Saturday, December 30, 2017

Luật sư Võ An Đôn: "Tôi không hối tiếc".

Trò chuyện với luật sư Võ An Đôn, những ngày cuối năm 2017
Đây không phải là một cuộc phỏng vấn. Bởi một cuộc phỏng vấn thì tôi sẽ phải chọn lựa cách nói, xoay trở cách trình bày cho chỉn chu.
Nhưng nếu như vậy, thì sẽ không thể mô tả được một tính cách của Đôn. Tính cách đã đem lại cho anh sự thương mến từ rất nhiều người, cũng như sự ghét bỏ từ không ít người.
Tôi giữ nguyên cách xưng hô của Đôn, như một người anh em. Nhưng đó không phải là riêng với mối quan hệ quen biết với tôi, mà hầu hết các cuộc phỏng vấn của VOA, BBC, RFA, SBS... Đôn vẫn luôn xưng hô như vậy: nhũn nhặn và gần gũi.
Đôn có biệt hiệu là "luật sư chăn bò" - một cách gọi mà các đồng nghiệp một thời không kìm nổi sự tức giận đã thốt lên như vậy. Nhưng Đôn đón nhận hình ảnh đó một cách tự nhiên như một phần đời của mình. Trong cuộc nói chuyện với Đôn, tiếng gà kêu, tiếng trẻ con nghêu ngao... vẽ cho tôi một bức tranh về cuộc sống của Đôn. Anh bước ra từ bùn đất quê nhà, và khi phải quay lại, thì anh đón nhận mọi thứ thật an nhiên.
Tôi chọn luật sư Võ An Đôn làm người trò chuyện để khép lại một năm đầy biến động. Một năm mà người làm nghề tìm công lý cho kẻ khác, đã không thể nhìn thấy ngay trên số phận của mình.

