Sunday, June 8, 2014

Xin cho một chút núi, một chút rừng

Image

Nhiều năm lắm rồi, ít có ai nghe được một bài nhạc Tây Nguyên nào mới mẻ, day vào trong tim người, như chục năm trước khán giả đã từng nghe, từng say đắm. Những nhạc sĩ trẻ hôm nay từ rừng núi đến thành thị, rất nhiều người lại viết lên những giai điệu rất khác lạ, nghe như đến từ Hàn Quốc hay Hoa Kỳ. Rừng núi trong âm nhạc của họ phai nhạt, tiếng hát cũng heo hút hơi gió trên đồi.

Loay hoay kiếm tìm

Nay Danh là một nhạc sĩ trẻ người Gia-Rai. Từ năm 11 tuổi, khi Nay Danh hát và đàn, mọi người quen biết trong làng đều mừng vì họ Nay của mình xuất hiện một nghệ sĩ. Lâu lắm rồi, mới có một người đi theo âm nhạc, loại nghệ thuật mà người dân tộc thiểu số nào cũng yêu thích, cũng tự hào khi thấy người của mình thành đạt với nó.

 Nay Danh là một cái tên quen thuộc của nhiều người thưởng thức trên mạng. Chẳng có nhiều tiền như bạn bè để làm một album, Nay Danh thu âm từng bài và gửi lên trên mạng để tìm người chia sẻ. Nhưng không hiểu sao các bài hát của Nay Danh có một lượng người nghe rộng lớn đến bất ngờ. Thậm chí có bài như Chiên Lạc Trở Về, Nay Danh hát thành công đến mức nhiều người Việt ở nước ngoài cứ đi tìm vì ngạc nhiên trước một giọng hát nhẹ nhàng, truyền cảm bất ngờ của Nay Danh. “Cô đơn bơ vơ, cất bước trong đêm, tôi như con chiên đi lang thang lạc đường về. Đường đời gập ghềnh, bóng tối vây quanh biết nơi đâu nhà...”, bài hát như kể về những ngày tháng khó khăn của Nay Danh ở thành phố, nhiều điều lạ lẫm.

 Nay Danh nói điều mình vẫn day dứt trong người là gần 30 bài hát sáng tác,dù hầu hết đều có số lượng người truy cập trên mạng rất cao, nhưng chưa có bài nào Nay Danh vận dụng được những làm điệu của đồng bào mình trong đó. “Em rất thích dòng dân ca Nhik của người Gia Rai, nhưng vẫn chưa chuyển vào trong các sáng tác của mình được”, Nay Danh nói. Nhik là một loại hát đối đáp ngắn trên một làn giai điệu sáng và đẹp, đặc thù của văn hóa Tây Nguyên. Lời mới được đặt vào đó để mỗi ngày kể những câu chuyện mới, tâm tình mới.Những bài hát hiện nay của Nay Danh thì lại có khuynh hướng của dòng nhạc pop, với phong cách Anh- Mỹ.

 Khó tả hơn, là trường hợp của Y Kroc, người dân tộc M’nong. Từ ngày bước vào nghề ca hát, và thành danh như một rocker ở thành phố, toàn bộ các sáng tác của anh đều là tiếng Anh. Toàn bộ các giai điệu anh viết hoàn toàn cũng không có dấu vết gì của núi, của rừng. Chỉ còn lại tiếng hát khỏe và nhiều cảm hứng mà cha ông truyền lại cho Y Kroc. Trường hợp của Nay Danh hay Y Kroc không là chuyện cá biệt, mà đang là hiện trạng rất phổ biến của các nhạc sĩ, ca sĩ trẻ Tây Nguyên nói chung hiện nay. Họ có đủ hình ảnh hiện đại nhưng có vẻ như mất dần những nét hoang sơ và bản sắc cần có của văn hóa đại ngàn đang ám ảnh trong từng bài hát, từng con người lúc này.

 Có nhiều lý do để giải thích cho hiện trạng này, nhưng lý do lớn nhất, đó là việc họ buộc phải tự điều chỉnh mình theo dòng chảy của thị trường cho chuyện cơm áo, và cả nỗi sợ hãi về việc không thành đạt hay định hình được trong môi trường biểu diễn quá khắc nghiệt ở đô thị, khiến các nghệ sĩ trẻ Tây Nguyên không đủ tự tin để dành thời gian, tìm tòi, đưa ra cái riêng của văn hóa dân tộc mình.

