Saturday, November 20, 2021

Trò chuyện với “Thánh rắc hành”, trước giờ nhận giấy triệu tập lần 3

Người chủ quán bún bò có tên Ba Cô Gái ở Đà Nẵng không bao giờ tin nổi mình có một đoạn đời kỳ lạ như hôm nay. Anh nói giờ thì không chỉ phải phục vụ số lượng khách đông bất ngờ so với hàng ngày, mà còn phải làm việc với công an về những giấy triệu tập mà anh hoàn toàn không biết mình có vai trò gì trong cuộc điều tra như thông báo.

Dân ở Đà Nẵng bàn tán, và nhắn cho nhau số 21/1 đường Ông Ích Khiêm, nơi có quán Bún Bò Huế lừng danh một cách bất đắc dĩ này để xem mặt ông chủ Bùi Tuấn Lâm, hay còn gọi là Peter Lâm Bùi – cách gọi của bạn bè anh. Nói với báo Saigon Nhỏ, anh Lâm nói sau một vài ngày khi câu chuyện của anh lan rộng trên mạng, khách đến ăn đột nhiên tăng bất ngờ.

“Ngày thường thì đến trưa mới hết hàng, rồi tôi cùng gia đình dọn dẹp, nhưng vài ngày sau sự kiện ‘rắc hành’ của tôi, khách đến rất đông. Mọi người rất thân thiện và chào tôi như quen từ trước, có những người lại vỗ vai tôi, nói cố lên. Có người nói sẽ luôn ủng hộ tôi với tình trạng hiện nay. Bối rối hơn, lại còn có những người đến xin chụp ảnh chung và nói rất vui được biết mình, làm mình bối rối lắm”, anh Lâm Bùi cười và nói.

Anh Lâm, được những người hài hước trên mạng Facebook, gọi là “Thánh rắc hành”, do anh có lối phục vụ thực khách vui nhộn, qua việc nhại lại động tác của tay đầu bếp nổi tiếng người Thổ Nhĩ Kỳ Nusret Gökçe khi rắc muối lên món thịt bò đắt tiền mà cả thế giới đều biết. Anh Lâm rắc hành, như một động tác cuối cùng để mang tô bún đến thực khách và chúc ăn ngon. Anh Lâm không chỉ làm một lần, mà nhiều lần như vậy trong ngày, bao gồm cả khi anh gửi tặng những phần ăn miễn phí cho người nghèo đến tìm anh. Quán Bún Bò Huế Ba Cô Gái được biết mỗi ngày đều tặng cho những người nghèo, người già trong vùng quá bước, trong chương trình của gia đình anh tạo ra, gọi là “Chủ nhật yêu thương”.

“Có những ngày khó khăn, tôi gửi đến 50-70 phần nhưng vẫn không xuể”, anh Lâm kể. Quán của “Thánh rắc hành” bán buôn như vậy thì không thể làm giàu. Nhưng gia đình anh Lâm vui với điều đó. Vợ anh, chị Thanh Lâm và ba đứa con gái nhỏ đều tự hào và vui với những gì mà gia đình mình sống và cho đi như vậy. Họ giàu có theo một cách khác.

Trước năm 2021, anh Lâm mở quán gà rán để độ nhật, thế nhưng dịch bệnh bùng phát, sau một thời gian dài quay lại, anh Lâm khai trương món Bún Bò Huế, và câu chuyện của anh lại nổi trôi theo chuyện “Thánh rắc muối” Nusret Gökçe, biệt danh là Salt Bae. Ngày 5 Tháng Mười Một, một đoạn video được tung ra, mà theo đó, giới thạo tin cho biết đó là các vị lãnh đạo cao cấp của công an Việt Nam đến thưởng thức món bò đắt đỏ thuộc hàng nhất thế giới. Tờ Daily Mail giật tít “Vietnamese communist official is caught being ‘hand-fed £1,450 gold-covered steak at Salt Bae’s London restaurant” – tạm dịch “Quan chức cộng sản Việt Nam bị bắt quả tang được đút thịt bò dát vàng giá 1450 bảng ở quán của Salt Bae tại London”.

Gần như khắp thế giới đều đưa tin. Dư luận trên mạng của Việt Nam rộn ràng những phân tích từ một phía, nói rằng đó là video cắt ghép của thế lực thù địch với nhà nước Việt Nam và với bản thân Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, nhân vật chính trong video. Thế nhưng, tiếc là khoảng 1000 tờ báo, truyền hình của nhà nước lại hoàn toàn im lặng, không nói gì, khiến dư luận lại ngày càng nhiều hơn, với đủ các kiểu bình luận.

Năm ngày sau khi anh Lâm giới thiệu video “rắc hành” của mình, với mục đích vui nhộn và giúp tăng thêm khách đến ăn, anh nhận được giấy triệu tập lên làm việc với công an.

