Tuesday, January 29, 2019

Thầy Thích Đồng Quang: “Tôi là người lạy Phật, chứ không là người lạy Cộng sản”


Chùa Sơn Linh Tự, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, là ngôi chùa đầu tiên trong năm 2019, bị nhà cầm quyền Việt Nam đập phá bất ngờ, nhân lúc thầy trụ trì đi nằm bệnh viện. Mục đích chính của nhà cầm quyền là muốn thầy trụ trì Thích Đồng Quang phải gia nhập giáo hội của nhà nước quản lý, bên cạnh đó còn vòi vĩnh hối lộ để cho giấy phép xây chùa.
Thầy Thích Đồng Quang, mua đất dựng tịnh thất từ năm 2009 tại thị trấn Plei Kần. Chỉ là 50m2 đất, nhưng chính quyền ở đây nhất quyết không cho xây kiên cố. Tịnh thất chỉ là ván bìa, vách gỗ làm chỗ thờ phụng của thầy Thích Đồng Quang. Từ năm 2015, thầy đi đi lại lại để xin phép nhưng chính quyền ở đây không cho, lại làm áp lực với thầy cũng như với Phật tử.
Khi bài phỏng vấn này đưa lên, những Phật tử chung quanh thầy Thích Đồng Quang có cảnh báo rằng phía nhà cầm quyền địa phương đang có những biểu hiện cử các an ninh thường phục hoặc côn đồ thuê mướn theo đuổi, có khả năng làm hại thầy Thích Đồng Quang, chỉ vì thầy dám lên tiếng với truyền thông tự do trong và ngoài nước.
Chính quyền địa phương đã nói gì về việc đập phá chùa của thầy trong lúc thầy đi vắng? Hoặc trước đó họ có giấy thông báo gì cho thầy không?
Dạ, thưa anh, trước đây chính quyền địa phương cũng có đánh giấy mời, gọi lên làm việc. Thầy cũng mang đơn lên xin dựng chùa nhiều lần nhưng họ không cho. Khi hỏi lý do vì sao không cho, thì họ nói rằng đất này nằm trong khu quy hoạch mà họ sẽ giải tỏa. Thầy có yêu cầu họ cho xem các sơ đồ và quyết định giải tỏa nhưng họ nói không có, và nói là chỉ có xác định trước như vậy thôi.
Lúc đó, thầy mới chứng minh rằng chung quanh, các công ty,doanh nghiệp… thậm chí nhà dân đều xây dựng vẫn được nhưng tại sao riêng tịnh thất của thầy lại gặp khó khăn? Chính quyền ở đây không trả lời được. Nhưng qua nhiều năm, nhiều lần thì thầy hiểu rằng mục đích của họ đàn áp tôn giáo.
Rồi ngày 11/1/2019, khi thầy đang nằm trị bệnh ở bệnh viện ngoài Đà Nẳng, vì có dấu hiệu là ung thư đại tràng giai đoạn đầu, thì nghe điện thoại của Phật tử gọi vào, nói rằng chùa đã bị đập phá. Đây là việc hoàn toàn bất ngờ vì việc xảy ra khi thầy đang nằm viện. Phật tử cho biết chính quyền ùn ùn đang người và xe ủi đến phá sập chùa. Lúc đó thì thầy chỉ còn biết dặn dò đệ tử là chụp hình ảnh lại để biết, rồi thu gom kinh sách, tượng Phật ngổn ngang chờ thầy về rồi tính. Ngày hôm sau, thầy cố chạy về xem tình hình thì thấy mọi thứ tan hoang rất là đau thương.
Nhiều tủ, tượng không đập hết thì chính quyền mang về trụ sở Ủy ban rồi sau đó tự động mang qua một ngôi chùa của nhà nước quản lý và gửi ở đó. Thầy khuyên đạo hữu bình tĩnh và đừng làm gì rồi để bị tội vạ.
Sau sự kiện đó, chính quyền địa phương có gặp thầy để nói rõ về hành động này không?
Dạ sau đó thầy có lên Ủy ban, rồi gặp Chánh văn phòng của Huyện ủy… nhưng người ta chuyển đi khắp nơi, cuối cùng chỉ qua nơi tiếp dân gọi là Phòng một cửa. Rồi khi thầy đến thì người ta lại nói không trúng ngày tiếp dân nên hẹn lại.
Trong sự việc phá chùa, đập tượng này, thầy không nhận được bất kỳ một văn bản nào. Truớc đó, nhận giấy mời làm việc, chính quyền ở đây không giải quyết rõ ràng mà đẩy qua đẩy lại. Mọi thứ y kiểu Cắc ké mẹ Kỳ nhông, Kỳ nhông ông Kỳ đà, Kỳ đà cha Cắc ké… nghĩa là không có ai giải quyết mà mục đích cuối cùng là làm mình mỏi mệt và cùng đường mà thôi.
Điều kiện của chính quyền là gì, để đổi lại việc thầy được dựng chùa?
Họ gây khó khăn rất nhiều, nhưng lại có mở ngỏ bằng cách khuyên là nên gia nhập vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam do nhà nước quản lý. Nhưng thưa anh, thầy biết rất rõ điều này, là giáo hội đó hiện nay rất ô hợp. Nghiêng về Phật giáo chánh thống thì thầy nghĩ rằng không có đâu. Bởi khi xuất gia, thầy có phát nguyện rằng mình không nằm trong tổ chức nào hết, không dính vào chuyện chính trị và tránh không va chạm về mặt pháp luật với nhà nước. Nhưng chính quyền địa phương thì mãi luôn gây áp lực với thầy từ năm 2009 cho đến nay.
Nhưng với nhận định của thầy, mọi chuyện xảy ra cho thấy chính quyền muốn giải tỏa đất hay muốn thầy phải gia nhập giáo hội của Nhà nước?
Thầy biết họ muốn đưa mình vào hệ thống Phật giáo quốc doanh để họ quản lý. Mục đích chính là vậy. Dất là thầy sở hữu nên mình che chòi ở tạm thi được, chứ xây dựng chắc chắn thì họ sẽ làm khó. Trước đây họ có gợi ý là chi một số tiền để được cấp giấy xây chùa. Nhưng thầy từ chối. Thầy có nói rằng tiền của bá tánh thập phương góp giúp để xây chùa, thì thầy chỉ có thể làm vào việc đó chứ không thể dùng vào việc hối lộ.
Họ có nói là đưa cho họ 20 triệu thì chuyện sẽ êm. Tiếc là khi đó, họ đặt vấn đề thầy lại không lanh trí để ghi âm làm chứng cứ. Nhưng thầy là người đi tu, thầy không thể nói gian để hại người khác.
Lúc này, giữa những khó khăn vây quanh như vậy, và giới Phật tử lại có nỗi lo là chính quyền địa phương sẽ dùng côn đồ tấn công làm hại, thầy có suy nghĩ gì?
Dạ, nghĩ thật đau lòng, thưa anh. Chế độ Cộng sản này tàn ác quá. Với một người đi tu, không màng thế sự như mình mà họ vẫn không chừa, luôn gây áp lực, làm khó mình đến tận cùng.
Mục đích chính của họ là đưa mình vào hệ thống Phật giáo quốc doanh để quản lý. Nhưng làm sao được, thầy đi tu, thầy lạy Phật chứ không thể lạy Cộng sản.

