Wednesday, March 30, 2016
Ai sẽ chịu trách nhiệm trên đất nước này?
Cuộc tranh cãi dữ dội hơn, ngay sau khi có lời tuyên bố của trung tá Nguyễn Quang Thắng, phó phòng tham mưu Công an TPHCM rằng không thể có nạn bắt cóc tràn lan trên đường phố.
Theo ông Quang Thắng thì cơ quan công an điều tra chỉ tiếp nhận duy nhất một vụ như vậy mà thôi.
Thật đáng phân vân, một bên là lời đoan chắc của hệ thống công quyền, còn một bên là an nguy của chính mình.
Báo Phụ nữ Việt Nam thì khẳng định rằng nhiều trường đã ra thông báo cho phụ huynh về tình trạng này, mà nhiều nơi đang xảy ra như ở trường Đặng Thuỳ Trâm (quận 7, TPHCM), trường mầm non Anh Tú (quận Tân Bình), trường Phan Như Thạch (phường 9, Lâm Đồng)…
Thật bất ngờ khi trong những lời cảnh báo về nạn bắt cóc trẻ em, có cả thông báo chính thức của Bộ Giáo dục vào ngày 13/1. Vụ trưởng vụ Công tác học sinh sinh viên Ngũ Duy Anh đã kêu gọi các trường học phải đề cao cảnh giác, tăng cường đảm bảo an ninh cho các em.
Trên truyền hình, các bài học võ thuật cơ bản nhằm chống cướp con trên tay cũng xuất hiện.
Vậy thì ai đúng, ai sai? Trong một xã hội mà mỗi ngày càng có nhiều biến động, người ta không thể răn đe việc tán phát tin đồn trong sự bất an của dân chúng, mà phải có những phương pháp giải quyết khủng hoảng hợp lý và tích cực của chính quyền.
Việc trống đánh xuôi, kèn thổi ngược chỉ làm mọi thứ thêm rối rắm, và cuối cùng chỉ có người dân là nạn nhân.
Xã hội Việt Nam nhận được rất nhiều các phát ngôn của các quan chức và chính quyền địa phương. Nhưng có vẻ như ít khi nào tìm thấy được ai thật sự là người chịu trách nhiệm trước mắt người dân, hoặc chịu trách nhiệm của bản thân mình.
Ngược lại, đôi khi người có trách nhiệm thường thoái thác rằng “bận họp” hoặc cúp máy đột ngột khi trả lời phỏng vấn. Dường như có ai đó phải chịu trách nhiệm, phải hành động trên đất nước này là điều mơ hồ, xa xôi.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng tại Hà Nội, bị một nhóm người lạ mặt tấn công dã man bằng gậy vào ngày 23/3 ngang nhiên như trong phim xã hội đen.
Vụ tấn công diễn ra giữa ban ngày, như một nỗi nhục của nền báo chí quốc gia mà cho đến khi kết thúc không hề có bóng dáng công an viên nào xuất hiện. Sau khi đi cấp cứu, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng phải tự mình ra công an của khu vực đó để trình báo.
Lúc này, có rất nhiều nhà báo, rất nhiều sinh viên truyền thông dõi theo sự kiện này với nỗi phập phồng về tương lai và nghề nghiệp của mình, nhưng có vẻ vụ án như “bế tắc”. Và không ai phải chịu trách nhiệm về việc mất an ninh kỳ quặc như vậy ngay giữa thủ đô Hà Nội.
Trong sự kiện nữ học sinh Lê Thị Hà Vi, 15 tuổi ở Cư Kuin, Dăk Lăk bị bệnh viện địa phương chẩn đoán sai khiến phải cưa chân, ai cũng bất ngờ khi bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đến động viên và nói “bác hứa sẽ giúp cho con thi đậu vào ngành y”.
Sự kiện tắc trách của ngành y tế khiến ai cũng đau lòng, khiến một nữ sinh phải tàn tật suốt đời, nhưng để “đền” cho chuyện đó, mà một nữ sinh có nguyện vọng học ngành công an, đột nhiên được động viên chỉ cần học một năm là sẽ được giúp đậu ngành y, khiến ai cũng ngạc nhiên.
Nguyên gốc câu nói đó có thể trở thành vấn đề của pháp luật. Thi cử và học vấn là vấn đề thiết yếu của quốc gia, không thể tuỳ tiện như vậy. Ở vị trí là một người có học và có trách nhiệm, bà Tiến không thể tuỳ tiện. Việc “hứa giúp” của bà Tiến có thể đặt vào thế bị Bộ Giáo dục Việt Nam khởi kiện.
Nhưng tiếc thay, có vẻ như Bộ Giáo dục Việt Nam cũng không có ai thấy mình có trách nhiệm để cần phải lên tiếng.
Trách nhiệm cá nhân là một phần quan trọng của đất nước, trong giai đoạn mà mọi thứ đang có vẻ dần vào rối ren bởi quá nhiều hư hỏng, quá nhiều tai ương… hiện ra, cho thấy đó là những quyết định sai lầm, vội vã hay tư lợi của những cá nhân, những nhóm người nhưng hôm nay thì thật khó tìm ra người chịu trách nhiệm.
Chỉ còn lại nhân dân là người phải gánh vác những hậu quả, từ nợ công cho đến sự sụp đổ một cây cầu, một con đường hay một hàng cây xanh.
Từ chuyện một đứa trẻ bị bắt cóc, cho đến chuyện của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục… rồi đến việc đánh đập nhà báo để bịt miệng công luận… mọi thứ cứ đi dần vào cõi u u mê mê của đời sống, vào tiếng thở dài của những người ngồi trên vỉa hè nhìn về tương lai đất nước với cảm giác rằng mọi thứ đang bị bỏ trôi, không có ai thật sự chịu trách nhiệm trên đất nước này.
