Wednesday, September 28, 2022

Luật sư Võ An Đôn bị chận xuất cảnh đến Mỹ định cư

Tin từ sân bay Tân Sơn Nhất cho biết, đêm ngày 27 Tháng Chín, gia đình của luật sư Võ An Đôn khi đang chuẩn bị đi qua cửa hải quan để lên máy bay cho chuyến định cư tại New York, Hoa Kỳ, đã đột ngột bị nhân viên an ninh giữ lại. Phía an ninh đưa gia đình của luật sư Võ An Đôn vào phòng chờ và ít lâu sau, thông báo rằng ông Đôn không được xuất cảnh. Khi luật sư Đôn chất vấn lý do và yêu cầu có biên bản thì an ninh đưa ra biên bản số 1375/BBTHXC-TSN, vì “lý do an ninh”.

Sự việc diễn ra khá nhanh vì lúc hơn 19g tối, ông Đôn còn đưa hình ảnh gia đình đã gửi xong hành lý và chuẩn bị qua hải quan, với lời nhắn cho bạn bè “Gia đình tôi chuẩn bị lên máy bay đi Mỹ định cư, khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất đến bang New York. Xin chào tạm biệt anh, chị, em trong nước và hẹn gặp lại”. Hồ sơ xuất cảnh đứng tên luật sư Võ An Đôn, nên việc dừng ông Đôn, cũng khiến cả gia đình phải cùng ở lại.

Thế nhưng trong biên bản làm việc với công an hải quan, có ghi rằng “mọi việc kết thúc lúc 21g49 phút cùng ngày”. Điều này cho thấy công an đã theo dõi và chuẩn bị mọi thứ cho kế hoạch ngăn chặn chuyến đi định cư của gia đình ông Võ An Đôn, cùng vợ và ba đứa con nhỏ.

Như mọi trường hợp ngăn chặn không cho xuất cảnh rất quen thuộc của công an Việt Nam, văn bản xác nhận việc không cho gia đình ông Võ An Đôn lên chuyến bay EK393 của hãng hàng không Emirates vào lúc 23g55 phút chỉ nói ngắn gọn là dựa theo Điều 36 của Luật 49/2019/QH14, quy định về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh. Theo biên bản thì dường như cả gia đình ông Đôn vẫn còn giữ được sổ thông hành chứ không bị tịch thu.

Vào lúc 2g sáng ngày 28 Tháng Chín, ông Đôn có nhắn cho những người quan tâm, qua Facebook là “Gia đình tôi bị hoãn xuất cảnh: Sau khi làm xong thủ tục ký gởi hàng hoá, khi qua cổng an ninh sân bay Tân Sơn Nhất gia đình tôi bị công an cửa khẩu chặn lại không cho xuất cảnh vì lý do an ninh, theo đề nghị của công an tỉnh Phú Yên. Gia đình tôi đành phải trở về nhà khi cơn bão Noru đang ập đến”.

Facebook của ông Võ An Đôn cũng đăng hình ảnh cho thấy ba đứa con nhỏ của ông đang ngủ vật vạ tại ghế chờ ở sân bay, trong khi ông đi lấy lại hành lý đã gửi hãng hàng không Emirates, để quay lại Phú Yên.

Theo kinh nghiệm của các trường hợp như luật sư Võ An Đôn, thì dù cho giấy tờ đầy đủ, hợp lệ, chuyện làm khó của an ninh Việt Nam thường có thể khiến việc ra đi bị chậm lại từ sáu tháng cho tới hai năm.

Võ An Đôn (sinh năm 1977) là cái tên quen thuộc trong ngành luật. Chỉ một thời gian ngắn hoạt động nhưng ông đã để lại một dấu ấn đặc biệt về việc dám đối đầu với cơ quan công an và hệ thống chính trị Việt Nam bằng chính luật pháp đã ban hành. Năm 2014, ông gây chấn động giới luật sư bào chữa khi thắng kiện vụ năm công an ở Phú Yên nhục hình làm chết công dân Ngô Thanh Kiều. Sau vụ án đó, Võ An Đôn được người dân yêu mến nhưng đồng thời cũng khiến ông trở thành đích ngắm của những âm mưu trừng phạt vì ông dám bày ra hình ảnh công an bạo lực khắp cả nước.

Năm 2015, ba gia đình ngư dân ở Bình Thuận là Trần Thị Lụa, Trần Thị Thanh Loan và Trần Thị Phúc dùng thuyền cá của gia đình vượt biên đến Úc bị trả về. Dù đã có cam kết giữa Úc và Việt Nam rằng những người này sẽ không bị trừng phạt khi trở về nguyên quán thế nhưng ngay khi đặt chân về nước, công an đã kết án những người này nhiều năm tù.

Ông Hồ Trung Lợi (chồng bà Loan) cũng tố cáo rằng trong thời gian bị giam giữ, ông bị đánh đập đến mức tàn tật một chân. Luật sư Võ An Đôn tham gia vụ án này để bảo vệ những người dân bị tù, đồng thời là người yểm trợ pháp lý cho họ trong lần vượt biên kế tiếp đến Úc. Nói với báo chí Úc, bà Lụa khẳng định “thà bị bắn chết” còn hơn là bị trả về Việt Nam lần nữa. Còn tất cả những người còn lại thì thề nếu bị đưa về Việt Nam để chịu tù đày tra tấn nữa thì họ sẽ nhảy xuống biển chết tất cả chứ không chọn sống với cộng sản.

