Wednesday, March 25, 2015

Nhầm




"Nhầm" có thể trở thành một trong những từ ngữ của năm của người Việt. "Nhầm" xứng đáng trở thành tên gọi trong một chương lịch sử hiện đại của người Việt.

Chưa bao giờ người ta chứng kiến việc "nhầm" trở nên thịnh hành ở Việt Nam như bây giờ. Trong vụ hàng ngàn cây xanh bị chặt đổ đầy những câu hỏi, như một vụ án công chưa có câu trả lời, người chịu trách nhiệm chính thức là ai, thì lại có tin hàng loạt cán bộ cấp be bé bị kiểm điểm. Có nhầm không? Người Việt đủ thông minh để hiểu rằng thủ phạm chính vẫn ở đâu đó trong các dinh thự cao rộng, vụ kiểm điểm chỉ là một thủ pháp để xoa dịu sự bất bình của đám đông.

Lãnh đạo Hà Nội nói rằng họ rút kinh nghiệm về việc chặt cây mà không tham khảo ý kiến dân chúng, nhưng bên cạnh những lời trần tình đó, người ta chứng kiến các sinh viên đi dán thông báo bảo vệ cây xanh bị công an, dân phòng sách nhiễu, những chiếc nơ thiện chí về môi trường bị xé đi một cách lạnh lùng và chủ tâm. Một cuộc tuần hành hoà bình kêu gọi bảo vệ cây xanh cũng vây trong không khí căng thẳng như chống bạo động. Ai đang nhầm ở đây, về một sự kiện có sinh hoạt dân sự bình thường bị đè nặng bởi các áp lực mơ hồ nào đó?

Những cây xà cừ cao khoẻ bị nhầm là cây chết, hư hỏng. Gỗ vàng tâm bị nhầm là gỗ mỡ... Chúng ta đang nhầm rất nhiều thứ, bao gồm nhầm cả việc đặt để những người vào vị trí quản lý nhưng lại không có khả năng, luôn nhầm những chuyện quan trọng, gây hoạ cho không biết bao nhiêu người về sau.

Rất nhiều quan chức khi mắc sai lầm, vẫn hay nói rằng đám đông, xã hội đã hiểu nhầm ý của họ. Điều đáng nói là những vị quan chức đó vẫn luôn đúng đắn, chỉ có một xã hội hiểu nhầm. Có khi trí tuệ của đám đông lên đến 80 triệu người, bằng cả một dân tộc, vẫn bị coi là hiểu "nhầm". Dân gian không vô cớ mà hình thành rất nhiều các thành ngữ mỉa mai như "lỗi của thằng đánh máy", "bán vé số thu nhập rất cao", "coi pháo hoa để quên nghèo"... tất cả cũng chỉ xuất phát từ việc "nhầm" của miệng nhà quan. Họ nhầm về nhân dân, và nhân dân đều nhầm về họ.

Trong một truyện cười về nhà triết học Đức F. W. Nietzsche (1844-1900), hậu thế nói rằng khi ông sắp mất, báo chí đứng đầy quanh giường và hỏi rằng toàn bộ học thuật phức tạp của ông, đã có truyền nhân nào kế tục không. Nietzsche thều thào chỉ tay về một cậu học trò thẹn thùng đứng ở gần cửa. "Nó. Chính nó..." Tất cả mọi phóng viên đều ùa sang cậu học trò đó. Duy nhất một nhà báo không chen chân kịp, đành ở lại và hỏi Nietzsche rằng "Cậu ấy thế nào?". Nietzsche thì thào trong hơi thở cuối "Nó là người hiểu sai mọi thứ".

Ai trên đất Việt hôm nay, đã quá vội vã, khiến "nhầm" về mọi thứ? 

Không chỉ Hà Nội, mà ngay ở Sài Gòn, những hàng cây cao lớn, sống hớn nửa thế kỷ đang bị im lặng hạ gục trong các công viên, trên các con đường ở Gò Vấp. Những hàng cây cũng khoẻ mạnh và không tội tình gì. Cuộc sống đang bị triệt hạ âm thầm mà chỉ có số đông dân chúng là nạn nhân. Điều đó thì không thể nhầm.

