Wednesday, December 31, 2014

Hy vọng từ mùa xuân mới

Một năm nữa vừa khép lại. 365 ngày từ đất nước Việt Nam chứng kiến chuyện người, chuyện mình, bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể dấy lên một niềm hy vọng. Có thể niềm hy vọng khởi đi từ tăm tối, niềm hy vọng hồi sinh từ khổ nạn hay niềm hy vọng chỉ còn có thể gửi lại cho đời sau. Đón một mùa xuân, mầm hy vọng lại trồi sinh, chia cho mọi nhà.


Mùa xuân này, có lẽ những người dân Cuba cũng đang hết sức hạnh phúc và hy vọng. Bài diễn văn ngày 17/12 của tổng thống Barack Obama tuyên bố bình thường hoá quan hệ với đảo quốc này sau 54 năm thù địch, đã mở ra một ánh sáng tương lai mới cho dân tộc đã quá khốn khổ này. Cách đây 5 năm, người dân Cuba mới bắt đầu được sử dụng điện thoại di động, tivi màu, lò vi sóng... cũng như những phương tiện hiện đại khác chỉ vì chính sách kiểm soát xã hội - con người của chính phủ. Sự hà khắc của chính quyền Cuba cũng được báo chí mô tả không ít trong từ trước đến nay.

Niềm hy vọng vào tương lai mới của người dân Cuba hiện rõ trên gương mặt từng người, trong từng lời nói được ghi lại trên báo chi và truyền hình quốc tế. Từ hôm nay, những nhạc sĩ, ca sĩ phản kháng của Cuba sẽ không còn phải ngại ngùng để giới thiệu những bài hát của mình về những điều thao thức về vận mệnh dân tộc mình, tổ quốc mình trước lưỡi hái kiểm duyệt. Một chương mới đang đến với lịch sử Cuba.

Niềm hy vọng này không phải mới có, mà đã là một tiến trình thầm lặng, mà chính ngay giới cầm quyền Cuba nhận ra rằng họ cần phải tự thay đổi để sống còn chứ không thể duy trì sự hà khắc để bảo vệ chế độ cộng sản. Từ năm 2012, một mệnh lệnh bí mật được ban ra, cho phép gỡ bỏ dần việc cấm cản, chấm dứt bỏ tù hay sách nhiễu các nghệ sĩ chống chính quyền Fidel Castro. Người dân Cuba đã sửng sốt khi nghe trên radio xuất hiện tiếng hát của các ca sĩ lưu vong Gloria Estefan, Willy Chirino hay tiếng saxophone nhạc jazz của nghệ sĩ Paquito d’Rivera. Thậm chí bà Celia Cruz, được mệnh danh là nữ hoàng nhạc salsa của thế giới cũng được quay lại, sau 50 năm bị cấm vì những tuyên bố mang tính dân chủ của bà. Thậm chí năm 2013, chính quyền Cuba còn làm một hành động mang tính đột phá khi mời bà Celia Cruz từ Mỹ về diễn ở quê hương và ngỏ ý bà nên ở lại và tự do ca hát, cho dù vài năm trước đó, họ đã từng lạnh lùng từ chối cho bà nhập cảnh để dự đám tang cha.

Mùa xuân này, trong dòng người xuống đường đòi chính quyền Cuba hãy nhanh chóng thay đổi thể chế, người ta còn nghe thấy âm nhạc tự do vang lên cùng với họ. Âm nhạc vang lên cùng với hy vọng.

Một trong những sự kiện khó quên khác của cuối năm 2013, đó là chuyện phim hài Interview giá 44 triệu USD của Mỹ khiến cả thế giới theo dõi, để xem quyền tự do ngôn luận có thể chiến thắng được nỗi sợ hãi kẻ khủng bố hay không. Nội dung hài hước về việc 2 ký giả lá cải được CIA giao nhiệm vụ ám sát lãnh tụ Bắc Hàn, đã khiến lãnh tụ họ Kim thật ở ngoài đời nổi giận và đòi huỷ diệt cả nước Mỹ và hãng phim, khiến một nỗi hoảng sợ bao trùm mọi nơi.

Thật sự, đây là một phim hài không có gì đặc sắc. Nhưng nếu Sony Pictures, chủ đầu tư bộ phim này lùi bước, nó sẽ là một bước lùi ô nhục cho quyền tự do tư duy và văn hoá của con người trong thiên niên kỷ được coi là văn minh nhất. Ngày 23 tháng 12, 2014, nhà biên kịch Seth Rogen viết trên trang twitter của mình về việc hãng Sony quyết định công chiếu, bất chấp mọi hiểm nguy, trên đó, ông ghi rằng "Tự do trên hết, Sony sẽ không thể từ bỏ hành trình của mình".

Ít ai biết, để đi đến quyết định đầy thách thức này, Sony đã nhận được rất nhiều lời vận động, ủng hộ từ giới nghệ sĩ có ý thức chính trị và xã hội. Đặc biệt là từ những lời khuyên của diễn viên điện ảnh George Clooney, Sean Penn và của tổng thống President Barack Obama. Điều được nhấn mạnh, là vấn đề không phải ở chỗ một cuốn phim, mà là quyền con người cho tương lai. Rơi vào tình trạng giống như những dư luận viên được Trung Quốc thuê mướn ở Hồng Kông trong cuộc Cách Mạng Dù luôn kêu la về việc họ cần bình yên để làm ăn hơn là dân chủ và rủi ro, hãng Sony được nhắc rằng họ cần phải tồn tại với danh dự của mình và văn minh tương lai, hơn là bảo an thấp hèn.

Một cuộc cách mạnh internet thầm lặng trong lòng Bắc Hàn cũng đang diễn ra sôi động. Hàng triệu người tìm kiếm và chia sẻ nhau bộ phim này để hiểu được thế giới nhìn như thế nào về vị lãnh tụ của mình. Nỗi sợ hãi và tín ngưỡng nhồi sọ huyền ảo về kẻ cai trị cũng phai nhạt dần từ tiếng cười của Interview đem lại. Cũng có thể đã có những niềm hy vọng thắp lên từ bóng tối của miền bắc Triều Tiên, về một mùa xuân mới của ngày mai không còn cộng sản.

Còn một niềm hy vọng khác, gần gũi hơn. Đó là từ thế ảo tại Việt Nam. Khác lại với bất kỳ mạng xã hội nào trên thế giới, facebook tại Việt Nam đang trở thành trạm thông tin quan trọng, đem đến những điều chạm vào da thịt, suy nghĩ của từng người về cuộc sống này. Sự chia sẻ này thậm chí đang khiến báo chí chuyên nghiệp Việt ngữ trở thành nhàm chán và chạm chạp.

Từ các trang mạng, người Việt tìm thấy nhau chân thành hơn, sâu sắc hơn. Rất nhiều những chương trình từ thiện xuất hiện trên đây đã giúp các mạng người, cứu vớt những số phận mà không cần danh lợi. Bên cạnh đó, nhiều sự kiện xã hội còn được các trang mạng lên tiếng, đánh động dư luận đã khiến lương tâm con người thức tỉnh, công lý được vực dậy từ tro tàn. Cái ác bị vạch mặt, những kẻ đục ruỗng đất nước hiện nguyên hình. Những vụ án kêu oan của Hồ Duy Hải (Long An) hay Nguyễn Văn Chưởng (Hải Dương)... thậm chí đã đánh động đến tận các bữa họp quốc hội.

Từ các trang mạng, những con người Việt Nam vô danh đang giúp cho ngành tư pháp nhiều chứng cứ hơn để hoàn thiện các trường hợp, nhiều dữ liệu hơn để cả xã hội nhìn thấy đất nước mình ở đâu, như thế nào... đặc biệt với các trường hợp nhục hình ép cung, lạm quyền bạo hành với người dân, mà báo chí đã liệt kê ở Bắc Giang, Phú Yên, Đắc Lắc, Cần Thơ...

Mạng xã hội là con thuyền và các blogger Việt Nam tử tế đang chèo chống vượt qua những nỗi sợ hãi, sự ích kỷ thấp hèn trong đời sống để cùng xây dựng đất nước này. Họ mang lại những niềm hy vọng cho những người im lặng ngóng nhìn một niềm hy vọng, ngay cả khi chính người viết còn đang tuyệt vọng. Thế giới phẳng đang ngầm nhắc rằng chỉ duy người Việt trên thế gian này mới được hai tiếng đồng bào. Một giống nòi đã cam kết từ khi ra đời sẽ đùm bọc và yêu thương, đưa nhau khốn khó. Một giống nòi chia nhau lên núi và xuống biển để tìm hy vọng.

Một năm nữa đã khép lại. Những u mê, hận thù hay tham lam, cố quyền khép lại, hé mở một năm mới đang nẩy mầm hy vọng. Nhìn quanh ta, và nhìn lại mình, thật sự ta đang vẫn thấy mình còn nuôi hy vọng.

Wednesday, December 24, 2014

Lắng nghe bài hát Giáng sinh Việt Nam 100 tuổi

[caption id="" align="alignnone" width="720" caption="Ảnh: Giang Đông Du"]image[/caption]

Mùa Giáng sinh đến với người Việt Nam đầy những giai điệu của một mùa yêu thương và chia sẻ. Giáng sinh chưa bao giờ có thể thiếu âm nhạc. Và những gì được ghi chép từ âm nhạc Giáng Sinh được biết đến ở Việt Nam, đang làm thay đổi mọi nhận thức về lịch sử tân nhạc Việt Nam từ thời tiền Đệ nhị Thế chiến.

Theo các tài liệu được biết về âm nhạc Giáng Sinh được người Việt nội hóa, tức sáng tác mới từ tiếng Việt chứ không hề chuyển ngữ, thì từ năm 1911, đã có bài Nửa đêm mừng Chúa ra đời do hai linh mục Phao-lô Đoàn Quang Đạt và Gabriel Long soạn thành bài, dựng nên tiết mục hoạt cảnh cho sinh hoạt của nhà thờ. Linh mục Grabriel Long là thầy của linh mục Đoàn Quang Đạt, và là người góp ý để bài hát này ra đời hoàn chỉnh.

Đầu thế kỷ 20, nơi mọi thứ còn rất mông muội trong sinh hoạt văn hóa của người Việt, chính các linh mục với nền Tây học đầu tiên, là người đem nhạc lý và trình diễn âm nhạc đến sớm nhất với người dân theo đạo trong vùng của mình. Nhiều tiết mục âm nhạc, kịch nghệ… lẫn sáng tác mới đã hình thành từ đây. Tuy nhiên, do yếu tố sinh hoạt còn khép kín trong những người theo đạo, nên sự quảng bá không rộng rãi như bây giờ. Âm nhạc lúc bấy giờ chỉ được dùng trong các nghi lễ và sinh hoạt tôn giáo, nên chưa có sức lan tỏa mạnh với quần chúng. Hơn nữa, thị trường âm nhạc Tây học vẫn chưa có chỗ đứng với người Việt, khi đô thị và sinh hoạt kiểu phương Tây chỉ mới bắt đầu hình thành.