Sau khi bị khai trừ khỏi danh sách luật sư đoàn tỉnh Phú Yên, hiện nay Đôn đã làm gì hồi đáp sự kiện đó?
  • Dạ, sau khi Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên đã loại em ra khỏi danh sách luật sư đoàn, thì em đã có làm đơn khiếu nại gửi lên Liên đoàn luật sư Việt Nam. Nhưng đến nay thì chưa thấy phản hồi gì anh à.
Khác với năm 2015, khi Đôn có dấu hiệu bị rút thẻ hành nghề, thì đã có sự can thiệp rất rõ ràng từ Liên đoàn luật sư Việt Nam. Nhưng nay, vì sao mọi thứ lại im lặng khó hiểu như vậy?
  • Năm 2015, liên ngành tư pháp của Phú Yên gồm công an, Viện kiểm sát, tòa án có ra văn bản kiến nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề hành của em. Lúc đó thông tin được Luật sư đoàn tỉnh Phú Yên cho biết đã khiến báo chí và dư luận phản ứng rất mạnh. Rồi chủ tịch nước là ông Trương Tấn Sang đã chỉ đạo cho các cơ quan ở tỉnh Phú Yên phải rút lại quyết định đó. Có lẽ vì vậy mà Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã cử 3 người xuống để bảo vệ em.
Nhưng lần này thì khác rồi anh. Theo Luật sư đoàn tỉnh Phú Yên cho biết thì việc khai trừ đã diễn ra rất gấp rút, ngay sau khi em cho biết tin tức liên quan đến Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ở trong tù. Và có tin là Liên đoàn Luật sư Việt Nam chỉ đạo việc khai trừ em, cũng như nhiều cơ quan khác nữa, nên phải làm nhanh gọn. Đó là vì sao lần này diễn biến không giống như lần trước.
Ngay trước, và sau khi có tin Đôn bị rút thẻ hành nghề, đã có những tin rò rỉ, nhạo báng… từ những luật sư không đồng quan điểm với Đôn. Họ có thông tin trước về một vụ loại bỏ và sử dụng như kiểu tấn công tinh thần một cách hạ cấp. Không khí hả hê về một vụ trừng phạt một thành viên của đoàn luật sư như vậy, có vẻ như rất khác với hoạt động minh xét vì quy chuẩn nghề nghiệp?
  • Em nghĩ rằng cũng có cơ sở để suy luận như vậy. Bởi việc tước thẻ hành nghề của em là từ sự chỉ đạo của bên trên. Do đó, em tin rằng dù làm đơn và các đồng nghiệp thông cảm cùng làm đơn kiến nghị cũng không ăn thua, vì đã có sự chỉ đạo từ trung ương.
Người ta không muốn em làm luật sư nữa vì em tham gia nhiều vụ án nhạy cảm ở Việt Nam. Những vụ án oan. Những vụ công an dùng nhục hình đánh dân… Tính của em thì khi tham gia, không chịu được thì chỉ có thể nói hết, nói sự thật. Các cơ quan tố tụng thì không muốn vậy nên tìm cách ngăn lại thôi.
Có hy vọng gì về việc lấy lại quyền hành nghề luật sư không? Lẽ nào có một sự thật khác, ngoài bộ mặt trơ trẽn của nghề luật sư Việt Nam qua câu chuyện này, là Đôn bị tước thẻ bởi vì “khó ưa”?
  • Em nghĩ là không có hy vọng lấy lại được quyền hành nghề anh à. Mọi thứ như em nói, là đã được chỉ đạo có hệ thống nên chuyện lấy lại quyền hành nghề luật sư là rất mong manh. Mặc dù lý do để tước quyền luật sư của em là họ kết tội em nói xấu chế độ, nói xấu chính quyền… nhưng lại không có chứng minh gì về lời kết tội đó. Nên có cố gắng thì không được gì nữa. Em nghĩ vậy.
Luật sư thì bị tước thẻ với lý do mơ hồ. Còn tất cả các vụ án về chính trị hay dân quyền, nhân quyền mà các luật sư tham gia trong năm 2017 thì lại hoàn toàn thất bại. Không có một sự bào chữa nào thành công, thậm chí luật sư còn bị khước từ quyền tranh tụng, hay đòi hỏi triệu tập nhân chứng, văn bản phân tích khoa học ngay tại tòa… vậy theo Đôn, 2017 có nên gọi là một năm thất bại của nghề luật sư Việt Nam không?
  • Dạ, lâu nay các vụ án liên quan đến nhân quyền mà được các luật sư nhận lời tham gia cũng không nhiều, bởi phần lớn người ta sợ Nhà nước gây khó khăn cho công việc làm ăn, hay rồi bị rút thẻ như em. Nhưng thật lòng mà nói, cho đến lúc này thì hầu hết các vụ án liên quan đến nhân quyền thì luật sư chỉ còn đóng vai trò tham gia cho có vậy thôi anh. Bản án thì đã được ấn định trước. Luật sư đang dần trở thành người chỉ còn có vai trò đưa thông tin cho nạn nhân, bị cáo, rồi chuyển lời nhắn đến gia đình…
Vai trò luật sư thiếu sức mạnh đúng của mình. Ngoài chuyện là người xuất hiện chuyện trò, an ủi, động viên những ai đang vướng vào vụ án trong lúc họ sợ hãi hay cô đơn, thì đôi khi luật sư phải nhờ đến dư luận bên ngoài, bằng cách phát đi thông tin cho mọi người quan tâm và ủng hộ. Còn để giảm được án hay bào chữa cho thoát án thì không thể, anh à.
