Thursday, October 31, 2019

Trò chuyện với Đạo diễn phim Mẹ Vắng Nhà: “Làm người tốt thật khó, nhưng vẫn phải”



(Clay Phạm với kỷ niệm bị bắt và tra tấn trong công viên Tao Đàn, ngày 17/6/2018)




Chỉ trong một thời gian ngắn cuối năm 2019, người ta chứng kiến những cuộc ra soát và trừng phạt khắc nghiệt của nhà cầm quyền đối với giới văn nghệ sĩ độc lập. Sau khi nhận được giải thưởng ở hạng mục New Currents ở liên hoan phim Busan, ngày 14 tháng 10, bộ phim ngắn Ròm của  đạo diễn Trần Thanh Huy bị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phạt 40 triệu đồng và ra lệnh phải hủy “tang vật” vì dám gửi dự thi phim mà không xin phép. Đơn giản, bộ phim mô tả về những cậu bé bụi đời, bán vé số trên đường phố Sài Gòn với những hình ảnh chân thật về Việt Nam hôm nay.

Một ngày sau đó, những người đặt mua cuốn sách xuất bản tự do từ Hà Nội có tên “Thế thiên hành đạo hay đại nghịch bất đạo” của tác giả Phạm Thành bị công an chận bắt ở một quán cà phê tại quận 3, Sài Gòn. Nguời shipper giao sách cũng bị bắt và bị đánh. Nhiều ngày sau, nhiều người vẫn còn bị an ninh thường phục canh giữ nhà để theo dõi.

Đến 25 tháng 10, nhà làm phim độc lập Thịnh Nguyễn ở Hà Nội bị công an bắt giữ và lục soát nhà, mà không trưng ra được bất kỳ một loại giấy tờ hợp pháp nào, mà mục đích là tìm chứng cứ và thẩm vấn Thịnh Nguyễn xem có phải là người thực hiện bộ phim tài liệu Đừng Sợ, về thảm nạn Formosa hay không.

Không khí nặng nề bao trùm lên giới văn nghệ sĩ ở Việt Nam. Thời điểm này nhắc đến những ngày tháng mà vì một bài hát, Việt Khang có thể đi tù, Trần Vũ Anh Bình có thể bị xem như là thành phần phản loạn. Thời điểm này làm nhớ lại Văn Đoàn Độc Lập trao giải thì bị cắt điện, công an hăm dọa người đến tham dự, và cả giám đốc xuất bản Chu Hảo bị đấu tố, trừng phạt vì đã in những loại sách khai trí.

Không khí nặng nề này cũng nhắc đến Clay Phạm, nhà đạo diễn trẻ, khi thực hiện bộ phim Mẹ Vắng Nhà, nói về những đứa con của Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã lớn lên, sống và chiu đựng như thế nào cùng bà ngoại khi mẹ của chúng bị ghép một án tù. Clay Phạm với những hình ảnh mô tả đời sống rất bình thường của mình, nhưng đã đưa cuộc đời anh vào một ngã rẻ khác: Anh không thể quay về nhà, không thể sinh sống như mọi người khác, anh trở thành một nhân vật bị đưa vào tầm ngắm của những hiểm nguy chực chờ.   

May mắn có được cuộc trò chuyện với Clay Phạm qua điện thoại internet – từ một nơi nào đó rất xa xăm – từ đó được anh kể rất nhiều về sự ẩn thân của mình, về mơ ước thực hiện những dự án phim tài liệu mới, về chọn lựa của mình… Clay Phạm nói anh vui mừng vì nhìn thấy hôm nay, nhiều nghệ sĩ, trẻ hơn cả anh, đã chọn việc mô tả hiện thực, sống với lương tâm và trái tim nghệ sĩ. Anh cảm thấy mình không cô đơn khi tiếp tục đi con đường của mình.

Xin ghi lại một ít, về cuộc trò chuyện với anh, như một cơ hội giới thiệu thêm tiếng nói của một nghệ sĩ tự do và yêu thương con người, yêu thương đất nước của mình.