Bài hát Nửa đêm mừng Chúa ra đời thường được ghi với tên của linh mục Đoàn Quang Đạt, một phần vì ông là tác giả chính, phần khác là linh mục Gabriel Long với sự khiêm tốn trong việc giới thiệu phần đóng góp của mình, nên cũng ít được nhắc tới. Văn bản viết bằng nốt nhạc hoàn chỉnh trên những dòng kẻ tay của linh mục Đoàn Quang Đạt (1877-1956), được ghi nhận có từ 1911, tức trở thành dữ liệu được tìm thấy sớm nhất về âm nhạc Tây học của người Việt. Hơn nữa, từ năm 1911, bài hát này đã được dàn dựng và trình diễn không ngừng đến tận hôm nay. Năm 1910, nhà sách Tân Định Ấn Quán (Imprimerie de la Mission de Tan Dinh) đã cho ra tập nhạc bản này.

Thật ra, dựa theo tập nhạc nói trên, người ta tìm thấy một bài hát khác của linh  mục Đoàn Quang Đạt, viết từ năm 1907 tên là Ca Vịnh Đức Bà. Do bài hát này ít phổ biến hơn, cũng như thất lạc văn bản gốc, nên tạm thời bài Nửa Đêm Mừng Chúa Ra Đời được coi là bài hát đi theo dòng tân nhạc, có mặt sớm nhất trong lịch sử Việt Nam. Và mùa Giáng sinh năm nay, bài hát này được vang lên với độ dài hơn một thế kỷ để chúc lành cho mọi người trong thế giới chưa bao giờ bình an thật sự này.

Nói về nhạc thuật, cũng như lời hát, nếu một lần được nghe qua, bất kỳ ai yêu âm nhạc cũng ngạc nhiên về sự tinh tế trong sáng tác, cũng như hòa nhập tính cách Nam bộ của người Việt theo đạo Công giáo từ miền khác vào đồng bằng Cửu Long. Trong thời điểm mà quốc ngữ còn đang còn nhiều khiếm khuyết, sự hoàn chỉnh của ngôn ngữ trong bài hát này đã làm nhiều nhà ngôn ngữ phải kinh ngạc.

Sự ra đời của bài hát Nửa Đêm Mừng Chúa Ra Đời là một bước ngoặt quan trọng trong việc nhìn nhận sự xuất hiện của tân nhạc Việt Nam. Với những tài liệu được biết, bao gồm đĩa nhựa 78 vòng được xuất bản, người ta chỉ biết đến nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên với bài Kiếp Hoa, xuất hiện năm 1938, trong sự trợ giúp của Thống đốc Nam Kỳ Henri Georges Rivoal (1886-1963) để vận động cho tour âm nhạc cải cách từ miền Trung ra miền Bắc bằng xe lửa. Dựa trên dữ kiện này, lịch sử tân nhạc Việt Nam cần phải được ghi chú lại, với bài hát đầu tiên được tìm thấy là tác phẩm của linh mục Đoàn Quang Đạt.

Theo ghi nhận của nhạc sĩ Trần Quang Hải, giai đoạn trước năm 1937 là thời gian được coi là tượng hình, tức chưa rõ ràng gì về âm nhạc, cũng như việc nhìn nhận. Còn với nhạc sĩ Phạm Duy (1921-2013) thì đây là giai đoạn đi tìm nhạc ngữ mới. Tức người sáng tác phải đi tìm ngôn ngữ ca từ lẫn các phương thức sáng tác cho tân nhạc Việt. Ấy vậy mà, khi nghe lại Nửa Đêm Mừng Chúa Ra Đời, người nghe sẽ không khỏi ngỡ ngàng như bài hát này chỉ mới được sáng tác gần đây bởi tính hiện đại và hấp dẫn của nó.

Những tư liệu này sẽ là cơ hội cho các nhà nghiên cứu và ghi chép lịch sử âm nhạc bổ sung vào tiến trình hình thành âm nhạc hiện đại của người Việt qua hơn một thế kỷ.

Nhưng trước mắt, chúng ta lại đón một mùa Giáng Sinh với những điều chúc lành, bên cạnh đó được nghe lại một bài hát đã có hơn một thế kỷ. Đó cũng là một món quà êm dịu của mùa cuối năm đầy gió lạnh. Món quà được gửi đến từ quá khứ trăm năm, mà ngỡ như mới hôm qua.

(tổng hợp, theo gợi ý của bs Lê Đình Phương)

4 giờ sáng, ngày mùa đông

NS-27.11-tutuChuong-in3

Suốt trong nhiều năm, tôi cứ bị đánh thức dậy bởi tiếng chuông nhà thờ cách nhà một dãy phố. Buổi sáng, khi chung quanh vẫn còn tối đen, tiếng chuông nhà thờ văng vẳng luôn trở thành một người bạn bí mật nhắc tôi về nhiều thứ, thức tỉnh tôi. Đặc biệt, những ngày cuối năm, trời miền Nam tạm gọi là mùa đông, không khí lạnh đặc. Tiếng chuông cũng âm vang lạ hơn, xa xôi hơn.

4 giờ sáng, thời khắc như bắt đầu mọi thứ ở Việt Nam. Tiếng xe máy lác đác vụt qua trên đường phố. Tiếng chổi sớm, tiếng ho của người già. Tiếng lanh canh của người bán cà phê vỉa hè đun nước. Trong ánh sáng mờ ảo đó, cuộc sống nhen nhúm dần chờ bình minh. Những bóng đèn đường lịm dần nhường chỗ cho ban mai. Và trong ánh sáng chập choạng ấy, những ngày gần đây, tôi hay nghĩ về một đôi vợ chồng già mệt mỏi thức dậy ở Hà Nội, mọi thứ qua loa để kịp ra đường lúc đông người qua lại nhất. Họ giơ cao các tấm bảng viết chữ đỏ như bằng máu với nội dung "con tôi sắp bị chết oan".

Cuối tháng 12 này, anh thanh niên Nguyễn Văn Chưởng sẽ phải chấm dứt cuộc sống của mình theo án tử hình do Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng ký duyệt. Hệ thống điều tra ở thành phố này khẳng định Chưởng là kẻ giết người, trong khi đó, nhiều nhân chứng xác nhận rằng Chưởng ở cách nơi vụ án xảy ra hàng chục cây số đã không được phía điều tra màng tới. Chưởng viết thư bằng máu nói rằng mình đánh đập, bị ép cung, nhục hình... để buộc nhận một tội mà anh chưa bao giờ phạm phải. Những lá thư mà Chưởng đã phải thức trong những đêm tối tăm của nhà ngục, thầm viết và gửi ra cầu cứu với niềm hy vọng lịm dần, do bị bao vây bởi cái ác đeo cà vạt và quân phục. Cái ác cầm gậy và roi, cái ác ngồi xổm lên sự thật và công lý.

Ông bà Nguyễn Trường Chinh và Nguyễn Thị Bích đã bỏ hết mọi việc làm ăn, cầm cố tài sản từ tám năm nay để kêu oan cho con mình. Nhiều tháng nay, hai ông bà bạc đầu, đứng trên nhiều ngã đường ở Hà Nội và giơ cao tấm bảng kêu cứu, hoảng hốt khi ngày chết của con mình gần kề. Có lúc ông bà đứng trong buổi sáng rực nắng, có lúc ông bà ngồi giữa buổi chiều đầy người qua lại, nhưng lòng người xứ Việt như lúc 4 giờ sáng, không còn một tiếng chuông nào lay động. Oan khiên và sợ hãi phải chăng đang tràn ngập đất nước này khiến ai ai cũng kinh hãi lo giữ lấy đời mình? Chỉ đến khi lời đồn về đôi vợ chồng khốn khổ này lan đi ào ạt trên mạng xã hội ảo, người ta mới bắt đầu biết đến họ, những ngày thật, gần đây.

Chưởng nói anh không bao giờ nhận mình là kẻ giết người. Dù anh bị đánh, bị nhục hình, thậm chí điều tra viên doạ giết cả người thân để ép anh ký vào lời khai theo ý họ. Nhưng bất luận Chưởng kháng cự ra sao, một thế lực bí ẩn nào đó vẫn muốn Chưởng phải chết đúng vào ngày giờ đã định, để lại cha mẹ già, vợ và con nhỏ bơ vơ.

Có cái gì đó thật mỉa mai, khi nơi trại giam giữ Chưởng có tên là Trần Phú, người tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng Sản Việt Nam, qua đời năm 1931 do bị người Pháp dùng nhục hình và giết chết. Giờ thì người Việt đã thừa kế tất cả những gì mà họ đã từng lên án và dùng nó để làm bằng chứng lật đổ một chế độ. Trong tương lai của một Việt Nam văn minh, biết đâu di ảnh của cố tổng bí thư Trần Phú có thể sẽ nằm không xa với tấm vải thêu bằng tăm tre lời kêu cứu của Nguyễn Văn Chưởng, về một ký ức tội ác và oan khiên của con người đã từng trãi qua trong thời đại của mình.

4 giờ sáng, những ngày mùa đông này ở Hải Phòng, tử tù Nguyễn Văn Chưởng đang làm gì? Những ngày ghê sợ nhất là những ngày cái chết gần kề mà người ta vẫn còn thoi thóp một suy nghĩ về công lý. Ba mẹ già của anh ở Hà Nội cũng đang thoi thóp hy vọng trên các ngã đường mỗi ngày. Chúng ta, những công dân cũng đang thoi thóp và bất lực chứng kiến bi kịch của một gia đình, như một bi kịch của đất nước mình mà không thể hét lên, gọi ngừng lại, đòi phế bỏ vở diễn đầy đau thương đó.

Trại giam thường đánh thức tử tù vào 4 giờ sáng, vào ngày phải chết. Có thể 4 giờ sáng những ngày mùa đông sắp tới lại là một vết khắc nữa, đòi phải được vay-trả trong hành trình sống khắc khoải của đất nước này. Nhưng có thể 4 giờ sáng nào đó, là ngày oan khiên khép lại, và cái ác như ánh đèn nhân tạo phải tắt dần, nhường chỗ cho bình minh thật sự soi sáng.

Như bao con người khác đang bất lực theo dõi sự kiện của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, tôi cũng không đủ sức để làm nên điều kỳ diệu nào với một lời kêu oan. Nhưng tôi và bạn không thể không nói, không thể không hy vọng. Phần nhân tính ít nhất mà bạn có, dù bất lực, là phải ghi nhớ. Ít ra, mai sau chúng ta vẫn có thể đứng dậy và trở thành nhân chứng đáng giá của thời cuộc. Nhân chứng của sự thật dù trãi qua rêu phong. Dù chỉ làm một tiếng chuông cô độc, vẫn hơn là hoà tan mình, thoả hiệp trong đêm tối vô tận không thức tỉnh.

Tham khảo thêm
Bài trên báo Tuổi Trẻ, ngày 23/12/2014

Bài trên báo Người Đưa Tin

10850214_10153472316430620_6343133601537779638_n

va2.donkeucuu

Saturday, December 20, 2014

Những bài hát Giáng sinh chưa bao giờ cũ

Kể từ sau khi bài Silent Night ra đời (1818), bài hát được ghi nhận là tác phẩm lâu đời nhất viết cho lễ Giáng sinh, thì đến nay đã có vô số những bài hát được sáng tác dành cho dịp lễ cuối năm này. Mỗi dịp Giáng sinh về, con người ở khắp nơi trên thế giới lại có dịp ngẫu hứng thêm biết bao những giai điệu mới. Thế nhưng lạ thay, vẫn có những bài hát đặc biệt luôn luôn vang lên, lặp lại nhiều lần mà không thấy chán trong trái tim mỗi người. Những bài hát xa xưa mà không bao giờ cũ.

