Saturday, April 25, 2020

Người là ai?





Để nhắc về chuyện “người”, cũng nên nhắc qua về chuyện ông Phạm Văn Đồng đi Pháp vào tháng 4 năm 1977, khi được báo chí phỏng vấn về chuyện sau khi vào được miền Nam, chính quyền Bắc Việt đã đưa hàng trăm ngàn người miền Nam đi tù, gọi là “học tập cải tạo”, ông Đồng đã trả lời bằng tiếng Pháp, rằng “chúng tôi gọi đó là những trại phục hồi, một quan niệm cực kỳ nghiêm túc về nhân quyền”.

Ông Đồng mô tả rằng những người được đưa đi “phục hồi” đó là những kẻ “tội ác tày trời”, nhưng không nói rõ là tội ác với ai. Ông so sánh chính thể miền Nam như một chế độ Đức Quốc Xã.

“Những người này, chúng tôi cho họ một cơ hội để trở lại làm người”, ông Đồng trợn mắt, chỉ tay, nhấn mạnh, về những người đang bị giam giữ.

Theo trang Việt Nam Sử Liệu, sau năm 1975, các trại “cho trở lại làm người” ấy đã giam nhốt hàng trăm ngàn sĩ quan , kể cả các viên chức dân sự từng phục vụ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Những người này phải đi học tập cải tạo ở những trại tập trung rất xa gia đình, mà trong một thời gian dài khởi đầu, không ai biết tung tích của họ ở đâu, sau khi bị lừa bằng những cuộc trình diện ngắn hạn, rồi bắt đi. Cho đến nay, người bị học “trở lại làm người”, lâu nhất là 17 năm , được ghi nhận từ hồ sơ H.O (Humanization Organization ) của Bộ Ngoại giao Mỹ .

Cũng đã có rất nhiều người chết trong khi đi “học làm người" như vậy.
Năm 2001 , báo Orange County Register của Mỹ đăng một loạt bài về cuộc đời của những người từng sống trong trại cải tạo ở Việt Nam . Kết quả tìm hiểu của tờ báo từ năm 1975 đến năm 2001 cho biết ước tính một triệu người bị giam giữ mà không có cáo buộc chính thức hay được xét xử và 165.000 người chết. Tài liệu gốc có thể tham khảo ở đây https://bit.ly/3eRDHYP

Theo các nhà phân tích thì việc bị giam giữ dài hạn, và thường bị chuyển từ trại này sang trại khác có dụng ý chia cắt để tù nhân, không liên kết với nhau được và đường dây liên lạc với gia đình thêm khó khăn, tạo mặt bằng nhân tâm của miền Nam suy sụp. Đến năm 1980, Hà Nội xác nhận là còn khoảng 26.000 người bị giam, nhưng giới ngoại giao thì tin rằng con số thật cao hơn nhiều (“Le Livre Noir du Communisme: Crimes, Terreur, Répression do Robert Laffont”, S.A, Paris xuất bản lần đầu năm 1997-Phần IV về Á Châu).

Ông Phạm Văn Đồng (1906-2000) là thành phần Cộng sản phiên bản gốc, đi theo con đường của Hồ Chí Minh từ năm 1925. Năm 1926, ông được đào tạo tại Quảng Châu, Trung Quốc, và cũng là người được lịch sử đảng Cộng Sản Việt Nam ca ngợi là người học trò giỏi của ông Hồ Chí Minh. Ông cũng được đặt bí danh theo họ, kiểu như người Hoa, là đồng chí Tô.

Việc đưa hàng trăm ngàn người miền Nam đi “học trở lại làm người” (có tài liệu cho rằng con số gần 1 triệu người) được biết chủ trương kiểm soát con người và thực địa, dựa theo các Nghị Quyết cũ, số 49-NQTVQH ngày 20-6-1961 và Thông Tư số 121-CP ngày 8-9-1961 để đưa những người Cộng hòa Miền Nam có nguy cơ chống cộng đi “học tập cải tạo”, cũng từ sự cổ vũ của ông Phạm Văn Đồng. Những nghị quyết như vậy, với ông Đồng, cũng đưa rất nhiều người miền Bắc trong các thời kỳ Nhân văn Giai Phẩm, Xét lại chống đảng… đến chỗ lưu đày hay giam hãm.

