Sunday, November 25, 2018

Vương quốc bóng đêm


Cảm giác bất lực nhất thời trước nỗi đau của người khác, là một cảm giác ghê sợ và xoáy nhói vào trong suy nghĩ không thôi. Câu chuyện của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức mới đây, về việc ông bị ngộ độc trong nhà tù, là một ví dụ.
Theo lời kể, gia đình của ông Thức choáng váng khi nghe ông mô tả về việc ông có biểu hiện ngộ độc, nhưng được chữa trị sơ sài, thậm chí khi ông Thức muốn áp dụng các biện pháp muốn tự bảo vệ mình như chọn ăn mì gói và đồ đóng kín sẳn, thì cai tù phản ứng lạ thường là nói sẽ không cấp nước sôi.
Điềm tĩnh và thậm chí có phần ngạo nghễ, ông Thức nói lại rằng “vậy thì ăn mì sống cũng được”. 
Dĩ nhiên, đó là bản lĩnh của người trong cuộc, nhưng với người bên ngoài, thì nghe quặn đau. Bởi tự do của một con người bị tước đoạt, giờ lại nghe đâu cuộc sống cũng dần bị cấu xé từng phần, theo kiểu vô luân nhất mà hiện thực Việt Nam được biết.
Lần đầu tiên, từ trại giam Nghệ An ra sân bay, gia đình ông Thức đã viết thư khẩn cho bạn bè, người quen. Ngay trong đêm, khi máy bay chưa cất cánh về Sài Gòn, thư đã đến với từng người. Có nhiều người đã không ngủ được. Những lời nhắn từ các luật sư, bác sĩ, giới truyền thông… liên tục qua lại với nhau trong đêm ấy.
“Sau khi đọc bài hát của ảnh tặng Ba, ảnh nói ngay là cách đây 4 ngày (tức Thứ Ba), lúc 5h15, thức dậy ảnh thấy chao đảo, đo huyết áp rất cao: 150/110, mồ hôi ra rất nhiều, uống nước thì bị ộc ra, ộc ra có lẫn một vài sợi máu tươi. Nằm một lát thì ộc ra rất nhiều mật vàng, mật xanh, chao đảo, nghiêng ngã, quay cuồng. Y tế trại giam cho uống 2 viên thuốc thì ộc ra hết. Họ nói "bị tuần hoàn não".
Đến 7h, huyết áp trở lại bình thường và có thể ăn sáng, ăn cơm bình thường nhưng cả ngày hôm đó mệt lắm. Đếm hôm sau thì trở lại bình thường đến hôm nay.
Anh Thức nói nhờ bác sĩ xem như vậy là bị gì.
Anh Thức dặn tháng sau gia đình đi thăm vào ngày 8/12 nhưng nếu bác sĩ thấy tình hình sức khoẻ của ảnh gấp thì ra thăm ảnh ngày 1/12.
Anh Thức nói bây giờ ảnh cảm thấy không an toàn, không dám ăn cơm trại, chỉ ăn mì gói cầm cự kêu cứu nhân dân, bạn bè quốc tế. Nếu trại không phát nước sôi thì ăn mì sống.
Anh Thức cho biết bây giờ trại giam gây khó khăn cho ảnh rất nhiều, trái ngược hẳn trước đây, họ chỉ cần nói "lãnh đạo quyết định, không cần căn cứ gì hết" để trả lời các phản đối, yêu cầu căn cứ luật của anh Thức.