Clay Phạm đã quan tâm đến thời sự và hiện thực xã hội từ khi nào, và vì sao?
-          Tôi không nghĩ mình quan tâm lắm đâu, mà thực sự chỉ là muốn mô tả hoàn cảnh của 2 em nhỏ, con của chị Quỳnh, như một sự chia sẻ, thông cảm về hoàn cảnh của một người phụ nữ phải chịu tù tội khi lên tiếng cho chuyện chung. Thậm chí tôi nghĩ đó là một cuốn phim tình cảm gia đình hơn là ý nghĩa chính trị. Nhưng khi hoàn thành, mọi thứ đã vượt ra khỏi suy nghĩ của mình, tạo ra những biến động cho đời mình. Tuy vậy, phải nói là trong giai đoạn làm phim, tôi phải gần như là cải trang như dân địa phương để không gặp khó khăn, đặc biệt là trong sự bảo vệ rất chặt chẽ của mẹ chị Quỳnh. Cuối năm 2017, tôi bị bắt tại sân bay khi định làm một chuyến ra nước ngoài. Công an không có lý do gì để bắt tôi, nhưng qua camera theo dõi trước nhà chị Quỳnh, họ nghi ngờ vì thấy tôi xuất hiện rất thường xuyên. Tôi bị ngăn không cho bay, bị thẩm vấn và tịch thu tất cả máy quay, máy tính… mà không cần lý do gì cả. Tôi lang thang từ đó. Có một thời gian tôi ở gần chỗ của chị Phạm Đoan Trang và giúp vài việc lặt vặt cho chị ấy. Nhưng với công an, đó là chuyện không còn bình thường, và tôi trở thành người bị đẩy vào thế không thể quay trở về cuộc sống bình thường.
Vậy cuộc sống hiện nay của Clay Phạm ra sao?
-          Tôi nhận ra mình đã chọn một hành trình của đời mình, hết sức phức tạp nhưng tôi không hề tiếc nuối vì đã chọn. Từ tháng 6 năm 2018, khi tham gia biểu tình chống luật đặc khu và an ninh mạng và bị lôi vào Tao Đàn tra tấn, đánh đập, tôi chưa gặp lại gia đình mình. Và tôi tiếp tục lang thang và suy nghĩ về những dự án mới.
Với chuyện của phim Ròm, việc anh Thịnh Nguyễn bị bắt, Clay Phạm có suy nghĩ gì?
-          Đã có rất anh em chịu những thứ còn nặng nề hơn. Chẳng hạn như tôi muốn nhắc đến bạn Nguyễn Văn Hóa chẳng hạn, người dùng drone quay cuộc biểu tình chống Formosa nhưng bị đến 7 năm tù. Do đó những điều đánh đổi của tôi rất nhỏ. Nhắc về chuyện của anh Thịnh Nguyễn, tôi hiểu và tôi tin rằng muốn là một người tốt, một người trung thực ở Việt Nam là một điều khó khăn, nhưng đó là sự chọn lựa và phải chấp nhận cái giá của nó. Tôi tin là anh Thịnh Nguyễn không nao núng trước điều này, và tôi cũng vậy, tôi cũng không thể từ bỏ con đường của mình đã chọn. Rồi sẽ còn nhiều người nữa sẽ nối bước với anh Thịnh Nguyễn hay với tôi, hay bất kỳ người nào khác đang lên tiếng bằng nghệ thuật và ôn hòa. (…)

Ngừng cuộc nói chuyện với Clay Phạm, cảm giác trong tôi thật khó tả. Cũng như nhiều người trẻ khác mà tôi chưa gặp mặt, họ nuôi trong mình sự mạnh mẽ và lạc quan đến đáng ngưỡng mộ. Hỏi rằng họ có sợ hãi không có lẽ hơi thừa. Vì sợ hãi là có thật, giống như cảm giác nóng, lạnh hay đói… họ có thể thản nhiên đi qua đó và giữ nguyên vẹn một tinh thần tự cam kết với mình, rằng sẽ sống với sự thật, sống với lẽ phải, sống và đứng về con người và không phục vụ cho bất kỳ một loại thế lực đen tối nào.

