Thursday, June 30, 2022

“Nội chiến” bị coi là phản tuyên truyền và kích động hận thù?

 

Sự kiện ca sĩ Khánh Ly hát bài Gia Tài Của Mẹ, một bài hát trong tập Ca khúc Da Vàng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang dấy lên những tranh luận dữ dội trong nước. Phía những người chống Khánh Ly và sự tồn tại của nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa ở Việt Nam, lúc này đã dùng những lời lẽ hết sức nặng nề, thậm chí gọi bà là kẻ âm mưu tuyên truyền chính trị ở Việt Nam.

Không có lý luận rõ ràng, nhưng hầu hết các luận điệu chống đối ca sĩ Khánh Ly đều dựa trên câu chữ mà bài hát mô tả là “nội chiến” để tấn công. Phía Nhà nước Việt Nam lâu nay vẫn nói rằng cuộc chiến tranh giải phóng Nam Bắc là một cuộc giải phóng thần thánh, để thống nhất đất nước. Nội dung nói “nội chiến” bị coi là sai đường lối và chủ trương của đảng cộng sản Việt Nam.

Nhưng đáng ngạc nhiên, là không dòng nào chỉ trích người viết ra bài hát này, là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bên cạnh đó, làn sóng bảo vệ bà Khánh Ly và dòng văn hóa riêng của Việt Nam Cộng Hòa cũng bùng lên sôi động không kém.

Trên nhiều diễn đàn ở facebook, có những lời bình luận nói vụ video quay bà Khánh Ly hát ở Đà Lạt bài Gia Tài Của Mẹ, là do công an gài để tấn công show diễn của bà.

Viết trên trang nhà của mình, nhà bình luận thời sự Dương Quốc Chính từ Hà Nội, ghi rằng “An ninh chính trị nội bộ đã vào cuộc do “quần chúng tố giác”! Thực ra quần chúng ở đây chính là anh em bò đỏ thôi. Chuyện này gây phẫn nộ dữ dội bởi anh em, do não trạng xơ cứng và máy móc, cứ thấy bài hát bị cấm là auto phẫn nộ khi có kẻ cả gan biểu diễn trái phép. Bọn chúng không hiểu rằng cấm thế chứ cấm nữa thì cũng vô ích. Bởi nghe offline chỉ có tối đa 1000 người chứ nghe online thì cả triệu người và cả trăm triệu lượt người mấy chục năm qua, có cấm được đâu? Đấy là chưa kể khi báo chí rùm beng thì trẻ trâu nó search vì tò mò khiến bài hát lại càng được phổ biến. Thế nên bò càng húc lại càng giúp quảng bá bài hát, phản tác dụng”.

Nhiều người cũng nhắc rằng bài Gia Tài Của Mẹ cũng như nhiều bài hát trước năm 1975 không được lưu hành trong đời sống, đều không có một lệnh cấm cụ thể nào.

Sự kiện ca sĩ Khánh Ly hát thêm một bài ngoài danh sách 24 bài cho phép, vốn là chuyện ngày thường của sân khấu Việt Nam, đặc biệt khi có khán giả yêu cầu. Nhưng với ca sĩ Khánh Ly, ắt là một trường hợp “nhạy cảm” khác nên mọi thứ trở nên căng thẳng. Cục Biểu Diễn Nghệ Thuật ở Hà Nội nói đợi sau khi Sở VHTT&DL Lâm Đồng xử lý xong, thì sẽ đến phiên Cục này có quyết định tiếp.

Trong một bình luận có tên “Biện bạch vụng về”, nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang viết “Mượn cớ ca khúc "Gia tài của mẹ" không có trong danh mục ca khúc được cấp phép biểu diễn trong đêm nhạc 25/6/2022 ở Đà Lạt, Sở VHTT & DL cũng như Cục Nghệ thuật biểu diễn Bộ VHTT & DL đều khẳng định Ban Tổ chức đêm nhạc có sai phạm, Sở VHTT & DL Lâm Đồng làm đúng quy định khi mời làm việc Ban Tổ chức đêm nhạc? Xin lỗi! Võ Văn Tạo tôi tin chắc 100% rằng nếu đêm đó Khánh Ly hát vượt danh mục cấp phép đêm biểu diễn bằng bài "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng thì" có đến bố quý Sở cũng không dám "mời làm việc". Phải không ạ?”

Có những bình luận na ná nhau, xuất hiện ở nhiều nơi, tựa như có một cách chỉ huy hành động chung, nói bài hát Gia Tài Của Mẹ chống hòa giải hòa hợp, khơi gợi hận thù trong người Việt, nên cần phải cấm. Tuy nhiên nhiều người nói đây là một cách nói lấy được. Nhiều bài hát của miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh đến nay vẫn còn được lưu hành, đầy tính kích động hận thù. 

Đơn cử như bài Tiến Về Sài Gòn của tác giả Huỳnh Minh Siêng có lời hát ”tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù”. Bài hát này được phát liên tục từ năm 1974 cho đến về sau này, mà đó là thời điểm chỉ còn cuộc đối đầu giữa hai phía Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mà thôi. Từ năm 1973, lực lượng đồng minh của VNCH đã hoàn toàn rút khỏi Việt Nam, nên “giặc thù” ở đây, rõ chỉ có chính quyền miền Nam Việt Nam.

Việc ra giấy phép biểu diễn, kiểm soát nghiêm ngặt như show Xuyên Việt của ca sĩ Khánh Ly, cũng cho thấy có cái gì đó bất thường đối với Nghị định cho phép tự do trình diễn các ca khúc trước năm 1975 của Hà Nội đã từng được nhiều báo chí trong nước hân hoan đưa tin.

Theo Nghị định số 144/2020 về hoạt động nghệ thuật biểu diễn được Chính phủ ban hành, từ 1-2-2021, có nói rõ rằng quy định bắt buộc cấp phép ca khúc miền Nam trước 1975 được bãi bỏ. Việc phổ biến không cần phải cấp phép nữa, hay nói cách khác là tất cả các bài hát được tự do trình bày. Bài nào đặc biệt có “vấn đề” sẽ có danh sách cấm riêng. Nhưng Gia Tài Của Mẹ cũng chưa bao giờ được công bố là bài hát cấm, nên công chúng đang tự hỏi bài hát này đang trở thành sự kiện rùm beng, là vi phạm gì về nội dung gì?

Và như vậy, Sở VHTT&DL Lâm Đồng đang áp dụng lệ làng hay Nghị định chính phủ vô giá trị, chỉ thông cáo đưa ra cho có? Và hiện nay, cách nối nhau để “làm việc” với chương trình của bà Khánh Ly, liệu có là một chủ trương bất thường của hệ thống kiểm duyệt văn hóa Việt Nam?

 

               

Tuesday, June 28, 2022

Chống lại những dự án điện than ô nhiễm của nhà nước, và bị tù

 



Năm 2016, khi chính phủ Việt Nam công bố quyết định cắt giảm việc sử dụng than trong kế hoạch năng lượng tương lai của mình, là do các thành viên cấp cao của nhà nước đã nghe theo lời khuyên của một trong những nhà hoạt động bảo vệ môi trường nổi tiếng của đất nước, bà Ngụy Thị Khanh.

Bà Khanh nêu ra các kế hoạch thay đổi và kêu gọi chính quyền hành động. Bà nói rằng họ phải cắt giảm mức 30.000 megawatt điện than - tương đương với công suất của tất cả các nhà máy than ở Texas và Pennsylvania. Mọi sự vận động đã đi được nửa chặng đường, giới quan chức Việt Nam đồng ý giảm ở con số 20.000 megawatt.

Đó là một chiến thắng lớn chưa từng có, đối với các nhà bảo vệ môi trường của Việt Nam. Nhưng thật bất ngờ hôm 17 Tháng Sáu, bà Ngụy Thị Khanh, 46 tuổi, bị chính quyền Việt Nam kết tội trốn thuế và bị kết án hai năm tù. Bản án gây nhiều tranh cãi trong giới hoạt động xã hội, và theo những người biết rõ về bản án này, trường hợp của bà Khanh đã gây chấn động sợ hãi cho những người tin rằng mình chỉ vận động cho môi trường, chứ không liên quan gì về chính trị ở Việt Nam.

