Wednesday, August 30, 2017

Trò chuyện với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa: “Oan uổng cho tài sức của dân tộc Việt”



Sự kiện ông Trịnh Vĩnh Bình đang thắng thế trong cuộc chiến với Nhà nước VN, đòi 28.000 tỉ đồng, đang nhắc một chuyện rằng chưa nào giờ nền kinh tế của VN đang đứng trước nhiều khó khăn như hiện nay: nợ công tăng, tiền của nhiều dự án phải trả, cũng như hơn 200.000 tỉ đồng cần thanh khoản cho hệ thống nhà nước vào cuối quý 4 này. Nhiều người đồn đoán về một cú khủng hoảng lớn hay suy sụp của VN sắp tới, liệu điều đó có khả năng xảy ra không, thưa ông?

-         Đầu tiên, tôi muốn định nghĩa là thế nào là suy sụp. Tôi lấy ví dụ là năm 1997, Thái Lan đã trãi qua một giai đoạn tăng trưởng rất nhanh trong 8 nước có chủ trương tân hưng. Rồi bất ngờ vào ngày 2/7/1997 thì Thái Lan rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính, kéo dài đến 10 năm. Điều này tác động đến nhiều thứ thay đổi ở Thái. Trở lại định nghĩa suy sụp, tôi tin rằng chọn một mô hình phát triển kinh tế thì bao giờ cũng gặp phải những khủng hoảng và suy sụp nhất định ở các mặt. Có thể là 5 năm, có thể là 10 năm. Nhưng khủng hoảng về chính trị thì dễ chữa chứ còn khủng hoảng về văn hóa thì khó chữa hơn. Điều mà tôi ngại ở Việt Nam là vấn đề đó, tức tan nát từ văn hóa, đặc biệt khi Việt Nam ở bên cạnh Trung Quốc.
Trong bối cảnh mà thế giới cứ khoảng 5 năm lại bùng phát các đợt sáng tạo và thay đổi, thì sự suy sụp mà ta nói đến, sẽ kéo Việt Nam trì trệ sâu hơn, oan uổng cho tài sức của người Việt, của dân tộc Việt.

Tôi không nói Việt Nam sẽ sụp đổ về tài chính công, tức nói thẳng là nợ, mà sẽ gặp căng thẳng vô cùng về ngoại hối. Vì lẽ trong giai đoạn 2008-2014 đồng Mỹ kim trị giá thấp, ai nấy đều vay tiền Mỹ. Nay thì tiền Mỹ có giá hơn nên nợ trở nên cao hơn. Đặc biệt là chuyện vay nhiều rồi dùng sai mục đích, tham nhũng, chia chác… thì không có cách  gì trả nổi. Và chính giai đoạn đó sẽ dẫn đến đổ vỡ nhiều thứ và nhiều hậu quả, kể cả mất luôn các cơ hội tăng trưởng cùng nhịp với thế giới. Nhưng để gọi là suy sụp hay sụp đổ một chế độ thì không đơn giản là dựa vào các yếu tố  như vậy.

Nhà nước CSVN lâu nay vẫn kềm giữ sự bình ổn trong xã hội bằng bẫy thu nhập trung bình. Thế nhưng các vấn đề tài chính gần đây đã bắt đầu có những tác động như qua việc tăng thuế, tăng giá sinh hoạt… Sự liên kết phản ứng của giới tài xế trước việc lạm thu BOT ở Cai Lậy cũng là một chỉ dấu tạm gọi, về sự bất mãn của giới trung lưu. Đó có là những vấn đề liên quan đến khía cạnh chính trị, dù chưa rõ ràng?

-         Tôi nghĩ là chỉ một phần thôi. Vấn đề của giới trung lưu có hai mặt. Mặt kinh tế thì họ sẽ nhận thức xã hội khác đi khi họ bị mất quyền lợi thu nhập như trước. Nói nôm na là nghèo đi. Còn mặt ý thức chính trị thì luôn luôn là một ẩn số. Bởi trình độ văn hóa và tư duy về luật pháp-xã hội ở mỗi quốc gia đều khác nhau. Nhìn về Hàn Quốc, thì phải có một tầm mức nhận thức chung nào đó thì giới trung lưu mới cùng với dân chúng cùng xuống đường bãi nhiệm bà tổng thống Park Geun-hye như vậy.

Tôi thì quan tâm nhiều hơn đến thành phần gọi là trung lưu thấp, hoặc giai cấp nghèo hơn, vì ít ai để ý đến họ. Báo chí nước ngoài đến Việt Nam phỏng vấn thường tìm đến những người biết tiếng Anh, chứ ít khi nào gặp những bà cụ ở thôn quê hay gia đình những ngư dân chết dở sống dở vì biển bị nhiễm độc. Đó mới chính là tầng lớp phản ánh đúng về cuộc sống và mang khát vọng thay đổi xã hội lẫn chính trị.

