Thursday, August 29, 2019

Có lẽ, chúng ta cần quỳ xuống




Trong cùng một thời điểm, tin tức về những đứa trẻ tội nghiệp ở Việt Nam ập vào lòng nhân ái đang đau yếu của người Việt, không khác gì một cú knock-out chí mạng. Chúng ta - những người trưởng thành - đều lảo đảo theo những cách khác nhau.

Cuối tháng 8/2019, bé Đặng Thùy Trâm 10 tuổi, theo bà ngoại đi mò cua bắt ốc mưu sinh ở Vịnh Cam Ranh bị nước cuốn đi mà chết. Nhưng cùng với cháu, là 4 nhân mạng gia đình nghèo khó ấy cũng chết chìm theo trong buổi nhặt nhạnh cuối cùng đó. Báo Tuổi trẻ cho hay.

Cũng trong tháng 8, chuyện 2 đứa bé gái sống trong gia đình bên nội, bị tất cả gã đàn ông cưỡng hiếp, ép làm nô lệ tình dục từ lúc 10 tuổi đến 17 tuổi. Thời gian súc vật đó kéo dài suốt nhiều năm ở Xã An Trường A, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, xóm làng ai cũng biết nhưng không hiểu sao chính quyền địa phương cứ làm ngơ. Mới đây, một nhóm phụ nữ làm từ thiện đến tìm hiểu và tìm cách giải cứu cho em gái nhỏ, đã bị cả gia đình đó chặn đường, hành hung, dọa giết vì sợ bị cướp đi nguồn vui thú của họ. Chuyện đồi bại huyên náo đến mức quanh vùng đều biết, chỉ những người cần phải biết thì không.

Và cuối tháng 8, những tin tức ngày càng lộ rõ ở trường Gateway, Hà Nội, cho thấy một bé trai 6 tuổi đã chết oan khuất tại nhà trường, không như những giả thuyết đánh lạc hướng đầy tính nghiệp dư của công an điều tra và ban giám đốc nhà trường, nơi được nói đến là có liên quan đến việc làm ăn của con gái đương kim thủ tướng. Nếu không có giới truyền thông tự do trên internet, không có những phụ huynh xót xa, những người vô danh giận dữ lên tiếng vì sự mờ ám, có lẽ, mọi sự đã được dàn xếp trở thành một cái chết ngớ ngẩn không liên quan đến trường Gateway đang ăn nên làm ra. Theo kịch bản, bé sẽ được chết nhạt nhòa trong nền đạo đức xã hội chủ nghĩa. Không những bé trai đó, người phụ nữ đưa đón học sinh có lẽ cũng có một số phận không lành, vì sự bộc trực của bà.

Sống hay chết, trẻ em Việt đều đang bấp bênh trước những cửa ngõ vào đời, bất chấp đầy dẫy các hội, đoàn nhân danh các em mà được xênh xang, bất chấp các lời cam kết, tuyên thệ thơm phưng phức lấy ra từ các lò bánh vẽ mỗi ngày.

Số phận có công lý của nó. Những số phận nghèo hèn hay cao sang, đều có những kịch bản-công lý bất ngờ. Trong thế giới duy vật đắc chí hôm nay, mọi nỗ lực thực tế bằng tiền của hay địa vị để mưu cầu một vị trí vượt lên đồng loại, cũng không thể chọn lựa được màu của số phận. Ngay vào lúc nhà nước giương cao ngọn cờ mãi miết vinh thân phì gia, người dân chỉ nên lo kiếm cái ăn cái mặc, những chuyện khác “hãy để cho nhà nước giải quyết”, những ví dụ ập đến, bộc lộ cốt lõi đang sụp đổ của một xã hội chỉ còn phục vụ ánh nhìn duy lợi.

Chết nhiều thật. Những con số người Việt chết hàng năm vì ung thư, tử nạn vì giao thông, chết vì tiêm chích, dịch bệnh, chết vì lũ lụt, chết trong đồn công an...trở nên là những cột mốc cao ngất, cao như một cường quốc về cái chết.