Cũng nên nhắc về các “trại phục hồi” ấy, một trong những nhân vật tiêu biểu bị đưa đi “học làm lại cách làm người” như ông Đồng nói, là một người kiến tạo môi trường giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa. Hay chính xác hơn, là Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân - Tổng trưởng Văn Hóa - Giáo dục - Thanh niên của Việt Nam Cộng hòa.

Ông là một học sĩ, tốt nghiệp các văn bằng về kinh tế, giáo dục ở Pháp, Anh và Mỹ, rồi ông về nước, bắt đầu phụng sự cho giáo dục tại Việt Nam từ năm 1963. Những gì mà ông để lại cho miền Nam là không kể xiết, bởi mục đích của Giáo sư Nguyễn Duy Xuân là nhằm xây dựng một tương lai mới của Việt Nam, với con người và tri thức tốt nhất để phát triển đất nước, nhất là một mai, khi quê hương thôi chiến tranh.

Cũng nhờ giáo sư Nguyễn Duy Xuân, mà Cần Thơ với hệ thống đại học và ký túc xá, các cơ sở thiết bị phụng sự nghiên cứu, giáo dục tốt nhất, đã thoát khỏi vị trí một miền quê hẻo lánh trở thành Tây Đô, vượt lên cạnh tranh với cả Sài Gòn. Đi xa học hỏi và thành đạt, nhưng ông không quên tìm cách, dựng xây chốn quê nghèo nàn của mình ngày xưa.

Giáo sư Nguyễn Duy Xuân cũng bị coi là thành phần “tội ác tày trời” và phải đi học “trở lại làm người” trong một chế độ lao tù hà khắc. Là một người hoạt động tri thức, chân yếu tay mềm, giáo sư Nguyễn Duy Xuân đã không chịu đựng nổi những ngày tháng sau 1975 ấy. Ngày 10 tháng 11, 1986, ông trút hơi thở cuối cùng tại trại tù Ba sao, Hà Nam vì bệnh tật và suy kiệt. Đến năm 2015, gia đình của ông mới nhận lại được tro cốt, chuyển từ xe lửa từ trại giam Nam Hà về Sài Gòn. Dù gia đình (vợ và hai cô con gái) của giáo sư Nguyễn Duy Xuân nay đã định cư ở Pháp, nhưng phải để lại phần tro bụi của giáo sư tại một ngôi chùa ở quận Bình Thạnh, bởi ước nguyện cuối cùng của giáo sư là sống làm người Việt, thì chết cũng sẽ phải nằm lại trên đất Việt. Nếu có một kiếp sau, ông lại tiếp tục phụng sự cho quê hương mình.

Trong suốt cuộc đời, giáo sư Nguyễn Duy Xuân chưa bao giờ cầm súng bắn ai. Ông cũng chưa bao giờ ký một lệnh nào để làm hại ai hay thiệt hại cho tổ quốc mình. Ông chỉ là một người yêu nước, yêu sự phát triển văn minh và yêu hòa bình. Ấy vậy mà, ông bị coi là “tội ác tày trời” và bị đưa đi “học để có thể trở lại làm người”.
“Người” được định nghĩa thế nào, là ai, theo dòng lịch sử?

Tôi muốn nhắc lại về một con người Việt Nam đáng kính trọng, nhưng có thể lãng quên. Tôi không còn đủ sức để căm ghét hay hận thù, với những thứ diễn ra chung quanh mình từ thời ấu thơ cho đến nay, nên tôi chỉ còn dành sức để tiếc thương, để nhớ và kể về những gì tốt đẹp nhất mà con người Việt Nam đã có.

Và đã bị hủy diệt.



