Sunday, November 29, 2020

Về miền Tây


Lúc mới gặp, nó nhìn nhìn một lúc rồi hỏi "Chú ở Sài Gòn tới hả?". Người miền Nam với nhau nhưng nhìn vô một cái áo, nhìn cái túi xách... là dân trong vùng có thể phân biệt được liền, ai ở đâu hay ai là người mới tới, nhất là cái kiểu mang ba lô đi lang thang, ngó ngang ngó ngửa như tôi.

Thiệt tình là mới gặp, nhìn nó cũng hơi ớn. Ngồi kế bên, nó cứ im im,  nhịp chân trong cái quán nước từ sáng đến chiều chỉ có 1,2 người khách. Thỉnh thoảng nó liếc mình, loại quan sát mà lục hết những bài học về body language không hề có chương nào đoán được nó nghĩ gì. 

Mà hơn nữa, nhìn qua thì thấy mình mẩy nó thì xâm nát hết, từ đầu cho tới chân. Ớn chứ sao không.

Dòm vô mấy cái hình xâm đủ thứ của nó, thấy có cái quen quen, mới cười cười hỏi nó "Cái này là hình gì vậy". Nó không thèm nhìn mình, không cười, nói gọn lỏn "Thì là hình tòa án ở Sài Gòn". Trời đất, nghe trả lời mà tản hồn. Thằng này chắc phải vào tù ra khám mới xâm hình kỷ niệm như vậy chớ gì nữa.

Vậy mà lát nữa, mọi suy nghĩ về nó trong tôi thay đổi hoàn toàn. Nó như một bài học về người miền Tây, mà cứ tới gần, chạm vào mới biết.

Chiều đó, rủ nó đi ăn hủ tíu, mới ngạc nhiên khi nghe nó từ chối "Con ăn chay mà chú". Hóa ra nó ăn chay mấy tháng nay, để vái cho bà ngoại mau lành bệnh. Nó nói khi nào ngoại còn bệnh là nó còn ăn chay để cầu cho ngoại. "Nhiều lúc ngán quá, nhưng không dám bỏ chú, bởi vì lỡ vái cho ngoại rồi", nó nhe răng cười. Lúc đó mới thấy thật ra bộ dạng chằng chịt của nó chỉ che con người thiệt, lành như đất.

"Vậy chú với mày ăn chay, kể như cho chú vái ké mày, cho ngoại mau lành", tôi nói vậy. Thằng nhỏ giương mắt nhìn rồi lại cười "Được không chú? Ăn chay không có ngon như ăn mặn đâu nghe". Đi một vòng chợ, xách ba bốn món chay về ăn cơm. "Giống nhà hàng quá chừng đó chú. Mấy tháng nay con ăn chay toàn mì gói không hà, chú chơi sang thiệt". Thì vậy, hỏi sao nó không nhắc mình là ăn chay ngán lắm. 3,4 món đó chưa hết trăm ngàn, không bằng ít tiền lẻ người ta bo ở quán nhậu thành phố.

Tới lúc có vẻ quen biết thêm chút đỉnh, tôi bèn hỏi vì sao mày xâm hình tòa án. Nó giương mắt nhìn, ngạc nhiên "Ủa đẹp mà, cái đó là hình Sài Gòn cổ mà chú?" -  Vậy thì đâu có tù tội gì. Còn chuyện xâm hết mình mẩy là do có cuộc thi tatoo. Một ông Tây hợp tác với nó, xâm nát mình thằng nhỏ để thi, rồi đoạt giải, chỉ vỗ vai nó "thanh kiu" sau đó biến mất với tiền thưởng. Hỏi nó có đi kiếm ông Tây đó đòi tiền không, nó cười "Dạ thôi, có cái hình Sài Gòn cổ là con vui rồi. Chắc ông Tây đó cần tiền mới vậy".

"Chú thấy mày cũng đâu giàu có gì. Chớ mày phục vụ cho quán nước này lương lậu ra sao?" - "Lương gì đâu chú, con học tới lớp 3 hà, giờ đi phụ việc cho con nhiêu thì con lấy nhiêu thôi". Cũng may mà chủ quán thương nó. Từ hồi về làm ở đây có vài tháng mà nó mập lù, quần áo chật hết.