Khổ nạn nhiều thật. Những câu chuyện kể trong thời kết nối vũ trụ nghe mà sợ. Ô nhiễm tràn các con đường, bờ biển, đô thị. Đất đai bị cướp cho dự án, cho âm mưu, rừng núi trơ trọi và sông hồ cạn kiệt, người lên tiếng bị tù đày, tín ngưỡng truyền đời bị càn quét... đất nước chữ S ngày càng cong quặn vì những khổ nạn chất chồng.

Nhưng chúng ta, có thể đáng chết, có thể đáng phải nhận khổ nạn, nhưng con cháu chúng ta không đáng phải nhận những gì đang thấy, đang diễn ra hôm nay. Lẽ ra, những đứa trẻ Việt Nam phải có một cuộc sống khác, một tương lai khác. Lẽ ra, non nửa thế kỷ với một chính quyền thống nhất địa lý, trẻ em Việt phải được hưởng thụ một xã hội có một lộ trình tương lai khác.

Có lẽ, chúng ta cần phải quỳ xuống xin lỗi những đứa trẻ Việt Nam. Con cháu của một dân tộc đang chứng kiến sự nhu nhược, suy đồi và bế tắc từ cha anh của chúng. Khổ nạn hay cái chết của chúng không phải là may rủi, mà là sự thỏa hiệp và cam chịu tệ hại của chúng ta.

Có lẽ, chúng ta cần quỳ xuống xin lỗi những gia đình mang khổ nạn, đang chịu những cái chết. Vì họ là đồng bào. Vì họ cùng chia sẻ đất nước này với chúng ta trong thế kỷ bị nhà cầm quyền dẫn dắt vào mê lộ duy lợi, chỉ còn biết đến mình, tranh nhau vượt lên và hài lòng vì thấy mình đã khôn khéo hay khỏe mạnh nhất, để giành được chỗ đứng gần máng ăn của nông trại-người. Chúng ta xin lỗi vì đã mê mãi trong cuộc đua vô nghĩa, mà đau đớn nhất, con chuột đến nhất trong cuộc đua chuột, vẫn chỉ mãi là một con chuột.

Chúng ta cần xin lỗi tổ tiên, đất nước này. Vì lẽ nơi chốn đã cưu mang chúng ta, nhưng chúng ta đã quá hèn yếu và bất lực, đã để mặc cho những người cầm quyền tham danh hám lợi, đưa cuộc sống chúng ta thành một bàn cờ, mà mỗi nước đi chỉ thí mạng con người cho việc dựng lên những lâu đài mới, dòng tộc tự xưng và những bài hát màu hồng về số phận, khổ nạn, về cái chết của chúng ta, của chính con cháu chúng ta.


Thursday, August 22, 2019

CHÁNH TRỊ SỰ HỨA PHI: "Liên Hiệp Quốc cần phải có những hành động cụ thể hơn cho tự do tín ngưỡng"


Ngày 22/8/2019, được Liên Hiệp Quốc chấp nhận là “Ngày Quốc tế Tưởng niệm Nạn nhân bị Bạo hành vì Tôn giáo hay Niềm tin”. Tuy là năm đầu tiên, nhưng được biết các tôn giáo tự do như Phật giáo, Công giáo, Hòa Hảo, Cao Đài, Tin Lành… đã hưởng ứng bằng thánh lễ, các chương trình ủy lạo các nạn nhân vì niềm tin tôn giáo… Từ Lâm Đồng, Việt Nam, chánh trị sự Hứa Phi của Đạo Cao Đài Chơn Truyền đã dành ít thời giờ nói về sự kiện này.
---------


* Như vậy, thế giới sau nhiều năm phản ứng và tranh đấu cho quyền tự do tín ngưỡng, thì cuối cùng Liên Hiệp Quốc cũng đã chọn được một ngày, ngày 22-8, để Tưởng niệm các Nạn nhân bị Bạo hành vì Tôn giáo hay Niềm tin. Thưa Chánh trị sự, ông có suy nghĩ gì về ngày này?
- Liên Hiệp Quốc công nhận ngày 22-8 là “Ngày Quốc tế Tưởng niệm Nạn nhân bị Bạo hành vì Tôn giáo hay Niềm tin” là một điều đáng mừng. Để có một ngày mà toàn thế giới cùng nhớ đến những người vì tự do tín ngưỡng mà bị đàn áp thì rất tốt. Nhưng chúng tôi mong rằng Liên Hiệp Quốc cần đi sâu đi sát, đặc biệt trước các hoạt động tuyên truyền của cộng sản. Người tranh đấu cho niềm tin tín ngưỡng của mình ước muốn Liên Hiệp Quốc vạch rõ những luận điệu từ nhà cầm quyền và có hành động cụ thể hơn.