Họ hạn chế và không cho anh Thức gửi và nhận thư. Họ không cho gửi thư bằng phát chuyển nhanh và nói với anh Thức sắp tới họ sẽ xem xét không cấp nước sôi, không cho sử dụng đèn pin, máy đo huyết áp, máy đo đường huyết. Anh Thức hỏi căn cứ thì họ không trả lời. "Những gì tốt đẹp trước đây đã mất hết rồi, không còn gì nữa", anh Thức nói vậy.
Về thư yêu cầu luật sư Trần Vũ Hải lo cho vụ án của ảnh và đề nghị luật sư vào gặp, anh Thức nói là sẽ làm nhưng bây giờ thư từ nó chậm lắm (trại giam làm chậm duyện hoặc không gửi đi)” (trích)
Có chi tiết đáng chú ý, là khi ông Thức kể về chuyện ông bị ngộ độc, các nhân viên của trại giam để yên cho ông nói, như một cách mượn ông Thức truyền đạt sự kinh sợ cho gia đình. Nhưng khi bàn về các vấn đề luật pháp, và việc pháp lý được giao cho luật sư tìm hiểu thì họ lập tức ngăn cản. Cũng vậy, mọi đơn từ hợp pháp của ông Thức gửi cho các cơ quan công quyền và luật sư đều bị ách tắc, cản trở.
Nhà tù ở Việt Nam lạ lùng như vậy đó. Nó không khác gì kiểu vương quốc của bóng đêm, mọi thứ được điều khiển bằng ý chí của một cá nhân hay một nhóm người nào đó, mà cái ác và sự bất lương được lấy làm căn bản. Luật pháp chỉ là thứ để giới thiệu về cái bóng của sự văn minh, được nhà cầm quyền luôn trình diễn sự rượt đuổi.
Tương tự như bộ phim Monster Inc của trẻ con – về những giống loài chỉ có thể tồn tại và lớn lên bằng năng lượng tạo ra từ sự sợ hãi của kẻ khác - nhà tù Việt Nam cũng thích tạo ra sợ hãi như vậy, không chỉ cho người bị giam giữ, mà còn nhắm đến cả người thân của họ ở bên ngoài.
Chúng ta vẫn nghe chuyện nhà tù Việt Nam ngăn chận không cho tù nhân gặp người nhà trong nhiều tháng, không cho gọi điện thoại về, cho tù thường phạm đe dọa, đánh đập, chuyển trại giam thật xa, heo hút để làm khổ người bên ngoài, khủng bố tinh thần người bị giam, đau bệnh không được chăm sóc đúng mức cần thiết… Những điều đó, ắt phải có mục đích tạo ra cảm giác bất lực và đau đớn cho cả gia đình của người bị giam hãm. Vương quốc bóng đêm ấy không chỉ dành cho người tù, mà nó tạo nên sự thì thầm sợ hãi và đau đớn cho cả một xã hội quen sống với nhân ái và luật pháp.
Nhưng đừng quên, trong đau đớn ấy, con người còn biết nuôi dưỡng cả sự căm giận và sự nhận thức về đổi thay.
Lấy sợ hãi làm nền tảng cho sự tồn tại cho mình, thế kỷ này, đó là suy nghĩ vô cùng ấu trĩ. Hãy chạm vào nhận thức, về một nền văn minh phải đi tới và mọi sự tồn tại của các chế độ đều có giới hạn nhất định, thì bất kỳ ai cũng có thể nhận ra sự ấu trĩ đang sụp đổ trong vương quốc, mà bóng đêm không bao giờ là vĩnh cửu. 

