Friday, April 28, 2023

Chiến tranh giải phóng, và diễn viên Đơn Dương

 

Những người sống ở Sài Gòn nói họ tuy đã quen với việc hàng năm, đến ngày 30 Tháng Tư, nhà cầm quyền lại cho trương khắp nơi các bích chương, biểu ngữ mừng ngày giải phóng miền Nam, nhưng quen, không có nghĩa là không có những phản ứng nhất định, dù đã gần nửa thế kỷ đi qua.

Việc xác định là “giải phóng”, có lúc này lúc khác. Tùy theo cảm quan của người đứng đầu bộ máy nhà nước và thời thế. Đã có lúc cả miền Nam rộ lên niềm vui khó tả khi đọc được những dòng tâm tình của ông Võ Văn Kiệt, về ngày 30 Tháng Tư là có “triệu người vui, cũng có triệu người buồn”. Giai đoạn đó, những ngôn luận nhận thức khác lạ đó, mô tả được một tâm trạng có thật dai dẵng trong dân chúng: Miền Nam là của những người xác nhận mình thua cuộc, nhưng không nhận là mình được giải phóng.

Điểm lại lịch sử của nửa thế kỷ sau 30 Tháng Tư 1975, về ý nghĩa “giải phóng”, không thể không nhắc đến chuyện của diễn viên điện ảnh Đơn Dương.

Những ngày 30 Tháng Tư này, lại nhớ một biến động khó quên của điện ảnh Việt Nam, với diễn viên Đơn Dương, người đang đặt một bàn chân vào Hollywood, được chú ý trước cả Hồng Châu, Quan Kế Huy… Cũng từ một bộ phim chiến tranh Việt Nam do Mel Gibson đạo diễn, cách nhìn cuộc chiến tranh giải phóng bằng ánh mắt nhân bản trung dung, đã bị tấn công không thương tiếc từ hệ thống truyền thông nhà nước. Vào thời điểm nhạy cảm đó, hai bộ phim Đơn Dương tham gia là Green Dragon (2001 - cùng với sự tham gia của Patrick Swayze and Forest Whitaker, và We Are Soldiers(2002 - cùng Mel Gibson) là cú sốc lớn, cho dù ngôn ngữ điện ảnh mô tả nhiều chiều, nhiều bối cảnh tâm lý chứ không nhằm mục đích “chống phá” Việt Nam. Khác với câu nói của viên cựu quân nhân Đại Hàn về việc đã “giết hơn 100 việt cộng” trong phim Ba Chị Em, chỉ bị ngừng chiếu, thì chính vẻ tư lự, cảm thán về mất mát hoàn toàn có thể hiểu được của người chiến thắng, mà Đơn Dương thủ vai viên chỉ huy Nguyễn Hữu An vào phút cuối của We Are Soldiers ở thung lũng D’rang, là vấn đề bị chỉ trích dữ dội.

Khó tả được cảm giác của hãng Paramount khi đón nhận hàng loạt các lời tấn công vào phim We Are Soldiers và cá nhân ông Đơn Dương. Năm 2002, thư liên lạc và thông qua Tòa Đại Sứ Mỹ ở Việt Nam được một quan chức không cho biết tên ở Sài Gòn xác nhận rằng Đơn Dương không bị giam giữ hay bị bắt. nhưng Bộ văn hóa đã ra lệnh cấm ông Dương rời khỏi đất nước, và bị cấm diễn xuất ít nhất trong năm năm. Nhưng quan trọng là số phận của ông Dương vẫn treo, chưa được định đoạt.

Báo chí lúc đó gọi Đơn Dương là “phản quốc”, “tham đồng đô-la bán lịch sử đất nước”… Nói chung là những ngôn ngữ vô cùng nặng nề như một cuộc đại thạch hình, mà nếu sự kiện ở những năm 1950 hay 1960 tại Miền Bắc, Đơn dương sẽ phải bị bắn, hoặc ngồi tù không có ngày thấy ánh sáng. Trong một cuộc phỏng vấn với AP, Đơn Duong cho biết ông bất ngờ trước phản ứng chỉ trích dữ dội, và đã công khai hứa rằng quyết định không tham gia thêm bất kỳ vai diễn nào trong các bộ phim nước ngoài về chiến tranh Việt Nam. Nhưng khi được hỏi cảm nghĩ Về việc đã tham gia những bộ phim này, ông Dương nói rằng hãnh diện vì đã được sống trong thế giới của Hollywood.

