạt hành động như vậy, có thể giúp cho nhiều người nhanh chóng nhận ra những nhà lãnh đạo Cộng sản đang nghĩ gì, cảm nhận được tình hình xã hội chính trị phía sau bức màn nói chung , và hơn nữa, có thể hiểu việc lập nhóm canh gác, theo dõi, giam lỏng... có khi chỉ là những bài tập thực hành cho các nhân viên an ninh trẻ mới vào nghề, chứ không có ý nghĩa gì cao quý.

Tháng 11/2016, phóng viên John Sudworth của BBC làm cả thế giới sửng sốt khi phát đi những hình ảnh của ông ở Trung Quốc, bị khoảng 20 người đàn ông che mặt, im lặng chận không cho ông tiếp xúc với bà Liu Huizhen, 45 tuổi, chỉ vì bà này tự ứng cử trong một chương trình bầu cử ở địa phương. Sự tương phản của lời kêu gọi tự do ứng cử từ chính quyền và hình ảnh các nhân viên an ninh mặc thường phục che, cản cuộc tiếp xúc bình thường ấy đều có thể khiến người xem vừa chán chường vừa thương hại cho nhà cầm quyền. Bài viết trên BBC gọi những người ngăn cản này là 'thugs', tức bọn lưu manh đầu đường xó chợ. Tên gọi thật xứng đáng.

Trong những hình ảnh mà anh Hoàng Dũng phát đi, về những kẻ lạ mặt ngăn cản anh, không cho ra khỏi nhà, đó cũng là những kẻ cũng đeo khẩu trang, cũng im lặng cúi mặt né đi khi ống kính video đi tới. Tôi chợt nhớ đến những bộ quân phục giống nhau đến kỳ lạ của quân đội Việt Nam và Trung Quốc qua bức ảnh mà báo Lào Cai giới thiệu trong buổi hai nước giao lưu với nhau cuối năm 2016, và tôi cũng nhớ đến cách hành động của những kẻ bị BBC gọi là "du thủ du thực" cũng giống nhau một cách kỳ lạ ngay ở nhà bà Liu Huizhen, và trước cửa nhà anh Hoàng Dũng. Thật khó tả, khi những hình ảnh so sánh đó lướt qua, cũng dễ gây một cảm giác vừa buồn chán vừa thương hại không kém .

Chắc chắn những cuộc gặp của ông John Kerry hay của phái đoàn Liên Minh Châu Âu với dăm ba người cũng sẽ không thể lật đổ được chế độ Hà Nội, hay làm thay đổi được gì vĩ đại trên đất nước này. Một vài người Việt Nam được thăm hỏi hay tiếp cận không thể vụt lên trở thành lãnh tụ của một cuộc cách mạng bí mật. Ngay cả việc nhận định như vậy là một giả thuyết, thì đó cũng là một loại giả thuyết ngu ngốc nhằm dựng nên một khung cảnh quốc gia đầy bất an, nhằm âm mưu để tạo thêm quyền và lực cho cho riêng một bộ phận nào đó.

Nếu như có đổi thay, thì đó là khát vọng đổi thay của cả dân tộc Việt Nam để đi tới một ngày mai tốt đẹp hơn với một quốc gia vững vàng về công lý và pháp luật, để tìm kiếm những người lãnh đạo tương xứng với giá trị lịch sử và tương lai mà tổ tiên Lạc Hồng di huấn. Chính nội lực của người Việt Nam sẽ quyết định tất cả chứ không thể là một âm mưu nào đó từ Hoa Thịnh Đốn hay Bắc Kinh. Giống như Đức Tăng thống Thích Quảng Độ từng nói "đừng trông chờ vào ai, mà hãy là tự chính chúng ta".


Tuesday, January 10, 2017

"Ai đó"


