Saturday, June 30, 2018

Facebook và làn sóng bất mãn trên không gian ảo ở Việt Nam


Câu chuyện của nữ sinh Trương Thị Hà có lẽ là một trong những cột mốc đáng nhớ nhất về những ngày tháng mà Facebook trở nên bất thường với những người bất đồng chính kiến hay với những người chỉ muốn chân thành bày tỏ quan điểm của mình.
Hà là sinh viên Luật. Cô tham gia cuộc biểu tình ngày 17/6/2018 với một tấm biểu ngữ và niềm tin trong trắng rằng chính quyền là những người biết lắng nghe. Thế nhưng cô bị bắt lôi vào khu tập trung thẩm vấn và tra tấn ở Tao Đàn, quận 1. Nơi đó cô liên tục bị đánh đập dã man, sỉ nhục và ép nhận một tội trạng mơ hồ bởi những nhân viên khoác áo nhà nước lẫn thường phục nhưng côn đồ. Sau đó, khi ông Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hồ Chí Minh xuất hiện, Hà khóc và lên tiếng cầu cứu, thế nhưng nhân vật này đã từ chối.
Câu chuyện bất nhẫn và chứa đựng nhiều khía cạnh về giá trị của tính người và bộ dạng chung của giới trí thức xã hội chủ nghĩa, đã được Hà kể lại trên Facebook của mình với một nỗi buồn về ý nghĩa thầy trò, nhận được rất nhiều sự chia sẻ. Nhưng bất ngờ sau một thời gian ngắn, bài viết này đã bị ban quản trị Facebook xóa bỏ mà không có một lời giải thích rõ ràng nào.
Đây không phải là lần đầu tiên. Kể từ sau cuộc gặp của bà Monika Bickert, Giám đốc chính sách quản lý toàn cầu của Facebook và Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn vào ngày 26-4-2017 tại Hà Nội, các trường hợp xóa bài, khóa trang, không hiển thị... trên hệ thống Facebook ở Việt Nam dựa trên "vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng" ngày càng nhiều và càng đậm màu sắc chính trị theo kiểu con buôn thỏa hiệp với Đảng cộng sản Việt Nam.
Nhiều nhà hoạt động hay giới ủng hộ tự do ngôn luận nói rằng dù họ phát biểu ôn hòa, và thường chỉ là khuấy động về việc đòi sự minh bạch trong chính sách xã hội, nhưng họ luôn là nạn nhân của các cuộc trừng phạt không lời từ Facebook. Có ý kiến cho rằng sai lầm đó là do các lực lượng cực đoan được nhà nước nuôi dưỡng trên không gian mạng như Hội cờ đỏ, Lực lượng 47, Hội chống phản động... đã tổ chức report đánh phá. Nhưng có vẻ cách giải thích này cũng là một loại bình phong khá thuận tiện cho phía quản trị Facebook, bất chấp bà Monika Bickert hay chính Mark Zuckerberg từng khẳng định công ty Facebook đủ sức hiểu biết và kiểm soát được mọi thứ từ các thuật toán thông minh thể hiện khả năng trí tuệ nhân tạo.
Thế nhưng, ở cột mốc của câu chuyện nữ sinh Trương Thị Hà lại có những tình tiết rất thú vị. Chỉ vài mươi phút sau khi bài viết của cô sinh viên bị hệ thống Facebook im lặng xóa đi, người ta thấy trên các blog của mạng xã hội Minds, bài viết này nhanh chóng được nhân ra và dẫn ngược về các trang Facebook. Lần đầu tiên, sự cấm đoán nội tại của Facebook đã vấp phải một phản ứng mới mẻ của người dùng: Họ không gửi thư xin xỏ việc có lại bài hay thôi khóa trang, mà tức thì lên tiếng đáp trả thái độ độc tài bằng công cụ mới.