Sự kiện Đơn Dương bị chỉ trích ở Việt Nam bùng nổ, Gibson, Swayze và Whitaker  cùng tham gia vào một chiến dịch viết thư cho Bộ Ngoại giao, cùng với những người khác bao gồm nhà làm phim Randall Wallace, Harvey Keitel và Ken Brecher, giám đốc điều hành của Viện Sundance, Thư đang được gửi tới Đại sứ Hoa Kỳ Raymond Burghardt cũng như các quan chức Việt Nam. Wallace đã viết cho Burghardt, nhờ giải thích với Hà Nội rằng "Đơn Dương đã khắc họa một sĩ quan yêu thương và chăm sóc những người lính của mình, người khôn ngoan và dữ dội trong trận chiến... và người cuối cùng thậm chí còn nhạy bén hơn các nhà lãnh đạo của chính phủ Mỹ, trong đó ông (viên chỉ huy Bắc Việt) nhận ra rằng việc tiếp tục nỗ lực quân sự của Mỹ ở Việt Nam sẽ chỉ tạo ra một bi kịch lớn hơn trong những sinh mạng đã mất. Trong con mắt của những người không phải là người Việt Nam, Đơn Dương đã đại diện cho người dân của mình theo cách mang lại cho họ danh dự và sự tôn trọng. 

Cả trong vai Trần Tài (Green Dragon) và Nguyễn Hữu An (We Are Soldires), vấn đề của ông Đơn Dương là đã thể hiện quan điểm của các nhà làm phim quốc tế về cuộc chiến tranh Việt Nam, mà không có ý nghĩa “giải phóng”. Cả 2 bộ phim. Mà Đơn Dương thủ vai đều thể hiện sự mất mát của con người Việt Nam. Từ chỗ. một người di tản vì cuộc chiến tranh, Bắt đầu cuộc đời mới của mình. Tại trại tỵ nạn Camp Pendleton của căn cứ hải quân Hoa Kỳ, cho đến hình ảnh người chỉ huy Bắc Việt chiến thắng, giành được ngọn đồi nhưng mang trong mình một suy nghĩ về thắng thua vô nghĩa trước sự mất mát quá nhiều của đồng đội. Ý nghĩa chính trị giải phóng nhạt nhòa trong thời khắc ấy, như câu thơ của Nguyễn Duy: “Mọi cuộc chiến tranh, Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”. (Đá Ơi)

Có thể Đơn Dương không gặp thời. Vì nếu như bộ phim được sản xuất và ra mắt năm 2005, Vào thời điểm mà ông cố thủ tướng Võ Văn Kiệt phát biểu trong một bài phỏng vấn, nhân 30 năm ngày 30 Tháng Tư, ắt cuộc đời và của diễn viên Đơn Dương biết đâu lại càng lóe sáng.  Lúc đó, ông Kiệt nói, rõ ràng hơn cả những vai diễn của Đơn Dương thể hiện, rằng “một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu” (Tuần báo Quốc Tế, 31 Tháng Ba 2005).

Rõ ràng trong lịch sử, đã có lúc, quan điểm chân thành về một quốc gia cần phải được chữa lành vết thương nội tại từ chiến tranh, và giải phóng cả quan điểm thế đứng trên của những người chiến thắng, là có thật. Tiếc thay, những điều đó lại luôn chìm lắng giữa những rộn ràng không thật.

 

--------------

Tham khảo thêm, chuyển dịch từ hồ sơ Wikileaks

Sau đợt đầu báo chí tấn công dữ dội, không chỉ dùng pháp luật áp chế, Đơn Dương còn bị sách nhiễu như trong một cuộc đấu tố thường xuyên ở xã hội: "Ông Dương bị quấy nhiễu mỗi tối với điện thoại của an ninh gọi tới, bị theo dõi mỗi khi ra khỏi nhà, và cho biết bạn bè và hàng xóm lo sợ tránh né. Ông bị công an thẩm vấn hôm 2 tháng Mười 2022, và tỏ vẻ lo sợ là sắp bị bắt giam, mặc dù lý do để bắt thì không ai nói rõ cho ông trừ những điều đã nói ở trên. Ông đã bị gọi là 'kẻ phản bội' trong báo chí của nhà nước và của đảng Cộng sản."

 

Nửa năm sau, Đơn Dương được xuất ngoại với vợ con. Cùng đi với gia đình ra Tân Sơn Nhất là nhân viên tòa tổng lãnh sự, công điện ngày 10 tháng 4, 2003, ghi với tựa đề nặng nề: "Sách nhiễu tới phút chót."

Đó là sau khi Đơn Dương đã bị sách nhiễu, các con ông cũng bị làm khó dễ trong trường, và côn đồ tới phá nhà hàng của gia đình ông, bản công điện viết. Ông bị gọi lên công an phường, ông khất, rồi cuối cùng ra đi mà không lên gặp công an.

Khác với nhiều lần trước, lần này hải quan không cho nhân viên tòa tổng lãnh sự vào trong để tiễn người. Khi được hỏi tại sao thì mỗi người trả lời mỗi khác. Có người bảo nhân viên lãnh sự "chỉ được tiễn công dân nước họ." Có người bảo "khu vực hải quan không cho phép nhân viên lãnh sự vào" - trong khi thật ra thì "mới thứ Sáu tuần trước thì không có luật đó." Rồi khu vực công an cửa khẩu cũng được cho là không cho phép vào, và "một lần nữa, mới thứ Sáu tuần trước thì không như thế."Một người quay phim, tự xưng là của Truyền hình Việt Nam, theo quay phim gia đình Đơn Dương rời nước, đi qua luôn chặng kiểm soát.