Những người trẻ đó luôn mang trong mình niềm hy vọng vào sự đổi thay tốt đẹp. Và họ cũng trao tặng niềm hy vọng cho chúng ta, hôm nay.

Tuesday, October 29, 2019

Mỗi người một ước mơ


Đi cùng với sự hình thành nền văn minh nhân loại, là những giấc mơ. Những ước mơ riêng của mỗi con người đã tạo nên một thế giới đầy khát vọng và kỳ diệu của loài homo sapiens, so với các loài khác cùng tồn tại trên hành tinh. Lịch sử đã ghi lại rằng, đôi khi chỉ cần một ước mơ của Gandhi hay của Luther King, thế giới phải chuyển mình.
Và cũng có vô số những giấc mơ nhỏ bé và giản đơn, dù thành công hay thất bại, nhưng đã góp phần tạo dựng nên một hình dạng độc đáo khác thường của giống loài duy nhất trên địa cầu – loài động vật có khả năng ngôn ngữ và mơ ước.
Ai biết được những người Việt tử nạn trên chiếc xe thùng đông lạnh, tìm cách vượt biên giới vào Anh đã ôm ấp những ước mơ gì. Mỗi số phận là một câu chuyện. Và những câu chuyện đó phác thảo hình ảnh về nơi chốn mà họ đang sống.
Những đoàn người Kurd hôm qua tất tả chạy dạt khỏi vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, phác thảo một số phận dân tộc long đong và cam chịu. Họ không có bạn, chỉ có đồng minh giai đoạn và kẻ thù luân phiên.
Một người tài xế Uber người Armenia kể với tôi về quê hương của anh, và lý do anh lưu lạc đến Úc. Câu chuyện đời và ước mơ ra đi của anh, phác thảo về vùng đất Artsakh tuyệt đẹp cổ xưa, mà nay những người thương buôn quằn mình chịu nạn băng đảng đến từ Nga.
Đi theo dòng người im lặng tràn vào Châu Âu, đặc biệt là vào Anh Quốc, rất nhiều người Việt đã cùng người Trung Quốc, Eritrea, Ethiopia, Sudan, Afghanistan… lẻn vào để làm đủ thứ nghề, từ làm móng tay đến giữ trẻ, quét dọn… và cả trồng cần sa cho các đường dây buôn bán ma túy. Những câu chuyện đó phác thảo một phần của thế giới nghèo đói, bất an, không tương lai đang giẫy giụa, túa ra và chạy về hướng mà họ tin rằng sẽ tìm thấy sự khác biệt.
Những ngày xuất hiện câu chuyện 39 người tử nạn ở Anh Quốc, bất kỳ ai theo dõi cũng nhận ra dư luận người Việt chuyển động dữ dội. Một vài ngày đầu, sự kinh hoàng và thương cảm xuất hiện, rồi sau đó xuất hiện sự chỉ trích và miệt thị đầy chủ đích nhằm định hướng dư luận, kéo theo sự đồng ý của không ít người. Mục đích có thể là xô ngã mọi sự thương tâm, nhằm đánh lạc hướng việc xã hội đang nghĩ đến lý do vì sao nhiều thanh niên ở Hà Tĩnh, Nghệ An phải ra đi, vốn là nơi đời sống khó khăn, và nay lại càng khó khăn hơn kể từ khi Formosa xả độc ra biển, hủy diệt việc mưu sinh của hàng triệu người.