Con sông Đồng Nai cũng đang chuẩn bị lấp để cho một dự án làm ra tiền nào đó. Hôm nay lấp được một phần, sẽ không lâu lấp đến những phần khác. Hàng triệu con người sống với sông nước ở miền Nam sẽ chịu tai hoạ từ những kẻ phác thảo các dự án từ phòng máy lạnh và nước đóng chai. Tương lai khốn khó và tài nguyên tự nhiên của đất nước cạn đi là một điều không thể "nhầm", thậm chí khi một ngày nào đó những người trách nhiệm vẫn phủi tay, hô to rằng mình "nhầm".

Tất cả mọi chuyển động đều làm ra tiền. Đánh dấu một cái cây cần chặt thôi đã có tiền hơn nửa triệu bạc, thì không lý gì tiền tỷ không được làm ra từ các câu chuyện mà dân chúng phẫn nộ.

Trên đất nước Phượng hoàng hôm nay, quá nhiều những kẻ may túi ba gang đeo bám và trục lợi cho bản thân mình. Phượng hoàng rồi cũng phải kiệt sức trong sự tử tế của mình và không thể nào còn cất cánh nổi. Ngay trong cái chết của nó, ắt cũng kéo theo không biết bao nhiêu kẻ ôm bám cùng những chiếc túi khổng lồ mà luôn "nhầm" là may chỉ với ba gang.

Tuesday, March 17, 2015

Nghe lá rơi dưới chân mình



Mùa hè năm ngoái, chúng tôi chứng kiến quán cà phê vỉa hè mất đi hàng cây xanh quyến rũ của nó. Tàng cây to lớn từ sân của một công ty nhô cao, vượt qua hàng rào, trở thành một khoảng râm mát và xanh tươi của ngã tư đường. Chúng tôi vẫn hay hẹn nhau ngồi dưới bóng cây và gọi một ly cà phê – không còn quan trọng là ngon hay dở - chỉ là để được ngắm một con đường vỉa hè dài, đầy hoa nắng, gió nhè nhẹ thổi. 

 

Phải sống ở Sài Gòn qua những ngày mưa dầm, những ngày nắng điên cuồng… mới thấy tàng cây ấy thú vị đến dường nào trong một đô thị được nuôi lớn bằng sự lãng mạn, mà lãng mạn ấy thì nay cứ bị tước mất một cách chầm chậm và hiển nhiên. 

 

Ngày cái cây xanh to lớn không còn, giống như một người đàn bà đẹp bị bí mật mang đi, không gian đó nhanh chóng vô vị. Mảng tưng và giao lộ quen thuộc đột nhiên thay đổi. Mọi thứ sáng rực và trơ trẽn như một căn nhà đột nhiên không còn nóc nữa, giống như một bức tranh được lấp vội bằng một tông màu chói lòa của tay chép tranh ngu xuẩn và tham lam. 

 

Những ly cà phê đột ngột tệ hơn bao giờ hết. Những câu chuyện không còn sự hấp dẫn, người có ghé thì cũng vội vã ra đi. Ngã tư trở về với xác thịt bê-tông vô nghĩa của mình. Người chủ quán buồn buồn nói rằng ngày trước, khi anh còn làm bảo vệ cho chính công ty nhà nước đó, anh đã ước rằng khi nghỉ hưu thì sẽ mượn tàng cây này làm chốn mưu sinh thanh bình cho mình. Nhưng giờ thì thanh bình ấy, anh cũng không định được. Những người khách thưa dần. Người chủ quán có khi đọc hết 3 tờ báo vẫn không ai gọi. Nắng đay nghiến vào từng phiến gạch nứt nẻ nơi vỉa hè. Lá không còn rơi bên chân ghế.