Bằng một giọng buồn rầu, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu nói rằng “ai đó” đã đọc cuốn sách viết về Trương Vĩnh Ký (1837-1898) của ông chưa kỹ, nên ra lệnh ách lại. Tuy vậy, ông vẫn nuôi hy vọng rồi mọi thứ sẽ trở lại bình thường khi cuốn sách nhận được lệnh cần phải sửa đổi gì đó, và được tái phát hành.
Cuốn sách "Petrus Ký, nỗi oan thế kỷ" do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu chủ biên, một công trình tập hợp các bài viết của nhiều tác giả và dù đã được Cục Xuất bản cấp giấy phép, cho phát hành khoảng hơn một tháng, đột nhiên bị lệnh miệng của “ai đó”, khiến mọi thứ ách tắc vào đầu tháng 1/2017. Chương trình ra mắt vào ngày 8/1 tại Sài Gòn bị gọi hủy một cách gấp rút.
Ông Nguyễn Đình Đầu nói về “ai đó”. Người mà ông cũng thật sự không biết là ai, nhưng có đủ quyền lực để rút lại quyền được lưu hành hợp pháp công trình nghiên cứu của các nhà trí thức.  “Ai đó” cũng là một lối nói ám chỉ khá phổ biến của người dân Việt Nam trong xã hội từ nhiều năm nay. Cách nói chừng như rất mập mờ, nhưng hầu như mọi người đều hiểu “ai đó” nghĩa là gì.  
Đây không phải là lần đầu những mệnh lệnh giấu mặt kỳ quặc như vậy, chen ngang vào đời sống Việt Nam. Giới nghệ sĩ âm nhạc, văn chương hay kịch nghệ, điện ảnh… từ Bắc chí Nam, hầu như đều đã có kinh nghiệm về các loại lệnh miệng của “ai đó”. Lối can thiệp bất thường, mà hầu hết lý do đưa ra đều ngớ ngẩn, nhưng lại luôn tỏ vẻ hết sức quan trọng để phục vụ cho các kiểu tư tưởng-chính trị.
Sự kiện của sách "Petrus Ký, nỗi oan thế kỷ" nhắc cho người ta nhớ lại vấn nạn quen thuộc trong xã hội Việt Nam từ nhiều năm nay, kể từ sau năm 1975. Trong một xã hội đói khát sự minh bạch, những chỉ thị thập thò từ bóng tối vẫn khiến xã hội nơm nớp và trở thành u ám hơn. “Ai đó” có nhiều loại, nhưng dễ tìm thấy là hạng người thích phô trương tư tưởng, quyền lực hoặc cả đời xuẩn động theo chủ nghĩa nô bộc trung thành. Cả hai loại đó thường hành động mà bất cần dân tộc hay tổ quốc.
Trong nhiều lời bàn về việc thu hồi sách "Petrus Ký, nỗi oan thế kỷ", hầu hết đều cho rằng do ông Trương Vĩnh Ký dính líu nhiều đến người Pháp, nhà Nguyễn, Phan Thanh Giản… Không biết từ khi nào, những người cầm quyền đã dựng nên nên các phiên tòa với các nhân vật lịch sử Việt Nam, không khác các cuộc đấu tố. Vua Gia Long (1762-1820) bị phủ nhận, thậm chí xóa luôn công lao thống nhất đất nước và mở mang bờ cõi của ông. Suốt trong nhiều năm, báo chí và và văn nô hằn học tấn công Phan Thanh Giản (1796–1867), bất chấp các nghiên cứu nhận định lại cuộc đời và sự nghiệp của ông. Và cũng như Phạm Quỳnh (1892-1945), Trương Vĩnh Ký… bị gọi tên là tay sai của thực dân, xóa bỏ các giá trị xây dựng ngôn ngữ Việt và đời sống xã hội mà các ông đã dựng nên.
Nhiều năm trước, khi cùng với nhà thơ Trần Tiến Dũng và họa sĩ Trịnh Cung về Bến Tre để tìm thăm mộ cụ Phan Thanh Giản, chúng tôi đã rất khó khăn mới đến nơi. Thậm chí khi tôi hỏi thăm, có một quan chức ở Sở văn hóa còn mang ra một tập photo và cắt từ báo, các bài tấn công, miệt thị ông Phan Thanh Giản, đồng thời hỏi rằng “Phan Thanh Giản là nhân vật có vấn đề, anh tới thăm làm gì?”.
Rồi chúng tôi cũng tìm đến được ngôi trường hiếm hoi mang tên Phan Thanh Giản, có bức tượng bán thân của ông. Nhưng khi hỏi các học sinh về tên của trường và ý nghĩa của bức tượng, không ít em đã lắc đầu. Nến văn minh cộng sản đã bao vây và tiêu diệt lịch sử Việt Nam như vậy đó. Thậm chí nền văn minh đó đã rượt đuổi và hăm dọa những ai quan tâm điều họ không muốn, như cách mà chúng tôi sau đó bị người bảo vệ của trường xông tới với dáng vẻ hung hăng khi ông Trịnh Cung đang chụp lại bức tượng, khiến cả nhóm phải lên xe chạy đi lập tức. 
“Ai đó” đã xóa từng phần lịch sử Việt Nam chống giặc phương Bắc ra khỏi trí nhớ các thế hệ một cách rất hệ thống, âm mưu bỏ phần giáo dục lịch sử của quê hương, ghép vào môn Công dân. Và “ai đó” cũng cổ vũ việc in sách ca ngợi các kẻ xâm lược khát máu Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình… cho các thế hệ mới. “Ai đó” cũng dựng nên các câu chuyện dối trá như Lê Văn Tám nhưng không quên trừng mắt chà đạp các nhân vật có thật như Phạm Quỳnh, Trương Vĩnh Ký. Lê Văn Duyệt, Bá Đa Lộc...
“Ai đó” nghe chừng rất nặc danh, nhưng có lẽ nhân dân nghe qua đều hiểu. Trong tác phẩm Sống và chết ở Thượng Hải của nữ sĩ Niệm Niệm, bà cũng có nói đến hiện trạng kiểu “ai đó” trong xã hội cộng sản tại Trung Quốc. Hiện trạng có tên là open secret, tức chuyện tưởng chừng vô cùng bí mật, nhưng thật ra nhân dân, ai cũng biết và ai cũng hiểu. Dân chúng trước mặt thì luôn vâng dạ, kính cẩn, nhưng khi quay lưng thì văng tục và nguyền rủa trong sự khinh bỉ về “ai đó”.
“Ai đó” đang kiểm duyệt, chận, bỏ, xóa và phán xét mọi thứ trên đất nước Việt Nam, dựa trên những tiêu chí không mang giá trị phụng sự thuần túy cho tổ quốc, dân tộc. Cũng như việc “ai đó” đã thu hồi, đình bản sách "Petrus Ký, nỗi oan thế kỷ"  để chận lại việc sách làm rõ câu chuyện lịch sử, con người lịch sử, để minh bạch và cân nhắc lại mọi phán xét.
Và hôm nay, đã đến lúc chúng ta cũng nên đặt lại vấn đề, minh định lại sự tồn tại của chính chúng ta bằng câu hỏi: Rằng những “ai đó”- các ông bà - có tư cách gì để thay đổi và phán xét tổ tiên và lịch sử người Việt của chúng tôi?