Thật là hi hữu khi thế giới chứng kiến những chiếc giày “ thái độ” được ném về phía trước, nhằm vào hai chính khách của hai cường quốc lớn nhất thế giới.
Cảm giác thật lạ lùng khi giày lại trở thành một phương tiện biểu cảm sau hàng thế kỷ văn minh của loài người.
Mặc dù đích đến của những chiếc giày đó khác nhau nhưng rõ ràng, cách phản ứng của những người “nhận giày” cũng khác nhau.
Ông Bush, tổng thống Hoa Kỳ đã cười còn ông Ôn Gia Bảo, thủ tướng Trung Hoa thì lại giận dữ ra mặt.
Điều này cũng nhanh chóng cho thấy thái độ chấp nhận điều mình đã làm ra trên một tinh thần dân chủ và tính cách thượng tôn mang tính cách triều đình, không chấp nhận nổi những sự khác biệt.
Chiếc giày được ném đi
Việt Nam là quốc gia đã từng có những cuộc chiến với nước Mỹ và Trung Quốc. Những kỷ niệm về các cuộc chiến đó còn khốc liệt và bi thảm hơn bất kỳ ai trong quốc gia của những người từng ném giày.
Tôi tự hỏi sẽ có bao nhiêu người trong đất nước tôi sẽ chọn ném giày vào chính phủ Mỹ hay chọn ném giày vào chính quyền Trung Quốc?
Tháng 11 năm 2000, khi ông Clinton cùng vợ và con gái đến thăm Việt Nam đã được hàng hàng người dân, kể cả những cựu binh quân đội chào đón và chờ được bắt tay.
Ông Clinton có lẽ cũng là lãnh tụ duy nhất của một quốc gia từng có ân oán với Việt Nam không lo sợ chuyện mình sẽ bị ném giày. Trong khi đó, dù được ca ngợi với tình hữu nghị lâu bền, nhưng chưa có một lãnh tụ nào của Trung Quốc được người Việt Nam chào đón như vậy.
Ở một phía khác được bộc lộ rất rõ trong các vụ biểu tình chống Bắc Kinh xâm lược đảo và đất Việt Nam vào tháng 12 năm 2007, đến mức Nhà nước Việt Nam phải huy động các lực lượng trấn áp hùng hậu để làm yên lòng chính quyền Trung Quốc.
Người Việt Nam không có thói quen ném giày, nên người ta phản ứng bằng cách ném các khẩu hiệu về phía các Tòa Tổng lãnh sự và Đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam và mọi nơi trên thế giới với những hàng chữ bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Hoa, đại loại như “đồ xâm lược”.
Ném giày vào ai?
Trong một bài viết của tác giả Quách Tường Uy, người Trung Quốc đang du học tại London, có viết rằng thế hệ của cô được người lớn dạy rằng Việt Nam là bọn xấu và hết sức vô ơn, tàn nhẫn.
Trong ký ức của tôi thì người Việt Nam lại luôn thấy những người Hoa là những người chân chất và hiền lành, dễ làm bạn.
Trong lời dạy của người lớn mà trẻ con miền Nam học được, những người Hoa này là những người yêu nước lưu lạc và mong chờ một ngày đất nước có thể phản Thanh phục Minh thành công mà quay về cố hương.
Từ tinh thần yêu nước cảm động này khiến tôi có rất nhiều bạn người Hoa ở tuổi học trò.
Với tôi và nhiều người khác, kể cả những người đã từng xuống đường vào ngày 9 tháng 12 năm 2007 để phản đối Trung Quốc xâm lược đảo và đất Việt Nam, không có người Trung Hoa xấu, mà chỉ có chính xác chính quyền Cộng sản Trung Quốc là rất xấu.
Không chỉ xấu với đất nước Việt Nam của chúng tôi, mà xấu với cả thế giới bằng cả chiều dài lịch sử hành động và ngụy biện của họ.
Thật là khó giải thích vì sao máu của những người dân Trung Hoa và thanh niên Việt Nam phải đổ xuống dọc đường biên giới hai nước trong cuộc chiến năm 1979. Điều làm rất nhiều người bạn Việt và Hoa tại Chợ Lớn, Saigon, chỉ mới buổi sáng uống ly cafe và tán gẫu vui vẻ với nhau, buổi chiều đã nhìn nhau ngại ngần im lặng.
Tác giả Quách Tường Uy (người TQ, ý kiến trên BBC) có viết rằng thế hệ trẻ của cả hai nước đã dần quên đi cuộc chiến 1979 và không mang nặng mặc cảm về nó. Nhưng đó có lẽ là cảm giác riêng của thanh niên Trung Quốc.
Chiếc giày xin được giữ lại
Lý do của ý thức chống chính quyền Trung Quốc, là bởi người Việt Nam không bao giờ có thể an tâm với sự kiêu ngạo và tính bá quyền của những lãnh tụ như Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình... vẫn được nối dài đến thời kỳ của Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo... và có thể sẽ còn nối dài nữa trong tinh thần Đại Trung Hoa.
Nhắc lại chuyện chiếc giày, khi còn nhỏ, tôi được đưa đi xem triển lãm tội ác của “Bọn bành trướng Bắc Kinh” từ cuộc chiến 1979.
Một trong những ký ức đau đớn nhất mà tôi còn nhớ, đó là một chiếc giày lính bằng vải dính máu của một chiến binh Việt Nam nào đó đã chết. Có thể đó là một công nhân ở Hải Phòng hay một người nông dân nào đó ở Cần Thơ.
Khi Việt Nam tái lập tình hữu nghị với Nhà nước Trung Quốc, một phần lịch sử trên đã biến mất để không làm “tổn thương tình hữu nghị của hai quốc gia”.
Tôi cũng không còn thấy chiếc giày đó nữa, cũng như không được biết rõ đất nước tôi đã mất hay giữ được bao nhiêu đất đai của tổ tiên sau cuộc chiến đó.
Nếu tôi được hỏi là sẽ chọn ném giày vào ai trong mối quan hệ Việt - Mỹ - Trung Quốc này, có lẽ tôi sẽ chọn xin và giữ lại chiếc giày đó - chính chiếc giày đẫm máu của tuổi thanh niên Việt Nam và đặt vào một không gian trân trọng nhất của Tổ quốc tôi hôm nay.
Thế hệ chúng tôi cũng như những người Hoa mà chúng tôi đã được biết, đã sống chung trên đất nước tôi không muốn thù hận nhưng thật lòng không bao giờ có thể lãng quên.
Bài viết gửi BBC (tháng 2/2009)
(Ảnh-edited: từ internet)
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.