Friday, April 24, 2020

Facebook nhắc khéo điều gì?




Cuộc va chạm giữa nhà cầm quyền Việt Nam và tập đoàn Facebook đã khiến bật ra một số điều thú vị. Theo tin từ Reuters, suốt trong 7 tháng, kể từ cuối năm 2019, phía các nhà mạng của Việt Nam cùng phối hợp gây khó cho Facebook ở Việt Nam, làm cho trang này liên tục trở thành dạng offline, khiến cập nhật và theo dõi rất khó khăn. Dĩ nhiên, đây không thể là một cuộc hợp tác tự phát, mà chắc chắn là phải từ lệnh và chiến dịch phát đi từ ông Nguyễn Mạnh Hùng, hiện là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Chuyện này được xác nhận bởi bà Amy Sawitta Lefevre - Quản lý chính sách truyền thông của Facebook, và bà xác nhận việc Hà Nội có đưa ra cụ thể danh sách các trang và bài cần phải được chận, vốn bị coi là gây khó chịu riêng với nhà cầm quyền, nhưng lại nằm trong quyền tự do ngôn luận của người dân.

Còn nhớ, vào khoảng trung tuần tháng Tư/2020, đột nhiên bản đồ Facebook không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi sự sau đó, được dàn xếp và coi là lỗi kỹ thuật. Ngay sau đó, Facebook chuyền tin cho Reuters cho biết tình trạng kiểm duyệt ở Việt Nam. Rồi hôm nay, tức một tuần sau sự việc, Facebook ở Việt Nam đã bắt đầu dịu đi tình trạng khó truy cập. Có hay không, sự đáp trả im lặng bằng kỹ thuật số giữa Việt Nam và Facebook? Dĩ nhiên, đó là tùy vào suy nghĩ riêng của người đọc.

Nhưng không chỉ vậy, Facebook còn để lại một thông điệp ẩn của bà Amy Sawitta Lefevre –  Quản lý chính sách truyền thông của Facebook – rằng cần lưu ý là mặc dù những nội dung này đã bị chặn ở Việt Nam, nhưng nó vẫn có thể được xem ở các quốc gia khác trên thế giới. Tức Facebook nắm giữ một công cụ phân phối thông tin theo IP định vị từng địa phương. Chẳng hạn, Hoàng Sa và Trường Sa có thể hiển thị ở nhiều nước, trừ Trung Quốc, nhưng cũng có thể chỉ còn duy nhất hiển thị ở Việt Nam, tùy theo ứng xử của Hà Nội với Facebook.

Thông điệp cũng nhắc rằng bài bị chận, bị xóa ở Việt Nam, nhưng vẫn đọc thấy ở các quốc gia khác. Tức Facebook, bằng cách nào đó, đã nhắc đến việc cần sử dụng VPN (virtual private network).

VPN (*) là gì? Nói nhanh, vắn tắt, đó là một công cụ mã hóa, giúp bạn đi bằng đường hầm bí mật, thoát qua hệ thống kiểm duyệt ở Việt Nam, giấu tung tích của mình để là một người tự do và ẩn danh.

Chắc nhiều người đọc sẽ hỏi những loại nhu liệu này hợp pháp hay không? Xin nói rõ, đây là một thủ thuật tin học hợp pháp và được sử dụng trên toàn thế giới, để bảo vệ chính mình theo quyền bảo vệ riêng tư, cũng như bảo vệ chính bản thân mình trong thế giới có quá nhiều bất cập, đặc biệt từ các quốc gia độc tài.

Trong bối cảnh luật an ninh mạng, và nghị định 15/2020 luôn có những cáo buộc mơ hồ, việc sử dụng VPN đang là một giải pháp tối cần thiết cho từng người Việt Nam. Với mức thuê bao thấp nhất là 10.000 đồng hay 20.000 đồng Việt Nam, mỗi ngày, bạn có thể được bảo vệ an toàn nhất bởi các công ty độc lập và kinh nghiệm ở thế giới tự do, chống lại sự theo dõi, loại bỏ các kiểu thu thập thông tin về bạn. Hơn nữa, bạn có thể xem được mọi thông tin bị kiểm duyệt, và thậm chí là truy cập nhanh hơn.  Nếu không, chọn một VPN miễn phí, đổi quảng cáo, quyền lợi tối thiểu cho điện thoại thông minh như Open VPN connect hoặc Free VPN Proxy cũng có thể đem lại những tiện lợi này.

