Sunday, February 28, 2021

Xin chọn nơi này làm quê hương

 


Bác sĩ Yersin qua đời ngày 1-3-1943 tại Việt Nam, lúc 79 tuổi. Ngôi mộ của ông nằm ở Suối Dầu, Nha Trang, chung quanh là những hàng cây hoa sứ trắng. Dù là một nơi khuất bóng người, nhưng nơi đây bao giờ cũng có hương khói và hoa thơm, được dân trong vùng chia nhau quét dọn sạch sẽ. Ông Năm – hay là Alexandre Émile Jean Yersin – là một trường hợp đặc biệt của lịch sử Việt Nam, vì được người dân nhắc, nhớ và kính trọng như một hiền nhân của nước Việt.

  Lần ghé thăm và tìm hiểu về ông, dù đã nghe kể nhiều như một huyền thoại, nhưng đến khi chứng kiến, vẫn không khỏi bồi hồi. Sống, tận hiến, yêu thương và lặng lẽ ra đi trong tình nhân loại: Liệu có một nhân vật quyền bính nào hôm nay đủ tư cách để sánh ngang hàng với ông? Cuộc đời của bác sĩ Yersin gắn liền với việc tránh xa đô thị, quyền chức và đám đông. Đã từng có nhà nghiên cứu đặt giả thuyết rằng Yersin mắc chứng agoraphobia (chán sợ đám đông) nên chỉ thích nơi thanh tịnh. Trong tuổi trẻ và nhận thức bước vào đời của ông, người ta thấy được, qua việc ông viết thư cho mẹ khi chọn đến Đông Dương (1890) “Con sẽ không buồn nếu phải rời Paris vì con thấy chán ngấy tuồng diễn, đám thượng lưu làm con kinh tởm, và đời mà không đi thì còn gì gọi là đời”. Theo lời kể của bạn bè, để tránh phải trò chuyện, Yersin thường có một cuốn sổ tay mang tay, khi cần thì lấy ra, giả bộ tập trung ghi chép để tránh né giao tiếp không cần thiết. Paris lúc ấy là trung tâm văn minh của nhân loại, từ kịch nghệ cho đến hội họa, âm nhạc và cả tiến bộ y khoa. Và Đông Dương lúc ấy, được phương Tây coi là nơi man khai, con người mọi rợ và rừng rú. Quyết định của Yersin gây nhiều xung đột với bạn bè và đồng nghiệp, vì vị trí của chàng trai Yersin lúc ấy ở Paris, cũng đầy hào quang không khác gì bác sĩ Louis Pasteur hay Robert Kock, thế nhưng ra đi, là điều không thể ngăn được Yersin.

