Friday, April 18, 2014
Bộ trưởng Y tế nên từ chức
Chỉ trong một buổi chiều 17-4 ở trong nước, ngoài những tiếng kêu la của trẻ con, tiếng khóc nấc của nhiều phụ huynh mất con, cùng sự im lặng của các bệnh viện cũng như của những tuyên bố thản nhiên của người cầm đầu ngành kiểm soát sự sống còn của con người, là những cơn bão dậy lên trên các trang mạng đòi hỏi Bộ Y tế Việt Nam phải có một thái độ đúng trước đại dịch.
Từ tức giận, đòi hỏi, giờ thì đã rất nhiều người nghĩ bằng sự tỉnh táo và hoàn toàn mang giá trị cấp bách của một xã hội dân sự đòi hỏi: người không có đủ khả năng kiểm soát tình thế, có cần phải ra đi ngay để tìm một ai đó thế chỗ, giải quyết vấn đề?
Đây không phải là sĩ diện của một con người, của một chế độ khi sắp đặt nhân sự, mà tiếng kêu của đám đông đòi hỏi được thấy nhịp đập của một trái tim có thật từ một hệ thống lãnh đạo.
Từ chức giờ đây là một thái độ văn hóa và cũng là cho thấy một phản ứng đầy nhân đạo, trao lại quyền quyết định cho một ai khác để có những giải pháp tức thì, cứu lấy sinh mạng của hàng ngàn gia đình đang đang thấp thỏm về sinh mạng của con mình.
Con số 108 trẻ em chết trong đợt dịch sởi này được công bố, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Vì diễn biến mỗi ngày vẫn diễn ra, và Bộ Y tế Việt Nam vẫn chưa có một công bố nào mang tính minh bạch rằng dịch sởi đã được kiểm soát, ít nhất ở một vài thành phố.
Đóng cửa thông tin
Trong một thói quen thích dùng quyền lực hơn giải pháp thực tế cho vấn đề, tin tức về đại dịch đã bị ngăn chận.
Cũng trong buổi chiều ngày 17-4, đại dịch sởi đang bùng lên cao điểm, thì các bệnh viện được lệnh phải đóng cửa thông tin, thậm chí phóng viên vào đưa tin, ghi hình là chuyện đặc cách, phải có giấy phép riêng.
Tin tức nói bệnh viện quá tải, thiếu trang thiết bị chữa trị và nhiều cháu nhỏ phải chung giường. Bản tin của báo Một Thế Giới cho biết ngay cả lao công, bảo vệ… của bệnh viện Nhi Trung Ương tại Hà Nội cũng được lệnh ngăn trở người tác nghiệp.
Trên các trang mạng, dấy lên không biết bao nhiêu thông tin về cái chết của con mình, của con bạn bè mình. Uất nghẹn, và đè nén, nhưng họ chỉ được trả lời bằng những phát biểu vô hồn của bà bộ trưởng như “chưa đủ điều kiện để công bố dịch sởi” hoặc “muốn công bố dịch phải xin ý kiến”. Những hình ảnh tràn ngập trẻ em nằm không đủ chỗ ở các bệnh viện Nhi vẫn không giúp được cho nét chân mày được trang điểm rất đẹp của bà bộ trưởng nhíu lại.
Trên một trang facebook, một người có bạn làm trong ngành y nói rằng sẽ khó mà có chuyện công bố dịch, vì nghe nói rằng y tế Việt Nam đã cam kết với W.H.O là sẽ thanh toán dịch sởi vào năm 2017 bằng văn bản, ngân sách tài trợ… nên việc công bố không kiểm soát được bệnh sởi sẽ làm mất mặt ngành y tế Việt Nam.
Tin tức này đang lan nhanh, cùng với việc Bộ Y tế vẫn im lặng về số lượng hàng ngàn trẻ em nhiễm bệnh, lại dường như là một điều xác tín im lặng.
Rõ ràng Bộ Y tế VN hoàn toàn xa dân đến mức không nghe được những lời kêu to như vậy chung quanh mình, cho dù những thông tin đó có thật hay không.
Không phải vô lý khi nhiều tờ báo đã phải kêu lên vào ngày 16-4 rằng “cần phải công bố dịch” hoặc “Bộ Y tế giấu dịch sởi”.