Wednesday, January 16, 2019

Hòa thượng Thích Không Tánh: “Đồng loại nguy nan, chúng ta không thể dửng dưng”



Không cần quá lâu sau sự kiện cưỡng chiếm kinh hoàng ở vườn rau Lộc Hưng đầu tháng 1/2019, khi quyền sở hữu đất của người dân tại đây gồm các giấy tờ, bằng chứng… được tung ra, thì không còn ai có thể tiếp tục nói về chuyện “đất công” – vốn là ngôn luận chính của phía nhà cầm quyền trong thời gian qua.
Thậm chí, về vấn đề “xây cất trái phép” mà nhà cầm quyền Quận Tân Bình vội loan đi sau đó, mọi thứ đã được làm rõ trong thư minh định với chữ ký của Tổng đại diện TGP Sài Gòn, linh mục Huỳnh Công Minh gửi cho chính quyền cấp thành phố từ năm 2009. Văn bản dài 8 trang này cũng  vạch rõ những khó khăn mà nhà cầm quyền cố tình tạo ra, gài bẫy nhằm đưa người dân ở vườn rau Lộc Hưng phải rơi vào thế bất hợp pháp.
Điều ấm áp nhất, là chuyện xảy ra với một số gia đình người di cư từ Bắc vào Nam từ năm 1954, phần lớn là người Công giáo, đã được Hội đồng Liên tôn Việt Nam tổ chức đến tìm hiểu, ủy lạo. Bất chấp những vị chức sắc của Hội đồng Liên Tôn là những cao niên và hành động ôn hòa, việc cản trở và gây khó đã diễn ra từ phía các lực lượng đang bao vây vườn rau Lộc Hưng vào ngày 14/1/2019.
Ngay sau cuộc thăm viếng, cùng với những tin tức diễn ra xung quanh sự kiện vườn rau Lộc Hưng, hòa thượng Thích Không Tánh đã nói đôi điều suy nghĩ của ngài về những gì nhìn thấy.

