Sunday, April 30, 2017

Những ngày ấy, mỗi người



30/4/1975 là biến cố của một đất nước, nhưng ngày đó cũng là biến cố riêng của nhiều con người.

Trong dòng chảy tán loạn từ Huế, Đà Nẵng, Nha Trang vào Sài Gòn... có vô vàn những câu chuyện chưa kể. Nguyễn Thị Xuân Phương, cựu phóng viên truyền hình Bắc Việt kể lại rằng bà kinh hoàng nhìn thấy xác thường dân nằm ngập và kéo dài suốt từ đèo Hải Vân xuống Đà Nẵng cũng với dòng người đi bộ, chạy... để tránh Việt Cộng. Còn phóng viên Trần Mai Hạnh của Thông Tấn Xã Việt Nam, người có mặt tại buổi trưa 30/4 với chiếc xe tăng tiến vào dinh Độc Lập, vừa ra một cuốn sách về 4 tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh, đã nói rằng cuối cũng thì điều ông tâm nguyện để lại, là sự thật.

Thỉnh thoảng, tôi vẫn tự hỏi vậy thì vào những thời khắc ấy - kể cả sau đó, những người tôi biết - hay không quen - đang như thế nào, làm gì?

Gia đình của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ kể rằng khi ngày 30/4 ập đến, chương trình biểu diễn tại Nhật của đoàn Hoàng Thi Thơ vẫn chưa chấm dứt, vì vậy ông bị kẹt ở lại, sau đó định cư ở Mỹ. Nhưng con và cháu ông thì lại có cơ hội chứng kiến nhiều điều mà đến mấy năm sau vẫn chưa thể kể cho nhau nghe, vì không thể có thư từ liên lạc, rồi đến khi có, cũng không dám kể gì cho nhau, vì thư luôn bị kiểm duyệt.

Hai đứa con của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là Hoàng Mỵ Thi Thoa và Hoàng Thi Thanh bất ngờ nhìn thấy một đám đông lính Bắc Việt và những thành phần "băng đỏ" đứng trước ngôi nhà của mình tại quận 1, đập cửa, quát tháo. Hai em nhỏ vị thành niên này cùng người cậu của mình bị buộc phải ra khỏi nhà ngay lập tức vì đang ở trong "nhà của tên có tội với nhân dân Hoàng Thi Thơ, nên đã bị chính quyền cách mạng trưng thu".

Tất cả mọi người được sự khoan hồng nên có được 5 phút để trở vào ngôi nhà của mình, lấy 2 bộ quần áo cho mỗi người và ra đi, không kịp đốt nén hương từ giã ông bà. Dĩ nhiên, ngay cả việc đi lấy quần áo cũng có người cầm súng theo kiểm soát vì sợ hai em nhỏ này cất giấu hay tẩu tán tài sản.

Hai đứa con của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ gạt nước mắt ra khỏi nhà của mình, đi cùng một người cậu về Gò Vấp, tới một căn nhà khác của ông Hoàng Thi Thơ. Nơi đó, một người em họ của ông Thơ xuất thần trở thành người của cách mạng, chiếm nhà và chỉ mặt Hoàng Vinh, người cháu của ông Thơ nói là đi cho mau, tha không bắt lại vì "khoan hồng", dù là người nhà của Hoàng Thi Thơ, là thành phần "truỵ lạc".

Với Phương, người nhạc sĩ của đôi song ca Lê Uyên Phương lừng danh, thì ông hoàn toàn rơi vào một cú sốc khác thường. Việc chứng kiến một Sài Gòn hỗn loạn và đổ nát, những con đường vất vưởng xác người cùng với loa phóng thanh ra rả về khái niệm "giải phóng" khiến ông bước sang một giai đoạn khác.

Những cảm hứng về nhạc tình, hiện sinh và mộng mơ bị chôn vùi theo mất mát của Sài Gòn. Lê Uyên Phương yêu đương dịu dàng ngày nào giờ đây hình thành hai tập ca khúc Con người, một sinh vật nhân tạo (1973-1975). Mỗi ngày ông ngồi ở cafe vỉa hè, đi bộ dọc theo những con đường phơ phất lá me xanh quen thuộc nhưng giờ đầy các họng súng AK, và tự mình chiêm nghiệm về một thời đại của những kẻ cùng tiếng nói nhưng khác mạch sống.