Trong vài ngày qua, những người quản lý Minds chắc cũng bất ngờ khi thấy một lượng lớn người dùng từ Việt Nam tràn sang, khiến nơi này trở nên rộn rịp với nhiều câu hỏi. Nhiều nhất là những câu hỏi và đề nghị phiên bản tiếng Việt cho đoàn người exodus từ Facebook. Có một người nước ngoài khi thấy sự bất thường này đã hỏi rằng có chuyện gì ở Việt Nam, một cư dân mới đến đã giải thích rằng Facebook ở Việt Nam trở nên không còn an toàn nữa, và mọi người muốn tìm một nơi cư trú hay diễn đàn mới.
Lúc này, một làn sóng khác thì đang kêu gọi mọi người đừng rời bỏ và hãy tiếp tục dùng Facebook như một công cụ để thể hiện hoạt động bất tuân dân sự với luật an ninh mạng, vốn được coi là thủ thuật vươn xa bộ máy kiểm duyệt hà khắc và độc đoán của những người cộng sản.
Với 50 triệu tài khoản, Facebook đang là một hiện tượng phục sinh của quyền lực thứ tư tại Việt Nam từ khoảng năm 2010. Nó là cuộc cách mạng nhận thức của hàng triệu người Việt từ thành thị đến nông thôn, nhưng đồng thời cũng là nỗi hãi hùng của nhà cầm quyền trong thói quen bịt mắt hay bóp méo những vấn đề mà họ cần thao túng.
Những người rời bỏ Facebook nói rằng họ muốn bày tỏ một thái độ bất mãn với mạng xã hội này, đang mỗi lúc càng chuyên chính tư sản hơn. Có người nói trên trang nhà mới tại Minds rằng họ không muốn bị bán đứng hay bị động trước những âm mưu ập vào mình. Chưa có con số thống kê cụ thể nào về lượng người từ bỏ Facebook sang Minds, nhưng dự đoán rằng sang tháng 1/2019, tức vào thời điểm an ninh mạng được thi hành, sẽ còn nhiều nguời nữa nhập vào dòng exodus thời @ này.
Nhưng bên cạnh đó, nhiều người vẫn khẳng định rằng mình quyết chọn Facebook để làm mặt trận thông tin với nhà cầm quyền, bất chấp những hiểm nguy từ luật an ninh mạng. Thậm chí với những người đã có thêm tài khoản mới ở Minds, vẫn tuyên bố rằng họ mượn công cụ yểm trợ, để tiếp tục thể hiện sự bất mãn của mình với chính quyền, thậm chí với cả sự thỏa hiệp của Facebook ngay trên không gian quen thuộc mà họ đang mỗi lúc có nhiều chứng cứ hơn về sự bất tín.
Nhà cầm quyền Việt Nam có thể chưa tính đến điều này: Luật an ninh mạng nhằm để đe dọa người dùng mạng xã hội Việt Nam, nay đã không làm cho quá nhiều người lo sợ - thậm chí luật này đang được nhiều người gọi nhại đi là luật thú vật - mà ngược lại còn làm khiến làn sóng bất mãn cao hơn cùng với quyết tâm đối đầu với các sai lầm từnhà cầm quyền bằng tự do ngôn luận.
Cũng giống như cách mà nữ sinh Trương Thị Hà bị công an tra tấn và đe dọa, rồi bị từ chối cứu giúp từ người đại diện giới trí thức nhân văn xã hội chủ nghĩa, cô rất buồn nhưng không tuyệt vọng. Bị Facebook khóa bài nhưng Hà nhanh chóng phát lại quan điểm của mình trên Minds một cách mạnh mẽ và cả quyết. Làn sóng bất mãn chỉ khiến người ta mạnh hơn và khơi sức thách thức mọi sự man rợ mà họ đã chứng kiến từ nhà cầm quyền, kể cả sự man rợ đó được gọi bằng cái tên mỹ miều là "luật".

Friday, June 29, 2018

Đặt quê hương vào từng canh bạc



Như một tay chơi chuyên nghiệp, lúc tiến lúc thủ, luật đặc khu sẽ được ai đó tổ chức thông qua nhưng không phải là 99 năm, mà là một số năm nào đó, mục đích là làm hạ nhiệt dư luận.