 

Không ai trong chúng tôi quay lại đó. Mặc dù thỉnh thoảng đi ngang, tôi vẫn nhìn vào nơi có tàng cây cũ, ngẫm nghĩ về một hiện tại không thể tiếp diễn. Thành phố đã có rất nhiều những hàng cây xanh bị hạ xuống. Ai biết được mỗi cái cây đã gắn với một mảnh đời nào, gắn kết ra sao với sự thơ mộng nào của thành phố này? Không biết bao lâu thì người Việt mới có thể trồng nên những bóng cây cao lớn cho mình như vậy, nhưng để hạ xuống thì chỉ trong khoảnh khắc. Như tiễn một người quen ra nghĩa trang và hầu như không quay lại vì cảm giác mất mát, chúng tôi cũng không quay lại quán cà phê đó, chỉ để không phải vẩn vơ nghĩ đến một hàng cây.

 

Và chắc tôi nghĩ mình sẽ không quay lại Hà Nội, nơi thành phố ngập những bóng cây. Người Hà Nội chắc cũng như tôi, sẽ không quen khi thấy những tầng cao xanh của mình bị dỡ bỏ. Những tầng cây cao và xanh giống như những thư viện thời gian bí ẩn, lưu giữ linh hồn của một Hà Nội thì thời tàu điện leng keng đến những tiếng rao hàng sớm tối. Chắc sẽ không còn nhiều thơ hay nhạc từ chính trái tim của những người nghệ sĩ không còn bóng râm đó. Ngày mà bản tin về chuyện Hà Nội sẽ chặt bỏ đi 6.700 cây xanh của thành phố, có ai nghe hoa lá xôn xao run rẩy?

 

Dĩ nhiên, những người chủ trương hạ cây có những lý lẽ của mình. Nhưng nên nhớ rằng, mọi lý lẽ được vận dụng chỉ để thuận lợi cho một mục đích thực dụng đơn giản và mới mẻ, đều phải mang đến một sự hy sinh. Trong ngôi nhà tưởng chừng sẽ mãi bình yên, một ngày nào đó, đứa con với nhu cầu hiện đại sẽ cảm thấy bà mẹ quê mùa của mình là vật cản, thì đưa vào viện dưỡng lão hay cho về quê, cũng là một giải pháp buộc phải hy sinh.

 

Hà Nội có 29.600 cây xanh, với 6.700 cây bị chặt đi đồng nghĩa với bao nhiêu không gian tươi mát bị mất đi? Bao nhiêu hơi thở trong lành không còn? Bao nhiêu trái tim sẽ khô cằn với nơi sinh sống của mình?

 

Tháng 5 này, trời chắc sẽ nắng gắt lắm. Tháng 5 này thuế bảo vệ môi trường sẽ bắt đầu đánh vào tiền xăng thêm 3.000 đồng/lít. Bao nhiêu tiền bảo vệ môi trường từ xăng có thể trả lại một lá phổi trong lành của Hà Nội, hay của Sài Gòn trong những ngày cây xanh gục ngã? Và bao nhiêu tiền nữa để những người luôn muốn chặt bỏ đi cây xanh hiểu rằng tiền không bao giờ mua được linh hồn đô thị, tiền không thể cứu chuộc được quá khứ, hay chính họ?

 

Đôi khi phải ngồi ở vỉa hè, nhìn chiếc lá rơi cạnh chân mình, mới hiểu. 

 

 

------------------------------------

Tham khảo thêm:

http://thoiviet.com.vn/xa-hoi/ha-noi-quyet-chat-ha-6700-cay-xanh-tren-pho-c1a391161.html

 

http://dantri.com.vn/kinh-doanh/tu-15-tang-thue-bao-ve-moi-truong-doi-voi-xang-len-3000-donglit-1042776.htm

Tuesday, March 10, 2015

Nơi chốn của cái “Nhất”

1

Năm năm nữa, bắt đầu từ hôm nay, tượng phật Thích Ca cao nhất thế giới sẽ được xây tại An Giang, Việt Nam. Tượng dự trù cao 81m, được khắc vào núi Sam. Theo lời mô tả trong lễ khởi công ngày 5/3, thì đây “là cơ hội để ngành du lịch tỉnh An Giang thu hút nhiều hơn nữa du khách gần xa, đưa thành phố Châu Đốc phát triển xứng tầm với tiềm năng và trở thành trung tâm thương mại, du lịch quan trọng của tỉnh An Giang”.