Nói như vậy, luật sư và tòa án ở Việt Nam hiện ra phần lớn như một loại nghệ thuật trình diễn, ít khi đạt được giá trị công lý?
  • Dạ đúng vậy anh à. Ở tòa án, hầu hết các bản án đều đã định trước, thỉnh thoảng có chút thay đổi. Đặc biệt án chính trị hay nhân quyền thì vai trò luật sư để góp mặt vậy thôi chứ không ai quan tâm họ nói gì. Trong giới tụi em thì nói đùa là tới để đủ mâm đủ cỗ thôi. Làm nghề luật sư đôi khi chứng kiến những chuyện diễn ra mà không làm gì được nên cũng buồn lắm. Đó là lý do mà em nói rằng nghề luật sư ở Việt Nam chỉ còn sống bằng nghề chạy án thôi là vậy đó.
“Đủ mâm, đủ cỗ” – tính hình thức tạm bợ đó, có phải đã khiến các phiên xử nhân quyền hay chính trị thường diễn ra rất nhanh, mặc dù còn rất nhiều chứng cứ, nhân chứng hay luận cứ cần phải được tranh tụng trước tòa. Thậm chí mới đây có vụ xét xử 9 với tội người chống chế độ ở Bình Định, rồi kế đến là 15 người mang tội khủng bố ở Sài Gòn, lại chỉ diễn ra chỉ trong 1,2 ngày, nhanh đến ngạc nhiên?
  • Dạ, thì ai cũng biết án thì do chỉ đạo nên diễn ra nhanh chóng thôi anh. Các mức án thì mỗi lúc càng cao. Em nghĩ Nhà nước đang muốn dùng các mức án này để khiến cho những người muốn đấu tranh không dám hành động nữa. Án cao và xử nhanh, không có cơ hội thay đổi là nhằm cho mọi người khiếp sợ.
Ở Việt Nam thì không có tam quyền phân lập, nên các vụ án sẽ luôn gặp trường hợp thiếu khách quan, thiếu minh bạch. Và nếu không có thay đổi thì mọi thứ sẽ mãi mãi như vậy thôi.
Trở lại câu chuyện riêng của Đôn, có nhiều người nói lẽ ra Đôn đã có một tương lai tốt đẹp hơn, nếu không phát ngôn làm trái ý nhiều người. Mọi thứ có thể gọi là vạ miệng, Đôn có hối tiếc về những gì mình đã nói không?
  • Em nghĩ mình không có hối tiếc đâu anh. Vì những gì em nói ra hay không thì dân chúng cũng đã biết từ lâu rồi. Em chỉ khẳng định với tư cách là người chứng kiến thôi.
     Khi em nói là luật sư Việt Nam chạy án, thì cũng nhiều đồng nghiệp bực bội,             chính quyền thì không ưa. Em biết em nói thì cũng thiệt hại cho mình, nhưng           nếu mình không nói thì cũng không ai nói. Em nói cũng chỉ mong cho nghề luật         sư rồi sẽ có một lúc nào đó thay đổi và tốt đẹp hơn.
     Nói thật để dân chúng không quá hy vọng vào khả năng luật sư trong nền luật         pháp hiện nay, rồi tin rằng công lý là có thật, để rồi thất vọng.
     Em nói là cũng mô tả hiện trạng và đòi hỏi sự thay đổi, chỉ mong tốt cho những       đồng nghiệp cũng trong tâm trạng như mình mà không thể nói được thôi. Em           không hối tiếc những gì đã nói ra đâu anh.
Nhưng cũng có ý kiến nói rằng Đôn cũng cần phải thỏa hiệp để có thể sống dược với nghề. Rất nhiều luật sư đang phải như vậy mà?
  • Dạ đó là quan điểm cá nhân, chọn lựa để sống yên. Nhưng quan điểm của em thì sống làm nghề luật sư, thì phải lựa chọn nói thật. Bởi luật pháp và công lý là sự thật, thì em cũng muốn được nói thật. Em biết nói thật thì khó nghe nhưng rồi nó sẽ tác động vào việc thay đổi xã hội.
Nếu em không học cách nói thật, thì em cũng như mọi người, thỏa hiệp với sự bất công mà sống thì xã hội này sẽ ra sao? Dạ, em không muốn sống như vậy.
Nhưng như vậy, Đôn có cảm thấy mình trở nên cô đơn không? Chẳng hạn như lúc nào?
  • Dạ thiệt tình em thấy buồn lắm vì không còn được làm nghề luật sư nữa để giúp cho mọi người. Nhưng cũng an ủi khi thấy dư luận xã hội vẫn không quên em. Đi ngoài đường, người ta không coi em là người thất thời, mà cũng mời em café, nói chuyện chào hỏi… nên em cũng hạnh phúc lắm anh à.
Để nói một lời kết thúc năm 2017, hướng về năm mới 2018, Đôn muốn gửi lời gì đến mọi người quan tâm đến câu chuyện của Đôn?
  • Em cảm ơn lắm, việc mọi người quan tâm đến em, giúp em đi qua những giờ phút khó khăn của đời mình. Trong năm mới, em chỉ mong mọi người hãy dành thêm sự quan tâm, kêu gọi cho sự thay đổi cho luật pháp ngày càng làm đúng công việc phục vụ cho người dân, cho xã hội. Lúc đó thì em cũng như mọi người đều chung một niềm vui, anh à.