Trách nhiệm luôn đi cùng danh dự và sự tồn vong của tổ quốc. Chúng ta sẽ mất cả, nếu không ai có đủ danh dự để chịu trách nhiệm trên đất nước mình, khởi đầu từ những điều nhỏ nhất.
Những dự án ngàn tỉ: người dân cần sự minh bạch
Friday, March 25, 2016
Cái ác trỗi dậy, vì người Việt không còn niềm tin
Thursday, March 24, 2016
Từ cái chết của những cây cầu
Khi chúng ta bị muôn trùng vây
Một người bạn kể lại rằng sự hoang mang người dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về nạn khô hạn và ngập mặn ngày càng nhiều.
Tại Sóc Trăng, người dân ở đây kể rằng nhiều gia đình đã tìm cách bán đất đai – dĩ nhiên là với giá rẻ rúng – để dời đi, tìm một nơi khác để sống sót tai ương ngay tại quê nhà của mình.
Không chỉ là người làm ruộng mới khổ sở, những người nuôi cá tại Trà Vinh đang vớt lên hàng loạt những con cá lóc bị ghẻ lở và chảy máu toàn thân do ao hồ bị ngập mặn. Các loại thuỷ sản nước ngọt đang giãy giụa tuyệt vọng trong sự kinh hoàng bất lực của nông dân.
Trên những chuyến đò, trên các chuyến xe liên tỉnh… Người ta đang râm ran nói về nơi mình đến – miền lục tỉnh bao la sông nước – nhưng giờ thì đang chết dần. Những vùng đất dồi dào sản vật của miền Nam có thể sẽ chỉ là chuyện kể như trong cổ tich.
Rõ là một quốc gia đang bị bao vây. Và bao vây một cách êm đềm vì người ta không nghe tiếng kêu cứu hay phản đối đúng mức cho sự sinh tồn của dân tộc mình.
Sự kiện ngập mặn hôm nay của ĐBSCL chỉ là hiện tượng tái diễn của năm 2015, nhưng lần này mức độ khốc liệt, ảnh hưởng đến hàng triệu người. Thế nhưng, chính uỷ ban Sông Mekong Việt Nam cũng “bao vây” người dân mình bằng những thông tin hết sức mù mờ và chủ quan về tác hại của đập thuỷ điện Trung Quốc.
Uỷ ban này được lập ra bằng tiền thuế của người Việt Nam, để phối hợp cùng ba nước khác, thuộc dòng hạ lưu sông Mekong là Lào, Thái Lan, Campuchia… để đối phó, cảnh báo tình hình có thể ảnh hưởng đến quốc gia.
Uỷ ban Sông Mekong Việt Nam thiếu khả năng, thiếu thông tin hay vô trách nhiệm với đất nước của mình? Không phải hôm nay chuyện ngập mặn, khô hạn mới được biết tới.
Từ năm 2011, tức năm năm trước, thế giới đã liên tục có những thông tin cảnh báo và kêu gọi Việt Nam hãy cẩn trọng về các dự án trên sông Mekong, bao gồm của Lào, Thái Lan, đặc biệt là các dự án trên thượng lưu, vùng Vân Nam của Trung Quốc.
Lạ lùng nhất, ở vị trí của mình, uỷ ban ấy lại rất điềm nhiên, thậm chí còn ra báo cáo, khẳng định vào tháng 10/2015: rằng những tác động từ đập của Trung Quốc là “tương đối nhỏ”.
Từ tháng 11/2011, trên tờ Deutsche Welle (DW) đã có một bài bình luận Mekong dams threaten food and security, nhắc rằng lưu vực sông khổng lồ này, với sự đa dạng sinh học chỉ đứng sau sông Amazon, đang bị đe doạ đáng sợ.
Việc làm khô hạn hay hạn chế dòng chảy của sông Mekong có thể làm ảnh hưởng đến lượng đánh bắt hàng năm, vào khoảng 15 triệu tấn (giá trị hàng tỷ USD) và làm cằn cỗi đời sống hai bên bờ.
Cơ quan WWF của Liên hiệp quốc dự kiến đến năm 2025, sẽ có 90 triệu người sống quanh đôi bờ sông này, trong đó 50% là sinh tồn bằng tự nhiên. Việc kiểm soát dòng chảy sẽ là nguyên nhân quan trọng dẫn đến đói nghèo và hỗn loạn.
Tháng 11/2015, tức chỉ mới đây, tờ Straits Times cũng kêu gọi sự quan tâm của các nước bằng phân tích cụ thể của cây viết chuyên về vùng Đông Dương Nirmal Ghosh, rằng tác dộng của các đập thuỷ điện đối với Việt Nam hết sức nghiêm trọng.
Độ nhiễm mặn sẽ tràn vào đất liền, vùng ĐBSCL, đe doạ nhiều vùng trồng lúa. Và rồi một phần bờ biển dài 600 km phía Nam Việt Nam bị mất dần, với tốc độ 4 – 12 m một năm.
Rõ ràng là cả thế giới đều biết, đều cùng chung sức tìm hiểu và nhắc nhở, nhưng chỉ có người dân, kẻ chịu nạn sớm và nhọc nhằn nhất, thì lại là người biết sau cùng. Họ đã bị bao vây khỏi sự hiểu biết vì lẽ gì?