Những người ủng hộ bà Ngụy Thị Khanh, vốn là người Việt đầu tiên nhận Giải thưởng Môi trường Goldman danh giá của thế giới, nói rằng cáo buộc trốn thuế chính là một sự trừng phạt. Họ cho rằng hình phạt này rất ngụ ý, đáp lại chiến dịch kiên quyết chống điện than của bà. Trước đó, và tháng Giêng, chính quyền đã bắt giam ba nhà hoạt động môi trường khác, tất cả đều đã lên tiếng chống lại các chính sách về điện than của chính phủ Việt Nam. Hóa ra, giờ thì không chỉ những người bất đồng chính kiến gây khó chịu cho chính quyền, mà những người muốn vận động cụ thể cho môi trường sống, cũng bắt đầu trở thành kẻ phá bĩnh các toan tính của các quan chức Hà Nội.

Tở New York Times nhận định rằng, với cách trình bày nhẹ nhàng và tự tin, bà Khanh đưa ra các báo cáo thuyết phục, đánh giá những rủi ro đối với Việt Nam, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, nếu như cứ tiếp tục dựa vào điện than. Bà đã đi khắp đất nước, sử dụng khoa học và số liệu thống kê để thuyết phục công chúng và làm lung lay các quan chức địa phương.

Bà Ngụy Thị Khanh cũng tổ chức các chiến dịch và vận động cộng đồng, đặc biệt là trong giới trẻ, cùng tham gia ủng hộ môi trường. Đây chính là những hoạt động bị coi là mối đe dọa đối với nhà nước độc đảng, vốn từ lâu đã không dung thứ cho những tập hợp bất đồng chính kiến ​​nói chung.

Nhiều nhà bảo vệ môi trường cho rằng việc truy tố bà Ngụy Thị Khanh, cũng như với các nhà hoạt động khác, đã đặt ra câu hỏi về cam kết của Việt Nam tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp quốc ở Glasgow năm ngoái, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố sẽ loại bỏ điện than vào năm 2040. Dĩ nhiên, đó là một phát biểu rất rộn ràng, vì nếu có thật, đó là một sự phát triển đáng kể. Việt Nam hiện nay là đất nước có 99 triệu dân, là nước tiêu thụ than lớn thứ 9 trên toàn cầu.

Michael Sutton, giám đốc điều hành của Quỹ Môi trường Goldman, người đã viết thư cho đại sứ của Việt Nam tại Washington và kêu gọi trả tự do cho bà Ngụy Thị Khanh cho biết: “bản án cho bà Khanh hoàn toàn vô lý”.

“Bà ta đã làm mọi thứ để giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu của riêng mình và làm cho đất nước có hình ảnh tốt trên trường quốc tế”, ông Michael Sutton nói thêm, “Chúng tôi lo ngại về điều này hoàn gtoafn đi ngược với tương lai về năng lượng mà nhà cầm quyền Việt Nam đã nêu”.

Những người khác xem trường hợp này phản ánh một xu hướng đáng lo ngại.

“Đây là một tín hiệu rất mạnh mẽ từ Đảng Cộng sản rằng họ sẵn sàng đi xa hơn nữa để kiểm soát xã hội dân sự,” ông Trịnh Hữu Long, đồng Giám đốc Sáng kiến ​​Pháp lý cho Việt Nam, có trụ sở tại Đài Loan, cho biết. “Và họ sẽ không chấp nhận những lời chỉ trích dù chỉ là nhẹ.”

Trước khi có sự vận động của bà Khanh, Việt Nam có rất ít năng lượng tái tạo. Nhưng nhận thức ngày càng tăng về chi phí y tế với việc đốt nhiên liệu hóa thạch đã thúc đẩy chính phủ sử dụng năng lượng mặt trời. Nhiều chính quyền địa phương đã đề nghị miễn giảm thuế và các mức thuế hấp dẫn để khuyến khích đầu tư. Mọi thứ có vẻ khởi sắc. Việt Nam trở thành quốc gia có công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió lớn nhất Đông Nam Á.

Nhưng tin từ nội bộ của chính quyền CSVN cho biết nhiều quan chức đã chống lại năng lượng tái tạo. Trong một số dự thảo kế hoạch, các suy nghĩ của Hà Nội cho thấy rằng họ muốn khăng khăng tiếp tục phụ thuộc vào điện than. Nhiều quan chức phản bác, nói rằng họ lo ngại việc loại bỏ than đá của đất nước có thể gây tổn hại cho nền kinh tế, và rằng năng lượng tái tạo có thể là một cách tốn kém và không đáng tin cậy để cung cấp năng lượng cho đất nước.

Rõ ràng, việc đối xử với bà Ngụy Thị Khanh bằng các cáo buộc ngụy tạo và gán ghép, đã làm sáng tỏ cách tiếp cận đầy mâu thuẫn của chính phủ Việt Nam trong việc tuyên bố bảo vệ môi trường và các tranh cãi nội bộ của các quan chức cộng sản. Đối mặt với sự giận dữ ngày càng tăng của công chúng về ô nhiễm không khí và sự cố tràn hóa chất, chính phủ đã tạm cho phép các nhóm vận động bảo vệ môi trường và chấp nhận các cuộc biểu tình hạn chế, nhưng luôn có sẳn các kế hoạch để bóp chết.

Nhiều nhận định, các hệ thống điện than ở Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng từ Trung Quốc, mất các dự án, cũng là mất các phần tiền hoa hồng béo bở và mất cả mối quan hệ chiến lược. Theo dữ liệu từ Tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu (GEM). Tổ chức này cũng cho biết tính đến tháng 9/2021, Việt Nam là nước nhận đầu tư điện than từ Trung Quốc lớn thứ tư với tổng giá trị 5,6 tỷ USD.

Đứng sau Trung Quốc, có Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tham gia các dự án xây dựng các nhà máy điện than ở Việt Nam. Tuy nhiên dựa trên các các cam kết với thế giới về phát triển năng lượng sạch. Đầu năm nay, các quan chức cấp cao như Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, thống đốc Nhật Bản JBIC Maeda Tadashi, đã đưa ra tuyên bố sẽ ngừng tài trợ vốn cho các dự án điện than mới ở nước ngoài. Các công ty công ty thương mại và ngân hàng ở Nhật Bản đã bắt đầu rút khỏi lĩnh vực than, bao gồm Daiichi Life Insurance, Sumitomo Mitsui Financial Group, Marubeni Corporation, Mitsui &Co., và Mitsubishi Corporation. Các tổ chức tài chính tư nhân và công ty của Hàn Quốc cũng đã tuyên bố chấm dứt ủng hộ các dự án điện ở nước ngoài, bao gồm KB Financial Group, Shinhan, KEB Hana và Samsung.

