Wednesday, October 29, 2014

Để gió bay đi

Thật không may cho anh Tấn trong buổi tối định mệnh đó. Khi tất cả mọi thứ cùng quẩn đổ xuống đầu anh. Mẹ già và con bệnh đang nằm bệnh viện. Trong tay không còn gì để nghĩ đến ngày mai, anh Tấn đã cầm dao chạy ra lề đường và chận 2 người đi đường dừng lại để doạ cướp. Một người bị cướp 20.000 đồng và một người khác bị cướp 30.000 đồng. Anh Tấn muốn dùng số tiền đó để mua đồ đi thăm bệnh cho con vào sáng ngày mai. Thế nhưng chiều hôm sau, anh Tấn bị bắt và bị Toà án xử 7 năm tù vì tội “cướp tài sản”.

Đây là một câu chuyện có thật chứ không phải viết ra từ tiểu thuyết. Thậm chí đó cũng không phải là chủ đề của một cuốn tiểu thuyết về một hoàn cảnh rất xa xưa như của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Người bị xử 7 năm tù là anh Nguyễn Văn Tấn, 25 tuổi ở huyện Lai Vung, Đồng Tháp. Sự việc này đã được báo chí đưa tin, nhưng có lẽ đã không có nhiều người biết. Đơn giản vì giữa những câu chuyện đáng hoảng sợ hàng ngày tại Việt Nam như việc chết người do nước dâng ngập đường, công an phát tờ rơi dặn dò người dân từ nay hãy tự lo an nguy của mình, trẻ sơ sinh chết do chích nhầm… thì chuyện một người ăn cướp và bảy năm tù, nghe chừng như cũng còn quá tầm thường và may mắn.

Nhưng hãy thử dừng lại trong ít phút giây, và nghĩ xem, ở sự cùng quẩn nào trong cuộc sống hôm nay, mà khiến một thanh niên chỉ vỉ 50.000 đồng phải chịu hơn 2000 ngày trong ngục tối, thậm chí giờ đây sẽ không biết mẹ già con bệnh rồi sẽ ra sao?

Một người bạn trên mạng internet, có tên là Người Buôn Gió, nhắc tôi rằng nếu như Việt Nam có một Victor Hugo chắc cũng khó có thể viết xuể những điều đau thương hôm nay chúng ta đang chứng kiến. Có cái gì đó rất gần giữa một người đàn ông Việt Nam 2014 vì muốn có chút tiền cho đứa con bệnh đang nằm viện, phải chịu mức án 7 năm tù giam với một người đàn ông tên Jean Valjean, được khai sinh trong văn học vào năm 1862, chỉ vì ăn cắp một mẩu bánh mì cho người thân đang đói mà phải chịu tù khổ sai trong suốt 19 năm tù. Chỉ là một cái chớp mắt để bay qua thời gian với tốc độ ánh sáng, người ta có thể nhìn thấy những số phận của họ giống nhau. Chỉ có sự khác biệt là một người sống ở chế độ phong kiến thối nát và một ngươi sống ở nền tảng căn bản trên lý thuyết là tốt đẹp của xã hội chủ nghĩa.

Cùng quẩn là những điều mà chúng ta vẫn thường thấy hàng ngày, trên các bản tin, nhưng dồn dập đến mức trái tim mỗi người lạnh đi. Máu đã không còn đủ nóng để làm ý thức công dân giật mình về những gì đang có chung quanh mình. Câu chuyện về người mẹ nghèo đến mức tự vẫn để lấy tiền phúng điếu cho con sinh sống, về bữa ăn không đủ khiến bé gái kiệt sức ngã xuống sông mà chết…v.v Câu chuyện của anh Nguyễn Văn Tấn chỉ là một trong 1001 câu chuyện kể Việt Nam, nhưng được kể sơ sài bằng phần đáp trả của luật pháp. Rất nhiều phần khác của ý nghĩa nhân đạo và trách nhiệm vẫn bỏ ngỏ. Nếu sau 7 năm ngồi tù, quay trở ra với hoàn cảnh nghèo khổ như hiện nay, hoặc hơn, không có gì có thể ngăn cản anh Tấn lại tiếp tục cầm dao để xuống đường ăn cướp, nếu anh lại lâm vào điểm cùng quẩn như vậy.

Tìm lại trong các báo cáo thành tích của tỉnh Đồng Tháp, quê quán của anh Nguyễn Văn Tấn, tỉnh này tuyên bố rằng họ thành công rực rỡ trong tiến trình xoá đói giảm nghèo từ hơn 10 năm trước. Tỉnh Đồng Tháp có báo cáo gửi lên chính phủ trung ương là từ năm 2004 đã xây dựng mô hình điểm xóa đói giảm nghèo vùng đặc thù thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, vùng ngập lũ với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với sắp xếp lại cụm, tuyến dân cư, tổng vốn đầu tư 15,985 tỷ đồng. Mới đây, tháng 9/2014, Đồng Tháp còn được công nhận là 6 tỉnh hàng đầu của Đồng Bằng Công Cửu Long thành công và được tuyên dương vì giảm nghèo cho hàng ngàn người.

Nhưng giờ đây, thì chúng ta chứng kiến một mảnh đời nghèo khó đến bạo động, như một vết ố trên tấm bằng khen mà rất nhiều người nhận nó, muốn tẩy đi để có trọn vẹn sự hoàn hảo.