Trên trang Facebook mình, anh Lâm cùng vợ có ghi lại cảnh trao đổi với hai người công an, mà về sau sự căng thẳng ngày càng tăng. Anh Lâm chỉ yêu cầu là giấy triệu tập cần có đủ nội dung rõ ràng, để anh biết anh là kẻ tình nghi phạm tội, hay là đến với tư cách nhân chứng giúp đỡ thêm cho một cuộc điều tra. Thế nhưng công an từ chối, nói là họ không thể tiết lộ bí mật của công việc. “Cơ quan công an cần phải nói rõ là tôi đang bị triệu tập cụ thể về chuyện gì, việc triệu tập một công dân mà chỉ nói chung chung là “phục vụ công tác điều tra” thì không được. Tôi không chống đối gì hết nhưng một cơ quan pháp luật cần thể hiện việc thượng tôn pháp luật”, anh Lâm nói, “tôi cũng tham khảo với nhiều luật sư bạn, tất cả mọi người đều nói rằng công an làm chưa đúng. Luật sư dặn việc đòi hỏi là đúng quyền của mình trong luật pháp quy định, còn phần họ có bất chấp hay không thì mình không thể đoán”.

Trên thực tế, anh Lâm biết bản video “rắc hành” của anh bùng lên, ngẫu nhiên trong lúc này, chỉ khiến công an khó chịu thêm về cái cách từ chối lệnh triệu tập của anh, chứ thật ra, chuyện còn nhiều nguyên nhân được đồn đoán khác.

Rất nhiều người biết đến cái tên Peter Lâm Bùi vào giai đoạn đầu những năm 2010-2015 trong các phong trào phản đối Trung Quốc xâm lược và giết hại ngư dân. Đặc biệt năm 2014, khi Bắc Kinh đặt giàn khoan lớn HD981 trên biển Đông, lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Peter Lâm Bùi là một cái tên xuất hiện trên nhiều tin tức về người yêu nước Việt Nam xuống đường, kêu gọi bảo vệ chủ quyền đất nước. Sau đó, anh Lâm lập gia đình và chuyển sang hoạt động từ thiện.

Tin cho hay, một trong những nhánh điều tra từ công an Hà Nội về chị Nguyễn Thúy Hạnh là muốn tìm hiểu về Peter Lâm Bùi, xem có phải anh từng nhận chuyển tiền giúp cho ai, từ quỹ 50K của chị Nguyễn Thúy Hạnh. Chị Hạnh, người sáng lập “Quỹ 50K”, và là người vận động phúng điếu cho cụ Lê Đình Kình, người bị sát hại ở làng Đồng Tâm về một vụ tranh chấp đất đai. Chị Hạnh vẫn bị giam giữ để điều tra ở Hà Nội từ đầu Tháng Tư 2021, mà theo ngôn luận nhà nước từng phát đi trên truyền hình là chị Nguyễn Thúy Hạnh “tài trợ cho khủng bố”.

“Với tôi, chị Nguyễn Thúy Hạnh là một người đáng kính trọng. Những việc làm của chị ấy không có gì sai cả. Và giả như lúc này tôi nhận được nguồn tiền từ quỹ của chị Hạnh để nhờ gửi, giúp đỡ cho những ai đang khó khăn thì tôi cũng sẽ không từ chối. Việc làm đó không có gì gọi là sai với pháp luật cả” – anh Peter Lâm Bùi nói.

“Theo luật pháp Việt Nam, khi nhận được giấy triệu tập lần thứ ba thì cơ quan an ninh đã có quyền cưỡng chế, tức bắt mình mang đi. Tôi cũng không rõ trong giấy triệu tập lần thứ ba này, công an có ghi rõ là muốn làm việc với tôi về việc gì hay không. Tuy nhiên một khi họ đã quyết cưỡng chế, bắt đi thì tôi không thể đòi hỏi gì được lúc đó”. Anh Lâm nói.

“Tôi thấy mình không có gì để lo ngại, và chờ đón sự việc sẽ đến, dẫu ra sao. Chỉ xin tất cả anh chị em đã biết tôi, xin hãy dành chút thời gian chia sẻ với vợ con tôi, nếu tôi không còn được tự do”, anh Lâm ngừng một chút, rồi nói nhanh như vậy.

Lúc này, số người quan tâm đến trường hợp của anh Peter Lâm Bùi có vẻ nhiều hơn mức bình thường. Quán bún của anh chỉ tạm nghỉ hai ngày 19 và 20 Tháng Mười Một nhưng dân mạng lập tức nhắn với nhau rằng không hiểu vì sao quán của anh lại đóng cửa. “Tôi cảm thấy mệt mỏi nên tạm nghỉ hai ngày, rồi sẽ bán lại, không có gì đâu”, anh Lâm giải thích khi có thực khách nhắn hỏi với vẻ lo lắng.

Ở Việt Nam, lâu nay, những người từng xuống đường chống Trung Quốc hoặc tham gia các hoạt động xã hội dân sự luôn kể về các kinh nghiệm, cho biết rằng cuộc đời của họ thường không bình yên sau khi đã hành động với lẽ phải và sự thật.  Công an địa phương thường phục lẫn không thường phục thường xuyên quấy rầy những người như vậy. Có những người đã chọn cuộc sống im lặng, để chăm sóc gia đình nhưng họ vẫn không nhận được sự đối đãi đúng mức như đối với một công dân bình thường. Việc chứng nhận giấy tờ, xin cho con đi học, thuê nhà… luôn luôn gặp trở ngại với những ánh mắt xem họ như là một “thế lực thù địch”.

Câu chuyện của anh Peter Lâm Bùi có vẻ tiềm ẩn những rắc rối, nhiều hơn hình ảnh vui vẻ “Thánh rắc hành” mà mọi người đang nghĩ. Đôi khi chọn sống đúng với luật pháp và lương tâm, cũng chưa hẳn là cách tốt nhất để tồn tại ở Việt Nam, như anh Lâm cùng gia đình tin và hy vọng.