Thưa thầy, cuộc viếng thăm mới đây ở vườn rau Lộc Hưng, đã cho thầy những suy nghĩ gì?
Trước bối cảnh bà con dân oan, vốn đã may mắn có được một chỗ nương tựa lâu nay, ấy vậy mà mà nhà cầm quyền nỡ lòng nào tước đoạt đất đai, sự sống của họ như vậy. Làm như vậy là vô cùng tàn ác. Thật lòng trong cuộc sống của mình, tôi chưa thấy cái chế độ nào như vậy.
Trước đây, nhà cầm quyền nói đất này là đất công, tức đất của họ. Nhưng nay khi người dân ở đây trưng bằng chứng ra thì rõ là mọi thứ không phải vậy. Những người dân này mất hết mọi thứ khi vô Nam, được giao đất đai để mưu sinh, và bình an qua thời Pháp đến hai ba đời của Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam, sao đến lúc này lại cướp của họ?
Thật đau lòng. Đối với một con vật, có cái tổ cái hang, làm người có tính từ bi không ai nỡ và phá nát hay đào xới ngang nhiên như vậy. Tôi hoàn toàn không thể hiểu được. Vì sao nói là chính quyền của nhân dân mà lại không có những cuộc họp để bàn thảo, giải quyết cho người ta con đường sống? Sao lại có một tâm tưởng muốn diệt tận người dân như vậy, và cố ý làm ngay sát Tết Nguyên Đán để mọi người hoảng loạn, không ai còn sức phản đối. Chuyện này chắc đã có sự đồng ý của lãnh đạo từ cấp dưới đến cấp trên, và nếu chủ trương như vậy, họ lãnh đạo nhân dân để làm chi? Lãnh đạo nhân dân để nhìn mọi thứ tan tác, đau khổ vậy sao. Tại sao chính quyền luôn kêu gọi một sự phát triển văn minh, tiến bộ nhưng lại gìn giữ những tư tưởng lạc hậu, tiểu nhân với con người. Vậy thì làm sao để có một ánh sáng cho tương lai của dân tộc được?

Trong những lúc người dân vườn rau Lộc Hưng khó khăn, đã có nhưng luận điệu nói rằng những người sống ở đó là không tốt nên không nên đứng về phía họ. Thậm chí ngay trong giới Công giáo cũng có lời như vậy. Rồi ngay sau khi Hội đồng Liên Tôn đến thăm các nạn nhân ở vườn rau Lộc Hưng, có ý kiến nói rằng đây là chuyện của một nhóm giáo dân Công giáo, người tôn giáo khác không nên tham gia. Thầy nghĩ sao về chuyện này?
Những tư tưởng kỳ thị chia rẽ như vậy, không có giá trị trong thế giới rộng mở và nhân ái hôm nay. Mỗi con người đều có sự liên đới với nhau, tương tác với nhau. Chuyện tạo ra sự phân biệt để kỳ thị Phật giáo – Công giáo hay bất cứ tôn giáo nào khác cũng chỉ là âm mưu để làm chậm lại sự phát triển của đất nuớc và tình đoàn kết của con người. Nỗi đau của một Phật tử hay của một giáo dân Công giáo đều có chung sự liên hệ là nỗi đau của con người, mà ở đây là người Việt.
Tinh thần của Phật giáo là bao dung, vị tha, vô ngã. Vì sự khổ đau của chúng sanh mà đạo Phật ra đời để cứu độ muôn loài. Nên sao lại có thể ngồi ở vị trí chức sắc tôn giáo này rồi chỉ trích, bôi xấu tôn giáo khác? Phật không ở trong những ngôi chùa lộng lẫy, vĩ đại. Phật ở bên cạnh sự khốn khổ của con người và không phân biệt. Đức Phật không đợi đệ tử của mình có tuổi Đảng hay có huân chương, rồi tự ngợi ca mình, chỉ trích tôn giáo khác. Đó chỉ là nghiệp chướng. Tất cả những thứ đó hoàn toàn không phải là di huấn của Đức Phật để lại.
Là một đệ tử của Phật, tôi xin hết lòng cầu nguyện cho những nạn nhân đau khổ của vườn rau Lộc Hưng. Với trái tim từ bi, chúng ta không thể nào dửng dưng trước đồng loại đang nguy nan, hay nói rõ hơn là của quý bà con tôn giáo bạn như vậy. Mong rằng họ sẽ vững tinh thần, sớm vượt qua được tai nạn lớn lao này.