Vốn là một người lớn lên ở cao nguyên và núi non Aubonne, Vaud (Thụy Sĩ), đến Đức rồi qua Pháp, bác sĩ Yersin chỉ thấy biển lần đầu tiên vào năm ông 26 tuổi trên một chiếc tàu buồm. Ông say mê biển đến mức viết thư kể lại cho bạn, như một nhà văn. Có lẽ chính vì vậy đến Nha Trang, vùng đất có bờ biển đẹp chạy dài theo những đường ven núi khiến ông không thể rời. Chọn cuộc sống ở đây để nghiên cứu và thám hiểm, bác sĩ Yersin đã nhiều lần quay lại Pháp để mang những dụng cụ thí nghiệm và sách vở. Máy bay đáp ở Sài Gòn, lúc đó để đến được Nha Trang thì ông có lúc phải mất đến tám ngày đường bộ, còn đi tàu thủy từ Pháp thì mất một tháng. Câu hỏi đặt ra là vì sao một nhà khoa học thuần túy như bác sĩ Yersin lại luôn băng rừng, khám phá mọi thứ ngóc ngách của cao nguyên Lâm Viên, dựng hồn của của Đà Lạt… vào thời buổi cọp beo, thổ phỉ, tù vượt ngục, và đủ các loại bệnh nhiệt đới? Trong sách Yersin: Peste et Choléra, tác giả Patrick Deville phân tích nhân cách của Yersin và một số “đứa trẻ mồ côi cha” khác, cùng thời với ông như Roux (nhà khoa học), Haffkine (nhà khoa học) hay Rimbaud (nhà thơ), Doumer (nhà chính trị). Theo ông Patrick Deville, hoàn cảnh mồ côi cha là nguyên nhân chính biến những đứa trẻ lớn lên, hay trở thành những kẻ liều lĩnh, phiêu lưu, ham chinh phục. Nhiều năm sau, khi quay lại Pháp để dự khánh thành Viện Pasteur, bác sĩ Yersin bị mẹ chất vấn liên tục về việc ở lì tại Việt Nam, ông chỉ trả lời đơn giản rằng “Vì nơi đó, con được thấy biển”. Không phải khởi đầu, một tên da trắng và bị nhìn như một “tay sai thực dân” có thể gây được cảm tình với dân Việt Nam, và cả dân thiểu số. Những ngày khởi đầu khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho người dân, ông bị lấy cắp tiền hoặc đồ vật. Trong thư gửi mẹ mình, Yersin viết rằng “Bệnh nhân An Nam từ khắp nơi đổ về đây, những lúc con không đi chơi đâu đó. Nói cho đúng, họ lợi dụng hiểu biết khoa học của con, nhất là những lúc để trả tiền cho con, họ lại thân ái đánh cắp ví của con. Nhưng biết làm sao bây giờ, trong óc họ, ăn cắp tiền của một người Pháp là một hành động tốt. Vả lại, người Pháp đến xứ Đông Dương này để làm gì đây, nếu không phải là ăn cắp của người An Nam?". Không lâu sau đó, người dân Việt coi ông như một vị thánh. Sự nhân ái, vị tha và thấu hiểu của ông khiến “ông Năm” trở thành một người Việt đặc biệt, luôn được kính trọng.

Chắc có lẽ không cần viết về những công lao khoa học và sự kính trọng mà bác sĩ Yersin đã dựng nên trong suốt cuộc đời mình, thế giới và cả Việt Nam đã ghi lại đủ. Điều cần biết là ở Sài Gòn, miền Nam Việt Nam, trước đời đệ nhất Cộng hòa (tháng 3-1955), hầu hết các tên đường mang tên các quan chức Pháp đều bị loại bỏ, chỉ có 4 người nước ngoài được giữ lại để vinh danh, trong đó là 3 vị bác sĩ, nhà khoa học Yersin (1863-1943), Calmette (1863 – 1933) và Pasteur (1822 – 1895), và một học giả, linh mục truyền đạo Alexandre de Rhodes (1591-1660). Sau tháng 4-1975, các tên đường Mỹ - Pháp… bị coi là tàn dư của văn hóa đồi trụy nên bị đổi đi. Chẳng hạn như đường Alexandre de Rhodes bị đổi thành Thái Văn Lung, đường Pasteur bị đổi thành Nguyễn Thị Minh Khai (đổi từ ngày 14-8-1975, do Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Đến lễ 2-9-1991, UBND TP xác nhận đây là tên ân nhân của nhân loại, nên lấy lại Pasteur như cũ). Điều cuối cùng về bác sĩ Alexandre Émile Jean Yersin, là di chúc để lại, ông muốn được chôn nằm sấp xuống đất để được áp mặt vào nơi chốn ông đã chọn nơi này làm quê hương. Dẫu không là một người Việt nhưng ông sống và yêu nơi chốn này hơn cả mọi khoa trương lý tưởng “Giữ tôi lại tại Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác”, di chúc ghi. Và đáng kính trọng, ông ra đi như một người Việt Nam vĩ đại, không cần lăng to, đất rộng làm nhà mồ, không cần ai phải gọi tên hay tung hô mình như lãnh tụ. Thậm chí, nơi yên nghỉ với tính cách giản dị ông, có lẽ cũng không mong được trở thành di tích văn hóa. ---- Tham khảo tư liệu từ : - Yersin: Peste et Choléra của Patrick Deville, bản dịch của Đặng Thế Linh, NXB Trẻ - Docteur Nam của Eslisabeth du Closel, bản dịch Việt ngữ của Lê Trọng Sâm, NXB Trẻ. - Địa chí Văn hóa TP.HCM (1698 - 2018), NXB Tổng hợp TPHCM. - Calmette: là người đã phát triển thành công vaccine phòng bệnh chó dại, đậu mùa và bệnh lao. Ông cũng là một trong những người đã mở ra viện Pasteur tại Sài Gòn - nơi có đóng góp không nhỏ vào kho tàng nghiên cứu y học của thế giới. - Yersin: người đã nghiên cứu về độc tố bệnh bạch hầu, và cũng là một trong những người đầu tiên sáng lập ra viện Pasteur - Sài Gòn. - Pasteur: người khai sáng ngành nghiên cứu vi sinh vật học, là người đã sáng chế ra thuốc kháng sinh đầu tiên trên thế giới. Viện Pasteur cũng được thành lập dựa trên ý tưởng của ông. - Alexandre de Rhodes: nhà truyền giáo, một nhà ngôn ngữ học người Pháp. Người ta lấy tên ông để đặt cho con đường nhằm vinh danh đóng góp quan trọng của ông trong việc hình thành chữ quốc ngữ Việt Nam. - Robert Koch (1843-1920): nhà khoa học người Đức, tìm ra vi khuẩn than, trực khuẩn lao và vi khuẩn dịch tả