Ngày 5 tháng 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với gương mặt đầy chân thành, nói với giới phóng viên trong rằng ông đã lắng nghe và đã thấu hiểu tâm ý nhân dân, về làn sóng phản đối dự án đặc khu mà chính ông thốt ra là "khủng khiếp". Thế nhưng có thể ngài thủ tướng nghe lầm, và cũng thấu hiểu lầm. Người dân Việt Nam hoàn toàn không muốn bị đưa vào một gameshow định giá số năm, mà rõ ràng chỉ muốn dứt khoát nói "không" với một dự án đầy hiểm nguy với số phận Việt Nam.
Như một canh bạc không có đường thoái lui, người dân Việt Nam đang chỉ còn tuyệt vọng nhìn mọi thứ đi theo một quy trình "ý đảng" khác biệt với "lòng dân". Bất chấp những thành viên của tổ tư vấn cho chính phủ, cũng như nhiều nhân sĩ, trí thức... hết lời can gián, khuyến nghị cũng như đưa ra nhiều chứng minh cho thấy mọi thứ không giống như chiếc bánh vẽ 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc được tô màu Thẩm Quyến.
Thậm chí, “Một đồng rót vào đặc khu để hút về hàng chục, hàng trăm đồng” theo tuyên bố hùng hồn của bà Kim Ngân, chủ tịch Quốc Hội trong canh bạc đặc khu, cũng làm cho nhiều người chau mày, tự hỏi rằng nếu như những con số ảo giác đó có thật, thì sẽ về đâu trong một đất nước mà ngân sách quốc gia bị quốc tế đánh giá tính minh bạch thấp đến mức chỉ có 15/100 điểm. Tiền làm ra được sẽ chi xài ra sao với tình trạng tham nhũng rút xương tủy nhân dân, chẳng hạn như giá làm được một km đường bộ là đắt nhất hành tinh này.
Không  ai muốn có thêm một canh bạc nữa ở 3 đặc khu, sau khi các canh bạc "chủ trương lớn" như Bauxite Tây Nguyên mà nhân dân cháy túi hơn 3.700 tỷ đồng cũng vấn nạn môi trường đeo đẳng với hàng trăm ngàn người. Canh bạc Formosa mang đại họa cho hàng triệu người ở 4 tỉnh miền Trung và tự nhiên hàng chục năm sau cũng là một ví dụ, trong rất nhiều ví dụ khiến đất nước ngổn ngang.
Thế nhưng các "chủ trương lớn" ấy là những tay chơi không vốn, đặt vào canh bạc may rủi bằng chính vận mạng của quê hương Việt Nam. Những gì diễn ra không lường thấy, những hiểm họa và mất mát ập tới thì đất nước và nhân dân thì hứng chịu, chỉ thấy riêng những tay chơi thì mỗi lúc một lộng lẫy hơn ở các biệt phủ, cao sang hơn ở các căn hộ, tiền của được chuyển ra nước ngoài nhiều hơn, con cái trở thành những công chúa hoàng  tử từ một quê hương oằn mình trong các canh bạc không lối thoát.
Và chắc cũng đến lúc con người Việt Nam nhận ra phía sau tấm màn nhung, chuyện gì đang diễn ra. Trong tiếng ru giấc mơ màng ấy, người ta choàng tỉnh nhận ra đất nước và con người Việt Nam suy hao từ những canh bạc như vậy.
Lịch sử ghi chép rằng người xưa lấy mạng sống của mình ra để đánh cược cho tương lai của tổ quốc. chứ không coi tổ quốc là món để đặt cược.
Nguyễn Thái Học của Quốc Dân Đảng, cùng 12 đồng chí của mình, chọn đặt cược mạng sống của mình để chống Pháp phục quốc. Họ cùng chịu bị chém đầu ngày 16-6-1930 chứ không chịu chấp nhận tổ quốc về tay kẻ khác.
