Trong bộ phim Miracle at St.Anna (2008) của đạo diễn Spike Lee, có một đoạn gây nên nhiều xúc cảm trái ngược, nhưng điều đọng lại, đó là một điều đáng xấu hổ cho lịch sử loài người văn minh.
Một nhóm lính Mỹ da đen sau khi tham dự một cuộc chiến ác liệt ở chiến trường Châu Âu vào thế chiến thứ 2, tâm trạng vừa thoát được mặc cảm mình chỉ là một chủng tộc bị coi thường, khi tiến vào một quán kem của người da trắng đã bị từ chối phục vụ. Sự tổn thương đến cùng cực của những người lính này đã không thể nào diễn tả được, nhất là khi họ vừa đi từ chỗ chết trở về, để bảo vệ những người dân Mỹ, trong đó có những người Mỹ da trắng vừa lịch sự từ chối họ, như một bầy cừu trắng không chấp nhận những đồng loại khác màu.
Câu chuyện này được kể lại, như một so sánh cho điều có thật, vào tuần thứ hai của tháng 6/2014, xảy ra tại khu du lịch Đầm Sen. Một tổ chức liên quan đến Đoàn thanh niên CS mở ra chiến dịch vận động cho môi trường cho nước sạch, tiết kiệm nước tại Việt Nam, đã làm một chương trình khá hoành tráng, thậm chí dự định sẽ mở rộng toàn quốc để kêu gọi mọi người chia sẻ và ý thức về môi trường. Dĩ nhiên, có chương trình thì phải có nghệ sĩ biểu diễn để thu hút công chúng. Khi người chịu trách nhiệm văn nghệ trong ban tổ chức tham khảo về danh sách ca sĩ tham gia, đã từ chối hai cái tên Lam Trường và Tiêu Châu Như Quỳnh. Lý do đưa ra khiến những người biết chuyện đều ngỡ ngàng “do tình hình thời sự nhạy cảm, nên không thể sử dụng ca sĩ gốc Hoa”.
Lam Trường và Tiêu Châu Như Quỳnh chắc không xa lạ gì với khán giả, thậm chí họ đã từng đóng góp rất nhiều cho các chương trình từ thiện, xã hội… suốt nhiều năm nay. Tin nhỏ này chẳng mấy chốc lan đến tai những người nghệ sĩ này. Dĩ nhiên, im lặng thở dài là nhiều duy nhất họ có thể làm được. Và cái tin này đáng hổ thẹn này đến với họ, chắc cũng là lúc làm họ ý thức rõ hơn cái "tội" làm người Việt gốc Hoa của mình.
Nhưng ngay cả những người không phải là gốc Hoa trên nước Việt Nam, khi nghe câu chuyện này, cũng chỉ biết im lặng. Cũng giống chuyện như cửa hàng kem người da trắng từ chối những người lính da đen trong phim Miracle at St.Anna, nhóm tổ chức ở Đầm Sen vốn đang hào hùng kêu gọi một ý thức cộng đồng, lại mang đến một phản giá trị cộng đồng, đầy tổn thương một cách đáng ngại cho con người, không khác gì một bầy cừu trắng nông cạn từ chối một đồng loại khác màu của nó mà đạo diễn Spike Lee đã mô tả. Nước Mỹ xem lại những giây phút điện ảnh đó, có không ít người xấu hổ và buồn cho giai đoạn mông muội đó, và câu chuyện này những nhà tổ chức thanh niên bảo vệ môi trường ắt sẽ có một ngày nào đó, sẽ tự soi lại mình, khi bước ra khỏi thế giới quan nông cạn của bầy cừu.
"Cừu" là một khái niệm khá phổ biến để mô tả những biến động trong tư duy con người. Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu cũng từng đề cập đến “cừu” như một khái niệm của loài người thiếu tư duy và chấp nhận đi theo đám đông mà không động não. Cừu cũng là một khái niệm được nhắc tới trong bộ phim Silent of the Lambs (1991) của đạo diễn Jonathan Demme, về việc im lặng và đồng lõa trước nghịch cảnh của đồng loại. Cừu của thời đại mới, có thể khác đôi chút, khi có lý luận cho sự việc của mình, nhưng nhân danh và sẳn sàng đạp lên mọi thứ để an toàn, hoặc xây dựng cho bản thân mình. Giống như phim The Red Violin (1998) của đạo diễn Francois Girard, trong đó một tòa án hồng vệ binh thời cách mạng văn hóa ở Trung Quốc đã hét vào mặt một thầy giáo dạy violin “Nước Trung hoa cách mạng cũng có đàn bốn dây, tại sao lại đi học và dạy loại đàn bốn dây của chế độ tư bản?”.
Câu chuyện của những nhà hoạt động bảo vệ môi trường cao quý này, nhắc tôi nhớ đến năm 2004, khi ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung đang vướng vào một vụ tai tiếng ngoài ý muốn trên internet, tôi mời em ấy vào chương trình một biểu diễn lớn, ngoài trời, có chủ đề đại loại là “vượt qua số phận”. Thế nhưng ngay khi Nguyễn Hồng Nhung bước lên sân khấu, một nhân vật cấp cao ở Thành Đoàn TNCS đã hồng hộc chạy lại giận dữ nói tôi rằng “ai cho phép ca sĩ này bước vào chương trình của Đoàn TNCS? Loại người này không còn được phép đứng trước công chúng”. Một năm sau, rất nhiều những ca sĩ, người mẫu, diễn viên… vướng vào các scandal tương tự ngoài ý muốn như Nguyễn Hồng Nhung, trong đó có người được cả hệ thống truyền hình Trung ương dành giờ vàng lên sóng để xin lỗi khán giả và nhiều tờ báo sau đó vẫn giới thiệu, trong đó có cả sự nâng đỡ của các nhân vật cao cấp Đoàn TNCS. Tất cả những ngôn từ nói về chuyện đó, không ai thấy nói về khái niệm "loại người" của nhiều năm trước tôi từng được nghe.
Não trạng “cừu” có thể xuất hiện, lan tràn trong một thời điểm, khi người ta bình tâm và có đủ lòng tin vào sự tử tế, những điều tệ hại đó sẽ tự đi qua, hoặc im lặng trong xấu hổ. Một ca sĩ quen đi hát ở Bình Dương sau các vụ bạo động gần một tuần lễ, chứng kiến các hình poster của ca sĩ Lương Bích Hữu bị những kẻ cực đoan xé, kể với tôi rằng thậm chí nhiều bầu show ngại mời cô đi diễn vì “nhạy cảm’ với người gốc Hoa, sợ cả khán giả cực đoan sẽ phản ứng với người gốc Hoa. Nhưng rồi điều đó cũng qua đi. Sự xấu hổ của những bầy cừu hưởng ứng về ứng xử phân biệt đó ngu ngốc, giờ chỉ còn là sự im lặng như vết sẹo trong trái tim của chính họ.
Thế giới vẫn hướng về chiều văn minh, và con người cũng cần những sự vận động để hướng cuộc đời mình đến văn minh. Không ai có quyền nhân danh bất kỳ một điều gì để xô ngã người khác trong cộng đồng, nhất là đối với những con người đã cống hiến đời mình, tô điểm cho chính cộng đồng đó. Chuyện trên đây là một ví dụ đắng chát cho một đất nước có 54 dân tộc cùng chung sống, mà tôi ghi lại với ước mong nó sẽ không bao giờ lập lại, đặc biệt gửi đến những con người được giao quyền lực, coi mình là một loại cừu thượng đẳng, sẳn sàng chà đạp lên số phận những người khác.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.