Ai có quyền đánh giá ước mơ hay phẩm giá của những người trẻ đó? Ai có quyền gọi họ là liều lĩnh hay ngu xuẩn vì không chấp nhận hiện tại? Nếu giả sử chẳng may trong lịch sử, chiếc tàu buôn Latouche-Tréville chở anh thanh niên Văn Ba bị đắm ngoài khơi năm 1911, hôm nay, tên gọi về Nguyễn Tất Thành là gì, nhất là khi anh ta không chịu yên phận và chấp nhận cuộc đời một thầy giáo dạy chữ Hán ở trường Dục Thanh của Hội Liên Thành?
Dù là vô danh, nhưng chắc những thanh niên Việt qua đời trên chiếc xe thùng đông lạnh cũng đã ôm ấp những ước mơ thầm kín của họ. Dù có là nhỏ bé hay nghèo hèn, nhưng đó là lựa chọn và sự chấp nhận đánh đổi trong khả năng của họ. Họ không đổ lỗi nơi chốn của họ, không căm ghét hay phỉ báng quê hương mình, cho dù nơi đó, có thể là những ngày tháng họ sống mòn, với những đầy đủ quẩn quanh vô vị… Nếu họ muốn ra đi để thay đổi cuộc đời nghèo khó, điều đó đã đau xót. Nhưng họ đủ sống như vẫn muốn ra đi, điều đó lại càng đau xót hơn, đáng chất vấn hơn, đặc biệt số lượng người ra đi và muốn ra đi gấp nhiều lần 39 người từ nạn, suốt nhiều năm qua.
“Đừng đổ lỗi cho chế độ” – những luận điệu hoảng hốt, chối bỏ đang vang lên từ nhiều hướng, dù các nạn nhân hay gia đình của họ vẫn còn chưa nói đến điều này. Ngay những dòng tin nhắn cuối cùng, cô gái trẻ nạn nhân chỉ nói xin lỗi mẹ mình. Những bia mộ chưa được dựng, người ta đã nghe thấy tiếng phủi tay. Tương tự như sau năm 1975, hàng triệu người miền Nam Việt Nam ra đi, họ cũng đã bị chối bỏ trước khi họ kịp lên tiếng nói về chế độ. Trong sách Bên Thắng Cuộc của tác giả Huy Đức, có ghi “ngày 20-7-1979, Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc triệu tập một hội nghị về thuyền nhân Việt Nam tại Geneva với sáu mươi quốc gia tham dự. Tại hội nghị, Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Nguyễn Cơ Thạch, nói “thuyền nhân” chỉ là “những phần tử bất mãn của chế độ cũ, những kẻ có nợ máu với nhân dân, những thành phần đĩ điếm, trốn tránh lao động”.
Trên đất nước được quảng cáo đầy những chỉ số hạnh phúc, 45 năm sau ngày thống nhất địa lý, con người vẫn cứ ra đi. Mỗi người vẫn bí mật mang một ước mơ của mình. Quan chức thì thực hiện giấc mơ cho con cái của mình định cư, tạo tài sản ở nước ngoài. Những người giàu thì mua quốc tịch, chờ một chuyến ra đi, hoặc đi du lịch rồi trốn ở lại. Người quyền thế thì nhẹ nhàng đi cùng chuyên cơ quốc gia để nhập cư lậu. Còn những con người nghèo khó thì chọn lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, nộp đơn bán sức lao động hoặc chọn hành trình bí mật để với tới ước mơ.
Giờ đây, đất nước tôi, rộn rịp những ước mơ mang hình giai cấp.