Có những người đã đi qua hàng chục mùa Giáng sinh, nhưng mỗi năm, khi bài Jingle Bells cất lên, mọi thứ trong đời như được nhấn phím f5 trên máy tính, lại tươi mới và xao xuyến như thuở ban đầu. Nhà phê bình âm nhạc Rachel Pomerance Berl, khi viết trên tờ Huffington Post đã đặt ra câu đố rằng "những bài hát nào có sức mạnh hơn cả những bài hát?", câu trả lời nhanh, đó là nhạc Giáng Sinh. Đôi khi người ta không còn lắng nghe âm nhạc trong mùa Giáng Sinh bằng sự thưởng thức thông thường, không còn phân tích về logic đời sống của bài hát đó nữa, mà chỉ còn bí mật tìm những người đồng điệu với mình trong một khoảnh khắc. Âm nhạc như một thông báo về những ngày rất quen mà trái tim cần đập chậm lại và thêm những nụ cười. Sức quyến rũ kỳ lạ của nhạc Giáng sinh là vậy.

Trong lời giới thiệu mở đầu cho chương trình nhạc Giáng sinh năm ngoái, Jonathan Henley, người cầm trịch của đài phát thanh Road Signs (Mỹ) với giờ âm nhạc có tên WEND trên băng tần 106.5 FM đã nói rằng "chào mừng con người đang bước vào khoảng thời gian của lý lẽ không tồn tại". Lúc nay, chúng ta chỉ cần lắng nghe âm nhạc như để tự nhắc mình là ai, ý nghĩa của cuộc sống này là gì. Nhiều cuộc điện thoại sau lời giới thiệu đó gọi vào, gửi tặng nhạc đến người thân, tiết lộ cho biết rằng ngoài những người Công Giáo, còn có người Do Thái hay Phật Giáo... Đỉnh điểm của Giáng Sinh là nơi tập hợp mọi niềm tin tinh thần, là lòng nhân ái và chia sẻ, nên con người không biên giới đã cùng gặp nhau nơi đó.

Sẽ chẳng còn ai quan tâm đến việc bài Jingle Bells chưa bao giờ thật sự là một bài nhạc dành cho Giáng sinh cả. Thực tế là bài hát này được nhạc sĩ James Lord Pierpont ở Mấchusetts viết cho dịp lễ Tạ Ơn. Và cũng không ai quan tâm rằng bài Rudolph The Red-Nosed Reindeer (ở Việt Nam vẫn hay dịch là Ông Rudolph mũi đỏ) lại là một bài Giáng Sinh được viết nên bởi một nhạc sĩ Do Thái Giáo, tên là Johnny Marks. Giáng sinh làm nên niềm vui của những người có đạo, nhưng âm nhạc thì nối dài vòng tay làm nên một mùa Giáng sinh an lành cho cả thế giới. Âm nhạc phá bỏ mọi ranh giới tín ngưỡng, gợi lại những giấc mơ đẹp và sẽ không bao giờ cũ trong trái tim con người.

Khác với những thể loại âm nhạc khác, nhạc Giáng sinh có giá trị như một bước nhảy alpha, vượt thời gian trong khoa học vũ trụ. Con người có thể đột ngột chuyển vùng tồn tại của mình, quay trở lại những kỷ niệm vui buồn trong đời mình đã qua khi nghe thấy những giai điệu này. Không có một liều thuốc estacy nào đủ mạnh để tạo được những cảm giác khi ngày cuối năm đến, tiếng chuông nhà thờ và âm nhạc vang lên: con người trở nên mộng mơ hơn trong thực tại, và thanh bình ập đến trong trái tim mình.

Nhạc Giáng sinh gần với người Việt hơn, kể từ khi có một trào lưu Việt hoá dòng nhạc này. Sớm nhất, được biết là hai ca khúc Hang Bê-Lem của nhạc sư Hải Linh và Cao Cung Lên của linh mục Hoài Đức. Cả hai bài này đều được ghi nhận cùng xuất hiện vào năm 1945. Đó cũng là giai đoạn của tân nhạc tiền nội chiến Việt Nam phát triển mạnh mẽ nhất. Trước đó, các bài hát Giáng Sinh phần lớn đều được hát bằng tiếng Latin hay tiếng Pháp nên ít người hát được. Vì vậy việc viết và dịch lời Việt bùng nổ. Đến thập niên 60-70 thì những bài tình ca Việt nhân dịp Giáng Sinh đã xuất hiện rất nhiều. Người ta bắt đầu ngâm nga những bài nhạc Việt có hình ảnh Giáng Sinh, xao xuyến đem vào ký ức thế hệ mình. Trong đó phải kể đến Bài Thánh Ca Buồn của Nguyễn Vũ, Hai Mùa Noel của Đài Phương Trang, Con Quỳ Lạy Chúa Trên Trời của Phạm Duy... So với nhiều nước ở Đông Nam Á, Việt Nam là một quốc gia hết sức giàu có giai điệu và niềm vui trong mùa Giáng Sinh. Thật thú vị khi nhiều nơi đang hát vang lời ca tràn đầy tuyết lạnh, nhưng thực tế thì người ta có thể toát mồ hôi với ngày nhiệt đới.

Trong khi những bài hát mới về Giáng Sinh có thể bị lãng quên nhanh, thì ngược lại những bài hát truyền thống thì luôn được đợi chờ trong trí nhớ. George Michael, một trong những ca sĩ thời hiện đại, hiếm hoi được ghi nhớ với bài Last Christmas trong danh sách những bài hát cùng vang lên trong mùa Giáng Sinh, đã tóm tắt "những bài hát vui tươi nhưng thầm lặng nhắc về hạnh phúc đã mất. Và ngay khi bạn từng khổ đau trong quá khứ, thì giờ đây nhớ lại, đó cũng là một cảm giác hạnh phúc của đời người, mà hạnh phúc thì không bao giờ cũ".

Thursday, December 18, 2014

Ngày buồn hiu với bài hát cuối

4583550938_1c6e3276da_z

Còn 4 ngày nữa đến Lễ Giáng Sinh thì Việt Dzũng mất. Anh không kịp mừng lễ Chúa sinh ra lần thứ 55 trong đời mình, không kịp trình diễn 2 bài hát cuối cùng mà anh thu âm tại California. Hai bài hát về đức tin của anh, nỗi sợ hãi và phấn khích, trong đó có những câu hát như lời trối trăng sau cùng.

Ngày 20-12-2013 đó, mới đây mà đã một năm. Tại nghĩa trang Good Shepherd Cemetery, cỏ đã xanh quanh bia mộ. Nụ cười của anh dừng ở tại phiến đá. Bình yên hay khắc khoải, khó ai biết được. Cũng giống như Emily Bronte viết lời kết trong Đỉnh Gió Hú, rằng cỏ xanh và con mắt trần gian khó mà biết được nỗi niềm của người nằm dưới bia mộ đó, có thật sự an nghỉ hay không?

Từ ngày tháng ấy, người Việt hải ngoại ở hai miền Nam Bắc California không còn nghe được tiếng nói của Việt Dzũng trên đài phát thanh mỗi sáng. Giọng cười sảng khoái và cách đọc tin như cấu níu người nghe của anh "mời quý vị quay lại với Việt Dzũng"... như vẫn âm vang đâu đó. Vốn bởi, người ta đã quá quen thuộc sự có mặt của anh bất kỳ trong một chương trình ca nhạc hay sinh hoạt cộng đồng. Khi nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng viết về niên kỷ hồi sinh với một Việt Nam đã dựng nên bên ngoài Việt Nam, theo đó đã có những con người không thể nào quên  của lịch sử, của phận người vận nước, như Việt Dzũng.

Mấy năm trước, một lần được xem anh và ca sĩ Nguyệt Ánh hát ở Houston. Giữa chương trình đang rất sôi động, đột nhiên có khoảnh khắc Việt Dzũng buông micro, thừ người ngay trên sân khấu. Mắt anh buồn. Tôi chụp được giây phút đó, đưa cho anh xem lại và hỏi có phải anh mệt không? Anh cười, "Anh nghe bài Em có mơ một ngày về của chị Ánh, rồi tự hỏi anh có kịp về quê hương mình không".

Việt Dzũng đầy thứ bệnh trong người. Bác sĩ nói bất cứ lúc nào trái tim hay mạch máu của anh đều có thể ngừng lại không cần lý do chính đáng. Vì vậy mà Việt Dzũng tận dụng mọi thời cơ có được trong đời mình để lăn xả vào hoạt động, để sáng tác, hát, gầy dựng một điều gì đó. "Em nghĩ anh có kịp về được Việt Nam không?". Thật khó mà nhìn thẳng vào mắt của anh để trả lời đúng cho câu hỏi này. Dù tôi gật đầu, nhưng ánh mắt thông minh vẫn luôn đầy giễu cợt của anh như xoáy vào, im lặng và thấu hiểu. Đầu năm 2013, trong chuyến lưu diễn ở Úc, Việt Dzũng âm thầm cho in trên mặt đĩa lời chia tay khán giả ở Châu Đại Dương, nói rằng đây sẽ là chuyến lưu diễn cuối cùng của anh.

Về Việt Nam, vẫn là một trong những câu chuyện hay được gợi lên từ Việt Dzũng. Nó cũng là sự khắc khoải của rất nhiều người Việt lìa xa quê hương mà linh hồn như vẫn quẩn quanh nơi chôn nhau cắt rốn. Mỗi khi chứng kiến hay nghe về đề tài này từ những người vọng quốc, tôi vẫn hay rờn rợn trên da, thấm thía một nỗi buồn khó tả. Ngay cả nhạc sĩ Phạm Duy, một con người vẻ như bất cần thế giới, trước khi được chính thức về nước, cũng đã từng thì thầm hỏi qua điện thoại rằng "ở Việt Nam còn ai nghe nhạc của tôi không?". Nghe mà tê tái, không phải cho riêng ai, mà cho một dân tộc và tổ quốc quá đoạn trường.

Trong một lần đi diễn ở Sacramento, Việt Dzũng nghe đồn có một ông thầy Miên coi bói rất hay. Tò  mò, anh chạy đến gặp ông thầy, và chỉ hỏi một câu "khi nào tôi có thể về Việt Nam?". Ông thầy không biết Việt Nam là gì, cũng chẳng màng thế sự, chau mày nói rằng "nếu ông sống qua năm tới, thì 2015 ông có thể về được". Chuyện tưởng như đùa, nhưng Việt Dzũng đã không đi qua được ngày tháng đó. Đường về đã gần qua nắng gió, nhưng xa hơn trong trần thế.

Khi bắt đầu mệt hơn thường lệ, Việt Dzũng nhờ hoà âm gấp hai bài hát để anh hát khi còn sức. Một bài có tên Cùng đi với tôi do anh viết, và bài Đừng sợ của một tác giả trong nước. Trong bài Đừng sợ, nhạc sĩ Việt Dzũng viết lời 2 cho bài hát này, mà anh nói rằng ngẫu hứng từ các sự kiện của giới Công giáo. Còn bài Cùng đi với tôi thì lại là một ca khúc như lời từ biệt. Giọng hát anh yếu hẳn trong bài hát này, dù thu sửa nhiều lần. "Vậy thôi, anh không làm hơn được nữa rồi", Việt Dzũng lắc đầu.