Monday, November 19, 2018

Đánh tù nhân trong nhà giam: Vì sao Lưu Văn Vịnh phải lên tiếng thay cho Nguyễn Văn Đức Độ?


Trong lời tường thuật từ gia đình của các tù nhân lương tâm (TNLT) Lưu Văn Vịnh và Nguyễn Văn Đức Độ thì từ ngày 5/10/2018, sau khi bị 3 tù cùng phòng đánh đập đến mức bất tỉnh, anh Nguyễn Văn Đức Độ vẫn không kể gì cho gia đình. Bị đánh nhiều quá, anh Độ đạp cửa phòng, gọi cán bộ đến can thiệp và xin đổi sang phòng giam khác nhưng vẫn bị từ chối. Anh Độ lại tiếp tục bị đánh đến mức phải đưa đi bệnh xá. Mãi đến ngày 15/11/2018, anh Lưu Văn Vịnh hay chuyện, báo cho gia đình của anh, và nhắn rằng phải lên tiếng cho anh Độ, thì lúc đó mọi người mới biết.
  Tình trạng TNLT bị đánh trong trại giam xảy ra rất nhiều. Nhưng phần lớn các TNLT đều không có những phản ứng tức thì. Chẳng hạn như TNLT Hoàng Bình, anh bị đánh đến bầm hai mắt nhưng không nói gì, ngay cả khi gặp gia đình, đến cả tháng sau gia đình mới biết. Nguyễn Viết Dũng và Nguyễn Văn Hóa cũng vậy, hơn tháng sau gia đình mới được nghe họ kể lại. Thậm chí nhạc sĩ Việt Khang mãi đến khi mãn hạn tù, gia đình mới biết những tháng đầu anh ở trong trại cũng bị vô cớ hành hung. Khang khi bị giam chung với những tù nhân hung dữ và tìm cách gây gỗ, anh đã biết mọi chuyện rồi sẽ rất xấu nên luôn quay mặt vào tường đọc kinh thầm trong suy nghĩ, tránh va chạm. Ấy vậy mà nửa đêm, anh vẫn bị một tù nhân nhảy tới đạp đập đầu vào tường, mũi đầy máu. Tù nhân ấy vừa chửi thề vừa nói Khang đọc kinh làm phiền. Trong chuyến thăm TNLT Trần Thị Nga mới đây ở trại Gia Trung, khi nói chuyện với ông Lương Dân Lý về đơn khiếu nại đang có những lời đe dọa hành hung, thậm chí đòi giết chết chị Trần Thị Nga trong trại, cán bộ quản giáo đã nói rằng không có chuyện để cho tù thường phạm đánh đập hay đe dọa Trần Thị Nga. Nhưng khi ông Lương Dân Lý hỏi lại rằng “Vậy các anh nghĩ rằng Trần Thị Nga có thể tự bịa ra chuyện này sao?”, khi ấy các cán bộ mới im lặng, không nói tiếp nữa. Nhưng vì sao có rất nhiều trường hợp TNLT bị tù thường phạm đánh đập nhưng họ không lên tiếng ngay để tố cáo, mà chỉ kể lại như chuyện đã rồi? Ngoài các trường hợp như TNLT Đỗ Thị Minh Hạnh, Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh… là lên tiếng ngay khi có sự cố, nhưng rất nhiều người thì cho qua. TNLT Hoàng Bình khi kể lại với gia đình, anh nói rằng biết rõ những tù thường phạm này gây hấn và đánh anh, vì có sự xếp đặt của cán bộ. Không phải vì sợ hãi, mà Hoàng Bình không muốn gia đình quá lo lắng, cũng như anh biết qua thời gian, những tù thường phạm này cũng sẽ thay đổi thái độ vì thật sự giữa anh và họ thật sự không có thù oán gì. Nhiều TNLT cũng giống như Hoàng Bình, đều thường im lặng vì không muốn gia đình mình sợ hãi. Và kế đến họ không mang nặng thù hằn, thậm chí còn trở thành người trò chuyện và hướng dẫn cho những người cố tình gây hấn với mình. Thậm chí có trường hợp khi hiểu những tù thường phạm đó cùng quẩn và khó khăn, họ cũng chia sẻ thức ăn, đồ dùng thêm cho những người đó. Trường hợp TNLT Nguyễn Tiến Trung (chịu án từ 2010-2014), khi chứng kiến anh tập võ, các tù thường phạm đến nhờ anh dạy, và cũng từ đó mà họ tiết lộ về những chuyện họ được dặn phải làm, bao gồm chuyện phải đánh “dằn mặt” Trần Vũ Anh Bình, chẳng hạn. Câu chuyện về việc đánh đập, sách nhiễu TNLT Nguyễn Văn Đức Độ, Lưu Văn Vịnh vào tháng 11/2018, qua lời kể của chị Lê Thị Thập, vợ anh Lưu Văn Vịnh, dưới đây là một ví dụ.