Thursday, November 11, 2021

Chuyện của những người giàu "mới", Việt Nam hôm nay


Hồi Tháng Mười Một 2021, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc VietJet Air, bỗng nổi như cồn, về chuyện móc túi tặng cho một phân viện của Đại học Oxford 155 triệu bảng Anh. Chuyện của bà đã tạo ra nhiều hiệu ứng rất thú vị trong xã hội Việt Nam.

Dễ thấy nhất là nhiều cây viết phục vụ cho các chính sách nhà nước, hay mơn trớn giới nhà giàu xã hội chủ nghĩa, lập tức lên giọng bảo vệ cho sự kiện này. Một trong các ngôn luận nổi cộm là kiểu phê phán thói xấu người Việt, rằng không hiểu sao đám đông vẫn hay “ghét” người giàu vô cớ, ganh tị hoặc không công bằng với người làm ra của cải hôm nay. Dĩ nhiên, đọc là hiểu những ngôn từ đó nhằm bênh vực, che chắn cho một lớp đại gia hôm nay – trong đó có không ít người bỗng vụt lên giàu có như huyền thoại, không có lời giải. Loại huyền thoại dễ bắt gặp của một tầng lớp “thắng cuộc” sau 1975. Nói nôm na là không khác mấy chuyện Alibaba một ngày chợt nhìn thấy cửa hang châu báu rồi nghiễm nhiên trở thành ông chủ, bà chủ.

Thật ra, không ai tự dưng dòm ngó gì bà Thảo hay giới nhà giàu cả. Chuyện bà bỏ một số tiền khổng lồ để nâng đỡ cho việc xây dựng chất xám của nước Anh, và cả cho giá trị cá nhân mình – là quyền và chọn lựa riêng. Bất chấp những lời đồn thổi về nguồn gốc của số tiền ấy, trong khi giới kinh doanh bàn tán rằng vào tháng trước, VietJet của bà khai lỗ và kêu khó với nhà nước là hãng bay này đang “thiếu hụt khoảng 10,000 tỉ đồng để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh”.

Không thể phủ nhận rằng hôm nay Việt Nam có rất nhiều người giàu có. Đã qua các thời Việt kiều từ mọi phương trời về quê, xòe ra nắm ngoại tệ khiến ai cũng xanh mắt. Giờ thì thế hệ mới từ trong nước bay ra ngoại quốc mua cả một siêu thị, mua năm ba căn hộ một lúc bằng tiền mặt là chuyện bình thường. Dân làm lụng đầu tắt mặt tối, đóng thuế sôi mồ hôi cho chính phủ tư bản ngẩn người hỏi nhau “vì sao họ nhiều tiền vậy? Họ làm cách làm mà giàu vậy?”.

Việt Nam là một quốc gia chứa nhiều bí ẩn mang màu sắc dị thường. Từ chuyện những bà mẹ, vợ của những người bị đẩy vào trại học tập cải tạo làm sao để nuôi lớn những đứa con nheo nhóc của mình, làm sao có thể giữ gia đình tồn tại được ở miền Nam sau năm 1975, trong thời kỳ dò xét và khắc nghiệt ngăn sông cấm chợ qua từng ngày; cho đến một ngày lại đột nhiên thấy lớp nhà giàu “mới” nổi lên ở khắp nơi, cất giọng huyênh hoang dạy dỗ trên cả truyền hình, báo chí. Những người giàu nhất được xuýt xoa mô tả và đôi khi khoác thêm chiếc áo yêu nước – nhưng không chắc có mấy ai trong số đó có một hồi ký chân thật về đời và cách làm giàu của mình.

Và khi những người giàu “mới” xuất hiện nhiều hơn, họ không kiềm chế nổi sự xa hoa hay sự thèm muốn chứng minh đẳng cấp nhất định của mình, thì cũng sản sinh ra một lớp người ve vuốt và bảo vệ cho giai cấp ấy. Hơn 30 năm trước, ở miền Bắc cũng như miền Nam, khi được hô là “nhà giàu” thì không ít người tái mặt. Giờ thì khác, hợp thức hóa đời sống giàu có là một nhu cầu bức thiết trong đời sống chính trị của giai cấp cách mạng vô sản cầm quyền.

Ở nhiều khu định cư của người Việt Nam trên thế giới, người ta vẫn hay giật mình chứng kiến sự xuất hiện của lớp người mới ấy, còn có thêm con cái, tài sản dịch chuyển… “Toàn là người bên Việt Nam mới qua”, lưu dân người Việt vẫn nói khẽ với nhau. Nhưng điều lạ, đó không là người Việt mà chúng ta thấy mỗi ngày trên các trang báo, truyền hình từ trong nước: Những người cơ cực không thể ngẩng đầu, những người bị bỏ tù vì lên tiếng trước những điều trái khoáy, hay gần nhất, là những đoàn người tháo chạy về quê giữa đại dịch trong niềm tuyệt vọng.