Hiện nay, dù giấy tờ và bằng chứng hiện rõ, nhưng dường như phía nhà cầm quyền vẫn lấn tới. Mới đây có tin công an Quận Tân Bình khởi tố 20 người vì chống lại việc đập phá nhà cửa, tài sản của người dân tại vườn rau Lộc Hưng. Thầy nghĩ gì về điều này?
Nếu họ cứ làm vậy thì ngày càng lún sâu vào tội ác. Và đồng thời hành động đó sẽ là một minh chứng rõ về bản chất chế độ cho tất cả mọi người đều thấy. Hành động như vậy sẽ không có chỗ đứng trong thế giới văn minh nhân bản. Cường quyền và bạo lực chỉ có thể chiếm ưu thế tạm thời, lịch sử đã lưu lại biết bao điều như vậy.
Hồi nhỏ, tôi có đọc nhà văn William Faulkner, ông nói ý như vầy “khi ta nghe tiếng chuông gọi hồn của một ai đó, thì đừng nghĩ rằng đó chuông gọi hồn cho riêng một người, mà có thể là gọi hồn cho chính bản thân chúng ta” (*). Chuyện của vườn rau Lộc Hưng, tôi nghĩ nó như một tiếng chuông gọi đến cả tương lai đất nước. Tôi thật sự đau buồn khi chứng kiến mọi thứ tan hoang. Đừng nghĩ chuyện vườn rau Lộc Hưng là của riêng một nhóm giáo dân hay của một khu đất đang tranh chấp với chính quyền. Mà đó là câu chuyện để nhìn, để nghĩ cho chính bản thân chúng ta về cuộc sống hôm nay.
Tôi nhớ lại những câu chuyện thời Pháp thuộc, dù là đô hộ, họ cũng phải đến chuyện an dân. Nhưng hôm nay, chế độ này lại đi cướp lại đất và cuộc sống của con người có được từ thời đó. Văn hóa bao dung, đạo đức của người Việt nay ở đâu? Tôi mong chờ được thấy điều đó nơi những người cầm quyền.


(*) Nguyên văn câu nói này thuộc về tác phẩm Chuông Nguyện Hồn Ai của nhà văn Ernest Hemingway. Hòa thượng Thích Không Tánh có thể nhớ nhầm trong lúc trò chuyện nhanh, Nhưng vì tôn trọng nguyên văn trong băng ghi âm, nên người phỏng vấn vẫn giữ lại.

Friday, January 11, 2019

Vụ án Hồ Duy Hải: biểu tượng của công lý bị hiến tế

(từ trái qua: luật sư Trần Hồng Phong, bà Loan mẹ của Hải và cô Thu Thủy)

Vụ án của Hồ Duy Hải đủ sức là một trong những hồ sơ về nhân quyền lớn nhất của Việt Nam, thông qua câu chuyện anh thanh niên bị vu cho tội giết người. Dù các chứng cứ dàn dựng ngu ngốc đều bị lật tẩy, các lời khai không khớp và quy trình tố tụng sai phạm toàn phần, nhưng Hải vẫn bị kêu án tử, rồi sống lay lất hoãn thi hành án trong nhà giam 11 năm nay, sau khi áp lực của công luận áp đảo.
Có quá nhiều tin tức được viết xuống, nói với nhau trong dân chúng, là Hải phải chết thay cho con cháu của một quan chức cấp cao, kẻ phạm án vẫn được sống ung dung, trong khi gia đình thì tán gia bại sản kêu oan, không ai còn có được cuộc sống bình thường. Và Hải thì luôn thức dậy mỗi sáng với bàn chân luôn phải đứng giữa lằn ranh sống và chết.
Hồ sơ về nhân quyền tại Việt Nam và quyền được sống với công lý của loài người, cũng cần có một chương về Hồ Duy Hải, để gửi lên Liên Hợp Quốc và tất cả những quốc gia trên thế giới, những nơi khinh bỉ và ghê tởm chuyện công lý bị chà đạp hay sự thật bị bóp méo.
Trong câu chuyện đầu năm với Hồ Thị Thuy Thủy (1991), em gái của Hồ Duy Hải, nghe kể mới thấy rợn người vì sự đốn mạt của ngành công an tỉnh Long An. Suốt trong nhiều năm, công an ở đó không ngừng đến gia đình để khuyên nhủ Thủy và mẹ của cô đừng kêu oan cho Hải nữa, đừng nghe lời xúi giục mà đau thương cho người thân của mình. Thủy tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng, hành nghề kế toán, sau đó làm việc ở bệnh viện Thủ Thừa, Long An. Rồi cùng mẹ vác đơn đi kêu oan cho Hải nên bị CA là áp lực với chỗ làm khiến cô phải thôi việc vào đầu năm 2015.