Nhân dịp ông nói về giới “trung lưu thấp”, chúng ta hãy bàn về giới “trung lưu cao”. Nhà nước CSVN vẫn cố tạo một mặt bằng bình ổn cho giới này làm ăn, đầu tư và tạo ra một mặt bằng của Việt Nam có vẻ phồn vinh trong suốt giai đoạn hội nhập với thế giới. Nhưng rõ ràng là các lồng luật pháp nhốt giới trung lưu ngày càng chật với sự thành đạt của họ, đó là chưa nói về lớp đại gia như Phạm Nhật Vượng, Bùi Thành Dương, Trần Bá Nhơn… chẳng hạn. Liệu để đảm bảo cho quyền lợi và tương lai làm giàu của mình không bị tổn hại, giới này có tham gia tác động vào những thay đổi chính trị hay không?

-        Cũng có những lớp trung lưu nhận ra điều đó, nhưng không nhiều ở Việt Nam, bởi cái khó riêng của nó. Ở các nước khác, chẳng hạn như Đài Loan hay Hàn Quốc họ chấp nhận phần mất mát quyền lực của nhà cầm quyền để đất nước đổi thay qua các thời điểm tranh cử. Quốc Dân Đảng của Lý Đăng Huy hay Nam Hàn với Kim Đại Chung là những ví dụ rất rõ. Việt Nam không có đa nguyên đang đảng nên giới trung lưu ái quốc và tiến bộ hiện nay chỉ có thể nghĩ đến chuyện thay đổi kinh tế hay vậy chất mà thôi. Bị bao bọc bằng các luật lệ về chính trị nguy hiểm nên họ chỉ có thể mơ đến chuyện làm giàu và làm sao để không va chạm với thể chế. Và đó là cái dở, là ngõ cụt của giới trung lưu tiến bộ và ái quốc. Quan chức khuyến khích chỉ nên làm giàu chứ không nên đụng đến chính trị, nhưng với Việt Nam khi đã khủng hoảng chính trị đến, thì mọi thứ sẽ bị kéo sát đáy.

Nhắc về quá khứ, Nam Hàn và Việt Nam Cộng Hòa có cùng một trình độ  phát triển. Nhưng Việt Nam thì lại kẹt vào chiến tranh. Ngay lúc đó, Park Chung Hee đã yêu cầu giới kinh tế gia phải phác thảo những kế hoạch 10 và 20 năm cho nhu cầu phát triển kinh tế đất nước, từ đó các tập đoàn tư doanh lớn ra đời, đặt nền móng cho các thương hiệu và nền sản xuất lớn của Nam Hàn về sau. Riêng Việt Nam thì khác, chẳng hạn công ty điện lực nhà nước tự mọc ra một loạt các công  ty con (cũng của nhà nước) để chia chác, mua bán, tham nhũng. Rồi các công ty con nào đó của Bộ Quốc Phòng chia chác, lạm dụng đất đai của dân chúng để làm giàu thì không là kế hoạch phát triển cho tương lai, thì chỉ là dự báo cho những khủng hoảng sẽ đến. Ngay cả Trung Quốc giàu mạnh vậy mà cũng đang vướng vào những chuyện khó gỡ tương tự thì Việt Nam không thể chạy khỏi.

Có thể trong con cháu của những người lãnh đạo, cũng có người có lòng nghĩ đến nước nhà nhưng chắc chỉ có một thiểu số nghĩ đến việc thay đổi chính trị. Nhưng với lợi thế của mình, phần lớn họ chỉ dám nghĩ đến việc làm giàu trước đã vì chính họ cũng nghĩ rằng các cơ hội như vậy sẽ không còn dài, trong một xã hội hay nền chính trị đầy bấp bênh trước mắt.


