Sự kiện ông Trịnh Vĩnh Bình đang thắng thế trong cuộc chiến
với Nhà nước VN, đòi 28.000 tỉ đồng, đang nhắc một chuyện rằng chưa nào giờ nền
kinh tế của VN đang đứng trước nhiều khó khăn như hiện nay: nợ công tăng, tiền
của nhiều dự án phải trả, cũng như hơn 200.000 tỉ đồng cần thanh khoản cho hệ
thống nhà nước vào cuối quý 4 này. Nhiều người đồn đoán về một cú khủng hoảng lớn
hay suy sụp của VN sắp tới, liệu điều đó có khả năng xảy ra không, thưa ông?
-
Đầu tiên, tôi muốn định nghĩa là thế nào là suy
sụp. Tôi lấy ví dụ là năm 1997, Thái Lan đã trãi qua một giai đoạn tăng trưởng
rất nhanh trong 8 nước có chủ trương tân hưng. Rồi bất ngờ vào ngày 2/7/1997
thì Thái Lan rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính, kéo dài đến 10 năm. Điều
này tác động đến nhiều thứ thay đổi ở Thái. Trở lại định nghĩa suy sụp, tôi tin
rằng chọn một mô hình phát triển kinh tế thì bao giờ cũng gặp phải những khủng
hoảng và suy sụp nhất định ở các mặt. Có thể là 5 năm, có thể là 10 năm. Nhưng
khủng hoảng về chính trị thì dễ chữa chứ còn khủng hoảng về văn hóa thì khó chữa
hơn. Điều mà tôi ngại ở Việt Nam là vấn đề đó, tức tan nát từ văn hóa, đặc biệt
khi Việt Nam ở bên cạnh Trung Quốc.
Trong bối cảnh mà thế giới cứ khoảng
5 năm lại bùng phát các đợt sáng tạo và thay đổi, thì sự suy sụp mà ta nói đến,
sẽ kéo Việt Nam trì trệ sâu hơn, oan uổng cho tài sức của người Việt, của dân tộc
Việt.
Tôi không nói Việt Nam sẽ sụp đổ về
tài chính công, tức nói thẳng là nợ, mà sẽ gặp căng thẳng vô cùng về ngoại hối.
Vì lẽ trong giai đoạn 2008-2014 đồng Mỹ kim trị giá thấp, ai nấy đều vay tiền Mỹ.
Nay thì tiền Mỹ có giá hơn nên nợ trở nên cao hơn. Đặc biệt là chuyện vay nhiều
rồi dùng sai mục đích, tham nhũng, chia chác… thì không có cách gì trả nổi. Và chính giai đoạn đó sẽ dẫn đến đổ
vỡ nhiều thứ và nhiều hậu quả, kể cả mất luôn các cơ hội tăng trưởng cùng nhịp
với thế giới. Nhưng để gọi là suy sụp hay sụp đổ một chế độ thì không đơn giản
là dựa vào các yếu tố như vậy.
Nhà nước CSVN lâu nay vẫn kềm giữ sự bình ổn trong xã hội bằng
bẫy thu nhập trung bình. Thế nhưng các vấn đề tài chính gần đây đã bắt đầu có
những tác động như qua việc tăng thuế, tăng giá sinh hoạt… Sự liên kết phản ứng
của giới tài xế trước việc lạm thu BOT ở Cai Lậy cũng là một chỉ dấu tạm gọi, về
sự bất mãn của giới trung lưu. Đó có là những vấn đề liên quan đến khía cạnh
chính trị, dù chưa rõ ràng?
-
Tôi nghĩ là chỉ một phần thôi. Vấn đề của giới
trung lưu có hai mặt. Mặt kinh tế thì họ sẽ nhận thức xã hội khác đi khi họ bị
mất quyền lợi thu nhập như trước. Nói nôm na là nghèo đi. Còn mặt ý thức chính
trị thì luôn luôn là một ẩn số. Bởi trình độ văn hóa và tư duy về luật pháp-xã
hội ở mỗi quốc gia đều khác nhau. Nhìn về Hàn Quốc, thì phải có một tầm mức nhận
thức chung nào đó thì giới trung lưu mới cùng với dân chúng cùng xuống đường
bãi nhiệm bà tổng thống Park Geun-hye như vậy.