Một người bạn ở Nhật, dẫn trên facebook câu chuyện có thật về một người Việt sang Nhật du học, bị cảnh sát ắt vì tham gia đường dây ăn cắp những chai rượu giá 2000 yên Nhật (400.000 đồng). Người sinh viên Việt này không bị ngồi tù, nhưng đã khóc vì được viên cảnh sát người Nhật lớn tuổi nói chuyện về tư cách và lòng nhân ái giữa con người với nhau. Ở một quốc gia coi hành động trộm cắp như tội ác, nhưng với trái tim nhân hậu ấm áp và nền tảng văn minh, người ta vẫn tìm ra cách ứng xử để nâng dậy người đã ngã. Khác với án 7 năm tù cho một thanh niên đã không còn làm chủ được hành vi vì hoàn cảnh gia đình, Kết cục của câu chuyện như một nấm mồ của số phận.

7 năm tù cho 50.000 đồng có đắt quá hay không? Những người đã ngồi ở phòng xét xử trường hợp anh Nguyễn Văn Tấn đã có ai từng ngồi ở phòng xét xử các bị cáo quan chức tham nhũng với các con số hàng trăm triệu, hàng trăm tỉ đồng… rồi sau đó chỉ là án treo vì được coi là có dấu hiệu tâm thần, không làm chủ được hành vi của mình? Có thể đó là một tập thể điên khi cuồng dại ngấu nghiến tiền của và tài nguyên quốc gia, nhưng chắc chắc họ không hề cùng quẩn. Chính Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội Nguyễn Văn Hiện từng đặt câu hỏi rằng: “Tại sao tham nhũng lại bị tâm thần nhiều thế?”. Các báo cáo của Quốc Hội cho biết tham nhũng trong năm 2013 gây thiệt hại là 6.000 tỷ đồng, nhưng chỉ có 10% được thu hồi, còn 90% là mất vì các bị cáo thường là khai tâm thần, không làm chủ được hành vi.

Nhà tranh đấu lừng danh Mahatma Gandhi có câu nói nổi tiếng. “I will not let anyone walk through my mind with their dirty feet.” (tạm dịch: Tôi không để cho bất cứ ai bước qua mình bằng đôi chân dơ bẩn của họ). Anh Nguyễn Văn Tấn không bước vào toà bằng đôi chân bẩn. Đó chỉ là đôi chân run rẩy của định mệnh cùng quẩn xô đẩy anh. Thế nhưng đã có biết bao đôi chân dơ bẩn như vậy đã dẫm đạp trên đất nước này, dẫm đạp lên luật pháp chưa bao giờ biết tù tội là gì?

Nói về bộ tiểu thuyết Những người khốn khổ của mình, nhà văn Victor Hugo viết rằng "Khi pháp luật và phong hoá còn đầy đoạ con người và đem một thứ định mệnh nhân tạo chồng thêm lên thiên mệnh thì những quyển sách như loại này còn có thể có ích". Thêm một câu chuyện khốn khổ nữa trên đất nước này, liệu đã đủ dày cho bộ trường thiên về những số phận nhỏ nhoi chưa, hay tất cả những số phận đó chỉ thoảng qua, như gió bay đi?

Thursday, October 23, 2014

Những câu chuyện về đàn bà

Người đàn bà ngồi tựa vào tường trên lối mòn của một con hẻm. Mệt mỏi và thiếp đi cạnh quang gánh của mình. Hai đầu gánh là đủ thứ quà vặt như bánh tráng, kẹo, đến chanh, ớt... rồi có cả đồ chơi trẻ con chằng cột. Chị như muốn kéo cả thế giới chung quanh đi theo mình trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn không có ngày tháng cuối.

Hình ảnh đó đẹp đến mức tôi dừng lại, muốn chụp tấm ảnh làm kỷ niệm thì chị choàng tỉnh. Chị sợ hãi hỏi tôi chụp ảnh để làm gì. Có lẽ những cuộc rượt đuổi hàng rong trên hè phố là cơn ác mộng triền miên khiến chị không bao giờ có được chút thanh thản. Trò chuyện ít lâu, mới biết chị đi từ Quảng Ngãi vào bán hàng rong để gửi tiền về giúp cho gia đình. Tháng nhiều thì được 700-800 ngàn. Tháng ít thì 300-400 ngàn.

Người phụ nữ ấy chỉ là một trong hàng trăm ngàn con người đang lưu lạc mưu sinh trên đất nước này. Ẩn trong nụ cười hay lời rao hàng đơn giản đó, là những câu chuyện đời trôi dạt theo miếng ăn, trắc trở hơn những câu chuyện dài truyền hình giả tạo, nhưng buồn thay, chẳng có mấy người xem.

Khi chị ngồi giở mẩu giấy ghi lại tiền nong đã buôn bán trong ngày. Những ngón tay lần mò trên con số ngắn và nhỏ hơn biết bao lần những biên lai tính tiền thường nhật trong thành phố. Những ngón tay của chị nhiều ngày tháng không có được hơi ấm của chồng. Bao nhiêu người phụ nữ trên đất nước này đã bước lên chuyến xe đời khốn khó và không biết ngày nào có lại được hơi ấm từ người đàn ông của mình? Một trong những người phụ nữ như vậy mà tôi gặp nói rằng bà đã rời khỏi nhà gần 15 năm, sống một mình, làm lụng gửi tiền về quê nhưng chưa bao giờ có ý định chọn một tấm chồng khác.

Khi tôi xin được chụp hình chung với gánh hàng rong của người phụ nữ từ Quảng Ngãi, chị hốt hoảng nói không được. Hỏi mãi, thì chị mới nói thật là sợ chụp hình chung, nếu lỡ chồng đang đi làm ở quê thấy được, tưởng chị "mèo mỡ" sẽ buồn giận, tội nghiệp lắm.