Những câu chuyện như vậy, nhắc chúng ta nhớ lại những ngày Quốc hội Việt Nam được nhìn thấy với những đại biểu ngủ ngon trong nghị trường. Những đại biểu khác thì chơi game và nhiều lần Quốc hội tuyên bố về sớm vì không có gì để bàn.
Những người đại diện của nhân dân, cũng bao vây hiện tình đất nước của mình với nhân dân bằng sự rảnh rỗi và nhẹ nhàng.
Nó cũng nhắc chúng ta nhớ, suy nghĩ và sự minh bạch rộng rãi và cần thiết cho cuộc chiến 1979, cho Gạc Ma 1988, hay cho cuộc chiến mất đảo Hoàng Sa 1974, là điều quan trọng để người Việt thoát khỏi những vòng vây nhạt nhoà về lịch sử của chính mình.
Trong những vòng vây ấy, có những người dân cuống cuồng tự tìm một con đường sống
Friday, March 18, 2016
Trung Quốc: Giấy phép tu hành và những cuộc “thanh trừng” đức tin
Từ đầu năm 2016 đến nay, các chiến dịch đập phá nhà thờ Công giáo, hạ các thánh giá, thậm chí là bắt bớ các linh mục và chức sắc tôn giáo bùng phát đã gây ra mối lo ngại không chỉ ở Trung Quốc. Đây là những cuộc đàn áp tín ngưỡng lớn nhất, kể từ sau cuộc cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông. Cho đến nay đã có hơn 1.500 thập tự giá bị gỡ bỏ, nhân danh việc giữ "an toàn cho chốn công cộng". Tài liệu tố cáo của tổ chức China Aid, một thành viên của Release International loan đi cho biết.
Phật giáo, một trong những tôn giáo được coi là lâu đời nhất ở Trung Quốc cũng không tránh khỏi kiếp nạn này. Theo ước tính của PEW, tổ chức thăm dò dư luận độc lập có trụ sở tại Washington, Mỹ, cho biết thì hiện Trung Quốc có khoảng 245 triệu Phật tử, tức chiếm 18% dân số, đó là chưa kể 21% dân số không theo tôn giáo nhưng có khuynh hướng tín ngưỡng như người theo đạo Phật. Số lượng đông đảo tín đồ Phật giáo, cùng với mật độ cao đền chùa trên đất nước Trung Quốc khiến chính sách kiểm soát của chính quyền đối với Phật giáo tỏ ra mềm dẻo nhưng thâm sâu hơn.
Trong cuộc Cách mạng văn hoá, trong số 6.843 di tích văn hoá Phật giáo được biết đến tại Bắc Kinh, có đến gần 5.000 điểm bị tàn phá. Nửa triệu cổ vật bị tàn phá hoặc lấy cắp. Các sư, ni bị bắt, bị tra tấn và kinh sách bị đốt không kể xiết. Sau thời kỳ cầm quyền của Mao Trạch Đông, chính quyền Trung Quốc quay lại ve vuốt Phật giáo, cho trùng tu và xây dựng nhiều đền chùa nhưng lại kiểm soát chặt chẽ hơn bao giờ hết.
"Người Trung Quốc bây giờ giàu có hơn, nhưng khẩn thiết cần một một đời sống tinh thần", Yan Lu, một người từng nghiên cứu chủ nghĩa Marx-Lenin phát biểu trên tờ Time như vậy. Nhà nghiên cứu 27 tuổi này đột nhiên từ bỏ vị trí dễ dàng thành đạt của mình để về làm ni sư ở một ngôi chùa nhỏ ở Changxing, một ngôi làng nhỏ gần Bắc Kinh.
Các sư trụ trì ở các đền chùa ở Trung Quốc hôm nay phải rất khôn khéo để tận dụng sự vui lòng của chính quyền, nhằm đạt được giấy phép hoạt động tôn giáo chính thức mới có thể tồn tại yên lành. Hàng ngàn điểm thờ phượng ở Trung Quốc được áp dụng một chính sách lấp lửng là không bị sách nhiễu nhưng không có giấy phép, nên họ luôn bị treo trong tình trạng sợ hãi và luôn phải vâng lời chính quyền địa phương. Việc bắt bẻ về chuyện đổi vị trí một viên đá lâu năm, di chuyển một cái lư hương trong sân chùa... luôn có thể biến thành thảm hoạ theo ý các quan chức phụ trách tôn giáo. Hàng ngàn các ngôi đền Hồi giáo và nhà thờ Công giáo bị hủy bỏ lâu nay, cũng do vướng vào vấn nạn ấy.
Đối với nhiều Phật tử, việc hành hương và thờ cúng ở các ngôi chùa "hợp pháp" khiến họ cũng an tâm hơn. Nhưng với ni Yan Lu, trong bối cảnh Trung Quốc hiện nay rất cần phải tách bạch giữa tôn giáo và chính quyền. "Chính phủ đang dùng ý thức hệ để cai trị, giống như cách mà các triều đình ngày xưa vẫn lợi dụng Phật giáo để cai trị”, ni Yan Lu nói, "nhưng tôi nghĩ khi một tôn giáo quá gần gũi với chính quyền sẽ không tốt. Tôi nghĩ tôn giáo nên tách khỏi chính quyền".
Phật giáo hôm nay tại Trung Quốc đang bị biến thành một cơ hội kinh doanh lớn và tiềm năng. Thậm chí, chính phủ đã vui vẻ ủng hộ việc khuếch trương hơn nữa Hội chợ Quốc tế các Vật phẩm Phật giáo lần 2 (2nd China International Buddhist Items and Supplies Expo) tại Bắc Kinh vào tháng 12 vừa rồi, cho thấy thị trường vật chất đang lớn mạnh vượt trội, so với các giá trị tinh thần.