Tôi thì quan tâm nhiều hơn đến
thành phần gọi là trung lưu thấp, hoặc giai cấp nghèo hơn, vì ít ai để ý đến họ.
Báo chí nước ngoài đến Việt Nam phỏng vấn thường tìm đến những người biết tiếng
Anh, chứ ít khi nào gặp những bà cụ ở thôn quê hay gia đình những ngư dân chết
dở sống dở vì biển bị nhiễm độc. Đó mới chính là tầng lớp phản ánh đúng về cuộc
sống và mang khát vọng thay đổi xã hội lẫn chính trị.
Nhân dịp ông nói về giới “trung lưu thấp”, chúng ta hãy bàn
về giới “trung lưu cao”. Nhà nước CSVN vẫn cố tạo một mặt bằng bình ổn cho giới
này làm ăn, đầu tư và tạo ra một mặt bằng của Việt Nam có vẻ phồn vinh trong suốt
giai đoạn hội nhập với thế giới. Nhưng rõ ràng là các lồng luật pháp nhốt giới
trung lưu ngày càng chật với sự thành đạt của họ, đó là chưa nói về lớp đại gia
như Phạm Nhật Vượng, Bùi Thành Dương, Trần Bá Nhơn… chẳng hạn. Liệu để đảm bảo
cho quyền lợi và tương lai làm giàu của mình không bị tổn hại, giới này có tham
gia tác động vào những thay đổi chính trị hay không?
- Cũng có những lớp trung lưu nhận ra điều đó,
nhưng không nhiều ở Việt Nam, bởi cái khó riêng của nó. Ở các nước khác, chẳng
hạn như Đài Loan hay Hàn Quốc họ chấp nhận phần mất mát quyền lực của nhà cầm
quyền để đất nước đổi thay qua các thời điểm tranh cử. Quốc Dân Đảng của Lý
Đăng Huy hay Nam Hàn với Kim Đại Chung là những ví dụ rất rõ. Việt Nam không có
đa nguyên đang đảng nên giới trung lưu ái quốc và tiến bộ hiện nay chỉ có thể
nghĩ đến chuyện thay đổi kinh tế hay vậy chất mà thôi. Bị bao bọc bằng các luật
lệ về chính trị nguy hiểm nên họ chỉ có thể mơ đến chuyện làm giàu và làm sao để
không va chạm với thể chế. Và đó là cái dở, là ngõ cụt của giới trung lưu tiến
bộ và ái quốc. Quan chức khuyến khích chỉ nên làm giàu chứ không nên đụng đến
chính trị, nhưng với Việt Nam khi đã khủng hoảng chính trị đến, thì mọi thứ sẽ
bị kéo sát đáy.
Nhắc về quá khứ, Nam Hàn và Việt
Nam Cộng Hòa có cùng một trình độ phát
triển. Nhưng Việt Nam thì lại kẹt vào chiến tranh. Ngay lúc đó, Park Chung Hee
đã yêu cầu giới kinh tế gia phải phác thảo những kế hoạch 10 và 20 năm cho nhu
cầu phát triển kinh tế đất nước, từ đó các tập đoàn tư doanh lớn ra đời, đặt nền
móng cho các thương hiệu và nền sản xuất lớn của Nam Hàn về sau. Riêng Việt Nam
thì khác, chẳng hạn công ty điện lực nhà nước tự mọc ra một loạt các công ty con (cũng của nhà nước) để chia chác, mua
bán, tham nhũng. Rồi các công ty con nào đó của Bộ Quốc Phòng chia chác, lạm dụng
đất đai của dân chúng để làm giàu thì không là kế hoạch phát triển cho tương
lai, thì chỉ là dự báo cho những khủng hoảng sẽ đến. Ngay cả Trung Quốc giàu mạnh
vậy mà cũng đang vướng vào những chuyện khó gỡ tương tự thì Việt Nam không thể
chạy khỏi.
Có thể trong con cháu của những người
lãnh đạo, cũng có người có lòng nghĩ đến nước nhà nhưng chắc chỉ có một thiểu số
nghĩ đến việc thay đổi chính trị. Nhưng với lợi thế của mình, phần lớn họ chỉ dám
nghĩ đến việc làm giàu trước đã vì chính họ cũng nghĩ rằng các cơ hội như vậy sẽ
không còn dài, trong một xã hội hay nền chính trị đầy bấp bênh trước mắt.
Tuấn Khanh ghi
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.