      Tuấn Khanh ghi
       (30-12-2017)

Saturday, December 16, 2017

Mặc Thiên, từ trong bóng tối vẫn không ngừng hát về quê hương



Sự xuất hiện của bài hát Biển đông dậy sóng ba đào của tác giả Mặc Thiên vào cuối năm 2017 này, nhắc lại 10 năm trước, người nhạc sĩ bí ẩn này đã từng làm cho giới mộ điệu xôn xao, với bài hát Khóc mẹ dân oan.

Thật xứng danh với lời nhận định “người nhạc sĩ bí ẩn nhất trong năm” mà đài Á Châu Tự Do đã loan đi về Mặc Thiên, khi bài hát Khóc mẹ dân oan do ca sĩ Như Quỳnh trình bày trong DVD của trung tâm Asia số 57 đã làm rơi lệ không biết bao nhiêu người quan tâm về thảm cảnh của hàng đoàn dân oan mất đất ở VN bị đánh đập, bị tù đày.

Năm 2017, bài hát Biển đông dậy sóng ba đào của Mặc Thiên lại xuất hiện với nội dung về số phận ngư dân Việt trên biển, túng cùng không còn cách mưu sinh khi những chiếc tàu của Trung Cộng vẫn chực chờ từ hôm qua, rồi hôm nay lại bị bắt, bị phá, bị tù… bởi sự ngăn chận Mã Lai, Nam Dương, Thái Lan…

Nghe lại các bài hát như Khóc mẹ dân oan, Khấn nguyện, Ngọn lửa thiêng liêng…, tưởng chừng như tác giả Mặc Thiên ngồi đâu đó trong căn phòng nhỏ của mình, luôn đau đáu nhìn theo phận người rồi ghi chép với nỗi buồn của một nghệ sĩ, mà chỉ còn biết hát thay cho tiếng thở dài. 10 năm như một chặng đường mà có vẻ như ông không bao giờ ngơi nghỉ trong hành trình quyết chọn làm lưu dân, đuổi theo, ghi chép nỗi đau của dân tộc mình.

Trong một bản tin phát đi vào ngày 27-2-2008 của đài Á Châu Tự Do, có nói rằng“Đã từ lâu, các sản phẩm băng đĩa nhạc của một số trung tâm lớn tại Hải Ngoại được sao chép lậu và bán tại thị trường Việt Nam.
Và những ngày gần đây nhất, công an văn hoá Việt Nam, còn gọi là PA 25, bắt đầu ra chiến dịch truy quét để ngăn cấm một sản phẩm vừa phát hành, đồng thời, tìm cho ra tác giả một bài hát trong sản phẩm ấy.
Đó là cuốn DVD Asia số 57, đó là bài hát “Khóc Mẹ Dân oan,” và đó là nhạc sĩ Mặc Thiên”.

Và đó chắc cũng là lý do là nhạc sĩ Mặc Thiên chưa bao giờ xuất hiện, xứng với lời nhận định rằng của đài Á Châu Tự Do rằng “Không một ai trong giới thưởng ngoạn Việt Nam biết Mặc Thiên là ai, và người ta gọi anh là “người nhạc sĩ bí mật nhất năm 2007". Trong lần nhận giải cho bài hát Hạng xuất sắc của Giải thưởng Âm nhạc Tự Do 2017 được tổ chức tại Sydney, Úc Châu, ông có gửi qua thư điện tử giọng nói của mình, để nói về bài hát của mình. Các thành viên của Hiệp hội yểm trợ văn hóa Úc-Việt (VAALA) đã phỏng đoán rằng có thể ông sống ở Khánh Hòa, miền Trung Việt Nam.