Tôi cứ ước mình viết được một bài hát về người phụ nữ này, hay những người phụ nữ tương tự như vậy. Những nốt nhạc không bật ra được, cứ nghẹn lại trong hốc sâu nào đó. Những người đàn bà được mô tả đẹp như cổ tích trong văn chương, hội hoạ... thường thấy, chưa bao giờ có đủ hình ảnh quê mùa và ngọt ngào đến vậy. Không cần cầm súng hay bước ra bục tuyên hô, những người đàn bà vô danh này chống chọi cho một linh hồn đất Việt mong manh, giữa thời phụ nữ đang phải là một cái gì đó rất khác lạ.

Nhưng tôi vẫn còn nợ một bài hát khác, về những người phụ nữ Việt vô danh khác.

Trên một chuyến đi, may mắn được ngồi cùng vài cô gái Việt Nam lấy chồng Đài Loan về thăm quê, tôi bèn xin hỏi chuyện đời sống của họ. Nói về chuyện báo chí Việt Nam vẫn mô tả cuộc sống đi lấy chồng Đài Loan như địa ngục hay nô lệ, các cô nhìn nhau, rồi nhìn tôi cười.

"Cũng có những người không may, nhưng không phải ai cũng vậy, anh à", một cô gái đồng hương Cần Thơ giải thích. Những cô gái rất trẻ nói về cuộc sống mới của mình. Họ nói rằng đã chọn hài lòng với cô đơn, hài lòng với những khó khăn mà họ phải trãi qua, ít nhất để cho mình, cho cha mẹ mình thoát nghèo khó. Ở miền Tây, có rất nhiều nơi được đặt tên là làng Đài Loan, làng Hàn Quốc... chỉ vì những đứa con gái lấy chồng xa xứ tằn tiện chi tiêu chỉ để dựng lại nhà cho gia đình mình.

Khi được hỏi về nạn bạo hành gia đình của các cô lấy chồng ngoại quốc. Một người lại nhìn tôi cười, hỏi rằng "bộ anh không không biết là lấy chồng dưới quê xứ mình cũng bị đánh tới chết cũng không ai cứu à?".

Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi này mở ra cho tôi một góc nhìn khác về những người phụ nữ Việt tìm duyên tha hương. Chắc chắn họ không hoàn toàn những kẻ điên cuồng hay mất nhân cách như báo chí vẫn gièm xiểm. Thật buồn khi có một thời đại mà những người phụ nữ Việt phải chọn cuộc sống khác hơn ở quê hương mình. Rất nhiều người đã phỉ báng họ. Nhưng giữa chọn lựa rất thực tế, có thể tự xoay sở cho đời mình, họ đủ thành thật để không màng một tiếng thơm hảo. Nỗi buồn xin gửi lại cho quốc gia và thời cuộc, họ chỉ là nạn nhân.

Có thể rồi những người phụ nữ này bình an, nhưng họ khó mà có được hạnh phúc. Điều mà mọi tôn giáo dạy con người đi tìm, cả thế gian mơ đến thì họ chấp nhận lìa bỏ trong kiếp sống tạm, để có thể làm được gì đó cho gia đình, hoặc không là gánh nặng ở quê nhà. Cũng như người đàn bà mưu sinh đến từ Quảng Ngãi, bao giờ thì những người phụ nữ lấy chồng xa này sẽ có, hay cảm nhận được hơi ấm của hạnh phúc đời mình?

Trong những ngày xưng tụng phụ nữ được ghi vào lịch, hình bóng "xấu xí" của những người phụ nữ này chắc không thể có trong diễn văn hay những bông hoa đẹp, dù là phô diễn. Cũng không có những bài ca nào chia sẻ, hát về họ giữa một hiện trạng đất nước thiếu những trái tim biết yêu thật thà. Những bài ca chỉ vang lên lời xảo biện.

Một đất nước thật đáng buồn, nếu chỉ còn biết có hot girl hay xưng tụng một giai cấp khoe khoang mua sắm tiền tỉ, thèm khát những vẻ đẹp bề ngoài. Khi trò vui che lấp các số phận, đến một ngày nào đó, tất cả chỉ là mồi thiêu như các loại hàng mã trong niên đại cô hồn. Thật ghê sợ những đêm hoa đăng tranh đua vùi chôn sự thật mà lẽ ra chúng ta cần phải đối diện.

Tôi ước mình viết được bài ca để hát về câu chuyện của những người đàn bà vô danh ấy, một ngày nào đó. Những số phận ấy tầm thường mà khác thường. Nhưng những nốt nhạc hiện thực vẫn chưa thể vang lên, vì vừa chớm thì đã chết lặng trong những cuộc vui hoa đăng bất tận trên đất nước này. Những tượng đài tốn kém mọc lên, những bông hoa đủ màu ngập ngụa đất nước, rực rỡ như phấn son, che lấp giọt mồ hôi hay nước mắt con người.



Tuesday, October 21, 2014

Trung Quốc: Chế độ kiểm duyệt đang tự cắt vào thịt mình

image



Cuộc Cách mạng Dù ở Hồng Kông bộc lộ một vết thương mưng mủ trong lòng chế độ Bắc Kinh: lòng khát khao tự do của người dân đang ngày càng bừng bừng ở mọi hướng. Nhưng không chỉ vậy, Trung Quốc nhận ra ngay trong giới nghệ sĩ cũng xuất hiện làn sóng phản kháng mạnh mẽ, đến mức chính quyền phải hốt hoảng mở rộng việc trừng phạt hàng loạt các nghệ sĩ có thái độ chính trị hoặc hành động ủng hộ một nền dân chủ tương lai. Những hành động kiểm duyệt và ngăn chận này bị coi là những lát cắt thẳng vào da thịt của chính nhà nước Trung Quốc, có thể thoả mãn lòng tự kiêu của các nhà lãnh đạo nhưng đau đớn vì sự huỷ hoại chính bản thân mình.