Tuấn Khanh ghi

Thursday, August 24, 2017

“Bolero không âm mưu cản đường phát triển của bất kỳ ai” nào về văn hóa"


– Bolero – từ khóa chưa thôi “hot” trong gần một năm qua với nhiều tranh luận của người làm nhạc. Có người cho rằng, bolero ngày càng sống khỏe – phản ánh giá trị đặc biệt của dòng nhạc này, nhưng có người lại cho rằng, bolero là hoài niệm, nếu sống mãi với hoài niệm, đồng nghĩa không chịu phát triển. Vậy bolero là một dòng nhạc thế nào trong anh? Theo anh, nó đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình?
– Nếu gọi bolero là hoài niệm, thì tôi cho đó là một nhận định sai. Người ta nhắc đến từ “hoài niệm” khi điều đó, giá trị đó không còn ở hiện tại, và chỉ được nhắc lại theo dịp. Nhưng bolero không mất, mà đúng như bạn diễn tả là “đang sống khỏe”, thì không có gì phải hoài niệm cả. Không ai nghe nhạc cổ điển của Mozart hay Beethoven mà bị gọi tên là hoài niệm. Và nếu thích thưởng thức chỉ nhạc cổ điển thôi, cũng không có nghĩa là “không chịu phát triển".
Tôi cũng rất ngạc nhiên khi nghe một lý luận râm ran và mơ hồ về chuyện bolero đã hoàn thành giai đoạn lịch sử của mình và nên nhường chỗ cho sự phát triển. Tôi đã từng bật cười với bạn bè của mình và hỏi rằng thôi thì cứ cho là âm nhạc cũng cần phát triển như cầu đường hay xe bus, nhưng xin chỉ giúp tôi một “dấu hiệu” về “sự phát triển” mà rất nhiều người đang muốn ngụ ý đến là gì? Cũng cần nên nhớ là bolero không âm mưu cản đường phát triển của bất kỳ ai, mà chỉ là những người chủ trương âm nhạc “phát triển” đang nghèo nàn về khả năng nên giận cá chém thớt thôi.
Rõ ràng việc thị trường âm nhạc hôm nay đơn điệu chỉ có bolero thôi, là một dấu hiệu bất thường và thụt lùi của mặt bằng văn hóa nước nhà. Mà bản thân những sáng tác bolero hơn nửa thế kỷ trước hay người nghe đâu có lỗi. Lỗi thuộc về những người có trách nhiệm về văn hóa.
–Trong quan sát của anh, bolero có đời sống thế nào từ khi nó xuất hiện ở Việt Nam? Dòng nhạc này có lúc được gọi là nhạc vàng, nhạc sến, phản ánh điều gì?
Tôi có viết nhiều bài về chuyện này, nói ra thì rất dài. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng tên gọi vàng – đỏ – xanh chỉ là gán ghép qua vỏ ngôn ngữ. Giống như người ta hay gọi nhạc cổ điển là bác học – quả là ngớ ngẩn – vì không có nhạc sĩ nào muốn làm bác học trong âm nhạc cả, họ chỉ muốn được là một nghệ sĩ, không cần phải là giáo sư hay tiến sĩ gì đó, cũng đã đủ kiêu hãnh.
Ngôn ngữ không có tính giai cấp, chỉ có con người mang sự thô thiển của riêng mình và thói quen áp đặt tạo thành các tên gọi, rồi từ đó tự phân loại xanh đỏ – sang hèn. Từ thập niên 1950 đến nay, ở miền Nam không ai tranh cãi hay phiền hà gì với các tên gọi. Chỉ là trong thời gian gần đây, khi dòng nhạc bolero bùng lên thì các tranh cãi đó mới ăn theo một cách vô nghĩa mà thôi.
– Việc dòng nhạc này thời gian gần đây “sống dậy” mạnh mẽ hơn ở các phòng trà, sân khấu lớn và truyền hình thực tế, anh lý giải chuyện đó thế nào?
