Saturday, January 16, 2021

Trần Huỳnh Duy Thức và cột mốc 50 ngày tuyệt thực

Những tin tức về Trần Huỳnh Duy Thức và cuộc tuyệt thực của ông đang rất lẫn lộn. Nhưng điều quan trọng nhất, cho thấy là việc đòi hỏi xét lại án tù dài hạn vô lý của ông Thức đưa ra, là một ca khó cho những người cầm quyền tạm ở Hà Nội lúc này: Không ai muốn chịu trách nhiệm để giải quyết, và bên cạnh đó, vẫn có thể Thức là một lá bài quan trọng để thương thảo với bên ngoài cho phía nhà cầm quyền, vốn sau đại hội 13 sẽ phải đối phó rất nhiều thứ.

Ông Thức có vẻ tạo được những sự “ủng hộ” nào đó từ phía trại giam Nghệ An, nơi những người quản lý trại ở đây nói với ông Thức lẫn cả gia đình, rằng họ ủng hộ một cách hoàn toàn việc đòi hỏi công lý cho bản án của ông Thức, kể cả khi ông Thức khởi động chương trình tuyệt thực của mình.

Thế nhưng, sau 48 ngày, kể từ khi có nguồn tin cho biết ông Thức có thể đã rơi vào trạng thái hôn mê, chi phí quản lý trại giam đã đưa ông Thức đi cấp cứu ở bệnh viện Ba Lan, trong tỉnh.

Thông tin về việc cán bộ trại giam Nghệ An “ủng hộ” ông Thức đòi công lý có cái gì đó hơi khác thường. bà Yến, chị của ông Thức cho biết rằng cán bộ của trại nói họ cũng sẽ đồng hành với ông Thức trong việc chuyển những đơn yêu cầu tái xét bản án đến những nơi cần thiết. Thế nhưng trong suốt hơn một tháng ông Thức tuyệt thực, dường như đã không có thông tin nào cụ thể và thiết thực cho biết rằng đường đi của những lá đơn đó đến đâu, và được phản hồi như thế nào.

“Trong trường hợp  thật sự có “đồng hành”, người ta sẽ đề nghị một cán bộ cấp cao nào đó đến để nói chuyện với ông Trần Huỳnh Duy Thức  Trì, nhằm tạm ngăn chận cuộc tuyệt thực kéo dài sẽ gây ảnh hưởng không tốt, vì bất kỳ ai cũng biết rằng trong thời điểm trước đại hội đảng, sẽ gần không thể có một quyết định nào mang tính tích cực dành cho ông Thức. Đồng hành với hiện trạng diễn ra, có thể coi là một cách khuyến khích ông Thức hủy hoại bản thân mình mà không có lối thoát”, Một cán bộ về hưu giấu tên bình luận như vậy.

Vào ngày tuyệt thức thứ 48, (10/1/2020) - tức sau một ngày gia đình của ông Thức quyết định đến Nghệ An, Trại giam số 6, Thanh Chương, nhất quyết đòi gặp mặt ông Thức để biết tính mạng sống còn của ông như thế nào – tin tức từ trong trại bí mật lọt ra cho biết ông Thức rơi vào trạng thái có thể là hôn mê và được điều trị cấp cứu ở bệnh viện Ba Lan. Và ngay cả những người cán bộ ở trại giam này, khi tuyên bố “đồng hành” với ông Thức cũng giấu nhẹm tin tức này.

Gia đình của ông Thức hoàn toàn không biết gì về chuyện này. Tuy nhiên, nguồn tin riêng của các tòa sứ ngoại quốc tại Việt Nam thì khác. Ngày thứ 49, tòa đại sứ Đức ở Việt Nam đã liên lạc với cấp ngoại giao của Việt Nam, và yêu cầu được biết về tình hình ông Thức ra sao. Thế nhưng câu trả lời là mọi thứ vẫn ổn. Ngay sau đó, tòa đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam đã liên lạc với gia đình ông Thức tại Sài Gòn và xác nhận rằng ông Thức được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện ngoài trại giam.     

Trên trang facebook có tên Trần Huỳnh Duy Thức, có phát đi dòng thông cáo, sau đó:

“Trong chiều ngày 13/01/2021, gia đình nhận được tin từ Đại sứ quán Mỹ cung cấp thì anh Trần Huỳnh Duy Thức thật sự đã được đưa đến bệnh viện, ngoài ra họ không có thêm bất kỳ thông tin nào khác.

Gia đình (của ông Trần Huỳnh Duy Thức) đang vô cùng bối rối và lo lắng trước tình hình này. Tính đến ngày hôm nay chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ phía Trại giam 6 về Đơn yêu cầu cung cấp thông tin chúng tôi đã gửi gấp vào ngày 11/01/2021. Chúng tôi cần các cơ quan chức năng Việt Nam thực hiện trách nhiệm của mình và trả lời chúng tôi về tình trạng hiện tại của anh Trần Huỳnh Duy Thức!”.