Sự kiện những người dân vượt biển tìm tự do này đã trở thành tai tiếng tầm quốc tế đối với chính phủ Úc, khiến họ phải đồng ý không trục xuất những người này quay trở lại Việt Nam. Tháng Bảy 2022, Cao ủy Tị nạn Liên hợp quốc đã cấp quy chế tị nạn cho những người này, cả ba gia đình tổng cộng 20 người, qua Canada định cư. Đây cũng là nỗ lực kéo dài từ năm 2016 của bà giáo sư người Úc Shira Sebban, để cứu giúp các gia đình này. Bà Shira Sebban cũng là người đứng ra nhận cấp dưỡng cho những đứa trẻ trong ba gia đình, cho đến khi cha mẹ chúng hết án, ra tù ở Bình Thuận.

Võ An Đôn là người có câu nói nổi tiếng: “Ở Việt Nam, các luật sư chỉ có thể chạy án chứ không có thể thực hành luật pháp đúng nghĩa”. Ông cũng là một trong những người đầu tiên công khai nói rõ khái niệm “án bỏ túi” với giới truyền thông bên ngoài, trong các vụ xử chính trị.

Năm 2018, ông Võ An Đôn bị rút giấy phép hành nghề luật sư. Sự kiện bức ép này đã khiến hơn 100 chữ ký của các luật sư cả nước yêu cầu trả lại quyền hành nghề cho ông Võ An Đôn, nhưng rồi tất cả cũng bị ỉm đi ngay sau đó.


Monday, September 26, 2022

Chuyện không có điện cho một tiếng hát

Ca sĩ Quang Thành, người đại diện cho ca sĩ Khánh Ly im lặng một chút khi nghe yêu cầu về cuộc phỏng vấn nhanh vào tối 25 Tháng Chín, sau đó anh nói “mọi chuyện rất rối, và cô Khánh Ly chỉ có thể nói về chuyện này sau ngày 28 Tháng Chín”. Đó là ngày mà bà Khánh Ly đi về Mỹ và nghỉ ngơi, chuẩn bị cho tour diễn ở Châu Âu. Ngày 28 là ngày mà bà rời khỏi hẳn Việt Nam, không biết khi nào quay lại.

Chương trình của ca sĩ Khánh Ly có tên là Nhớ mùa thu Hà Nội, ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được viết vào năm 1985. Nhưng số phận ca khúc đó cũng long đong không kém show diễn tổ chức tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Một vài năm sau khi ca khúc Nhớ mùa thu Hà Nội được đón nhận rầm rộ trên mặt truyền thông, như là một  sáng tác góp vào nền văn hóa mới của chế độ mới, nhưng bài hát cũng bắt đầu bị soi chiếu và thậm chí bị phản ứng khi đưa vào các chương trình truyền hình. Đến năm 2017, nhạc sĩ Đoàn Bổng, trưởng phòng ca nhạc Đài Truyền hình Việt Nam từng tiết lộ là bài Nhớ mùa thu Hà Nội Tân luôn bị dằn xuống bàn, soi chiếu từng câu chữ.

“Không ít có ý kiến cho rằng ca khúc có những ca từ nhạy cảm: “…Hà Nội mùa thu đi giữa mọi người, lòng như thầm hỏi, tôi đang nhớ ai, sẽ có một ngày trời thu Hà Nội trả lời cho tôi, sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi… Mùa thu Hà Nội tượng trưng cho mùa thu cách mạng. Vậy nói mùa thu Hà Nội trả lời là trả lời cái gì? Nếu một số ca khúc trước đây bị cấm vì có ca từ nhạy cảm, thì sao ca khúc này không bị cấm?”, ông Đoàn Bổng tiết lộ.

Bài hát hay con người của một nền văn hóa của miền Nam trước 1975, vẫn luôn bị xét lại như vậy vào bất kỳ lúc nào. Có thể là công khai, hoặc thầm lặng trong nội bộ của những người có quyền.

Chương trình Nhớ Mùa Thu Hà Nội của Ca sĩ Khánh Ly đã hoàn toàn không thể cất tiếng ở giữa lòng thủ đô nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong cuộc đối thoại với bà Hoài Oanh, người tổ chức chương trình đêm nhạc bị cắt điện, không có một thông điệp nào cho thấy rằng cuộc dàn dựng tốn kém đến 1,6 tỷ đồng này sẽ tổ chức lại vào một tháng nào đó, thậm chí là làm lại chương trình Nhớ Mùa Thu Hà Nội vào mùa thu năm sau.    

Cũng trong cuộc trò chuyện này, tất cả những bất cập được nhận ra không chỉ có một lần cúp điện, mà khởi sự từ rất nhiều vụ, quanh cái tên Trịnh Công Sơn và Khánh Ly. Bà Hoài Anh nói vào buổi tối, trước ngày diễn, bà nhận được một tin nhắn qua zalo của các nhân vật của nhà hát, đơn giản nói là ngừng vì “cúp điện” và hứa lát nữa sẽ có văn bản gửi chính thức. Vào lúc 19g10 phút, một văn bản ngắn gọn gửi tới, nói về chuyện “khó khăn chung” của việc cúp điện lúc 21g - ngay vào ngày đã có lịch diễn.  Sau khi đọc thấy câu đề nghị “lùi lịch diễn sang thời gian phù hợp”, những người trong ban tổ chức đã thay phiên nhau gọi cho tất cả các quan chức của Nhà hát lớn, cũng như những người có trách nhiệm trong Sở văn hóa tại Hà Nội, nhưng điều kỳ lạ là điện thoại của của tất cả những nhân vật có trách nhiệm, như đều bị cùng cúp điện.

“Em rất sốc, nếu như thực sự chương trình của chị Khánh Ly có vấn đề gì thì từ đầu đừng cấp phép. Đằng này mọi thứ diễn ra êm thắm, nhưng rồi lại có chuyện xảy ra, mà em phải nói là lãng xẹt”, bà Hoài Oanh nói.  