Ngay khi các nghệ sĩ như Lưu Đức Hoà, Châu Nhuận Phát, Lương Triều Vỹ… lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh hãy ứng xử ôn hoà với giới sinh viên biểu tình, lập tức Bắc Kinh đã tức giận và lập ngay một danh sách đen, cấm các đài truyền hình, các hãng phim ở đại lục không được sử dụng, ký hợp đồng hay phát hình với các tài tử trên. Bằng cách suy nghĩ đơn giản nhất, bạn nghĩ rằng các nghệ sĩ đó sẽ thiệt hại vì lệnh cấm hay chính Trung Quốc đang dùng hệ thống kiểm duyệt đâm mù mắt mình để không nhìn thấy ánh sáng của các ngôi sao điện ảnh đó?

Nhiều năm nay, Trung Quốc là một trong những nước vẫn còn áp dụng chính sách kiểm duyệt tồi tệ nhằm kiểm soát quyền tự do sáng tạo và ngôn luận của giới nghệ sĩ. Cấm đoán hay tạo ra những âm mưu tấn công vào những người có thái độ “không ngoan ngoãn”, đòi tự do hoặc đối kháng là chuyện thường xuyên trong xã hội văn hoá văn nghệ của đại lục. Dĩ nhiên, bên cạnh đó sự tàn bạo đó cũng tạo những làn sóng ngầm bất chấp hay tranh đấu cưỡng lại không thể nào truy bức hết được.  

Khi Hồng Kông sôi lên ngọn lửa đòi quyền dân chủ của người dân, lập tức cũng có không ít các nghệ sĩ ở đại lục lên tiếng ủng hộ. Hoảng sợ trước việc đó, ngày 16 tháng 10 vừa rồi, Tập Cận Bình phải đích thân lên tiếng, phát đi bởi Tân Hoa Xã. Họ Tập giận dữ nói rằng chính quyền sẽ sẳn sàng cấm hẳn những nghệ sĩ có tư duy “vô đạo đức” chống lại nhà nước. Đồng thời họ Tập ca ngợi những nghệ sĩ, tác phẩm luôn  có tinh thần yêu nước. Hệ thống truyền thông của Trung Quốc so sánh bài phát biểu này của Tập Cận Bình, nêu lên những điểm giống nhau của bài phát biểu về văn hoá năm 1942 của Mao Trạch Đông. Trong bài nói, họ Mao tuyên bố văn hoá văn nghệ chỉ có một mục đích là phục vụ cho chủ nghĩa cộng sản. Nhiều năm sau bài nói chuyện đó, cả đất nước Trung Quốc rơi vào cuộc cách mạng văn hoá đẫm máu nhất lịch sử loài người.

Một số các hình thức quen thuộc, bị cả thế giới khinh thị, là cách Trung Quốc tấn công vào giới nghệ sĩ bằng cách cấm các tác phẩm của họ, cấm không cho hoạt động và tước giấy thông hành ra nước ngoài. Ải Vị Vị là một trong những nghệ sĩ lừng danh trên thế giới cũng bị vây hãm như vậy. Câu nói nổi tiếng của ông khiến Bắc Kinh nổi điên là “chế độ này cướp đi tự do và quyền làm người của nhân dân để tạo lợi nhuận chính trị cho chúng”.

Đâu chỉ có nghệ sĩ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan phải chịu một nhà tù kiểm duyệt như vậy, ngay cả giới nghệ sĩ, diễn viên quốc tế cũng bị Bắc Kinh kiểm duyệt. Cả hai vợ chồng Brad Pitt và Angelina Jolie đều không được quyền vào Trung Quốc hay Hồng Kông vì đã có thái độ làm cho Bắc Kinh không vui. Brad Pitt thì do đóng vai chính trong phim Seven Years in Tibet (7 năm ở Tây Tạng), tố cáo việc Trung Quốc xâm lược và săn đuổi Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, khiến ông phải đi tỵ nạn khỏi quê hương của mình. Còn Angelina Jolie thì do ý kiến xác định Đài Loan là một nước độc lập nên cũng bị gạch tên trong danh sách nhập cảnh.

Cùng hoàn cảnh tương tự, tài tử lừng danh của bộ phim Pretty Woman (Người đàn bà đẹp – đóng cùng Julia Roberts) là Richard Gere. Do ông theo đạo Phật và ủng hộ con đường đấu tranh ôn hoà của Đức Đạt Lai Lạt Ma nên cũng bị Bắc Kinh ngăn chận. Cùng tình trạng đó, còn có đạo diễn bậc thầy Martin Scorsese và diễn viên Harrison Ford, Sharon Stone… danh sách này ngày càng dài hơn vì Bắc Kinh và hệ thống kiểm duyệt của mình ấu trĩ và ngớ ngẩn so với thời đại văn minh. Cứ hễ giận dỗi và không vui thì họ điền tên những người mới vào danh sách "đen", cho dù những hành động đó trở thành vô tác dụng và là trò cười cho cả thế giới.