Thỉnh thoảng, ở giữa cuộc trà nước vỉa hè cũng có những cuộc tranh luận về nguồn gốc của người Việt giàu có thượng lưu của đất nước hôm nay. Dĩ nhiên, có những người cả đời gầy dựng và tạo nên của cải đáng tự hào, làm nên những giá trị có thật. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp khác, mà sự bùng phát phồn thịnh của họ – hay gia đình họ – có thể làm chung quanh ngỡ ngàng. Trên báo chí, thỉnh thoảng có người tự tiết lộ, giải thích rằng họ đã qua một thời gian dài buôn chổi đót hay làm men giá đỗ, trồng cây cảnh… nhưng nói gì thì nói, tầng lớp đó tạo ra sự hào nhoáng nhất định về một Việt Nam, và cũng tạo ra những hố thẳm về sự cách biệt giai tầng của cả Việt Nam.

Không chỉ người Việt nhìn nhau và thắc mắc. Nhìn vào Trung Quốc, nhiều người nước ngoài cũng tò mò khôn xiết. Trên tờ Financial Review, với bài viết có tên “Người giàu Trung Quốc: Họ lấy tiền ở đâu ra vậy?” (China’s rich: where do they get their money?), nhà báo nữ Sul-Lin Tan đặt một câu hỏi thảng thốt về quê hương của mình, nơi có một mô hình phát triển và cộng đồng “khá giả” bất ngờ mà cô nhìn thấy. Một trong những biểu hiện của cộng đồng khá giả đó là họ luôn mang căn bệnh cố phô ra hình ảnh giai cấp của họ. Nếu để ý, bạn cũng thấy người Việt Nam lâu nay cũng có một tầng lớp thích giới thiệu mình như vậy với đủ các chiều đạo đức giả lẫn biểu lộ trơ trẽn. Sâu thẳm trong việc trình bày sự giàu có của mình, có không ít những vị đại gia muốn được chính danh trong đời sống, chứ không cần e dè che đậy như nhiều năm trước. Dường như thời đã tới rồi.

Tháng Sáu năm nay, trên tờ SCMP, trong bài Indonesia targets its crazy rich Asians with 35 per cent income tax in bid to heal coronavirus-hit economy”, tác giả cho biết rằng, chính phủ Indonesia đang dò tìm để xem những “kẻ giàu điên cuồng” – giàu không giải thích được là như thế nào để đánh thuế thu nhập lên 35%. Nghe tin không khỏi mỉm cười: Indonesia, đất nước căm ghét cộng sản đến tận xương tủy, nhưng hành động không khác gì lý thuyết tinh thần cộng sản cao quý đã mất ở Châu Á. Indonesia gọi những kẻ đó là giàu điên cuồng (crazy rich). Loại giàu mà ở nước Mỹ vào thập niên 1950-1960 chỉ có bọn băng đảng, buôn lậu và tham nhũng cấu kết với chính quyền mới có thể tạo được cơ ngơi.

“Tiền của họ từ đâu mà có?”, nhà báo Sul-Lin Tan nhận được lời đáp từ một nhà đầu tư Trung Quốc giấu tên, rằng “Tiền? Mọi thứ đến từ những người làm quần quật ngày đêm ở Trung Quốc”. Bộ phim Crazy Rich Asians phát hành năm 2018 là một lời giải thích nhỏ. Mặc dù bộ phim mượn bối cảnh ở Singapore chứ không phải Trung Quốc, nhưng câu chuyện thì đầy gợi ý. Rõ ràng có nhiều loại của cải ở châu Á, nhất là ở các nước độc tài cộng sản mà nhiều người ở phương Tây không thể nào hiểu được. “Tôi từng chứng kiến ​​nhiều người phương Tây há hốc mồm, trong một buổi bán biệt thự đắt tiền hoặc một bữa tiệc châu Á ngập tràn Prada và trứng cá muối. Nhưng nên nhớ, phía sau những điều đó vẫn là vô số người nghèo của đất nước họ” – bà Sul-Lin Tan nói.

Trong một nhận định của Aidan Foster Carter, chuyên gia về xã hội học và nghiên cứu Bắc Hàn hiện đại vào năm 2013, ông mô tả rằng chế độ cộng sản này dựng nên một mô hình kiểu mẫu mà Trung Quốc lẫn các nước cộng sản khác đều âm thầm học theo. Đó là hình thái đảng toàn trị và chỉ có giai cấp khá giả ăn theo đảng, còn lại tất cả – là nhân dân cần lao. Đó là một bộ máy nô lệ kiểu mẫu nuôi sống và duy trì chế độ. Giả như một đại nạn tới, chính quyền Bắc Hàn kêu cứu, điều đó không có nghĩa họ yêu nhân dân mà thật ra chỉ là sợ mất hay hao hụt tần suất duy trì chế độ từ nhân dân – lực lượng nô lệ.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy sự ích kỷ và tự mãn của một giai cấp khá giả lộ diện ở các nước độc tài – cộng sản, thỉnh thoảng bộc lộ qua lời ủng hộ nhiệt thành các chính sách của nhà nước, hay tuyên bố vung vít về hiện trạng xã hội như một triết gia. Nhưng nhiều người trong số họ luôn thầm kín ôm ấp những khát vọng xây dựng những thành trì khác của cuộc đời bên ngoài quê hương mình như một loại bảo hiểm hưởng thụ bí mật.

Bạn hãy ngồi xuống, tự ngẫm nghĩ xem mình đã bắt gặp những điều này ở đâu. trong đời mình?