Một trong những ví dụ dễ thấy là sự phát triển rầm rộ của đền Longquan, nằm ở ngoại ô Bắc Kinh. Mỗi cuối tuần, từng đoàn hàng trăm tín đồ kéo về đây để nghe thuyết pháp và tham gia các lớp hướng dẫn thiền. Để hấp dẫn người đến, đền Longquan cho dựng các robot được lập trình tự động trả lời các vấn đề về Phật giáo, hoặc quảng bá các robot cắt sợi mì chay, nằm trong nhà hàng kế bên chùa. Khẩu hiệu được trương lên ở đền này là "Yêu nước, Yêu Phật" (Love our country, love Buddhism), một loại khẩu hiệu dễ làm hài lòng chính quyền.
Phật giáo hay bất kỳ tôn giáo nào khác, có vẻ như vẫn đang tồn tại ở Trung Quốc, nhưng mặt khác nó lại ngấm ngầm là điều cấm kỵ. Tháng rồi, Đảng Cộng sản Trung Quốc lại nhắc lại việc cấm mọi đảng viên khi về hưu, không được tham gia bất kỳ tín ngưỡng nào. Hiến pháp của Trung Quốc dù vẫn khẳng định về quyền tự do tín ngưỡng, nhưng tự do đó không đơn giản là yên lành mà có được.
Tuesday, March 15, 2016
Đức hạnh của kẻ cầm quyền
Một trong những chuyện, nên được nhắc lại, đó là việc ông Huỳnh Văn Nén tiếp tục theo đuổi vụ án của đời mình lại tiếp tục gây nên nhiều dư luận. Người tù oan, có thời gian bị giam giữ đến hơn 17 năm ở tỉnh Bình Thuận, sau khi trở về nhà, đã kiên trì tiếp tục mục đích của ông là đưa 14 người có chức vụ ra toà, đối mặt với công lý.
Đầu tháng 3/2016, Cục điều tra Viện KSND tối cao đã hồi đáp đơn yêu cầu điều tra của ông Huỳnh Văn Nén. Câu chuyện cuộc đời của ông Huỳnh Văn Nén, được giới luật sư goi tên là đại kỳ án của quốc gia xem ra vẫn tiếp diễn, và chắc là sẽ mở ra thêm nhiều điều đáng chiêm nghiệm từ ngành tư pháp Việt Nam hiện nay.
Có không ít dư luận quanh sự kiện này. Có người thì cho rằng hành động quyết liệt này của ông Huỳnh Văn Nén là cần thiết, và người dân chờ đợi vào kết quả như một thái độ đúng công dân. Nhưng cũng có ý kiến rằng ông Nén đã "làm quá", vì đã được xét bồi thường từ 10-12 tỉ đồng, và được cả nước chia sẻ vụ án oan này. Thật mới mẻ với người Việt, khi chứng kiến một người tù oan quyết đi đến tận cùng của sự việc, so với thói quen cam chịu, im lặng và dễ dàng chấp nhận từ nhiều năm nay.
Cuối năm 2015, trong một cuộc gặp mặt do báo Infonet tổ chức, tôi có được may mắn tiếp xúc với ông Huỳnh Văn Nén cùng gia đình, thầy Nguyễn Thận và luật sư Phạm Công Út, những người đeo đuổi chuyện minh oan cho ông Nén. Ông Nén bị công an điều tra đánh đập, đe doạ... buộc phải nhận tội giết 2 người trong vùng của ông, giấu nhẹm cả đơn tố cáo hung thủ thật.
Điều khiến tôi hay nhớ về ông Nén, đó là một gương mặt đầy nếp nhăn, rúm ró giấu kín mọi suy nghĩ. Rất khó phân biệt được biểu cảm của ông là đang cười hay đang khóc. Chỉ đến khi thấy giọt nước mắt của ông im lặng chảy xuống, thì mới biết. Mà lúc đó thì chung quanh cũng rất nhiều người khóc, mắt đỏ hoe. Những người đàn ông thì khóc không thành tiếng, mặt rúm ró vì những quặn đau trong lòng.
Ông Nén là người hiếm hoi, không chịu ngồi xuống và hài lòng với phần đời còn lại qua số tiền bồi thường khổng lồ. Nơi ông Nén đang sống, chỉ cần có một tài sản 1 tỉ đồng đã là đại phúc, thế nhưng ông được hứa hẹn là sẽ có gấp 10 lần như vậy. Có lời bình luận rằng có thể ông Nén còn chất chứa hận thù hoặc trở nên cơ hội trong sự kiện đời mình, nhưng quan trọng nhất, đích đến của ông Nén vẫn vô cùng công chính, đó là công lý.
Ngày 3/12/2015, ông Huỳnh Văn Nén được phó chánh án TAND tỉnh Bình Thuận lạnh lùng đọc thư xin lỗi công khai. Trong 30 phút của buổi xin lỗi đó, ông Nén nhiều lần nhắm nghiền mắt, im lặng, tay buông thõng. Có lẽ ký ức của ông dội về, với những ngày tháng ông cùng 8 người thân trong gia đình bị giam cầm, nhà cửa không còn, cái chết đến cùng bữa ăn hàng ngày.
Ông Nén từng cởi áo giữa toà để chứng minh mình bị đánh đập, bức cung ra sao. Nhưng nhiêu đó thì không đủ, làm sao tả hết những ngày ông bị trói vào ghế, công an điều tra dùng chân mang giày đá liên tục và ống chân đến thâm đen. Đến mức ông té xuống, khóc, xin tha, thì bị công an viên trẻ như con mình quát "cho mày chết luôn". Người thân của ông, bị giữ để điều tra ở nhà tạm giam nữ, khi đến chu kỳ tháng phải tự xé quần làm băng vệ sinh, chứ không được cấp phát theo quy định, vì bị người điều tra tuyên bố "không nhận tội thì ráng chịu".