Năm năm nữa, không chỉ là tượng Phật Thích Ca, mà có thể sẽ có rất nhiều cái nhất nữa được ra đời trên đất nước này, cùng với danh sách những cái “nhất” mà người dân Việt Nam vẫn nghe thấy hàng ngày. Từ tô hủ tíu lớn nhất, cái bánh chưng lớn nhất… cho đến tháp truyền hình cao nhất, tượng đài lớn nhất… Người Việt đang bước vào thời kỳ chạy đua niềm vui với cái “nhất”. Cuộc đời trần tục hầm hập phả hơi nóng của cái “nhất” từ miếng ăn đến tận linh hồn tín ngưỡng, khiến mọi thứ phải là “nhất”: người ta chen nhau giật lá bùa, giật cái ấn, cướp cái phết… đến vật vã để mình được là “nhất”.

Người Việt dường như đang muốn mình đứng nhất bằng mọi giá, thậm chí tay đôi vay trả với thần thánh. Các chùa chiền, miếu đình được dân chúng rãi tiền, nhét vào tay tượng Phật… như một cách đút lót cho tương lai. Lối ứng xử không khác nào dành cho các loại tà thần, ôn hoàng, dịch lệ. Sự mê đắm hưởng thụ nhưng thiếu văn hóa tâm linh nền tảng khiến con người tin rằng chỉ cần sòng phẳng là có thể được cái “nhất” mà mình muốn. Cũng như chạy đến ngã tư, lỡ vượt đèn đỏ, nhét vội tiền cho anh Cảnh sát giao thông thì đường sẽ lại thênh thang. Thật mâu thuẫn khi mưu cầu một điều an lành cho chính bản thân mình, người Việt lại có thể chen nhau, đánh, giành giật với mọi thủ đoạn. Trong cõi hỗn loạn đó, có khi được coi là lễ hội phục dựng, cũng có khi là đời thường, mà những “nhất” được hình thành. Một loại “nhất” mà bất kỳ ai có lòng với đất nước mình cũng phải lắc đầu ngao ngán.

Nhưng liệu, người Việt đã đủ lớn để kiểm soát những cái nhất của mình chưa? Tô hủ tíu lớn nhất ở Đồng Tháp, có thể cho 1000 người ăn, được trình diễn vào đầu tháng 2 này đã phải đổ bỏ hơn 100kg hủ tiếu, 100kg thịt heo và 600 lít nước súp… vì không ăn được nữa trong một thời gian ngắn. Chính quyền ở Đồng Tháp chắc chắn không vui vì công trình kỷ lục nhất của họ không hoàn hảo. Nhưng hàng ngàn gia đình thiếu đói trong cùng thời điểm đó ở Ninh Thuận, Quảng Bình, Phú Yên, Thanh Hóa và Gia Lai… chắc không vui gấp bội trước những điều mỉa mai như vậy.

Không bao lâu, Tháp truyền hình cao nhất thế giới của Việt Nam sẽ được xây dựng. Lại có thêm một cái “nhất” nữa trong bảng thành tích của Việt Nam. Nhưng chúng ta sẽ làm gì với tháp cao ngất nhất đó khi nhiều chương trình truyền hình vẫn nằm dưới mức mong đợi của khán giả? Táo quân 2015 chỉ là một chương trình hài hước giải trí nhưng bị gây khó dễ đến mức râm ran tin đồn sẽ không còn phát tiết mục này nữa, do nhạy cảm với những vấn đề thời sự mà vốn ai ai cũng biết – những thứ nhầy nhụa thực tế ở tầng trên nhưng lại không được phép nhắc đến.

Sân bay lớn nhất ở Long Thành đang được dồn dập đòi xây, thay cho sân bay Tân Sơn Nhất chưa xài hết công suất. Liệu cái “nhất” được dựng nên, có thay đổi được nạn máy bay trễ giờ, bay-đáp nhầm sân bay, báo cấp cứu vô lý hoặc nạn sách nhiễu vòi tiền, rạch hành lý của hành khách không?