Đến chỗ khai hải quan, nhân viên tòa tổng lãnh sự bị chặn lại. Lý do này nọ được đưa ra. Nhân viên tổng lãnh sự quán bảo, mới thứ Sáu tuần trước chúng tôi không bị chặn, thì hải quan chỉ nhún vai lắc đầu bảo, luật trên thay đổi rồi.

Hai người cấp trên tới, nhưng thay vì giải quyết cho lãnh sự vào trong, một trong hai người bắt đầu khám xét hành lý gia đình Đơn Dương "một cách chậm chạp và ôi trời ơi kỹ càng làm sao," công điện viết. Một nhân viên lãnh sự Úc cũng tới và cũng không được cho vào trong.

Tuy không được vào, nhưng nhân viên lãnh sự cũng đứng nhìn và thấy gia đình bị đưa vào một phòng nhỏ, nơi có ít nhất 8 viên hải quan bu vào lục soát hành lý gồm 6 va li và 3 thùng. Họ lục từng món hàng. "Họ chụp nhiều tấm ảnh của đồ đạc, quần lót bị giơ lên soi ánh đèn."

 

Sau một giờ lục soát, hải quan cho phép gia đình gói đồ lại, lại chạy qua X-ray, rồi đẩy đi. Đơn Dương được đưa qua một quày khác, rồi bị bắt phải ký một xấp giấy tờ - "phải hứa hẹn cái gì thì chúng tôi không biết," công điện viết.

Hãng EVA đã phải giữ máy bay lại trong 15 phút để chờ gia đình Đơn Dương. "Qua cửa kính, nhân viên lãnh sự quan sát thấy gia đình đi qua được hành lang xuất phát, đi thẳng tới cầu qua máy bay. Người 'quay phim' tiếp tục quay cho tới phút chót, trong khi một đám đông nhân viên an ninh đứng đầy phòng đợi của người đi."

Chuyến bay cất cánh lúc 3:15, với gia đình Đơn Dương trên đó, bay qua California với bà Suzie Bùi, chị ông. Công điện viết, ông Dương bị chính quyền "xua đuổi ra khỏi quê hương mình."

 

Vũ Quý Hạo Nhiên

Wednesday, April 26, 2023

Ngư dân đã phê bình thủ tướng chưa?

 


Hôm 18 Tháng Tư, bản tin trên báo Tuổi trẻ có viết rằng Thủ tướng Phạm Minh Chính phê bình 4 tỉnh đã để cho ngư dân của mình vượt lằn ranh trên biển, đi đánh bắt cá ở các vùng biển các nước lân bang, bị gọi tên “đánh bắt thủy hải sản bất hợp pháp”.

 4 vùng biển đó, là Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kiên Giang, bị coi là liên tục để xảy ra tình trạng tàu cá của địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài khi khai thác hải sản từ đầu năm 2023 đến nay. Lý do của chuyện này, là ngành xuất khẩu hải sản của Việt Nam có thể bị Liên Âu (EU) phạt nặng, thậm chí dẫn đến chuyện phải ngừng xuất khẩu qua các quốc gia này. Việt Nam hiện bị Ủy ban Liên Âu (EC) áp dụng hình thức cảnh báo “thẻ vàng” trong hơn 5 năm qua vì tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) và có nguy cơ tiếp tục bị phạt “thẻ đỏ” nếu không cải thiện tình hình. Và nếu bị phạt thẻ đỏ, Việt Nam phải đối mặt với khoản thiệt hại lên tới 480 triệu USD mỗi năm trong xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU.

Sau đợt kiểm tra thứ 3 của EC, Thủ tướng Việt Nam đã gấp rút ban hành chương trình hành động 180 ngày quyết tâm gỡ "thẻ vàng" để chuẩn bị cho đợt kiểm tra tiếp theo của EC cuối tháng 4 năm nay. Nhiều quy định được ra cho ngư dân 4 tỉnh nói trên, là cho đến tháng Năm 2023, các chơ quan hữu trách sẽ liên tục điều tra và xử lý 100% vụ việc tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý và cũng ra quyết định xử phạt 100% các trường hợp vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, cũng như công bố danh tính tàu và người vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nhưng tại sao là Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kiên Giang? Vì sao 4 tỉnh đó đứng đầu trong các vụ vượt lằn ranh biển quốc gia để liều lĩnh sang nước khác đánh bắt, bất chấp tàu bị bắt, người bị giam, tài sản bị hủy và thậm chí phải trả tiền chuộc mới về lại được quê nhà?

 Nếu theo dõi các câu chuyện tàu của ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc đâm, người ta sẽ nhận ra ngay các mã hiệu của tàu gặp nạn đều hầu hết nằm trong 4 tỉnh nói trên. Nhiều năm nay, các bản tin thảng thốt trên báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ… nói về chuyện tàu Trung Quốc tràn ngập ở hải phận Việt Nam, thường bị bỏ qua trong các câu chuyện sốc nổi rùm beng của xã hội. Chuyện sống chết của người dân ra biển, chuyện âu lo của quốc gia… dường không mấy được sự quan tâm của công chúng nữa. Nhất là sau khi các vụ tức giận phản ứng biểu tình vì Trung Quốc xâm hại người, xâm phạm biển Việt Nam lại bị trấn áp bằng những đòn bao vậy, bắt giữ và bị coi như “phản động”.