Báo chí ngay trong đêm 23 Tháng Chín cũng biết chuyện và các phóng viên đổ xô đến để ghi lại câu chuyện quái đản này. Có thể thấy rõ là trên văn phong, nhiều phóng viên cũng bất bình thay cho ban tổ chức và đặt những câu hỏi như “ai sẽ chịu trách nhiệm cho chuyện này?”. Nhưng chỉ trong một ngày, qua đến sáng ngày 25, thì toàn bộ tất cả những nội dung liên quan đến chương trình Nhớ Mùa Thu Hà Nội bị lột sạch trên tất cả các trang web báo chí Nhà Nước. Cuối cùng chỉ còn là những lời chỉ trích kịch liệt ở lên trên các trang mạng của những người Việt bình thường, nơi không có các vị tổng biên tập.  

Đây có thể gọi là lần thứ cúp điện thứ ba, liên quan show diễn, vì đường dây tin tức của toàn bộ báo chí cũng bị cúp điện theo. Không còn một tín hiệu nào cho thấy họ có thêm ý kiến gì. Mọi thứ tối đen như căn nhà tranh của Ngô Tất Tố.

Thật ra, hành trình để gặp khán giả xuyên Việt Nam của Ca sĩ Khánh Ly đã không trơn tru từ lúc bắt đầu. khởi đầu với bài Gia Tài Của Mẹ ở Đà Lạt và sau đó là dẫn lần lượt là những show bị hủy điều có những trục trặc mơ hồ, tương tự như câu kết trong công văn “những trường hợp bất khả kháng mà chúng ta đều không mong muốn”.

Dĩ nhiên, nếu vì lý do đột ngột “kiểm tra thiết bị điện cao thế” của Nhà hát lớn, những người quản lý nhà hát vẫn có thể du di được thêm 24 tiếng đồng hồ; nhưng bất khả kháng lệnh của ai đó, thì lại là chuyện khác. Với câu hỏi trực tiếp “Liệu đây là tình trạng của hệ thống hay là của một cá nhân không ưa thích ca sĩ Khánh Ly?”, bà Hoài Oanh trả lời rằng “Em tin rằng chỉ là một vài người, một vài cá nhân tác động vào thôi ạ”.

Những người tổ chức chương trình cho ca sĩ Khánh Ly, là những người lớn lên trong nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam hôm nay. Họ hoàn toàn ý thức được lằn ranh mong manh của họ, giữa việc làm nghệ thuật và xung quanh là một bầu không khí chính trị với những ánh mắt sát thương nhìn từ bóng tối. Thế nhưng với niềm tin là cứ làm đúng theo pháp luật, thì họ có thể vững bước và làm được những điều mình muốn. Theo suy nghĩ của ban tổ chức, là khán giả Hà Nội hôm nay sẽ có dịp thưởng thức tiếng hát của một ca sĩ nổi tiếng của  miền Nam bằng xương bằng thịt, chứ không phải qua những ký ức về cassette tape mở khe khẽ trong thời chiến tranh. Vì vậy trong số khách mời của show diễn, có nhiều quan chức ở phía Bắc cũng hẹn đến tham dự. Đùng một cái, suốt cả đêm 23 qua đến 24 Tháng Chín, các thành viên ban tổ chức đã phải thay nhau hối hả gọi điện cáo lỗi với tất cả những người đã có vé, trong đó có những quan chức – mà có không ít người đã bày tỏ sự sửng sốt vì thủ đoạn “cúp điện” rất trẻ con này.

Thế nhưng từ miền Nam, không phải ai cũng tin rằng đây là chuyện của một vài cá nhân đối với bà Khánh Ly. Từ khi về Việt Nam biểu diễn từ năm 2014, ca sĩ Khánh Ly chưa lần nào được chính thức vào trung tâm Sài Gòn để trình diễn, vì những lời thề "quyết tâm" đầy tính tập thể, giữ không cho Khánh Ly được hội ngộ với vùng đất lịch sử và con người mà bà đã thành danh.

Có thể có những người đầy quyền lực không thích bà Khánh Ly, không mệt mỏi tác động hết nơi này nơi nọ để ngăn cản hay làm khó chương trình biểu diễn của bà, nhưng chắc chắn sẽ phải là một tập thể mới có thể tác động một cách đồng bộ từ nhiều tỉnh thành và “cúp điện” luôn cả báo chí như trong trường hợp ở Nhà hát lớn Hà Nội. Tư tưởng chống việc trở lại của Khánh Ly - hay của bất kỳ văn nghệ sĩ miền Nam nào đã từng ra đi sau tháng Tư năm 75 - vẫn âm ỉ và tiếp diễn. Và đó cũng là mâu thuẫn giằng xé trong các chính sách gọi là mở cửa, hòa hợp dân tộc đã bị lợn cợn khó ăn với những “món nợ cũ” của phía chính trị cực đoan.

Nhiều người cho rằng và Khánh Ly bị gây khó bởi bài hát Gia tài của mẹ hay phản ứng với phim Em và Trịnh, thực ra đó chỉ là một tiểu tiết trong một chuỗi hệ thống cầm quyền nhìn nhận về bà, xuyên suốt lâu nay.