Friday, October 18, 2019

Từ biệt một người biết liêm sỉ




Từ biệt ông Hà Văn Thịnh, giảng viên đại học ở Huế. Ông vừa mới qua đời ngày 17/10, vào lúc được 64 tuổi.
Ông Thịnh là người tôi chỉ biết, không quen, nhưng lại kính trọng và nhớ, từ câu chuyện liên quan đến Đức Giám Mục Ngô Quang Kiệt.
Ông là người tham gia viết bài trên báo chí nhà nước và có lúc nổi bật trên dư luận với bài viết tấn công dữ dội Đức Giám Mục Ngô Quang Kiệt, sau khi nhận được cuốn băng video cắt ghép đầy chủ ý những lời phát biểu của ngài.
Lúc đó, năm 2008, Đức Giám Mục Ngô Quang Kiệt phát biểu rằng ngài cảm thấy buồn và nhục nhã khi ra nước ngoài, cầm hộ chiếu Việt Nam Nam và hiểu rõ vị thế của đất nước mình thông qua cách nhìn của nhân viên hải quan các nước.
Thế nhưng qua bàn tay phù phép nào đó, lời phát biểu này đã bị cắt ghép trở thành một tuyên bố phỉ báng con người và đất nước Việt Nam và chuyển đến cho ông Hà Văn Thịnh.
Sau đó, ông Thịnh đã có bài viết tấn công dữ dội với những lời lẽ nặng nề nhắm vào Đức Giám Mục Ngô Quang Kiệt.
Giải thích về hành động của mình, ông Hà Văn Thịnh có viết trong bức thư ngỏ của mình rằng “qua đây, cũng xin nói cho rõ ‘vụ’ này. Hồi ấy, tôi là cộng tác viên thường xuyên của báo Lao Động. Viết với đam mê và trách nhiệm thực sự của nghĩ suy là mình luôn bảo vệ cái đúng, chống lại những điều sai (ấu trĩ, ngây ngô, ngu dốt...; để cho độc giả và quý vị xa gần phán xét, mặc nhiên tôi không phàn nàn hay khiếu nại). Một lần, tôi nhận được điện thoại của ông Tô Quang Phán, Phó TBT (nay là Tổng BT Hà Nội Mới), nói rằng Tổng GM Ngô Quang Kiệt tuyên bố cầm hộ chiếu Việt Nam thấy nhục nhã, hãy viết ngay một bài bình luận về sự kiện trên....
Nhận được lệnh, với thông tin 8 chữ, tôi viết liền cho kịp bài báo để mai đăng, sau khi đã đọc lại toàn bộ Kinh Thánh. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu nổi, vì sao chỉ sau có mấy tiếng đồng hồ, vừa đọc Kinh Thánh lại vừa viết ra được bài báo tổng hòa và tận cùng của nỗi đau, sự xấu hổ mà không hề có một thoáng mảy may băn khoăn về chuyện đúng, sai? Xem ra, sự đui dốt, thỏa thê khó tìm thấy giới hạn”.
Suốt quá trình đó, Đức Giám Mục Ngô Quang Kiệt đều im lặng. Ông đón nhận sự tấn công vào mình, ở mọi phía, với sự nhẫn nại đáng kính trọng.
Nhưng rồi, một thời gian sau, khi ông Thịnh tìm thấy được toàn vẹn lời phát biểu của Đức giám mục Ngô Quang Kiệt, ở vị trí là một trí thức và một người có liêm sỉ, ông đã công khai viết thư ngỏ, nhận mình đã sai, và cầu xin sự tha thứ của của Đức giám mục Ngô Quang Kiệt.
Lá thư có đoạn như sau: “Tôi đã như một kẻ đui mù thách đấu với Tổng GM Ngô Quang Kiệt chỉ bằng cái sinh tử lệnh có 8 chữ, tức là bằng đúng một nửa của 16 chữ vàng cắt dán! Lỗi lầm và đau xót đang được đo bằng sự ê chề. Tôi chỉ còn biết sùng kính ngước nhìn lên và nói tới hai chữ: Cầu Xin!”
Ông cũng đã nhận được cái chìa tay thương mến từ Đức Giám Mục sau đó.
Ngay lập tức, nhiều bài viết của phía nhà nước cũng bắt đầu xuất hiện, tấn công và gọi ông là kẻ phản bội.
Câu chuyện của ông Hà Văn Thịnh, nó xứng đáng như là một bài học giáo khoa về con người và thế sự trên đất nước Việt Nam.
Nó chứng minh rằng con người là một sinh vật luôn bị lợi dụng bởi các loại chủ nghĩa, và luôn trở thành nạn nhân của chính mình trong thời đại kẻ ác có đủ các loại mặt nạ chính nghĩa.
Hôm nay khi nhắc đến ông, Hà Văn Thịnh, với những cuộc tấn công điên cuồng vào một con người đáng kính, thì nay dường như đã rơi vào quên lãng. Người ta chỉ nhớ đến ông với chân dung hiếm hoi và tiêu biểu của một trí thức biết đau vì bị lừa dối, biết cất tiếng để dựng lại sự thật, bất chấp đánh đổi vị trí của mình mình đang được tung hô.
Chỉ có đủ liêm sỉ và sự cao quý trong tâm hồn thì ta người mới có thể công khai quỳ xuống, từ bỏ bóng tối mà mình đã mang vác để đối diện với ánh sáng.
Hà Văn Thịnh xứng đáng nhận được sự thương mến và kính trọng của những người nhớ đến ông. Đặc biệt giữa thời đại đầy những kẻ khoác áo trí thức, tử tế mà giả nhân giả nghĩa.