Suốt trong năm vừa rồi, gia đình Thủy đã làm thêm được những gì cho Hải?
Dạ, gia đình em chỉ nghe ngóng tin tức xem ở Hà Nội có hội họp hay đợt xét nào đó là chạy ra ngoài đó để nộp đơn, xin cứu xét trường hợp anh Hải. Mẹ em ngồi ở nhà cũng không yên vì không biết là đơn từ của mình gửi có đến tay người ta hay không nên gom được chút tiền nào là đi giờ đó liền.
Lần thăm gặp gần đây nhất thì gia đình thấy Hải ra sao? Việc thăm gặp có dễ dàng không?
Lần thăm gặp gần đây nhất là 14 tháng 12 năm 2018. Mỗi lần đi theo mẹ vào thăm anh Hải thì em phải đều phải làm đơn, rồi làm bản cam kết. Em phải ghi là chấp nhận không được đưa thông tin gì bên ngoài cho anh Hải. Chỉ được hỏi về sức khỏe và chuyện trong nhà thôi. Thông tin bên ngoài là tiến triển vụ án ra sao, luật sư đang làm gì hay mẹ ra ngoài Hà Nội nộp đơn, kêu oan như thế nào thì không được kể cho anh Hải biết.
Tại sao? Đó là quyền và việc của Hải thì tại sao Hải lại không được biết?
Dạ, họ o ép gia đình, và họ cũng muốn bưng bít thông tin bên ngoài để anh Hải không được biết gì hết. Nhưng thỉnh thoảng có lúc cần quá thì ở nhà cũng tìm cách nói. Dĩ nhiên mỗi lần nhắc vậy thì đều bị cán bộ đứng gác nhắc nhở và hăm là nếu nói nữa thì chuyến sau sẽ không được gặp mặt Hải nữa. Còn nếu không, gia đình đã nói ra rồi thì khi trở vào trại, anh Hải sẽ bị làm khó làm dễ.
Nhưng tinh thần của Hải thì sao?
Anh Hải sức khỏe thì có nhưng tiều tụy. Nhìn mặt thì biết là tinh thần luôn bị áp lực. Anh Hải thì không dám nói ra nhưng mình nhìn thì mình biết. Khi gia đình hỏi thăm thì anh Hải gật, nói có hết nhưng nhìn vẻ mặt thì mình biết là không phải vậy. Có cán bộ ở đó thì ảnh không dám nói gì hết. Hiện mỗi tháng được gửi đồ thăm nuôi 1 lần và một lần mang đồ thăm nuôi vào gặp mặt.
Hiện luật sư đang lo vụ án của Hồ Duy Hải là ai?
Luật sư Trần Hồng Phong là người lo mọi thứ về pháp lý. Nhưng ông không nhận tiền thù lao. Khi ký hợp đồng ban đầu xong thì ông coi gia đình như người thân và giúp mọi thứ. Ông có nói thấy gia đình khó khăn quá nên quyết định hỗ trợ miễn phí cho gia đình. Ông nhiệt tình lắm, nhờ đủ các nơi thăm hỏi tình hình của anh Hải và tự mình viết bài. Cứ có chút gì là ông gọi báo cho gia đình biết để mình đừng tuyệt vọng.
Từ lúc khi báo chí cũng như giới luật sư đã phản bác quy trình tố tụng và bản án, dẫn đến việc quốc hội phải lên tiếng khiến Hải được hoãn thi hành án tới nay, thì mọi thứ đã có biến chuyển gì mới không?
Dạ phía công an vẫn im lặng anh à. Gần nhất chỉ có một chuyện bất thường – mà em cũng gọi cho luật sư để nói cho ông biết – là có một phái đoàn thi hành án từ Hà Nội vào (29/3/2108) và yêu cầu đóng án phí và kiểm tra xem Hồ Huy Hải có tài sản gì không. Gia đình em ngạc nhiên và hỏi đi tìm điều này để làm gì nhưng họ không giải thích và nói là chỉ thi hành lệnh của cấp trên mà thôi.
Gia đình bàn bạc với nhau, và cảm thấy chuyện này không bình thường. Dì Rưỡi của em nói nếu đóng án phí, tức chấp nhận bản án tử hình đã kêu của Hải, nên gia đình bác bỏ chuyện này dù mức đóng án phí chỉ hơn triệu đồng. Nhưng không hiểu sao họ đi từ ngoài Hà Nội vào để nài nỉ mình đóng mức án phí nhỏ như vậy, rồi còn nói rằng gia đình đừng lo, nếu mai mốt không có tội thì sẽ được trả tiền án phí lại.
Mọi người trong gia đình ai cũng thấy chuyện này có gì mờ ám, và chất vấn họ ngược lại. Nhưng xông xáo khuyên gia đình đóng tiền án phí như thế nào thì họ cũng lãng tránh và đổ mọi thứ về phía trung ương nhanh không khác gì. Rõ ràng họ muốn mớm gia đình làm những điều họ muốn, cho một mục đích nào đó, hơn là quan tâm đến vấn đề công bằng, công lý của anh Hải.
Phía công an địa phương còn làm khó dễ gia đình như lúc trước không?
Dạ vào thời điểm cấm thăm gặp (2015) thì công an họ làm ghê lắm.  Nhưng sau này, nhờ có công luận nên họ bớt lại. Phần lớn là họ tìm gặp gia đình khuyên răn là đừng nghe lời xúi giục mà đi kêu oan, đừng phản đối… giờ thì không đến thường xuyên như trước nữa. Nhưng phía hàng xóm láng giềng, người quen biết thì họ hiểu và thương gia đình, thương anh Hải nhưng cũng rất ngại công an đến làm phiền. Còn những nhân chứng quan trọng, có lợi cho anh Hải, thì công an đến cấm không được nói chuyện vụ án với ai, không được cung cấp thông tin, không được trả lời báo chí, kể cả luật sư của anh Hải. Ngay lúc này anh có gọi điện thoại cho họ, thì họ cũng sẽ không dám nói gì và sẽ nói thẳng là công an cấm không cho nói gì hết.
Vậy thì trường hợp anh Hải, chỉ có thể là gửi đơn kêu oan, chờ đợi chứ không thể làm gì khác?
Dạ, công việc bao năm qua chỉ chủ yếu là gửi đơn. Mỗi tháng gia đình đều gửi, có tin gì thì gửi thêm. Mẹ ra Hà Nội thì cầm đơn ra gửi tận nơi thêm vô nữa. Không một lần nào gia đình bỏ lỡ, kể cả được phép thăm anh Hải thì khó khăn thế nào gia đình cũng đi, không bao giờ em và mẹ hết hy vọng về việc kêu oan cho anh Hải.