Ở Trung Quốc, mặc dù bị ngăn cản bằng đủ các hệ thống tối tân nhưng hàng trăm triệu người Trung Quốc vẫn sử dụng được Youtube, Google, Facebook, Twitter… bởi qua VPN.

Tương tự như cách làm với các nhà mạng quốc tế khác, Bắc Kinh cấm tất cả những công ty VPN nào không đặt máy chủ ở Trung Quốc (Việt Nam ắt sớm muộn gì cũng vậy), và xóa các ứng dụng gây khó chịu như vậy trên Appstore hoặc Google Play. Nhưng điều đó, chỉ tạo thêm sự thách thức đối với các nhà cung cấp, thông qua việc cài đặt trực tiếp bằng apk hay ipa(*), có thể tìm thấy ở bất cứ đâu. Và dù Trung Quốc tốn hàng trăm tỉ nhân dân tệ để chận lại, vẫn có những VPN hàng đầu (NordVPN, ExpressVPN, CyberGhost…) cứ trơ trơ và mở cửa, giúp người dân Trung Quốc tìm đến thế giới tự do trên không gian ảo.

Thông điệp của Facebook để lại khá rõ cho người Việt, về một cánh cửa phụ vào không gian tự do. Dĩ nhiên đó cũng là một cách chạy chữa của tập đoàn này trước việc phải thỏa hiệp và kiểm duyệt với nhà cầm quyền trong việc tấn công vào tự do ngôn luận ở Việt Nam. Nhưng dẫu sao, cách nhắc khéo này, cũng giúp cho người dân Việt Nam một lựa chọn.

-----
(*) VPN tạo một đường hầm bảo mật, được mã hóa, an toàn qua Internet giữa máy tính, điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng của bạn và bất kỳ trang web hoặc ứng dụng nào bạn đang cố truy cập.

Điều này được thực hiện bằng cách chuyển hướng kết nối của bạn thông qua máy chủ VPN ở một quốc gia khác, chuyển đổi danh tính, cho thấy bạn xuất hiện trên một trang web hoặc qua ứng dụng, là bạn chỉ là một khách truy cập khác của địa phương, khác nơi bạn đang ở.

Bạn trở nên ẩn danh một cách hiệu quả khi địa chỉ IP của bạn (danh số xác định kết nối trực tuyến trên thiết bị của bạn với nhà mạng mà bạn thuê bao) được thay thế bằng địa chỉ của máy chủ VPN đưa ra, dĩ nhiên là bất định và không có thật.

Tất cả những gì bạn cần, là một ứng dụng VPN trên thiết bị của bạn hoặc chọn loại miễn phí, và tốt hơn nữa mua hoặc thuê bao với giá cả phải chăng.  Các VPN tốt nhất hoạt động trên máy tính xách tay, máy tính để bàn, điện thoại thông minh và máy tính bảng - thậm chí là Smart TV, với sự hỗ trợ của cáp ethernet hoặc dongle Chromecast.

Khi bạn muốn che giấu vị trí thực tế của mình, chỉ cần khởi chạy ứng dụng VPN, chọn quốc gia mà bạn muốn kết nối rồi chuyển qua sử dụng trình duyệt của bạn và bất kỳ ứng dụng nào như bạn thường làm. VPN sẽ là người che chắn cho bạn.
Dưới đây là danh sách những VPN miễn phí và trả tiền tốt nhất 2020, theo bình chọn của VPN Mentor https://bit.ly/3eWyUpk

(*) Các file cài đặt riêng, phải tải về trên android hoặc ios, không cần qua các trang tập trung ứng dụng như appstore hay google play.