Ít ai biết được chuyện, trước đây mỗi lần cất lời hát cùng khán giả bài Nối Vòng Tay Lớn, là ca sĩ Khánh Ly đều đã vi phạm việc trình diễn ca khúc không được cấp phép lưu hành. Đến năm 2017, khi việc trình diễn bài Nối Vòng Tay Lớn đã trở thành chuyện quá phổ biến ở các trường đại học và những sinh hoạt tập thể thì Cục Biểu diễn Nghệ thuật đành phải cấp phép cho bài hát này lưu hành chính thức ở Việt Nam vào ngày 11 tháng Tư, 2017. Nhiều năm trước, đã có người nhắc bà Khánh Ly về chuyện bài Nối Vòng Tay Lớn “coi vậy mà vẫn chưa có giấy phép biểu diễn”, bà đã trả lời rằng “thì họ không nói gì, mình cứ hát thôi”.  Và chuyện “mình cứ hát thôi”, đã khiến bà gặp không ít những khó khăn với chính sách kiểm duyệt văn hóa nhưng đong nước bằng miệng.  

Trong những lần phỏng vấn hiếm hoi và lắng nghe sự trả lời chân thành từ bà, ca sĩ Khánh Ly đã nói về chuyện không ít những lời đơm đặt ác ý trên báo chí nhà Nước về bà, kể cả chuyện bà ra đi khỏi Việt Nam vì bị ép buộc, chứ không phải tự mình. Ca sĩ Khánh Ly cũng là ca sĩ duy nhất của người Việt hải ngoại được nhà nước cấp phép năm 2012 để về phối hợp trình diễn, nhưng bà từ chối mà chỉ về làm show riêng của mình vào năm 2014.  

“Một quan chức của TP.HCM nói rằng chị đã ký tên lên những quả bom mà máy bay Mỹ chở ra thả ở ngoài Hà Nội, điều này có không?”, bà bật cười đến chảy nước mắt, “Nếu chuyện đó có thật, nó đã là một sự kiện và báo chí có đủ những hình ảnh ghi lại hết rồi, chứ đâu phải nằm trong một lời nói đơn giản gán tội cho tôi như vậy”.

“Mình già rồi, và chỉ còn mong cất tiếng hát cho hết đời thôi chứ.  Ai làm gì mình cũng phải đành chịu thôi”, bà lắc đầu, cười.   

Tôi có hẹn là khi ca sĩ Khánh Ly rời khỏi Việt Nam, thì sẽ gọi nói chuyện về chuyện đã qua. Thế nhưng, lúc này thì tôi nghĩ không cần phải nói gì thêm nữa. Nếu có, thì chắc chỉ nhắn rằng: rõ là bà muốn kỷ niệm, dừng cuộc đời ca hát ngay tại quê hương của mình, tại ở Hà Nội. Nhưng rốt cuộc lại không xong. Và như vậy, biết đâu cuộc đời nghệ thuật của bà lại phải tiếp tục cho đến khi lòng tự trọng của những người có quyền ở Việt Nam có được lúc sáng đèn.


Friday, September 23, 2022

Ngưỡng của mỗi chúng ta


Bản tin tháng 9/2022 của báo chí Nhà nước có nói thoáng qua về cuộc đình công của hàng ngàn người tại Khu công nghiệp Phú Hà, tỉnh Phú Thọ, trong đó công nhân nói họ không thể nào sống nổi với mức lương cơ bản là 4,2 triệu đồng/tháng. Tính theo giá đô la, là chưa tới 200 USD/người. Nhưng nhanh chóng, chuyện mưu sinh của những con người khốn khổ ở các tỉnh phía Bắc ấy, chỉ trong một ngày đã chìm lấp trong các sự kiện giải trí của Việt Nam về các hoa hậu, bóng đá, lời thề bắt thủ phạm giả mẫu logo Bộ y tế…

Công nhân ở nhà máy BYD do Trung Quốc đầu tư ở Khu công nghiệp Phú Hà, tỉnh Phú Thọ chỉ là một trong những câu chuyện mà thanh niên Việt Nam đang hàng ngày làm  và sống tạm bợ bên trong các khu công nghiệp to đẹp, phát triển rực rỡ khắp trên đất Việt Nam. 

Bề mặt xã hội rộn rịp bên cạnh các câu chuyện vui đùa, những lời tuyên bố đầy kiêu hãnh Việt Nam, ít ai để ý rằng dưới lớp vỏ mỹ miều ấy, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 107 vụ đình công lớn nhỏ. Hầu hết là do tiền lương, tiền ăn quá sức thấp khiến giới công nhân tức giận.

Vì thấy không thể sống được với mức lương sinh hoạt ở đô thị, mọi người ở công ty BYD quyết định ngừng công việc. Điều mỉa mai, là khi đối thoại với công nhân, đại diện của chủ đầu tư Trung Quốc giải thích rằng, mức lương của đầu người như vậy, là công ty BYD đã trả lương cơ bản cao hơn so với quy định của pháp luật rồi.

Thật khủng khiếp, dù gọi là quy định của pháp luật, như làm sao có thể hình dung một mức sống của hàng triệu con người Việt Nam thấp đến vậy? Đó là chưa kể, trong tiếng kêu của công nhân từ năm 2021, lương cơ bản đã được chính thức tăng từ ngày 1 tháng Bảy 2022 thêm 6%. Ông Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong một báo cáo như tự khen mình, đã nói rằng Liên đoàn đã “tích cực đàm phán, thương lượng tăng lương tối thiểu vùng, tham gia trình Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP về quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động”. 

Người Trung Quốc ở Phú Thọ khẳng định rằng họ nhận thấy lương cho công nhân Việt Nam quá thấp, nên họ thấy “thương” và đã cho cao hơn ngưỡng quy định của pháp luật. Và trong tình thương đó, không có đoạn nào mà Liên đoàn Lao động “tích cực” tham gia cả. Liên đoàn mãi luôn là người tình hời hợt đến sau.  Khi người công nhân bắt đầu ngồi xuống trước các cánh cửa công ty, giơ khẩu hiệu và đòi hỏi quyền lợi của mình thành sự kiện lớn, thì lúc đó mới thấy người của Liên đoàn Lao động cùng công an địa phương rầm rập đến.