 

Làm phim, và "quyền" tự do sáng tạo


Bộ phim về Trịnh Công Sơn được xem là phim tiểu sử, có nhiều chi tiết được liệt kê, nhiều nhân vật được nhắc đến, nhưng có vài cái tên quan trọng bị tránh không nhắc đến.
Trong cuộc đời của ông Trịnh Công Sơn, nhân vật Lưu Kim Cương (1933-1968) là điểm phản bác lại những quan điểm mà nhiều người hay gọi ông là Việt Cộng nằm vùng, mà từ đó để nhận ra rằng bản chất nghệ sĩ của Trịnh Công Sơn là một người la cà bè bạn, sống tùy cảm xúc và cuối cùng chỉ loay hoay chọn cách tồn tại an toàn ở quê nhà.
Phim "Em và Trịnh" nhấn mạnh về nhân vật Ngô Kha, bạn của Trịnh Công Sơn. Cũng phải thôi, vì Ngô Kha được coi là người của phía cách mạng. Mặc dù chuyện phong liệt sĩ cho Ngô Kha cũng đã từng vật vã tranh cãi ở Huế, cho đến năm 1981, vượt qua các lời phản bác, ông Ngô Kha mới được phong tặng liệt sĩ. Có thể thấy cách chú trọng dựng một không khí riêng “Ngô Kha” trong phim, là một phần để làm đẹp lòng những người kiểm duyệt.
Phim cũng “cộng nghiệp” hai nhân vật Đinh Cường và Trịnh Cung thành một người và tạo ra một tính cách chung chung cũng là một cách lướt qua, có thể là để không nói về Trịnh Cung (1938). Nhân vật này, nếu nói về, cũng không tiện trong một nền điện ảnh còn thiếu thốn tự do và khả năng cảm nhận về điện ảnh chân chính của những người có quyền.
Ông Trịnh Cung nhập ngũ năm 1964 như mọi thanh niên miền Nam lúc đó theo lệnh tổng động viên, theo học khóa 19 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, sau đó với tài năng hội họa ông được giữ lại làm huấn luyện viên môn Chiến tranh Chính trị VNCH. Sau Tháng Tư 1975, ông gác bút lông và giá vẽ trong chục năm vì cuộc sống thay đổi với 3 năm đi tù “cải tạo”, 2 năm buộc đi kinh tế mới và 2 năm trở về Sài Gòn bán bánh mì ở vỉa hè. Hơn nữa, đầu những năm 2000, khi cả nước sục sôi chống Trung Quốc, ông cũng xuống đường và bị công an gọi làm việc nhiều lần.
Ông Trịnh Cung kể, vào lúc quá mệt mỏi với những thư mời thẩm vấn, ông đã báo với người công an là ông từ nay sẽ không đi nữa, vì lòng tự trọng của mình, và ông chỉ sẽ chờ bắt thôi. Từ đó, lúc nào ở cái bàn gần cửa nhà, ông luôn để sẵn một cái túi nhỏ với một bộ đồ, cái lon Guigoz chờ khi có công an đến là xúc cơm bỏ vào đó với chút muối mè và lên đường. Nhưng không hiểu sao, từ sau tuyên bố đó, không ai quấy rầy ông nữa.
Dĩ nhiên, với một người bạn rất thân nhưng khác màu như vậy, thì làm sao có thể để vào, khiến bộ phim có thể toàn vẹn mô tả về một Trịnh Công Sơn tranh-đấu-như-một-người-cộng-sản?
Còn với đại tá Lưu Kim Cương, lại càng không, vì cuộc đời của ông sống, chiến đấu và phục vụ cho một chế độ khác. Hơn nữa hình mẫu của đại tá Lưu Kim Cương là một nhân vật điển hình của một trí thức sĩ quan của chế độ cũ: quả quyết với lý tưởng phục vụ nhưng nhãn quan đầy dân chủ trong đời sống.
Đại tá Lưu Kim Cương vì mến tài mà quen với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hai người thường xuyên sinh hoạt văn nghệ với nhau ở quán Mây Bốn Phương, nằm trong Câu Lạc Bộ Không Quân. Vì thân nhau nên một tuần có lúc ông Sơn đến chơi với đại tá Cương hai, ba lần. Tình bạn của hai người gắn bó hơn khi có lúc ông Nguyễn Cao Kỳ gặp Trịnh Công Sơn tại câu lạc bộ, và chỉ trích thẳng mặt ông Sơn về các bài hát phản chiến, nhưng đại tá Lưu Kim Cương chính là người bênh vực. Chuyện kể rằng khi Trịnh Công Sơn đang giải bày quan điểm của mình, thì đại tá Cương đã xen vào cắt ngang, nói rằng “tôi nghĩ đó là những điều hay nhất của một quốc gia tự do”.
Mậu Thân 1968, khi Trịnh Công Sơn núp ở trong nhà, hé màn quan sát đường phố - là tiền đề cho ca khúc mang tính lịch sử Bài Ca Dành Cho Những Xác Người – và mất liên lạc với mọi người ở Sài Gòn. Sau khi chiến sự tạm lắng xuống, đại tá Lưu Kim Cương đã sốt ruột biệt phái phi công Nguyễn Quí Chấn bay ngay ra Huế để đón Trịnh Công Sơn vào Sài Gòn lánh nạn. Riêng chi tiết "hé màn nhìn ra" của Trịnh Công Sơn, nếu ai có thời gian đọc lại Mười Gương Mặt Văn Nghệ của Tạ Tỵ, sẽ biết nhiều hơn, đặc biệt là với bút ký của chính Trịnh Công Sơn viết về những người lính Bắc Việt xuất hiện ở Huế lúc đó, ra sao.
Tháng 5 năm 1968, khi đang là đại tá Tư lệnh Không đoàn 33 Chiến thuật kiêm Chỉ huy trưởng Yếu khu Quân sự Tân Sơn Nhứt, ông bị tử trận trong trận Mậu Thân đợt 2, được truy thăng cấp bậc chuẩn tướng. Đại tá Lưu Kim Cương là người bạn duy nhất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mà còn là người khiến ông xúc động đến mức viết ra ca khúc dành riêng, mang tên Cho Một Người Nằm Xuống.
Dù được viết bài hát riêng, nhưng ông Cương không được nằm trong nhãn quan mô tả lại tiểu sử, cũng là điều dễ hiểu ở Việt Nam hôm nay. Nên có thể nói ở Việt Nam hôm nay, người ta đang tạo ra thể loại tiểu sử giả tưởng. Vì giả tưởng, nên các nhân vật cần thiết lại xóa đi, và những ai được phục dựng trong phim như ca sĩ Khánh Ly, ca sĩ Thanh Thúy… đều phản đối phần của mình bị lãng mạn hóa, teen hóa hoặc hoàn toàn khác biệt đời thật của mình.
Đã có không ít những lời tranh cãi, cho rằng “làm phim có quyền”. Thậm chí là sếp lớn của hãng đầu tư phim cũng nói kiểu như quần chúng còn dốt nát nên không nhận ra cái “quyền sáng tạo” của điện ảnh. Dĩ nhiên, làm phim có quyền bay bổng với trí tưởng tượng của nhà biên kịch, đạo diễn, nhưng trước hết nền tảng của sự bay bổng đó phải là tinh thần tự do, trong một nền điện ảnh tự do không nhằm phục vụ cho bất cứ ai. Khi không đủ sức mạnh của bản thân nhưng lại thích nói lớn tiếng, giống như một người tự do, thì anh chỉ có thể tự huyễn hoặc mình, và có tội khi cố căng sửa lịch sử để làm tròn phận mình và đời của cả người khác, chỉ để mua vui ngày kiểm duyệt.
Hãy tưởng tượng, một ngày nào đó, khi các nhà làm phim trẻ và ngôn ngữ bay bổng vũ trụ ấy, lại làm phim tiểu sử về anh Bảy Lốp hay người anh hùng không quân Phạm Tuân tắt máy, nằm trên mây để chờ B52 đến chẳng hạn. Nghĩ mà toát mồ hôi.

Friday, June 17, 2022

Ca sĩ Khánh Ly nói gì về bộ phim cuộc đời Trịnh Công Sơn?

Diễn viên vai Khánh Ly với kiểu tóc, mà nhiều người cho là chỉ thịnh hành sau thập niên 90.