Phan Bội Châu chỉ là một chí sĩ với túi chữ, cũng không ngại đặt đời mình vào canh bạc cho tương lai tự do của tổ quốc, bất chấp người Pháp từng kêu án tử hình (1925). Ngô Đình Diệm ngay khi nhận ra cần phải đứng lên giành quyền cho dân Việt, cũng lập tức từ chức Thượng Thư Bô Lại (1933) để rồi sau đó trở thành người dẫn đầu cho phong trào Cường Để (1944) với ước mơ phục hưng, độc lập cho đất nước.
Những gì của người xưa để lại, chỉ thấy họ sẳn sàng đặt cược cuộc đời của mình cho tổ quốc, bất kể sống thác ra sao. Nhưng hôm nay, nghịch lý là người cầm quyền mang quê hương vào những canh bạc - một vốn bốn lời, nhưng tai ương và khốn cùng thì chỉ thuộc về dân tộc và tổ quốc.

Không có Trung Quốc nào, chỉ có rõ Việt gian



Ngày 6/6/2018 quả là một ngày buồn của bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi ông tuyên bố với báo Tuổi Trẻ về việc dư luận đang nhầm lẫn, vì không có một chữ nào nhắm đến Trung Quốc trong luật về đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Thậm chí ông còn không giấu được giận dữ khi nói rằng đang có một âm mưu chia rẽ Việt Nam - Trung Quốc vào lúc này. "Trong dự thảo Luật không có một chữ nào về Trung Quốc, chỉ có những người cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên, chia rẽ quan hệ ta với Trung Quốc", lời của ông Dũng.
Cái cách thể hiện của ngài bộ trưởng, cũng gần với nội dung là giới phản dư luận, tuyên truyền viên cấp thấp được hướng dẫn, với ngụ ý rằng "đã đọc luật chưa mà phản đối?". Nhưng đây là thời khắc người dân Việt Nam đang đặt ngược câu hỏi với ông Dũng rằng, thật sự ông ta có đọc và biết những gì mình làm không?
Nhân dân không tầm thường như ông Dũng nghĩ. Văn bản Luật cho 3 đơn vị - hành chính kinh tế đặc biệt được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 5/2017 đã nằm trên tay của rất nhiều người Việt Nam. Thậm chí trong buổi chiều ngày 6/6, ngồi sau một người chạy xe ôm đen sạm, tôi là người được anh ta diễn giải không dứt, sau khi mượn câu nói của bộ trưởng Dũng để dò hỏi anh.
Và không khó để người ta nhận ra Bộ kế hoạch đầu tư đã ráo riết cho một chủ đích, bao gồm lấy đặc khu Thẩm Quyến làm điểm mộng cho cuộc viễn du lần này. Họ đặc biệt dành cho Trung Quốc những quyền hạn tối ưu, nhưng tránh đi, chỉ gọi là "nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh" (mục 4, điều 54, luật đặc khu).
Thậm chí trong nhiều mục khác, người dân Việt Nam còn thấy nhiều điều mới lạ ở các đặc khu này như được quyền sản xuất các thiết bị chiến tranh trên bộ, bao gồm chất nổ để hủy diệt, phá sóng thông tin. Ở mục kinh doanh, có cả phần cho phép mua bán các cổ vật và báu vật quốc gia.
Vân Đồn vào Bắc Vân Phong là hai vị trí đặc biệt quan yếu về quân sự với Việt Nam. Đặc biệt với Bắc Vân Phong, đặc khu này là một gạch nối với Hoàng Sa, nơi quần đảo mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm của Việt Nam vào năm 1974, và là bàn đạp để nhìn vào Khánh Hòa. Hoàng Sa giờ đây là một căn cứ quân sự khổng lồ của Bắc Kinh trên biển, nơi chịu trách nhiệm về vô số thảm nạn của ngư dân Việt Nam. Nhân danh hoạt động cho đặc khu, tàu cá và các loại tàu giả trang khác của Trung Quốc trong tương lai có thể hợp pháp tràn vào các vùng biển Việt Nam. Ngư dân Việt vốn khốn cùng, sẽ còn khốn cùng hơn nữa.
