Những câu chuyện này gây không ít bối rối cho người yêu âm nhạc, nhưng lại là dịp mở toang cánh cửa cho thấy rõ những bất cập của một nền văn nghệ, đặc biệt là âm nhạc, đang hỗn loạn trong các ý kiến, nhận định. Trong dòng chảy của các phát biểu trái chiều nhau, lẫn trong đó có cả sự vội vã cũng như hời hợt về kiến thức và thông tin âm nhạc, trở thành những cây gậy đang đập nát khu vườn vốn đang non yếu và lắm hoang tàn.
Ngẫu hứng tinh ranh
"Ý thức về bản quyền và hiểu rõ giá trị công việc mình làm cũng là cách minh định người nghệ sĩ đó có đủ sức tồn tại với cuộc đời lâu dài hay chỉ là “vật trang trí” cho không gian giải trí tạm thời"
Không chỉ khán giả mà ngay cả giới chuyên môn âm nhạc xuất hiện trên truyền hình cũng dè dặt vì không biết phải xử trí như thế nào, chẳng hạn như với việc Sơn Tùng - một ca sĩ nam đang gây nhiều tranh luận - vì anh tuyên bố việc “ngẫu hứng” trên các beat nhạc của người khác là bình thường. Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp mà lâu nay thị trường âm nhạc vẫn nhầm là “sáng tác”. Việc ý thức không đầy đủ về bản quyền trong thị trường âm nhạc, cũng như thiếu cập nhật kiến thức, có thể là nguyên do của việc nhầm lẫn “ngẫu hứng” trên nền tảng sáng tạo có bản quyền của người khác là hợp pháp.
Không ai có quyền đi vào căn nhà của người khác vốn đã đẹp mọi thứ, và ngẫu hứng tự cho mình là chủ căn nhà đó được. Loại beat nhạc đang nói đến là phần đệm của những ca khúc thịnh hành trên thị trường đã cắt ra phần lời ca như một loại karaoke. Tác giả và nhà sản xuất có thể cho phép việc cover (hát lại) nguyên bản của bài hát này trên nền nhạc đó. Nhưng mọi hình thức “ngẫu hứng” khác (modify) trên nguyên bản nền tảng đó hoàn toàn bị coi là phạm pháp (violation of law) nếu như không thông qua một hợp đồng.
Tương tự, không ai có quyền lấy nền khung cảnh bức Guernica của Picasso rồi “ngẫu hứng” vào đó con bò thay cho con ngựa. Hoặc không ai có quyền lấy toàn bộ nền tảng bộ Tây du ký của Ngô Thừa Ân và “ngẫu hứng” trên đó vai Đường Tăng thành một nhân vật thảm họa âm nhạc nào đó của VN.
“Ngẫu hứng” trên một nền tảng chuyên nghiệp của người khác, và không có sự thỏa thuận với chính tác giả, hàng thế kỷ nay nhân loại văn minh chỉ có một tên gọi chung là “ăn cắp” (piracy). Ngẫu hứng cũng có thể là tên gọi biện minh trong một số trường hợp, nhưng rõ ràng khán giả nhìn thấy nơi đó tính chất tinh ranh của sự việc đã lấn chiếm giá trị tinh thần nghệ sĩ.
Năm 2005, Madonna đã phải gửi thư xin phép sử dụng lại các nốt hòa âm trong bài Gimme gimme của nhóm Abba, dù giai điệu đó chỉ ngẫu hứng cho bà sáng tạo một bài hát khác trong đĩa đơn Hung up. Ý thức về bản quyền và hiểu rõ giá trị công việc mình làm cũng là cách minh định người nghệ sĩ đó có đủ sức tồn tại với cuộc đời lâu dài hay chỉ là “vật trang trí” cho không gian giải trí tạm thời.
Và thể nghiệm bị kết án
Trong khi nhiều tờ báo VN còn đang phân vân không biết gọi tên cho sự việc “ngẫu hứng” nói trên là như thế nào, thì việc chỉ trích bài phối khí cho ca khúc thiếu nhi Đi học của nhạc sĩ Quốc Trung lại diễn ra rất dễ dãi và rầm rộ.
Bắt đầu từ cảm quan riêng của một cây viết nào đó không thích bài phối khí này, vội vã cho suy nghĩ của mình là tối thượng, đã tuyên bố nhạc sĩ Quốc Trung “phá nát” ca khúc Đi học. Thật ngạc nhiên vì cũng trên những trang báo đó, người ta từng thấy những bài nhạc trance vô nghĩa của Lady Gaga được ca ngợi hết lời, hoặc những bài nhạc thời trang ngốc nghếch của một tay V-pop nào đó được nống lên như là biểu tượng thành đạt của nhạc Việt.
Không phủ nhận được công việc của nhạc sĩ Quốc Trung là hết sức nghiêm túc và có tổ chức rất tốt cho tiết mục của chương trình Giai điệu tự hào trên VTV1. Việc Đi học không được khán giả đón nhận như ý muốn là do nhiều yếu tố khác nhau, nhưng không thể gọi là “phá nát” ca khúc đó. Nếu một thể nghiệm sáng tạo thuần Việt, tử tế lại bị xem nhẹ hơn việc lắp ráp một beat nhạc ngoại cho sân khấu, thì hoặc là nền âm nhạc Việt - hay cả âm nhạc lẫn các nhà bình luận âm nhạc Việt - đều đang đứng trước một vực thẳm.
Trên các trang báo giải trí lâu nay từng có quá nhiều thảm họa âm nhạc của VN được tán tụng, thậm chí tô vẽ nhiều kỳ. Và cũng trên các trang báo đó, qua việc “đấu tố” nhạc sĩ Quốc Trung, những cây viết đã không hề chứng minh được sự nhận thức đủ về quyền thể nghiệm, và sáng tạo tự do trên học thuật, là một giá trị tuyệt đối của nghệ sĩ.
Người nghệ sĩ thật sự có thể thành công hay thất bại đó là chuyện rất bình thường và chỉ vậy thôi. Bài hát Đi học vẫn còn đó, không ai có thể “phá nát” được nó. Chỉ có bài hòa âm phối khí đã chưa thể chinh phục được đám đông do hoàn cảnh hay thời điểm của công việc. Thất bại có thể là tên gọi, nhưng gọi tên “phá nát” là một quy kết có tính kết án cho một nỗ lực chuyên môn tử tế.
Âm nhạc là một khu vườn bí ẩn. Thật không dễ để nói hết về nó dù ai cũng có thể đến với nó. Nhưng ngược lại, từ những lời tuyên bố cất lên về khu vườn âm nhạc, người ta có thể nhanh chóng nhận ra đó là người hiểu biết muốn vun đắp cho khu vườn, hay chỉ là cây gậy vô tâm đang tàn phá những xanh tươi đang có.
TUẤN KHANH
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.