* Phía bên Cao Đài Chơn Truyền đã từng có những hồ sơ hay những tập hợp nào gửi cho Liên Hiệp Quốc, trình bày về tình trạng bị bách hại của mình chưa?
-Từ năm 1979, Cao Đài chúng tôi đã có dịp kiến nghị nhiều lần với các đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc. Từ năm 2014, chúng tôi cũng có nói rõ tình trạng của mình với ông Heiner Bielefeldt, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Bản thân ông Heiner cũng đã lên tiếng nhiều lần về tình hình tôn giáo của Việt Nam nói chung.
Không những vậy, những lần tiếp xúc với đại diện của Liên Minh Châu Âu hay Quốc Hội Hoa Kỳ, chúng tôi cũng luôn nhấn mạnh rằng cộng sản Việt Nam đã tước mất quyền tự do tôn giáo của chúng tôi. Để thay thế và phế bỏ Cao Đài thật sự, cộng sản đã dựng lên cái gọi là Hội Đồng Chưởng Quản để lừa dối tín hữu.
Hàng năm, chúng tôi vẫn gửi đi khắp thế giới các kiến nghị, thông qua các kênh trực tiếp hay gián tiếp, không ngừng vạch trần sự bức hại của nhà cầm quyền với tôn giáo chúng tôi.

* Những tường trình đó, có tác dụng không, theo quan sát của ông?
- Là một người tu hành, tôi không thể nói tránh đi hay nói dối. Thưa anh, tôi muốn nói rằng mọi sự lên tiếng của chúng tôi được đáp lại, tùy thuộc về vấn đề chính trị ngoại giao của các quốc gia với Việt Nam. Đó là điều mà chúng tôi phải mở rộng các kiến nghị của mình, mong là các quốc gia có quan hệ ngoại giao với Việt Nam nên đặt nhân quyền và dân quyền lên các ý nghĩa ngoại giao và kinh tế.
Chính vì vậy, thật là mừng khi Liên Hiệp Quốc đã khẳng định ngày 22 tháng 8 là ngày Quốc tế Tưởng niệm Nạn nhân bị Bạo hành vì Tôn giáo hay Niềm tin, nhưng bên cạnh xây dựng hình thức, Liên Hiệp Quốc cần có những hành động mang tính cụ thể mà mạnh mẽ.

* Mới đây, có tin tức nói cái gọi là Cao đài 1997 hay Hội đồng Chưởng quản của của nhà nước lập ra, đã bị tố cáo và bị vạch mặt tại Hoa Kỳ như một kiểu tôn giáo trá hình, hãm hại Cao Đài Chơn Truyền. Ông nghĩ sao về tin tức này?
- Từ năm 1975, cộng sản đã tìm cách tận diệt Cao Đài Chơn Truyền, và đến năm 1979, họ dựng lên cái gọi là Hội Đồng Chưởng Quản. Sau khi dựng lên tổ chức này, nhà nước cộng sản cũng bắt bớ, sách nhiễu các chức sắc của Cao Đài Chơn Truyền. Có người đã chết trong lúc bị giam cầm. Bản thân tôi, đã hơn 40 năm bị bao vây, cô lập không ngừng. Nói vậy, để biết, sự có mặt của tổ chức Cao Đài giả hiệu đã xuất hiện từ năm 1979, chứ không phải là 1997 như tin tức hiện  nay.
Vạch rõ chân tướng của các tổ chức tôn giáo trá hình là điều tốt, nhưng nếu đi sát với lịch sử tranh đấu vì niềm tin tôn giáo, ở đây là Cao Đài, thì cần thiết phải chi tiết hơn nữa.