----------------------
Tham Khảo Thêm:
----------------------
Nhật ký thăm nuôi tử tù Hồ Duy Hải
NỘI QUY THĂM GẶP: Trước khi kể lại chi tiết, Tôi xin nói sơ qua Nội quy Thăm gặp của Trại tạm giam Tỉnh Long An. Một tháng thân nhân được gửi quà 2 lần vào Ngày 15 và 30. Gặp mặt 1 lần vào ngày 15. Tôi nói vậy để mọi người dễ hiểu, nếu trùng vào ngày Thứ 7 và Chủ nhật thì dời lại vào ngày Thứ 6. ( Nội quy chung) Còn riêng đối với tử tù, Ngày gặp mặt thì lại dời trước 1 ngày thăm nuôi ( tức là vào Ngày 14). Tuỳ gia đình mỗi người sắp xếp đi thăm gặp vào Buổi sáng hoặc Buổi chiều.
Tôi thắc mắc hỏi và được giải thích như sau:” chia ra như vậy cho đỡ đông người và gia đình không phải chờ lâu.” ( Sau ngày hoãn thi hành án đến nay) Đối với gia đình Tôi thì đúng 8h sáng sẽ có mặt tại Trại tạm giam để vào làm thủ tục thăm gặp. Vào Cổng phải trình Chứng minh nhân dân, tiếp đến vào phòng tiếp dân duyệt giấy tờ thăm gặp Gồm: 1. Đơn xin thăm gặp người bị tạm giữ, tạm giam 2. Phiếu gửi quà 3. Bảng cam kết ( Chỉ riêng gia đình Hồ Duy Hải mới làm giấy này)
BẢNG CAM KẾT: Bảng cam kết là do gia đình viết theo yêu cầu từ phía Trại giam. Nội dung: “Tôi sẽ thực hiện đúng Nội quy Trại tạm giam quy định” Tức là hai bên chỉ được hỏi thăm sức khoẻ của nhau và gia đình. Ngoài ra, không được nói gì liên quan đến vụ án và những việc xảy ra bên ngoài. Nếu vi phạm sẽ không được thăm gặp nữa! III. CHI TIẾT CUỘC GẶP MẶT: Bây giờ, Tôi xin được kể chi tiết vụ việc từ khoảng thời gian 2 năm trở lại đây. Thời gian và địa điểm Tôi đã nêu ở phần trên. Sau khi, Giám thị trại giam kiểm tra giấy tờ đầy đủ và đúng quy định thân nhân sẽ được vào gặp.
Ở đây Tôi xin nói rõ luôn là Tôi: HỒ THỊ THU THUỶ và Mẹ của Tôi là Bà: NGUYỄN THỊ LOAN ( Em gái ruột và Mẹ ruột của HỒ DUY HẢI). Tất cả các thiết bị như: Điện thoại, máy quay phim, máy ghi âm,... đều phải bỏ vào tủ gửi đồ bên ngoài, rồi mới được đi vào Khu thăm gặp tử tù ( KHU VỰC HỎI CUNG). Phòng thăm gặp chia ra làm hai: từ cửa bước vào là bàn dài và ghế cho thân nhân ngồi. Còn phía sau là ghế hàn bằng sắt cho tử tù ngồi. Được ngăn ra bởi 1 xông sắt chỉ được nhìn nhau và nói chuyện. Họ sắp xếp chỗ ngồi cho Tôi và Mẹ Tôi ổn định sau đó mới dẫn Hồ Duy Hải ra.
Chúng Tôi có được hơn 30’ để nói chuyện với nhau. Từ xa tiến đến phòng thăm gặp Anh Hải nhìn thấy Tôi và Mẹ thì rất vui. Những lần Mẹ Tôi đi Hà Nội kêu oan thì lại khác, Anh Hải rất buồn vì không được gặp Mẹ. ( Thông thường những lúc vắng Mẹ tôi là bên ngoài gặp những tin xấu nhất, Mẹ Tôi phải gấp rút phản bác lại ) Hai chân của Anh bị cùm lại nhìn rất xót xa nhưng Tôi và Mẹ phải cố giấu đi cảm xúc vì sợ Anh Hải buồn. (Xin nói thêm những năm đầu bị giam giữ, họ cồng luôn hai tay của Anh Hải). Về sức khoẻ của Anh Hải thì Tôi tạm cho là khoẻ, người Anh gầy gò và xanh xao.
