Chấm dứt chiến tranh Nam - Bắc Việt Nam, nhạc trẻ chậm chạp quay lại miền Nam, đặc biệt là trên sóng phát thanh truyền hình. Lúc đó, sự có mặt các tác phẩm của nhạc sĩ Thanh Tùng là sự góp sức quan trọng, giúp giải toả nhiều định kiến của "bên thắng cuộc" về âm nhạc miền Nam, và đem lại một không khí sôi động cho phong trào nhạc trẻ Làn Sóng Xanh ở Saigon, và của cả Việt Nam.
Người nhạc sĩ đến từ Nha Trang đã góp vào đời sống hàng loạt các bài hát như Hát với chú ve con, Lời tỏ tình mùa xuân, Ngôi sao cô đơn, Lối cũ ta về, Mưa ngâu, Một mình... với phong cách thuần pop và rock, tham gia vào làn sóng âm nhạc mới, biến đổi các nhịp điệu hành khúc buồn chán và đơn điệu, tuyên truyền trên sân khấu giải trí thành nụ cười và những bàn tay xiết chặt nhau, giơ cao đu đưa trong những đêm nhạc ngoài trời.
Cùng với dòng máu nóng của thanh niên Saigon đang khao khát có lại được một dòng nhạc phù hợp với mình, các nhạc sĩ Thanh Tùng, Trần Tiến, Bảo Chấn, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Đức Trung... và nhiều người nữa đã cùng mở ra một không gian mới với pop, rock và sự trẻ trung được hưởng ứng rộng rãi, không thể ngăn cản được.
Không có nhạc sĩ Thanh Tùng, và một lớp nghệ sĩ yêu nhạc trẻ của thập niên 80, 90, thì có lẽ âm nhạc Việt sẽ mất thêm một thời gian rất lâu mới có thể thoát được một giai đoạn đầy định kiến và kiểm duyệt khắt khe với âm nhạc có nguồn gốc từ phương Tây. Cơ quan kiểm duyệt nhà nước và các nhạc sĩ dư luận viên coi đó như là một phần văn hoá "đồi truỵ và lai căng". Giai đoạn nhạc trẻ sống lại trong thập niên 80, 90 đã gợi nhiều cảm hứng và can đảm cho nhiều các nhạc sĩ khác cho ra mắt nhiều ca khúc nhạc trẻ thuần tuý, không màng phục vụ chính trị.
Cũng cần nhắc lại, giai đoạn mở đầu độc đáo của nhạc trẻ Việt Nam do các nhạc sĩ Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang xiển dương tại miền Nam, giai đoạn 80, 90 với sự góp mặt của nhạc sĩ Thanh Tùng, là một phần nối đáng nhớ cho sự phát triển của nhạc trẻ Việt Nam. Giai đoạn này, cùng với nhiều ca khúc khác, nhưng đặc biệt là các bài hát của nhạc sĩ Thanh Tùng đã mở ra một giai đoạn đặc biệt, nối liền sự thưởng thức của khán giả Việt Nam và hải ngoại, san bằng ít nhiều những khác biệt về văn hóa thưởng thức của người Việt tự do và đời sống trong nước.
Âm nhạc của nhạc sĩ Thanh Tùng, cũng là cơ hội để các tên tuổi như Bằng Kiều, Thu Hà (Saigon), Thanh Lam... vụt sáng và tiếp cận đông đảo khán giả hơn. Trong các giai đoạn sản xuất băng đĩa rộn rịp nhất, dù không có được thống kê cụ thể, nhưng các tác phẩm của ông được liệt vào hàng ăn khách nhất của nhạc trẻ Việt Nam.
Hơn mười năm nay, ông yếu sức do bệnh tật, và không còn tham gia đời sống âm nhạc nữa. Ngày 15 tháng 3/2016, ông mất tại Bệnh viên Bạch Mai, Hà Nội, hưởng thọ 68 tuổi.
Nhạc trẻ Việt vào thời kỳ gượng phục hưng, sau 1975, ghi nhớ sự có mặt của nhạc sĩ Thanh Tùng như một nhân vật đáng nhớ với nhiều thương tiếc.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.