Chuyện ngư dân ra biển giờ ngày càng thưa thớt đã là điều dễ thấy ở các vùng ven biển miền Trung. Việc đâm tàu, bắn người… trở thành cơm bữa, nhưng không thấy tàu của Việt Nam yểm trợ ngư dân, phản ứng trực diện với tàu Trung Quốc.  Thậm chí, tố cáo đích danh Trung Quốc là kẻ hành hung ngư dân Việt ngay trên hải phận Việt Nam cũng là chuyện hiếm. Một bản tin năm 2020 trên báo Thủy sản Việt Nam có tiết lộ rằng ngư dân ở Quảng Ngãi than khó về chuyện đi biển không còn dễ dàng như trước. “Tàu cá làm ăn ngày càng khó nên nhiều bạn đi quen trước đây đã chuyển nghề lên bờ sinh sống hoặc đi bạn cho những tàu thuyền tỉnh khác có thu nhập cao hơn”, báo này viết. Tỉnh khác được nói đến ở đây, hầu hết là các vùng nằm ngoài danh mục 4 tỉnh bị Thủ tướng phê bình nói trên.

“Mệt nhất là nghề ngư dân lúc này”, một người dân ở Bình Định nói, khi bồng con nhìn ra biển buổi chiều tà. Sóng và mùa dữ ở Bình Định không làm người dân làm nghề cá ở đây sợ, mà họ chỉ sợ khi vừa ra khơi thấy tàu Trung Quốc dày đặc rượt đuổi. “Có lúc, tụi tôi phải giấu theo cờ Campuchia, khi thấy tàu Trung Quốc xa xa, là lật đật thay cờ Campuchia để đi ngang nó mà không bị rượt đuổi”, một người đi biển đã bỏ nghề, kể. Hầu hết những câu chuyện ngư dân Việt khi bị tàu Trung Quốc ập tới, đều bị bắt, đâm chìm tàu, tịch thu ngư cụ, hải sản. Chỉ vài lần như vậy, là người đi biển kiệt quệ và chán ra biển. Nhiều làng ở Bình Định chọn đi lao động hợp tác ở Phi Luật Tân để kiếm tiền an toàn hơn, thậm chí nhàn nhã hơn việc sống với nhiệm vụ kép “Vừa đi biển, vừa bảo vệ chủ quyền”.

Việt Nam luôn khẳng định bằng ngôn luận của Bộ Ngoại Giao về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Ngư dân ra biển được phát thêm cờ để “thể hiện chủ quyền”, nhưng khi bị bắn, thì chỉ có tiếng súng, tiếng loa và âm thanh xịt nước hung hãn vào tàu gỗ Việt. Đỉnh cao của sự việc này, là ngày 26 Tháng Ba năm 2013, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi thản nhiên tuyên bố việc tàu nước này ngang nhiên bắn một tàu cá Việt Nam vài ngày trước, tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là “cần thiết” và “hợp lý”. Nếu bạn là người đi biển, bạn có tìm cách dạt sang vùng biển xa hơn, ít bọn côn đồ cờ đỏ để mưu sinh không? 

Ngày 16 Tháng Ba 2023, Dự án Đại Sự ký Biển Đông (SCSCI) cũng cảnh báo tình trạng tàu dân quân biển và tàu cá Trung Quốc đã xuất hiện và tụ tập thành đoàn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam ở Biển Đông. Trong đó, tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 2.600 tấn cùng nhiều tàu theo đoàn đã xâm nhập vào sâu trong hải phận Việt Nam. Họ chỉ rút đi, khi họ muốn, chứ không quan tâm ngôn luận phản đối hay kêu gào nào cả.

Nói Trung Quốc tràn ngập biển Việt Nam, nó vẫn là cách nói ước lệ. Ước tính duy nhất về con số quy mô có thật của lực lượng dân quân biển Trung Quốc là từ một nguồn xuất bản năm 1978. Theo đó, nhân sự của lực lượng này vào thời điểm đó là 750.000 người, hoạt động trên khoảng 140.000 tàu. Con số này có khả năng đã tăng lên đáng kể kể từ đó. Nhưng trong Sách trắng Quốc phòng năm 2010, Trung Quốc tuyên bố rằng họ có 8 triệu dân quân trên toàn quốc, bao gồm cả dân quân biển. Ngay vào lúc này, Bắc Kinh tuyên bố cấm đánh bắt cá trên biển Đông, để dần tạo thành tập tính của “chủ quyền gián tiếp”, kiểm soát thực hiện cho lệnh cấm này, là có lực lượng dân quân biển, hải cảnh… của Trung Quốc như vừa nêu.