Sau khoảng một tuần công chiếu, bộ phim Em Và Trịnh đã nhận được rất nhiều lời phê bình. Bên cạnh những lời khen ngợi về hình ảnh đẹp, âm nhạc quen thuộc, những hình ảnh ký ức Sài Gòn được phục chế, thì diễn xuất của diễn viên và nội dung kịch bản là điều bị tranh cãi rất nhiều.
Bên cạnh đó cũng có rất nhiều người từ chối không đi xem bộ phim của Trịnh Công Sơn, vì họ tin rằng hệ thống kiểm duyệt của nhà nước vẫn chằng chịt, nên sẽ chỉ có thể phô diễn một Trịnh Công Sơn theo ý của nhà cầm quyền mà thôi.
Điều đáng nói là bộ phim này có rất nhiều chi tiết liên quan về những người còn sống, nhưng không hiểu sao đạo diễn cũng như diễn viên lại không dành nhiều thời gian tham khảo với những người có liên quan, cụ thể trong trường hợp đó là nhân vật Khánh Ly.
Trên các bài báo quảng cáo về bộ phim này, đạo diễn cũng như những người thực hiện nói rằng họ rất quan tâm để tạo dựng nhân vật Trịnh Công Sơn cũng như xây dựng nhân vật nữ thay cho hình ảnh của ca sĩ Khánh Ly. Theo mô tả, đây là những chọn lựa hết sức công phu và khó khăn.
Ca sĩ Khánh Ly kể diễn viên Bùi Lan Hương – ca sĩ hóa thân bà trong phim – từng gửi email, gọi điện thoại xin bà tư vấn về vai diễn. Bà Khánh Ly nói trong cuộc gọi kéo dài khoảng ba phút, Bùi Lan Hương hỏi ăn mặc sao cho ra chất của bà. “Thời trẻ, tôi giản dị, lại còn nghèo. Tôi không có tiền mua quần áo, đôi guốc bít mũi đã cũ, xộc xệch, cũng không trang điểm, đeo trang sức. Sau đó, tôi cũng không thấy ai hỏi thêm ý kiến của mình”, Khánh Ly cho biết.
Câu chuyện này khiến nhiều người ngạc nhiên bởi rõ ràng về mặt tổ chức phục trang, và miêu tả nhân vật, có vẻ như đạo diễn đã phó thác cho diễn viên, chứ không có sự tổ chức chi tiết nào khác. Mọi thứ được tập trung để miêu tả nhân vật Trịnh Công Sơn, nhưng dường như chế độ kiểm duyệt đã khiến những góc cạnh thú vị có thể trình bày được cuộc đời và vai trò của họ Trịnh trong lịch sử của VNCH chỉ rõ nét hình ảnh của một thanh niên yêu đương lăng nhăng và… nhảm.
“Mới lò mò đi theo Diễm như mấy thằng stalk trong phim kinh dị, xong thấy Dao Ánh phát là quên luôn nhỏ chị vừa tồn tại trên đời. Lên Đà Lạt nhớ nhung thư từ cho Ánh được chút thì theo Khánh Ly tới bến, còn viết cả vào thư khoe Ánh là anh mới quen con nhỏ này. Lúc về già cặp Michiko thì cũng hôn hít tưng bừng xong nghe tin Ánh về thăm là sáng lác mắt, báo hại cô dâu bỏ của chạy lấy người trong ngày cưới” - Trương Thiên Cơ, một người bình luận phim tự do ghi lại cảm xúc trên Facebook, “Tất cả cứ trôi qua đều đều, ải ải, hết thời lượng thì kết phim. Mà nó còn gây cho ta cảm giác Trịnh sống chỉ để đuổi theo gái”.
Trong cuộc họp báo vào trung tuần Tháng Sáu công bố kế hoạch lưu diễn xuyên Việt kỷ niệm 60 năm ca hát, khi được ho thấy rằng đây là một bộ phim giải trí đơn thuần, nhưng đạo diễn ham muốn diễn đạt như là bức chân dung điện ảnh về cuộc đời một nhân vật nổi tiếng đang được chế độ bơm đẩy, khiến nhiều chi tiết phải gồng gánh những phần lịch sử không thể làm rõ trong chế độ kiểm duyệt.
Ngân sách làm bộ phim lên đến 50 tỷ. Thăm dò từ của những người theo dõi việc ra mắt bộ phim này cũng cho thấy rằng hầu hết là tò mò để xem một Trịnh Công Sơn được diễn đạt trên phim như thế nào, nhưng không có quá nhiều hi vọng về một bộ phim hay. Cũng có nhiều người trẻ xem phim để được thấy một Sài Gòn cũ trước năm 1975 là như thế nào.
Thế nhưng những chi tiết không đúng về lịch sử cũng như mập mờ tạo ra những nghi vấn về cái chết của nhân vật Ngô Kha – vốn vẫn chưa có lời kết trong lịch sử về cái chết của ông ta tại Huế, là điều đáng trách của những người viết kịch bản. “Khi bạn kiếm ăn bằng cách khai thác di sản Việt Nam Cộng Hoà, nếu bạn không dám, không thể nói đúng về chế độ này, thì ở mức đạo đức tối thiểu, bạn cũng đừng nói xấu. Nếu vi phạm nguyên tắc đạo đức tối thiểu này, bạn chỉ là rác rưởi”, nhà văn Trà Đoá, sống ở Sài Gòn, nói về bộ phim qua những tình tiết được coi là không đúng với lịch sử.
Hoàng Lê, một nữ khán giả xem phim, người đã sống qua những năm tháng của Sài Gòn cũ, chỉ ra vài chi tiết bất hợp lý trong phim:
“Ngoài lỗi kiến thức dẫn đến dàn dựng sai như cảnh quân cảnh lái xe Jeep chặn bắt Trịnh Công Sơn đang chở bạn gái bằng xe đạp ngoài đường để đưa về thẩm vấn vì sao sáng tác nhạc ca ngợi hoà bình, còn có cảnh khi còn ở B’lao (Bảo Lộc), chưa về biểu diễn tại Sài Gòn, khi nghe nói nữ ca sĩ Joan Baez của Mỹ đã ví cặp Khánh Ly – Trịnh Công Sơn với cặp Joan Baez – Bob Dylan, Khánh Ly-Bùi Lan Hương đã nói với Trịnh Công Sơn: “Mình đẹp đôi hơn chứ!” Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh không biết rằng Joan Baez đã gọi Trịnh Công Sơn là “Bob Dylan của Việt Nam” (Bob Dylan of Vietnam) vào năm 1970, khi phong trào phản chiến ở Mỹ đang lên cao sau Tết Mậu Thân, còn Trịnh Công Sơn lên B’lao dạy học vào năm 1964 sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Quy Nhơn và anh gặp ca sĩ Khánh Ly ở Đà Lạt vào năm 1965”.
Phan Cao Hoài Nam, một nhà bình luận điện ảnh, viết trên blog: “Khi Trịnh lên B’lao dạy học, ta không thấy anh trò chuyện với học trò, với người dân, có suy nghĩ gì về thời cuộc. Tất cả bị biến thành các cảnh MV rất bực bội. Trong những mối tình, Trịnh chỉ chạy trốn và thụ động với những dòng thư hiện lên sến súa và sáo rỗng, với tần suất dày đặc vô cùng thiếu tinh tế”.
Có thể nói bộ phim Em và Trịnh bị giằng xé giữa việc phục vụ giới trẻ với những tình tiết âm nhạc giải trí, và cũng muốn lôi kéo luôn những khán giả muốn biết về một mảng đời có những câu chuyện tình của họ Trịnh. Bên cạnh đó, lại pha trộn cả những hình ảnh chính trị thiên tả của ông ta, như một món quà để lọt cửa kiểm duyệt. Tất cả điều này khiến bộ phim trở thành một nồi lẩu vụng về và biến các tuyến diễn viên trở nên nông cạn trong diễn xuất, vì không biết mình phải trình bày nhân vật được phân vai theo hướng nào. Từ Sài Gòn, nhà báo Huỳnh Duy Lộc nói một cách điềm đạm: “Mình cho đây là một phim chưa hay, không có tầm. Mình tin là mai sau lịch sử sẽ đặt nó đúng vị trí”.
Khi được hỏi diễn viên Bùi Lan Hương trong vai Khánh Ly có vẻ trau chuốt và điệu đà, liệu có mô tả đúng cuộc đời của bà không, bà Khánh Ly không bình luận gì mà chỉ kể lại một kỷ niệm khi đi hát với Trịnh Công Sơn, bà tập trung trình diễn đến mức bỏ cả guốc dép, đứng chân trần. Nữ ca sĩ 77 tuổi này kết thúc phần nhận định của bà về bộ phim Em và Trịnh bằng nụ cười “Có thể họ là người yêu Trịnh Công Sơn, nhưng yêu theo một kiểu khác, một kiểu nào đó.”