Đừng đi đằng trước xa tôi
Tôi sẽ không theo kịp bước chân người
Đừng đi đằng sau lưng tôi
Tôi sẽ lầm đường lạc lối

Một năm sau, nghe lại bài hát này. Chợt nhận ra anh đã đi rất nhanh. Đã không thể bắt kịp anh rồi.

Hai bài hát như nói thay cho cảm giác cô đơn của Việt Dzũng khi hiểu mình sắp bước vào một chuyến đi xa. Hát với mình, anh tự trấn an về một nỗi sợ mơ hồ của số phận. Anh xin được giao phó linh hồn cho Chúa. Và anh cũng như muốn nhắc mọi người rằng đừng quên người bạn đã chống đôi nạng đi cùng mọi người rong ruỗi qua mọi nẻo đường của yêu thương, lý tưởng và chia sẻ. Bài hát như lời gọi đến những ai quen biết, để bày tỏ, khi thấy không còn kịp nữa.

Nhưng lúc này, làm sao để nói cho anh biết rằng cuộc sống này bỗng buồn hiu, khi mỗi sáng không còn nghe giọng truyền thanh của anh trên Radio Bolsa. Gió đã lạnh ngày cuối năm. Giáng sinh về. Nghe lại bài hát cuối cùng của anh. Viết mảnh giấy nhỏ, đốt và để tro bay theo gió về hướng anh nằm, hướng biển Huntington Beach. Vài chữ để anh đọc: "Thật sự, buồn hiu".


Kỷ niệm một năm ngày nhạc sĩ Việt Dzũng mất
(20-12-2013  /  2014)

--------------------------------------------------------------------

Cùng đi với tôi

https://soundcloud.com/nhacsituankhanh/cung-di-voi-toi
Đừng sợ



Wednesday, December 17, 2014

Khi người nghệ sĩ xuống đường

image



Thật khó tưởng tượng nổi đêm cuối cùng của cuộc Cách Mạng Dù ở đường Harcourt Road tại khu Admiralty, khi hàng ngàn cảnh sát Hồng Kông được trang bị tận răng đánh đập, bắt bớ... những người biểu tình, trong đám đông quả cảm đó, có cả nữ ca sĩ Denise Ho (Hà Vận Thi). Mặc một chiếc áo thun đen và tay cầm chiếc dù vàng, gần như không trang điểm, người nữ ca sĩ lừng danh của dòng Canto-pop này bị lôi đi cùng với nhiều người khác, lẫn trong tiếng hô uất nghẹn của giới sinh viên đòi dân chủ "rồi chúng ta sẽ quay trở lại".

Đêm cuối ấy, đã có khoảng 10.000 người tham dự và chứng kiến, họ chọn cách chấp nhận cuộc đàn áp để ghi vào lịch sử nhân loại, như một chứng cứ ô nhục về một chế độ độc tài. Những giọt nước mắt của người biểu tình đã rơi trong đêm đó, từ những những người vô danh cũng như của những người rất nổi tiếng.

Không khác gì số phận của các ngôi sao như Châu Nhuận Phát, Lưu Đức Hoa, Lương Triều Vỹ, Hoàng Thư Sinh... Giờ đây tên của ca sĩ Denise Ho đã nằm trong danh sách đen của Bắc Kinh, bị coi như những kẻ cứng đầu và nguy hiểm. Họ sẽ bị ngăn cấm, bị đe doạ... trong cuộc sống ngày thường cũng như có thể bị ám hại  bởi chính quyền của ông Tập Cận Bình trong nay mai. Với người nữ ca sĩ 37 tuổi này, có lẽ cô đã hình dung trước tất cả mọi thứ khó khăn nhất sẽ đến, nên chọn lựa của cô là dứt khoát đứng về phía giới đấu tranh đòi dân chủ cho Hồng Kông. Tờ L.A Times mô tả rằng khó ai tin được rằng người nữ ca sĩ từng có đến 15 giải thưởng âm nhạc, sự nghiệp rất vững chắc này lại len lỏi trong đám người biểu tình, tranh phục đơn sơ nhất, để cất tiếng đấu tranh, chấp nhận rủi ro từ việc Bắc Kinh tức giận và trả thù hèn hạ.

Ở rất nhiều nước sống trong chế độ độc tài, đặc biệt tồi tệ là ở Châu Á, những nghệ sĩ dám cất tiếng nói khác biệt với chính quyền, cũng đồng nghĩa với việc tự sát của nghề nghiệp hay chấm dứt cuộc sống không còn bình yên nữa. Ngay khi các ngôi sao điện ảnh Lưu Đức Hoa, Châu Nhuận Phát, Lương Triều Vỹ... bị cắt bỏ mọi hình ảnh và hoạt động trong đại lục, thì Bắc Kinh cũng lạnh lùng thông báo cho ca sĩ Denise Ho rằng toàn bộ các chương trình biểu diễn của cô từ đây về sau ở đại lục sẽ phải ngừng vô thời hạn. Tệ mạt hơn nữa, các cơ quan văn hoá của Trung Quốc đã gửi công văn đến hàng trăm công ty, tổ chức... cảnh báo rằng sẽ chịu thiệt hại nếu cộng tác với những văn nghệ sĩ đã xuống đường trong phong trào bất tuân dân sự.

Lâu nay, thị trường giải trí ở Hồng Kông bị sụt giảm lớn, nhất là sau năm 1997, khi vùng đất này được người Anh trả về cho Trung Quốc. Chế độ kiểm duyệt đã khiến cho vùng đất linh hoạt này trở nên đờ đẫn và nhàm chán so với danh tiếng từng có. Thu nhập của các nghệ sĩ Hồng Kông chỉ còn tạo ra được ở đại lục, vì họ còn chút mới lạ và không khác gì như những Hoa kiều với người dân đại lục. Với ca sĩ Denise Ho, gần đây 80% thu nhập cô có được đều là thị trường ở các điểm diễn trong đại lục. Quyết định của Bắc Kinh nhắm vào "nồi cơm" của giới văn nghệ sĩ đã tác động mạnh đến mức trong giới giải trí ở Hồng Kông, đã có nhiều người hối hả tuyên bố mình không có gì dính đến đám "phản động" ấy. Đạo diễn Vương Tinh (nổi tiếng với loạt phim Người trong giang hồ, Thần bài...) vội vã lên trang mạng xã hội Vi Bác để chỉ trích ca sĩ Denise Ho và nói rằng mình đã thôi không còn bạn bè gì nữa. Hành động này của Vương Tinh cũng chỉ nhằm bảo vệ cho loạt phim của mình mới vừa quay xong không bị tổn hại từ Bắc Kinh.

"Tất cả là vì tiền", nhà biên kịch Bằng Minh Chí bình luận vậy. Cũng vì lý do này mà nghệ sĩ saxo Kenny G đã vội vã phủ nhận thái độ ủng hộ của mình với cuộc Cách Mạng Dù, ngay sau khi Bắc Kinh đe doạ chấm dứt việc lưu diễn của ông ta ở Trung Quốc.

Sự khủng bố của Bắc Kinh đối với những người đấu tranh cho dân chủ ngày càng tăng. Sức ép dành cho giới nghệ sĩ lại mỗi lúc một nhiều hơn. Con số những nhạc sĩ, ca sĩ, nhà văn, diễn viên... ở Hồng Kông  cho đến nay bị ghi vào sổ đen là 47 người, và sẽ còn tăng nữa, trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Tân Hoa Xã còn phát đi thông báo vào ngày 2/12/2014, cho biết Tập Cận Bình sẽ tái lập chính sách cải tạo văn nghệ sĩ Trung Quốc, bằng cách cho Tổng cục đặc trách báo chí, đài phát thanh, truyền hình và phim ảnh Trung Quốc cưỡng bức các nghệ sĩ có "vấn đề" về các khu lao động xa để học tập tư tưởng lành mạnh. Các đợt cưỡng bức này có thể liên tục, cứ 3 tháng một lần. Các nhân vật như ngài Ngải Vị Vị có thể đều nằm trong tầm ngắm của cơ quan này.

Việc cất lên tiếng nói về lẽ phải, đã ngày càng thưa thớt người hơn, đặc biệt với những người được coi là trí thức hoặc có tên tuổi trong xã hội. "Nồi cơm" hay sự hèn nhát đã sản sinh ra rất nhiều lý do để thoái thác tranh đấu hoặc nguỵ biện cho việc thoả hiệp với cái ác. Trong cuộc Cách Mạng Tăng Bào (Saffron Revolution) năm 2007 ở Miến Điện, có hơn 400.000 tu sĩ và thường dân xuống đường chống lại chế độ độc tài quân sự, nhưng chỉ có 2 trong số hàng ngàn văn nghệ sĩ được ghi nhận đã bước xuống đường vì danh dự và trách nhiệm với tổ quốc là danh hài Zargana và ngôi sao điện ảnh Kyaw Thu.

Ở Hồng Kông ngày nay, người ta dễ dàng tìm thấy những gương mặt rạng rỡ nụ cười như Thành Long trong hình ảnh bợ đỡ chính quyền, hoặc những người im lặng xa lánh những ung nhọt trong đời sống với lời biện minh "lo làm ăn, ổn định để phát triển". Và cũng chính vì vậy giữa những vũng lầy danh lợi và hèn nhát, những gương mặt toả sáng như Hoàng Chí Phong, Châu Vĩnh Khang (Alex Chow)... hay nữ ca sĩ Denise Ho đã tạo nên một nguồn cảm hứng bất tận cho một thế hệ.

"Điều chúng ta tranh đấu hôm nay, là cho tương lai của Hồng Kông, cho con cháu của chúng ta. Nếu từ bỏ cuộc tranh đấu này, đồng nghĩa chúng ta từ bỏ tự do và tương lai của Hồng Kông", Denise Ho đã nói trong đêm cuối của cuộc Cách Mạng Dù, nhiều người đã khóc và thề sẽ quay lại. Gương mặt quả quyết và điềm đạm của Denise Ho đã in sâu trong trí nhớ rất nhiều người, gương mặt của một người yêu tự do và quả cảm. Và đó, có thể là một trong những nguồn sức mạnh để người dân Hồng Kông tái tập hợp và xuống đường cho tương lai của chính mình.

image

Thursday, December 11, 2014

John Lennon mang giấc mơ tặng đời sau

Hơn 3 thập niên sau tiếng súng nổ cướp đi cuộc sống của mình ở Manhattan, thành phố New York, Mỹ, có lẽ John Lennon vẫn chưa tìm thấy lời giải cho mình về một thế giới không chia rẽ và đầy thương yêu. Tuy vậy, dường như ông vẫn có một phương thức độc đáo trong việc trao giấc mơ của mình cho thế hệ sau, mỗi lúc một rộng lớn hơn.

Cuối tháng 11 vừa qua, với sự cho phép của bà Yoko Ono, tổ chức Unicef đã đỡ đầu cho việc phát hành ca khúc Imagine của John Lennon trên toàn thế giới với một phiên bản miễn phí, trong đó có những phần được chừa trống, cho người hâm mộ tải về hát cùng với tiếng hát và hình ảnh của John Lennon.