Ông Nén chắc không ngờ vì sao mình trở thành kẻ phạm tội, và vì sao phải nhận tội. Một buổi tối ghé xin ít rượu đế từ nhà hàng xóm với lời nói đùa "uống để gột rửa tội lỗi" đã biến ông thành nghi can số một. Đã có lúc ông Nén muốn chết vì quá đau đớn thân xác và tinh thần, nhưng ông đã không thể làm vậy, vì nếu ông còn sống thì công lý còn một hy vọng, sự thật còn một cơ hội. Công lý không đơn giản là một lời xin lỗi công khai, không là con số 10 hay 12 tỉ đồng. Công lý là ánh sáng giữa cuộc đời tưởng chừng như tuyệt lộ này, công lý là đòi hỏi việc xiển dương sự thật cũng như vạch mặt những kẻ không đủ khả năng để phục vụ cho sự thật.
Khi ông Nguyễn Phúc Thành gửi đơn tố cáo thủ phạm thật, xin giải oan cho ông Nén, thì bị điều tra viên Cao Văn Hùng chỉ mặt "mày muốn chết à? Tao cho mày chết". Sau vụ án của ông Nén, điều tra viên đó ra Hà Nội ung dung hành nghề luật sư. Thậm chí số tiền dự trù 10-12 tỉ đền bồi cho ông Huỳnh Văn Nén cũng lấy từ tiền thuế của người dân, chứ 14 cán bộ người liên quan đến vụ án của ông Nén không hề thiệt hại mảy may.
Nhưng ông Huỳnh Văn Nén hay Nguyễn Thanh Chấn chỉ là những trường hợp may mắn được giải oan, còn bao nhiêu trường hợp khác chưa được biết tới đang rên xiết trong phòng điều tra, mơ ước một sự công tâm?
Hãy cám ơn ông Huỳnh Văn Nén. Ông không đi tìm công lý cho riêng mình, mà đang dựng lại ngôi nhà chung cho mọi người. Ngôi nhà đó có cánh cửa lớn tràn ngập ánh sáng chứ không âm u với những chấn song lờ mờ chực chờ. "Công lý chính là thứ đức hạnh hàng đầu của kẻ cầm quyền", Denis Diderot (1713-1784), nhà triết học Pháp có để lại lời nhắn đó từ thế kỷ thứ 18. Lời xin lỗi hay một mớ tiền bồi thường không thể đánh tráo khái niệm đó là là công lý và đức hạnh của một quốc gia. Tìm cách để giảm thiểu bất công, soi chiếu ánh sáng công lý vào những nơi không thể đó mới chính là đức hạnh của người cầm quyền, đức hạnh của công dân.
Và hơn ai hết, xin hãy ngã nón chào người từng bị giam cầm 17 năm 5 tháng 11 ngày ấy, vì chính ông đang thay chúng ta, lặng lẽ hành động vì đức hạnh của ngành tư pháp, vì tương lai trên đất nước này.
----------------------------------
Minh họa: Tranh den của Thái Tuấn
Nhạc sĩ Thanh Tùng, xin chào tạm biệt.
Chấm dứt chiến tranh Nam - Bắc Việt Nam, nhạc trẻ chậm chạp quay lại miền Nam, đặc biệt là trên sóng phát thanh truyền hình. Lúc đó, sự có mặt các tác phẩm của nhạc sĩ Thanh Tùng là sự góp sức quan trọng, giúp giải toả nhiều định kiến của "bên thắng cuộc" về âm nhạc miền Nam, và đem lại một không khí sôi động cho phong trào nhạc trẻ Làn Sóng Xanh ở Saigon, và của cả Việt Nam.
Người nhạc sĩ đến từ Nha Trang đã góp vào đời sống hàng loạt các bài hát như Hát với chú ve con, Lời tỏ tình mùa xuân, Ngôi sao cô đơn, Lối cũ ta về, Mưa ngâu, Một mình... với phong cách thuần pop và rock, tham gia vào làn sóng âm nhạc mới, biến đổi các nhịp điệu hành khúc buồn chán và đơn điệu, tuyên truyền trên sân khấu giải trí thành nụ cười và những bàn tay xiết chặt nhau, giơ cao đu đưa trong những đêm nhạc ngoài trời.
Cùng với dòng máu nóng của thanh niên Saigon đang khao khát có lại được một dòng nhạc phù hợp với mình, các nhạc sĩ Thanh Tùng, Trần Tiến, Bảo Chấn, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Đức Trung... và nhiều người nữa đã cùng mở ra một không gian mới với pop, rock và sự trẻ trung được hưởng ứng rộng rãi, không thể ngăn cản được.
Không có nhạc sĩ Thanh Tùng, và một lớp nghệ sĩ yêu nhạc trẻ của thập niên 80, 90, thì có lẽ âm nhạc Việt sẽ mất thêm một thời gian rất lâu mới có thể thoát được một giai đoạn đầy định kiến và kiểm duyệt khắt khe với âm nhạc có nguồn gốc từ phương Tây. Cơ quan kiểm duyệt nhà nước và các nhạc sĩ dư luận viên coi đó như là một phần văn hoá "đồi truỵ và lai căng". Giai đoạn nhạc trẻ sống lại trong thập niên 80, 90 đã gợi nhiều cảm hứng và can đảm cho nhiều các nhạc sĩ khác cho ra mắt nhiều ca khúc nhạc trẻ thuần tuý, không màng phục vụ chính trị.