Sunday, June 12, 2022

Nghệ sĩ harmonica Tòng Sơn: "Xóm đêm như cuộc đời tôi"

 Nghệ sĩ Tòng Sơn tạ thế chiều 12 Tháng Sáu 2022. Theo người thân, sau nhiều năm tháng đau yếu, cuối cùng thì cơn xuất huyết dạ dày đã khiến ông nhập viện. Được hai tuần, bác sĩ lắc đầu và cho gia đình mang về nhà chuẩn bị hậu sự. Tang lễ của ông diễn ra tại giáo xứ Tân Hòa, quận Phú Nhuận. Ông được đưa đi an táng ở Hoa viên nghĩa trang Bình Dương, nới cũng có những người bạn cùng thời cũng có mộ phần ở đó.

 Sau hai năm đại dịch, không dạy học được, cũng không có nơi nào để biểu diễn, người nghệ sĩ có cuộc đời phong trần này buồn bã và cô độc hơn bao giờ hết. Ông mang nhiều chứng bệnh như loét dạ dày nặng, suy tim, suy thận.

 Hồi Tháng Tám 2020, Tòng Sơn từng nhập viện vì ngã và cao huyết áp. Cũng may là lúc đó, dù trong đại dịch như ông không bị nhiễm covid-19. Mấy đứa học trò chỉ có thể nhắn tin hỏi thăm.

 Năm 2013, Nghê sĩ Tòng Sơn ra CD độc tấu thứ sáu của mình. Hấp háy đôi mắt cười, ông nói rằng giờ đây cũng  đã hoàn thành tâm nguyện của mình, những điều ông để lại, ghi dấu cuộc phiêu lưu hơn nửa thế kỷ trên đất Việt cùng tiếng kèn có một không hai.

 Trong những cuộc trò chuyện về đời mình, nghệ sĩ Tòng Sơn thường nói rằng ông đã đi qua nhiều cuộc tình, nhưng chung thủy và không thể rời xa được, vẫn là mối tình với chiếc khẩu cầm - harmonica. Cuộc gặp gỡ chớp nhoáng giữa những ngày tháng loạn lạc chạy giặc Pháp ở Vĩnh Long năm 1946, cậu trai trẻ Dương Ngô Tòng lượm được cây harmonica của một người lính lê dương đánh rơi. Sững sờ với âm thanh của cây kèn này như một tiếng sét ái tình chớp nhoáng, nên chàng trai đó quyết không bán lại cho bất kỳ ai, dù được trả giá cao.

 Năm 1948, tức năm 18 tuổi, Tòng lên Sài Gòn học làm thợ sửa máy đánh chữ. Thuở đó, sửa máy đánh chữ, đặc biệt là chế máy đánh chữ có dấu tiếng Việt, là một nghề dễ sống. Tòng cũng nghĩ rằng mình sẽ sống hết cuộc đời như một anh thợ. Đêm đêm, đô thị đèn vàng nhắc nhớ đến quê nhà hay nỗi cô đơn của một chàng trai từ tỉnh lên thành thị, Tòng chỉ biết mượn cây harmonica làm âm thanh để bớt trống trải tâm hồn chứ chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể thành nghệ sĩ.

 Học thêm chút nhạc lý cơ bản từ anh trai của mình, nghệ sĩ Tòng Sơn mày mò bắt chước chơi lại các bài hát được phát trên đài phát thanh. Nhiều bạn bè, người quen đã bất ngờ trầm trồ thích thú khi nghe Tòng chơi nhạc một cách điệu nghệ, chỉ với nhạc cụ bé xíu trong lòng bàn tay.

 Trong ca khúc Cây đàn bỏ quên của nhạc sĩ Phạm Duy, có câu hát tự vấn rằng “yêu tôi hay yêu đàn...?” cũng là sự mô tả những hoàn cảnh xã hội như vậy ở thời đầu thế kỷ 20. Thuở ấy, nét phong lưu thời mới ở các nghệ sĩ trẻ xuất hiện, luôn cuốn hút các thiếu nữ. Là một thanh niên điển trai, ăn nói thu hút cộng thêm tài biểu diễn harmonica rất độc đáo, Tòng Sơn được không ít cô gái mới lớn thầm yêu trộm nhớ. Nhớ đến ngày tháng đó, nghệ sĩ Tòng Sơn cũng bật cười sảng khoái: “Thật ra cũng không biết là mấy cô gái đó thích tui hay là thích tiếng kèn harmonica của tui nữa”.

 Do giỏi nghề làm dấu máy đánh chữ, cậu trai Dương Ngô Tòng được một nhà in mướn về làm thợ sắp chữ typo. Cũng từ công việc này, ông được hội kín chống Pháp nhờ làm để đánh truyền đơn.Thế nhưng không lâu sau đó, truyền đơn xuất hiện, bị truy nguyên nguồn gốc, mật thám Pháp tìm biết người chế bộ chữ Việt này chẳng ai khác hơn là cậu Tòng. Thế là mất việc, bị giải qua nhiều phòng giam thẩm tra như bót Đakao, Gia Định, Catinat... ông vẫn lén giấu theo mình cây harmonica làm bạn.

 Nhờ tài thổi kèn và nụ cười hiền lành của ông Tòng Sơn mà lính gác luôn châm chước. Nghệ sĩ Tòng Sơn kể rằng nhiều khi lính gác buồn, gọi ông nói chơi cho nghe một bản harmonica. Ông thổi những bài nhạc Pháp khiến nhiều anh lính nhớ nhà đến sụt sùi. Người sẽ là nghệ sĩ harmonica đầu tiên của Việt Nam, lúc bấy giờ cảm nhận được rằng với cây harmonica, anh đã có một uy lực kỳ lạ với cuộc đời mà tạo hóa dành tặng, không phải ai cũng có được.

 Điều tra chán, nhưng thấy ông Tòng Sơn chẳng có hội nhóm, hoạt động gì ngoài việc chế máy chữ tiếng Việt kiếm tiền nên người Pháp thả ông ra. Bước khỏi trại giam, chàng trai trẻ lại bước vào cuộc đời đầy gió bụi khó đoán phía trước, nhưng hành trang lại cũng chẳng có gì ngoài cây khẩu cầm định mệnh.

 Năm 1950, trong cuộc tuyển lựa tài năng của Đài Pháp Á, chàng trai Dương Ngô Tòng thử ghi danh dự thi môn harmonica. Chưa tự tin, anh lấy thêm tên của ba mình ghép vào, để lỡ như có rớt thì còn lấy tên thiệt ráng thi thêm lần nữa. Nhưng ông được chấm hạng nhứt. Nghệ danh Tòng Sơn từ đó ra đời. Chỉ một lần xuất hiện, tài năng trình diễn của con người trẻ và rất mới Tòng Sơn hoàn toàn chinh phục khán thính giả. Cây kèn harmonica trước đó vốn chỉ được coi là một nhạc cụ hạng thứ, nhằm giải trí chứ không được so với những nhạc cụ khác như piano, violon... nhưng qua phần trình diễn có duyên của Tòng Sơn, từ năm 1955, đặc biệt từ album đầu tay bản băng magné Thần tượng, thì harmonica đã hoàn toàn có một chỗ đứng đáng nể trên sân khấu biểu diễn của VN.

Tìm hiểu và tự học, nâng cấp khả năng của mình về harmonica, Tòng Sơn lại càng biến cây kèn nhỏ trở nên độc đáo khác thường. Đặc biệt, từ khi nhuần nhuyễn kỹ thuật biểu diễn trên các loại harmonica chromatic - cây kèn mà nghệ sĩ Tòng Sơn vẫn nói đùa là “ông kèn sư phụ của harmonica”, tiếng kèn harmonica của ông không chỉ đem lại những giai điệu vui tươi mà còn sâu thẳm trong những bài tình ca có những lời hát không hạnh phúc.