Phong trào chống lại hệ thống kiểm duyệt ở Trung Quốc cũng đang ngày càng có nhiều người tham gia. Một thành viên của nhóm “Tuyên ngôn tự do” ở Quảng Châu vẫn hay tổ chức những cuộc tuần hành có đến vài trăm người, đòi huỷ bỏ hệ thống kiểm duyệt và tự do ngôn luận từ nhiều năm nay, nói rằng “Cộng sản không biết rằng mỗi một lần kiểm duyệt là một lát cắt vào da thịt đất nước này, cắt vào mặt của nhân dân. Họ không biết rằng họ đang tàn phá văn hoá đất nước trong khi họ chỉ là những khách không mời - đến và sẽ phải sớm ra đi”.

Ngày 17 tháng 10, trong lòng cuộc cách mạng dù, khi nghe tin Cục quản lý Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc (SARFT) đã ra lệnh cấm tất cả hình ảnh và hoạt động và của diễn viên Lưu Đức Hoa và Châu Nhuận Phát ở đại lục, nhiều người đã nhắc lại lời bình luận của nhà văn phản kháng Thiết Lưu, sống tại Bắc Kinh “Cộng sản có vũ khí, nên họ ảo tưởng rằng dân tộc và quốc gia này là sở hữu của họ”. Tháng 5, 2014, nhà văn Thiết Lưu, 81 tuổi, người trung thành với nguyên tắc tự do ngôn luận cũng đã bị công an văn hoá ập đến bắt đi mất tích.

Wednesday, October 15, 2014

Những cuộc cách mạng từ số phận

Trong buổi sáng ngày 10/10, khi tin tức phát đi cho biết giải Nobel hoà bình 2014 thuộc về về 2 con người cao quý của Ấn Độ và Pakistan, chắc hẳn không ít người dân của 2 quốc gia này đã rơi nước mắt sẻ chia vui mừng cho niềm kiêu hãnh từ khổ đau của họ, cho một niềm hy vọng ấp ủ của họ.

Giải Nobel Hoà Bình năm nay, vinh danh những cái tên vươn lên từ thế giới nhục nhằn thống khổ. Một bên là chủ nghĩa dã man nhân danh lý tưởng, nơi vùng đất của Pakistan đang chịu sự hành hạ và cưỡng bức từ Taliban. Và một bên khác là chủ nghĩa dã man nhân danh phát triển đã đày đoạ và lạm dụng sức lao động trẻ em ở Ấn Độ. Nobel Hoà Bình 2014 đã hoàn thành trọn vẹn vai trò của mình khi nhắc nhở rằng giữa những điều tàn tệ mà con người buộc phải chấp nhận trong thế kỷ 21, vẫn có những niềm hy vọng trỗi dậy, vượt qua cái chết và số phận, toả sáng như những tượng đài của lương tâm.

Điểm chung của cả hai nhân vật được giải Nobel Hoà Bình 2014 năm nay, ông Kailash Satyarthi (60 tuổi) và cô Malala Yousafzai (17 tuổi) rằng họ chỉ là những con người bình thường, cuộc sống bình thường nhưng bị xô đẩy phải trở thành những người làm cách mạng cho đời mình, cách mạng cho dân tộc mình.

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó chứng kiến cha mẹ mình quá cực khổ để kiếm ra tiền cho con đến trường, ông Kailash lớn lên với giấc mơ đem học vấn và cuộc đời an lành đến cho mọi đứa trẻ. Câu chuyện đời của ông Kailash trở thành một huyền thoại sống của đất nước Ấn Độ khi suốt những năm qua, tổ chức Bachpan Bachao Andolan của ông đã cứu giúp được hàng chục ngàn đứa trẻ. Ở tuổi 26, ông Kailash Satyarthi từ bỏ công việc kỹ sư điện đầy hứa hẹn của mình và quyết dấn thân vào con đường cứu giúp những trẻ em ở Ấn Độ đang trở thành nô lệ lao động, tố cáo sự bóc lột trẻ em. Đó là một hành động hiểm nguy vì ông có thể bị trả thù và giết chết bất cứ lúc nào. Tuy nhiên nhờ sự ủng hộ của dân chúng mà tổ chức của Kailash Satyarthi dần dần lớn mạnh. Cho tới hôm nay, ý tưởng về một tổ chức toàn cầu mang tên Global March Against Child Labor của ông, đã có hơn 2000 thành viên từ 140 quốc gia.

Với Malala Yousafzai, cuộc đời của cô cũng là một bước ngoặt bất ngờ khi cô lên tiếng về quyền được đi học của phụ nữ, và bị Taliban, nhóm Hồi giáo cực đoan bắn vào đầu, do cho là cô đã chống lại kinh thánh Hồi Giáo của họ. Sự khác biệt của Malala là sau khi tỉnh dậy, trên đầu phải vá bằng một miếng thép, thay cho phần sọ đã vỡ, cô lại tiếp tục lên tiếng và tranh đấu cho hàng triệu trẻ em đạo Hồi đã chết hoặc đang sống trong hoàn cảnh nghiệt ngã. Sức mạnh và lẽ phải trên nền tảng bất bạo động của Malala đã khiến ngay cả giới Taliban cũng phải rúng động. Chính thủ lãnh Adnan Rasheed ở vùng thung lũng Swat, Pakistan đã gửi thư cho Malala, thú nhận rằng ông ta cũng bị sốc khi nghe cô bị bắn. Tuy nhiên Adnan Rasheed cố biện minh rằng Malala bị trừng phạt vì đã thách thức lưỡi gươm đạo Hồi và tuyên truyền cho phương Tây.