Cũng như nhiều nhạc sĩ khác bị cú sốc thời cuộc và chuyển khuynh hướng sáng tác tình ca sang hiện thực ca như Phạm Duy (Tỵ nạn ca), Ngô Thuỵ Miên (Em còn nhớ mùa xuân, Biết bao giờ trở lại), Anh Bằng (Nổi lửa đấu tranh, Saigon Kỷ Niệm), Lam Phương (Chiều Tây Đô), Trầm Tử Thiêng (Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng, Một ngày Việt Nam)... Phương là một nhạc sĩ khá đặc biệt khi ông dành rất nhiều thời gian viết về những chuyển động quanh mình, về một thế giới mở và tang thương của hàng triệu người Việt, qua tập ca khúc Trại tỵ nạn và các thành phố lớn.

Những ngày ấy, mỗi người, mang vội theo những điều thương mến nhất, bỏ lại tài sản, bỏ lại quê hương... gạt nước mắt chạy đi về vô vọng. Ca sĩ Khánh Ly chạy đến chiếc tàu đi di tản, hành lý quan trọng nhất mà bà mang theo là hai vali đầy những lá thư tình trong đời bà - những lá thư không chỉ là tình yêu mà chứa cả khung trời thơ mộng và bình yên của miền Nam Việt Nam đã mất.

Nhiều văn nghệ sĩ táo tác như bầy kiến bị phá tổ, chạy đến nhà nhau để hỏi thăm tin tức từng ngày về số phận của mình, số phận của thành phố mình đang sống. Họ thì thào với nhau về những biến động khó hiểu từng ngày như Doãn Quốc Sỹ, Duyên Anh, Nhã Ca vừa bị bắt... Rồi ai đó bị thẩm vấn, và ai đó đã lặng lẽ xuống tàu giờ không còn nghe tin tức.

Thương gia đình, không nỡ bỏ xuống tàu vượt biên, nhạc sĩ Y Vân tiễn một người bạn thân lên đường. Nhưng đó lại là một chuyến tàu vĩnh biệt. Và đó là điều khiến ông trầm uất suốt nhiều năm liền, một ký ức sâu thẳm sau 1975.

Trong một lần nói chuyện với các anh chị đã qua thời khắc 1975, tôi nói đùa rằng một ngày nào đó nên lập một giải thưởng vô địch về người vượt biển nhiều nhất, vì tôi đã từng biết một chị người Công giáo ở khu Hoà Hưng đã tìm cách đi vượt biên 25 lần nhưng đều thất bại. Im lặng nhìn tôi trong tíc tắc, nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn chỉ nhà văn Võ Quốc Linh, nói "đây, người vượt biển 26 lần". Rồi chỉ vào mình, anh Tuấn nói "còn mình, là 27 lần".

Vài năm sau 1975, khi nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn tốt nghiệp thủ khoa ngành sư phạm ở Nha Trang, khi bạn bè rủ nhau vui mừng lên bục nhận bằng, thì hiệu trưởng đến bên, ghé tai buồn rầu nói với anh Tuấn "con đừng lên nhận bằng. Công an đã đến tịch thu bằng vì nói gia đình con có vấn đề về lý lịch và có người đi vượt biên".

Nhiều năm sau, nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn lang thang khắp các bờ biển miền Nam để tìm đường ra khỏi nước. Niềm tuyệt vọng và khát vọng tự do là sức mạnh lớn nhất giữ anh sống sót qua các trại tù khắc nghiệt nhất.

Ở trại tù nhốt người vượt biển tại Phú Yên, nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn bị một cai tù tàn ác luôn tìm cách đẩy anh vào lao khổ, thậm chí dù biết anh là giáo viên, vẫn bắt anh làm công việc mỗi ngày phải hốt phân, gánh đi đổ cho cả trại. Đó là thời gian như địa ngục. Thân thể của ông có tắm bao nhiêu lần cũng không hết mùi hôi, những vết thương nhỏ nhất cứ lở loét chứ không thể lành.

Chuyến đi thứ 27, cuối cùng, nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn đến được Úc. Anh xin nhận thêm công việc tiếp nhận và giúp đỡ và người tỵ nạn mới đến, như trả ơn cho những ngày tháng tự do của mình.