Sunday, April 19, 2020

Bất hợp pháp, như một lẽ tự nhiên






Người Việt Nam vẫn luôn có một đời sống sinh hoạt bất hợp pháp rất tự nhiên từ hàng chục năm nay, đó là một hiện trạng ai cũng thấy, cũng biết. Và đó cũng là một hình ảnh về sự bất lực của nhà cầm quyền trong việc muốn thống nhất mọi thứ theo một tiêu chuẩn duy ý chí.

Sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam vào năm 1975, được mở ra bằng một khái niệm khác là thống nhất địa lý, nhưng chỉ vậy mà thôi. Bởi sau nhiều năm, những gì thuộc về văn hoá của hai nền cộng hòa tự do vẫn tiếp tục lưu hành, bất chấp các biện pháp cấm đoán hay trừng phạt không được ghi trong luật của chính quyền trung ương phía Bắc. Vẫn có một vương quốc tinh thần khác, âm thầm ngự trị trong trái tim hàng chục triệu người: đó là quyền tự do chọn lựa và tiếp nhận.
Hơn vậy, những gì thuộc về một tinh thần tự do và không chịu kiểm duyệt – thứ mà các nhà nước độc tài luôn ghét cay ghét đắng – lại vẫn âm thầm phát triển theo thời gian: từ một bản sao chép một cuốn sách cũ, cất giữ một bài báo nước ngoài bị kiểm duyệt, cho đến sở hữu những tác phẩm mới in ở ngoài nước hoặc tự in trong nước. Người dân vẫn cứ chọn thứ mình thích, và khung cảnh rượt đuổi, theo dõi, chụp bắt… giữa nhà cầm quyền và con người vẫn cứ diễn ra thường xuyên.

Những ai đã sống qua những năm 80, 90… ở Việt Nam, chắc vẫn còn nhớ hình ảnh công an xộc vào nhà người dân, ôm hốt những sách vở tiếng Anh, tiếng Pháp, kể cả tiếng Việt của miền Nam đem ra đốt, đấu tố. Những bài hát tình yêu đơn giản cũng bị buộc phải nghe nho nhỏ và chuyền tay nhau như một loại hàng quốc cấm.

Thậm chí, nhiều năm trước, việc sở hữu một radio làn sóng ngắn, có ăn-ten parabol… cũng có thể bị coi là tàng trữ, hay âm mưu tiếp nhận các luận điệu chống chính quyền từ các thế lực thù địch bên ngoài.

Cho đến hôm nay, mọi thứ trong xã hội có thể khác đi về biểu hiện, nhưng bản chất độc quyền văn hóa và tư tưởng của nhà cầm quyền thì không hề thay đổi. Những tin tức từ truyền thông nhà nước loan đi, tố cáo về việc ai đó bị bắt, bị nghi ngờ “tàng trữ các tài liệu phản động” luôn bộc lộ cho thấy sự bối rối của chính quyền về một loại quyền của người dân được ghi trong hiến pháp, nhưng vẫn luôn bị bẻ cong thành một tên gọi khác, vô nghĩa.

Rồi 45 năm sau, kể từ ngày thống nhất địa lý, nhà cầm quyền Việt Nam có vẻ như đã tìm ra một giải pháp cho việc hợp thức hóa các chi tiết quen hành xử độc tài của mình. Rất nhiều điều khoản được cài cắm trong Nghị định số 15/2020 dành cho lĩnh vực bưu chính, viễn thông. Nghị định này, có thể coi như là một phần Luật an ninh mạng bổ sung, tạo sự hợp pháp cho việc bẻ cong quyền của người dân được hiến định, như đã nói trên.

Hãy hình dung, mọi điều rất đơn giản như thế này.