Friday, November 9, 2018

Chánh trị sự Hứa Phi: "Chúng tôi cầu nguyện cho những kẻ đã bách hại mình"


Chánh trị sự Hứa Phi, sinh năm 1950, nay đã bước vào tuổi thất thập cổ lai hy. Ông sống ở một vùng heo hút tại Lâm Đồng để giữ lòng với đạo Cao Đài chân truyền và giữ đời với tinh thần của con dân nước Việt. Thế nhưng, những điều đơn giản ấy có vẻ như vẫn không thể đơn giản được trong thời buổi hôm nay. Rất nhiều lần ông bị côn đồ thường phục xông vào nhà đập phá. Bản thân ông nhiều lần bị đánh gãy tay, hôn mê… đến mức phải đi cấp cứu. Công an địa phương thì luôn là người quan sát và im lặng khi sự việc xảy ra.
Mới đây, sau cuộc gặp mặt với Đoàn công tác của Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế, thuộc Cục Dân chủ – Nhân quyền – Lao động, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trở về nhà, Chánh trị sự Hứa Phi ngỡ ngàng nhìn thấy nhà cửa, tài sản của mình bị phóng hỏa, tan hoang. Chuyện tưởng chừng như chỉ có ở một vùng đất man rợ nào đó, ngoài nền văn minh của loài người.
Ông đã dành ít thời gian để nói về sự kiện này.
-------------------
- Được biết nhà ông ở Lâm Đồng bất ngờ bị khủng bố, phóng hỏa, nhiều tài sản bị thiêu rụi trong ngày qua sau khi ông đi gặp phái đoàn về tự do tôn giáo của Hoa Kỳ trở về, xin ông cho biết thêm về tình hình này.

Kính thưa quý vị, tôi là Chánh trị sự Hứa Phi, trưởng ban đại diện khối Nhơn Sanh tức bên đấu tranh cho đạo Cao Đài, cũng là đồng chủ tịch Hội Đồng Liên Tôn Quốc Nội gồm 5 tôn giáo chính thống tại Việt Nam. Mục đích của chúng tôi là đấu tranh cho dân chủ nhân quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tự do tôn giáo.
Thường thì chúng tôi vẫn được các cơ quan quốc tế mời thay mặt cho giới tôn giáo nói chung để họ tìm hiểu về tình hình tự do tôn giáo, sinh hoạt của chúng tôi tại Việt Nam như thế nào. Và lúc nào chúng tôi đi gặp những cơ quan này, cũng gặp sự ngăn cản của công an CSVN. Đơn cử là vào tháng 1/2018, khi đi gặp phái đoàn về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ, tôi cũng bị ngăn cản. Tháng 4/2018, khi Tổng lãnh sự quán của Úc mời gặp thì tôi cũng bị công an chặn đường, đánh tôi trực tiếp ngay tại ngôi nhà mà hôm nay bị cháy.
Sau đó, tôi bị đánh tiếp một lần nữa khi tiếp xúc với phái đoàn của Liên Hiệp Châu Âu, gồm Anh, Ý, Đức, Hà Lan, Pháp ở chùa Giác Hoa, Quận Bình Thạnh, Sài Gòn. Khi quay về tôi bị đánh thừa chết thiếu sống.
Hôm 5/11/2018, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách về tự do tôn giáo, nhân quyền, lao động đến gặp Hội đồng Liên Tôn tại Sài Gòn. Khi được lời mời, tôi đã đi trước từ mùng 2, vì tôi biết lúc nào tôi cũng bị ngăn cản. Ngày 8/11, tôi quay lại nhà, vào thăm vườn cà phê của mình, thì thấy căn nhà trong vườn dành cho công nhân, chứa các máy móc nông cụ đều tan hoang hết. Mọi phòng và vật dụng đều bị cháy hết. May thay, bồn nước ở trên cao bị cháy ống dẫn nên xả nước xuống, vì vậy mà vài thứ vẫn còn lại. Nếu không có bồn nước đó, mọi thứ đã thành tro.
Xin nói thêm là tôi vẫn phải làm việc hàng ngày để duy trì cuộc sống của mình và gia đình cũng phục vụ cho việc sinh hoạt đạo, vì các cơ sở phúc lợi của Cao Đài, chính quyền Cộng sản đã lấy hết rồi.