Được biết, trong những ngày ông Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực, mỗi ngày ông phải ký vào một phiếu xác nhận ông đã không nhận khẩu phần thức ăn của trại. Từ sau một tuần tuyệt thực, ông Thức được bác sĩ của trại giam theo dõi mỗi ngày về huyết áp và tim. Vào ngày tuyệt thực thứ 25 và 42, ông Thức có ngất đi, té nhưng may mắn là không nguy hiểm. Theo gia đình cho biết, ông đã sụt 9kg kể từ khi tuyệt thực và đường huyết thường xuyên ở mức 1.8.

Nhiều phóng viên ở nước ngoài cũng như giới truyền thông tự do trong nước gọi điện thoại đến bệnh viên Ba Lan, thành phố Vinh để thăm hỏi, thì lại bị diễu cợt bởi người nhận máy “biết rồi, bệnh nhân của anh là bệnh nhân Trí Thức, hiện đang nằm ở Trại 6. Ừ, Duy Thức chứ không phải là Duy Ngủ”. Phía trả lời của bệnh viện cũng phủ nhận ông Thức có nhập cấp cứu, nhưng họ trả lời rất rành mạch về nhân thân ông Thức.

Dĩ nhiên, nếu không nhận được hướng dẫn từ Trại giam số 6, ở bệnh viện không thể trả lời suông sẻ và nhanh chóng như vậy.

Theo mô tả của một người có kinh nghiệm về trại giam, xin giấu tên, cho biết, Nếu trong tình hình khẩn cấp thì trại giam sẽ lợi dụng lúc người tuyệt thực vào hôn mê, sẽ đưa đi bệnh viện để vào nước biển và đạm. Thậm chí có thể là chích cả thuốc ngủ để có thể kéo dài việc tạm nuôi sống người tuyệt thực. Đặc biệt là vào thời điểm trước đại hội Đảng lần thứ 13, trại giam sẽ không dám để cho ông Thức chết.

Nhưng dù như thế nào, tính đến ngày 15/1/2020, khi chưa hề có bất kỳ một lời tuyên bố ngưng tuyệt thực nào của ông Trần Huỳnh Duy Thức, điều đó cũng đồng nghĩa rằng cuộc tuyệt thực của ông đã kéo dài đến ngày số 53. Điều đáng nói, lợi dụng việc ngăn cách do dịch covid-19  trại giam số 6 Nghệ An đã vẫn đang giấu nhẹm không cho người nhà của ông Trần Huỳnh Duy Thức  được biết thật sự sức khỏe của ông lúc này như thế nào. Quả là một cuộc “đồng hành” đáng nhớ.

Mỗi ngày trôi qua, khi chưa có bất kỳ một lời tuyên bố ngừng tuyệt thực nào của ông Trần Huỳnh Duy Thức, điều đó có nghĩa là cột mốc lịch sử của cuộc chiến đấu bằng mạng sống của ông, vẫn đang được cộng thêm từng ngày.

Lịch sử của những cuộc tuyệt thực với kết cục đau đớn được ghi nhận trong lịch sử, có tù nhân chính trị Wilmar Villar, 31 tuổi, 2012 tại bệnh viện Santiago (Cuba) sau 50 ngày tuyệt thực. Xa hơn, có nhân vật chính trị người Ireland, nghị viên Bobby Sands, dẫn đầu Một cuộc tuyệt thực tập thể, và qua đời ở ngày thứ 66.

Sunday, January 10, 2021

Hy vọng, và dấn tới

Vậy rồi, một chút gì đó về hai nhạc sĩ nhạc trẻ tiền phong Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang cũng đã được tập hợp lại, ra mắt trong đầu năm 2021. Cầm sách trên tay mà thật cảm động.

Dự án này, 3 năm trước đã được nhà thơ Lý Đợi đi mời chào với nhiều người. Trong suốt những năm tháng tạm dừng giới thiệu thơ của mình với công chúng, Lý Đợi lặng lẽ tự dựng nên một chuỗi ấn bản của mình về con người và văn hóa riêng của Sài Gòn. Tất cả những gì tản mát và có thể rơi rớt đâu đó, được tập hợp lại, in đẹp, trang trọng ra mắt chờ người đồng cảm với mình.

Lần đầu tiên, khi được rủ rê nhập cuộc với cuốn sách này, tôi đã ngần ngại "được không, với cái cách kiểm duyệt của chế độ này?". Lúc đó, Lý Đợi không dám chắc bất kỳ điều gì, nhưng bản tính lì lợm của một tay Quảng Nam, hắn cứ thúc "cứ làm, cứ dấn từng bước thôi anh".

Ngày cuốn sách ra đời, Lý Đợi gọi và nói với giọng vui mừng rằng "phần viết của anh, chỉ sửa cách gọi, đúng có một chữ". 

Tôi nhớ, hình như đó là chữ 'Cộng sản', được đổi thành chữ 'miền Bắc'. 