Wednesday, October 9, 2019

Nhớ về nhà thơ Du Tử Lê




Nếu nhớ về một Du Tử Lê tài hoa trong chữ nghĩa, trong thi ca, ắt đã có nhiều người viết. Hôm nay có lại viết cũng thừa. Nhưng nói về Du Tử Lê đã sống thế nào trong cái yêu ghét của người Việt, cái đó có lẽ ít người viết. Đặc biệt là yêu ghét đã nổi gió kể từ khi ông về lại Việt Nam sau nhiều năm tỵ nạn.
Nhưng thật ra, không chỉ riêng Du Tử Lê, văn nghệ sĩ nào của người Việt miền Nam Việt Nam tự do từng rời khỏi nước sau tháng 4/1975, khi quay lại quê nhà, đều là những người đi ngược gió.
Năm 2005, nhạc sĩ Phạm Duy về Việt Nam sinh sống. Đó là một cơn bão chứ không là gió. Những kẻ chống ông quay về, từ trong nước có cả kẻ thù và có cả người quen. Những người giận dữ đặt tên ông là phản bội, là cơ hội… thì ở chung quanh nơi ông sống. Là Midway city, nơi mà ông chỉ ký dưới thư tay bằng tiếng Việt – thị trấn giữa đàng – khi gửi cho tôi, thời chưa có internet. Vào những ngày ông đau yếu ở quận 10, Việt Nam, tôi đến thăm và hỏi rằng “Bác thấy hài lòng khi về sống ở VN chứ?”. Ông lắc đầu cười khẽ, nói “câu trả lời chính xác, là tôi hài lòng được chết nơi quê hương của mình”.
Năm 2012, khi ca sĩ Khánh Ly lần đầu được Hà Nội cho phép vào nước. Bà đã đi xuyên qua những lời miệt thị, phỉ báng đến rợn người để về lại Sài Gòn. Khi tôi hỏi rằng bà quay về với suy nghĩ gì. Bà đã cười và hỏi ngược lại tôi “Khi em chạy về quê nhà của mình, em nghĩ gì?”.
Từ 2014, Du Tử Lê đã có những chuyến đi về Việt Nam, đến năm 2016 thì người ta thấy ông xuất hiện trong những buổi ra mắt sách in ở Việt Nam. Dĩ nhiên, ông cũng bị tấn công không ngớt, bị gọi là thằng hèn, kẻ hám danh… Trong một lần ngồi café với ông ở Garden Grove, thành phố nơi ông sống, tôi thấy ông đột nhiên trầm ngâm rồi cười như một mình, nói với tôi “Nếu giờ này, anh và em ngồi ở một quán café nào đó Sài Gòn thì hay biết mấy nhỉ”. Đuôi mắt ông nheo nheo, ẩn trong nụ cười là một nỗi buồn vô hạn.
Điều đó, tôi hiểu. Không chỉ văn nghệ sĩ mà bất kỳ con người nào bị buộc phải rời khỏi quê hương trong bất toại, đều là những vệt ám ảnh trong ký ức. Đau đớn hay hạnh phúc, họ đều muốn được tận hưởng với hơi thở quê nhà. Họ cần hít hà nguồn cội đó, hít hà để nhớ và để chết. Hít hà như những kẻ nghiện nơi chốn của mình.
Những ngày đi xa, ngồi trên máy bay về Việt Nam có lẫn nhiều người đã tha hương rất lâu, có trẻ, có già… tôi chứng kiến khi chiếc máy bay sà xuống, khi những khối nhà và con đường hiện lên, nhiều người đã xúc động kêu lên “tới rồi, tới Sài Gòn rồi…”. Những cái đầu vói nhìn qua cửa sổ, những lời bàn về chỗ sắp đến của họ râm ran khắp các ghế. Quê hương như một liều doping mầu nhiệm, trong phút chốc mọi người phấn chấn và tạm quên vì sao họ bị bứt khỏi nơi này, tạm quên nơi họ đến, là nơi những người cộng sản cầm quyền chứ không như ngày xưa ấy.