Nhưng kẻ thủ ác có thể là ai? Ông có thể xác định được không?
Tôi khẳng định rằng, việc này do công an CSVN làm. Vì người nhà của tôi kể lại rằng vào sáng ngày 4/11 vào lúc 10g sáng, có hai anh công an của Lâm Đồng, tên là Thịnh và Minh vào nhà tìm tôi, xem đang ở đâu. Những người này không thấy nên đi ra, 10 phút sau thì họ cho đóng một cái chốt ngay trước của nhà, canh gác 24/24. Họ canh gác một ngày một đêm nhưng không ngăn được tôi, nên họ tức giận và đốt căn nhà trong vườn cà phê của tôi.
Vào năm 2017, khi tôi đi gặp Đại sứ Lưu động Tự do Tôn giáo của Hoa Kỳ, ở nhà cũng đã bị đập phá mọi thứ từ đường dây, ống nước, cơ sở sản xuất, nhà cửa… Năm nay thì họ đốt nhà.
Tôi khẳng định rằng tất cả những chuyện này đều do công an CSVN cho người trá hình, gọi là côn đồ đến phá hoại nhà tôi.

Thưa ông, nếu có lời bàn rằng chuyện khủng bố như vậy, là tư thù cá nhân, chứ không phải là chuyện tự do tín ngưỡng hay riêng đạo Cao Đài, thì ông nghĩ sao?
Tôi bị nhà cầm quyền CSVN ghép vào thành phần gọi là bất đồng chính kiến. Vì tôi là người quyết tranh đấu cho tự do tôn giáo, và điều phải luôn đi kèm theo là dân chủ và nhân quyền, và toàn vẹn lãnh thổ. Hội Đồng Liên Tôn hình thành cũng vì mục đích đó. Vì vậy, mọi thành viên của Hội Đồng Liên Tôn đều nằm trong tầm ngắm của chế độ này. Riêng cá nhân tôi, là người đại diện khối Nhơn Sanh Cao Đài, đối lập với Hội đồng Chưởng quản Cao Đài Quốc doanh, mà tôi thường gọi là Cao Đài Việt Cộng. Tôi là người lên tiếng đòi chính quyền CSVN phải trả lời về việc đã lấy hơn 200 thánh thất và đền thờ Phật Mẫu của chúng tôi. Nói cụ thể, tôi là người đấu tranh cho đạo và cho đời mà chính quyền không thích.

Ông nhận định thế nào về việc hai khối tín ngưỡng tự do là Cao Đài và Hòa Hảo luôn gặp khó khăn gay gắt trong sinh hoạt, từ tập thể đến cá nhân?
Nói chung 5 tôn giáo ở Việt Nam, với các phía giữ quyền tự do tín ngưỡng của mình thì đều bị bách hại hết. Nếu có tôn giáo nào giữ được chân trong Mặt trận Tổ quốc thì người có dè dặt một chút, do nằm trong sự kiểm soát của họ. Riêng Cao Đài và Hòa Hảo là hai tôn giáo hình thành cách đây gần 100 năm thôi, mà hết 70 năm là phải sống dưới chế độ cộng sản rồi, do vậy không thể phát dương rộng rãi. Phật giáo và Công giáo thì lâu đời và có nhiều cơ sở ở nước ngoài, luôn theo dõi và hiệp thông lên tiếng. Đó là tôi nói về phía nhánh gìn giữ quyền tự do tín ngưỡng của mình, và họ luôn bị đàn áp cách này hay cách khác. Nhưng Cao Đài, Hòa Hảo và Tin Lành độc lập thì yếu thế hơn nên bị đàn áp nhiều hơn.