Sau vài ngày đàm phán, lương của công nhân BYD giờ là 4,8 triệu/tháng. Cộng vào đó, ai làm tăng ca thì không còn phải bù thêm tiền để được ăn cơm. Lương được hứa chuyển vào thẻ đúng ngày. Phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt – và xét thấy có hành kinh - thì được nghỉ 30 phút/ngày.

Hàng triệu con người trẻ tuổi Việt Nam đang sống và làm việc như vậy đó. Họ đang làm nền cho những lớp son phấn của xã hội, với các tuyên bố giả điên giả dại của các vị shark tank, của các trò vui ngơ ngáo của giới giải trí và các chỉ số tăng trưởng như xổ số.

Hãy tự hỏi mức sống dưới 5 triệu đồng/tháng đó, những con người Việt Nam sẽ xoay sở ra sao với phòng trọ nhỏ hẹp tối tăm của mình, bao gồm cả tích góp gửi về cho cha mẹ, nuôi con cái ăn học? 5 triệu đồng một tháng là nền tảng im lặng của hình ảnh Việt Nam giàu có và hùng cường  hôm nay. Những người chật vật xoay sở với 5 triệu đồng/tháng, đang là chỗ dựa vững chắc cho hình ảnh con cái các quan chức cấp thấp, cấp cao của Việt Nam khoe mình định cư ở xứ tư bản, khoe con cái tốt nghiệp ở những ngôi trường giá đắt đỏ mà chính người bản xứ cũng phải e dè. Mà nên nhớ, mức lương khai báo của các quan chức ấy chỉ gấp đôi hay gấp ba những người công nhân xanh xao lao lực ngày đêm đó.

Cách đây không lâu, có dịp nghe một anh chạy xe ôm tâm sự rằng anh bỏ làm công nhân để chạy xe kiếm thêm cho bớt nhọc, và ước mơ mua một chiếc xe tốt hơn hiện tại. Anh định mua lại một chiếc xe cũ chỉ dưới 30 triệu để làm nghề, vì “mắc quá thì em để dành không nổi”. Anh định chạy xe ôm hơn nửa năm thì có thể dành dụm mua được chiếc xe ấy. Còn đi làm công nhân, thì chắc phải 2 năm. Số tiền trong ước mơ nhỏ nhoi của người cần lao Việt Nam, có cái ngưỡng cao quá.

Ngưỡng - có nhiều loại ngưỡng - cũng khác với suy nghĩ của quan chức chống tệ nạn xã hội từng xuýt xoa giá mua - bán dâm 600 triệu đồng là rất cao!”. Cũng là ngưỡng thôi, nhưng dân khác, quan khác.

Chỉ là chuyện nghĩ thoáng qua, khi đọc được một bản tin về những con người Việt Nam, vậy thôi. Và lại nhớ thoáng qua về những người công nhân trong đại dịch đã bỏ của chạy lấy người về quê trong túng cùng, trước ngưỡng sống chết, bị báo chí miệt thị cả một thời gian dài như kẻ thù của xã hội. Tôi cũng nhớ đến ngưỡng tuyệt vọng và tức giận của những người dân khi bị giam nhốt và bị thất hứa về trợ giúp thực phẩm. Nhiều người đã vào tù sau đó vì dám vượt ngưỡng của nhà nước. Giờ họ ở đâu?

Saturday, September 10, 2022

Nhạc sĩ Vinh Sử ra đi, sau 10 năm bạo bệnh


Công chúng và giới trình diễn của dòng bolero không quá bất ngờ khi hay tin nhạc sĩ Vinh Sử qua đời: Nhiều tháng nay, ông phải nằm trong bệnh viện trong tình trạng sức khỏe đã suy kiệt. Vào lúc 3 giờ sáng ngày 10 Tháng Chín, ông qua đời ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Quận Bình Thạnh. Hưởng thọ 78 tuổi.

Được biết tang lễ của ông được tổ chức tại nhà riêng ở quận Bình Tân, Sài Gòn trong 4 ngày (10 đến 14 Tháng Chín). Lễ di quan diễn ra vào sáng 15 Tháng Chín 2022, và an táng tại nghĩa trang Hoa viên Bình Dương.

Suốt mười năm nay, chứng ung thư trực tràng đeo đuổi và khiến cho gia đình hết sức vất vả chữa trị, gần như vài tháng là ông phải nhập viện cấp cứu. Khoảng từ năm 2018 đến nay, mọi hoạt động văn nghệ của ông như dừng hẳn, do sức khỏe quá kém. 

Nhạc sĩ Vinh Sử là người có thu nhập tốt trong sinh hoạt văn nghệ nhưng không dành dụm được gì, đời khó lại ngày càng khó vì tiêu tán trong việc chạy chữa căn bệnh trường kỳ. Rất nhiều khán giả, nghệ sĩ thương mến đã cùng góp sức để giúp ông đi qua những chặng ngặt nghèo.

Theo Wikipedia, nhạc sĩ Vinh Sử sinh ngày 9 Tháng Sáu năm 1944 – mất ngày 10 Tháng Chín năm 2022, tên đầy đủ là Bùi Vinh Sử, là một nhạc sĩ của nhạc bolero và có nhiều sáng tác được yêu thích. 