* Như vậy, đã có một lịch sử rất cam go của những người theo Cao Đài Chơn Truyền từ năm 1975 đến nay, với những tín hữu và chức sắc Cao Đài muốn bảo vệ tín ngưỡng của mình. Hiện đã có những ghi chép nào giữ lại về những điều này?
- Phía Cao Đài Chơn Truyền cũng có lịch sử riêng của mình, cũng thu thập các sự kiện. Hiện gần đây cũng có những tổ chức, hội đoàn quốc tế… đề nghị chúng tôi đưa ra danh sách những người bị bách hại, những người bị đấu tranh để vinh danh. Thật ra, đó là thiện ý đáng quý. Nhưng với Đạo Cao Đài chúng tôi, trải qua hàng chục năm, con số đấu tranh cho niềm tin của mình được nhìn thấy không phải là cá nhân, mà là từng tín hữu, từng đồng đạo vẫn luôn tranh đấu bằng những hành động từ nhỏ nhất – tưởng là không đáng gì – nhưng là cách để cố gắng gìn giữ đạo lý của mình. Thượng đế nhìn thấy, và vinh danh cho niềm tin của chúng tôi, vậy là đã đủ.
Chúng tôi tin rằng, có niềm tin là được quyền năng thiêng liêng ủng hộ. Tín ngưỡng có sức mạnh mãnh liệt vô cùng. Người chỉ thờ cúng ông bà, tổ tiên sẽ phù hộ. Phật giáo thì sẽ có Phật tổ dẫn đường. Công giáo thì có Đức Chúa chở che. Và đối với kẻ bách hại mình, đức tin của chúng tôi càng mạnh mẽ hơn.
---------
(Ảnh: Chánh trị sự Hứa Phi, cùng phu nhân / Nhà Nam Media)

Monday, August 19, 2019

Mùi vị quen thuộc




Trong những câu chuyện về Hồng Kông, có nhữn điều thật đáng chú ý. Đó là những câu chuyện kể về những người biểu tình trẻ tuổi xuống đường bị bắt đem về đồn, thẩm tra, đánh đập… có mùi vị thật quen thuộc.

Tin từ Hong Kong Columns, kể rằng cách thức mà cảnh sát Hồng Kông – lúc này thì không còn nhận diện được rõ là có phải cảnh sát Hồng Kông hay không – đã có những điều kỳ lạ, đặc biệt đối với những người bị bắt, kể cả trẻ vị thành niên.

Một cô gái nhân chứng kể lại rằng khi cô bị bắt. Cô đã bị ép buộc, hăm dọa và không được liên lạc với gia đình dù cảnh sát Hồng Kông không nói được lý do gì bắt giữ cô.

Cũng như những người khác, trong khi bị giam giữ tại đồn cảnh sát, cảnh sát đã lấy điện thoại của cô, và buộc cho phải cho mật khẩu để vào kiểm soát nội dung trong điện thoại của cô. Dĩ nhiên cô gái này từ chối. Cô nói cũng thấy có người bị đánh để ép phải đưa mật khẩu, và tất cả mọi người không ai được gọi điện thoại về nhà, trong đó có những em nhỏ.

Trang Hong Kong Free Press cũng xác nhận nguồn tin là sau hơn hai tháng của phong trào Dự luật chống dẫn độ, cảnh sát đã bắt giữ hơn 700 người, và người trẻ nhất chỉ mới 13 tuổi.

Dĩ nhiên, việc đòi truy cập vào nội dung cá nhân của người biểu tình, mục đích của cảnh sát là tìm xem các tin nhắn về tập họp biểu tình, truy tìm người kết nối hay tổ chức và đồng thời tạo dữ liệu để kết tội.

Mùi vị quen thuộc ở đây, là ở Việt Nam, một quốc gia cách xa Hồng Kông, phương thức cũng không có gì là khác biệt.