Ở Việt Nam, hàng ngàn bài hát bolero chưa bao giờ được cấp phép, vẫn được hát và trình diễn ở các quán bar, phòng trà… với sự mặc nhiên cho qua của cơ quan quản lý nhà nước, nhưng bất kỳ lúc nào – vì đó là những bài hát không phép – người hay nơi trình bày các ca khúc như vậy, có thể bị phạt tiền rất nặng (đến hàng chục triệu đồng) do bất chợt một ngày nào đó, từ một viên công an khu vực cho đến một cơ quan cấp thành phố đổi giọng theo vui buồn, nói rằng không công nhận các bài hát của văn hóa miền Nam cũ (chẳng hạn nằm ở điều 99, điều 100 hay 101).

Bạn muốn giới thiệu một tập thơ, hay một cuốn sách có nội dung phi chính trị, nhưng nếu đó là một ấn bản tự lưu hành riêng với bạn bè,  hoặc đã in và phát hành với nước ngoài? Bạn cũng có thể là nạn nhân của những điều luật nói trên, vì đơn giản chi tiết nghi định có ghi rằng xử phạt ai dám “cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản ấn phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu”. Hãy tự hỏi, hàng ngàn đầu sách cũ trước năm 1975 vẫn được bày bán công khai, đã được bao nhiêu cuốn được chính thức cho phép lưu hành?

Mơ hồ và ấu trĩ hơn, ở điều 102, người dân có thể bị xử phạt khi nói yêu hay ghét theo quan điểm của mình, nhà cầm quyền sẽ xử phạt, nếu “Tuyên truyền, kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động” hoặc “xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc”.

Trên thực tế, nhà cầm quyền thì chưa bao giờ đủ sức hay đủ minh bạch để chứng minh “tư tưởng phản động là gì”, hay xa hơn là “phủ nhận thành tựu cách mạng”, “xúc phạm danh nhân của dân tộc”.

Những “thành tựu cách mạng” sẽ bị cấm mổ xẻ, chẳng hạn sẽ không ai được quyền phân tích thảm sát Mậu thân 1968 ở Huế là một sai lầm, hay một tội ác, hay một thất bại của chính quyền phía Bắc khi tự xé hiệp định tạm ngừng chiến?
Ai được gọi là anh hùng và là danh nhân của dân tộc? Đó có phải là danh sách các ứng viên được nhà cầm quyền chọn lựa và cho phép, hay lịch sử tự nhiên của dân tộc Việt Nam quyết định? Ai cho quyền nhà nước Cộng sản Việt Nam phỉ báng Phan Thanh Giản, phủ nhận Nguyễn Ánh, và tự tôn xưng những người được ưa thích theo quan điểm chính trị của mình? Và tại sao người Việt phải phủ nhận tổ tiên của mình theo quy định của nhà cầm quyền?

Đi vào đời sống, Nghị định 15/2020 được âm thầm ban hành vào ngày 3/2/2020 sẽ lộ ra thêm nhiều lổ hổng hun hút nữa, nhưng trơ trẽn nhất, những lổ hổng ấy, sẽ tạo ra nhiều sự vấp ngã và đau đớn, thuộc về người dân.

Cuộc sống của người dân Việt Nam, sau 45 năm thống nhất địa lý, lại tiếp tục chập chờn trong sinh hoạt bất hợp pháp tự nhiên tất yếu của mình, bởi bản chất của luật lệ đưa ra, là việc rào chắn và chống lại tự nhiên, nhằm phục vụ riêng cho ý chí độc tài của một chính quyền.

Trong The God Father, khi được hỏi về việc vi phạm pháp luật của mình, Bố già Vito Corleone có nói rằng “bởi có những loại luật pháp được tạo ra để chỉ khiến con người phải vi phạm”.

Biến một dân tộc thành những kẻ phạm pháp dự bị, cho mục đích bảo vệ tư tưởng chính trị của mình, thì cũng không thể công chính hơn một ông trùm mafia trong tiểu thuyết.