Ông là người có quê gốc miền Bắc. Cha mẹ của ông từ Hà Tây đi làm phu đồn điền cao su cho Pháp, lưu lạc vào miền Nam trong thập niên 1940. Sau đó gia đình chuyển về Sài Gòn, sinh sống bằng nghề làm lò bún trong một xóm lao động nghèo ở quận 4. Gần 10 tuổi, ông mới đi học. Ông cũng là người duy nhất trong số 4 anh chị em trong gia đình được đi học. Ông từng có 4 đời vợ chính thức nhưng hiện tại sống một mình. Những ngày cuối cùng của ông, người chăm sóc và gần gũi là bà Ngọc Lệ, một trong những người vợ cũ của ông.

Từ nhỏ Nhạc sĩ Vinh Sử đã có năng khiếu thơ và âm nhạc, trong khi cả nhà không ai biết chữ. Ông bán báo để lấy tiền vừa đi học nhạc, học chữ đến năm 11, 12 tuổi. Nhờ có năng khiếu, ông vào được trường Quốc gia Âm nhạc của VNCH. Học được không lâu, ông bị đuổi vì ham chơi, ngày nào cũng trốn học. Bài đầu tiên ông viết là Yêu người chung vách, rồi Nhẫn cỏ cho em, không ngờ may mắn được khán thính giả yêu thích khiến ông nổi tiếng.

Cuộc đời của nhạc sĩ Vinh Sử từ đó bước qua ngã mới, đời sống ông sung túc hơn. Tâm tình trên truyền hình về thời hoàng kim của ông trước năm 1975, nhạc sĩ Vinh Sử nói rằng nhờ có âm nhạc mà ông thoát khỏi nghèo đói. Ông mua được nhà, xe và sống cuộc đời không còn phải đi bán báo dạo như trước.

Dòng nhạc của nhạc sĩ Vinh Sử gần gũi với công chúng, bởi vì đó là những câu chuyện đời, chuyện tình của những người nghèo khó, những khía cạnh của đời sống đô thị bình dân. Nói trên truyền hình trước đại dịch, nhạc sĩ Vinh Sử tâm tình “mình viết là dành cho những người nông dân, những người lao động. Tôi đã gởi hết toàn tâm toàn ý của mình vào đó và cũng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo công chúng lao động nghèo. Tôi nghĩ rằng nhạc của mình cũng là tiếng nói của một bộ phận nhân dân. Nghe nhạc của tôi, những người lao động nói rằng đó là nhạc của người Việt Nam, không lai căng".

Sau năm 1975, nhạc sĩ Vinh Sử có một đời sống khó khăn không khác gì những văn nghệ sĩ khác của miền Nam Việt Nam. Về sau, ông nhận làm biên tập cho các hãng thu âm (vào thời kỷ nhạc bolero quay trở lại, giữa cuối thập 90) nên đời sống khá hơn. Do là người không bày tỏ về các quan điểm chính trị, và lý lịch sáng tác của ông không nổi cộm về đề tài lính Việt Nam Cộng Hòa như các nhạc sĩ khác, nhạc sĩ Vinh Sử dần dần được quay trở lại đời sống sinh hoạt xã hội. Với sự nổi bật riêng lẻ của ông cũng như cách thiếu tin tức lịch sử âm nhạc của miền Nam Việt Nam - hoặc cố ý của báo chí nhà nước mới, ông được đặt cho cái tên “vua nhạc sến”. Cái tên này cũng gây nhiều tranh cãi trong giới khán giả, cũng như nghệ sĩ miền Nam Việt Nam trong và ngoài nước.

Trên wikipedia viết về ông, cũng còn ghi chú rõ về việc nhiều bài hát đang tranh cãi về quyền tác giả. Trong đó có những tác giả quen thuộc như Giao Tiên (xác nhận mình là tác giả của các bài Lần đầu nói dối, Nàng yêu hoa tím, Tình đẹp mùa chôm chôm…), Đài Phương Trang (xác nhận mình là tác giả của Đêm nhớ người tình, Hai mái nnà tranh, Tình đời tay trắng…)... Tranh cãi về quyền tác giả còn có cả những nhạc sĩ nổi tiếng như Anh Bằng, Hàn Châu, Phạm Minh Cảnh…

Giải thích về điều này từ Cam Ranh, nơi sinh sống của mình, nhạc sĩ Giao Tiên cho biết rằng giai đoạn âm nhạc bolero được quay trở lại trong bối cảnh tranh tối, tranh sáng, và cũng có sự kỳ thị chủ đích nhân thân của các tác giả, có nhiều người qua tình bạn đã cậy nhờ nhạc sĩ Vinh Sử tìm cách giúp để ra mắt CD, mong kiếm thêm được chút ít. Có bài nhạc sĩ Vinh Sử lấy, để tên của mình, có bài thì ông đặt ra một cái tên mới, bao gồm cả những bài hát của hải ngoại lúc đó không được phát hành tại Việt Nam. Trong trường hợp của nhạc sĩ Giao Tiên, lúc đó vì đời sống quá khó khăn, không còn nhà, phải dọn lên núi ở; ông đi xe đò vào Sài Gòn, cầm theo cả một tập 50 bài nhờ nhạc sĩ Vinh Sử phát hành, và xin nhận tiền nhuận bút ngay để đắp đổi chuyện nhà (theo lệ, một bài hát được duyệt và phát hành xong rồi thì tác giả mới được nhận tiền. Thời gian chờ đợi lúc đó cũng vài tháng) . Tuy vậy cũng có tác giả đòi quyền tác giả nói rằng họ chưa hề đưa bài cho nhạc sĩ Vinh Sử.

Tất cả những việc sai lệch về tên tác giả, thậm chí của tên bài hát, là những câu chuyện riêng rối rắm của thời thế, còn chưa được bày tỏ đủ của các tác giả với nhau và công chúng. Nhưng trước hết, đó là chi tiết lý thú minh chứng của một thời âm nhạc bolero quay lại ở Việt Nam đầy khó khăn, chạy vạy đây đó để tồn tại mà nhạc sĩ Vinh Sử đã vượt qua, và thành công từ đó.