Chúng Tôi bắt đầu cuộc trò chuyện với sự giám sát của 4-5 người. Phía sau Tôi và Mẹ 3 người, phía sau Anh Hải 2 người. Họ chăm chú lắng nghe rất kỹ nếu có nói gì đến việc “ KÊU OAN” thì họ nhắc nhở ngay. Nếu nói thêm nữa có thể cuộc trò chuyện sẽ bị chấm dứt ngay và bị đuổi ra ngoài. Chúng Tôi cố gắng đưa thông tin vào cho Anh Hải vững tin vì trong đó họ bưng bít mọi thông tin. Anh Hải muốn nói gì cũng phải nhìn sắc mặt của cán bộ trại giam rồi mới dám nói. Những phút đầu Chúng Tôi hỏi thăm về sức khoẻ, công việc của nhau. Anh Hải thì hỏi thăm và gửi lời thăm từng người trong gia đình và họ hàng.
Đặc biệt, những Ngày Tết thì Anh Hải gửi lời Chúc Tết đến Quý Luật sư đã luôn giúp đỡ Anh về mặt pháp lý. Tiếp đến, Tôi và Mẹ động viên Anh Hải cố gắng giữ gìn sức khoẻ và ăn uống đừng lo nghĩ gì nhiều vì bên ngoài đã có Tôi và Mẹ lo cho Anh! Vụ việc của Con giờ không chỉ trong nước mà lan rộng ra đến Quốc tế đều biết! Muốn Anh Hải lạc quan và yên tâm hơn tránh bị tác động tâm lý xấu! Việc quan trọng nhất mà Mẹ Tôi luôn đề cập đến là việc “KÊU OAN” cho Anh Hải. Lần nào vào Mẹ Tôi cũng nói mặc dù đã bị họ nhắc nhở lớn tiếng. “Anh Hải nói Mẹ ráng kêu oan cho Con nhanh nhanh nha Mẹ để Con còn về nhà nữa, Sau lâu quá vậy." Mẹ Tôi chỉ đáp lại một câu: “ Ráng nha con Chủ Tịch Nước bận nhiều việc từ từ họ sẽ giải quyết cho Con mau về!” “Anh Hải nói tiếp sao không đến nhà riêng của Ông cho nhanh!” (Chúng Tôi chỉ biết lặng im trong lúc này...không lẽ nói thẳng ra là họ VÔ CẢM. Hàng ngàn lá đơn, thư và sự kêu gào đến thảm khóc của Mẹ Tôi mà họ có thèm đoái hoài gì đến đâu.)
Quay lại một chút những lúc Tôi một mình vào thăm gặp Anh. Tôi nói Mẹ ra Hà Nội kêu oan cho Anh rồi. Trong này họ có bắt Anh ký giấy tờ gì không? Rồi có ai vào gặp Anh nữa không? Có ăn gì nhớ ngửi trước nếu có mùi lạ thì đừng ăn sợ bị đầu độc? Có gì không biết thì Anh phải nói gia đình hỏi ý kiến Luật sư nha, đừng để bị họ gạt?
Cứ thế thời gian trôi qua hết giờ thăm gặp, Tôi và Mẹ Tôi bịn rịn xin được ôm Anh họ không cho. Chỉ cho nắm và hôn lén lên bàn tay Anh. Chúng Tôi ra về còn Anh ở lại, Tôi luôn mong ước Anh được về cùng Tôi và Mẹ. Bước ra và ngoái đầu lại Anh Tôi cũng khóc vì sợ Tôi và Mẹ buồn Anh cũng cố che đi những cảm xúc của mình!
(Thu Thủy ghi)