Cũng cần nhắc lại, giai đoạn mở đầu độc đáo của nhạc trẻ Việt Nam do các nhạc sĩ Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang xiển dương tại miền Nam, giai đoạn 80, 90 với sự góp mặt của nhạc sĩ Thanh Tùng, là một phần nối đáng nhớ cho sự phát triển của nhạc trẻ Việt Nam. Giai đoạn này, cùng với nhiều ca khúc khác, nhưng đặc biệt là các bài hát của nhạc sĩ Thanh Tùng đã mở ra một giai đoạn đặc biệt, nối liền sự thưởng thức của khán giả Việt Nam và hải ngoại, san bằng ít nhiều những khác biệt về văn hóa thưởng thức của người Việt tự do và đời sống trong nước.
Âm nhạc của nhạc sĩ Thanh Tùng, cũng là cơ hội để các tên tuổi như Bằng Kiều, Thu Hà (Saigon), Thanh Lam... vụt sáng và tiếp cận đông đảo khán giả hơn. Trong các giai đoạn sản xuất băng đĩa rộn rịp nhất, dù không có được thống kê cụ thể, nhưng các tác phẩm của ông được liệt vào hàng ăn khách nhất của nhạc trẻ Việt Nam.
Hơn mười năm nay, ông yếu sức do bệnh tật, và không còn tham gia đời sống âm nhạc nữa. Ngày 15 tháng 3/2016, ông mất tại Bệnh viên Bạch Mai, Hà Nội, hưởng thọ 68 tuổi.
Nhạc trẻ Việt vào thời kỳ gượng phục hưng, sau 1975, ghi nhớ sự có mặt của nhạc sĩ Thanh Tùng như một nhân vật đáng nhớ với nhiều thương tiếc.
Tuesday, March 8, 2016
Đừng bứng người dân khỏi gốc rễ quê hương
Cuộc giằng co của những ngư dân ở biển Sầm Sơn với chính quyền tỉnh Thanh Hoá từ nhiều ngày qua đã bột phát thành sự kiện lớn, thu hút sự quan tâm của mọi nơi.
Từ cuối tháng 2, con số ngư dân và gia đình ở biển Sầm Sơn tập hợp lại ngày càng đông, để phản đối dự án quy hoạch bờ biển làm du lịch đã lên đến đỉnh điểm vào ngày 5/3, khi người ta nghe tiếng súng nổ và có xô xát giữa hai bên.
Bên phía ngư dân muốn giữ lại vùng đất để sinh tồn của họ, vốn đã có từ hàng trăm năm. Còn phía chính quyền thì quyết giải toả vùng ngư nghiệp này để thực hiện dự án xây dựng cho du lịch cao cấp, đã thoả thuận với tập đoàn FLC.
Câu chuyện của ngư dân Sầm Sơn không phải là mới mẻ trên thế giới. Theo tài liệu của tổ chức Inclusive Development International, mỗi năm có khoảng 15 triệu người bị bứng khỏi nơi sinh sống của họ để dọn đường cho những dự án gọi là “phát triển”.
Đây là ngọn sóng thần chậm rãi và tàn nhẫn xua đuổi những dòng người chạy tán loạn muôn hướng, để thế vào đó những kế hoạch làm ra tiền cho một nhóm người nhưng luôn có bề mặt bóng bẩy là dành cho cộng đồng.
Cuộc khủng hoảng thực tế – ảo đó đang lan tràn khắp nơi, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển, vốn đầy sơ hở về luật pháp và các quan chức hám lợi.
Trong nhiều ngày, hai luồng thông tin trong nước mô tả về sự kiện nóng có hàng trăm người xuống đường với tâm trạng phân vân: một bên là những thông cáo báo chí của Nhà nước và nhà đầu tư được viết lại một cách đanh thép, một bên là các bản tin xót xa của người làm báo khi chứng kiến cuộc đối thoại bị đổ vỡ, thay vào đó là dùi cui, nắm đấm, thậm chí là tiếng súng.
Hình ảnh đó, dự báo cho một cuộc hỗn loạn im lặng, xói mòn tuyệt đối mối quan hệ giữa dân chúng và chính quyền, với tốc độ kinh khủng chưa từng thấy, dĩ nhiên đó là một tương lai không lấy gì làm tốt đẹp của cái gọi là “phát triển”.
Mặc dù các dự án như ở biển Sầm Sơn luôn được xoa dịu bằng những hình ảnh đầy hứa hẹn trong tương lai là các việc làm được chu cấp, cũng như cuộc sống sẽ được cải thiện. Tuy vậy, bất kỳ ai cũng có thể nhận thấy rằng sự tổn thương của giai cấp nghèo khó nhất của Việt Nam sẽ là một thảm trạng kéo dài không có hồi kết.
Họ buộc phải chọn lựa để trở thành những lao động ngoài ý muốn phục vụ cho sự giàu có của những kẻ sở hữu tư liệu sản xuất ngoặc nhau với chính quyền địa phương, hoặc lìa bỏ quê hương của mình để mong chờ một cuộc đời khác không bị áp đặt.
Người ta hay nói về bề mặt của phát triển và sự hưởng thụ như một thành đạt, nhưng rất nhiều tài liệu nghiên cứu trên thế giới cho thấy, nếu không có một giải pháp đủ văn minh, mọi thứ giống như bạn cố quét rác ở điểm A và dồn vào, bỏ mặc ở điểm B bên cạnh, mở cửa cho vô số loại lạm dụng, nhưng được vỗ tay và gọi đó là thành công.