Malala Yousafzai là một trong những người sống sót và rất hiếm hoi quyết lên tiếng. Trong bài viết của tờ Daily Times, Ấn Độ, nhà báo Omer Zaheer Meer có viết rằng đã có vô số những cái chết như vậy xảy ra bởi một chế độ độc tài nhân danh lý tưởng. Sự tồi tệ bạo hành trên con người luôn bị cả thế giới khinh ghét. Tay sai của chế độ chặn trước cửa nhà, hành hung trên đường đi, tấn công quyền sinh tồn và học hành hợp pháp của con người. Thậm chí bọn chúng xông vào nhà hành hung và giết chết. Nếu Malala Yousafzai không lên tiếng, cô chỉ là một linh hồn tức tưởi như bao cái chết khác. Bất chấp việc bị hãm hại ở quê nhà, xua đuổi khỏi tổ quốc do chống lại cái ác, cô gái nhỏ Malala đứng lên và trở thành niềm hy vọng vào ngày mai, của bình an và lương tâm của con người.

Khi Malala Yousafzai nhận giải Nobel Hoà bình ở tuổi 17, rất nhiều người đã nghĩ đến Josua Wong (Hoàng Chi Phong) của Hồng Kông. Cuộc Cách mạng Dù đầy lãng mạn và quả cảm của những sinh viên Hồng Kông trong việc đòi quyền bầu cử minh bạch cũng đã giới thiệu một chàng trai 17 tuổi nhận thức sắc bén với thế giới sống của mình và không chịu chấp nhận bị lừa phỉnh, bị biến thành một con rối chính trị cho bất cứ ai. Việc lên tiếng mạnh mẽ của Josua Wong cũng biến cuộc sống bình thường của anh ta thành một nhà cách mạng. Bị chính quyền khủng bố bằng cách cho côn đồ giả danh hành hung, sỉ nhục, gửi vòng hoa phúng điếu đến tận nhà, Josua Wong càng rực sáng để soi rõ bộ mặt nhớp nhúa chính quyền độc tài.

Giữa một thế giới như đang vào buổi hoàng hôn của văn minh nhân loại, hỗn loạn khắp nơi bởi những chính quyền nhân danh lý tưởng, độc tài và đạo đức giả, tuổi trẻ của một thế hệ mới đang làm bừng lên một niềm hy vọng. Những cuộc cách mạng cần thiết bằng lương tâm và lòng dũng cảm, như những nốt nhạc bất ngờ làm rúng động, thức tỉnh lòng người giữa một bài trường ca thế gian tối tăm và tuyệt vọng.

Wednesday, October 8, 2014

Lương tâm, có một lương tâm

Trong một vụ án kéo dài suốt nhiều năm, mà nay vẫn còn gây tranh cãi, đó là trường hợp án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn. Trong lần trả lời báo chí mới đây, ông Phạm Tuấn Chiêm, thẩm phán TAND tối cao trong vụ xét xử ông Chiêm có tuyên bố rằng "tôi đã không làm gì trái với lương tâm".

Ông Chiêm đang trong giai đoạn bị cơ quan điều tra VKSND Tối cao khởi tố vì vụ án oan sai chấn động cả nước, thậm chí tin tức lan ra cả quốc tế.

Trong những lời bộc bạch của ông Chiêm, vừa quẩn vừa mạch lạc, người ta có thể nhìn thấy nhiều thứ từ vụ án này. Một vụ án quái gở năm 2001 biến một người đàn ông lương thiện ở Bắc Giang đột nhiên trở thành kẻ sát nhân. Ông Nguyễn Thanh Chấn, nạn nhân oan ức của vụ án đã chịu tù 10 năm, bị đánh đập, bức cung và án tử hình luôn lơ lửng trên đầu mình. Cả gia đình ông tan nát, sụp đổ. Quan trọng hơn là xóm làng của ông Chấn - những người biết rõ nỗi oan của ông - đã cay đắng với niềm tin rằng công lý là một điều có thật.

Cuộc sống thật khó lường trong những tíc tắc của định mệnh. Mọi thứ thật mong manh và đau đớn. Cái tíc tắc của thời khắc ông Chấn bất ngờ thấy mình bị công an ập đến, còng tay mang đi không khác gì tíc tắc khi ông dồn hết niềm tin và sức mạnh còn lại của một người đã rã rời, trước toà kêu oan với thẩm phán rằng ông bị bức cung chứ không hề có tội.

Nhưng rồi tuyệt vọng là điều duy nhất ông Chấn có được, kể từ bị gán tội cho đến khi ông thẩm phám Phạm Tuấn Chiêm lạnh lùng từ chối tiếp nhận lời kêu oan của ông trước toà. Mười năm gửi đơn, mười năm kêu oan, mười năm tủi nhục... chắc rằng hy vọng của ông Chấn và gia đình ông không còn nhiều, mà mọi hành động chỉ bởi nỗi đau của con người thúc giục muốn đòi công lý, bản năng con người muốn cưỡng lại số phận mình mà thôi.

Ông Chiêm giải thích ông không quan tâm lời kêu cứu về việc bị bức cung của ông Chấn trước toà, vì ông tin rằng bọn tội phạm vẫn hay làm vậy. Và lương tâm của ông vẫn yên ổn. Nhưng vì sao, ông thẩm phán lại không ưu tiên dùng phán đoán của một người làm luật nhiều năm kinh nghiệm để giải quyết lời kêu oan đó, thay vì giải quyết bằng giá trị của một nhà tâm lý học - một lĩnh vực mà ông Chiêm chỉ là người chập chững trong nghề?

10 năm kêu oan, máu và nước mắt... của ông Nguyễn Thanh Chấn cùng gia đình, không thể không một lần đến tai ông Chiêm. Vì sao ông lại có thể lướt qua những số phận người dưới tay mình một cách thản nhiên như vậy? Vì sao lương tâm chưa bao giờ thúc giục ông giở lại, hoặc đề nghị xét lại hồ sơ vụ án để tìm hiểu về hiện trạng?