Cũng vì vậy mà trong lịch sử, mọi chế độ độc tài đều muốn cầm giữ quê hương và dân tộc như một loại con tin để mặc cả với tương lai, để hành hạ con người, tra tấn sự yêu thương.
Từ những điều đơn giản đó, mà tôi cảm nhận được nhiều hơn với chuyện quay về. Du Tử Lê từng bị gọi là ham tiền, hám danh… khi quay lại Việt Nam, nhưng thật ra, tôi tin là ông, cũng như Phạm Duy hay Khánh Ly, tìm thấy nhiều điều khác hơn, sâu thẳm hơn so với những lời kết tội đó. Mỗi người có một lý do của mình, và họ có quyền im lặng, quyền chọn vào sự phán xét cuối cùng ở tương lai chứ không bởi một cá nhân hay một cộng đồng nào.
Trong giai đoạn còn khỏe, Du Tử Lê hay gặp vài thân hữu khép kín vào buổi sáng. Ngày chẳn thì ở một quán café tại Westminster, ngày lẻ thì ở một quán Bún bò Huế tại Garden Grove. Các câu chuyện về văn chương và cuộc đời với nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ, nhà báo Vương Trùng Dương, nhà báo Ngọc Hoài Phương… vẫn thời sự nhưng rồi, bao giờ đề tài Việt Nam và quá khứ luôn là chính. Có những lúc nhìn họ, tôi tự hỏi vì sao họ có thể nói về Việt Nam và một thời mãi không chán. Họ như những đứa trẻ đầy ký ức luôn cười khúc khích và sôi nổi tranh nhau khi kể về.
Rồi tôi cũng chợt nhìn thấy trong những văn nghệ sĩ Việt bị gọi là lưu vong đó, một cách giải thích khác trong chuyện quay về. Với họ, quê hương là mẹ, là mãi mãi với cuộc đời của họ. Chế độ chỉ là giai đoạn. Và nếu người mẹ bị cầm giữ, thì dù phải luồn lách thế nào, họ cũng chấp nhận để được chạm vào, để được nhìn thấy.
Trong một lần nhà thơ Du Tử Lê lấy xe đưa tôi về, trên đường đi bất thần tôi hỏi “anh có nhận biết ngoài những người yêu mến anh, còn rất nhiều người ghét bỏ anh không?”. Ông sựng lại ít giây, rồi mặt rất nghiêm “anh biết chứ. Anh đã không làm vừa lòng rất nhiều người. Không có nghĩa là anh đã đúng và tử tế hoàn toàn đâu Nhưng anh thấy mình vui vì không chối bỏ, và thật sự biết vì sao mình làm như vậy”.
Có rất nhiều điều trong đời, không cần người phải biết, nhưng riêng mình biết, trời biết. Khi chiếc xe của ông đi khuất, đứng lại trên con đường vắng với gió nhẹ mùa hè, tôi thấy mình thấu hiểu hơn, dung nhận rõ nỗi cô đơn của người-trong-cộng-đồng- người.
Và hôm nay, khi nghe tin nhà thơ Du Tử Lê qua đời, tôi tin có không ít đồng loại cúa mình, cũng đang mỉm cười và cô đơn đến cuối cùng.
Em đã nói giúp suy nghĩ của anh rồi đó. Hẹn gặp lại anh, Du Tử Lê.
------------------
TB: Tấm ảnh tôi “rình” chụp ông tại quán café thường ngày, khi đưa ra, ông bật cười và nói “anh nhìn bụi đời dữ vậy Khanh”.