 


Saturday, November 6, 2021

Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng bị công an triệu tập lần 4


Bà Võ Xuân Loan, người đại diện của Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng cho biết là bà đã nhận giấy mời triệu tập lần thứ 4 (ngày 8-11-2021) của công an quận Gò Vấp. Theo nội dung ghi, thì để điều tra làm rõ vụ án hình sự “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người, phát hiện ngày 26-5”. Tuy nhiên, bà Võ Xuân Loan đã từ chối tiếp nhận cuộc gặp. Có vẻ như phía công an quận Gò Vấp vẫn ráo riết muốn tìm một hình ảnh nào đó, nhằm giải thích chuyện dịch bệnh đã diễn ra sau đợt nghỉ lễ rầm rộ 30-4 và 1-5-2021. 

Từ Gò Vấp, Sài Gòn, bà Võ Xuân Loan đã dành ít phút để tâm tình về câu chuyện “lây lan” này.

Như đã biết, chúng tôi bị nhiễm Covid vào cuối tháng 5, thì vào ngày 29-5 đã có lệnh khởi tố được công bố trên tất cả báo chí – nhưng chúng tôi lại không nhận được văn bản nào rằng Hội thánh chúng tôi bị điều tra ra và khởi tố hình sự. Chuyện này ảnh hưởng đến Cả Hội Thánh và cộng đồng dân Chúa khắp nơi. Có  khoảng 23 người có giấy triệu tập để điều tra, có người bị triệu tập một lần, có người hai lần. Riêng tôi, thì đến nay đã 4 lần.’

Thưa, cô có thể nói qua về nội dung của các cuộc thẩm vấn đó, thực chất họ muốn xác định điều gì?

Phía công an muốn tìm hiểu xem là là ngày 29-4, tôi về từ Hà Nội có nhiễm bệnh chưa. Nhưng điều đáng nói là vào thời gian đó, Hà Nội không có bất kỳ cảnh báo nào về ổ dịch hay phát dịch cả. Qua đến 30-4 và 1-5 thì cả nước cùng nhau hội hè vui chơi. Công an hỏi tôi là sao về thành phố mà không khai báo y tế, nhưng rõ là chuyện khai báo, tôi đã làm ngoài phi trường như mọi người – cả hai phi trường đi và đến.

Sau đó, họ xoáy vào chuyện tôi có giữ 5K trong sinh hoạt tôn giáo hay không. Họ tới tận nhà tôi để lấy thước đo xem mọi người có đủ khoảng cách hay không. Tôi phát khẩu trang cho mọi tín hữu nhưng không thể kiểm soát hết lúc nào có người bỏ ra hay không. Riêng tôi khi giảng, thì không đeo, do đã giữ khoảng cách.

Phần Hội thánh, thì những gì chính phủ ban hành về số người sinh hoạt tín ngưỡng, chúng tôi tuân thủ. Nhưng khi tôi đang nằm bệnh viện, rất nhiều bài báo lại viết rằng tôi không chịu tuân thủ các nguyên tắc chống dịch. Nhưng họ chưa hề gặp tôi, chưa hề gặp các tín hữu của tôi cũng như chưa từng đến Hội thánh, vậy sao họ có kết luận chắc chắn như vậy? Tôi đọc và vô cùng ngạc nhiên về các mô tả “như thật” của họ. Lúc đó, tôi khao khát được gặp một nhà báo chân chính để được nói, tiếng nói của người trong cuộc.

Có chuyện này, hôm nay tôi mới kể, là lúc tôi đang mong mỏi được gặp một nhà báo nào đó gặp tôi, để nghe tôi kể lại cho đúng chuyện của người trong cuộc, thì có một phóng viên trong nước gọi tôi ngay khi tôi đang ở Bv Nhiệt Đới và hỏi lại những điều mà toàn bộ truyền thông nhà nước bên ngoài đang nói về tôi. Tôi rất mừng  và kể lại hết mọi thứ. Phóng viên ấy sau khi nghe hết chuyện, nói rằng sẽ viết lại sự thật này và gửi cho tôi xem lại trước khi đăng.

Thế nhưng chỉ vài ngày sau, người phóng viên ấy đã gọi lại cho tôi với lời xin lỗi, ngại ngùng nói rằng bài viết cải chính ấy không được phép đăng. Tôi cũng buồn nhưng thông cảm, và cũng từ lúc đó, tôi đã hiểu là tôi và Hội thánh đang ở trong tình huống như thế nào !

Tôi thấy mình lạc lõng giữa các lời kết tội, và sự giận dữ đổ lên chúng tôi. Chưa bao giờ tôi mong mỏi về sự công chính trong truyền thông như hiện nay.

Bà Võ Xuân Loan (bìa trái), cùng các tín hữu trong một đợt thiện nguyện 2020

Về các trường hợp lây nhiễm được gọi là lừng danh ở Việt Nam trong đại dịch, chẳng hạn như năm 2020, đã có nữ bệnh nhân (thường dân) số 17 lây nhiễm khiến cả Hà Nội phải giãn cách. Rồi bệnh nhân số 21, được biết là ông Nguyễn Quang Thuấn, phó chủ tịch Hội Đồng Lý Luận Trung Ương đã đi khắp nơi, được báo chí xác định là lây nhiễm cho hàng trăm người. Nhưng rõ là họ được xem là bệnh nhân và được tránh né gọi tên, và còn có báo chí viết như tạo thông cảm. Về phần mình, đối chiếu với những điều đó, cô có suy nghĩ gì?