Cách nói của ông Dũng trong ngày 6/6 khi bị báo chí đặt câu hỏi, nhanh chóng cho thấy nội bộ giới lãnh đạo, các nhóm cố vấn... của chính quyền đang có những khác biệt dữ dội. Lo sợ cho dự án kinh tế này có thể có thể bị chựng lại hay yếu đi, Dũng đã không ngại khi nói rằng đang có một âm mưu chia rẽ Việt Nam và Trung Quốc. Khi bật ra câu này, chắc là ông Nguyễn Chí Dũng không thể không nghĩ đến những người đang có những ý kiến khác biệt về đặc khu, như luật sư Trương Trọng Nghĩa, Trần Đình Thu, kinh tế gia Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Vũ Thanh Tự Anh... Những người đang nhắc rằng tiền không mua lại được tổ quốc, một khi đã rơi vào bẫy của quyền lực mềm, âm mưu bành trướng và di dân kinh tế từ Trung Quốc.
Người ta đang tự hỏi, trong việc nghiến răng bảo vệ cho mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đó của ông Dũng, đã có bao giờ ông ta lên tiếng cho chuyện 3 lần tổ chức khoan dầu trong lãnh hải, Việt Nam đều bị Trung Quốc đe dọa đến mức phải rút về, thậm chí ngậm đắng nuốt cay dàn xếp bồi thường cho công ty Repsol của Tây Ban Nha.
Những lần chở xác ngư dân, thương phế về ở biển miền Trung do tàu Trung Quốc đâm chìm, bắn giết, cướp, kể cả vì chất nổ thả trôi trên biển, có bao giờ ông Dũng lo cho mối quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và ông rạn nứt vì sự im lặng thỏa hiệp với tội ác của Bắc Kinh?
Đã bao giờ ông Dũng tìm gặp những nông dân Việt Nam khóc đứng khóc ngồi, tuyệt vọng mưu sinh vì các chính sách nhập khẩu ưu đãi cho Trung Quốc, mở cửa cho thương lái hoành hành, biến Việt Nam thành con rối trong trò chơi của một nước giàu có và hiểm độc, Bộ Kế hoạch đầu tư của Dũng có bao giờ một lần nghĩ đến mất mát của người dân Việt, hay chỉ giỏi mơ làm kế hoạch cho ngoại bang?
Sẽ chẳng bao giờ tìm thấy một chữ Trung Quốc nào được tìm thấy trong luật đầu tư kinh tế, cũng như trên báo chí hay lời cửa miệng các quan chức đã thối nát tận tim gan. Vì đúng quy trình, tàu giết dân Việt sẽ là "tàu lạ", "không rõ quốc tịch". Người Trung Quốc thì được dịu dàng gọi là "nước ngoài" hay "ở sát đường biên giới".
Chắc chắn là như vậy, sẽ không có chữ Trung Quốc nào được tìm thấy, nhưng ngược lại từ đó, luôn hiện rõ các bộ mặt Việt gian ô nhục.

Khoảng khắc ấy, được làm người



(Xin Cám ơn những con người thầm lặng tôi thấy hôm nay)

Sau những giờ phút tức giận, thậm chí là tuyệt vọng... có lúc tôi lại cảm thấy vô cùng thú vị về giai đoạn này của nước mình. Một giai đoạn rực rỡ xảo trá của những kẻ cầm quyền, và u uất khủng khiếp của hàng triệu người dân đang nhìn thấy viễn cảnh mình bị cai trị bởi bọn phản bội.
Dưới bề mặt lặng yên của đời sống, là sự sôi sục của từng con người vô danh. Những con người trước đây chỉ vì miếng cơm manh áo, vì gia đình của mình nên luôn im lặng, luôn chấp nhận... nay đã bật lên lời phản đối như một tiếng khóc. Thậm chí, có người viết trên facebook, nhân danh cả gia đình mình để phản đối - tức phần quan trọng nhất mà họ vẫn che chắn, giấu vào trong - giờ cũng đưa ra để minh chứng và bày tỏ một nguyện vọng được làm người.