– Nếu bạn để ý, phần lớn các ca sĩ của American Idol được chú ý, gây tiếng vang, đều là người trình bày dòng country. Điều đó không có nghĩa là nhạc country đang “sống dậy” ở Mỹ. Các chương trình thương mại ở Việt Nam đang phản ánh nhanh và đôi khi hời hợt – về thị hiếu cúa đám đông. Trong câu chuyện mà chúng ta đang nói đến, có lẽ nên đặt lại một ý khác, là các chương trình giải trí thương mại đang khai thác quá lố và bào mòn một dòng nhạc thưởng thức quen thuộc ở miền Nam, đến mức khiến khán giả của chính dòng nhạc này cũng khó chịu.
– Thực tế, bolero ở thời điểm không xuất hiện trên sân khấu lớn, vẫn tồn tại âm ỉ trong đời sống người Việt, đặc biệt người miền Nam – trên các chuyến xe đò đường dài, quán cafe… qua những chiếc băng cát xét như một mạch ngầm đời sống. Điều ấy theo anh phản ánh tâm thức nào của cộng đồng?
– Tôi đến Huế và đã từng ngồi hết một chương trình ca Huế với lòng tôn trọng, nhưng không cảm thấy mình bị thu hút nhiều. Ngược lại, sau đó nghe những người xung quanh tấm tắc, mới biết mọi thứ thuộc về sự quen thuộc và nhận thức rất riêng. Miền Nam có thú vui riêng của mình như cách ăn phở có nhiều rau và không quen thêm bánh quẩy. Âm nhạc cũng vậy. Miền Nam chọn bolero là cách giải trí và thưởng thức hàng ngày chứ không âm mưu làm một cuộc bành trướng nào về văn hóa. Gọi tên “tâm thức” nghe lớn lao quá. Tôi không nghĩ bolero tự chọn mang vào mình một sứ mạng cao cả nào, mà chỉ là sự chọn lựa đồng thuận của nhiều thế hệ nơi vùng đất hết sức dân chủ: văn hóa nào, dòng nhạc nào cũng có thể mang đến giới thiệu, nếu đủ sức chinh phục thì ở lại, vậy thôi.
– Việc nhiều ca sĩ hát coi việc hát lại các ca khúc này như thổi làn gió mới vào một dòng nhạc cũ, nhưng anh thấy thực sự bolero có được “làm mới”?. Anh chia sẻ thế nào về hiện tượng này?
– Tôi nhắc lại về tính phóng khoáng của bolero nói riêng và khán giả miền Nam nói chung. Có rất nhiều ca sĩ ở miền Trung, miền Bắc đã đến và lập nghiệp bằng bolero. Có người thành danh và được xưng tụng không cần đến báo chí nhận định hay gợi ý, chẳng hạn như ca sĩ Ngọc Sơn. Cũng có những cuộc “cách tân” hay thể hiện mới tạo nên làn sóng trong một thời gian nhưng quy tắc chung thuộc về một phong cách và khuynh hướng riêng của miền Nam vẫn chiếm ưu thế. Mãi mãi Tuấn Ngọc sẽ không thể hát hay những bài hát của Thanh Lam, ngược lại Mỹ Linh sẽ không thể hát như Ngọc Lan hay Tuấn Vũ. Nhưng sự thử sức mình trong một dòng nhạc có cơ may ăn khách là điều bình thường của showbiz trong giai đoạn rộn ràng và đơn điệu. Mai đây, khi thị trường lấy lại sự cân bằng và phát triển đồng bộ, mọi thứ sẽ khác.
– Anh đồng cảm hay không đồng cảm với phát ngôn của Tùng Dương: “già trẻ lớn bé đắm đuối bolero đúng là sự thụt lùi”? Vì sao?
– Tôi có đọc qua lời của ca sĩ Tùng Dương, và cũng đọc những lời chỉ trích anh. Nhưng tôi có sự diễn dịch riêng của mình, khác một chút, từ suy nghĩ của Tùng Dương. Trước đây, chương trình Bài hát Việt cúa VTV tốn rất nhiều tiền của để tạo nên một khuynh hướng mới và rồi cũng lịm dần vì không có khán giả. Rõ ràng việc thị trường âm nhạc hôm nay đơn điệu chỉ có bolero thôi, là một dấu hiệu bất thường và thụt lùi của mặt bằng văn hóa nước nhà. Mà bản thân những sáng tác bolero hơn nửa thế kỷ trước hay người nghe đâu có lỗi. Lỗi thuộc về những người có trách nhiệm về văn hóa, đang làm nghèo nàn đời sống đa dạng vốn đã có từ thời nhạc trẻ Làn Sóng Xanh ở miền Nam vào thập niên 90.
– Cảm ơn những chia sẻ của nhạc sĩ Tuấn Khanh!