Tôi chỉ nói là cảm thấy buồn. Với tư cách là một người giảng đạo , tôi có thể bước qua những đau thương vì Chúa cũng đã từng bị như vậy.  Nhưng là con người thì cũng bàng hoàng khi sau một đêm, chúng tôi thấy mình bị treo lên giữa chợ với những sự tấn công khó hiểu. Tất cả mọi bệnh nhân COVID-19 trước chúng tôi, đều được gọi bằng số, nhưng đến chúng tôi thì được chỉ rõ bằng tên, bằng hình ảnh, địa chỉ nhà, số điện thoại và cuộc đời riêng.

Những ngày trên giường bệnh, tôi nghe nhiều người gọi vào thóa mạ, phỉ báng. Thậm chí đòi giết. Dĩ nhiên, đó là bất công. Những trường hợp mà anh nêu, chúng tôi cũng biết nên càng thấu hiểu sự bất công và hoàn cảnh mà mình “được chọn” cho câu chuyện đại dịch này. Chúng tôi xin sự tha thứ của Chúa cho những ai gây bách hại cho  chúng tôi. Những bài học về oan khiên, chúng tôi đã được học từ Chúa. Và chúng tôi chỉ là những con người bình thường không có khả năng kháng cự. Nếu như chúng tôi cũng bị đưa đi, bị phán xử thì noi gương Chúa, chúng tôi sẽ trở nên như “ chiên bị đưa đến hàng làm thịt “ ( Esai 53:7)

Nhưng về phương diện công dân, sống trong một đất nước có luật pháp, thì điều làm chúng tôi lo lắng rằng chuyện trái ngang như vậy đến với chúng tôi, thì bất kỳ ai trong xã hội cũng đều có thể là nạn nhân cả.

Nhưng có những ý kiến nói rằng có vẻ như thư xin lỗi của cô đưa ra giữa sự kiện ồn ào đó, làm đậm thêm suy nghĩ là cô và các tín hữu đã chịu tội là tác nhân lây nhiễm?

Dạ, với tư cách là một người sống với văn hóa của miền Nam Việt Nam từ lâu đời, tôi muốn nói rõ là lời nói xin lỗi của người miền Nam, mang ý nghĩa bao hàm : Ý thức được về bối cảnh phiền hà và xin lỗi, nhưng cũng mang một ý khác là khi nói vậy, không hẳn người ta có lỗi, chắc chắn anh cũng biết điều này. Xin lỗi là một cách trọng thị với người đối diện, chung quanh về những ồn ào làm xáo động đời sống, mà có tên mình trong đó. Tôi  xin lỗi vì những phiền nhiễu đó ảnh hưởng đến rất nhiều người Việt thương yêu của chúng tôi.

Trong các lần thẩm vấn, phía công an đã nói gì về chuyện các ngày lễ 30-4, rồi 1-5 đã chen chúc hàng triệu người vui chơi, kế đến là đợt bầu cử 23-5, làm căn cước công dân thâu đêm suốt sáng… mà không có sự giãn cách nào?

(Cười) anh nghĩ rằng chúng tôi nói được sao? Chồng tôi cũng nói về những điều này nhưng họ chỉ im lặng nghe như cho có. Khi chồng tôi nói xong, họ lập tức quay lại các câu hỏi đặt sẳn của họ để buộc chúng tôi trả lời, mà theo tôi nhận thấy thì mọi thứ chỉ tập trung khép dần chúng tôi về một tội danh.

Về phía bảo vệ lợi ích của mình trước luật pháp, cô và Hội thánh đã chọn được người đại diện pháp lý cho mình chưa?

Chúng tôi không tin nhiều vào kết quả tốt đẹp, đặc biệt khi nhìn lại các tình huống được đẩy lên kỳ lạ như vậy, nhưng luật sư vẫn là người đồng hành cần thiết để nhắc về những yếu tố luật pháp mà chúng tôi không rành rẽ. Hiện nay, chúng tôi đã mời luật sư Đặng Đình Mạnh và Luật sư Nguyễn Thị Hà Thanh để đại diện cho chúng tôi. Tôi đã sống qua 46 năm với nhiều diễn biến mà báo chí nhà nước đã đưa tin về các vụ án, các phiên tòa… nên lúc này, có thể nói là tôi luôn chuẩn bị cho mình một tư thế sẵn sàng trước các tình huống xấu nhất. ‘

Điều muốn nói của cô là gì? Lúc này?

Nếu chúng tôi thật sự là người có tội, chúng tôi không ngại nhìn nhận vì đơn giản là chúng tôi sống với đức tin của mình và không thể nói dối. Nhưng nếu chúng tôi không có tội mà vẫn bị áp đặt tội, thì tôi thật sự ái ngại cho rất nhiều Hội Thánh Tư gia giống như chúng tôi, nhỏ hơn hoặc lớn hơn sẽ phải gặp khó khăn trong tương lai!

Riêng chúng tôi sẽ tiếp tục sống với Đức tin chịu khổ giống như Chúa. Chuyện còn lại, xin để cho lịch sử phán xét.

Xin cám ơn cô Võ Xuân Loan.