Cho tới khi tôi leo lên xe đò đi tiếp, thằng nhỏ cứ ngồi kề bên. Nó cứ im im, nhịp nhịp chân nhìn ra lộ. Nó là người ở lại. Chắc nó có rất nhiều điều để kể nhưng lại không biết nói gì. Cái im im đó như đời sống của miền Tây Việt Nam. Nơi có hàng ngàn những con lộ như vậy xuyên qua ruộng đồng và ẩn tình xanh mướt. Miền Tây bao la hôm nay vẫn im nhìn cuộc đời đi qua như vậy, cùng văng vẳng tiếng nhạc sến hay cải lương từ đâu đó, như một loại vỏ bọc thanh thản, để giấu kín trong lòng mình những tâm tư bất tận.

BÀI GIÁO KHOA CŨ

BÀI GIÁO KHOA CŨ


Bài học cũ, giản đơn nhưng dạy trẻ con biết hoài niệm, biết nghĩ về những gì đã có. Đọc lại một trang giấy nhỏ, đã cũ, đã bị phế bỏ, mà nghĩ rằng người viết chẳng có chức phận hay quyền hành gì, nhưng họ hành động như một người Việt buộc phải cẩn trọng trách nhiệm với trăm năm sau. Chỉ tự tâm niệm mà cẩn trọng.

Không cần phải có một tôn giáo hay lý tưởng vĩ đại nào, chỉ cần một tấm lòng học làm người, biết thương nhớ mẹ cha, đã là một công dân tử tế trên nước Việt.

"Con không cần phải khấn, vì hồn mẹ lúc nào cũng phảng phất bên con". Thật ra, câu văn chỉ là một lời an ủi. Nhưng cảm động đến có thể rơi nước mắt. Lời dạy còn âm thầm nhắc rằng khi hành động bất kỳ điều gì, đều có một lương tâm truyền đời dõi theo và nhắc nhở. Nếu không có mẹ cha và người đi trước, thế hệ hôm nay dễ dàng trở thành hành động, suy nghĩ vô loài.

Chân thành với giáo dục không khó, nhưng cố gắng tạo dáng vẻ cho giống như giáo dục thì rất khó. Nhiều năm cải cách, gắng gượng thay đổi sách giáo khoa cho thấy một tương lai dân tộc rất mơ hồ: một hệ thống vật vã, gượng gạo tạo ra cái mới - rất giả tạo - bởi mang quá nhiều mặc cảm với cái cũ đã hoàn chỉnh từ một thể chế khác.

Sẽ chẳng ngạc nhiên, khi hôm nay, mọi thứ giả dối đang lên ngôi: Giả trí thức, giả văn bằng, giả học vị... và cuối cùng là giả làm một người yêu nước.

Saturday, November 28, 2020

Học để làm gì

Câu hỏi đó chắc vẫn vang lên, vô thanh trong suy nghĩ  nhiều người, khi trải qua các chặng cứu trợ hay từ thiện, nơi vô số các em nhỏ hay thanh niên nhọc nhằn với cuộc sống hàng ngày của mình, vật lộn với miếng ăn và tai ương ở miền Trung Việt Nam.

Khi ghé qua hỏi han về gia cảnh, nhiều người đã bối rối thú nhận rằng con cái của họ đã bỏ học từ lớp 4 hay lớp 5. Lý do là để phụ giúp gia đình, hoặc nghỉ học vì đến trường, có chữ thêm, không biết để làm gì.

"Phụ giúp", là kiếm ít củi, trông em, sai vặt... nếu giỏi hơn thì có thể nhận việc ở đâu đó, kiếm được chút tiền cho bữa cơm chiều. 

Con đường dẫn ra các vùng Bắc Trung Bộ xa xôi, được biết chuyện có nơi nhiều em nhỏ xin nhận giỏ đeo gạch đi bằng lối mòn đến nơi đang xây dựng trên cao, dài có khi đến 2-3 cây số, để nhận 10.000 đồng một chuyến. Nhưng kinh khủng hơn, ở Đồng Văn, Hà Giang, có chuyện những em cõng hơn 30kg gạch đi vài cây số, chỉ được 2000 đồng/chuyến. Sức chịu các em như vậy, mỗi ngày đi được 3 chuyến.