 Năm 2008, một giọng hát trẻ người Bana xuống thành phố tham gia vào chương trình tuyển chọn tài năng. Chàng trai này có tiếng hát thu hút đáng kinh ngạc, dễ dàng chinh phục toàn bộ mọi người, ngoại trừ một điều là anh ta không thể hát lời nào khác, ngoài ngôn ngữ Bana và các bài hát Bana. Vì tính chất thương mãi của chương trình, người ca sĩ này bị buộc phải tập hát và thuộc lời tiếng Kinh trong một thời gian ngắn, nếu muốn vào vòng trong. Sau khi tập hát liên tục đến 4 tiếng đồng hồ vẫn không thuộc và hát trơn tru lời tiếng Kinh, anh ta buồn bã quay về, bỏ cuộc thi và bỏ luôn giấc mơ hội nhập vào thị trường ca nhạc thành phố. Câu chuyện đó được rất nhiều người trẻ Tây Nguyên kể cho nhau nghe, và cũng là một trong những nỗi ánh ảnh về chuyện muốn tồn tại trong thị trường ca nhạc thành phố, là phải “hiện đại”.

 Ksor Đức, một trong những nghệ sĩ Gia Rai quen thuộc, người nhận được nhiều giải thưởng cho giọng hát lạ lùng của anh, từ Hà Nội đến Sài Gòn. Một lần hát giới thiệu bài hát mới của mình, mặt Ksor Đức lặng đi khi nghe tôi hỏi “Cho anh nghe một cái gì đó thuộc về quê nhà của Đức đi”. Bài hát của Đức giới thiệu đẹp và lãng mạn như một bản tình ca của nhạc sĩ Phú Quang, nhưng mất hút sự dồn dập, sự hoang dã và đập phá lãng mạn, không cần khuôn phép. 2 tháng sau, Đức quay lại, nói mình đang thay đổi. Đức đã trằn trọc, và đang làm tất cả để đến văn hóa của bản làng mình. Anh giới thiệu vài bài hát mới ngập gió cao nguyên. “Về với tôi, nơi đồng xanh, vì tôi thấy nơi này sao quá mệt nhọc”, Đức nhắm mắt hát hào sảng, như một người vừa tìm thấy cánh cổng, tự giải thoát mình.

 

Giấc mơ không hòa tan

 Ksor Đức là một trong những trường hợp hiếm hoi của các nhạc sĩ trẻ Tây Nguyên muốn làm một cái gì đó, vừa phát triển, vừa không đánh mất mình trong một thế giới muôn màu, luôn dễ dàng bị hòa tan vào đó. Đức thậm chí còn mơ ước dứt mọi công việc ở thành phố để quay về quê, để có đủ thời gian sống, hít thở với âm nhạc của bản làng. “Em mong mình có thể cách tân lối hát Ching Cheng (cồng chiêng) đơn giản thành những bài hát hiện đại hơn, để đưa ra ngoài cho công chúng thưởng thức với đủ hương vị hiện đại và mới mẻ hơn”. Ksor Đức nói rằng gần đây anh nhớ nhiều thứ, kể cả chuyện cha của anh là ông Ksor Dau từng là tác giả của bài hát có tên “Câu chuyện về chiếc xe Honda”. Bài hát này nổi tiếng từ thập niên 60 vì sự gần gũi và hài hước khiến ông Ksor Dau trở thành một nhạc sĩ lừng danh của người Gia-Rai. Nội dung kể khi chiếc xe Honda xuất hiện lần đầu trên cao nguyên, đó là mơ ước của nhiều chàng trai, để được các cô gái chú ý, để được thong dong… Giai điệu là những câu hát ngắn, cao và đong đưa như lá cây vui đùa. “Bây giờ nghe lại, em ngạc nhiên vì sao người xưa có thể viết được như vậy, hoàn toàn là âm nhạc bản sắc, như rất mới mẻ”, Đức nói, như một cách tự hối thúc mình.