David Pred (người lừng danh trên các diễn đàn vấn đề con người và phát triển) đã từng viết thư chỉ trích World Bank, về các dự án cho vay đối với các nước đang phát triển, lên đến 50 tỉ USD/năm, vốn giỏi tập trung mọi thứ nhưng bỏ quên con người. “Sự đổ vỡ của các gia đình nghèo là quá rõ. Người ta không thể nào nói là tốt khi phải rời khỏi nhà của mình cho ai đó lớn mạnh, giàu có hơn.
Mọi tài liệu nghiên cứu đã chứng minh rõ rằng việc mất đi thu nhập, mất nhà cửa, tổn thương tâm lý cùng nhiều tác động khốn khó khác, chỉ là một vòng xoay dữ dội khác của đói nghèo nhưng được phủ hào quang lên đó”, năm 2014, thạc sĩ về quyền con người của trường đại học Essex và cử nhân khoa học chính trị và quan hệ quốc tế của trường đại học Florida, đã viết như vậy cho Jim Yong Kim, chủ tịch của World Bank. Ông David Pred cũng làm việc nhiều năm ở Campuchia nhằm cảmh báo tình trạng phát triển mang hình thái cường quyền hoang dã.
Đừng bao giờ quên, 50 triệu hay 70 triệu đồng cho một hộ ngư dân ở Sầm Sơn, để đánh đổi việc rời khỏi vĩnh viễn cuộc sống lâu đời của họ chôn nhau cắt rốn là thứ đổi chác đê tiện: không có số tiền nào bù đắp đủ, ngoại trừ kế hoạch phát triển đó nhìn thấy bộ mặt con người và tính tới việc chia sẻ không gian sống tương đối cho cả hai.
Sầm Sơn sẽ mãi mãi không bao giờ còn nguồn cá như niềm tự hào của một địa phương từ ngàn đời, nhưng được thay vào đó là khu resort và các bữa cá mua từ tàu Trung Quốc, rất thanh thản từ chủ đầu tư cũng như chính quyền.
Năm 1980, rất nhiều ngân hàng quốc tế hào hứng với chiến dịch phát triển rầm rộ này nên đã đầu tư vào nhiều dự án lớn, tái định cư hàng chục ngàn người. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara sau khi rời khỏi chiến tranh Việt Nam, đã trở thành giám đốc của World Bank (từ năm 1968 – 1981) và vẫn chưa rũ bỏ được cảm giác quyền lực của mình nên đã tài trợ – cho vay việc di dời 70.000 người để làm đập thuỷ điện ở Brazil.
Hôm nay người ta vẫn biết đến đập thuỷ điện đó nhưng ít ai nhắc đến một cộng đồng sinh sống bị huỷ diệt, đẩy vào khốn khó, bao gồm các bộ tộc thiểu số trong khu vực. Mỉa mai hơn, chính World Bank được ca ngợi như là những nhà hảo tâm giúp giảm thiểu đói nghèo ở khu vực.
Bài học đó cho thấy khi người ta chỉ chú mục vào sự phát triển, nhưng chỉ cho mình, và quên mất chung quanh. Trong những cuộc di dời ở vùng rừng núi Brazil cho dự án thuỷ điện Itaipu cũng có những vụ cưỡng chế, đánh đập, tiếng khóc và sự phẫn nộ không khác gì ở Sầm Sơn lúc này.
Không cần phải cam kết gì với con người và môi trường sống cũng là một vấn nạn ở Việt Nam. Những cuộc biểu tình chống lại các nhà máy, chủ đất… ngày càng nhiều trước tình trạng ứng xử tồi tệ với thiên nhiên và con người, hoặc lạm dụng trong sự cho phép của giới quan chức địa phương được chia sẻ quyền lợi.
Khi ngư dân Sầm Sơn phản ứng mạnh mẽ, không phải vì tham những số tiền bồi thường như các bài báo vẫn viết, mà họ cảm thấy sợ hãi cho việc bị bứng khỏi gốc rễ của mình cùng với tương lai đói nghèo vô định. Sự kiện ứng xử thô lậu và kém cỏi của tỉnh Thanh Hoá chỉ cho thấy thêm rằng quyền đối thoại của con người và con người đang bị dập tắt.
Đất nước này không thể tràn ngập những dự án và bề nổi huy hoàng, còn nhân dân thì sống sót bằng bỏ nghề đi kiếm sống ở các khu công nghiệp, hoặc lang thang lưu vong ngay trên chính quê hương mình.
Monday, March 7, 2016
Sầm sơn, có vẻ xong mà chưa thể kết
10 ngày xuống đường của hàng trăm gia đình ngư dân ở Sầm Sơn, Thanh Hóa, có vẻ như kết thúc êm thấm. Thông tin phát đi cho thấy ông Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến, đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, khi tuyên bố không có chuyện di dời, cấm đoán gì cả.
Cuộc đối thoại vào ngày 7.3 thật căng thẳng. Dân chúng cuối buổi cũng có vẻ hài lòng, vỗ tay, cười. Và ông Chiến cũng cười rất tươi, dù chung quanh hội trường Trung tâm bồi dưỡng thanh thiếu niên thị xã Sầm Sơn đông đặc lực lượng cảnh sát cơ động và xe cứu thương. Cuộc đối thoại với vài trăm người dân, đại diện cho khoảng 4.000 người sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu chính sách di dời dân chúng, cấm cửa đánh bắt được thi hành, nhằm phục vụ cho lợi ích của tập đoàn FLC.