Sunday, September 4, 2022

Vì sao Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ bước ra nhận Phật sự, lại được ủng hộ?


Trong ngày cuối tháng 8-2022, ở Việt Nam xôn xao tin tức về sự ra mắt của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, chính thức vào chức vụ Chánh Thư Ký - Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống. Bậc minh sư lâu nay ẩn danh đột nhiên xuất hiện ở lễ nhận di chúc, ấn tín, và khai ấn từ Đệ ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ khiến những người yêu Phật giáo chân chính và tự do của Việt Nam đều vui mừng.

Tuy nhiên, có không ít người nhầm lẫn vị trí hiện nay của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là một Tăng thống mới, tức vị trí của người lãnh đạo toàn diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN). Trên thực tế, khi phụng thừa ủy thác tâm nguyện của Hòa thượng Thích Quảng Độ vào năm 2020, ngài Tuệ Sỹ đã thông báo rằng sau giai đoạn sắp xếp lại nhân sự, nội bộ lãnh đạo của GHPGVNTN, khi “điều kiện thuận duyên”, ngài cùng Giáo hội sẽ tổ chức đại hội để suy cử Đệ Lục Tăng Thống, người lãnh đạo tối cao tiếp nối của Giáo hội. Hiện tại, nói nôm na, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ có vai trò như quyền tổng quản.

Bất kỳ ai theo dõi tiến trình tồn tại và tranh đấu cho sự tồn tại của GHPGVNTN từ sau năm 1975 đến nay, đều hiểu rõ cụm từ “điều kiện thuận duyên” là như thế nào. Ngay cả việc Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ làm lễ nhận chức vụ Chánh Thư Ký - Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống và lễ nhận Di chúc, ấn tín, và khai ấn… cũng đã phải lặng lẽ thực hiện, và chỉ công bố sau một tuần. Mục đích của sự lặng lẽ và bất ngờ, thông báo trễ, cũng chỉ để tránh những sự quấy phá rất quen thuộc từ bao nhiêu năm nay.

Trong  giai đoạn đau yếu cuối đời, Hòa thượng Thích Quảng Độ đã nhận ra được sự rối loạn trong nội bộ bởi nhiều nhánh của GHPGVNTN đang có những chủ trương khác nhau. Trong đó có hai nhánh chính khiến nội bộ bất đồng: Một là dùng mượn nhân lực Giáo hội để chuyên đấu tranh chính trị; Hai là muốn thỏa hiệp với chính quyền, thông qua một số nhân vật trong nội bộ đã suy đồi. Lợi dụng lúc Hòa Thượng Thích Quảng Độ đau yếu, những nhân vật muốn thao túng nội bộ GHPGVNTN đã làm giả những Giáo chỉ, phát đi, gây mâu thuẫn không ít trong các các vị lãnh đạo của Hội đồng Giáo phẩm trong và ngoài nước.

Thoạt đầu, tâm nguyện của Hòa thượng Thích Quảng Độ là trao quyền Đệ Lục Tăng thống cho ngài Tuệ Sỹ, nhưng vì muốn mọi chuyện minh bạch và tạo sự đoàn kết nội bộ, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã xin chỉ nhận quyền tạm thừa hành, để chờ thời điểm bầu chọn Đệ Lục Tăng Thống mới.

Sự ra đi của Hòa thượng Thích Quảng Độ vào tháng 2-2020, đã tạo ra một một loạt các cơn sóng ngầm. Phía những người muốn thủ tiêu GHPGVNTN, đã coi đây là cơ hội để dứt điểm cái gai trong mắt. Trong tang lễ của Hòa thượng Thích Quảng Độ, người ta chứng kiến các sư của phía Nhà nước tìm cách cướp tro cốt của ngài, đem về chùa của Nhà nước lưu giữ và thờ, như một thủ đoạn nhằm thống nhất toàn bộ Phật giáo Việt Nam trong vòng tay của thế quyền. Ngay sau đó, cũng đã có một cuộc bầu chọn chớp nhoáng Đệ Lục Tăng Thống diễn ra tại Bình Định, nhằm cướp quyền lãnh đạo. May thay, dù GHPGVNTN bị dày vò từ muôn hướng nhưng quý thầy và đệ tử vẫn giữ được sự kiên định trung thành theo Di chúc. Mọi âm mưu ấy, đã mau chóng tàn phai. Nói về những sự bất thường đó, Hòa Thượng Thích Không Tánh từng tóm tắt bằng câu nói “Chính quyền muốn quốc doanh hóa đám tang của Hòa thượng Thích Quảng Độ”.

Phải kể lại như vậy, mới thấy rằng GHPGVNTN dù bị bôi xóa, phủ nhận như thế nào, nhưng khi người lãnh đạo cao nhất của Giáo hội viên tịch, hầu hết các tờ báo lớn của nhà nước vẫn nhận được lệnh hối hả lên các bài viết mạ lị và bôi nhọ như để tự trấn an nhau. Điều đó cũng dễ hiểu, vì bởi trong lễ tang, ngoài các sư thầy của GHPGVNTN quy tụ về, còn có không ít các sư thầy ở các chùa mang bảng hiệu Giáo hội nhà nước lập nên, lặng lẽ đến cung kính lễ bái.

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã nhận trọng trách trong bối cảnh đó.

Có một câu hỏi được đặt ra với những người kính trọng GHPGVNTN - Giáo hội Phật giáo tự do và chính danh của Việt Nam trước 1975 - đã bị nhà nước đẩy ra như là một tổ chức nằm ngoài vòng pháp luật, thì sự có mặt của thầy Thích Tuệ Sỹ có thể làm được gì?