Friday, October 4, 2019

Chút kỷ niệm chưa kể về nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm

Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm là một tác giả có nhiều tác phẩm nổi tiếng rất sớm trong sự nghiệp của mình. Sống kín đáo và khiêm tốn nên công chúng hay nhầm tác phẩm của anh với người khác, chẳng hạn bài Tháng Sáu trời mưa (Thơ Nguyên Sa) luôn bị đề sai tác giả là Ngô Thụy Miên. Các bài khác như Trả lại thoáng mây bay, Lời tình buồn, Vực thẳm tình yêu... cũng hay bị lầm tác giả.

Thậm chí, trang youtube của anh, có gần 10 triệu views, thỉnh thoảng cũng bị công ty này xóa bài, cảnh cáo... vì vi phạm bản quyền của... nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm, mặc dù trên video anh vừa đàn vừa hát bài chính chủ.

Nhạc sỹ Hoàng Thanh Tâm sống tại Úc Đại Lợi từ hơn 30 năm, nhưng cũng nhiều người lầm rằng anh sống ở Mỹ hoặc Việt Nam.

Những năm 80, sống trong lòng một Việt Nam nghèo khó, bất định, u tối bởi bị cấm vận từ nhiều nước trên thế giới, bài hát Tháng Sáu trời mưa của nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm vang lên đứt đoạn trên làn sóng phát thanh của VOA là một ký ức khó quên của tôi. Bài hát ấy phát đến vài lần nhưng tôi không lần nào kịp thu lại, buồn ngẩn ngơ, tiếc như thoáng thấy một làn da xuân thì ngà ngọc bước qua, mà không biết khi nào mới có dịp gặp lại.

Bài hát ấy như giọt mưa mát đêm tối trời, giữa đô thị tối đen ngày không điện khiến một thằng bé cảm nhận điều gì đó kỳ lạ về tự do, về cái đẹp giữa giai đoạn mà nó vẫn thấy các nhóm thanh niên mới và  công an ập vào nhà, lục tung, đem sách-vở-nhạc tiếng Pháp, Anh, Việt... mang đi hoặc đốt trước cửa gia chủ.

Âm nhạc vây quanh tôi bấy giờ là gì? Là những bài hát ca ngợi anh bộ đội, ca ngợi một cuộc tiến công hoàn thành mà nhiều người miền Nam run rẩy khi lắng nghe. Âm nhạc lúc bây giờ không có gương mặt thật của con người mà chỉ có hiệu lệnh và sự kiêu ngạo của kẻ tất thắng.

Nói như vậy để biết rằng âm thanh của những bài hát như Tháng Sáu trời mưa đã tác động như thế nào với những đứa trẻ, như tôi, vào giai đoạn ấy. Nếu không có có ngôn ngữ tình yêu và sự cao đẹp của văn chương, có thể tôi cũng là một đứa bé lớn lên chỉ biết nghe hiệu lệnh và kiêu ngạo ngu xuẩn.

Khi tôi kể cho nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm nghe cảm giác của mình khi ấy, anh vừa ngạc nhiên, vừa không ngạc nhiên, vì bởi hơn 30 năm xa Việt Nam, anh chưa bao giờ thôi dõi nhìn về.

Và có thể sự sâu sát về thời sự Việt Nam của anh trên fb, khiến công chúng cũng không ít người nghĩ rằng anh ở đâu đó trong Việt Nam, và rất... già yếu.

Và cả hóm hỉnh nữa. Một buổi sáng gặp anh, tôi được anh bắt tay và hỏi rất nghiêm nghị "Y dược của em hôm nay thế nào?". Tôi ngẩn người "Em có học hành gì y dược đâu?".
Anh cười rất hóm "là sức khỏe đó, không phải trong nước đang định đổi tên y dược thành sức khỏe sao?"

Đừng ngạc nhiên, nếu một ngày nào đó, tôi gặp bạn và cũng mở lời "hôm nay y dược thế nào?". Nụ cười bạn có, sẽ nhắc nhớ về một nhân vật thú vị tên Hoàng Thanh Tâm, nhạc sĩ.