Thông qua cuộc đối thoại, người ta nhìn thấy một điều rất quan trọng: dân chúng ở đây bị đặt vào thế đã rồi. Một khi dự án khởi động, các hợp đồng bồi thường được dúi vào tay họ, thì người dân ở đây mới giật mình hay bãi biển ngàn đời tưởng của cha ông, của đất nước Việt Nam, phút chốc trở thành pháo đài của một thương vụ.
Không hề có một cuộc thăm dò, hay tệ lắm là một cuộc đối thoại tương tự mà tỉnh Thanh Hóa vừa làm vào sáng 7.3 để hỏi han xem việc “phát triển” ấy, có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của người dân hay không. Ngay trong lúc đối mặt với chính quyền tỉnh Thanh Hóa, người dân đã yêu cầu công khai dự án quy hoạch để họ được biết số phận của mình. Ấy nhưng, lời đề nghị đó đã bị làm lơ. Không ai đáp trả.
Trong những ngày người già, trẻ nhỏ… ở Sầm Sơn xuống đường. Tôi cũng đọc được những dòng biện hộ cho việc làm của tỉnh Thanh Hóa và FLC rằng “thà một lần đau” để vùng đất đó phát triển. Việc ấn tiền vào tay từng gia đình để họ cam kết lìa bỏ cuộc sống mưu sinh hàng ngày của họ, được coi là một bước tiến “văn minh cần thiết”. Ngay trong buổi đối thoại đó, bà Nguyễn Thị Toàn – ngụ tại phường Trung Sơn đã trả lời thay tất cả: “Cha ông chúng tôi bao đời đi biển, sống nhờ vào biển. Chúng tôi sản xuất nhỏ thì mưu sinh nhỏ, ai có trí tuệ lớn làm lớn. Tạo điều kiện cho dân sống, lãnh đạo làm việc phải vì dân”.
Không phải ai cũng hài lòng với cuộc sống vụn vặt và nghèo khó dọc theo chiều dài biển của Việt Nam, khi có giấc mơ về tương lai. Nhưng dù như thế nào, cũng không thể bóp nát những cuộc đời của dân nghèo để xây lên đó những lâu đài. Những đổi thay hình dạng đó chỉ chứng tỏ sự tàn bạo và ngu dốt của kẻ học đòi văn minh.
Có cái gì đó không thuyết phục trong ngôn ngữ của ông Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến, khi nói với ngư dân là không có chuyện di dời nữa. Mọi người cứ tự nhiên làm ăn. Nhưng ông lại nói thêm là “bà con nào đồng ý di dời thì nhận tiền bồi thường trước ngày 15.4. Thứ hai, bà con nào chưa đồng ý thì cứ làm bình thường như lâu nay, cứ đi thuyền, cứ khai thác”. Có cái gì đó thật bất thường ở đây, khi mọi thứ vẫn được giữ nguyên, nhưng lại nhắc thêm nhớ đi nhận tiền bồi thường để ngừng đi biển. Đó là chưa nói, trước đó, ông Chiến mở lời nói rằng: “Nhiều bà con muốn nhận tiền nhưng do một bộ phận lôi kéo nên chưa nhận tiền”. Lập tức những tiếng la ó phản đối rộ lên, khiến ông Chiến phải nói lại.
Cuộc đối thoại ngày 7.3 của chính quyền tỉnh Thanh Hóa dường như là một kết thúc tạm. Một cách đóng màn nhanh để kết thúc chương hồi căng thẳng nhất, mà hành động cứng rắn nhiều ngày qua của những người lãnh đạo đã sa lầy. Nhưng vẫn còn đó chuyện khởi tố những người xuống đường bày tỏ nguyện vọng của mình. Dự án quy hoạch đó vẫn treo lơ lửng chứ chưa có một văn bản nào chính thức giải quyết tận gốc cho cuộc khủng hoảng.
Ai sẽ bị khởi tố? Ai sẽ bị phạt hành chính và ai sẽ ngồi tù? Đừng quên cao trào của sự kiện diễn ra, những người lãnh đạo của tỉnh Thanh Hóa cũng phải gánh trách nhiệm đủ về những giải pháp sai lầm của họ đưa ra trước đám đông dân chúng. Tại sao các quan chức lãnh đạo – là nguyên nhân chính của việc dấy nên sự hỗn loạn đó – lại chỉ kiểm điểm, cười xòa, làm hòa… trong khi những người dân thấp cổ bé miệng với ước muốn chính đáng của mình thì phải bị kết án?
Ông Chiến nói bà con ngư dân cứ yên tâm vì ông đã rà soát hết, và xác nhận không có văn bản nào buộc phải di dời bãi biển cả, nên bà con cứ hợp pháp giữ nguyên tình trạng mưu sinh. Nhưng ông Chiến không nói là ai-quan chức nào-nhóm lợi ích nào đã vượt qua tất cả các văn bản để đến từng nhà, ép và đánh dân chúng nhận tiền bồi thường và tránh xa vùng kinh tế đã được “nhắm đến” đó?
Rất nhiều người dân cho biết trong những ngày xung đột, có những người mặc thường phục đánh bà con ngư dân, đe dọa. Người đi đòi giá trị sinh tồn của mình thì sẽ bị khởi tố, còn những kẻ nặc danh đó, vì sao công an Thanh Hóa không tổ chức truy tìm, khởi tố chúng?
Và khi một Đảng ủy của một tỉnh – là nơi tập trung quyền lực cao nhất của địa phương – không làm tròn trách nhiệm của mình, để xảy ra xung đột lớn giữa người dân và chính quyền, nhập nhằng trong cách giải thích vụ việc thì trách nhiệm của họ đến đâu?
—————–-----------------
https://nhacsituankhanh.wordpress.com/