Ứng dụng mới này có mặt trên Appstore với từ khóa là TouchCast, phần âm nhạc được mix sẳn như một loại nhạc nền hoàn chỉnh, cho chuyên gia âm thanh David Guetta thực hiện. Trên trang web của Unicef có tên imagine.unicef.org, những người chủ trương nói rằng họ muốn ca khúc Imagine của John Lennon được vang lên bằng mọi thứ ngôn ngữ trên địa cầu này, như một ước mơ được chia sẻ không biên giới. Tiền quyên góp gửi vào trang web này sẽ được dùng cho quỹ vận động nhận thức vể quyền trẻ em trong cuộc sống hôm nay.

Hành động này, cũng là cách mà tổ chức Unicef, bà Yoko Ono và nhiều nghệ sĩ khác trên thế giới muốn kỷ niệm 40 năm ca khúc này ra đời, cũng như không quên ngày oan nghiệt 8 tháng 2, năm 1980, khi một gã tâm thần đã dùng súng bắn chết John Lennon ngay trước cửa nhà của ông.

Như vậy, giấc mơ về thế giới hiền lương của John Lennon sẽ được trao lại cho thế hệ sau, như cách mà ông từng nói “Giấc mơ bạn thấy một mình, đó chỉ là giấc mơ. Nhưng giấc mơ mà 2 người cùng nhìn thấy, thì đó là hiện thực”. John muốn phá bỏ một hiện thực ngăn cách con người bởi màu da, văn hóa, tín ngưỡng… Ngay trong bản video đầu tiên của Imagine mà ông tung ra, John đã xây dựng một hình ảnh đầy ngụ ý khi ông ăn mặc như một tay cao bồi, còn bà Yoko Ono thì vận trang phục của thổ dân.

Ngày 20 tháng 11 vừa rồi, tại lễ kỷ niệm lần thứ 25 của Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, các nghệ sĩ Yoko Ono , Hugh Jackman và thành viên nhóm nhạc ABBA Björn Ulvaeu đã trình diễn ca khúc này, và nhắc rằng trong thế giới tưởng chừng như văn minh hôm nay, trẻ em đang bị ứng xử tồi tệ và tinh vi nhất. Để đẩy mạnh cho chiến dịch này, một bản video công phu với sự góp mặt của hơn 100 khách mời gồm nhạc sĩ, diễn viên, vận động viên, chính trị gia… đặc biệt như Katy Perry , Adam Lambert , Courteney Cox và Lance Bass đã cùng trình diễn bài hát này.

Ít ai biết rằng Imagine được viết lên từ nguồn cảm hứng bất chợt và mãnh liệt của John Lennon, khi ông đọc quyển sách hướng dẫn hội họa của Yoko Ono có tên là Grapefruit. Với những sự mô tả trẻ thơ và lãng mạn của chủ nghĩa hippy như thi ca, Yoko Ono đã viết rằng “Hãy tưởng tượng khi bầu trời đang khóc và chúng ta là những đám mây bị tan chảy …” Từ những ý tưởng đó, John Lennon đã viết nên ca khúc Imagine. Chính ông nói rằng mình thật sự bị mê hoặc về một thế giới huyền ảo trong các trang sách đó. “Một quyển sách vĩ đại, mà tôi bị thiêu cháy tan tác trong đó”, John Lennon ghi lại trong nhật ký của mình.

Không chỉ có hát, trang web của Unicef khuyến khích những ai download bài hát này về, cùng hát, hãy ghi lại cảm nhận của mình về thế giới mình đang sống. Những người tham gia cũng có thể hiến tặng cho Unicef, để cùng tham gia các quỹ phúc lợi trợ cấp giáo dục, dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe và tiêm phòng, nước sạch và vệ sinh môi trường, thậm chí là lớn hơn nữa như bảo vệ và cứu trợ khẩn cấp cho trẻ em ở hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ .

Giấc mơ của John Lennon để lại con con người không chì dừng lại ở đó. Những người yêu Beatles hay yêu John Lennon vẫn còn gặp lại hình ảnh gương mặt ngơ ngác và đôi kính tròn ở trong chương trình John Lennon Educational Tour Bus. Những chuyến xe bus có giá trị hơn 250.000 USD, trang bị như một phòng thu thanh hiện đại đã làm những chuyến đi dài ngày trong nhiều năm để đến các miền quê ở Châu Âu, huấn luyện miễn phí các chương trình đào tạo ngắn hạn, phát hiện tài năng và yểm trợ cho ước mơ âm nhạc của thanh thiếu niên.

Chương trình tìm tài năng sáng tác âm nhạc không biên giới với tên gọi John Lennon Songwriting Contest hàng năm, vẫn mời gọi trên trang jlsc.com nhằm tìm kiếm những thế hệ kế tục sự nghiệp âm nhạc nhân loại của ông. Giải thưởng cho bài hát được chọn có thể lên đến 20.000 USD, cùng với nhiều dự án âm nhạc dài hơi khác.

Thật khó tin là sau 40 năm, một ca khúc mộng mơ lại có thể mang đến nhiều cảm hứng như vậy. Ngay cả giới khoa học cũng bị thuyết phục một cách lạ lùng. Ngày 22 tháng 10 vừa qua, một nhà khoa học trẻ ở đại học University of the Republic, Uruguay đã đặt tên cho một giống nhện lông mới (Tarantula) vừa được tìm thấy ở rừng rậm Amazon, Brazil. Fernando Pérez-Miles, tác giả nghiên cứu loại nhện lông này nói rằng ông náo nức đặt tên cho động vật được phát hiện này cái tên John Lennon, vì quá hâm mộ tác giả cùa ca khúc Imagine.



Kỷ niệm 8-12-1980 / 2014 ngày mất John Lennon

Monday, December 8, 2014

Cây gậy của Bọ Lập

Trong buổi tối ngày 6-12, khi ngồi ngẫm nghĩ về Bọ Lập, điều tôi thắc mắc là người ta có cho ông mang theo cây gậy của mình hay không. Đơn giản vì đôi chân của ông đã rất yếu, Ngay cả khi có cây gậy kề bên, cũng ít khi nào người nhà để ông đi một mình.

Bọ Lập, tức nhà văn Nguyễn Quang Lập, một trong những nhà văn hiếm hoi của "bên thắng cuộc" mà tôi giữ quan hệ với tình thương mến như đối với một nhân sĩ. Ngoài việc viết xuống, có lẽ chất giang hồ trong con người Bọ Lập còn khiến cho công việc quan sát cuộc sống của ông trở nên tự do, đa chiều hơn, chia sẻ hơn.

Tôi nhớ đến cây gậy của ông, với dáng đi khập khiễng và nụ cười đầy sảng khoái. Những ngày tháng cuối cùng mà người Việt còn vượt thoát được những hàng rào công an chằng chịt để xuống đường chống Trung Quốc đưa giàn khoan xâm lấn trên biển, Bọ Lập hăm hở đi từ nhà ở Thảo Điền đến trung tâm Sài Gòn rất sớm. Đoàn người sải bước quá, bỏ quên lão già ở sau. Thậm chí bạn bè cũng không ai đợi. Cuối buổi, Bọ Lập chống gậy khập khiễng đi về một mình, vừa cười ha hả, vừa mắng "mấy thằng không ra gì, ỷ chân khoẻ đi nhanh, bỏ tau ở lại một mình".

Những người biết Bọ Lập, ai cũng nhớ rằng các rắc rối đến với ông rất sớm, từ đầu thập niên 2000, chẳng hạn như từ kịch bản phim "Không có Eva". Hội đồng duyệt do bà Nguyễn Thị Hồng Ngát chủ trì đã phê không duyệt cho kịch bản này được dựng thành phim vì cho rằng tác giả đã mô tả một khung cảnh đời quá u tối và bi quan. Chuyện kể này nhằm để làm rõ lời bàn tán của rất nhiều người rằng Bọ Lập khôn ngoan, gần đây chọn một phương thức phản kháng để "hợp thời".

Khi tôi viết những dòng này, Bọ Lập với căn bệnh tiểu đường có thể đang nằm đâu đó trong phòng tạm giam, lạnh lẽo và không thể tiện nghi như ở nhà của ông. Tôi từng chăm sóc mẹ mình nhiều ngày. Bà bị bệnh tiểu đường nặng và chân rất yếu. Ngay cả khi chống gậy vẫn phải có người trông. Ở trong phòng tạm giam đó, tôi ngẫm nghĩ, giống như mẹ tôi, rằng ai sẽ giúp cho Bọ Lập đi vệ sinh, ngay cả khi ông có cây gậy quen thuộc của mình.

Hồi giữa năm nay, Bọ Lập gọi tôi ra quán. Ông sợ tôi không đến vì biết rõ tính tôi không thích đám đông, nên gọi bắt nhà thơ Đỗ Trung Quân làm cam kết phải đưa tôi ra cho bằng được. Anh Quân gọi, mắng "thằng quỷ, mày làm gì mà để cho ông Lập ép cả tao". Lý do của buổi gặp mặt đó, chỉ là cớ để ông nhắc cho tôi biết rằng có "nhiều người quan trọng" khó chịu mấy bài phóng sự về bạo loạn ở Bình Dương của tôi. Khi đưa bài của tôi lên blog Quê Choa, ông nhận được điện thoại giọng lạnh lùng, bảo phải tháo xuống ngay nếu không muốn gặp rắc rối. Dặn tôi cẩn thận rồi lại dúi cho mấy cuốn sách của ông đã ký tặng sẳn. Bọ Lập ra về - cũng dáng đi khập khiễng và cây gậy ấy.

Trang blog Quê Choa đem lại cho ông không ít phiền phức. Trước khi vào phòng tạm giam theo lệnh chính thức của công an, Bọ Lập cũng đã làm quen với một sự giam hãm không tuyên bố từ rất lâu trước đó. Các mục viết thường xuyên của ông trên báo nhà nước đột nhiên bị cắt bỏ, thôi không cho cộng tác nữa. Các nơi làm việc bỗng lơ là và mất dần một cách khó hiểu. Nhà văn Thuỳ Linh ở Hà Nội kể rằng các kịch bản có tên tác giả Nguyễn Quang Lập bị từ chối liên tục. Đến mức, chị phải khuyên rằng nếu chỉ để làm nghề, thôi thì Bọ Lập thử lấy tên khác xem. Quả nhiên, kịch bản mang tên vô danh tiểu tốt nào đó thì lại được duyệt ào ào.

Trước và sau khi Bọ Lập bị bắt, không khí văn nghệ Việt Nam nói chung, và Sài Gòn nói riêng, mỗi lúc một căng thẳng. Những người bị bắt dù không lạ nhưng vẫn làm cho buổi cơm chiều của giới trí thức bị thảng thốt, ngàn ngạt. Đã có lúc tin đồn trên mạng bảo rằng có một danh sách đang được countdown từng ngày. Mọi người kháo nhau và cười rất kiêu bạc rằng Solzhenitsyn mô tả Quần đảo Gulag và nơi này không khác nhau là mấy. "Nghe đồn cái phòng để sẳn đề tên tui, vừa thay bảng tên ông đó nghe", Đỗ Trung Quân cứ hay trêu Huỳnh Ngọc Chênh theo kiểu đó.