--------------
Tham khảo về Nghị định 15/2020, lưu ý từ điều 99 đến 102
https://bit.ly/3cHeoXV


Saturday, April 11, 2020

Trí khôn của độc tài



Hồi 20/3, công an Trung Quốc đã tìm cách xoa dịu dân chúng bằng cách cho đồn công an ở đường Zhongnan nhận lỗi đã làm sai, nơi đã bắt giữ bác sĩ Li Wenliang (Lý Văn Lượng), sau khi ông lên tiếng cảnh báo những ca bệnh Covis-19 đầu tiên xuất hiện. Một làn sóng phẫn nộ và chí trích chính quyền đã lan nhanh, không chỉ ở Trung Quốc mà cả thế giới, sau khi bác sĩ Li Wenliang qua đời do chính căn bệnh mà ông cảnh báo. Để chứng tỏ là chính quyền Trung ương không làm sai, mà chỉ có cấp dưới, trưởng công an và các công an viên ở đồn Zhongnan đã phải kiểm điểm và xác nhận là đã “ban hành các hướng dẫn không phù hợp”.

Dĩ nhiên, cấp trên của các chế độ độc tài không thể sai. Phía dưới của họ, luôn luôn có những con tốt thí nhưng các công an viên ở đồn Zhongnan.

Nhưng những câu chuyện sai lầm và phản ứng của cả thế giới không xoay chuyển gì được bản chất thật của hệ thống độc tài. Một mặt thì rửa tay với cái chết của bác sĩ Li, một mặt khác công an Trung Quốc phát động chiến dịch trừng phạt tất cả những ai đã viết, đã lên tiếng hay ghi chép trung thực về những gì đã diễn ra trong đại dịch. Nhiều người đã bị cảnh sát đến nhà đưa đi, không thấy trở về. Ông Ren Zhiqiang (Nhậm Chí Cường), một doanh nhân thành đạt ở Trung Quốc sau nhiều bài chỉ trích Tập Cận Bình, và khẳng định rằng Bắc Kinh có hẳn một bộ chinh sách ngầm về việc tiêu diệt mọi tiếng nói bất đồng, cũng đã bị đưa đi trong thời gian chống dịch tại Vũ Hán. Giáo sư Luật tại Đại học Thanh Hoa Xu Zhangrun(Hứa Chương Nhuận), một người rất nổi tiếng, cũng đã bị cách chức và có thể sẽ bị bắt, sau khi viết bài phê phán cách chống dịch của Trung Quốc. Rất nhiều người khác, ít tên tuổi hơn, đã không còn thấy xuất hiện nữa, theo những cách viện dẫn luật rất mơ hồ.

Người bị tấn công mới nhất là nhà văn Fang Fang (Phan Phan). Bà cho đăng tải nhật ký những ngày bị phong tỏa ở Vũ Hán, và thu hút người xem đến mức độ kinh ngạc. Trang blog của bà, có đến hơn 3,8 triệu người theo dõi, đã bị đóng sau bài viết cuối vào tháng hai, có đến 380 triệu người xem trên Weibo, 94.000 lời bình và 8,210 trang đăng lại. Nhưng ngay sau đó, những bài viết đã được nhà xuất bản Harper Collins mua bản quyền và xuất bản thành sách, in bằng 2 thứ tiếng Anh và Đức, lan tỏa khắp thế giới. Dĩ nhiên, đổi lại, bà Phan Phan bị tấn công, sỉ nhục và bị kêu gọi phải bỏ tù, từ một lực lượng tuyên truyền hạ cấp và rẻ tiền thân chính quyền.

Trong một bài viết của bà, có đoạn – mà vốn dấy lên sự tức giận của giới tuyên giáo – “đã thật sự có bao nhiêu người chết ở Vũ Hán, và không có ai chịu trách nhiệm về sai lầm này. Nhưng mới đây, tôi đọc thấy một nhà văn còn viết rằng “đã hoàn toàn chiến thắng”, họ đang nói về chuyện gì vậy?”.