Saturday, February 27, 2021

Áo bà ba: vì sao không là áo bà Tư?

 



Người Việt ai cũng biết áo bà ba. Đặc biệt là dân Nam bộ thì ai cũng biết bởi đó gần như là trang phục hàng ngày của phụ nữ từ đầu làng đến cuối xóm.

Cái tên bà ba, cũng là điều tranh cãi rất nhiều, vì không rõ nguồn từ đâu, và có từ khi nào. Duy từ hai giải thuyết đáng tin cậy nhất, có thể thấy cái tên bà ba xuất phát từ nhà văn Sơn Nam, và hoàn toàn không liên quan gì đến các bà Tư hay bà Năm gì cả…

Giả thuyết thứ nhất, với nhiều tài liệu cũ trước năm 1975 ghi rằng áo bà ba xuất hiện đầu tiên ở Nam bộ, vào nửa đầu thế kỷ 19, được học giả Trương Vĩnh Ký cách tân từ áo của người dân đảo Pénang (người Malaysia gốc Hoa) cho phù hợp với người Việt. Người ta tin rằng tên gọi chiếc áo bắt đầu từ hai chữ Baba-Nyonya.

Người Baba-Nyonya (峇 峇 娘惹), tiếng địa phương là Peranakan, có nghĩa là hậu duệ của những người nhập cư Trung Quốc đầu tiên đến định cư tại các thuộc địa của Anh trên Eo biển ở Malacca, Pénang và Singapore từ thế kỷ 16 đến 18. Baba (峇 峇) là một từ tiếng Trung Quốc có nghĩa là 'cha' và dùng để chỉ nam giới. Nyonya xuất phát từ tiếng Bồ Đào Nha donha, 'quý bà', và dùng để chỉ phụ nữ. Có thể học giả Trương Vĩnh Ký đã thích thú trước cái áo rất dễ nhìn, dễ vận dụng trong đời sống làm việc lẫn sinh hoạt hàng ngày và mang về, chỉnh lại đôi chút cho người Việt.

Viết trong Văn minh miệt vườn, nhà văn Sơn Nam ghi rằng “Ở miệt vườn, kiểu quần áo bà ba là tiện lợi nhất, đồng thời quần áo bà ba cũng tiêu biểu cho sự trang nghiêm trong giới trung lưu... Áo bà ba gọn gàng, cởi ra mặc vào dễ dàng, giúp con người đi đứng khoan thai, ít câu thúc”. Điều đáng chú ý, luận điểm của nhà văn Sơn Nam nhắc về việc người dân miền Nam nói trại đi chữ Baba nguyên gốc thành áo bà ba. Tương tự như giả thuyết về học giả Trương Vĩnh Ký, nhà văn Sơn Nam cũng ghi “Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa. Chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba”.