Nói chuyện với một bà cụ ở làng Húc, Quảng Trị, bà kể cho biết hầu hết cuộc sống của những người trong vùng đều là tự cung tự cấp. Do đó, trẻ con phải tham gia giúp gia đình là đương nhiên. Việc buộc gia đình phải chu cấp cho mình một chút tiền đi học là một điều quá xa xỉ ở những nơi như vậy.

"Như năm nay bão lụt liên tục thì mình làm sao để sống?" -  bà cụ nói - "thì mình đi mượn gạo để ăn rồi năm sau ráng làm để trả lại". 

Nhưng, không hề có nghĩa là năm sau, họ có thể dư dả và trả được, nên khi những món nợ sống còn như vậy chồng chất, 100 ngàn đồng (khoảng 4 USD) để chi phí tiền học cho một năm trở thành điều quá lớn đối với một đứa bé ở đây.

Vậy nên, mỗi khi có chuyến cứu trợ hay từ thiện nào về, giống như ngày hội. Thức ăn, quần áo là niềm vui, những thứ để được tiếp tục học hành lại càng lớn lao hơn. Có những nơi, trẻ em đi cùng người lớn từ 4-5 giờ sáng, háo hức đến chờ nhận chút quà, mà giá chỉ bằng một bữa nhậu con ở đô thị.

Một gia đình nghèo khó ở Quảng Bình, ở nơi chịu các trận bão lụt vừa rồi, có lúc nước dâng cao đến 4 mét, được mọi người trong vùng giới thiệu, kể rằng đó là một gia cảnh nghèo khó nhất: nhà chỉ 3 mẹ con, bà mẹ bị tai biến, hai đứa con gái thì còn nhỏ, đang đi học. Nghe hướng dẫn của cán bộ trong làng, họ đi xin trợ cấp hộ nghèo, nhưng rồi sau 3 năm, việc giúp đỡ hộ nghèo cũng bị cắt, bởi cán bộ xác định là gia đình này "vẫn cứ nghèo hoài", nên không được giúp nữa. Khi hỏi thêm mới hay, nguồn trợ cấp này bị xà xẻo theo kiểu nào đó, mà mỗi năm, họ chỉ nhận được có 200 ngàn đồng vào dịp tết âm lịch. Đứa con gái lớn, nhận được giấy báo trúng tuyển 2 trường đại học, nhưng rồi phải từ bỏ ước mơ và nghĩ đến chuyện đi làm công kiếm sống.

Chắc rằng, tôi hay các bạn, ai cũng sẽ trĩu nặng những suy nghĩ riêng, khi đối diện với những câu chuyện như vậy, mặc dù vẫn phải cười.

Những hình ảnh và video của anh chị em trong nhóm thiện nguyên Có Mặt Cho Nhau góp gửi về, cho thấy người đi đến nơi trao thật khó nhọc, nhưng để đi đến nhận lấy, cũng không kém. Có những đứa trẻ vừa nhận được phần của mình, đã mở vội những những quyển tập và quà trong chương trình Triệu Quyển Tập Cho Em, xuýt xoa với giấy trắng mà thương.

Con đường dài từ Huế đến Quảng Trị, Quảng Bình... là những dữ liệu dồn nén cho câu hỏi những đứa trẻ Việt Nam học để làm gì? Ngay cả ở những giáo xứ Công giáo tử tế, trẻ em được khuyến khích học đến hết cấp 2 hoặc cấp 3, mọi thứ lại tiếp tục bế tắc ở mức độ cao hơn: chúng làm gì có đủ tiền để ra thành phố lớn học đại học? 

Ở các thành phố lớn, nơi con cái của những gia đình đầy đủ vẫn phải đang kêu gào và vật vã về chuyện sách giáo dục cứ đầy đoạ tinh thần trẻ em, thì vạn nơi khó khăn tiếp cận với con chữ như vậy, những đứa trẻ khác sẽ học như thế nào?