Thưa ông, với những gì đã xảy ra, ông có muốn gửi một lời nhắn nào đó đến những người đang quan tâm đến tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam, và cả với những người đã sách nhiễu ông không?
Chúng tôi luôn đem tình thương là giải pháp hàng đầu. Mong những tin tức này loan đi, tất cả chúng ta với tình thần đạo đức, tinh thần nhơn loại xin hãy cùng nhau vận động cho một nền tự do tôn giáo thật sự, chứ không phải là trá hình hiện nay.
Còn với những kẻ đã bách hại chúng tôi, là người có tín ngưỡng, chúng tôi cầu nguyện cho quyền năng thiêng liêng, xoay chuyển cho những người đã nhúng tay vào điều ác được thức tỉnh.
Trong cuộc đấu tranh cho đời, cho dân chủ nhân quyền, chúng tôi cũng cầu nguyện quyền năng thiêng liêng, mong những người lãnh đạo sáng suốt quay về với dân tộc, để đất nước dân tộc thoát khỏi cảnh chủ nghĩa cộng sản cai trị.
Chúng tôi sẳn lòng tha thứ cho những kẻ đã và đang bách hại chúng tôi, kêu gọi họ hãy sớm thức tỉnh về với dân tộc.

Tuấn Khanh (ghi)

Friday, November 2, 2018

Dẹp chùa An Cư: Mục đích chính chỉ để triệt hạ các cơ sở của Giáo hội Việt Nam Thống Nhất.


Chùa An Cư ở quận Sơn Trà thành Phố Đà Nẳng, có thể là một hình ảnh xót xa nối tiếp của cây chuyện cưỡng chế, đập tan như trường hợp Chùa Liên Trì ở quận 2, Thủ Thiêm, Sài Gòn.
Ngôi Chùa chỉ hơn 300m2 được nhận được lệnh cưỡng chế giải tỏa, mặc dù nhiều yêu cầu đưa ra, trong đó chỉ xin đổi lại một nơi khác để tu tập. Mục đích của Đà Nẳng, hay nói chung là chính sách của Nhà nước vô thần hiện nay tại Việt Nam là triệt hạ các cơ sở tôn giáo độc lập, đặc biệt là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.
Tin cho hay Văn bản cưỡng chế trước đây là từ ngày 24/9/2018, đến ngày cuối là 23/11/2018. Thông báo cưỡng chế chùa lần này là 8 giờ sáng ngày 9/11/2018.
Dưới đây là cuộc trò chuyện với hòa thượng Thích Thiện Phúc, trụ trì chùa An Cư, trước vài ngày Chùa bị cưỡng chế, cùng với sự sách nhiễu và trấn áp nhiều năm nay từ chính quyền.

  • Nhờ Thầy tóm tắt, nói rõ thêm cho mọi người đuợc biết về hoàn cảnh của Chùa An Cư hiện nay.
Từ 2003-2004, người ta đã có ý định giải tỏa co việc xây dựng nhưng thực chất, ý của họ là nhằm triệt hạ các cơ sở của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Trước đây các văn bản họ gửi đến Chùa, đều đề tên đời của Thầy chứ không đề tên đạo. Nhưng rồi bẳng đi một thời gian, do chuyện kinh tế trì trệ thế nào đó nên họ tạm yên mấy năm. Từ 2014 đến nay thì họ làm lại, mở lại chuyện giải tỏa đền bù. Họ định bồi thường là 400 triệu hơn, nhưng Thầy không chịu giải tỏa.
Trong những bức thư trước đây mà Thầy gửi cho Chủ tịch thành phố, phường quận… Thày có nói rõ là Thầy không có nhu cầu chuyển nhượng hay mua bán đất. Nếu Nhà nước muốn giải tỏa thì giao lại một mảnh đất tương đương để Thầy xây Chùa, thậm chí là Thầy tự làm cũng được, dĩ nhiên trong quá trình xây dựng thì đừng gây khó dễ. Cuối cùng Thầy cũng nói là nếu mọi thứ vẫn không thể đồng thuận được thì viêc cưỡng chế cần báo trước 15 ngày để thu dọn phần cá nhân, chứ không đặt ra yêu cầu gì nữa, vì đã yêu cầu và thiện chí đến đó không được thì thôi.