Cuộc trường chinh cắt gọt linh hồn chữ nghĩa chưa bao giờ thôi ám ảnh giới văn nghệ Việt Nam, sau nhiều thập niên. Nó không chỉ ám ảnh với người sáng tạo mà với cả một thể chế. Sau 45 năm chơi trò cút bắt, thậm chí là hình sự đối với âm nhạc miền Nam, lệnh tha bổng tương đối đã được ban hành cho bất kỳ ai muốn ca hát và biểu diễn - như một cách để giới kiểm duyệt tạm chấm dứt cuộc săn đuổi đầy mệt mỏi và vô nghĩa của mình sau bấy nhiều năm. Dù phải sửa một tên gọi trong toàn bộ bài viết thôi, ấy cũng có thể coi là một bước tiến vĩ đại của tư duy kiểm duyệt đã từng.

Lý Đợi nói đúng, dù như thế nào chúng ta vẫn phải dấn tới. Dù ngột ngạt hay trói buộc thế nào thì kẻ được gọi là trí thức vẫn phải dấn tới về phía tương lai và tự do của mình. Ấn bản Phượng Hoàng cầm trên tay nhắc tôi không biết bao nhiêu điều. Tôi nhớ nụ cười buồn bã của anh Lê Hựu Hà khi nghe những bài hát của anh không được cho phép trình diễn hay phát hành. Nhớ cả tiếng thở dài của nhạc sĩ Thanh Sơn, Trần Quang Lộc, Mặc Thế Nhân... khi phải vật lộn để bảo vệ từng ca từ, nhớ sự tổn thương của họ khi phải chứng minh mình là một nghệ sĩ "trong sạch" trong mắt nhìn của cơ quan kiểm duyệt.

Tôi nhớ cả u ám phần mình. Bài hát Dối Trá có ca từ mô tả nhân vật là "người", bị báo cáo mật từ Sở văn hóa gửi về Cục biểu diễn xin lệnh cấm hoạt động văn nghệ suốt đời, vì cho rằng chữ "người" ấy, là một âm mưu xúc phạm, ám chỉ ông Hồ Chí Minh.

Thật may mắn, vì tôi đã chứng kiến được những ngày tháng khắc nghiệt nhất, và những giờ phút những trói buộc đó lơi dần, thậm chí chứng kiến ngôn luận từ  hệ thống đó còn tự trách, vì đã quá khắt khe trong suốt một thời gian dài. 

Chỉ tiếc là những người của thế hệ mà tôi biết, họ đã không được tận hưởng đủ những giờ phút như thế này. 

Tôi nhớ vào những ngày tháng cam go nhất, vào những lúc có những luật lệ bất thành văn từ các quan lại văn hóa "một album 10 bài hát, chỉ được sử dụng tối đa 3 bài hát của các tác giả của chế độ cũ", những nhạc sĩ ấy vẫn miệt mài viết, vẫn hát - dù có thể không được duyệt - nhưng họ vẫn tin rằng một ngày nào đó mọi thứ sẽ phải thay đổi, và âm nhạc thật sự sẽ lại lên tiếng.

Cuộc sống chỉ có thể tốt hơn, chứ chẳng bao giờ có chuyện tốt nhất. Nhưng sẽ chẳng bao giờ có sự tốt hơn nào, nếu từ chối hy vọng và dấn tới, chấp nhận cam chịu.

Cũng vì suy nghĩ này, năm 2007, tôi đã quyết định phủ nhận tất cả mọi sự kiểm duyệt, để bắt đầu như một người tự do hoàn toàn, bằng album Bụi Đường Ca. Mà thật lòng lúc đó không dám nghĩ rằng sẽ có một ngày, mọi thứ không kiểm duyệt trên internet như hôm nay. Đơn giản, tôi chỉ muốn đứng về phía những người đi trước, chia sẻ cùng cảnh ngộ với họ.

Cảm ơn, cuốn sách ra đời, như một dịp để nhớ, và tưởng niệm đến tất cả những văn nghệ sĩ của miền Nam đã sống, đã viết, và đã hát với tinh thần tự do trong mọi hoàn cảnh, ở mọi phương trời. Họ là những kẻ bị xô đẩy vào góc tối nhưng vẫn hy vọng và dấn tới. Xã hội âm nhạc hiện hành VN hôm nay là một chứng minh. 

Thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được những tin nhắn của những người bạn trẻ hỏi là phải làm sao trước thời cuộc hôm nay. Cầm cuốn sách trên tay, đọc về những sự tự do trong văn hóa miền Nam đã từng có, tôi chỉ muốn nói rằng chúng ta hôm nay, cũng vậy, phải luôn hy vọng và dấn tới trước những barie độc tài, mới có thể tìm thấy những bến bờ khác chờ đón, phía ngoài của ràng buộc ao tù, kiểm duyệt.

Dù là giành lại cái đã có, hay tìm đến đường biên mới, đừng bao giờ từ bỏ niềm hy vọng và luôn dấn tới, của mỗi người.