Việt Nam không có Bộ ngoại giao lên tiếng, chỉ có Hội nghề cá phản đối như hát trên đài phát thanh xã. Không chính thức phản đối, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt chỉ “nhắc lại” Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông Việt vào vai Phó phát ngôn và vẫn nhuần nhuyễn “nhắc lại” kể từ năm 2019 đến nay.

Năm 2020, nói với đài BBC, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, nhìn nhận ngư dân Việt Nam rất dũng cảm, yêu đất nước và biển đảo nên không quản hy sinh ra biển đánh cá và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ông có kêu gọi là các lực lượng biển cần “nghĩ” đến sự an toàn của ngư dân. Thế nhưng trong vụ khởi tố các quan chức hải quân vào năm 2022, bao gồm cả hai tư lệnh biển, dường như các lực lượng được coi là bảo vệ ngư dân, chỉ “nghĩ” buôn xăng lậu là chính sự.

Khi ra các điều luật khắt khe, phạt tiền, công bố danh tính… không biết Thủ tướng Phạm Minh Chính hay tổ tư vấn của ông có nhìn lại biển Việt Nam vật vờ xác thuyền chìm, đẫm máu ngư dân phải mang vác nhiệm vụ kép vừa mưu sinh vừa giới thiệu chủ quyền? Thủ tướng phê bình 4 tỉnh có ngư dân phải trôi dạt sang biển lạ để đánh bắt kiếm sống - và cách nào đó cũng đóng góp cho ngành xuất khẩu thủy hải sản bao nhiều năm qua – nhưng có biện pháp nào để ngư dân việt có thể ra biển trong mùa cấm đánh bắt của Trung Quốc, mà an toàn trở về, mang theo sản vật trong chính hải phận nước mình, mà không nơm nớp lo âu không?

Ngư dân, những người đã chết, những người đã bỏ nghề ông cha truyền lại để tìm sống ở đất khách quê người, đã có ai phê bình các đời thủ tướng Việt Nam chưa?

 

 

 

Tuesday, April 25, 2023

Đinh Quang Anh Thái: Dương Thu Hương, một con người tự do

(Trò chuyện với nhà báo Đinh Quang Anh Thái, về sự kiện nhà văn Dương Thu Hương đoạt giải văn chương )

Tháng Tư 2023, nhà văn Dương Thu Hương nhận giải văn chương Cino Del Duca – một giải thưởng danh giá chỉ đứng sau Nobel Văn Chương, với trị giá € 200,000. Tác phẩm được chọn là “Chốn Vắng” (Terre des oublies), mà theo tuyên bố của Ban Chấm Giải Cino Del Duca, là để tri ân một nhà văn lớn có tác phẩm và nhân cách cùng những thành tựu đặc biệt mang thông điệp của chủ nghĩa nhân văn hiện đại, được giải thưởng thế giới này công nhận.”, theo ViaBooks.

Nhà văn Dương Thu Hương, 76 tuổi, rất nổi tiếng, cả ở Việt Nam, và ở ngoại quốc, và đặc biệt là ở Pháp, nơi từng xuất bản hàng chục tiểu thuyết, chủ yếu từ nhà xuất bản Sabine Wespieser, tất cả đều được dịch sang tiếng Pháp, từ “Terre des oublies” (2016), cuốn sách được đọc nhiều nhất của bà, đến “Eucalyptus Hills” (2014), “Au zénith” (2009).

Nữ văn sĩ hiện đang sống tại Pháp, là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Bên kia bờ ảo vọng”, “Những thiên đường mù”… Những tác phẩm thể hiện sự bất mãn của bản thân bà đối với chế độ cộng sản. Năm 1994, tác phẩm của bà nhận được Huân chương Văn hóa Nghệ thuật Chevalier des Arts et des Lettres do Bộ trưởng Văn hóa Pháp, Jacques Toubon trao tặng. Cuốn tiểu thuyết “Chốn vắng” của bà nằm trong danh sách đề cử giải Femina và nhận Giải thưởng lớn Độc giả của tạp chí Elle (Grand prix des lectrices de Elle) năm 2007.

Nhà văn Dương Thu Hương được biết đến như một người từng có thời hết mực tận tụy với đảng Cộng sản Việt Nam và tự nhận là “thuộc thế hệ xẻ Trường Sơn đánh Mỹ”, nhưng trong lần trả lời phỏng vấn của The New York Public Library (live) ngày 30 Tháng Tư, 2006, bà nói: “Sau ngày 30 Tháng Tư, mọi người tràn vào Sài Gòn, những người phương Bắc cười như điên dại, vì sung sướng. Riêng tôi, đối với mọi người, giống một con điên, vì họ thấy tôi khóc như cha chết. Tôi khóc vì cảm thấy cuộc chiến tranh là trò đùa của lịch sử, toàn bộ năng lượng của một dân tộc dồn vào sự phi lý, và đội quân thắng trận thuộc về một thể chế man rợ. Tôi cảm thấy tuổi trẻ của tôi mất đi một cách oan uổng, gieo vào tôi trạng thái hoang mang và cay đắng…”

Hiện nay, các tác phẩm văn chương của nhà văn Dương Thu Hương bị cấm tại Việt Nam vì lý do chính trị. Bà cũng từng phải vào tù vì dám lên tiếng phát biểu phê phán việc áp dụng chủ nghĩa Marx-Lenin vào Việt Nam, phản đối độc quyền của Đảng Cộng sản.

