Monday, April 28, 2014
Café thời thương khó
Những quán café nho nhỏ, đủ kiểu và đủ ngóc ngách đang xuất hiện ngày một nhiều ở Saigon. Đi đâu cũng thấy café xay, đi đâu cũng thấy giá bán trương to gần bằng cả bảng hiệu: 12.000 đến 15.000 đ cho một ly. Có đủ các giải thích cho trào lưu này. Các nhà buôn bán thì nói đó là chiêu kinh doanh bình dân mới. Các nhà kinh tế học thì nói đó là cuộc cách mạnh café. Giới quản lý hành chính thì gọi đó là đợt tái lấn chiếm vỉa hè…v.v nhưng với những kẻ ngớ ngẩn như tôi, và những bạn bè chung quanh tôi, thì vẫn hay gọi đó là hình thái của café thời thương khó.
Café thời thương khó đó, nói cho vui, thật ra thì cũng chỉ là café vỉa hè, hay tiếng gọi miền Nam hay gọi là café cóc, vẫn là thứ thích nghi với sự tùy nghi và rong ruỗi của những kẻ không nề hà thế gian và thực tế. Café cóc chỉ là nơi để ghé qua, nghe chút thời sự, nhắn lời với bạn bè và chia sẻ một đời sống của cộng đồng mình đang có. Và quan trọng là không lấy đi nhiều thu nhập của bạn trong lúc tiền nong eo hẹp.
Saigon sau năm 1975, chiến tranh làm lưu lạc tất cả. Mọi thứ bồn chồn và mơ hồ. giới nghệ sĩ, văn chương… mở café cóc đâu để kiếm sống qua ngày, mà muốn làm chỗ dừng chân tìm nhau. Trãi qua một thời thương khó, họ hẹn nhau ở chiếc ghế nhỏ, ly café làm cớ… để gặp, để nói, để hát hoặc chỉ im lặng nhìn. Café thời thương khó đó, đôi khi chỉ là hẹn, và nhìn thấy nhau.
Café cóc dạt đi, lùi lại, khi kinh tế đổi thay, khi con người thích ăn ngon mặc đẹp và khấm khá hơn. Những không gian café khác bừng lên. Café cóc lại quay về với góc khuất đầy ý nghĩa ẩn giấu của nó: một ít tiền để đổi được nhiều cảm giác đô thị. Dễ nhìn thấy ai là người cần đến café cóc. Chú chạy xe ôm chờ khách rỉ rả café đen. Cô bán bán thuốc lá gọi làm ly đen đá cho tỉnh người, cho qua buổi trưa ngầy ngật. Hàng trăm quán café khác đã mọc lên, nhưng café cóc vẫn là một câu chuyện khác của đô thị. Loại café thương những thị dân ít tiền, loại café tặng không gian cho người thưởng thức bằng tâm cảm chứ không hoàn toàn bằng hương vị.
Thế rồi khi kinh tế khó khăn, café cóc lại bùng lên. Giờ này, café cóc đổi thành nhiều hình dạng, nhưng nguyên thủy vẫn là café cóc. Nhìn café cóc nhiều hơn, cũng là dấu hiệu cho biết khó khăn đã xuất hiện rộng hơn. Mọi thứ chi tiêu đơn giản trước đây, giờ lại bất ngờ quá tầm, rốt cuộc nhìn quanh, để thoát sự đơn điệu thường ngày, có lẽ lại chỉ là café cóc.
Người thất nghiệp nhiều thì cũng café giải trí qua ngày. Người có việc muốn dành dụm cũng café cóc. Trong ánh mắt của những người không dám lạm bàn về kinh tế, chỉ thấy khi đời sống khó khăn, café cóc xuất hiện nhiều như một biểu hiện của dịch vụ thời thương khó.
Chúng ta đã trãi qua bao nhiêu mùa sống với café thời thương khó nhỉ? Những người bạn của tôi mìm cười. Thật khó mà nhớ hết. Chỉ biết khi nhìn quanh, đời sống chùng xuống, ánh mắt người mỏi mệt. Con người bàng hoàng hơn và đầy nhu cầu ngồi lại với nhau giản đơn hơn, café thời thương khó bỗng xuất hiện quanh ta.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Anh viết đầy cảm xúc, và toàn những đề tài em thích :)
ReplyDelete