Bài THỤC KHÔI thực hiện (tạp chí Đẹp)
(tháng 8/2017)

Friday, August 18, 2017

Bất chấp đối diện tù đày, nhà tranh đấu cho dân chủ Joshua Wong vẫn nói “Hồng Kông đang bị đe dọa”

Khi các anh chị đọc bài phỏng vấn dưới đây, cũng là lúc nhà tranh đấu trẻ Joshua Wong (Hoàng Chí Phong) đã bị chính quyền tay sai của Trung Quốc ở Hồng Kông kết án tù anh và các đồng sự. Tin cho hay, Joshua Wong, Nathan Law (La Quán Thông) và Alex Chow (Châu Vĩnh Khang) lần lượt bị tuyên 6 tháng, 8 tháng và 7 tháng tù giam trong phiên tòa diễn ra tại Hong Kong ngày 17/8. Tội danh của những thanh niên này cũng giống như “lợi dụng quyền tự do dân chủ” nhằm khép một mức án, cản bước họ không thể hoạt động chính trị chính thức, vận động cho tự do và dân chủ tại Hồng Kông. Đây là những thủ lĩnh và là biểu tượng hy vọng của người dân Hồng Kông, qua phong trào Cách mạng Dù Vàng vào năm 2014. Bài phỏng vấn của Time chỉ 24 giờ trước khi bản án bỏ túi được đưa ra. Nhưng nói lên rất nhiều điều, đặc biệt với thế hệ trẻ. Tôi gửi bản dịch này ở đây, dành tặng cho tất cả những bạn đã nhắn tin, gửi thư và chia sẻ những suy nghĩ về đất nước lâu nay. Xin được nhắc lại câu nói cuối của Joshua Wong, để chúng ta giữ gìn cùng nhau “Tôi mệt mỏi, và tôi sợ hãi, nhưng tôi sẽ vẫn tiếp tục chiến đấu”. ----------------------------------------- Tác giả: Feliz Solomon và Aria Chen/ Hong Kong Dịch giả: Tuấn Khanh 16-8-2017 ----------------------------------------- Joshua Wong (Hoàng Chí Phong) là một người tự do, trẻ tuổi. Chiều thứ Tư vừa rồi, khi anh đến trước một quảng trường ở Hồng Kông, mà anh hay gọi Quảng trường Công Dân, đó là lúc anh có thể không còn là một người tự do nữa. Vào thứ Năm, người thanh niên 20 tuổi này đang đối mặt với án tù vì đã khởi động những cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở đây ba năm trước. ‘Tôi chưa thực sự chuẩn bị đủ cho nó’, anh nói với báo TIME trong một cuộc phỏng vấn độc quyền. Vào ngày 26 tháng 9 năm 2014, Wong và một nhóm nhỏ các nhà hoạt động sinh viên khác đã tạo nên một trận cuồng phong ở tiền đường trụ sở chính phủ Hồng Kông nhằm phản đối những gì mà họ coi là sự xâm lăng chính trị và xã hội từ đại lục. Lúc đầu chỉ là ở không gian quảng trường, sau đó đến khu hội chợ cũng bị rào chắn vào năm 2014 để ngăn chặn những người biểu tình, từ các nhà hoạt động dân chủ tới các nhà vận động nhân quyền, cùng phối hợp ở đó. Đêm đó, Wong và những người khác bị xịt hơi cay giữa những cuộc đụng độ với cảnh sát. Có ít nhất một chục học sinh đã bị bắt. Hai ngày sau, một phần để phản ứng các vụ cảnh sát tấn công sinh viên ở tiền đường – nơi mà những người biểu tình bắt đầu gọi đó là ‘Quảng trường Dân sự’ hay ‘Quảng trường Công dân’ – hàng chục ngàn người trẻ tuổi đã tràn ngập các khu phố trung tâm và khu kế cận Admiralty, nơi của giới