Những lúc như vậy Bọ Lập lại cười ha hả và nâng ly bia. Trang blog của ông vẫn là một trong những nơi mà hàng chục ngàn người tìm đến mỗi ngày, sức hút không thua gì một tờ báo tiền tỉ của nhà nước, nhưng lại rất gần gũi vì chỉ đưa những gì con người muốn nói với nhau, chia sẻ với nhau. Được và mất thật mong manh, nên đâu có gì quan trọng nữa.

Một ngày sau khi Bọ Lập bị tạm giam, có bài báo đánh với theo ông già đi không vững. Người viết nặc danh ghi rằng Bọ Lập là một nhà văn không có phẩm hạnh khi dám chỉ trích tổng bí thư. Tôi thì chỉ nghĩ rằng rất nhiều các nhà văn trên toàn thế giới xã hội chủ nghĩa luôn ca ngợi các tổng bí thư, cũng không có mấy ai trong số họ giới thiệu được chút phẩm hạnh nào của mình. Bọ Lập chắc cũng không màng loại phẩm hạnh đó.

Bao giờ thì Bọ Lập quay về nhỉ? Khi biết tin Bọ Lập bị bắt, tôi lại nhớ Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình... Lẽ nào con người hát và viết, nói điều mình nghĩ lại có thể là tội phạm? Hơn nữa, đó lại là những con người yêu nước. Buổi chiều dừng chân trú cơn mưa ở vỉa hè, chợt thấy nơi đó bày bán những cây gậy bằng tre. Tôi nhìn địa chỉ và ghi lại. Biết đâu Bọ Lập khi bước ra, ông vẫn cần một cây gậy mới để đi cùng, trong vòng vây thương mến của mọi người chào đón ông.

Friday, December 5, 2014

Nghiệp dư và đạo nhạc

[caption id="attachment_463" align="alignnone" width="300"]Ảnh: theinstitute.ieee.org Ảnh: theinstitute.ieee.org[/caption]

Câu chuyện ca sĩ trẻ Sơn Tùng gần đây bị cho là đạo nhạc đang là chủ đề của nhiều lời bàn tán.
Chỉ tiếc là ngay trong giới âm nhạc chuyên nghiệp cũng không có những luận cứ vững chắc cần thiết khiến không ít khán giả phân vân.

Bài viết này không chọn đối tượng để phán xét, mà chỉ nhân một sự kiện thử tìm các tên gọi đúng của đời sống âm nhạc chuyên nghiệp - vốn lâu nay vẫn quen nhìn với góc độ giải trí, nhận định cũng thiếu sự tham khảo từ các sự kiện có liên quan ở trong nước và thế giới.

Sáng tác trong tinh thần người hâm mộ
Âm nhạc vốn là một môn nghệ thuật phức tạp của việc hình thành các tác phẩm, mọi thứ dễ bị lẫn lộn giữa “của tôi hay của anh” bởi việc tư duy các tác phẩm có thể là tác phẩm khởi tạo nguyên bản (original) hay phát sinh từ nền hay một phần từ sáng tác của người khác (inspiration).

Việc thưởng thức và quá hâm mộ luồng tác phẩm nào đó cũng là một trong những nguyên nhân của giai đoạn tự ám thị (self-suggestion) khiến mình trở thành kẻ trộm mang tính vô thức hay chủ ý, tạo ra những tác phẩm “na ná”.

Dù là một trong những nhóm nhạc được coi là huyền thoại của thế giới, nhưng Led Zeppelin vẫn vướng sâu vào nhiều vụ kiện tụng của việc “na ná” như vậy. Tay sáng tác chính của nhóm nhạc - Jimmy Page - được coi là linh hồn tạo ra các tác phẩm để đời của nhóm, nhưng cũng bị không ít nghệ sĩ trên thế giới đánh giá là một tay hết sức ranh mãnh trong việc tái tạo ca khúc của người khác trở thành của chính mình ở mức hay, nhuần nhuyễn.

Những lời đàm tiếu nặng nề về Jimmy Page và Led Zeppelin nhiều đến mức giới âm nhạc chuyên nghiệp đã tìm thấy trong album đầu tay của Led Zeppelin chỉ có hai bài hát là Good times, bad times và Your time is gonna come là sáng tạo thật sự, còn bao nhiêu bài còn lại đều lấy ý, làm lại từ các tác phẩm của người khác.

Cũng như rất nhiều tay chơi guitar ở tuổi thiếu niên, đắm chìm qua nhịp điệu blues của các nhạc sĩ da đen, Jimmy Page đã cắt xén, dán vài phần ưa thích nhớ được và gọi tên nó là nhịp điệu của mình. Rất nhiều nhạc sĩ đã kiện Led Zeppelin nhưng sự mong manh của sự thật và tráo trở, cũng như sự giàu có đương thời của nhóm Led Zeppelin khiến luật sư của Jimmy Page luôn là người chiến thắng.

Câu chuyện nhỏ này có thể là một ví dụ tham khảo ở VN, cho nhiều nhạc sĩ chuyên nghiệp, cho đến những người chế tác nghiệp dư không bao giờ có thể xướng âm và đập nhịp nổi cho chính bài của mình.

Đầu những năm 2000 đến nay, đã có không ít sáng tác bị tranh cãi như vậy, do không ít người sáng tác chịu ảnh hưởng và bị hấp dẫn về các làn sóng âm nhạc mới mẻ, ồ ạt du nhập vào trong nước.

Ngẫu hứng chuyên nghiệp và nghiệp dư
Kể từ khi nghệ sĩ Tupac Shakur tạo nên lịch sử của nhạc rap với 75 triệu CD được bán ra vào đầu thập niên 1990, việc ngẫu hứng sáng tác đã bước sang một trào lưu mới.

Có rất nhiều nghệ sĩ sáng tạo ca khúc của mình với trọn vẹn nguyên bản, nhưng cũng có những người ngẫu hứng từ sự hâm mộ một ca khúc, một ý, một nhạc nền của người khác.

Đầu thập niên 2000, cùng với trào lưu của karaoke, loại sáng tác trên nhạc nền của người khác (beat) là một thú vui của giới nghiệp dư VN, bao gồm những ca khúc hết sức cố gắng làm mới hoặc chỉ là một bài nhạc chế lời từ giai điệu có sẵn.

Và cũng từ đó, sự phân định về chuyên nghiệp - nghiệp dư, bản quyền hay bất hợp pháp đã được luật pháp quốc tế định danh rõ ràng.

Việc ngẫu hứng trên một bài hát được nghe trước đó, nếu như phần sao chép hiện rõ trên 25% nguyên gốc được xác định, là bất hợp pháp, hoặc được gọi là đạo nhạc. Và việc bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ bao gồm cả phần hòa âm và các loại nhạc nền của người sở hữu.

Trong một ví dụ cụ thể, Nah - một trong những tay nhạc rap dòng underground rất nổi tiếng của VN - cũng có một bài ngẫu hứng từ tác phẩm Chiều một mình qua phố của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Tuy nhiên, Nah dựng hoàn toàn mới phần hòa âm cho tác phẩm của mình, làm rõ phần modify (mô phỏng, tái tạo cấu trúc) cũng như nói rõ đó là một ngẫu hứng từ một tác phẩm định danh rõ ràng. Do vậy, công việc này được nhìn nhận với góc độ chuyên nghiệp.

Còn trong trường hợp của Sơn Tùng, một bài hát viết mới hoàn toàn, nhưng dựa trên nhạc nền gốc của một ca khúc nổi tiếng (vẫn hay được gọi là beat) thì ở mức độ của người chuyên nghiệp, đúng ra phần hòa âm đó cần được cấu tạo lại với một định dạng khác và riêng để phục vụ ca khúc của mình.

Nếu quá yêu thích phần beat đó, Sơn Tùng có thể gửi thư mua bản quyền chính thức. Nếu không có phần cho phép bản quyền này, tác phẩm của anh rơi vào tình trạng bất hợp pháp. Dù chỉ dùng beat 50%, nhưng cho việc thương mại, cũng là bất hợp pháp.

Nhạc sĩ Đỗ Bảo đã nói chính xác: nếu gọi việc dùng beat bất hợp pháp của người khác để làm ra tác phẩm được chấp nhận trên âm nhạc chuyên nghiệp thì đó là vấn nạn của lịch sử. Việc ăn vay vào phần sở hữu trí tuệ của người khác để làm ra cái của mình, vốn là những trường hợp của nhiều loại hàng nhái rẻ tiền của Trung Quốc mà người tiêu dùng vẫn phản ứng.

Đây có thể là tiền đề hủy hoại mọi thứ mang tính nguyên tắc của phát triển, ví dụ các hãng karaoke sẽ không bao giờ cần phải trả tiền bản quyền âm nhạc nữa, vì vin vào lý do người hát chỉ chế lời mới trên đó chứ không hát theo nguyên bản.

Thường thì sự kiện như của Sơn Tùng sẽ ít người quan tâm vì đó là chuyện ngẫu hứng trong môi trường nghiệp dư, nhưng chính sự non kém trong nhận định của các nhà sản xuất cũng như truyền thông đã khiến “bài hát mượn beat” này bị búa rìu dư luận của thị trường chuyên nghiệp, vốn vẫn có những quy tắc rõ ràng của nó.

Lâu nay những sự kiện như Sơn Tùng hay nhiều sáng tác khác vẫn bị gọi theo nhiều cái tên như bất hợp pháp, ăn cắp hay đạo nhạc... Thật ra đó chỉ là những từ ngữ mô tả theo khía cạnh của phía phát ngôn, đôi khi pha trộn thêm cảm giác tức giận trước việc một thị trường âm nhạc đang quá hỗn loạn.

Bên cạnh đó, giới chuyên môn âm nhạc với những người có vị trí cầm cân nảy mực lại chưa chứng tỏ được sự nhanh nhạy hay cập nhật của họ để đối phó với tình hình, mà vốn không có gì là phức tạp.

Các trường hợp gây tranh cãi trong âm nhạc VN cũng không khác gì trên thế giới. Thỉnh thoảng có sự kiện được minh bạch, nhưng cũng có những sự kiện dây dưa vô thời hạn, bởi không ít tác giả khi sa vào sai lầm thường hay chạy chữa bằng nhiều cách, thậm chí dựa lưng vào sự hâm mộ thiếu chuyên môn của khán giả. Các tranh cãi sẽ bất tận.

Nhưng vẫn có một sự thật khác ở phần sâu thẳm trong tim tác giả. Nếu với sự minh bạch và chân thành, khán giả có thể nghe thấy phần trả lời từ trái tim của một nghệ sĩ, hoặc họ chỉ còn nghe thấy tiếng vọng của phần bóng tối trong trái tim đó.

----------------------------

Phần mềm xác định việc đạo nhạc

Trong một vụ kiện về âm nhạc ở San Francisco mới đây về việc một nhạc sĩ đồng quê cho rằng đã chép lại gần như 50% một bài dân ca cổ và gọi nó là tác phẩm của mình, các luật sư đã phải nhờ đến công cụ Fraunhofer IDMT.

Đây là một phần mềm gần như duy nhất để chuyển tất cả nghi án thành kỹ thuật số và so sánh.

Sự giống nhau của các giai điệu có thể xác định từ tám khuôn nhạc đầu của văn bản, cũng như Fraunhofer IDMT có thể nhận ra sự ăn cắp về hòa âm cho đến phần phát triển chủ đề chính.