Thật có quá nhiều điều để nói về lương tâm. Nhất là khi thế giới ngày càng văn minh, người ta có thể bàn về lương tâm với mọi kiểu nguỵ ngôn. Thế nhưng, tận cùng thì lương tâm, vẫn chỉ có một lương tâm thật sự đủ cho giá trị con người đúng nghĩa.

Trong Monster của tác giả Naoki Urasawa, khi viên thanh tra Heinrich Lunge muốn tìm hiểu sự thật về một tội ác, ông chấp nhận mất việc, tự mình theo đuổi nhân chứng duy nhất là bác sĩ Kenzo Tenma suốt nhiều năm để cuối cùng tìm ra được mọi đầu mối chính là tội ác của chính quyền của chính quyền Đông Đức trên con người. Lương tâm của một con người thúc đẩy khiến thanh tra Lunge không thể dừng lại, ngay khi ông nghĩ mình đã đúng, mọi hồ sơ ông đọc qua là hoàn chỉnh. Lương tâm của một viên thanh tra dẫn ông đến trước mặt con người chịu oan ức nhiều năm để nói một lời xin lỗi, nhìn nhận ông đã sai.

Cùng vì lương tâm, mà trong Les Misérables, viên thanh Javert chấm dứt săn đuổi tên tù khổ sai Jean Valjean để cuối cùng gieo mình xuống sông. Nếu có một lương tâm khác, có lẽ Javert đã yên ổn tiếp tục săn đuổi và phán quyết các vụ án của mình, đổ hết mọi chuyện rằng mình chỉ là người thừa hành.

John Lennon, linh hồn và lương tâm của nhóm nhạc Beatles cũng từng nói rằng "Sống thật dễ khi nhắm mắt lại" (Living is easy with eyes closed). Hãy nhắm mắt lại, bịt chặt tai để không nghe thấy, để giam hãm con người mình với trái tim mù loà, chúng ta cũng sẽ an lòng vì đã không làm gì trái với lương tâm của mình cả.

Cũng may là ông Nguyễn Thanh Chấn đã không chỉ có một lương tâm toà án của ông Phạm Tuấn Chiêm. Cũng có một lương tâm khác của thủ phạm là Lý Nguyễn Chung đã cắn rứt anh, khiến anh đầu thú. Một lương tâm không thể ăn ngon ngủ yên khi thấy kẻ khác đang chịu tội thay mình. Đã có biết bao những vụ án kêu oan trước toà vì bị bức cung, đã chôn theo năm tháng vì không có một lương tâm như Lý Nguyễn Chung, ngoài lương tâm thẩm phán?

Trong những câu chuyện hài hước của người La Mã ghi lại. Có chuyện kể rằng hai ông cháu ăn mày ngồi ở nghĩa trang. Khi thấy một con chó hoang bới mộ và tha cái gì đó đi. Đứa cháu kể lại cho ông nghe, vì ông bị mù. Người ông im lặng cười và nói "có thể đó là mộ Brutus, và cái bị tha là lương tâm của hắn". Lịch sử La Mã cổ đại ghi rằng năm 44 trước CN, vì lo sợ quyền lực của Caesar, một nhóm trong Viện Nguyên Lão đã tổ chức ám sát Caesar. Trong đó, người đâm nhát gươm chí mạng chính là Brutus, con nuôi của ông. Sau đó, bị dân chúng phỉ báng , Brutus đã phải kêu lên rằng "Tôi hành động vì lương tâm La Mã".

Mong rằng đất nước này sẽ thôi những điều oan trái. Và lương tâm, chỉ có một lương tâm được vinh danh vì thái độ biết làm người.



Tuesday, October 7, 2014

Khi Trung Quốc chuyển lửa Cách Mạng Văn Hoá vào Hồng Kông

[caption id="attachment_378" align="alignnone" width="300"]Ông Cliff Buddle (trái), giảng viên ở Hồng Kông và sinh viên Trung Quốc Li (phải) giả danh, tấn công ông trước giảng đường, đòi thôi dạy bằng tiếng Anh Ông Cliff Buddle (trái), giảng viên ở Hồng Kông và sinh viên Trung Quốc Li (phải) giả danh, tấn công ông trước giảng đường, đòi ông không được dạy bằng tiếng Anh[/caption]

Câu chuyện bạo lực mới nhất, vừa xảy ra ở Hồng Kông đang cảnh báo về một cao trào Cách mạng Văn Hoá kiểu mới, do Trung Quốc phát động, có thể nhanh chóng gây ảnh hưởng đến vùng nói tiếng Hoa chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh, hoặc ở các những quốc gia “anh em” như Việt Nam.

Tờ South China Morning Post (SCMP) tường thuật cho biết chiều ngày 6 tháng 10/2014, tại Đại học Hồng Kông, ngay trong giảng đường T3 của lớp Đạo Đức và Luật Truyền Thông Đại Chúng (Media Law and Ethics), ngay khu liên kế Meng Wah, một sinh viên đến từ Trung Quốc đã tìm cách tấn công thầy giáo khi ông này đang giảng bài bằng tiếng Anh, chứ không bằng tiếng Trung Quốc.