quyền lực tại Hồng Kông. Ở đó, họ đẩy mạnh các cuộc biểu tình đã lên kế hoạch nhằm chống lại sự can thiệp của Trung Quốc vào các cuộc bầu cử ở Hồng Kông, và cắm trại, biểu thị ôn hòa trên đường phố trong suốt 79 ngày. Vai trò xuất sắc của Wong trong các cuộc phản kháng này trở thành chủ đề của bản phim tài liệu có trên Netflix “Joshua: Teenager vs. Superpower (tạm dịch: Joshua- cậu thiếu niên chống lại với siêu quyền lực). Trong tất cả các sự kiện của phong trào, sau này được gọi tên là cuộc Cách mạng Dù, đó có thể chỉ mới là hành động đầu tiên Wong trong chuỗi suy nghĩ của anh. Vào ngày 19 tháng 8 năm 2015, anh và hai người bạn cùng trang lức của mình đứng ra thành lập đảng chính trị Demosisto, mà sau đó bị buộc tội tập hợp bất hợp pháp và kích động tình trạng bất ổn vì vai trò của họ trong việc dấy động tiền đường tòa nhà chính phủ. Ngày 20 tháng 7 năm 2016, họ bị kết án 80 giờ phục vụ cộng đồng.
Joshua Wong, khi 17 tuổi đã là nhà lãnh đạo của nhóm hoạt động dân chủ Scholarism, ngồi bên cạnh những thanh rào chắn dựng trước tòa nhà chính phủ trung ương tại quận Admiralty, Hồng Kông, Trung Quốc, vào thứ Tư 10-12-2014. Ảnh: Lam Yik Fei / nguồn Getty Images đăng trên Bloomberg. Hôm thứ Năm, Wong, cùng với Nathan Law (La Quán Thông), 23 tuổi, và Alex Chow (Chu Vĩnh Khang), 26 tuổi, phải đối mặt với một ủy ban tư pháp mà các công tố viên đã yêu cầu một án tù cho những người này, vì chính quyền cho rằng bản án phạt như vậy là quá nhẹ nên đã gửi thông điệp không đủ mạnh đến các nhà hoạt động khác. Tháng 9 năm ngoái, Law 23 tuổi, trở thành luật sư trẻ nhất từng được bầu vào cơ quan lập pháp Hồng Kông, nhưng anh đã bị các đồng nghiệp thân Bắc Kinh lật đổ vì tuyên bố anh không tôn trọng chính quyền trung ương Trung Quốc trong buổi lễ tuyên thệ. Nếu Law bị án tù hơn ba tháng,
anh sẽ bị truất quyền hành pháp vì không thể vận động cho sự nghiệp chính trị của mình suốt trong 5 năm như Wong và Chow. Tòa án thậm chí đã đồng ý đánh giá lại mức án của ba thanh niên. Thái độ này của Hồng Kông là tiếng chuông cảnh báo rằng, Trung Quốc có đủ quyền áp đặt lên Hồng Kông, vốn được coi là vùng bán tự trị, với một nền tư pháp độc lập. Hôm thứ Tư, dù trong tâm trạng lo lắng nhưng Wong đã kiên quyết đã gặp báo TIME bên ngoài quảng trường, ở chính nơi mà anh đã khởi động phong trào vào ba năm trước. Chỉ không đầy 24 giờ trước khi cóquyết định tái thẩm, anh nói thẳng thắn về niềm tin của mình rằng anh đã trở thành mục tiêu của việc truy tố chính trị. Anh nói mục tiêu của anh là hướng về một chế độ dân chủ và tự trị Hồng Kông, và hy vọng rằng quê hương anh sẽ đứng vững trong phần – mà anh gọi là – vùng lãnh thổ tự do nhất của Trung Quốc.
Cuộc phỏng vấn của TIME với Wong sau đây, đã được tạp chí này chỉnh sửa về độ dài và làm rõ nghĩa. ==============