Sự có mặt của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ chính là ngọn đuốc thắp sáng đức vô úy của những Phật tử và những người hướng Phật trong một thế giới chập choạng không còn rõ lằn ranh Ma-Phật. Nó là điểm tựa của tư duy Phật giáo trong lành trong thời pháp nạn. Ngài là hiện thân của tín ngưỡng, đạo pháp sống và chết vì quê hương và dân tộc. Ít nhất, ngài đang là điểm tựa của những người tỉnh thức.

Tháng 4-1975, dòng tiến quân của miền Bắc vào Nam để lại phía sau vô số thương bệnh binh, những người bệnh bình thường không còn người chăm sóc. Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là người đứng ra tổ chức các tăng ni trong vùng ở lại để chăm sóc, cứu thương cho dân chúng đang kêu khóc. Nhiều người khuyên thầy phải đi lánh nạn ngay vì những tin tức dội về từ các vùng khác cho thấy các chùa và sư thầy đang gặp chuyện khó lường. Nhưng bài diễn văn ngắn của ngài đã chặn đứng mọi âu lo, ý thức trách nhiệm con dân Việt dội về “ “Tôi vẫn còn đây, thì anh em cũng phải ở đây, quê hương và đất nước này còn cần đến anh em nhiều hơn nữa. Chúng ta không thể trốn chạy khi dân tộc, đạo pháp đang gặp cảnh điêu linh”.  

Năm 1981, Nhà nước thành lập Giáo hội Phật giáo mới, nằm dưới quyền kiểm soát của Mặt Trận Tổ Quốc và ra chiến dịch triệt hạ những nhân sĩ, tu sĩ Phật giáo có tinh thần phản kháng việc chính trị hóa tôn giáo này. Năm 1984, công an tổ chức chiến dịch, đồng loạt đột nhập Viện Phật học Vạn Hạnh và chùa Già Lam, Sài Gòn. Hai nơi này chỗ trú ngụ của nhiều cao tăng và nhân sĩ Phật giáo lúc bây giờ. Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ và Thích Trí Siêu bị bắt mang đi, lúc đó hai ngài đang dang dở công trình Bách khoa Phật học Đại Từ Điển. Tháng 4-1984, cả hai thầy bị kết án tử hình với lý do ““tội tán thành, ủng hộ, che chở, đùm bọc hành động phản cách mạng, lật đổ chế độ Cộng sản”. Phiên tòa không có luật sư và khán giả là công an. Mọi thứ là một dòng chảy dài, định mệnh, cay đắng như chính số phận của Việt Nam. Cuối cùng, với sự vận động của quốc tế, thì cả hai thầy được trả tự do, nhiều năm sau đó.

Cũng như những người Tây Tạng có một điều an ủi thầm kín và lớn lao, khi nhìn về sự có mặt của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong thời đại của mình. Có rất nhiều người Việt Nam cũng mang niềm kiêu hãnh trong trái tim đã chọn tín ngưỡng là tự do của mình, là cùng với hình ảnh của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ. Vượt lên những huấn dụ tầm thường, để biến con người trở thành mê muội của Phật Giáo Nhà nước hôm nay như sống chỉ để cúng dường, sống để dòm ngó, hãm hại người khác… Hòa thượng Thích Tuệ sỹ hay GHPGVNTN dẫn lối đến đạo pháp và dân tộc, bằng lẽ phải và sự thật, với uy vũ bất năng khuất “Sống hay chết, vinh hay nhục, không làm dao động tâm tư của những ai biết sống và chết xứng đáng với phẩm cách của con người, không hổ thẹn với phẩm hạnh cao quý của bậc xuất gia”, (Thư gửi các Tăng sinh)

Với những đền đài ma chướng, lễ hội ngụy trá Phật hôm nay, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ tỏa sáng những khác biệt, vượt lên khỏi những rền rĩ nhảy múa từ các chùa tháp ““Các con hãy tự rèn luyện cho mình một tín tâm bất hoại; một đức tính dũng mãnh vô úy; nỗ lực tự huân tập trí tuệ bằng văn, tư, tu để nhìn rõ sự tướng chân ngụy, để thấy và biết rõ mình đang ở đâu, đang đi về đâu; không nhắm mắt phóng càn theo cỗ xe lộng lẫy bên ngoài nhưng rệu rã bên trong, đang lao xuống dốc dài không định hướng”, (Thư gửi các Tăng sinh)

Chưa lúc nào như lúc này, Phật giáo trong sự dẫn dắt của tăng ni, chùa tháp dưới quyền nhà nước không dắt tay chúng sinh đi vào cõi an nhiên, mà xô đẩy vào bóng tối, cạm bẫy và thao túng để phục vụ thế quyền. Sự có mặt của Hòa thượng Thích Tuệ sỹ cùng GHPGVNTN tựa như tiếng chuông để thức tỉnh, nhắc lại giá trị khôn cùng của người hướng Phật “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam không phải là một hiệp hội thế tục, do đó, không tự đặt mình dưới sự chỉ đạo của bất cứ quyền lực thế tục, không là công cụ bảo vệ sự tồn tại của bất cứ xu hướng chính trị, của bất cứ tổ chức thế tục nào; không hành đạo, hoằng đạo theo bất cứ định hướng ý thức hệ nào; duy chỉ một định hướng duy nhất: Thập phương Bạc-già-phạm nhất lộ Niết-bàn môn; một cứu cánh duy nhất là giải thoát. (Công bố tháng 9-2022 của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất - Viện Tăng Thống)