Dĩ nhiên, hỏi chỉ là một cách để tự vấn lương tâm về sự bất lực của những đứa trẻ và của chính bản thân mình trước một thế giới đẹp đẽ nhưng đầy ảo ảnh. Chắc rồi ai cũng sẽ có câu trả lời riêng cho bản thân mình. Nhất là khi nhìn vào thế giới sống của chúng ta - nơi đầy những câu chuyện như quan chức dùng tiền bằng cả những ngôi trường lớn hay khu nhà cứu nạn để mua quốc tịch nước ngoài cho bản thân mình - họ im lặng đào thoát khỏi một quê hương nghèo khó, nơi bị giới cầm quyền - bạn bè của họ - rất ung dung chi xài sai, thâm lạm đến hơn 55 ngàn tỷ đồng/năm từ tiền thuế.

Và ngay cả những người dù không ra đi nhưng nhà cao cửa rộng bất thường, dù được trang trí với nhiều bằng cấp hay chức vụ, nhưng trong những giờ phút riêng tư, chắc họ cũng mỉm cười và nói với nhau rằng "học để làm gì".







Tuesday, November 3, 2020

Mệ


Buổi sáng 1-11-2020, chuyến xe từ thiện lần mò đến được Ba Lòng, Dakrong, Quảng Trị. Con đường lầy lội, đôi lúc dừng lại bởi những đoạn sạt lún đỏ ngòm. Hai bên là núi và lũng sâu. Đây là một trong những nơi khốn khó nhất với người dân, vì nước lụt vẫn bất thần đến từ thủy điện và mưa, sạt lở đổ xuống từ trên cao, rồi đến bùn nhầy vây chặt các lối vào. Dân kể rằng trong hai tuần của tháng 10, họ chịu đến sáu lần lụt lội, mọi thứ trôi và chết theo nước nên giờ chỉ còn biết khoanh tay chờ cứu trợ đến hết năm, vì bao nhiêu thứ làm ra, dành dụm được từ đầu năm đến nay đã trôi tuột. Thậm chí thóc ngâm nước, ngậm sình khi gom lại được, gà vịt cũng không buồn ngó đến.

Lướt qua trong khung hình camera của tôi là những gương mặt sạm nắng núi. Khó nhọc ở nơi đó khiến người Kinh và người dân tộc Vân Kiều chỉ còn khác nhau một chút ở trang phục. Nụ cười của họ cũng giống nhau: chất phác và chịu đựng. Ngoài người Vân Kiều, ở đây còn có Pa Kô, Tà Ôi, Pa Hy, K’Tu… Các sắc tộc thiểu số ở đây đều nghèo và rất nghèo. Cuộc sống của họ là tự cung tự cấp, phần lớn học vấn cũng không qua tiểu học.

Trong đám đông xôn xao tụ họp ở sân trường chờ phát phiếu, gọi tên nhận quà từ thiện, tôi nhận thấy có một bà cụ ngồi lặng lẽ, kéo điếu thuốc kiểu Cẩm Lệ nhả khói chầm chậm với ánh mắt quan sát, như giễu cợt. Mọi người ở đó ai cũng biết mệ. Ắt mệ là một người nổi tiếng hay quen thuộc trong làng. Ghé lại hỏi thăm mệ đã nhận quà chưa, mệ nheo mắt, cười nửa miệng “mất phiếu phát quà rồi, không biết có được cho không”.

Mệ là cách gọi phổ biến ở miền Trung. Mệ có nghĩa là mẹ, là bu. Nhưng nhích vào phía Thừa Thiên Huế, thì mệ ở đây còn có nghĩa là “bà” theo cách gọi kính trọng con gái (con trai) dòng dõi vua trong triều đình nhà Nguyễn. Phong thái ung dung của mệ, làm tôi cứ liên tưởng đến một mệ hoàng tộc nào đó, lưu lạc đến tận nơi này. Đành phải vấy bùn nhưng không dứt được cội nguồn sang trọng thời son sắc.