Làm người - hai tiếng ấy ở đất nước này, bây giờ nghe thật vất vả làm sao. Những người không quen biết mà tôi nhìn thấy, rõ là sau khi cố dành dụm, chắt chiu, chấp nhận mọi thứ để mong được chút an sinh, giờ thì họ đã không còn nhẫn nại nổi, bật lên tiếng kêu cuối cùng là mong được làm người, và là người Việt Nam.
Thật thú vị - làm người - điều mà mấy trăm đại biểu quốc hội chắc cũng không mơ thấy nổi rằng họ có được khả năng ấy, dù vẫn được các chủ nhân ông, chủ nhân bà ve vuốt bộ lông và hàng ngày ám thị, gọi bằng "người".
Trong đêm, một thanh niên tham gia vào các nhóm tuyên truyền phản dư luận nhắn cho tôi như một tự thú đầy hoang mang. Bạn ấy kể là nhóm của bạn ấy được hướng dẫn cách thức phản dư luận như "đọc luật đặc khu chưa", chỉ là "kinh tế và phát triển", bị ảo tưởng về "thuyết âm mưu", coi chừng là "kỳ thị"... Và rất nhiều thứ khác. Nhưng ngay cả người thanh niên bị định hướng suy nghĩ ấy cũng ngơ ngác hỏi "sự thật là sao vậy chú?"
Đó là một câu hỏi khó với tôi, và có lẽ với rất nhiều người khác. Vì cốt lõi của câu hỏi là sự thật, điều mà 90 triệu dân Việt đói khát nó từ nhiều thập niên nay. Một câu hỏi khó bao gồm về mối quan hệ nồng ấm riêng của hai đảng cộng sản, chứ không phải của nhân dân và tổ quốc Việt Nam.
Nhưng chí ít, điều mà mọi người Việt Nam nên thú vị là dù sự thật bị ẩn giấu nơi nào đó, nó vẫn đủ sáng chói để in bóng trên mặt đất, đủ để nhận rõ cuộc sống hôm nay.
Với cách cầm quyền hiện tại, người ta nhận ra loại chủ nghĩa xã hội chư hầu, đã tạo ra đủ một lớp người không ngần ngại để khoe khoang thú tính của mình khi có cơ hội liếm láp vào quyền lực, vì chút lợi trên máng ăn riêng sẳn sàng vặn vẹo lý trí để tung hô điên cuồng và chà đạp quê hương, dân tộc mình. Chương trình "đổi quê hương lấy ghế" đang lan từ quan đến các loại trí thức, con mọn của nhà nước. Thật bỉ cực cho tổ tiên Việt Nam, nhưng âu cũng là chưa lúc nào như lúc này, thú vị vì dễ nhận mặt nhau, dễ gọi tên đúng về giống loài.
Giờ phút như tiếng chuông gióng lên buồn bã về số phận. Tôi cũng như những con người vô danh đang phản đối luật đặc khu nhượng địa 99 năm, chỉ là một đám đông cô thế trước hệ thống cầm quyền cả quyết. Sự cô độc đó, chợt nhắc tôi về bài thơ của Bắc Đảo trong sự kiện Thiên An Môn 1989. Trước lằn ranh của chọn lựa sống còn, ông viết rằng mình vô danh, chỉ có cây bút làm bạn, và rồi cũng để lại, từ biệt mẹ lên đường để chọn, dẫu phải chết, để được làm người.
Làm người đôi khi là cả một chặng đường dài, nhưng đôi khi chỉ là một khoảnh khắc chọn lựa. Tôi cũng đã bỏ lại cây viết của mình, nói từ biệt bình an trong tiếng chuông của số phận, và xin được góp một chỗ đứng cùng các bạn, những người vô danh, cô thế đang lên tiếng về quyền làm người Việt Nam trên quê hương mình. Tôi muốn rơi nước mắt khi nhìn những dòng viết phản đối có khi yếu ớt, có khi kềm chế và có khi đầy tuyệt vọng. Tôi biết, chúng ta cùng muốn được làm người, và phải là một người Việt Nam tự do, dù sợ hãi.
Vì vậy, tôi mang ơn các bạn.