Sau năm 1975, có một vài nhà nghiên cứu từ phía Bắc vào, và phủ nhận nhận quan điểm này, và nói rằng người Mã Lai không có tộc nào tên Baba hay Babas cả. Thậm chí còn bịa ra câu chuyện là có một phụ nữa Nam Bộ nào đó chế ra kiểu áo này từ áo dài, và tệ hơn, có giả thuyết từ giới trí thức ấy, là áo bà ba được khởi đầu may tạo ra ba tà, nên có tên liên quan số 3.

Miền Nam là vùng đất của tất cả những con người lam lũ và khởi đầu cuộc sống mở mang, khai hoang ở thế kỷ 18 và 19. Do đó có thể khẳng định rằng tất cả những hình thái ban đầu của chiếc áo bà ba, từ xưa đó cho đến nay, đã trải qua rất nhiều cải cách, dựa theo tính vận động và nghi thức lễ lạc của người miền Nam Việt Nam. Về sau nhiều tôn giáo và trang phục lễ nghi tôn giáo ở miền Nam cũng chấp nhận dùng áo bà ba, có nơi dùng áo bà ba nhưng khác màu sắc ngày thường.

Vì sao áo bà ba trở nên phổ biến ở miền Nam? Có một giả thuyết khác từ sử liệu nói rằng khi chúa Nguyễn đời thứ 8, chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765), nắm quyền từ từ năm 24 tuổi, đã đặt ra nhiều cải cách về hành chính cũng như thay đổi y phục từ quan đến dân. Người dân ở phía Nam đã chọn kiểu áo bà ba với màu tối, dùng chung cho cả đàn ông và đàn bà như một cách ứng xử tiện gọn cho mình. Bên cạnh đó, giai đoạn chúa Nguyễn Phúc Khoát cầm quyền cũng là lúc hiềm khích giữa Đại Việt và Chân Lạp (tức triều đại cổ của người Khmer) ngày càng dâng. Đặc biệt là vua Nặc Nguyên chủ trương tấn công vào biên giới Đại Việt để hà hiếp, cướp bóc những tộc du cư đến Đại Việt như người Chăm, Mã Lai, Che Mạ (gọi chung là Côn Man) nên dân Việt hay mặc áo bà ba để phân biệt người mình.

Về mặt thẩm mỹ mà nói, cho đến hôm nay, áo bà ba là một loại trang phục hết sức đặc biệt của miền Nam: Áo đàn ông thì trang nghiêm, đĩnh đạc. Áo cho đàn bà thì thanh thoát duyên dáng - thậm chí còn rất quyến rũ khi phối dựng với chất liệu vải và kiểu may cổ và xẻ tà.


Nguyên gốc áo bà ba vốn là áo không cổ - đó là sự khác biệt lớn giữa các trang phục có nét tương tự của các dân tộc khác. Thân áo phía sau may bằng một mảnh vải nguyên, thân trước gồm hai mảnh, ở giữa có hai dải khuy cài chạy dài từ trên xuống . Áo chít eo, xẻ tà vừa phải ở hai bên hông. Tương tự như áo dài, áo bà ba có độ dài trùm qua mông, gần như bó sát thân làm tôn lên những đường cong tuyệt mỹ của cơ thể người phụ nữ.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang lấn và chiếm nhiều giá trị văn hóa của Việt Nam, để mô tả tính chất chịu ảnh hưởng của chư hầu, chiếc áo bà ba cũng đang bị dòm ngó, không khác gì kim chi Hàn Quốc đang bị tiếm danh bởi Trung Quốc. Có tài liệu bậc tiến sĩ ở Hà Nội, gần đây còn chứng minh áo bà ba là trang phục từ người Minh hương di cư đến miền Nam nên được lấy lại. Tài liệu gốc chứng minh thì được dẫn từ sách Trung Quốc.