  • Chùa An Cư đã hình thành như thế nào, hiện nay sinh hoạt ra sao? Giấy tờ của Chùa có đủ hợp pháp để Thầy có thể đối thoại với chính quyền Đà Nẳng không?
Ngày xưa Thầy đi tu ở Bình Dương, Sông Bé. Nhưng sau đó thì dành dụm và mua lại đất của ông Nguyễn Văn Tỏ, người ở nơi này. Thầy mua dần 2 lần để mở rộng. Mua từ năm 1993, đến năm 1995 thì cơi cất thành Chùa và tồn tại đến nay.
Ngày xưa thì không có chuyện gì hết, đến khi họ biết được là người của Phật giáo Việt Nam Thống Nhất thì họ đàn áp, tấn công.
Hiện tại Thầy không còn một đệ tử nào ở lại hết. Tín đồ cũng lui hết. Bởi chính quyền họ cô lập, phân hóa… mục đích làm tê liệt toàn bộ, kể cả vấn đề kinh tế.

  • Chính quyền Đà Nẳng nói họ giải tỏa để phát triển đô thị, văn hóa… đã có bao giờ trong đối thoại, Thầy gợi ý với họ rằng gìn giữ và tôn tạo chùa chiền cũng là việc làm văn hóa?
Thầy chưa đặt vấn đề đó với họ, nhưng Thầy có nói rằng nếu cần làm gì tốt cho môi trường thì chúng tôi sẳn sàng ra đi, với điều kiện là phải quyết chỗ để chúng tôi sinh hoạt tín ngưỡng như cũ. Nhưng họ không trả lời. Họ cứ âm thầm làm. Thầy nói rằng nếu cần làm bệnh viện, trường học thì chúng tôi sẳn sàng nhường, chỉ xin một trăm mét đất để chúng tôi tái tạo Chùa nhưng họ cứ nín thinh. Họ không thèm nghe gì cả. Mặc dù bề mặt họ cũng lịch sự “dạ thầy” nhưng trong lòng không phải vậy.

  • Ngay vào lúc này, Chùa còn ai ở với Thầy?
Không có ai dám tới con à. Mà họ xử sự rất tệ. Kể cả những ngày gần đây, đợi Thầy đi khỏi Chùa thì họ cho người tới chụp hình. Mới hôm trước, họ cho người chạy theo vác ná thun bắn đá vào người Thầy.
Hồi năm ngoái, Thầy đi cúng cho người ta, thì lúc về họ cho 2 thanh niên chạy theo bắn đá vào lưng, vào đầu Thầy. Còn ở ngay trong Chùa thì họ cho người nhỏ keo super vào ổ khóa, quăng bả độc giết chó trong Chùa, đường trước Chùa thì họ cho người rải đinh 3 phân khắp nơi để Phật tử không dám đến nữa. Thầy trò lúc nào phải ra quét để tránh tai nạn.
Trước đây có người thì còn lo cho người ta, chứ bây giờ còn một mình Thầy cũng không lo như trước. Tình cảnh Chùa An Cư giờ đây cũng không khác nào Chùa Liên Trì ở Quận 2, Thủ Thiêm thôi con à.
Đà Nẳng chỉ còn 2 Chùa gọi là liên đới với Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, nay phá Chùa An Cư thì giờ chỉ còn lại một, là chùa bên kia do Thầy Thanh Quang quản thì lâu nay già yếu nên không có hoạt động hay làm gì nữa thì chắc không sao.