Sân khấu miền Nam thập niên 1960 không dễ được xưng danh là quái kiệt. Những ai có danh hiệu đó chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngay như danh hài Tùng Lâm ở giai đoạn lừng lẫy nhất cũng chỉ mới được gọi là “tiểu quái kiệt” mà thôi. Nhưng ngoài 20 tuổi, Tòng Sơn đã được gọi là “quái kiệt” cùng với các nghệ sĩ tài danh khác như Trần Văn Trạch, Ba Vân, Bảy Xê… Sân khấu của hai nền Cộng hòa miền Nam luôn réo rắt tiếng kèn của ông, từ thành thị đến thôn quê với hàng trăm cuộc lưu diễn, mà chưa bao giờ gặp đối thủ.

Năm 1966, khi bộ phim cao bồi lừng danh The good, the bad and the ugly của đạo diễn Sergio Leone đến Sài Gòn, giai điệu bất hủ của cây harmonica do nhạc sư Ennio Morricone tạo ra đã làm giới trẻ trở nên mê đắm âm thanh của nhạc cụ này. Liên tục nhiều năm sau đó, các loại phim cao bồi luôn được đánh dấu bằng âm thanh harmonica đã trở thành một phương tiện quảng bá độc đáo cho tài năng của nghệ sĩ Tòng Sơn. Gần như suốt cả một thập niên, đi đâu người ta cũng yêu cầu ông chơi lại bài nhạc cao bồi này, và cũng khi nhắc tới bài nhạc này, người ta lại cứ phải nhớ đến Tòng Sơn. Cũng vì bị ám ảnh bởi các ký ức này mà năm 2010, khi nghệ sĩ Tòng Sơn đi Mỹ lưu diễn, một nhà nhiếp ảnh đã mời ông đến khung cảnh Mễ Tây Cơ rất ư quen thuộc cao bồi để làm một loạt ảnh cho thỏa ước mong.

Nói về những điều thú vị mà người ta vẫn hay nhắc đến như việc ông có thể vừa chơi harmonica vừa ăn chuối hay uống bia, nghệ sĩ Tòng Sơn chỉ cười xòa: “Đó chỉ là tạp kỹ sân khấu qua ngày. Quan trọng là nghệ thuật chứ không phải điều đó”. Ấy vậy mà đâu phải chuyện chơi. Đã có những người chơi harmonica thử vượt qua kỹ năng đó suýt nghẹt thở vì chuối.

Dắt kèn vào túi, nghệ sĩ Tòng Sơn rong ruổi khắp mọi nơi và chưa bao giờ nghĩ mình là một “bậc thầy”. Cho đến khi từng người một tìm đến nơi ông biểu diễn, bái sư và xin theo học harmonica, nghệ sĩ Tòng Sơn mới biết rằng mình đã có một “triều đại” harmonica xung quanh. Hồi năm 2015, Hoàng Hòa, một trong những “đệ tử” chân truyền từng theo ông gần 10 năm, đã đến làm lễ xin ông chứng nhận việc hình thành một lớp dạy harmonica đời sau, để gọi là nối tiếp sự nghiệp của quái kiệt Tòng Sơn.

Cho đến gần 80 tuổi, nghệ sĩ Tòng Sơn vẫn rong ruỗi một mình trên xe gắn máy,9 đi khắp nơi thăm bạn bè, dáng vẻ phong trần nhìn như chỉ mới 50 tuổi. Tháng Sáu 2013, Bộ Văn hóa Thông tin đòi ra luật, bắt người sống bằng nghề biểu diễn phải thi lấy chứng chỉ hành nghề, nếu không thì cấm lên sân khấu. “Tao nghe nói nó hỏi toàn chính trị gì không, chứ đâu có hỏi nghề, kiểu này tiêu”, ông Tòng Sơn kể, lúc đó mặt ông rầu thấy rõ. Dân ca nhạc sĩ ở Sài Gòn cũ đau đầu, vì nghe nói thuộc bài âm nhạc cách mạng. Ngày ông Tòng Sơn đi thi tuyển lấy giấy phép hành nghề. Ban giám khảo toàn trẻ ranh với ông, người già nhất lúc đó, cũng nhỏ hơn ông gần 15 tuổi. Do nhuộm tóc đen, dáng vẻ khỏe mạnh nên ông bị hỏi “hành nghề bao lâu rồi?”. Ông đáp “dạ cũng khoảng 50 năm rồi”. Toàn ban giám khảo im lặng nhìn nhau, giở hồ sơ thấy nghệ sĩ Tòng Sơn - một cái tên lớn trên sân khấu của cả hai chế độ, rồi im lặng cho ông qua.

Khi còn khỏe, hàng tuần, trên căn gác mà ông thuê nhiều năm nay trên đường nhà thờ Đa Minh vẫn vang lên tiếng kèn của nhiều đời học trò đến thụ giáo. Thỉnh thoảng trong các buổi dạy, nghệ sĩ Tòng Sơn được học trò xin ông mang ra giới thiệu bộ sưu tập của mình, là những cây harmonica lớn nhỏ đã cùng ông theo năm tháng. Học trò có đứa nhìn xanh mắt. Có cây đã từng vang lên vào lúc ông chỉ mới là một chàng thanh niên đầy nhiệt huyết, có cây vừa mới theo chân ông ở một điểm diễn lúc xế chiều hôm nọ. Ở lúc đầy đủ nhất, nghệ sĩ Tòng Sơn từng có bộ sưu tập harmonica vô giá với hơn 100 cây kèn đủ loại. Về sau, do khó khăn và được nài mua, nên ông cũng bán bớt để chi dùng ngày thường. Nghệ sĩ Tòng Sơn kể, mấy cái kèn thì có nghĩa gì đâu, nhưng mỗi lần bán đi ông tiếc đứt ruột. Điều duy nhất lưu luyến và níu chặt ông với cuộc đời này là tiếng kèn hư ảo mà ông chưa bao giờ muốn rời xa, dù năm nay lúc ra đi ông đã 92 tuổi và có 70 năm phiêu lưu cùng harmonica qua cõi nhân gian này.

Một trong những bản nhạc mà nghệ sĩ Tòng Sơn hay nhắc tới, và cũng hay chơi cho học trò và bạn bè nghe là bài Xóm đêm của Phạm Đình Chương. Giai điệu của bài hát này cứ dìu dặt và cô đơn, lại được lối biểu diễn nhấn, thả điệu nghệ kiểu blues của Tòng Sơn, dễ làm người nghe chìm đắm vào một không gian khác. Một căn gác nhỏ, một lối đi hiu hắt cho mình, phía sau sân khấu rực rỡ ánh đèn màu nhộn nhịp, cũng chính là cuộc sống của ông.

“Xóm đêm như cuộc đời tôi, đêm về lặng lẽ như vậy đó”, nghệ sĩ Tòng Sơn nói. Đời ông là một chuỗi dài những câu chuyện diễm tình, nhưng lưu lại đáng nhớ vẫn là đời vợ đầu với 10 đứa con. Sau đó khi chia tay thì vợ ông đi nước ngoài, con cái thì lưu lạc. Và rồi ông sống một mình với cây harmonica. Theo tự ông lý giải thì dường như chính cái nghiệp sân khấu buộc ông phải chọn phần tự do nhất để theo nghề. Nhưng giữ được nghề mà không giữ được sự sum vầy lẽ thường. “Cuộc đời khó đoán, biết đâu mình chọn sống như một người bình thường thì lại không giữ được Tòng Sơn” - ông nheo mắt cười, nói.