Tháng Tư năm 2006, nhà văn Dương Thu Hương được mời sang Paris và New York, dự một hội nghị Văn bút Quốc tế. Sau khi kết thúc chuyến đi, bà xin lưu trú tại Pháp.

Có lẽ vì vậy mà sự kiện lớn của người Việt Nam lại im lặng kỳ lạ trên cả ngàn báo, đài truyền hình, radio của nhà cầm quyền. Vinh dự này chỉ có riêng cho dân tộc Việt Nam. Cuộc trò chuyện với nhà báo Đinh Quang Anh Thái, một người bạn thân thiết của nhà văn Dương Thu Hương, mở ra thêm nhiều điều thú vị.

Theo cách giải thích của mình, thưa anh nghĩ sao khi một giải thưởng văn chương lớn được trao cho người Việt Nam – mà trước đó ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng bày tỏ mơ ước – lại không được nhắc đến trên toàn bộ hệ thống truyền thông?

Chuyện khá dễ hiểu, bà Dương Thu Hương xuất thân từ chế độ cộng sản, hiểu và dũng cảm tố cáo nó. Bà chọn sống và viết với tự do của bản thân mình chứ không phải là nhà văn phục vụ. Vì vậy, nhà nước Việt Nam không thể nào dám đăng bất kỳ một bản tin nào về chuyện này cả.  Ông Nguyễn Xuân Phúc trước khi rời khỏi chức vụ thủ tướng, đã từng nói rằng, mơ ước một ngày nào đó sẽ có một nhà văn Việt Nam đoạt giải quốc tế, Dĩ nhiên ông ta nói như vậy là nói về nhà văn đoạt giải quốc tế phải là người được nhà nước cộng sản Việt Nam chấp nhận. Giải này là chỉ đứng sau Nobel văn chương thôi, và biết đâu có thể là mở đường cho bà Dương Thu Hương trở thành nhà văn đoạt giải Nobel, thế thì nếu nhà nước cho phép đưa tin, thì đâm ra phải nhìn nhận một thực tế là một người cầm bút một khi dám bước ra khỏi được cái vòng kim cô của đảng, thì họ mới có thể sáng tác tự do được, và nhận được những cái giải danh giá như thế.

Nói về người cầm bút, mà ai ai cũng tuân lện viết theo ý của một tổng biên tập, thì sẽ khó mà có thể nhận được sự nhìn nhận nào cả. Lịch sử đã có đủ các ví dụ về điều này. Chẳng hạn với Aleksandr Solzhenitsyn hay Boris Pasternak của Nga chẳng hạn. Họ được vinh danh vì đã can đảm viết bằng lương tâm của mình, chấp nhận cả việc phải trả giá. Thành ra mình trông mong gì một nhà nước độc tài như Việt Nam lại dám loan tin này, nhất là đối với người cầm bút bị coi là đối nghịch.

Nhà văn đại tá Chu Lai mới đây có nói trên báo chí nhà nước, tiếc rằng lâu nay văn chương Việt Nam (tức văn chương trong sự chấp nhận của đảng và nhà nước) chưa có tác phẩm đúng tầm. Theo anh “tầm” ở đây được diễn giải như thế nào?

Ông nhà văn đó nói vậy, chứng tỏ là ông ta không hiểu biết gì về văn chương quốc tế cả. Không bao giờ những nhà văn bị kềm tỏa trong chế độ độc tài, chỉ biết viết đúng với quyền lợi của họ được hưởng, thì họ cũng chỉ loanh quanh ở trong cái vòng kim cô thôi. Bản chất của văn chương là tự do, mà nhà văn là những người được mô tả là những con chim báo bão, viết những cho những gì xảy ra trong thế hệ của mình, và có thể thế hệ tương lai, thì làm sao những nhà văn mà cầm bút theo sự chỉ đạo của đảng cộng sản có thể ngang tầm hiếu như sinh hoạt văn chương văn minh và tự do. Còn ông đại tá đó nói vậy, chỉ có thể khẳng định rằng ông ta không biết gì về sinh hoạt văn học, nghệ thuật của thế giới tự do cả.

Có ý kiến cho rằng bà Dương Thu Hương đoạt giải vì bà may mắn có những tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài để được nhận biết trong văn đàn thế giới. Thưa anh nghĩ gì về chuyện lâu nay nhà nước Việt Nam không tập trung tiền của để tổ chức dịch thuật những tác phẩm mà nhà nước tự cho là “đúng tầm”, nhằm tham gia với thế giới. Và nếu theo suy nghĩ đó, liệu nhà văn Dương Thu Hương chỉ là may mắn so những nhà văn “đúng tầm” trong nước, chỉ vì các tác phẩm của bà sớm được dịch ra tiếng nước ngoài?