Tượng đài Mẹ anh hùng 411 tỷ đồng ở Quảng Nam cũng thuộc hàng “nhất”, nhưng trong tỷ lệ nghèo đói cả Việt Nam, Quảng Nam cũng chiếm đến 11% của cả nước. Ông Lê Văn Lai, Đại biểu quốc hội của Quảng Nam, từng mô tả rằng “Bóng ma nghèo đói vẫn ám ảnh. Những hộ cận nghèo rất dễ tái nghèo, chỉ gặp một rủi ro nhỏ trong cuộc sống, sau một giấc ngủ sáng dậy là có thể nghèo lại ngay”. Ôi, cuộc sống thật mong manh, chỉ có tượng đài là bền vững.

Chưa bao giờ Việt Nam xuất hiện nhiều chùa, nhiều tượng to lớn đến ngộp như hôm nay. Những quốc gia ngưỡng Phật như Đài Loan, Hồng Kông… trong tương lai có thể sẽ không có nhiều danh lam, đại tượng… như Việt Nam – không nhiều cái “nhất” như Việt Nam. Rồi bên cạnh những cái nhất về vật chất, nghịch cảnh về sư, ni… trên đất nước này luôn là điều khiến người ta phải trầm ngâm: liệu cứ Chùa lớn đã là có linh Phật? Trong bộ truyện Gantz của tác giả Hiroya Oku, những đền đài và tượng Phật chính là chỗ cư ngụ của quỷ. “Trong rỗng không vô nghĩa mà con người dựng nên, đó là nơi chốn tốt lành của chúng ta”, Ngạ quỷ trong Gantz vui mừng nói vậy.

 

 

---------------------------------------------------------------

Tham khảo thêm:


http://dantri.com.vn/xa-hoi/khoi-cong-xay-tuong-phat-thich-ca-cao-nhat-the-gioi-tren-suon-nui-sam-1040823.htm­­­­­­

http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/to-hu-tieu-do-di-va-can-benh-thich-ky-luc-3232918/

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20140424/bong-ma-doi-ngheo-con-lon-von/604188.html

http://www.doisongphapluat.com/xa-hoi/hanh-khach-lai-to-bi-rach-hanh-ly-o-san-bay-tan-son-nhat-a75827.html

 Chú thích ảnh:

This is a strange monument complex in one of Russian parks. In the center of this complex there are different monuments from the Soviet Era stand, collected from different communist party locations and around it there is a stone storage for hundreds of stone heads looking from out of the bars at those communist art examples with despair. The Stalin statue by the way is already without a nose.
(http://englishrussia.com/2007/11/04/soviet-era-victims-museum/)

Wednesday, March 4, 2015

Bia miệng

Anh Huy ở Cà Mau đã tìm cách tránh mặt, sau khi gửi cho cơ quan báo chí một lô nước Soya Number 1 của công ty Tân Hiệp Phát không thể dùng được nữa, dù còn vài tháng nữa mới hết hạn. Theo mô tả, các chai nước này lợn cợn, lại có dị vật nổi bên trong chai. Đặc biệt, các chai này đều nguyên vẹn, hoàn toàn không có “dấu hiệu can thiệp từ bên ngoài”.

Theo mô tả của người tiếp xúc với anh Huy, thì do quá sợ bị công ty nước giải khát lừng danh xứ Việt này gài bẫy cho đi tù, nên anh Huy đã từ chối nhận quà xin lỗi của họ. Đầu tháng hai năm 2015 này, một người dân ở Tiền Giang, anh Võ Văn Minh, cũng đã bị gài bẫy, cáo buộc tội tống tiền và chờ án tù cũng vì không may tìm thấy một chai nước có dị vật của công ty Tân Hiệp Phát. Nhân sự kiện này, người ta cũng tìm thấy không ít người vì tố cáo các sản phẩm tồi của Tân Hiệp Phát mà vướng vòng lao lý, thậm chí trong nhiều năm.

Mà cũng lạ nhỉ, mới cuối tháng trước, đoàn thanh tra của tỉnh Bình Dương, đã dứt khoát tuyên bố mọi sản phẩm của công ty này là hoàn hảo. Cuộc thanh tra phối hợp giữa Bộ, Cục, Sở này đã hoàn thành dễ dàng đến ngỡ ngàng trong một ngày, đối với hệ thống hơn 15 loại sản phẩm, công suất hơn 1 tỷ lít/năm. Bất chấp dư luận phản ứng, thì đại diện phía thanh tra còn vặc lại rằng “truy cái gì?”