Chắc phải là một đứa con ở miền biển, Mặc Thiên mới có thể viết nên một nhạc khúc đẫm nước mắt của phận ngư dân Việt, mà vị mặn của đại dương không thể sánh với nước mắt của những người mẹ già dõi mắt ra biển, tuyệt vọng trông con trở về.

Ca sĩ Thanh Thúy, người được chọn trình bày ca khúc này với cộng đồng người Việt Úc Châu nói rằng chị như không thở được khi nghe bài hát này, cứ mỗi lần chị nghe, lại muốn khóc mà thương cho người Việt hôm nay.

Đọc trăm bản tin, nghe ngàn câu chuyện, đôi lúc không bằng thưởng thức một bài hát chân thành với đời. Đó là điều mà sự huyền bí của nghệ thuật có thể đem lại cho người nghe, và có thể giúp tái sinh trong cõi vô tâm với vận mệnh quê hương mình. Bài Biển đông dậy sóng ba đào là một trong những tác phẩm có khả năng đó.

----------------------------------
Lời bài hát
Biển Đông dậy sóng ba đào
Những con tàu đi đánh cá ngoài khơi
Biển đảo Hoàng sa, biển đảo Trường sa giờ đã không về
Những con người mang thân phận Việt Nam
Đã bao ngày qua nhục nhã ê chề
Tàu cộng xâm lăng, hòng cướp biển đông này
Phận người ngư dân bị Trung Quốc xâm hại
Mẹ Việt Nam ơi, người bỏ con sao đành
Nhìn trời quê hương mà xót thương con mình
Nước mắt mẹ tôi đã bao lần rơi
Ngóng xa biển khơi có bao giờ nguôi chờ các con về
Đến khi niềm tin đã cạn lực tan
Quê hương lầm than mẹ trút hơi tàn


----------------------------------

Tham khảo thêm:
Các giọng ca đoạt giải Âm nhạc Tự do 2017 (Viet Song Contest)
https://goo.gl/kFza59
Các bài hát đoạt giải Âm nhạc Tự Do 2017 (Viet Song Contest)
https://goo.gl/C8jS2V

Chuyện để nghĩ từ một bài hát



THƯƠNG CON VOI, THƯƠNG CẢ CHÚNG TA

Cách đây mấy năm, Ksor Đức gửi xuống một tấm ảnh anh đứng ở một vùng đồi trọc. Những gốc cây trơ nham nhở trãi dài như một cuộc tàn sát cao nguyên im lặng. Đức viết “rừng của bản làng giờ không còn gì”.

Ông trời – Giàng của người Tây Nguyên – chắc không nỡ hại con của mình, đất của mình. Mọi thứ chắc cũng không tự nhiên biến mất. Năm 2015, Tổng cục Lâm Nghiệp hé lộ một con số giật mình rằng chỉ trong 7 năm (2008-2014), diện tích rừng Tây Nguyên mất hơn 358.000 hecta, tức mỗi năm đã có ai đó “ăn” mất hơn 51.000 hecta rừng, gỗ quý, và có nghĩa là tiêu diệt luôn cả thảm thực vật và thú hoang trong khu vực đó.

Trong lời bình của Ksor Đức không nói hết được nỗi buồn của người miền thượng. Vì không có rừng, thì bản làng cũng tan hoang. Hàng chục ngàn năm các tộc người ở đây sống với thiên nhiên thì giờ phải nhìn ngó chung quanh mình là nhũng khối bê tông che chắn, và cách sống truyền đời xủa họ bị phá vỡ khiến khốn khó nối đuôi nhau vào tận bếp nhà từng gia đình.

Voi là biểu tượng cao quý ở rừng Việt Nam, và là sự kính trọng của người Tây Nguyên. Nhưng khi người Kinh “ăn” hết rừng, họ ăn luôn của sự sống còn của voi bằng cách thu hẹp vùng sinh sống, giết voi để lấy ngà, cắt lông đuôi. Trước năm 1975, dù đang trong chiến tranh nhưng chính quyền miền Nam vẫn cố gìn giữ nên voi có trên 2000 con, tập trung ở Daklak và Đồng Nai. Nghệ An cũng có nhưng không nhiều, khoảng 20-30 con. Nhưng đến 2016, theo thống kê của WWF (Tổ chức quốc tế bảo vệ thiên nhiên) thì Việt Nam chỉ còn khoảng 100-120 con voi.