Một đêm nọ, nghe tin có một chuyến tàu vượt biên vừa đến. Nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn ra nơi tiếp nhận. Khi đang đi lướt qua những người vừa cập bến, anh bất chợt nhìn thấy một gương mặt quen thuộc mà anh khó có thể quên trong đời: đó chính là viên công an cai tù đã hành hạ anh. Sững người nhìn viên cai tù ấy, ngược lại, nhân vật đó cũng bối rối quay mặt đi, né cái nhìn của anh Tuấn.

Nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn ôm đầu suy nghĩ suốt nhiều giờ, rồi chọn cách gặp riêng nhân vật cán bộ cai tù đó để hỏi thẳng rằng hắn muốn gì khi đến đây. Chỉ cần một lời tố cáo, cán bộ đó có thể bị trục xuất về Việt Nam, hoặc sẽ bị chính quyền sở tại bắt giữ và đưa ra toà vì tội từng tra tấn và hành hạ tù nhân.

Sợ hãi và tuyệt vọng, viên cán bộ thú thật là hắn đã lỡ yêu một người phụ nữ đã có gia đình là "Mỹ Nguỵ" nên không còn cách nào khác là từ bỏ tất cả, cùng người yêu vượt biển, mà không ngờ có kết cục như hôm nay.

Khi kể cho tôi nghe chuyện này, nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn ngừng giây lát, rồi nói rằng "không biết bây giờ tay đó sống ở đâu đó, trên nước Úc này". Anh đã im lặng và điền hồ sơ cho viên cán bộ cộng sản đó cùng người yêu của hắn tỵ nạn ở Úc. Vết thương chưa bao giờ của anh, một người bị hành hạ trong trại giam cũng như bị xô đẩy ra khỏi đất nước mình, cũng đã thanh thản chữa lành với lòng tha thứ.

Thật nhiều điều để ghi lại, từ hàng triệu người sống sót sau biến cố tháng 4/1975. Cứ vào thời điểm này, nhà nước Việt Nam gọi là đại lễ và tổ chức ăn mừng. Còn hàng triệu người Việt khác thì vào tưởng niệm, như buộc phải coi lại cuốn phim bi kịch chung cũng như những đoạn phim cay nghiệt của riêng mình.

Những ngày ấy, mỗi người. Những cuốn phim một chủ đề nhưng có muôn vạn phiên bản ray rứt đến nhiều đời sau.

Và trong một ngày ăn mừng "đại lễ" của nhà nước Việt Nam, tôi chợt nhớ đến viên cán bộ cai tù vô danh ấy. Tôi tự hỏi, ông ta sẽ đứng đâu giữa lằn ranh ngày 30/4 mỗi năm ấy?

Friday, April 28, 2017

Gãi dư luận


Thông tin ông Đinh La Thăng đột ngột bị đề nghị kỷ luật và có thể bị mất chức bí thư Sài Gòn sau hội nghị trung ương 5, khóa 12 khiến không ít người quan tâm. Vì bởi, ông Thăng là một nhân vật rất ồn ào. Khi ông về nhậm chức tại Sài Gòn, rất nhiều trò trình diễn để lấy lòng người dân Sài Gòn đã diễn ra, bao gồm tổ chức hàng loạt tờ báo, truyền hình đăng nhanh các lời tuyên bố, liên tục hình ảnh hoạt động của ông… thậm chí còn có cả báo lên tiếng thề nguyện sẽ đồng hành cùng ông Thăng trong cuộc cầm quyền ở thành phố.

Nhớ lại những ngày như vậy, mọi thứ đầy rạo rực khởi đầu và cũng đầy bẽ bàng về sau. Tương tự như ông Đoàn Ngọc Hải khi thực hiện cuộc đập phá vỉa hè có đầy đủ bộ sậu đi theo ghi hình, quay video, ghi lại từng cuộc đối thoại như người đang dẫn đầu cho một cuộc cách mạng mới, thì ông Thăng cũng không khác gì với chuyện tổ chức chụp hình dọn cây, nói về Nobel y khoa Việt Nam và Hòn ngọc Viễn Đông.

Bài bản thì chỉ có một, hết sức quen thuộc. Nhưng phải nhìn nhận rằng những cách thức ấy đã day động không biết bao nhiêu tấm lòng con người Sài Gòn đang khao khát muốn nhìn thấy thành phố của mình, đời sống của mình được đổi thay. Chưa bao giờ trên các diễn đàn, người ta nhìn thấy nhiều như vậy các lời ca ngợi, đặt để niềm tin… Đám đông ủng hộ nhanh chóng trở thành một lực lượng quần chúng hết sức rầm rộ. Thậm chí, trên các trang mạng, những ai đặt nghi vấn về sau thường trở thành mục tiêu bị công kích, chửi rủa của những người ủng hộ.