Anh Huy ở Cà Mau chắc chắn đã rất lo sợ việc mình trở thành một nạn nhân mới của Tân Hiệp Phát nên không nhận quà, không thương lượng, mà chỉ mong làm rõ về sản phẩm có nguy hại đến sức khỏe con người hay không. Nhưng ai mà không sợ, khi chứng cứ thì rành rành nhưng mọi thứ vẫn lạ lùng chống lại con người. Một nhà đại tư bản không chỉ có tiền kiểm soát truyền thông, mà thậm chí biến luật pháp thành pháo đài của mình. Trên trang wikipedia, đánh tên công ty Tân Hiệp Phát, người ta nhìn thấy nhanh nhất là cả một chuỗi thông tin nhiều năm liền những người tố cáo sản phẩm của hệ thống này đều trở thành khốn khổ.

Thời đại nào, đến một công ty sản xuất giải khát mà nhiều quyền lực giăng giăng mà dân chúng phải kinh hãi? Thời đại nào mà đoàn thanh tra khi công bố kết luận, những ai nghe thấy đều mỉm cười im lặng. Nụ cười buồn rầu như không thể thay đổi được nữa như chứng kiến lẽ tự nhiên ở đời, như con ruồi vẫn đậu vào miệng chai, mà không còn ai quan tâm đến chuyện vẫy tay đuổi đi nữa.

Chuyện xưa kể rằng Khổng Tử đi cùng học trò ngang một ngọn núi, thấy người đàn bà đang khóc tang ma. Ông mở lời hỏi thăm, được người đàn bà ấy nói rằng cha, chồng và con của bà đều bị hổ vồ chết nơi này. Khổng Tử bèn hỏi rằng biết nơi nguy hiểm vậy sao không đi nơi khác mà ở, người đàn bà nói là thân nhân chết thì buồn khổ, nhưng ở đây vẫn tốt hơn vì không có quan lại. Anh Huy sống ở thời nào nào đến khiếu nại một sản phẩm cũng sợ, đến mức Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) kêu anh làm đơn kiện, anh cũng không dám gặp?

Có lẽ lương tâm anh Huy thúc đẩy anh phải lên tiếng khi thấy đồng bào mình gặp nguy khốn, nhưng anh cũng đã đủ dè dặt và kinh nghiệm thấy rằng phận dân đen không là gì trong buổi nhiễu nhương này, mặc cho hổ vồ có lẽ là cách chọn hơn là đối diện công quyền.

Cũng từ chuyện khiếu nại sản phẩm này, chợt nhớ đến chuyện vỉa hè sớm mai. Dân chúng nói cười với nhau đỡ buồn. Có một làng nọ trồng rau chuyên phun thuốc phát triển thực vật để mau có hàng bán kiếm lời. Nhà anh A trong làng cũng làm như vậy, nhưng quyết chỉ bán ra chợ, không ăn rau mình trồng nhằm để sống sót. Bất ngờ thay, ngày nọ anh A lăn đùng ra chết, bác sĩ khám nói là ngộ độc. Cả xóm thấy lạ nên kéo nhau vào anh A để tìm hiểu, thì thấy ngổn ngang vỏ chai nước ngọt của một công ty hàng đầu trong nước. Hoá ra anh chết không vì thuốc phun cho rau, mà chết vì hoá chất trong nước đóng chai.

Chỉ là chuyện dân gian, tầm phào nghe cho vui rồi qua, nhưng thiết nghĩ, không phải vô cớ mà nó sinh ra. Chuyện dân gian thì chắc không cần thanh tra đúng sai, nhưng chắc chắn rằng sẽ là bia miệng muôn đời.
-------------------
Tham khảo thêm:
http://www.giaoducvietnam.vn/Kinh-te/So-di-tu-khach-to-sua-dau-nanh-Soya-Number-1-khong-dam-gap-Tan-Hiep-Phat-post155976.gd

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/thanh-tra-tan-hiep-phat-mot-ngay-dat-het-thi-truy-cai-gi/713538.html