Ông Cliff Buddle, người Anh, chuyên gia về pháp lý, biên tập viên của tờ SCMP đã bị tấn công bị cách tàn bạo bởi một sinh viên có tên là Vangary Li, 27 tuổi. Trong một bài giảng, người sinh viên này đột ngột đứng lên, hét trước giảng đường "Hồng Kông đã chuyển giao về Trung Quốc 17 năm nay rồi, tại sao mày cứ nói bằng tiếng Anh vậy?". Người giảng viên 50 tuổi này đã bị Li xông đến đấm vào ngực. Nhưng trong một tường thuật trên facebook, một nhân chứng nói rằng ông thầy còn bị đập liên tục bằng một cuốn sách dày, bọc bìa da màu đen vào mặt và tay. Ngay khi có tiếng sinh viên thét lên gọi cảnh sát, tay Li này đã thản nhiên nói "chuyện nhỏ" (No problem) và tiếp tục tấn công ông Cliff cho đến khi các sinh can ngăn, rồi cảnh sát ập đến giải đi.

Khi bước vào giảng đường, sinh viên này tự giới thiệu là người mới chuyển đến từ Đại học Thanh Hoa, ở Bắc Kinh. Tuy vậy sau đó, Ban giám đốc đại học Hồng Kông rà soát lại và khẳng định rằng không có ai như tên như Li trong danh sách cả. Vài tiếng đồng hồ sau đó, an ninh đã được siết chặt ở học khu Pok Fu Lam để tránh tình trạng trà trộn như trên.

Báo SCMP tức giận cho biết họ sẽ điều tra mọi cách để tìm cho ra lý do và âm mưu của việc kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan như vậy ở Hồng Kông. Bản tin cũng cho biết bệnh viện xác nhận ông Cliff Buddle bị thương ở ngực và ở tay.

Bất kỳ ai đã sống hoặc đã đọc những gì diễn ra ở Trung Quốc từ 1966 đến 1976, đều có thể hiểu loại kịch bản gì đang bắt đầu trình diễn ở Hồng Kông lúc này. Hơi nóng chủ nghĩa dân tộc cực hữu vừa phấn khích, vừa khủng bố đang được Bắc Kinh gửi tới 7 triệu người Hồng Kông. Hiện trạng giống như những kẻ đeo ruy-băng xanh cực tả, sẳn sàng ăn sống nuốt tươi giới sinh viên biểu tình “chống đảng”. Mùi vị của Đại Cách Mạng Văn Hoá mà lâu nay bán đảo tự do này chỉ nghe qua truyền hình, báo chí, sách vở… nay đã thật sự xuất hiện, nhưng chỉ khác là ở một tầng mức khác, một kiểu đạo diễn khác.

Người ta có thể hình dung đám đông tuyên bố chỉ lo miếng cơm chứ không cần dân chủ, yêu độc tài hơn tự do… đang im lặng tràn vào hàng ngũ Umbrella Revolution để quậy phá, khích động… sẽ là khởi đầu cho sự tan nát của môi trường sống ở đây. Trên trang SCMP, cũng như các trang facebook đưa tin chuyện này, đã nhanh chóng xuất hiện một lượng lớn những người vào bình luận tán thưởng, thậm chí bày tỏ việc đòi Hồng Kông phải “Trung Quốc” hơn nữa. Dư luận viên của chính quyền, những người bị những blogger tự do mỉa mai là “thành phần 50 xu” (tức ám chỉ thành phần chuyên viết nội dung cực hữu được Bắc Kinh trả công 50 xu cho một chữ) đã tràn vào, tạo tâm lý hoang mang với không ít người dân Hồng Kông, cũng như đại lục.

Không bao lâu nữa, Hồng Kông sẽ sớm trở thành một trại tập trung có điều kiện, hơn là “một quốc gia hai chế độ” mà Bắc Kinh từng thoả thuận. Dĩ nhiên, một khi lòng yêu nước, yêu đảng phô diễn vừa được trợ lực, vừa được nhận tiền… thì hạng người đê tiện ở Trung Quốc hay Việt Nam đều dễ dàng tìm thấy. Không cần dùng trực tiếp quân đội hay công an nữa, Bắc Kinh nay đã thay bằng chiến lược tưới bón cho mầm hung ác của một dân tộc trỗi dậy, để dân tộc mình tự xâu xé, tự tiêu diệt lẫn nhau. Những kẻ lãnh đạo chỉ cần xoa tay mỉm cười và thưởng thức từng chương hồi ghê tởm nhất mà mình dựng nên.

Cộng sản – ông thầy của bạo lực, chia rẽ, sợ hãi – đã khôn ngoan hơn trong cuộc tổ chức những cuộc tận diệt trong lòng dân tộc như vậy, im lặng và hiệu quả hơn trước mắt theo dõi của thế giới. Điều kinh tởm là sau bao nhiêu ấy năm tội ác, chủ nghĩa Cộng sản Trung Quốc vẫn luôn sẳn sàng làm mọi cách, thậm chí không ngần ngại huỷ diệt sức sống nội tại của dân tộc mình, để thượng tôn làm kẻ nắm quyền cai trị. Với dân tộc của mình, Bắc Kinh đã vậy, thử hỏi với các quốc gia lân bang, họ còn hiểm độc và tráo trở đến dường nào?

Việt Nam đã trãi qua, đã đủ kinh nghiệm đau thương để nhìn thấy những gì ở Hồng Kông hôm nay, vốn là trái đắng mà dân tộc đã phải nuốt nghẹn đau thương. Ai cũng thấy, ai cũng biết. Nhưng liệu các nhà lãnh đạo Việt Nam còn ôm ấp 16 chữ vàng và trung thành với con đường Cộng sản Maoist đến chừng nào?

------------------------------------------------

Tham khảo thêm:

http://www.scmp.com/news/hong-kong/article/1611036/senior-post-editor-cliff-buddle-assaulted-during-lecture-hku