Trước hết, phải nói Dương Thu Hương là một người có tài viết văn, đủ để chạm được vào nền văn học tự do của thế giới nói chung. Còn nếu nói tại sao nhà nước Việt Nam không nghĩ đến chuyện tổ chức những dự án dịch các tác phẩm “đúng tầm” để giới thiệu với thế giới, thì tôi cho rằng đó là một câu hỏi cho thấy rằng mình vẫn còn tưởng tượng là nhà nước Việt Nam yêu văn chương, và cởi mở. Họ chỉ dùng các công cụ nghệ thuật để tuyên truyền và chỉ vậy mà thôi. Thành ra không có lý do gì một cái đảng như thế mà lại bỏ tiền dịch những cái tác phẩm có giá trị, nhất là với những nhà văn suy nghĩ bằng cái đầu của mình. Còn nói về chuyện các tác phẩm “đúng tầm” ấy được dịch thuật, thì thật lòng tôi muốn hỏi là những tác phẩm đó ai sẽ đọc, và phục vụ cho ai?

Không quốc gia, không được nhìn nhận từ chính quyền hiện tại… việc đoạt giải của nhà văn Dương Thu Hương, ngoài việc đem lại danh tiếng cho bản thân mình thì bà có mang lại một thông điệp nào khác cho giới cầm bút hay không?

Tôi cho đang là một sự khích lệ lớn lao với những người cầm bút tự do, từ chối kiểm duyệt đang sống im lặng trong nước, hay những người cầm bút ngoài nước. Sự thành công của nhà văn Dương Thu Hương chứng minh rằng không chỉ thỏa hiệp và cúi đầu trước kiểm duyệt của kẻ độc tài là cách chọn lựa tốt nhất. Cuộc tranh đấu lớn nhất và dai dẳng trong đời của người trí thức là cố giữ được bản lĩnh và tinh thần sáng tạo tự do của mình, mà cuộc đời của bà Dương Thu Hương là một minh chứng. Không phải giữ để mộng mơ về giải thưởng, mà điều đầu tiên là mình giữ được mình, là một con người. Một con người tự do.

Wednesday, April 5, 2023

Tư cách nào để gọi nhau là đồng bào?

 


Thật ra chuyện Hội An thu phí vào phố cổ, vốn đã manh nha từ lâu chứ không phải hôm nay. Có lẽ trong bối cảnh cái gì cũng có thể nghĩ ra cách làm tiền, Hội An đã mạnh dạn đi đầu, quyết làm gương cho một chủ trương lớn. Còn nhớ vài năm trước, trong một chuyến đi đến Hội An, lúc đó, quầy bán vé thu phí đã xuất hiện rồi và cũng làm không ít khách ngần ngại. Một người bạn ở Hội An dẫn đường đi dạo ở phố cổ, ngoắc nhóm bạn chúng tôi đi vào một ngõ khác, băng qua một lối mòn và vào thẳng. Vài người hơi ngơ ngác, hỏi, “Làm vầy có vi phạm gì không? Vì thấy có chỗ thu tiền vé…”, anh bạn Hội An cười “phải hỏi bên thu tiền có vi phạm gì không, gì nơi này từ lúc sơ khai hình thành đến bây giờ, có cái gì của họ đâu mà thu tiền?”.

 

Nghĩ lại, cũng thật đáng cười, mà buồn. Hội An ra đời vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVI, thời nhà Lê. Từ sau 1570, chúa Nguyễn Hoàng trong việc xây dựng thành lũy, ra sức phát triển kinh tế Đàng Trong, mở rộng giao thương buôn bán với nước ngoài và Hội An trở thành thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất khu vực Đông Nam Á thời kỳ đó. Nơi đây là thương cảng và là hội tụ các dòng văn hóa Nhật, Trung Quốc, Hà Lan, Anh, Phi Luật Tân, Xiêm, Nam Dương… Sau năm 1975, Hội An bị bỏ quên, trong cái nhìn như là tàn tích của chế độ phong kiến.

 

Mãi đến thập niên 1980, Hội An bắt đầu nhận được sự chú ý của các học giả Việt Nam, Nhật Bản và phương Tây. Tại kỳ họp lần thứ 23 từ 29 Tháng Mười một đến 4 Tháng Mười Hai 1999 ở Marrakech, Morocco, Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc đã ghi tên Hội An vào danh sách các di sản thế giới. Nhờ đó, đô thị cổ Hội An sống lại nhờ những hoạt động du lịch tự nhiên, bên cạnh đó, phải kể đến là tâm huyết của ông Nguyễn Sự (bí thư từ 1995-2015), người lãnh đạo hiếm hoi biết tôn trọng quá khứ và ra sức ngăn trở mọi can thiệp thô bạo của hiện tại. Phát biểu ở buổi từ chức 13 Tháng Sáu 2015, ông Sự nhấn mạnh “Quá khứ tôi chịu trách nhiệm nhưng tương lai các anh phải chịu trách nhiệm”.