 Rất nhiều người yêu âm nhạc Tây Nguyên cũng có nỗi lo ngại đó. Sự ra đi không quay về của nhiều nghệ sĩ trẻ đang là sự thấp thỏm, thậm chí đẫn đến việc hành động như của cô Linh Nga Niakdam. “Rõ ràng là giới trẻ nghệ sĩ Tây Nguyên có nhiều điều kiện hơn trước, nhưng cũng mất dần, không giữ được”, Cô Linh Nga Niakdam nói. Việc dựng nên khoa âm nhạc, trường Dam San ở Ban Mê Thuột, cũng nằm trong ước muốn của cô Linh Nga Niakdam, là làm sao đem dân ca Tây Nguyên quảng bá trong thế hệ trẻ và gieo mầm cho việc ứng dụng, phát triển các bài hát này trong đời sống.

Việc các nhạc sĩ trẻ Tây Nguyên xưa đến nay, nếu như được đào tạo âm nhạc bài bản, thì chuyển từ các trường chuyên nghiệp với các bài học cổ điển của Bach, Mozart… rồi bước nhanh vào đời, nối với âm nhạc thời trang của K-pop, của Canto-pop… khiến họ không còn không gian tĩnh tại để nối kết văn hóa của mình vào đời sống. Trường Dam San là nơi gần như duy nhất để gìn giữ, sưu tầm và gây quỹ để phát triển các dự án liên quan đến âm nhạc Tây Nguyên hiện nay.

“Tôi nghe rất nhiều sáng tác mới của bọn trẻ, nhưng không có Tây Nguyên trong đó. Chúng nó đi xa dần, không những âm nhạc và cả đường về quê nhà”, cô Linh Nga Niakdam kể một loạt tên các nghệ sĩ trẻ quen thuộc của Tây Nguyên, từ nam tới nữ. Trong đó, có những người đã quyết đến thành phố và lập nghiệp, chọn cuộc sống nơi đó. “Bản sắc sáng tạo thuộc về tâm thức, mong là một ngày nào đó, chúng nó sẽ nhận ra”, cô nói.

Đúng là có những bất cập trong làn sóng mới của các nghệ sĩ trẻ Tây Nguyên. Nhưng không phải là không có hy vọng. Bunong Boo, một chàng trai người M’nong mới bước vào trường Nhạc Viện TP, đang gây cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ trẻ, bao gồm người sáng tác cũng như ca sĩ đến từ Tây Nguyên khi đưa ra dự án một loạt các ca khúc được hát bằng nhiều song ngữ M’nong và Gia Rai. Thậm chí, anh còn học làm đạo diễn để quay các video clip, dàn dựng cho anh em mình. “Em muốn học giỏi, đi xa để có thể làm được điều gì đó cho đồng bào của mình”, Bunong Boo nói, với nét mặt quả quyết và tự tin. Nay Danh cũng là người cộng tác với Boo trong dự án này.

Trong những dòng nghệ sĩ Tây Nguyên xuống thành phố. Theo lời kể, Họ Nay vốn giỏi về ngôn ngữ và diễn đạt hòa nhã. Âm nhạc cũng như vậy mà dìu dặt, quyến rũ. Họ Ksor thì mạnh mẽ như điềm tĩnh, nên những bài hát của họ luôn có sự sắp xếp chặt chẽ cho sự thưởng thức. Họ Siu thì ngẫu hứng và cao trào, nên luôn gây thu hút. Họ Y hay Bunong thì chứa đựng những bất ngờ của nghệ sĩ tính, và luôn gây thú vị. Trong tất cả những gì mà khán giả yêu âm nhạc được biết về Tây Nguyên, dường như vẫn còn quá sơ sài, quá ít ỏi. Vì vậy, việc nhạt đi một chút bản sắc của những người nghệ sĩ trẻ này không chỉ là điều lo lắng của chính họ, mà còn là nỗi tiếc nuối của con người nơi phố thị. “Giữa phố thị đông người chật chội, tôi bỗng muốn tìm về nơi thảnh thơi…”, Ksor Đức hát như vậy. Biết đi đâu giữa chật chội nhà cao, khói bụi, nếu không là một tiếng hát tự do, núi đồi mang đến, chữa lành cho tâm trí của đồng bằng, trong một phút giây nào đó. Chỉ còn biết mong muốn, rằng một ngày nào đó, chúng ta lại được nghe những ca khúc mới Tây Nguyên, bừng lên, đậm thêm chút gió, chút rừng, chút núi đồi thơ mộng.

 

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.