Cũng có vài trường hợp những người đến nhận quà từ thiện nhưng bị mất phiếu. Ai nấy cũng đều khẩn khoản và lo lắng. Thế nhưng chữ “mất” nói ra trên khóe môi của mệ, nghe thoảng qua như làn khói thuốc.

Mất, là một động từ quen thuộc của những người miền Trung chịu bão lụt hàng năm. Thậm chí mất là một biến động trong đời có thể pha trộn cả sợ hãi và buồn bã. Vậy mà mệ nói với vẻ nhẹ nhàng, như chừng mất nữa, và có mất thêm nữa, thì có sao đâu.

Mệ có một phong thái đầy uy lực khác thường. Không cầu xin, không vội vã. Cười nhẹ và thản nhiên. Sự ung dung của mệ cũng khiến mấy chị mấy cô chung quanh sốt ruột giùm, lao xao nói để làm chứng cho vụ mất phiếu nhận quà của mệ. Buổi sáng phát quà trôi qua dưới trời lâm râm mưa, âm u không nắng. Những người cuối cùng cũng ra về. Tôi để ý tìm xem mệ có nhận được quà chưa thì thấy mệ cũng lững thững ra về, vai khoác túi quà. Miệng vẫn bập điếu thuốc rê hờ hững trên môi. Nhác thấy tôi nhìn, mệ cười (cũng kiểu cười rất “mệ” ấy) và gật đầu, ra dấu cám ơn. Mệ làm động tác như hỏi tôi có hút thuốc không, chắc muốn mời tôi một hơi Cẩm Lệ chăng. Thấy tôi từ chối và chào, mệ lại cười và quay lưng chậm rãi đi.

Chúng tôi lại chạy lui ra, vội vàng, để tránh việc nhà máy thủy điện gần đó có thể xả lũ bất cứ lúc nào, do dự báo mưa lớn ập đến. Chạy dọc những ngôi nhà xiêu vẹo, dọc theo các bãi bờ đã ngập bùn, người đi chung chỉ cho tôi thấy những dấu bùn còn bám lại trên những thân tre cao, tức dấu nước đã dâng ghi lại thành mốc: có nơi cao cả ba mét. Tôi tự hỏi những người như mệ sẽ làm thế nào vào những lúc như vậy. Giữ được một phong thái an nhiên ở vùng đất mờ sương, sạt lở, nước nối trời bất định kỳ, ắt hẳn, những người phụ nữ như mệ đã coi sống chết như lẽ vô thường, chấp nhận và tồn tại theo định mệnh cộng thêm một chút vui buồn làm gia vị mà thôi.

Nhìn qua ô kính, lướt qua các lũng sâu, tôi lại nghĩ đến hàng ngàn phụ nữ Việt Nam đi lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan, hay dứt áo ra đi xuống các đô thị lớn để kiếm sống, tự giam mình trong các căn nhà trọ nóng nực, nhỏ hẹp để tìm một “tương lai”, chỉ mong là có một cuộc sống khác bớt khắc khổ hơn với nơi nông thôn họ đang sống. Mỗi người có một giấc mơ của mình, có những khát vọng nhỏ bé… mà đôi khi khởi đầu chỉ bằng một căn phòng có nhà vệ sinh đúng nghĩa. Những cuộc đời Việt Nam mang theo giấc mộng con hiền lành, chịu nhiều phán xét nhưng chắc gì đã toại.

Mệ ngày xưa chắc là một phụ nữ đẹp, khối thằng đàn ông chắc đã mê mệt chạy theo mệ ấy chứ. Nhưng rồi mệ đã lỡ chuyến tàu định mệnh nào đó của mình, nên giờ chỉ nhẹ nhàng cười nửa miệng và chấp nhận những buổi chiều heo hút ngập sương mù bao phủ cả dãy Trường Sơn đến cuối đời.

Có bao nhiêu phụ nữ như mệ, đành lặng lẽ và cô đơn trong cuộc đời Việt Nam của mình như vậy, một Việt Nam rực rỡ đèn màu phố thị dễ làm quên bóng tối sâu hút ở các vùng quê. Câu hỏi đó, hiu hắt cả giấc ngủ mệt nhoài của tôi, và dù tỉnh dậy, tôi biết chắc rằng mình cũng sẽ khó mà tìm thấy được một lời đáp.