 

 

Sunday, June 5, 2022

Nhạc sĩ Cung tiến: Cây đại thụ trút lá lặng lẽ



Những người thân cận với gia đình của nhạc sĩ Cung Tiến đều biết ông đã qua đời ngày 10 Tháng Năm, nhưng đến ngày 4 Tháng Sáu, sau khi hậu sự hoàn tất, gia đình mới đăng cáo phó. Những người thân biết ngày qua đời của nhạc sĩ cũng được dặn dò là xin hãy giữ yên lặng cho đến khi hoàn tất tang lễ.

Khi mất, nhạc sĩ Cung Tiến hưởng thọ 83 tuổi, và lễ hỏa táng thực hiện vào ngày 2 Tháng Sáu, ở Nam California. Ông để lại cho đời nhiều tác phẩm cao quý như bài học mở đường của tân nhạc Việt Nam, đồng thời đóng góp nhiều công sức của mình cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nơi ông giữ chức Tổng Giám đốc Kế hoạch và Dự án, hoạt động như kinh tế gia, giúp cho Bộ tài nguyên và Thiên Nhiên Minesota nhiều năm, sau khi tỵ nạn từ 1975.

Với giới chức cũ của Việt Nam Cộng Hòa, nhạc sĩ Cung Tiến được nhớ đến như là một trong ba Tổng Giám đốc trụ cột của Bộ Kế hoạch trước năm 1975. Còn với giới văn nghệ, ông được đánh giá không khác gì một thần đồng âm nhạc. Từ khi đi di tản sau 1975, nhạc sĩ Cung Tiến chưa có lần nào về Việt Nam, cũng như được biết ông từ chối mọi lời mời phỏng vấn từ Việt Nam hoặc về nước tham dự biểu diễn.

Nhạc sĩ Cung Tiến tên thật là Cung Thúc Tiến, sinh ngày 27 Tháng Mười Một 1938 tại Hà Nội. Thời kỳ trung học, Cung Tiến học xướng âm và ký âm với hai nhạc sĩ nổi tiếng Chung Quân và Thẩm Oánh. Trong khoảng thời gian 1957 đến 1963, Cung Tiến du học ở Australia ngành kinh tế và ông có tham dự các khóa về dương cầm, hòa âm, đối điểm, và phối cụ tại nhạc viện Sydney. Từ năm 1970 đến 1973, với một học bổng cao học của Hội đồng Anh (British Council) để nghiên cứu kinh tế học phát triển tại đại học Cambridge, Anh, ông đã dự các lớp nhạc sử, nhạc học, và nhạc lý hiện đại tại đó.

Ngoài sáng tác, ông còn là nhà hòa âm, soạn khí nhạc, hợp xướng… và chơi được các nhạc cụ như sáo, mandolin, guitar và piano.

Tài năng âm nhạc của nhạc sĩ Cung Tiến bộc phát trong một gia đình không có ai theo nghệ thuật. “Cụ thân sinh tôi là một nhà thơ, một nhà cách mạng. Ông theo Việt Nam Quốc dân Đảng, không có ai dính vào âm nhạc nhất là âm nhạc mới, không có ai cả”, nhạc sĩ Cung Tiến lưu bút.

Trong lớp nhạc sĩ đầu thế kỷ, với những khúc tân nhạc hoàn chỉnh như Đặng Thế Phong, Văn Cao, Đoàn Chuẩn, nhạc sĩ Cung Tiến là người hiếm hoi viết hoàn chỉnh ca khúc ở năm 14 tuổi (1953). Bài Hoài Cảm - cũng là ca khúc đầu tay của ông, mà theo tâm tình lúc sinh thời là lúc đó, ông mới học đệ lục và là một học sinh chịu nhiều ảnh hưởng thơ mới lãng mạn của Huy Cận, Xuân Diệu ….”Riêng với tôi nó là đứa con đầu lòng vẫn còn được thính giả yêu thích tôi vẫn thích vì nó giản dị và là một thời học trò của mình”, lời của nhạc sĩ Cung Tiến.

Nhạc sĩ Cung Tiến cũng là người dùng từ ngữ mô tả mãnh liệt nhất, và đầu tiên: “lòng cuồng điên vì nhớ” cho một nỗi nhớ nhung của một thiếu niên về tình yêu đầu đời. Vào lúc bài hát ra đời cũng có nhiều người không quen và cảm thấy khó chịu với sự mô tả hết sức dữ dội này. Nhưng rồi dần người ta nhận thấy rằng đó là cách diễn đạt chân thành và không kém phần tinh tế khi hoán đổi “điên cuồng” thành “cuồng điên” - khiến khung cảnh bài hát cũng nhẹ nhàng, bay bổng hơn. Nhà thơ Du Tử Lê từng gọi đó là cách sắp xếp đầy mỹ cảm về phương diện tu từ học (rhetoric).

Nhiều người khi biết về ông đều ngạc nhiên, vì sao có một kinh tế gia và một nhạc sĩ xen lẫn trong cuộc đời một con người. Thế nhưng khi tìm hiểu sâu thêm về bối cảnh xã hội và cuộc đời của nhạc sĩ Cung Tiến, người ta lại càng thán phục. Là một nhạc sĩ và có tinh thần hiếu học, ông chỉ muốn mình được học sâu và cao hơn về âm nhạc. Thế nhưng lúc đó các con đường du học và cấp học bổng chỉ có cho kinh tế. Vì vậy, nhạc sĩ Cung Tiến quyết định thi lấy học bổng kinh tế để đi nước ngoài du học rồi bên cạnh đó sẽ tìm hiểu và học thêm âm nhạc ở xứ người. Và từ đó chính quyền Việt Nam Cộng hòa có thêm một nhạc sĩ và một kinh tế gia tài giỏi.

Nhưng không phải ai cũng biết rằng nhạc sĩ Cung Tiến còn là một nhà văn và là một dịch giả. Ông có thời gian cộng tác chặt chẽ với nhóm Sáng Tạo, một nhóm tiền phong về văn hóa nghệ thuật của những người miền Bắc di cư vào Nam sau năm 1954. Nhiều người trong nhóm Sáng Tạo đã dựng nên một góc trời văn chương cho người Việt, trong đó có Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền … Bút danh của nhạc sĩ Cung Tiến lúc đó là Thạch Chương, ông tham gia cả mảng sáng tác, nhận định và phê bình văn học. Ông có dịch hai đại tác phẩm của hai văn hào Nga là Fyodor Mikhailovich Dostoevski và Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn ra Việt Ngữ. Đó là Hồi Ký Viết Dưới Hầm (bản dịch tác phẩm của M. Dostoievski, 1969) và Một Ngày Trong Đời Ivan Denissovitch (dịch từ A. Solzhenitsyn, 1969). Riêng về Một Ngày của Ivan Denissovitch kể về những gì xảy đến cho một người tù cải tạo tên Ivan Denissovitch trong một ngày dưới chế độ bạo ngược cộng sản Stalin.

Năm 1956, nhân 200 năm ngày sinh của thiên tài âm nhạc Mozart, tổng thống Ngô Đình Diệm có tổ chức một buổi hòa nhạc với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi. Lúc đó nhạc sĩ Cung Tiến chỉ mới gần 18 tuổi, nhưng vì nghe danh tiếng của ông, đích thân tổng thống Ngô Đình Diệm đã viết thư mời ông tham dự. Trong tâm tình với báo chí về sau, nhạc sĩ Cung Tiến nói lúc đó ông tràn ngập niềm vui sướng vì được tham dự chương trình hòa nhạc về một tài năng âm nhạc thế giới mà ông vô cùng hâm mộ. Và kế đó, là ngỡ ngàng là vì sao một cậu bé như mình lại được tổng thống mời đích danh.

Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, ông có viết cho một số báo với bút danh là Đăng Hoàng. Nhưng với âm nhạc, nhạc sĩ Cung Tiến vẫn nối dài các sinh hoạt của mình. Ngoài chức vụ Ủy viên Diễn đàn các nhà soạn nhạc Hoa Kỳ, ông vẫn sáng tác và sinh hoạt âm nhạc thính phòng để quảng bá tinh thần âm nhạc Việt Nam. Năm 1987, Cung Tiến viết nhạc tấu khúc Chinh phụ ngâm, soạn cho 21 nhạc khí tây phương, được trình diễn lần đầu vào năm 1988 tại San Jose với dàn nhạc thính phòng San Jose, và đã được giải thưởng Văn Học nghệ thuật quốc khánh 1988.