Những điều kể trên, nhắc rằng, trong mọi tình huống, dù đang kêu gọi lòng ái quốc hay vì mục tiêu cao cả nào đó, các nhà cầm quyền độc tài không bao giờ ngừng thi hành các chính sách tấn công vào con người hay mọi ý kiến khác biệt. Đó là một chính sách bất biến, và luôn luôn phát triển các thủ đoạn theo thời gian.

Việt Nam, trong những giai đoạn được gọi là cam go chống lại dịch Covid-19, đã có không ít những vụ bắt bớ liên tục về các tội danh như âm mưu lật đổ chính quyền, tuyên truyền chống nhà nước, mà những nhân vật ra tòa, phần lớn là những người lớn tuổi ở nông thôn, người miền Thượng… mà những công việc của họ, phần lớn là vận động bằng ngôn ngữ cho một tổ chức chính trị nào đó mà họ tin, đang ở Mỹ. Những hoạt động mà nói cho rõ, không bắt hôm nay, lúc nào cũng có thể bắt được theo cách luận tội luôn không cho nói lại của tòa án nhà nước. Đáng nói, là cũng trong giai đoạn đó, chính thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu mọi hoạt động quốc gia đều tạm dừng, chỉ để tập trung chống dịch.

Cũng trong thời gian này, nhà cầm quyền lại cho ban hành nghị định 15/2020/NĐ-CP, một loại luật như lưới phủ trên đầu, dầy thêm sau khi đã có luật an ninh mạng.

Đây là nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu điện, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Bên cạnh các chi tiết bình thường về hoạt động dân sự, giao thương… nghị định còn cài đặt một số điều mơ hồ để buộc tội, nhằm trong số điều 99, 100, 101, 102….
Ông Nguyễn Trường Sơn, nhà hoạt động thuộc tổ chức Amnesty International, viết trên trang facebook của mình, về việc ra đời của luật này :” Việc ban hành một nghị định có ảnh hưởng nghiêm trọng tới các quyền tự do của công dân, và hoạt động của các công ty công nghệ, đáng nhẽ ra cần phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch. Đằng này, có vẻ như chính quyền muốn lợi dụng tình hình dịch bệnh, khi mọi sự chú ý đều đổ dồn vào các ca lây nhiễm, để rồi thừa cơ ban hành nghị định tai hại này”.

Điều 99 (3a) của nghị định, có ghi xử phạt về “Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”.
Điều 99 (3đ) có ghi, xử phạt về “Đăng, phát các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc không được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu”.

Điều 100 (2b) có khi, xử phạt về “Không cung cấp thông tin cá nhân hoặc thông tin riêng của người sử dụng có liên quan đến hoạt động khủng bố, tội phạm, vi phạm pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 100 (3a) xử phạt “Chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Liên tục những điều luật mơ hồ như vậy, người dân không thể chứng minh, nhưng nhà cầm quyền thì có thể tùy tiện áp đặt, xuất hiện trong các chi tiết của nghị định. Càng về sau, càng mơ hồ, như ở Điều 101 (1h) xử phạt về “Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm”. Hoặc như ở Điều 102 (7b) thì xử phạt “Cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia; xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Không cần phải để các diễn biến thực tế xuất hiện, người ta có thể hình dung một xã hội truyền thông của Việt Nam tương lai sẽ như thế nào. Và cũng giống như số phận những người nói lên sự thật tại Trung Quốc, giới tuyên truyền tay sai sẽ là những nhóm đấu tố trên các trang mạng, gọi tên, gọi sự việc mà luận điệu quen thuộc sẽ là “theo đòi hỏi của đông đảo quần chúng nhân dân”, những nạn nhân của hệ thống điều luật mơ hồ và không có tư pháp độc lập sẽ nối đuôi nhau ra trước vành móng ngựa. Xích từ Trung Quốc nhưng như đang nối dài đến Việt Nam.

Hãy đọc nhiều hơn những câu chuyện Trung Quốc, sẽ thấy, có những điều rất lạ, rồi sẽ thấy trở thành quen.

Và có những điều nhất định không thể quen, vẫn phải chấp nhận, dù rất lạ.