 

Tuesday, November 2, 2021

Nghe tiếng ca cô Út, nhớ thương cải lương miền Nam

 


Nhớ về một giọng ca đi vào lịch sử cải lương miền Nam. Khi những ngôi sao lóe sáng trên bầu trời, mới biết chúng ta đang ở thăm thẳm đêm đen như thế nào của cải lương hôm nay. Kỷ niệm 5 năm ngày mất của bà, nghệ sĩ Út Bạch Lan (2016 - 2021).

Người trong xóm kể rằng đám tang của cô Út không quá rình rang, vì con cháu trọng ý của cô - một người quen cuộc sống nhẹ nhàng, sống bằng tấm lòng chứ không sống bằng hư danh.

Từ lúc nằm bệnh, cô Út đã dặn con cháu rằng cô không cần mộ phần trọng vọng, thiêu và rải tro xuống sông. “Đất dành cho người còn sống”, cô nói. Rồi cô dặn cũng không cần phải làm đám giỗ chi cho phiền. Nhớ nhau để một chén cơm, vái đôi câu đã là có lòng vui hưởng.

Cuộc đời một danh ca lừng lẫy Sài Gòn lục tỉnh, tên tuổi có lúc làm sốt ruột khách hâm mộ ở tận trời Tây, vậy mà cô Út mới thanh bạch và an nhiên làm sao. Giới cải lương hay nhắc chuyện cô được khuyên làm đơn để xin danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, nhưng cô Út nói thôi. Không phải ai cũng hiểu được cô Út. Là một Phật tử, cô Út tin rằng mang một danh phận, cũng không khác gì mang thêm một nghiệp mới nơi trần gian mà cô Út thấy mình đã được rất nhiều.

Trong một vài cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi về chuyện này, cô Út cười thiệt thà mà nói: “Chuyện Nhà nước muốn tặng danh hiệu cũng là một vinh dự, nhưng Út thì chỉ thấy thêm nữa cũng không làm gì. Lúc mình lên sân khấu, thấy người ta vỗ tay, hết bài, khán giả người ta lên ôm mình, khóc với mình, rồi hun mình... ôi vậy là đủ làm Út vui lắm rồi”.

Ngày cô Út thôi hát trên trần gian, chắc cô sẽ còn thương sân khấu, thương khán giả nhiều hơn khi chứng kiến thế hệ nghệ sĩ sau cô rơi nước mắt như mưa. Trong những video tình cờ ghi lại, có một người tựa như khuyết tật và ăn xin trên đường phố, đã để tấm hình của cô tựa vào cột đèn, để mấy cái bánh men, thắp một cây nhang rồi chắp tay vái cô. Khán giả miền Nam, cải lương miền Nam thương cô Út đứt ruột.

Nói đến cải lương, thì Sài Gòn - Gia Định giống như Hollywood của Huê Kỳ, nơi dân đờn ca tài tử, hát bội… đổ về. Rồi cải lương ra đời với sự kết hợp trình diễn điệu bộ theo kiểu Tây phương nhưng giữ nguyên nền nhạc cổ truyền, tạo nên một nét đặc sắc về nghệ thuật và giải trí của người dân miền Nam đầu thế kỷ XIX.

Khởi nguyên, các nhà nghiên cứu đã ghi lại rằng nghệ thuật hát bội, vốn là một trong những món nghệ thuật độc đáo của dân ngũ Quảng miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam, Quảng Ngãi) khi di dân mở cõi vào Nam đã mang theo và khiến không ít giới nhà giàu, quan lại triều đình say mê. Cụ thể như Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt nuôi hẳn một ban hát bội để giải trí. Con của Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi cũng mê hát bội không kém.

Nhưng sau năm 1832, khi Lê Văn Duyệt mất đi, vua Minh Mạng lòng giận vẫn không nguôi chuyện riêng nên cho san bằng mộ, xiềng lại và đúc chữ ghi rằng “Chỗ hoạn quan lộng quyền Lê Văn Duyệt chịu tội chết”. Ba năm sau khi tận diệt Lê Văn Khôi tội làm phản, vua Minh Mạng cấm hẳn hát bội trong một thời gian. Tài tử xao xác trốn đi, tìm nghề khác sinh sống nên hát bội ở miền Nam yếu dần.

Mãi đến năm 1874, khi người Pháp cai trị miền Nam, hát bội mới quay lại. Nhưng lúc đó, việc thưởng thức trở nên phổ biến hơn trong dân chúng, nên chuyện mỗi lần muốn thưởng thức phải mời cả một ban hát, lại quá cầu kỳ hoặc tốn kém dựng rạp, đãi người... vì vậy các gia chủ khi có đám tiệc hay muốn thưởng thức ngắn giờ thì chỉ cần mời ít người đến hát, gọi là “hát chặp”. Thầy đờn, đào kép ngồi hát tại chỗ, không cần tô vẽ mặt rườm rà. Thích đoạn nào hát đoạn đó, không cần lớp lang. Mà dàn nhạc thì thu gọn lại, chỉ còn kìm, cò, tranh, sáo. Ấy là buổi hình thành của nhạc tài tử.

Giai thoại về đời cô Út, kể lại rằng từ lúc mới mười tuổi (khoảng 1945-1946), lang bạt lên Sài Gòn cô Út gặp anh thanh niên Văn Vĩ khiếm thị, nhưng có ngón đờn thần sầu quỷ khốc. Cả hai cùng nhau lang thang xa cảng, Chợ Lớn, Sài Gòn để hát kiếm tiền nuôi gia đình. Khách nghe mới đầu chỉ định giải trí tạm, riết rồi cứ nhích tới gần, nghe rồi đòi nghe nữa... ai cũng lạ lùng hai đứa nhỏ có tuyệt kỹ của ngành đờn hát, thương mà cho tiền, nhờ vậy cô Út và anh Văn Vĩ mới lây lất qua ngày, chờ đến lúc vụt sáng như những ngôi sao lớn trên sân khấu cải lương miền Nam.