—————-

Khác với những tộc khác, người Vân Kiều có đến hơn 90% lấy họ Hồ, mà theo lời kể từ lịch sử đảng Cộng sản, thì để tỏ lòng biết ơn và kính trọng ông Hồ Chí Minh nên người Vân Kiều, Pa Kô đều lấy họ Hồ. Nhưng chiều dài khác của lịch sử thì ghi rằng, trước khi bước sang Kinh hóa họ tên của mình theo giấy tờ, người Vân Kiều thường có họ là Arâl, Târnau, Kê, Pata, Plo, Prung… dựa trên sự vật, cây cỏ, con thú… Sau khi được chiêu mộ làm bộ đội Bắc Việt, một người Vân Kiều tên là A Vai được phong danh hiệu anh hùng, và được ông Hồ Chí Minh ban cho họ của mình, được gọi là Hồ A Vai. Anh A Vai khi quay trở về làng của mình và cũng vận động tất cả dân làng lấy họ của ông Hồ Chí Minh.

Năm 1946, trước khi chuẩn bị cho Tổng tuyển cử, từ chiến khu Việt Bắc, ông Hồ Chí Minh cử đoàn cán bộ vào thăm hỏi đồng bào hai dân tộc Pa Kô, Vân Kiều ở mặt trận phía Tây Trị Thiên, mang theo nhiều bức hình của ông tặng các bản, tặng nhiều áo lụa cho các già làng, thuyết phục tộc này đi theo đảng Cộng sản. Nghe lời cán bộ, các già làng đã tổ chức đâm trâu, đồng ý đổi họ Kinh là Hồ để ghi tên trong thẻ cử tri, cho việc tổng tuyển cử. Đó là tháng 6-1946. Hiện chỉ còn có vài phần trăm người Pa Kô, Vân Kiều ở Đông Trường Sơn là còn giữ họ gốc theo truyền thống của mình. Nhưng cùng với những người cùng sắc tộc của mình đã đổi họ theo Kinh, tất cả đều nghèo khó.

Monday, November 2, 2020

Ngày nắng vẫn lên (Ký sự vùng lũ 2020)

Đầu giờ chiều ngày cuối tháng 10, mưa như trút nước khi đoàn xe từ thiện băng qua những cánh đồng ngập trắng của Quảng Bình. Trời mù che tầm nhìn, nhạt nhòa hòa không gian mênh mông những cánh ruộng phủ nước, mưa trắng xóa bốn phía. Xe chạy vào vùng của Giáo xứ Cồn Sẻ, một trong những nơi mà người dẫn đường nói là có ngày, dân phải ngủ đứng trong nước...