Tòa án đang xét lại mức trừng phạt đối với vai trò của anh trong sự kiện 26/9/2014 khi anh cùng các bạn khởi phát phong trào trước tòa nhà chính quyền. Anh có thể điểm lại vài điều từ sự kiện này? Ba năm trước, chúng tôi đã tổ chức một hoạt động giành lấy Quảng trường của Công dân và yêu cầu bầu cử tự do và dân chủ ở Hồng Kông. Chúng tôi đã chống lại sự can thiệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Và rồi hôm nay chúng tôi đang phải đối mặt với một bản án từ chính phủ Trung Quốc. Có thể họ sẽ gửi tôi đến nhà tù hơn nửa năm. Những gì tôi muốn cộng đồng quốc tế nhận ra là Hồng Kông đã thuộc về chế độ độc tài. Đây là một trận chiến lâu dài, và chúng tôi cũng kêu gọi sự yểm trợ dài hạn. Hồng Kông giờ đây đang bị đe dọa. Giờ đây nhìn lại hoạt động đó, anh có nghĩ rằng mình sẽ chọn một phương thức tranh đấu khác, nếu có cơ hội làm lại? Tôi không hề hối tiếc gì. Chúng tôi đã chống lại việc giáo dục yêu nước (một nỗ lực của chính quyền địa phương nhằm áp đặt việc thần phục Bắc Kinh trong các chương trình tại trường học ở địa phương), đó là lý do tại sao chúng tôi tiến đến quảng trường. Ba năm trước, chính phủ đã thiết lập một rào cản để ngăn chặn quyền tự do hội họp của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi tổ chức một hành động để lấy lại quảng trường, nhắc nhở mọi người rằng, đã đến lúc lấy lại quyền của mình. Đây là nơi đầu tiên tôi bị bắt, và đó là lý do tôi sẽ bị đưa đến nhà tù, nhưng tôi không hối tiếc về điều đó và tôi vẫn tiếp tục đấu tranh cho nền dân chủ. Với tình trạng anh đã nhận một mức án đối với tội danh này, và rồi lại bị sửa đổi lại bản án với mục đích nhằm ngăn chận một cách hợp pháp con đường hoạt động chính trị của anh, anh có xem việc kháng cáo mức án cũng là một hành động chính trị? Mùa hè năm ngoái tôi đã bị kết án 80 giờ phục vụ cộng đồng. Ngày mai (thứ Năm) tôi sẽ phải đối mặt với án tù gần một năm với hình phạt tù ngay lập tức. Điều này chứng minh rằng các tòa án Hồng Kông chỉ tuân lệnh Trung Quốc. Đây cũng là một mối đe dọa. Nếu bị bỏ tù, nhiều người sẽ xem anh và những người cùng chí hướng của anh là những tù nhân chính trị đầu tiên của Hồng Kông. Điềnày thể hiện gì về sự độc lập của hệ thống tư pháp Hồng Kông mà anh vẫn gọi là một trong những ‘giá trị cốt lõi’ của hòn đảo này? Nền tư pháp độc lập đang bị đe dọa vì sự trung thành của Bộ Tư pháp đối với Trung Quốc. Tôi hy vọng mọi người sẽ nhận ra điều đó. Một thập kỷ trước, người ta mô tả Hồng Kông là một nơi không còn chế độ dân chủ nhưng vẫn có luật pháp. Và bây giờ thì Hồng Kông đã chuyển hóa thành chế độ độc tài. Chúng tôi sẽ không phải là những tù nhân chính trị đầu tiên ở Hồng Kông (hôm thứ Ba vừa rồi, tòa án cũng đã kết án 13 nhà hoạt động từ 8 đến 13 tháng, tội danh phá hoại các hoạt động lập pháp khi tổ chức phản đối các dự án phát triển nông thôn). Chúng tôi chỉ là người đầu tiên trong Phong trào Dù Vàng. Chính phủ đã xem xét trường hợp này chống lại chúng tôi vì họ hy vọng đưa chúng tôi đến nhà tù và ngăn chặn cơ may của chúng tôi trong cuộc bầu cử. Tôi tin rằng Bộ Tư pháp đang tái thẩm án của tôi vì họ nghĩ rằng làm vậy, tôi sẽ không thể đến với một cuộc bầu cử. Anh có xem Hồng Kông là một phong vũ biểu của tự do ở ở Châu Á, và cách anh đang bị đối xử có là một dấu hiệu bất ổn cho các quy tắc dân chủ và pháp quyền trong khu vực rộng lớn hơn? Hồng Kông là thành phố có mức độ tự do cao nhất trong tất cả các lãnh thổ Trung Quốc. Ở châu Á Thái Bình Dương, tôi nghĩ Hồng Kông nên trở thành điểm nhấn để mọi người nhận ra rằng [Trung Quốc] vẫn vi phạm nhân quyền. Tôi hy vọng kinh nghiệm của Hồng Kông sẽ thúc giục sự đoàn kết toàn cầu và làm cho mọi người quan tâm hơn đến Hồng Kông. Đây là nơi mà những người trẻ tuổi – như cô ấy hay tôi (Wong chỉ vào một người qua đường) – bị đưa đến nhà tù. Về chuyện giữa anh và tòa án Hồng Kông, anh có nghĩ rằng đã có những tác động đối với nhiều bạn trẻ ở Hồng Kông, hay nơi nào khác, tích cực hơn về mặt chính trị trong những năm gần đây? Trong vài năm qua đã có một cuộc nổi dậy, đã có một nhận thức chính trị mới trong thế hệ tôi. Tuy nhiên, các vụ truy tố và tuyên án chính trị đang gia tăng. Chúng tôi đang ở trong thời kỳ đen tối của quê hương mình. Nhưng với một kỷ nguyên đen tối như thế này, với sự đàn áp chế độ Bắc Kinh, những người trẻ tuổi phải đứng ở tuyến đầu để đòi dân chủ. Tôi chỉ muốn nói rằng nếu Nathan, Alex và tôi phải chịu án tù, vì tất cả chúng tôi không chọn đứng ngoài cuộc, thì không có lý do gì để mọi người lùi lại. Hầu hết các nhà quan sát đều có chung dự đoán rằng anh sẽ phải vào tù. Anh mới 20 tuổi. Anh có sợ không? Tôi chưa chuẩn bị cho điều này. Và sau khi tôi bị đưa đến nhà tù, tôi chỉ có thể gặp bố mẹ tôi hai lần mỗi tháng trong nửa giờ. Tôi sẽ nhớ họ, và tôi sẽ nhớ ngôi nhà của tôi. Không ai muốn bị đưa đến nhà tù, kể cả tôi. Tôi mệt mỏi, và tôi sợ hãi, nhưng tôi sẽ vẫn tiếp tục chiến đấu. Tham khảo: http://time.com/4902751/hong-kong-joshua-wong-interview-sentencing-democracy/ http://time.com/4761316/joshua-teenager-vs-superhero-documentary-trailer/