Vào đầu thập kỷ 1980 Cung Tiến phổ nhạc từ 12 bài thơ trong tù cải tạo của Thanh Tâm Tuyền mang tên "Vang Vang Trời Vào Xuân", tập nhạc này được viết cho giọng hát và Piano và được trình bày lần đầu tiên tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn vào năm 1985.

Năm 1992, Cung Tiến soạn tập Ta Về, thơ Tô Thùy Yên, cho giọng hát, nói, ngâm và một đội nhạc cụ thính phòng. Năm 2003, Ông đã thực hiện một tác phẩm nhạc đương đại Lơ thơ tơ liễu buông mành dựa trên một điệu dân ca chèo cổ. Ông cũng là hội viên của diễn đàn nhạc sĩ sáng tác Hoa Kỳ.

Hầu hết người yêu nhạc, biết đến một Cung Tiến, là đều tìm về kho tàng của 20 năm văn hóa vàng son của miền Nam. Trong một phát hiện mang tính sử nhạc của nhà thơ Du Tử Lê, một dấu ấn đặc biệt của riêng ông, là nhạc sĩ đầu tiên phổ nhạc từ dòng thơ tự do.

Từ giã nhạc sĩ Cung Tiến, là một lần nghiêng mình trước một con nguời tài hoa, trầm lặng; và cũng là nghiêng mình trước một thế hệ tiền nhân đã cống hiến cho văn hóa Việt có được những điều đẹp đẽ và quý báu như hôm nay.


Saturday, June 4, 2022

Những đứa trẻ sống phi thời gian



Cuộc sống ở các thành phố lớn sôi động và những ánh đèn màu ban đêm, sẽ thật khó cho bất kỳ ai tưởng tượng được những gì đang diễn ra ở cách xa chúng ta hàng trăm cây số.

Một người bạn sống ở Đắk-nông kể tôi nghe rằng buổi sáng ở đây những đứa trẻ đi học được phần tiền ăn sáng là 2000₫. Nghe như chuyện đùa, làm sao mà có thể ăn sáng với 2000₫?
Những bức ảnh minh họa để ở dưới đây cho thấy phần ăn sáng của những đứa trẻ nghèo ở vùng cao, vùng xa chỉ là một ít bún tươi và một vài lát mỏng từ cây xúc xích ăn liền, giá 2500₫/cây. Nước mắm hay nước tương tùy chan tùy thích. Câu chuyện này có thể gây sốc cho một số người đã không còn quen tiêu xài tiền lẻ, nhưng đó là một hiện trạng có thật của hàng triệu đứa trẻ trên khắp đất nước Việt Nam này.
Hơn 10 năm trước, khi tôi đi làm những chuyến từ thiện ở Vạn Giã, Khánh Hòa, nơi đó bữa ăn sáng của cả người lớn và trẻ em cũng chỉ có giá 2.000₫, với một khúc bánh mì và chén cháo để chấm. Đó cũng là lý do tôi dốc hết số tiền kiếm được từ các trò chơi truyền hình để gửi cho những vùng như Vạn Giã. Nhưng tất cả cũng chỉ là muối bỏ biển.
Bẵng đi một thời gian, lại nghe bữa ăn sáng của những đứa trẻ Việt Nam cũng vẫn chỉ có 2000₫. Điều đó không còn là một cú sốc về đời sống, mà nhường lại cho một suy nghĩ thật đau rằng dường như tất cả những đứa trẻ ở Việt Nam này sống phi thời gian, bị đặt ra ngoài dòng chảy của cuộc sống bình thường.
Khi những dự án trăm ngàn tỷ vô giá trị bùng lên và xập xệ ở đâu đó, khi bọn tham nhũng cướp cả mồ hôi xương máu của người dân đến hàng chục ngàn tỷ và tháo chạy, và cả những bọn lừa gạt những người đau yếu và khốn cùng trong đại dịch sống xa hoa bằng những đồng tiền chết chóc, thì những đứa trẻ Việt Nam, tương lai của một đất nước, hơn một thập niên nay vẫn ăn sáng ổn định với bữa ăn 2000đ.
Tôi có những anh chị, những người bạn ngày đêm sống, làm và cống hiến tất cả công sức của mình cho những đứa trẻ vô danh đó. Họ gạt nước mắt để tạm quên tất cả những bất công xã hội và chỉ nghĩ làm sao để có thể góp phần nâng đỡ những cuộc đời nhỏ bé bên ngoài kia. Nhưng đôi khi, chính những nỗ lực của họ cũng trở nên đáng thương.
- Chùa Thiên Hưng (Huế) nơi nuôi nhiều trẻ em và sắp xếp cho chúng đi học. Tiền ăn mặc thì có thể đảm đương, nhưng tiền học thì quả là vất vả khi mỗi thứ cứ mỗi tăng và năm nay nhu cầu của Bộ giáo dục là sách giáo khoa khổ to giấy đẹp, đang là cơn ác mộng cho các gia đình mà mỗi tháng thu nhập chưa tới 300.000₫.
- Chùa Phổ Hiền (Củ Chi) thường xuyên đi trợ giúp cho trẻ em của những vùng cao tại Quảng Nam. Những món đồ chơi thông dụng và quen thuộc với những đứa trẻ đó là củi và lá. Thật vất vả với lời kêu gọi để giúp cho những đứa trẻ đó, bởi không phải ai cũng nhớ đến chúng.
- Chương trình Cùng Em Đến Trường do nhiều anh chị em xuyên Việt Nam cùng chung sức đã giúp được rất nhiều những đứa trẻ ở miền Trung và Cao Nguyên Việt Nam, nhưng rồi mọi thứ cũng khó khăn hơn khi thời gian sống của những đứa trẻ đó dường như không còn đi cùng với thời gian tồn tại của những con người hôm nay ở xã hội Việt Nam. Những lời kêu gọi giúp đỡ cứ liên tục gửi về nhóm Cùng Em Đến Trường, nhưng đôi khi việc đáp ứng cũng quá tầm tay.
Một ly cà phê, hay một bữa ăn thêm trong ngày của quý vị cũng có thể giúp cho những đứa trẻ ở đâu đó trên đất nước này có được đôi lúc cùng nhịp sống với chúng ta. Chỉ dành một tích tắc nào đó trong đời sống vội vã hôm nay, nghĩ về những đứa trẻ sống trong một không gian như không cùng thời với chúng ta, có thể sẽ lay động trái tim nhân ái của quý vị.
Xin hãy chọn nơi để cùng chung tay cho trẻ nhỏ, theo tấm lòng của quý vị. Chân thành cảm ơn mọi sự đóng góp hoặc chia sẻ thông tin này.
CÓ TÔI BÊN EM (Huế)
Phạm Tăng Duy
Stk: 030023766538
Ngân hàng Sacombank
Sdt: 0906344008
Nội dung: Co Toi Ben Em_ ten nguoi gui
--------------
CÙNG EM ĐẾN TRƯỜNG (Toàn Việt Nam)
Ngân hàng: CIMB BANK (VIETNAM) LIMITED
Chủ tài khoản: Lê Đan Hà
Số tài khoản: 00336500134703
Thầy Ram Ram phụ trách
Nội dung: Cung Em Den Truong_ ten nguoi gui
---------------
THƯƠNG TRẺ VÙNG CAO (Cao nguyên VN)
Chùa Phổ Hiền, 471 Cây Gõ, ấp Phú Bình, xã An Phú, huyện Củ Chi.
Hoặc gởi qua số TK: 072 1000 557 621
Nguyen Pham Truong Duy (Vietcombank)
Nội dung: TTVC_ ten nguoi gui
----------------