Cổng làng bằng xi măng, sừng sững nhoi lên giữa bốn bề lặng lẽ, với dòng chữ "Toàn dân đoàn kết xây dựng quê hương giàu đẹp". Cồn Sẻ là một nơi bùng lên nhiều thông tin vào năm 2016, được người dân cả nước quan tâm, liên quan chuyện Formosa xả thải ra biển làm hàng triệu người dân ven biển miền Trung điêu đứng. Cồn Sẻ thuộc một trong năm cồn, đảo nhỏ trên vùng hạ lưu Sông Gianh (tỉnh Quảng Bình), xứ đạo Cồn Sẻ với gần 4.000 giáo dân, được bao bọc chung quanh là sông nước, nên ngày thường thì thơ mộng, nhưng khi mưa to gió lớn thì lãnh đủ tai ương.
Dân Cồn Sẻ cũng như mọi người dân ở các miền xa của Bắc Trung Bộ. Họ hiền lành, dễ gần và cũng khốn khó cả đời với làng quê của mình. Khi thấy bóng đoàn xe vừa đến, từng người rụt rè đi vào, thêm hai, ba người nữa. Rồi nhanh chóng là cả nhóm cùng vào. Ai ấy đều ướt và trên tay cầm sẵn một túi nylon to, có thể nhận được gạo và mọi thứ khác. Hình ảnh đáng mến, là đoàn xe cứu trợ của thầy trò chùa Từ Hiếu, quận 8, Sài Gòn đi từ Nam vào đã được Thánh đường Franxicô Xaviê của Giáo xứ Cồn Sẻ cho mượn chỗ để giúp phát quà cho mấy trăm dân đang cùng cực qua mấy lần bão tố lụt lội. Hòa đồng tôn giáo là đây.
Trong khốn khó, con người Việt tìm thấy nhau giản đơn không cần bất cứ lý lẽ nào, quyền lợi nào ngoài hiệu lệnh của tình thương. Một phụ nữ được coi là khó khăn nhất trong số người dân đến nhận quà, được các chị các bà trong làng giới thiệu ra ngồi riêng, để chị nói thêm cho biết tình cảnh của chị. Thầy Thích Thiện Hùng chăm chú nghe, rồi hỏi "chị là tôn giáo nào, Phật giáo hay Công giáo?".
Thoạt đầu chị hơi ngập ngừng, với tâm lý rằng nếu đoàn Phật giáo đang giúp, e rằng sự khác biệt tín ngưỡng thì có thể gặp trắc trở. Nhưng rồi chị cũng nói nhỏ mình là giáo dân. Thầy Thích Thiện Hùng cười, trao cho chị phần quà phụ thêm, nói rằng "là người Công giáo, thì hãy tin và cầu nguyện với Chúa Jesus, với Mẹ Maria. Khổ nạn nào đến rồi cũng đi qua. Chỉ cần chị giữ lòng tin vào điều lành và ơn trên".
Gương mặt của người phụ nữ ấy có gì đó giống như nụ cười. Nhưng cũng không biết phải là nụ cười hay không. Bệnh tật thể xác và khó khăn đời sống kéo dài quá lâu, khiến ngay khi có chút niềm vui, cũng không thể nhận ra được là chị sẽ giữ lại được bao lâu chút cảm giác ấy.
Tôi dặn anh em trong đoàn rằng chúng ta đi giúp đồng bào, chứ không phải là kẻ ban phát, nên hãy cảm ơn người đã nhận những gì chúng ta mang đến. Vì ngoài tấm lòng, chúng ta còn chuyển giúp của cải của người dân ở mọi nơi trong nước, cũng như của anh chị em cô bác ở Pháp, Mỹ, Úc... đến cho mọi người. "Cảm ơn cô", "cảm ơn cụ"... vang lên ở những nơi người dân bước ra. Có thể thấy rõ nhiều người đến nhận, có cả ngại ngần và có thể có cả mặc cảm. Nhưng khi được cảm ơn, họ nở nụ cười, thoạt đầu có chút ngượng nghịu nhưng rồi nhanh chóng gần gũi và đứng lại nắm tay nói huyên thuyên đủ chuyện. "Các bác ở miền Nam hiền quá, cho quà còn cám ơn", một bác đội nón lá, mặc áo mưa, hai tay xách quà, chân đi khập khiễng đứng lại nói. "Vui lắm, dân ở đây nhận tin được quà, hẹn nhau đi vui lắm". Một cô khác thì ghé vào nói, nhìn và giơ tay vẫy trước máy ghi hình.
Khi ấy, trời vẫn mù đen, mưa vẫn rơi nặng hạt. Vẫn có thêm những người đạp xe đến trễ, đứng trước cửa ngóng vào, ngại ngùng. Khi được mời vào thì mừng, gác chống xe đi vào ngay. Xứ quê gọi là nghèo nhưng có vẻ chuyện trộm cắp trong làng, trong xứ đạo không nhiều nên ai nấy tự nhiên, không đề phòng gì cả.