Lịch sử Việt Nam từ sau 1975 đến nay đang bị nói lại, diễn giải lại hết sức duy ý chí, không thể không gọi làm đau lòng tiền nhân. Nhớ lại, dạy cho con cháu, những thứ đơn giản như tên gọi áo bà ba, cũng là một cách kính trọng tổ tiên Việt đã khai phá, và giữ lòng tự trọng của một người Việt Nam đứng ngoài nạn sính chữ điêu xằng.

Tuesday, February 16, 2021

Chuyện xưa, chuyện nay

 


 

Trong phim Forbidden Dream (2019), được các nhà làm phim ghi rõ là kể lại từ câu chuyện lịch sử có thật,  đã mô tả triều đại Joseon của Đại Hàn xoay sở khổ nhục ra sao, để phát triển các ngành khoa học trước sự theo dõi của nhà Minh (Trung Hoa). Câu chuyện xoay quanh chi tiết vua tôi của Cao Ly ngày ấy (thế kỷ 15) bí mật cố gắng tìm ra múi giờ riêng của quốc gia, không muốn bị ép buộc sống theo giờ quy định tập quyền của phương Bắc. Những nỗ lực đầu tiên ấy, bị coi là phản nghịch, sách vở thiên văn bị đốt bỏ, các nhà khoa học bị luận tội, các trụ định hướng sao trên trời bị kéo sập trong sự giám sát của sứ giả Trung Hoa.

 

Cũng cùng thời gian ấy, tại Việt Nam, cuộc hủy diệt văn hóa thư tịch của người Việt cũng bị nhà Minh áp đặt lên nhà Lê. Theo Đại Việt sử ký, năm Vĩnh Lạc thứ 16 thời Minh (1418), vua nhà Minh nhiều lần chính thức cử học sĩ sang An Nam để vừa tịch thu, vừa hủy diệt, mục đích là không để người Việt phát triển văn hóa riêng, ghìm chặt việc thiếu ý thức tự chủ để không thể lớn mạnh. Căn cứ vào các chiếu dụ từ năm Vĩnh Lạc thứ 4 đến thứ 5 được chép trong Việt kiệu thư thì có khá nhiều lần đề cập đến việc hủy diệt văn hóa phương Nam, trong đó có một đạo sắc cho Trương Phụ đề ngày 21 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 5: “Trước đây (trẫm) từng nhiều lần chỉ dụ cho các khanh rằng phàm là văn tự sách vở của An Nam, từ những loại sách học vỡ lòng quê mùa vụn vặt như Thượng đại quan nhân, Khâu Ất Kỉ cho đến các loại bia khắc do họ tự lập hễ trông thấy là phá huỷ ngay lập tức, không được để lại. Nay trẫm nghe nói trong quân khi thu được văn tự sách vở đã không ra lệnh cho quân lính thiêu hủy ngay lập tức, mà để lại đọc qua sau đó mới đốt. Quân lính nhiều người không biết chữ, nếu duy trì lệnh đó tất sẽ để lại nhiều thiếu sót. Nay các ngươi phải nên thực thi theo sắc trước, ra lệnh trong quân hễ gặp bất cứ vật gì có văn tự thì lập tức thiêu huỷ ngay, không được lưu lại”. (Tạp chí Văn hiến số 2, năm 2003)

 

Đọc lại lịch sử xưa, đối chiếu, mới thấy Trung Hoa ngàn năm trước và hiện tại không có gì khác biệt, mặc dù vỏ bọc lúc là phong kiến, lúc là cộng sản, nhưng căn cơ vẫn là độc tài và mê cuồng bá quyền, sẵn sàng chà đạp bất kỳ ai ngăn cản tham vọng của họ.