Thường thì các kết quả xác định đạo nhạc dù có máy móc nhưng vẫn phải có các nhạc sĩ phân tích tham gia. Chính do tính chuyên môn sâu nên các vụ kiện này thường tốn kém rất nhiều.

Tính tự ám thị cũng là một trong những giá trị quan trọng mà đôi khi có cả sự tham gia của các nhà phân tâm học.

Thursday, December 4, 2014

Có mẹ, trong đêm dài trên quê hương

me hai2

Đêm ngày 5 tháng 12, chắc sẽ có 2 người không thể nào ngủ được, đó là hai mẹ con tử tù Hồ Duy Hải. Họ không nhìn thấy nhau, nhưng những giọt nước mắt chảy xuống sẽ có cùng một cảm xúc của đau thương và hy vọng.

Anh Hải chắc hẳn phải khóc ngàn lần, và cám ơn tạo hóa đã ban tặng cho anh một bà mẹ tuyệt vời. Người mẹ rất đỗi bình thường như hàng triệu người mẹ Việt Nam trên đất nước này, nhưng giữa nguy khốn, bà hóa thân thành Phật Bà Quán Thế Âm, hóa thân thành Đức Mẹ Maria, hóa thân thành một kẻ điên khùng bất chấp tính mạng… để lăn xả vào giòng tuyệt vọng, kéo đứa con mình khỏi án tử hình.

Người đàn bà với khuôn mặt không có gì đáng nhớ ấy đã khiến thế giới phẳng của những người viết và đọc tiếng Việt phải xao xuyến. Chỉ trong một vài ngày, gần như hình ảnh của một phụ nữ chan chứa lệ với tấm biểu ngữ kêu oan cho con mình đã được chuyền đi từng trang facebook, trở thành một sự kiện nóng bỏng đến mức giới truyền thông nhà nước cũng phải quan tâm và cùng lên tiếng đòi xét lại vụ án của tử tù Hồ Duy Hải.

Nếu là một kịch bản phim, thì đó là một bộ phim nghẹt thở cho đến phút cuối. Ngay khi những dòng chữ viết tay của ông Lê Quang Hùng, Phó Chánh Án tòa án Nhân Dân tỉnh Long An xác nhận việc ngưng thi hành án vào chiều ngày 4 tháng 12, mọi thứ bùng nổ thành một niềm vui chung của đám đông. Trong rất nhiều ngày, Tòa án uy nghi của tỉnh Long An vẫn lạnh lùng im lặng trước tiếng kêu gào lạc giọng của bà mẹ về những điều oan ức bị gán trong cáo trạng, dẫn đến án tử của con mình. Trong những bản video ghi lại, tràn ngập người xem trên You Tube, cho thấy bà Nguyễn Thị Loan bị xô đẩy bởi công an gác cổng, bị miệt thị bởi các bài báo chủ trương tuân phục các án lệnh mà không tìm hiểu.

Mỉa mai thay, bà mẹ đó đã làm tất cả, tìm đủ mọi chứng cứ cho thấy kết quả điều tra bị đánh tráo, lẫn các kết luận sai về mẫu máu, tóc vân tay… của con mình để xin trình lên tòa án, xin được xét lại những điều kỳ lạ đang áp đặt cho con bà. Một người đàn bà nhỏ nhắn, yếu đuối đã hành động như thay một bộ máy tư pháp để chỉ xin những người có trách nhiệm ghé mắt qua. Bà Loan đã trãi qua nhiều đêm rất dài không ngủ, bà đã khóc cạn nước mắt. Đổi lại, bà chỉ nhận được một câu trả lời từ phía tòa là muốn con mình được xử tử bằng súng hay tiêm thuốc độc.

Từ câu chuyện của người tử tù Nguyễn Thanh Chấn cho đến Hồ Duy Hải, quy trình tố tụng của tòa án Việt Nam đang bộc lộ những mảng tối ghê sợ. Ép cung, tra khảo, thay đổi kết quả điều tra… tất cả mọi thứ lộ dần. Con người không tìm thấy công lý trước tòa án của quê hương mình, mà chỉ thấy sự sợ hãi và nhận thức rõ thêm thân phận mình không là gì. Lúc này, đang có bao nhiêu án oan đang rãi khắp các trại giam Việt Nam? Bao nhiêu tử tù đang cay đắng vì không thể tìm thấy công lý cho mình? Đêm 5 tháng 12, Hồ Duy Hải có thể đã khóc trong trại giam vì hạnh phúc tạm thời, nhưng có bao nhiêu tù nhân đang câm lặng rơi nước mắt đau tủi cho phận mình?

Có tin rằng, lệnh hoãn thi hành án ngày 4 tháng 12, không phải đến tay bà Loan đầu tiên, mà đến trước ở giới truyền hình. Thậm chí, người ta đã định chỉ đến giờ phát hình buổi tối mới công bố như một show diễn gây xúc động, tạo bất ngờ cho bà Loan. May thay sự đồi bại giả định đó đã không diễn ra.

Nếu phải cảm ơn ai đó cho phần đầu của vở kịch công lý này, thì đó là đám đông vô danh trên thế giới phẳng. Họ đã làm tất cả để cứu sống một mạng người, đã cùng rơi nước mắt và khổ đau cùng một bà mẹ quê chưa bao giờ giáp mặt trước đó. Trong những đêm đầu tháng 12, đến tận 2 giờ sáng vẫn có những status mới trên facebook truyền tin, kêu gọi, nhắc nhau ký tên vào bản petition đòi xét lại vụ án Hồ Duy Hải. Hành động của viên phó chánh án hay ông chủ tịch nước rất thức thời khi quyết định hoãn phiên xử tử, nhưng mặt khác, đó cũng là một chiến thuật, tránh một cuộc khủng hoảng cho một hệ thống đã lụn bại trước sự tức giận của đám đông ngày càng lớn và khó kiểm soát.

Nhưng câu chuyện vẫn chưa dừng ở nơi đây. Hoãn thi hành án, tức làm giảm sự căng thẳng của vấn đề, nhưng chưa có nghĩa là công lý đã được thực thi. Mọi thứ vẫn còn ở phía trước. Đêm vẫn còn rất dài trên quê hương này, và trong trái tim lương thiện của mỗi con người Việt Nam vẫn cần thắp lên một tia sáng cho hy vọng và công lý. Có lẽ chúng ta vẫn sẽ còn thấy bà Nguyễn Thị Loan ôm biểu ngữ đứng trước tòa nhiều ngày tháng nữa, cho đến khi sự thật được tìm thấy. Hãy cảm ơn bà mẹ đó, và ngưỡng mộ như đó là mẹ mình. Vì khi bị bao vây giữa đêm đen tuyệt vọng, ơn trên đã ban tặng cho chúng ta một thiên thần với tên gọi là mẹ.

Kể cả những viên công an đã xô đẩy bà Loan trước cổng tòa án, các tác giả bài viết phụ họa cho án tử của Hồ Duy Hải, thậm chí cả những nhân viên đã làm sai quy trình trong vụ án của Hồ Duy Hải… hãy tự cám ơn đời mình, vì một lần được chứng kiến điều kỳ diệu từ người mẹ.

Tuesday, December 2, 2014

Tôi đang mơ giấc mộng dài

16448702-mmmain

Đã 40 năm bài hát Imagine của John Lennon, bài hát ao ước đầy thơ mộng của con người về thế giới không hận thù và sẻ chia lại có dịp nhìn thấy chính mình qua sự kiện xung đột giữa dân chúng và cảnh sát ở Portland, Oregon, Mỹ.

Cuộc biểu tình đòi công bằng cho một thanh niên da đen Michael Brown tại Ferguson, sau khi anh này bị một cảnh sát viên da trắng Darren Wilson bắn chết và được miễn truy tố đã khiến bùng nở hàng loạt các cuộc tuần hành, thậm chí đã xảy ra nhiều cuộc xung đột. Tuy nhiên, vấn đề không phải là vụ án về công bằng cho một người da đen, mà chỉ là vết thương về chủng tộc chưa bao lành vẫn âm ỉ và rách toạc. Nhiều cuộc bạo động đã xảy ra, cảnh sát đã phải dùng đến hơi cay và bắt bớ hàng loạt để mong đem lại bình ổn trong thành phố.

Ngày 25/11, trong cuộc biểu tình ở Portland, Oregon, những người tuần hành cũng mang trong mình đủ mọi cảm giác: hận thù, tức giận, chia rẻ, sợ hãi và liều lĩnh… để xuống đường Một cậu bé da đen ôm tấm bảng Free Hugs với dòng nước mắt chảy dài sợ hãi khi thấy đám đông chung quanh mình cũng như những cảnh sát chống bạo động đã trở nên quá căng thẳng. Bất ngờ, một viên cảnh sát chống bạo động khi nhìn thấy hình ảnh đó, đã tiến tới gần và hỏi vì sao em khóc, và sau đó cả hai đứng ôm nhau giữa đám đông. Mọi thứ như bị ngừng lại, xao động trong tất cả mọi người, Khoảng khắc mà sự tức giận hay điên cuồng vụt mất, thay vào đó một cảm giác ấm áp và tự vấn lương tâm.

Câu bé da đen Devonte Hart, 12 tuổi và viên trung sĩ cảnh sát Bret Barnum đã làm nên sự kiện độc đáo của ngày hôm đó. Cuộc biểu tình đã dừng lại. Bức ảnh được nhà nhiếp ảnh trẻ người Việt, Johnny Nguyen, 20 tuổi, chụp được khoảng khắc ấy và gửi đến cho tờ The Oregonian, tờ báo được nhiều nhiều quan tâm nhất của bang. Chỉ vài giờ sau khi bài viết tường thuật và bức ảnh của John Nguyễn xuất hiện, đã có hơn 150.000 lượt chia sẻ. Mọi giới truyền thông ở Mỹ đều đưa lại bản tin này như một sự thức tỉnh bất ngờ. Elwood P. Suggins, một cư dân của Oregon nói rằng ông ta tiếc rằng mình không ở trong bang chấm giải Pulitzers để trao giải thưởng của năm cho John Nguyễn và nói rằng mọi người hãy đọc câu chuyện này mà đừng quên cầm sẳn khăn giấy, vì bạn có thể rơi nước mắt sau đó.

Chuyện kể rằng khi viên trung sĩ cảnh sát Bret Barnum tiến tới và hỏi Devonte Hart tại sao lại khóc, câu bé nói rằng cậu ta đang sợ hãi trước khung cảnh bạo lực đang diễn ra, và cậu nói rằng mình sợ cảnh sát sẽ dùng bạo lực với những đứa trẻ da đen đang tuần hàng như mình. Viên trung sĩ thở dài và nói “Phải rồi, chú hiểu, chú xin lỗi cháu”. Sau đó Bret Barnum hỏi rằng ông ta có thể ôm thật chặt Devonte Hart không.

Johnny Nguyễn kể rằng ngay hình ảnh đó diễn ra, một luồng cảm xúc kỳ lạ dâng lên trong đám đông. Anh nói rằng còn nhìn thấy một thiếu niên khác đang cầm tấm bảng Free Hugs tương tự như Devonte Hart, đứng từ xa nhìn lại với giòng nước mắt lăn dài trên mặt.