 

Mọi thứ ở Hội An, cho thấy, đó là tài sản của một nền văn minh quần tụ dân cư từ tổ chức của nhà Nguyễn – một triều đại để lại nhiều dấu ấn thống nhất và xây dựng, mở mang đất nước – nhưng luôn bị nền giáo dục và tuyên truyền hiện nay bẻ cong sự thật, bị phỉ báng vô tội vạ và phủ nhận mọi công sức tạo dựng. Trong các ngõ phố cổ của Hội An, những ngã đường, then cửa, phố chợ, góc lầu… hầu hết thuộc về sở hữu dân cư và ý thức gìn giữ mang tính tập thể phối hợp đến đáng kinh ngạc. Những người có quyền ở Hội An lấy tư cách gì bắt người Việt hay thế giới phải trả tiền cho chính quyền, để được đến nhìn, thăm hỏi các căn nhà riêng ấy, để đến thăm những khu phố tự mỗi gia đình tận tụy gìn giữ ấy?

 

Không nghe nói số tiền bán vé trong kế hoạch “quản lý bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản của Hội An” sẽ sử dụng chính xác như thế nào? Mỗi gia đình ở Hội An với giá trị di sản rất riêng, sẽ làm gì để nhận được tiền yểm trợ giữ gìn di sản từ tiền bán vé của cơ quan nhà nước, nếu có?

 

Suốt nhiều năm liền, Hội An liên tiếp đón các trận bão, lụt. Theo thống kê vào năm 2020 của Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, thì trong khoảng 8000 căn nhà cổ, có khoảng 1000 ngôi nhà được liệt vào hàng di tích phải bảo tồn. Những trận lụt lâu ngày, kéo theo cả bùn đất tràn nhà, tràn phố. Người dân ở Hội An đã chung tay làm lại tất cả để gìn giữ cho mình, và cho cả Việt Nam, mà không ai hối thúc chính quyền phải bù đắp. Kết quả kiểm tra tạm thời từ năm 2020, có 34 di tích xuống cấp, trong đó 9 di tích xuống cấp nghiêm trọng, cần được tiến hành gia cố, tu sửa hàng năm. Nhưng khi hỏi về chi tiết bảo tồn, và giúp đỡ, gìn giữ, báo chí trong nước chỉ nhận được một câu nói lơ lửng “công tác bảo tồn đối với một số di tích còn có những khó khăn”.

 

Chùa Cầu, trái tim của Hội An, được xây dựng cách đây hơn 400 năm. Đến nay, phần đê móng xây bằng đá xếp chồng lên nhau đã xuất hiện nhiều vết nứt. Ở bên trong những thanh xà gồ, mái ngói bị nứt nẻ, cong vênh. Phần nền móng chùa Cầu đã nghiêng 45 độ về phía Bắc so với kết cấu ban đầu. Báo Pháp Luật Việt Nam trong một ghi nhận, ngậm ngùi nói “năm nào cũng vậy, vào mùa mưa bão, người dân lại phải chằng chống khắp nơi để giữ cho ngôi chùa đứng vững”. Cụm từ “người dân” xuất hiện rất khép nép, như sợ không vừa lòng giới lãnh đạo Hội An, như sợ nói thẳng là không có ai có quyền thu tiền, đã ra sức làm gì cho xứng đáng.

 

Cứ nhân danh được UNESCO gọi tên là lịch sử, là di tích thì trở thành cơ hội để vin vào thu tiền, ngoài ngân sách chính đáng của quốc gia. Nếu các 8000 hộ dân cư ở Hội An lập ra Hội Bảo vệ Di tích, tự thu tiền và tự trùng tu, liệu chính quyền có đồng ý không? Chắc chắn dân cư ở Hội An sẽ phải là những người hiểu, xót xa, và lo lắng nhất đến di sản của chính mình, và không bị điều tiếng như chính quyền tổ chức ra giá?

 

Trong những ngôn luận lòng vòng để chạy chữa cho phát kiến chặn cửa thu tiền, mới đây trong một câu hỏi trên báo Tuổi trẻ về chuyện làm sao tránh được việc người sống ở phố cổ ra vào cũng bị thu tiền, bà Trương Thị Ngọc Cẩm - giám đốc Trung tâm Văn hóa, thể thao và truyền thanh, truyền hình Hội An nói sẽ áp dụng phương pháp dùng người ở Hội An nhận diện nhau. Thật kinh hãi, khi chỉ vì vài mươi ngàn đồng thu phí mà chính quyền Hội An biến người dân ở đó trở thành mật thám tập thể, và học cách chỉ điểm nhau. Người Hội An hiền lành dễ mến, giờ đây vì khát vọng tận thu - cùng với những lý luận không hề thuyết phục của chính quyền – sẽ công khai tố giác nhau hoặc kín đáo là chỉ điểm không lương cho chính quyền. Có cái đau nào hơn cho người Hội An không, khi ngăn người Việt vào nhìn văn minh Việt. Làm như vậy, tư cách nào để gọi nhau là đồng bào?