 

Chính sách viễn giao cận công của Trung Hoa, có từ năm 230 trước Công nguyên, được nhà Tần áp dụng, cho đến nay vẫn là một trong những mạch chính của nhà nước Trung Hoa cộng sản, chỉ có khác là sự linh hoạt uyển chuyển hơn, lúc đánh, lúc đàm, lúc đấm, lúc xoa. Chính vì sự giảo hoạt vậy, Trung Hoa không thể có bạn. Họ chỉ có giả làm bạn và thâu tóm, để biến bạn thành thủ hạ, tay sai hoặc để thao túng.

 

Bạn hay thù chỉ như trở bàn tay. Đó là lý do năm 1979, ngày 17-2, Bắc Kinh huy động một lực lượng lớn quân, hơn cả tổng số quân đồng minh tương trợ của Việt Nam Cộng Hòa, để tấn công các tỉnh phía Bắc Việt Nam, tàn phá, đốt, giết… Hình ảnh của những cuộc xâm lược từ ngàn năm trước hiện lại mồn một. Tên gọi của cuộc chiến huynh đệ cộng sản tương tàn đó, được Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc khẳng định “dạy cho Việt Nam một bài học”.

 

Bài học đó là gì? Là Hà Nội sẽ bị tấn công tàn khốc, nhưng không hề có được sự can thiệp nào của đàn anh cộng sản Liên Xô. Khó chịu vì đàn em Khmer bị Việt Nam đánh đuổi, và khó chịu Việt Nam có vẻ nghiêng về Liên Xô hơn trong thời điểm đó. Và dù tất cả đều là những người bạn của mặt trận vô sản, nhưng không cần làm bạn nữa thì Bắc Kinh sẽ ra tay tức thì.

 

Nhưng câu nói “dạy cho Việt Nam một bài học” quả thật sự đau đớn, vì hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam lại dùng đất nước và con người Việt Nam làm nơi để diệu võ dương oai với nhau, chứ không hề có máu xương người già, em bé, thanh niên Việt Nam nào liên quan đến cái bài học xung đột tình thân anh em cộng sản ấy cả.

 

Lịch sử đã qua, không chỉ để nhớ, mà còn để học biết đủ về nó. Ngày 17/2 hàng năm, người Việt vẫn nhắc nhau về ký ức đau thương và kinh hoàng, gây ra bởi một đế quốc hung tàn nằm cạnh đường biên giới. Nhưng hôm nay, lịch sử còn là lý do để mọi người nhìn kỹ hơn những gì đang đến, chuẩn bị cho những thảm kịch đang đến.

 

Những xung đột mới, có thể không đến từ đất liền, mà từ biển, đặc biệt từ ngày 1/2/2021, khi Luật Hải Cảnh của Trung Quốc có hiệu lực. Mơ hồ và bao trùm, luật này có 84 điều và 11 chương, cho phép các tàu hải cảnh Trung Quốc có quyền bắn, truy đuổi, bắt giữ… tất cả những tàu thuyền bị coi là vi phạm phía trong và trên vùng biển nằm trong quyền tài phán của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Nhưng cụ thể các nơi như vậy thì không được liệt kê. Hay nói cách khác, Bắc Kinh đang hợp pháp hóa chủ quyền đường chín đoạn của họ bằng vũ lực.

 

Cách nói mơ hồ này cũng đang gán cho việc cảnh sát biển Trung Quốc có quyền hạn kiểm soát cả ADIZ (vùng nhận dạng phòng không trên biển). Hơn nữa điều 12 của luật này còn tự cho phép các tàu hải cảnh có thể kiểm soát và ngăn chận các vụ đánh bắt, thu hoạch hải sản. Đây quả là cơn ác mộng của ngư dân Việt Nam, vì từ suốt nhiều thập niên qua, số tàu bị đâm, bị bắt và người chết vì các lực lượng từ nước Trung Quốc anh em trên biển Đông, dẫn đầu vẫn là ngư dân Việt.

 

Mọi thứ trong tương lai thật khó đoán, khi hai đảng cộng sản vẫn được gọi là hữu nghị bền chặt, nhưng có nhiều dấu hiệu rạn nứt gần đây – theo giới bình luận thời sự. Vẫn không biết được liệu có bài học nào lại được Bắc Kinh tung ra trên biển để dạy dỗ Hà Nội trong thời gian tới hay không?