Câu chuyện này làm chấn động nước Mỹ, cũng như rất nhiều người đã có tuổi trẻ của mình đi qua cuộc chiến Việt Nam, thời kỳ hippy phản chiến. Giữa lúc súng đạn đi tìm con người, một thế hệ hippy đã chọn cách đi tìm sự hoang dại trẻ thơ để rũ bỏ hiện thực quá khắc nghiệt của mình. Và 40 năm trước, có lẽ một niềm tin trẻ thơ pha trộn tuyệt vọng của mình, John Lennon đã viết bài hát bất hủ Imagine, để lại một ước nguyện cho thế giới mai sau.
“Nothing to kill or die for
And no religion too
Imagine all the people living life in peace…”

Bài hát 40 tuổi lại được dịp ngân vang trong lòng mọi người. Nó nhắc rằng sẽ một ngày nào đó, sẽ không có ai vì nhân danh một lý tưởng, một nền chính trị nào đó để giết hại đồng loại của mình. Nó rằng cái cuối cùng mà con người tìm kiếm, vượt ra ngoài quyền lực, vượt ra ngoài chiếm đoạt và dối trá, chỉ là sự bình yên trong cuộc sống này.

John Lennon không sống đủ dài để thấy giấc mơ của mình ra sao. Nhưng ông đang trao giấc mơ đó cho rất nhiều người còn lại. Giấc mơ về lòng nhân ái sẽ còn dẫn đường cho con người đến tương lai, giấc mơ đó, có tôi và các bạn.
------------------
(*) Free Hugs xuất phát từ ngày International Free Hugs Day, theo Wikipedia diễn giải, là một ngày hội được lập bởi nhiều tình nguyện viên tại hơn 80 quốc gia trên thế giới, vào ngày chủ nhật trong tuần thứ 3 của tháng 7. Đây là một dịp để mọi người nhận được những cái ôm thân tình từ những người khác nhằm gửi gắm thông điệp yêu thương, thân thiện giữa mọi người với nhau.

(*) tựa đề mượn ý từ một bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy
-----------------

* Thử nghe lại bài Imagien với phần trình bày thật ngắn của nữ nghệ sĩ Ấn Độ Priyanka Chopra ?

Monday, December 1, 2014

Ca sĩ Bảo Yến: Tìm tri âm giữa ánh hào quang mỏi mệt

Chặng đường dài 30 năm đó, với ca sĩ Bảo Yến, đầy những vinh quang và cũng đầy những muộn phiền mà chị từng tâm sự rằng lúc nào chị cũng bị thôi thúc bởi cảm giác nên rời bỏ.

“Giọng hát em còn hay lắm, em không nên bỏ rơi nó” - nhạc sĩ Quốc Dũng vẫn là người vỗ về và nâng đỡ tinh thần của Bảo Yến, có lẽ vì vậy mà đôi lần dứt bỏ, chị lại nghe lời người bạn đời của mình, trỗi dậy và cất lên tiếng hát.

Giọng ca độc đáo và sự kiện Chiều hạ vàng

Năm 1982, ở tuổi 24, Bảo Yến xuất hiện trên sân khấu chuyên nghiệp lần đầu tiên trong một chương trình do nhạc sĩ Dương Thụ biên tập.

Năm đó, khi vào Nam làm chương trình ở nhà hát Hòa Bình, nhạc sĩ Dương Thụ hỏi ý kiến nhạc sĩ Kim Tuấn về tình hình ca sĩ ở miền Nam.

“Ðừng nghĩ tôi quen biết rồi giới thiệu bừa, nhưng nếu anh có đủ hai giọng ca Nhã Phương, Bảo Yến thì anh sẽ có một chương trình hấp dẫn”, nhạc sĩ Kim Tuấn quả quyết.

Ðêm trình diễn đó ở nhà hát Hòa Bình, đôi ca sĩ nữ này đã đốt cháy sân khấu và làm điên đảo khán giả với một phong cách hiện đại và quyền năng. Ca sĩ Bảo Yến với những bài hát như Thành phố trẻ (Trần Tiến), Ngọn lửa trái tim (Nguyễn Ngọc Thiện)... đã sánh vai cùng với những tên tuổi lúc đó như Ngọc Yến, Kim Yến, Cẩm Vân, Họa Mi, Nhã Phương... trở thành những nữ hoàng của sân khấu thời kỳ âm nhạc Việt sau chiến tranh.

Kể từ ngày đó, truyền hình, đài phát thanh hay sân khấu... không có ngày nào thiếu vắng giọng ca của chị. Nhưng ngày mà giọng ca Bảo Yến trở thành hiện tượng, gây xôn xao ở mọi nơi là khi chị cất tiếng hát trong album Chiều hạ vàng của nhạc sĩ Hoàng Phương. Năm đó Bảo Yến 27 tuổi.

“Anh Hoàng Phương bất ngờ gõ cửa và tự giới thiệu, sau đó nhờ Yến hát giùm 10 bài mới sáng tác của anh” - Bảo Yến nhớ lại. Chị chỉ bắt đầu quen biết với tác giả Hoa sứ nhà nàng từ lúc đó và chấp nhận thể nghiệm loại nhạc bolero trong phòng thu của nhạc sĩ Quốc Dũng.

Toàn bộ album được thu cùng với sự ngẫu hứng về âm thanh, tạo thành dấu ấn độc đáo của bản ghi âm nhạc bolero đầu tiên trong nước với trống điện tử, được trích xuất từ cây đàn Yamaha nghiệp dư.

Bản master ghi âm này không đưa ra kinh doanh nhưng lại được chép ra, chuyền tay nhau nghe trong sự thích thú, rồi bất ngờ tràn ngập thị trường với sự đón nhận của khán giả khắp mọi miền.

Nhiều thập niên sau, dấu ấn của những bài hát này lớn đến mức cho đến hôm nay, khi nhắc đến Bảo Yến, nhiều khán giả vẫn còn tấm tắc nhắc về Chiều hạ vàng, Mẹ Gò Công, Chuyện tình hoa muống biển, Thương một người ở xa... Album Chiều hạ vàng cũng có thể coi là một sự kiện độc đáo trong lịch sử nhạc Việt hiện đại.

Ánh đèn màu mệt mỏi

Thành công nhanh trong cuộc đời, có được rất nhiều thứ, nhưng cũng từ đó ca sĩ Bảo Yến cảm nhận hết được mọi sự phức tạp của nghiệp sân khấu.

Xung quanh chị có cả sự ganh tị, có thị phi, có những vấp ngã... Ðó cũng là lý do sớm tạo nên một ca sĩ Bảo Yến mệt mỏi với ánh đèn màu.

Nhiều lần tâm sự với em gái là ca sĩ Nhã Phương, Bảo Yến nói mình muốn rút lui vào đời sống gia đình. Chị muốn ở cạnh chồng con và đọc sách Phật giáo như một cách để vượt qua mọi thứ.

Ngoài việc báo chí vẫn hay đăng tải những tin đồn không kiểm chứng, thế giới văn nghệ cũng đầy những chuyện thêu dệt mang tính bi kịch và hài hước về Bảo Yến khiến chị thấy mình muốn chọn cách lìa khỏi thế giới đó để được yên tĩnh.

Những người thân quen với ca sĩ Bảo Yến nói rằng chị luôn dễ rơi vào trạng thái trầm cảm. Và năm 31 tuổi, Bảo Yến quyết định từ chối mọi lời mời biểu diễn. Sân khấu vắng dần tiếng hát Bảo Yến cùng những lời đồn đãi đánh với theo, rằng chị “đã hết thời”.

Cũng có lời đồn rằng Bảo Yến đã quá giàu có nên sớm rút lui. Nhưng ít ai biết rằng những ngày quyết định ngưng hát đó, Bảo Yến và nhạc sĩ Quốc Dũng ở nhà thuê, tiền sinh sống vẫn là một nguồn thu thất thường không định trước được ngày mai.

Chín năm ngừng hát sân khấu, đổi lại việc ghi âm theo yêu cầu lại đến từ nhiều nơi. Nhiều nhà sản xuất, tác giả... tiếc nhớ giọng hát độc đáo này, cũng là một bước ngoặt khiến đôi nghệ sĩ Bảo Yến - Quốc Dũng có một cuộc sống khác, nghiêng về thể nghiệm nhiều hơn cũng như thanh thản hơn.

Nỗi niềm nghệ sĩ và khán giả tri âm

Năm 41 tuổi, ca sĩ Bảo Yến nhận lời quay lại sân khấu trong một chương trình đầy tính kỷ niệm: hai chị em Nhã Phương - Bảo Yến tái hợp với liên khúc nhạc trẻ Lê Hựu Hà - Nguyễn Trung Cang.

Âm nhạc cũng như ý nghĩa của sự trình diễn là động cơ lớn nhất khiến Bảo Yến nhận lời mời. Khi đó, chị nhận ra rằng dù không lên sân khấu trong suốt chín năm, tình yêu âm nhạc trong tim mình vẫn sôi sục như ngày mới 20.

Dè dặt quay lại sân khấu, người ca sĩ có giọng hát trầm ấm độc đáo này lại tiếp tục chinh phục khán giả. Tiếng hát trỗi lên như ánh bình minh từ những thành quách cổ lại thu hút lạ kỳ người nghe. Cho đến hôm nay, nhạc Việt không có ai sở hữu chất giọng độc đáo như Bảo Yến, giọng hát như nhung lụa, bọc kín trong đó những nỗi niềm.

Bảo Yến nói rằng bài hát mà chị thích nhất là bài Mắt lệ cho người của nhạc sĩ Từ Công Phụng. Giai điệu bài hát này như nói được nỗi lòng của một người nghệ sĩ đã đi qua mọi miền nhân gian. “Ðôi mắt em rất buồn, đôi chúng ta rất buồn, vạn câu tình cũ, xin gửi cho đời...”.

Ở một lúc nào đó, mỏi mệt, người nghệ sĩ vẫn muốn gửi lại một câu hát khẽ cho đời, mai sau. Sự mệt mỏi với thế giới sân khấu vẫn còn đó, nhưng Bảo Yến nghĩ mình sẽ phải nhận việc tham gia live show Dấu ấn như một kỷ niệm cuối. Nghe tin, từ nơi rất xa, ca sĩ Nhã Phương gọi điện về và hỏi: “Vẫn mệt như xưa hả chị?”. “Vẫn mệt như vậy, em à” - Bảo Yến nói.

Nhưng Bảo Yến kể rằng có một khán giả ở Tây Ninh viết thư cho chị đều đặn, kể từ ngày chị hát bài Nói chuyện với người trong tranh (Triều Dâng).

Cho đến tận bây giờ, người khán giả này không bỏ lỡ một bài hát nào hay một bài viết nào về ca sĩ Bảo Yến, nhưng tới nay chưa bao giờ chị được biết mặt người khán giả này. Có lẽ live show Dấu ấn này là dịp để cả hai tương ngộ.

“Ðây thật sự là một ấn tượng lớn trong cuộc đời ca hát của Yến” - Bảo Yến nói như thảng thốt, khi nhận ra. Kỳ thực, với một người nghệ sĩ, việc mình gây ấn tượng cho khán giả đôi khi không lớn bằng việc ngày nào đó nhận ra khán giả vẫn thầm lặng thưởng thức và dõi theo mình đã dài lâu biết bao.

Ðó thật sự là dấu ấn tri âm của sự nghiệp, mà chỉ có đời một nghệ sĩ chân thành mới có thể hạnh phúc tìm thấy.