Ngày 10/6/2018, tại trại tập trung tạm thời được công an lập ra ở công viên Tao Đàn, Sài Gòn, hàng trăm người bị bắt lôi về đây, đánh đập dã man và bị tịch thu điện thoại. Công an xét từng người và đòi mật khẩu để vào xem nội dung điện thoại, bất kỳ ai từ chối, sẽ bị dẫn vào một căn nhà vốn được để luyện tập thể thao, bị tra tấn một cách kín đáo. Có người hôn mê phải đưa đi bệnh viện, có người mang thương tích và ngất xỉu tại chỗ. Khác với ở Hồng Kông, những người sử dụng những loại điện thoại đắt tiền bị thu giữ ở trại khủng bố Tao Đàn tháng 6/2018, đều không được trả lại. Dĩ nhiên cũng không có giấy tờ gì chứng nhận sự thu giữ.

Phương thức của cảnh sát Hồng Kông và Việt Nam có cái gì đó giống nhau đến lạ lùng. Vào ngày 5/8/2019, lúc có 3 cuộc biểu tình cùng nổ ra một lượt, gây bối rối cho cảnh sát Hồng Kông, nhiều cuộc bắt giữ vô cớ và thô bạo đã diễn ra. Đặc biệt sự phản đối đã tập trung ở bên ngoài đồn cảnh sát Tin Shui Wai. Một học sinh 14 tuổi, tên Chan, đột ngột nhận được tin nhắn của trường cho các học sinh là phải gấp rút quay lại trường để mua sách giáo khoa, trong cùng một ngày. Chan không quay lại trường, nhưng sau đó đi ngang qua qua một con phố, em bị bắt vì bị coi là người biểu tình. Lúc đó, mọi người mới vỡ lẽ việc nhắn tin quay lại trường chỉ là một phương thức của cảnh sát.
Vào những ngày chống luật đặc khu, luật an ninh mạng hay chống Trung Quốc, những trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam cũng đã nhắn tin, ra công văn cấm sinh viên đi biểu tình, cấm tụ tập và cấm cầm biểu ngữ. Thậm chí, có trường còn tổ chức cho thi, kiểm tra… vào đúng những ngày có tin sẽ biểu tình.

Việc cài người vào các nhóm biểu tình để gây rối, kích động và tạo cớ cho cảnh sát Hồng Kông tấn công, đánh đập… cũng là một phương thức quen thuộc. Thậm chí có cả thủ đoạn để vu cáo là khủng bố hay âm mưu lật đổ. Cảnh sát giả dạng thường dân ở Hồng Kông bị phát hiện, có mang cả bom xăng, được đánh dấu bằng các que phát sáng giắt trong túi quần. Ở Việt Nam, người ta cũng phát hiện các công an giả thường dân và người biểu tình, được phân biệt bằng nhẫn hoặc chỉ đeo trên tay.
Chỉ duy nhất một điều khác biệt, là giới truyền thông của Hồng Kông vẫn được hoạt động công khai. Các phóng viên và giới săn tin trên mạng xã hội đã không ngại chui tọt vào ngay chỗ người biểu tình đang bị đánh đập và ghi hình để làm chứng cứ. Trên nhiều video, cảnh sát Hồng Kông cũng đã tức giận, có lúc chực đánh, hoặc đã đánh cả người ghi hình và người cứu thương, nhưng vẫn không ngăn cản được. Ở Việt Nam, máy chụp hình, điện thoại ghi hình… tất cả bị coi là vật dụng nguy hiểm cho chế độ, nên chỉ cần đưa lên, công an thường phục lẫn sắc phục đều bu quanh. Nhưng dù vậy, cũng như Hồng Kông, Việt Nam vẫn có đủ các loại hình ảnh mang tính lịch sử, lẫn chứng cứ cho các cuộc đàn áp phi nhân đó.

Tuy xa mà gần, tuy hai quốc gia nhưng chỉ một phương thức đối phó từ nhà cầm quyền.

Người Việt Nam khát khao một tương lai mới, hay người Hồng Kông đã quá đủ kinh nghiệm về cộng sản nên không thể dừng lại, hai nơi chốn cách xa nhau ấy đều chung một cảm nhận: con người mãi là nạn nhân của chế độ độc tài.

Đặc biệt, loại độc tài ấy, rất dễ nhận ra bởi cùng chung một phương thức, cùng khoác chiếc áo “vì nhân dân, vì ổn định”. Mùi vị ấy, thật quen thuộc.