 

Mà quả thật, không thể đoán, hay hiểu nổi, khi cuộc chiến 1979 kết thúc, sách giáo khoa Trung Quốc dạy rằng họ đã chiến thắng. Văn chương, kịch nghệ… của Trung Quốc được nhắc đến những chuyện này, nhưng ở Việt Nam, nơi thật sự đã đẩy lùi được cuộc xâm lược, thì chỉ có chút ít thông tin nơi sách giáo khoa, âm nhạc, hội họa… đề cập đến cuộc chiến tranh chống xâm lược của người dân Việt Nam, luôn bị cắt gọt kỹ lưỡng hay từ chối. Đến nay thì gần như xóa trắng.

 

Đặng Tiểu Bình, người chịu trách nhiệm hai cuộc xâm lăng đẫm máu 1979 và 1988 (Gạc Ma) thì được chính thức dịch sách, ca ngợi “Một trí tuệ siêu việt”, và lại còn tái bản. Còn tác phẩm Gạc Ma, Vòng tròn bất tử, nói về đảo bị cướp, về những người lính Việt Nam chết tức tưởi, thi hài không mang được về quê nhà, thì bị cắt, đình trệ, hơn mười năm chờ đợi rồi được phát hành, nhưng thu hồi ngay sau đó.

 

Mới đây, trả lời tờ Korea Joongang Daily (20-12-2019), nói về việc tham gia thực hiện cuốn phim Forbidden Dream, diễn viên Choi Min-sik nói rằng với nền lịch sử 500 năm được ghi chép của nước Đại Hàn xưa, ông khao khát mình được thể hiện những câu chuyện, những gương mặt của quá khứ cho khán giả hôm nay. Đạo diễn Hur Jin-ho cũng có lần nói trên Yonhap News Angency rằng ông bước qua những đề tài thương mại mà muốn nối dài câu chuyện lịch sử, vì nghĩ rằng thế hệ mới cần có chúng hơn là ông cần tiền.

 

Chạnh lòng tự nghĩ. Có lẽ người Việt Nam không thiếu những người khao khát được sống, hành động và nối dài sự thật lịch sử, muốn không để cho máu xương cha ông bị đau tủi ở chốn vô danh. Nhưng điều đơn giản đó, không chỉ có lòng yêu nước là có thể làm được, hôm nay.

 

Thursday, February 4, 2021

Đi tìm bóng Phượng Hoàng cuối cùng


Cuộc nói chuyện với anh Nguyễn Trung Vinh, tay trống của ban nhạc Phượng Hoàng, đã giúp xác định thêm vài chi tiết rất đáng quý cho lịch sử nhạc trẻ Việt Nam trước năm 1975.

Chủ trương chơi nhạc trẻ Việt hóa là khởi động từ suy nghĩ của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang và sau đó bắt gặp một người sáng tác đồng điệu với khuynh hướng đó, là Lê Hựu Hà. Những buổi tập đầu tiên của ban Phượng Hoàng đã diễn ra tại nhà của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang tại đường Trương Minh Giảng, nay là đường Lê Văn Sỹ, quận 3, Đô thành Saigon.

Cần một tay chơi trống có đủ chất nhạc trẻ, Nguyễn Trung Cang đi tìm Nguyễn Trung Vinh để mời vào chơi với ban nhạc. Lúc đó dù đang đánh trống kiếm sống ở nhà hàng Arc En Ciel (quận 5) nhưng Nguyễn Trung Vinh quyết định tham gia vì quá thích kiểu chơi mới này.

Dù Nguyễn Trung Cang và Nguyễn Trung Vinh có cùng họ và tên đệm, khiến cho nhiều người nghĩ đó là hai anh em, nhưng thực ra, họ hoàn toàn không có họ hàng gì cả.