Wednesday, August 9, 2017

“Đuổi Mỹ đi, lại đón Mỹ về”


Năm 1995, trong buổi học cuối cùng của môn chính trị, tôi được nghe ông thầy (cũng là bí thư đảng ủy) nói với giọng tức giận "đánh Mỹ chạy đi, giờ lại trải thảm đỏ đón Mỹ về".
Ông nói vậy, bởi Việt Nam và Mỹ mở lại bang giao vào tháng 7-1995. Lúc đó, đại diện nước Mỹ là tổng thống Bill Clinton, còn Việt Nam là thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Tâm trạng hoang mang và tức giận đó của ông bí thư đảng ủy, là điều mà tôi vẫn nhìn thấy ở những người bỏ một đời đi theo chủ nghĩa cộng sản, rồi bất chợt một ngày cảm thấy bị hụt hẩng vì cảm giác như mình bị phản bội - đồng thời mơ hồ mình có thể bị bỏ rơi vào lúc nào đó.
20 năm sau, với những nỗ lực không ngừng từ phía Mỹ, Việt Nam đã có những cuộc phối hợp đầu tiên giữa quân đội hai nước. Mặc dù đó chỉ là khởi đầu các hoạt động cứu trợ nhân đạo và cứu trợ thảm hoạ trong khuôn khổ chương trình Thiên thần Thái Bình Dương.
Vào tháng 8/2015, hải quân Việt Nam dè dặt bước vào cộng tác trong chương trình Đối tác Thái Bình Dương, là bước đi gấp rút sau sự kiện giàn khoan dầu HD 981 của Trung Quốc tiến vào vùng của Việt Nam trong năm 2014. Vai trò của một cựu thù lúc này ở VN thật đầy tính "ấm áp".
Đến thời điểm đó, rất nhiều người già đã bỏ một đời đi theo lý tưởng cộng sản mà tôi gặp lại, đều thay đổi. "Trung Quốc mới chính là kẻ thù", tôi nghe những câu nói như vậy thường xuyên và lớn giọng hơn. Thậm chí, có những người đã cùng tham gia xuống đường chống Trung Quốc rồi bị đánh đập hay tù đày.
Hơn vậy, tôi nghe khắp trên các con đường mình đi qua, từ Nam chí Bắc, là những lời bàn không chỉ về kẻ thù của Việt Nam mà còn bàn về những kẻ sẵn sàng bán mình cho kẻ thù của Việt Nam. Nghe như một cuộc chuyển mình rầm rộ mà thinh lặng.
Hôm nay, hàng không mẫu hạm của Mỹ nói sẽ ghé vào Cam Ranh với cuộc "bảo trì" đầy ý nghĩa, nhất là sau khi Bắc Kinh ép Hà Nội phải ngừng khoan dầu trên biển, và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch vừa sang Mỹ. Tôi lại nhớ về ông bí thư đảng ủy đó.
Lịch sử đang đổi thay. Con người cũng đang đổi thay. Thậm chí con cái các quan chức cấp cao đã rùng rùng chọn học, sống và mua nhà ở Mỹ cũng như ở các nước phương Tây "thù địch". Nhiều gia đình quan chức chỉ quyết chọn đến định cư ở những nước mà lý tưởng cộng sản được sách giáo khoa nơi đó dạy rằng, là tội ác của nhân loại. Bất chấp trong đất nước này, các đại học VN vẫn ép sinh viên phải lèn chặt chủ nghĩa Marx-Lenin như công cụ tư tưởng sống còn của chế độ.
Hôm nay, chỉ còn lại rơi rớt những lời ngợi ca Trung Quốc bạn vàng công khai từ một ít tướng lĩnh, hay luận điệu hằn học được huấn luyện của lớp thanh niên bị nhồi sọ phục vụ. Nhưng mỗi lúc, những âm thanh đó càng ngày càng tẻ nhạt và vô ích. Đôi khi, có thể đó là thành phần phải bị hy sinh để giữ lại thể diện hữu nghị trước những khúc quanh lịch sử khó lường sẽ đến.
Vài năm sau nữa, lớp người rơi rớt ấy có đập bàn hằn học cho số phận của mình, như ông bí thư đảng ủy mà tôi nhìn thấy không?
Tất cả như một sân khấu vĩ đại. Mà nhân dân là khán giả xuyên suốt. Sân khấu lúc có tiếng súng và nhà tù, lúc có hoan hô và đả đảo. Trò diễn cứ liên hồi, nỗi niềm rồi chỉ còn lại nhân dân im lặn
g cảm nhận.


--------------------
Tham khảo:
http://m.anninhthudo.vn/the-gioi/tau-san-bay-my-se-lan-dau-tien-tham-viet-nam-dot-pha-trong-quan-he-hai-quan-hai-nuoc/737458.antd