  • Bị cưỡng chế, Thầy sẽ đi đâu?
Trong lá đơn mà Thầy gửi cho Chủ tịch thành phố Đà Nẳng, chủ tịch quận… thì điều cuối cùng là nếu chính quyền thành phố này quyết tâm giải tỏa thì Thầy sẽ xin tá túc ở đâu đó. Có vài nơi Thầy có thể đi như Huế, Bình Định hay Sài Gòn để tá túc một thời gian. Mình thấp cổ bé miệng thì biết làm gì? (cười)
Ngày xưa Thầy mình bỏ ngai vàng điện ngọc mà đi, thì mình hôm nay có sá chi những lúc như vậy. Có người trách là Thầy không thuận với chính quyền nên gặp chuyện như hôm nay nhưng Thầy không làm chính trị. Nhưng bất kỳ ai thì cũng phải có thái độ về chính trị, lúc cần thì phải nói về đất nước, non sông, tiền đồ của dân tộc chứ không giành quyền lực chi của người ta hết.
Thầy có nới với Phật tử là ngay cả lúc phá chùa, họ đến tống Thầy vào tù thì cũng không sao con à. Phật dạy thế gian vô thường. Chùa họ đến phá đi được thì mình cũng có là chi? (cười)


Tuấn Khanh (ghi)


--------------------------------------
Tham khảo thêm:

TÂM TÌNH CỦA THẦY THÍCH THIỆN PHÚC VỀ VIỆC NHÀ CẦM QUYỀN THU HỒI ĐẤT CHÙA AN CƯ - QUẬN SƠN TRÀ, THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG.
(ngày 1/11/2018)
Tôi tên Huỳnh Văn Côi, Đạo hiệu Thích Thiện Phúc. Hiện trú tại Chùa An Cư, Tổ 171 nay là tổ 80 Phường An Hải Bắc, Quận Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng. Tôi kính trình đến các cấp lãnh đạo kiến nghị về việc thu hồi đất. Giao cho ban quản lý dự án công trình đường Bạch Đằng sử dụng để xây dựng khu dân cư An Cư 4.
Thưa quý ông bà lãnh đạo thuộc các cấp chính quyền. Xét rằng dự án trên không phải là một dự án quan trọng thuộc bộ Quốc phòng hay các dự án có tầm cở của Quốc gia. Mà là một dự án khu dân cư bình thường. Vì vậy, yêu cầu tái định cư tại chổ là điều khả thi. Vì sự an sinh và phát triển của thành phố, vì sự tọa lạc của chùa An Cư chúng tôi, chúng tôi sẻ ra đi nhưng chúng tôi kiến nghị:

THỨ NHẤT:
- Chúng tôi không bán đất Chùa.
- Chúng tôi không nhận tiền đền bù, không nhận đất ở nơi khác.
- Chúng tôi Không chấp nhận đi đến địa phương nơi khác. Hoán đổi đất và tái định cư tại chỗ đường Vương Thừa Vũ cho Chùa một lô đất bằng tổng diện tích đất mà Chùa bị thu hồi là 317,80m2. Làm lại chùa tương đương với diện tích đã được đo đạc như trong bản kiểm định. Sau khi xây dựng xong cấp quyền sở hữu sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất, thì chúng tôi sẽ trao quyền sở hữu sử dụng cũ và tiến hành bàn giao mặt bằng về nơi ở mới.
THỨ HAI:
- Nếu muốn chúng tôi tự định đoạt thì phải cấp lại đất tương đương cũng như trên, sở tài nguyên và sở xây dựng phải cấp giấy quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng để chúng tôi tiến hành làm lại nơi mới, phải bảo đảm thời gian chúng tôi xây dựng lại kẻo tránh những bất trắc có thể xảy ra, đồng thời treo bảng Chùa như cũ. Chúng tôi sẽ bàn giao mặt bằng.
- Trường hợp không giải quyết được, nếu cưỡng chế thì chính quyền thông báo cho tôi biết trước 15 ngày để tôi dàn xếp y phục và dụng cụ cá nhân. Đến ngày cưỡng chế khi chính quyền đến chúng tôi tự đi ra và giao Chùa cho chính quyền định đoạt, cho chúng tôi xem cảnh phá Chùa . Xong chúng tôi đi tìm nơi tá túc.
Kính chúc Quý Ngài Sức Khỏe. Người kiến nghị kính trình.
Tỳ kheo Thích Thiện Phúc