Vào thập niên 1950, tên của cô Út lừng danh cùng kép độc Thành Được. Lúc đó, khán giả coi tờ quảng cáo, cũng đý có Út Bạch Lan hay không. Đặc biệt, ngành ghi âm thu đĩa nhựa Việt Nam thời đó, không thể nào thiếu cái tên Út Bạch Lan trong các tuồng định ra mắt. Một trong những dĩa hát gây chấn động thời đó là Thuyền ra cửa biển (hãng dĩa Hồng Hoa), tập hợp toàn danh ca tài tử như Út Trà Ôn, Hoàng Giang, Minh Chí, Thanh Hương. Đặc biệt cô Út (vai Chiêu Trúc Lệ) và Thành Được (vai Diệp Băng Đình) cũng hớp hồn không biết bao nhiêu khán giả.

Có một chi tiết khá độc đáo về chuyện này, là cô Út nổi tiếng trước Thành Được. Nhưng do lỡ thương anh nghệ sĩ này rồi nên khi bà bầu của gánh Kim Chưởng mời ký tái giao kèo, cô Út nài nếu vậy thì phải ký thêm giao kèo với Thành Được. Khi thấy hai người hát ăn ý, mà Thành Được cũng quá xuất sắc, bà bầu gánh Kim Chưởng làm liền. Và đó cũng là lý do mà cả hai xuất hiện đồng diễn trong tuồng Thuyền ra cửa biển.

Lịch sử ghi âm Việt Nam có ghi nhận bản tân nhạc đầu tiên được ghi âm là bài Kiếp hoa (1938) của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên phổ thơ Nguyễn Văn Cổn, người ở Huế. Nhưng thật sự tạo ra một thị trường rộng lớn và thu về vô số tiền bạc, lại là dĩa cải lương miền Nam. Tuồng Thuyền ra cửa biển là một trong những ví dụ, thậm chí thời đó, khán giả đài phát thanh mê mệt, yêu cầu nhiều quá, đến mức đài phải mua bản quyền phát đi phát lại cả năm. Chỉ nhiêu đó, tiền đã không biết bao nhiêu mà kể.

Khán giả miền Nam thời đó chịu móc tiền túi mua dĩa hát lắm. Nhưng đặc biệt là phải dòm coi có tên danh ca như Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thành Được, Hữu Phước... hay không mới mua. Thậm chí, có những tuồng không kịp thu âm, nhưng bài ca thì hay quá khiến dân chung phải đi mua các bản in lời bài ca (hồi xưa gọi là bài ca nhỏ). Lúc này thì người Hoa cũng nhảy vô kinh doanh bài ca nhỏ, vì bán chạy vô cùng mà lại dễ làm. Một bài ca có mấy cắc, ai cũng mua được, mà sẵn có đài phát thanh như quảng cáo giùm, giờ chỉ đem ra chợ khắp mọi miền mà bán thôi.

Thập niên 1970, thời của truyền hình đưa những ngôi sao cải lương truyền hình xuất hiện như Thanh Nga, Mộng Tuyền, Kim Ngọc, Dũng Thanh Lâm... nhưng cũng là thời đánh dấu một giai đoạn sân khấu truyền thống của cải lương miền Nam suy yếu. Chuyện xưa ghi lại rằng vào Tết âm lịch Canh Tuất 1970, đoàn Dạ Lý Hương đang thu tiền ầm ầm, tự nhiên đến suất 8 giờ tối ở rạp Quốc Thanh, lại vắng teo, thu về được có gần 300 ngàn đồng.

Hóa ra trước đó, đoàn nhận lời thu hình tuồng cho truyền hình, được tiền tưởng bở. Ngay giờ đó, truyền hình chiếu đúng tuồng của đoàn Dạ Lý Hương đang diễn. Được coi miễn phí mà lại qua tivi, nên dân chúng chọn ở nhà. Đó là một trong những bài học và cuộc xung đột đầu tiên của truyền hình và sân khấu cải lương miền Nam vậy. Cũng vì thâm hụt, nên sau đó ít lâu, có đến bảy đoàn hát ở Sài Gòn hợp lại, ra quyết nghị là cùng nhau không đụng vô truyền hình để còn sống sót.

Nghe cô Út nỉ non, sầu muộn mà nhớ cải lương miền Nam. Ngành ca hát ra đời - với sự kết hợp lời thoại và điệu bộ diễn xuất của kịch nghệ phương Tây, âm nhạc thì truyền thống và tuồng tích là những drama thượng thừa không thua gì các kịch bản trên thế giới - lúc này dường như những drama lặng lẽ hơn bao giờ hết. Nhất là khi thiếu vắng những tượng đài lớn như cô Út Bạch Lan.

-------------------------------

 * Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ nhà nghiên cứu Ngành Mai, nhà nghiên cứu Nguyễn Tuấn Khanh, tạp chí Nông Cổ Mín Đàm, Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam của Trần Văn Khê.