Ban nhạc Phượng Hoàng tập với nhau trong vòng vài tuần, thử qua nhiều ca sĩ nhưng đều không thích hợp (bạn bè cùng trường cho đến Thanh Lan, Duy Quang...) nhưng chưa có ai đủ lực để thể hiện những bài hát của Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang. Chính Nguyễn Trung Vinh là người giới thiệu ca sĩ Elvis Phương để tập thử (cả hai quen biết nhau vì đều học chung trường Lasan Taberb). Ngay từ lần ráp với nhau đầu tiên, tất cả mọi người đều cùng xác nhận rằng Elvis Phương chính là mảnh ghép cuối cùng cho Phượng Hoàng cất cánh.

Bài hát đầu tiên mà nhóm Phượng Hoàng bắt đầu tập với nhau để trình diễn, là bài Tôi Muốn của nhạc sĩ Lê Hựu Hà. Điều này lại càng khẳng định rõ hơn ý chí quyết tâm đi con đường nhạc trẻ Việt hóa của nhóm Phượng Hoàng, chứ không như nhiều ban nhạc ở Sài Gòn lúc đó thường phải pha trộn những bài hát của Mỹ và Pháp trong chương trình biểu diễn của mình. Việc chọn bài hát của Lê Hựu Hà là bài đầu tiên để tập, cũng cho thấy tính cách rất đàn anh của Nguyễn Trung Cang.

Chi tiết cuối cùng cho thấy, những thành viên trong ban nhạc Phượng Hoàng sau năm 1975 phần lớn đều rơi vào nghèo khổ, bế tắc con đường sáng tác và biểu diễn bởi xã hội mới và chế độ kiểm duyệt. 

Với nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang, theo lời của người mẹ kể lại, thì đã bệnh mà chết do một điều đơn giản là anh bị cảm nặng, mà ở nhà không còn đồng nào để mua thuốc.

Nhạc sĩ Lê Hựu Hà thì càng về sau, càng bị trầm uất nặng với thời thế và cuộc đời riêng. Anh trở về nhà vào một tối khuya và chết lặng lẽ, đến mấy ngày sau mới có người biết đến.

Nhạc sĩ Nguyễn Trung Vinh sau khi đi học tập về (vì là lính nhảy dù VNCH) thì kể từ đó lang thang rày đây mai đó, không biết làm gì để sống. Có giai đoạn anh được nhạc sĩ Mặc Thế Nhân cưu mang và suýt nữa đã đi tu. Ở tuổi 45, khi có gia đình lần 2, ông thử làm qua nhiều nghề nhưng thất bại, bao gồm cả đi bán vé số và lơ ngơ bị gạt tiền, lỗ vốn. Cho đến hôm nay, trên 70 tuổi ông và vợ vẫn ở căn phòng chưa đến 16m2 thuê tại Lái Thiêu, với sự tương trợ của xóm giềng. Điều thú vị là người vợ hiện nay của Nguyễn Trung Vinh cũng là quân nhân VNCH, trước đây bà làm thư ký tại Bộ Tổng Tham mưu.


-------
Ghé đến thăm sau chuyến của nhà thơ Lý Đợi, gởi ít quà để cho vợ chồng anh Nguyễn Trung Vinh ăn Tết Tân Sửu, nhưng khi tận mắt chứng kiến mới thấy, tất cả chỉ là muối bỏ biển với một đời người đã quá đỗi nhọc nhằn.

Vì vậy sau bài viết này, nếu quý anh chị nào có lòng tương trợ xin nhắn tin riêng để lấy cách liên lạc, nhằm quý vị có thể tận tay giúp đỡ. Trên những bức ảnh để trên FB, chỉ có thể thấy nụ cười tượng hình của đôi vợ chồng già đang đùm bọc đi về ngày tháng tận, nhưng nếu có dịp đến tận nơi các anh chị sẽ thấy được những giọt nước mắt vui mừng đầy cảm động của những người Saigon năm tháng cũ.

* đánh dấu trong ảnh cũ, là nhạc sĩ Nguyễn Trung Vinh thời trẻ, lúc ấy ông 31 tuổi.