(Phiếu xác nhận chuyển phát bảo đảm đơn kêu oan của Hồ Duy Hải trong năm 2018)

Wednesday, January 9, 2019

"Nói giọng Bắc, nhưng không gạt bà con"


Liên tục trong nhiều ngày, những nạn nhân của vụ cưỡng chiếm đất đai tại phường 6, Tân Bình, Sài Gòn xuất hiện trên các video - tự tố cáo và được phỏng vấn - đã mô tả khá rõ những gì đang diễn ra. Dĩ nhiên, giờ đây không còn một tên gọi nào khác, ngoài việc khẳng định sự bất lương của kẻ cầm quyền là điều cần phải ghi nhớ.
Hầu hết những người xuất hiện trên video đều nói giọng Bắc. Chỉ có một số ít người nói giọng Nam. Nhưng nguồn gốc của họ, là những người đã tìm cách di cư khỏi một chế độ đang âm mưu một cuộc đại cướp bóc và giết hại dân lành. Đấu tố, xét lại... ở miền Bắc sau 1954 là những minh chứng bằng lịch sử của máu và nước mắt Việt Nam, trên phông nền rầm rập tiếng hô vang chủ nghĩa quốc tế cộng sản, đậm màu Trung Quốc.
Những người nói giọng Bắc ở vườn rau Lộc Hưng hôm nay cũng run rẩy và đau đớn, không khác gì cha ông của họ vào những ngày ôm con gà, tượng chúa cùng niềm hy vọng vào Nam, rồi nghe người thân của mình bị chôn sống, bị chặt đầu ở quê mình mà bàng hoàng vì thấy mình may mắn còn sống sót. Những người nói giọng Bắc thật thà, chỉ mong được sinh sống làm ăn. Khốn khó mấy cũng cam, bắt đầu lại mọi thứ cũng thuận. Trên tay của họ là cái cuốc, hạt giống và mồ hôi thấm đất. Họ không chọn cầm AK, hay bao bố để bắt cóc ai đi trong đêm khuya vì lý tưởng đại đồng.
Chính quyền của tổng thống Ngô Đình Diệm đã làm mọi thứ để có thể an cư gần một triệu ngưởi ở miền Nam, những người không chọn chế độ cộng sản làm bạn đường, tự nguyện xuống tàu để có thể bắt đầu lại cuộc đời. Mọi thứ ổn định cho đến năm 1975, khi nước VNDCCH ở phía Bắc mở cuộc chiến vào nước VNCH và hoàn tất. Và dù muốn hay không, tất cả những gì thuộc về hành chính, tài sản và sở hữu của người miền Nam đều phải được quyền công nhận khi chính quyền mới gọi là thống nhất và hoà bình. Nhưng thực tế thì không phải vậy. Có ít nhất đã có 3 lần, chính quyền mới mở các đợt cướp bóc tài sản và xoá quyền sỏ hữu của hàng triệu người dân một cách vô lương, gọi là đánh tư sản. Cướp và âm mưu cướp từ chính quyền mới là những điều có thật.
Trãi qua những ngày tháng ấy, tưởng chừng mọi thứ sẽ chỉ còn là dĩ vãng. Non nửa thế kỷ của một nước Việt Nam tuyên bố giàu mạnh, công bằng và văn minh, vườn rau Lộc Hưng may mắn còn sót lại, vì mảnh đất có vẻ nghèo nàn ấy chưa có dịp lọt vào mắt xanh những kẻ cầm quyền cơ hội. Và vào lúc đất nước “cường thịnh”, ai đó đã chợt nhận ra vài ngàn mét vuông giữa lòng Sài Gòn là một món lợi khổng lồ. Một món lợi phải được khai thác như thường lệ, nhân danh dự án, quy hoạch vườn hoa, trường học, quảng trường, tượng đài... Những kẻ cơ hội và cướp ngày nhân danh mọi thứ, nhưng không hề thât sự có gương mặt hay số phận con người.
Hàng trăm nhân viên đủ loại của nhà nước giàu mạnh, công bằng và văn minh ấy đã bịt mặt, mở cuộc cướp đất, phá nhà của hơn 100 gia đình, khi Tết Nguyên Đán 2019 chỉ còn vài tuần lễ nữa. Khắp nơi, trong nhịp phát triển hào hùng của Việt Nam, văng vẳng tiếng khóc, tiếng kêu giọng Bắc quen thuộc về nỗi đau và căm giận. Tiếng kêu có của cả những người không là nạn nhân, mà chỉ là người chứng kiến.
Mới đây thôi, một quan chức của chính quyền đã nói rằng “tôi nói giọng Bắc, nhưng không gạt bà con” để cố thuyết phục về tính liêm chính trong vụ cướp đất của hàng ngàn người dân tại Thủ Thiêm, quận 2. Nhưng lẫn trong tiếng quát tháo bắt người, đập nhà vào đầu tháng 1/2019 ở vườn rau Lộc Hưng cũng không thiếu những giọng Bắc hung hăng, công khai hiện hình là bọn cướp đất phá nhà dân lành. Những giọng Bắc từ nhà cầm quyền, gợi nhớ biết bao điều.
Ôi đất nước những ngày huy hoàng, “có bao giờ được như thế này đâu”, nhưng bên tai, sao chỉ còn nghe thấy những giọng Bắc hốt hoảng và đau thương với cuộc đời của mình. Những giọng Bắc của con trẻ, người già, phụ nữ, và của những người thương phế binh yếu ớt không còn nơi nương tựa. Những nỗi đau thương sao như di sản cha truyền con nối. Chỉ khác là họ hôm nay, không may mắn bằng cha mẹ mình ở thế kỷ trước, vì không biết phải bước chân xuống chuyến tàu nào để thấy được hy vọng.
Những giọng Bắc nạn nhân ấy, không thể gạt chúng ta. Những giọng Bắc nghẹn ngào như cào cấu vào tim người. Nó mãi mãi nhắc chúng ta - những người Việt - về một sự thật được ghi lại trong lịch sử của đất nước này về những loại giọng Bắc được biết: của người dân chân chất và của bọn trá nguỵ
(Ảnh: Fb Ky Mai)