Phần quà mang đến cho mỗi người dân là gạo, mì gói, cá hộp, xúc xích ăn liền, bánh mì chà bông, quần áo hay mền... cùng 500 ngàn đồng. Không là bao nhiêu với cuộc sống tiêu thụ ở các thành phố lớn nhưng lại là quà thiết yếu ở nông thôn. Bên cạnh đó, có những nhóm quan sát "bí mật" luôn tìm kiếm các trường hợp đặc biệt khó khăn để mời riêng ra, nghe họ nói thêm về hoàn cảnh để giúp sức thêm.
"500 ngàn đồng thì bác dùng được trong mấy ngày?", một phụ nữ vẻ không khắc khổ lắm bật cười khi được hỏi, làm mấy người đứng chung quanh cười theo.
"Cả mấy tuần ấy, gì mà dùng nhanh thế". Mọi người lại bật cười hồn nhiên. "Vậy một tháng thì một gia đình cần cho sinh hoạt ở đây là bao nhiêu? Năm triệu không bác ơi?". "Không đâu, tầm hai triệu cả nhà là đủ". Cảm đám nhao nhao đồng ý, rồi lại cười. Thương ghê.
Hai triệu đồng, có thể là một bữa ăn ở Sài Gòn hay một buổi karaoke ở Hà Nội. Nhưng hai triệu ở những mái nhà nhỏ, quanh co những con đường hiu hắt về đêm của hàng triệu người Việt khắp mọi nơi trên đất nước, là có nghĩa không nhọc nhằn.
Bà cụ mà tôi gặp trước đó ở Quảng Trị, dùng một ống tuýp phơi đồ làm gậy chống, ngồi ngóng tên mình nhận quà đã bàng hoàng khi tôi nhét vào tay cụ 500 ngàn đồng. Cụ hơn 80 tuổi, sống một mình trong làng và ai cho gì ăn nấy. Mấy ngày Dương Lệ Đông nước ngập lạnh ngắt, cao đến 1m6, cụ chỉ biết ôm thùng nhựa để trôi, ai kéo đi đâu thì đi. Ngâm nước nhiều đến mức da chân của cụ giống như bị chảy ra, vằn vện khi khô. Khi nhận được tiền, cụ vội nhét vào cạp quần rồi lập cập đứng lên đi chỗ khác. Thoạt đầu tôi ngạc nhiên vì không hiểu mình có làm gì cho cụ phật lòng không. Sau đó, một người ở địa phương mới giải thích rằng cụ nhận được tiền nhiều nên sợ bị để ý, sợ có ai đó thấy sẽ trộm hay giật của cụ, nên cụ phải đi ngay.
Chuyến đi do hòa thượng Thích Nguyên Lý và Thích Thiện Minh từ Sài Gòn qua năm tỉnh miền Trung, với hơn 2.500 phần quà từ thiện chỉ như là muối bỏ biển với khó khăn của người dân bị nạn. Nhưng trên đường đi ra, nhìn thấy những đoàn xe của mọi nơi treo bảng vì miền Trung đang cấp tập đi vào mới thấy ấm lòng, rằng dù như thế nào, dù ít dù nhiều, người vẫn luôn tìm đến nhau qua tiếng gọi đồng bào.
Đọc bản tin cô ca sĩ Thủy Tiên tặng tiền cho dân ở Quảng Bình, nghe chính quyền xã nói dân tự nguyện nộp lại, tổng cộng đến mấy trăm triệu mà ứa bước mắt. Đứng ở giữa trời đất mưa gió âm u, đứng ở nơi những bàn chân cong veo vì không có cơ hội khô ráo ấy, đứng ở đám đông nhẫn nại chịu đựng cả quái ác của thiên nhiên và sự cường bạo của con người, mới hiểu những loại "tự nguyện" ấy là không có thật. Đau đớn lắm, bị oằn xéo lắm thì người dân mới rứt ruột "tự nguyện" như vậy.
Trong suốt những ngày chỉ có nước, mây đen, gió lạnh ngắt... Thỉnh thoảng nắng vẫn hé lên bất chợt. Giây phút ấy đẹp lạ thường. Đẹp không ngôn từ nào tả nổi. Những ngày ở miền Trung, tháng 10-2020, tôi được chứng kiến những tia nắng như vậy. Nó đẹp như buổi những người Công giáo và Phật giáo góp tay nhau bằng mật ngữ yêu thương. Đẹp trong nụ cười của những người dân Việt không quen biết, rực rỡ trong niềm vui và sự biết ơn của chúng tôi. Nắng sẽ phải lên, nhiều hơn và tỏa sáng hơn nữa trên quê hương đầy mây mù của chúng ta.
Tôi luôn tin như vậy.