Thương con voi, vì chúng trở thành thú sưu tầm và phô trương của tầng lớp mới giàu. Thương rừng xanh giờ cũng thành trùng trùng biệt điện biệt phủ của một giai cấp mới. Thương một đời Việt Nam bị cướp đoạt từ đồng bằng lên núi cao, và nơi nơi đều bình đẳng trong tai ương và tuyệt vọng.

Có những con voi còn trẻ, không có ngà, bị săn đuổi và giết chỉ vì lông đuôi của chúng là món chơi thời thượng như để may mắn, cầu tình duyên hoặc làm tăm xỉa răng. Những nhóm điều tra về động vật hoang dã khẳng định rằng có những chứng cứ về việc các đường dây mua bán động vật hoang dã ở Hà Nội, mà lông đuôi voi của Châu Phi và Việt Nam được rao bán với giá từ 500 đến 1 triệu đồng / một sợi.

Rậm rịch, các đợt hô hào bảo vệ động vật Châu Phi vẫn luôn được tổ chức. Các nghệ sĩ cắn móng tay, có người khóc vì thương tê giác ở Nam Phi. Thậm chí có cả một đoạn phố ở dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ, Quận 5 dùng để khuyến khích giới trẻ vẽ tranh cổ động cho tê giác ở đâu đó. Nhưng không ai nhắc người Việt Nam nhìn vào ngôi nhà của mình để biết con tê giác Java cuối cùng ở rừng Nam Cát Tiên đã bị bắn chết vào năm 2016.

Nhà dột từ nóc. Ở đây đủ cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Có thể bài hát Thương Con Voi dưới đây, của tác giả Tuấn Anh Cù Lần vẫn chưa nói hết được nỗi đau của linh hồn núi rừng Việt Nam, nhưng chắc sẽ nhắc được nhiều điều về thực tại, vốn quá nhiều thứ có thể đưa con người vào mê ảo. Nhất là khi nghe qua tiếng hát Ksor Đức, giọng ca vừa đoạt giải hạng Xuất sắc của Giải âm nhạc tự do 2017 của người Việt toàn cầu, được Hiệp hội yểm trợ văn hóa Úc-Việt (VAALA) tổ chức tại Sydney, Úc Đại Lợi.

Chỉ là câu chuyện đời, cùng âm nhạc cho một ngày chủ nhật dần vào cuối năm. Nhưng nếu đã chọn nghe, xin hãy dành thêm đôi ba phút để nghĩ thêm về một Việt Nam của chúng ta hôm nay.

------------------------------------------------------
Lời bài hát của tác giả Tuấn Anh Cù Lần
(tên thật là Văn Tuấn Anh)
Ai ăn mất cái ngà con voi rồi?
Ai ăn mất cái chùm đuôi voi đớn đau
Hôm qua, con voi còn khoe đôi ngà
Hôm qua, con voi còn khoe cái đuôi
Ai ăn mất cái rừng xanh kia rồi
Ai ăn mất thú rừng cao nguyên đó đây
Năm xưa trên non đàn voi vui đùa
Năm xưa muôn chim còn về đây
Lê thân hằn bao vết đau - voi lang thang mãi đi tìm màu xanh đã xa
Nơi đâu dòng sông mát trong, đâu thiên nhiên, nơi đâu con tim hiền hòa
Trên lưng đồi không bóng cây, mây thôi bay, xác voi ngã gục bên suối khô
Thương cho đàn voi dấu yêu, đi về đâu, thần linh (Giàng ơi ) trời xa đau buồn.

-----------------------------------------------------
Tham khảo thêm:
Các giọng ca đoạt giải Âm nhạc Tự do 2017 (Viet Song Contest)
https://goo.gl/kFza59
Các bài hát đoạt giải Âm nhạc Tự Do 2017 (Viet Song Contest)
https://goo.gl/C8jS2V