'Lãnh đạo vô cảm'
Hiện thực là giá trị lớn nhất, nó giới thiệu sự cấp bách mang giá trị nhân tâm con người, và cũng giới thiệu hiện thực về khả năng của bà bộ trưởng như một người đang cầm lái chiếc tàu Bộ Y tế đi qua sóng gió nhưng trong tiếng gió bão gầm rú, còn có tiếng kêu thét của các sinh linh vô tội bị cố ý nhấn chìm.
Mới đây, người dân Việt Nam nhìn thấy lời tuyên bố của bà Nguyễn Thị Kim Tiến là “Chúng tôi mà có con cháu mắc sởi, không bao giờ dại cho vào đây”.
Câu phát biểu này của bà Tiến đã làm bùng lên sự phẫn nộ trong các phụ huynh.
“Người ta sẽ đem vào đâu, nếu không là bệnh viện?” một phụ huynh đã viết lời bình như vậy. Câu nói của bà bộ trưởng làm mọi người sững sờ vì mang đầy sự vô trách nhiệm cũng như thiếu khả năng hành động của một quan chức.
Nếu dịch sởi không thể kiểm soát như bà Tiến mô tả, rõ ràng cần thiết phải lập trại cách ly khẩn cấp ở các thành phố lớn. Cần triệu tập các chuyên gia y tế để giải quyết vấn đề mà các bệnh viện thông thường đang không còn đủ sức.
Hàng ngàn trẻ nhiễm bệnh ở mọi nơi đủ là lý do để hành động nhanh, với y đức, với tình người.
Thật lòng, ngành y cũng đã tạo điều kiện để bà Tiến chứng minh tấm lòng của mình với các bệnh nhi, nhưng cũng đủ cẩu thả đến mức cho thấy bà Tiến không có khả năng đội mũ nón y tế cho đúng cách cơ bản khi đi thanh sát. Nhiều người đã bật cười về điều đó.
Ngành y tế bất lực?
Sự hỗn loạn bắt đầu xuất hiện. Trên các trang mạng xuất hiện nhiều lời quảng cáo chữa bệnh sởi gia truyền, thuốc trị sởi đặc biệt… theo nguyên tắc bình thông nhau, nhưng cũng là một lời tố cáo về sự bất lực của hệ thống y tế Việt Nam lúc này.
Chắc chắn không ít các bậc phụ huynh của 7000 đứa trẻ đang mắc bệnh, đang sốt ruột vì con mình, đã liên lạc với những chỗ như vậy. Sẽ là may mắn nếu đó là những lời quảng cáo tốt. Còn nếu đó lại là cách kiếm tiền nhanh của những kẻ cơ hội, mọi việc sẽ bùng nổ và trở thành một đại họa quốc gia.
Giấu diếm và giữ ghế, giữ mặt mũi cho giới lãnh đạo không phải là chuyện mới thấy trong ngành y tế Việt Nam.
Năm 2003 đã có chuyện giấu diếm dịch Sars. Năm 2008, lại cố ý nói trại đi dịch tả là “tiêu chảy cấp” để làm nhẹ đi tình hình. Những tiền lệ đó, nếu tiếp tục nối dài đến đại dịch sởi này, gọi đúng tên, là ô nhục.
Tôi không biết ai có suy nghĩ gần với mình, nhưng tôi chính thức mở lời kêu gọi bà bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nên từ chức ngay.
Ở đây không phải là sự tức giận đòi hỏi bà phải bị trừng phạt vì những sai lầm vẫn có từ trước, hay đang đang diễn ra, mà lời kêu gọi bà nên từ chức để những người thật sự có khả năng bước vào vị trí này để cứu người.
Từ chức vào lúc này để nhận được sự trân trọng, và để đánh động toàn bộ ngành y dốc lực vào sự kiện đang quá cấp bách này.
Cũng không riêng gì bà Nguyễn Thị Kim Tiến mà nhiều quan chức khác cũng nên tập dần cách hành xử văn minh này, vì so với nhân dân, chính họ là người đang được thụ hưởng những giá trị văn minh nhiều nhất.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.