Chỗ ngứa của đám đông đang khao khát trông ngóng cái mới, mệt mỏi chờ đợi những điều tích cực đã được phương thức truyền thông như vậy gãi đúng chổ. Một loại gãi dư luận.

Khi ông Thăng công bố số điện thoại để mọi người gọi vào góp ý, hiến kế. Rồi sau đó có cả email thì không ít người đã hồi hộp gọi, nhắn, gửi… Chưa có số thống kê nào cho thấy bao nhiêu người đã tìm đến thành công, và bao nhiêu vẫn mỏi mòn chờ đợi. Khi có tin ông Thăng bị đề nghị kỷ luật và dự báo sẽ ra đi khỏi vị trí, đã có người thú thật là từng tin những lời kêu gọi đó đến mức đã viết thư hiến kế, mà mọi thứ không hồi báo. Một cảm giác thật khó tả khi tôi đọc được những điều này, pha trộn sự cảm thông, rồi cả buồn chán lẫn đau lòng.

“Tôi nghĩ rằng việc làm bộ có dân chủ, đôi khi còn hiểm ác hơn cả một chế độ độc tài trắng trợn”, bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ tinh thần của người dân Miến Điện từng nói như vậy. (Sometimes I think that a parody of democracy could be more dangerous than a blatant dictatorship)

Không phải đây là lần đầu. Mà từ lâu, cả nước vẫn luôn bị các phong trào gây ngứa trên dư luận, ở mọi các phương diện văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội… rồi thỉnh thoảng vẫn có những đợt gãi dư luận như vậy. Có người tự hài lòng vì qua cơn ngứa, nhưng cũng có người sớm giật mình nhận ra mình tự cào cấu đến tóe máu từ các phong trào ấy. Cuộc sống trở nên điên cuồng với ngứa và gãi.

Trong câu chuyện của ông Thăng, các tờ báo từng tung hô ông ta, giờ đây chính là những tờ báo đăng sớm nhất các tin tức về kỷ luật, bao gồm phân tích về những sai phạm và thất thoát ngàn tỉ từ thời ông ta làm việc ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Mặc dù chính các tờ báo này đã từng phớt lờ các thông tin đưa được ra trên trang facebook của Osin Huy Đức, với tính dự báo. Các báo lại tiếp tục gãi dư luận, nhưng lần này trở mặt, chọn cách gãi vào cơn ngứa của dân chúng trước nạn tham nhũng của các quan .

Khi còn là Bộ trưởng Giáo dục, ông Nguyễn Thiện Nhân từng làm cả nước phát cuồng vì gãi đúng chỗ, khiến dư luận rầm rộ về một nền đại học, thi cử, bằng cấp… đầy tươi sáng. Nhưng rồi khi đại dịch đi qua, không ít người nhận ra đó chỉ là những trầy xướt trên đời mình, dở khóc dở cười.

Ông Nguyễn Tấn Dũng, khi còn là thủ tướng, cũng đã từng một người có tài gãi dư luận đến tuyệt vời khi khôn khéo đưa ra những câu nói như “tình hữu nghị viễn vông”, cũng như là người đầu tiên khi nhắc về lịch sử đã chính thức gọi chế độ miền Nam cũ bằng một cái tên đàng hoàng là Việt Nam Cộng Hòa. Có không ít người tin vào một tương lai hòa hợp, hòa giải từ một minh quân vừa xuất hiện. Nhưng cũng ít ai để ý rằng ông Dũng chính là người đổi tên Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa thành nghĩa trang Bình An, mà mục đích là nhằm tiện lợi và hợp thức hóa việc kiểm soát, lấn đất cũng như có thể giải tỏa trong tương lai mà không bị mắc kẹt với lịch sử.

Trong sự kiện 5 bài hát bị cấm cũng vậy. Dư luận ồn ào và ngứa ngáy suốt trong một thời gian dài. Cuối cùng khi thấy các quan chức cấp dưới của mình hoàn toàn đuối lý và lộ sự ngu dốt, các quan trên Bộ lập tức gãi dư luận bằng cách trả sự việc lại đời sống bình thường của nó, cũng như đẩy các đợt gãi đến mức không ít người thỏa thuê bằng việc cho đặt vấn đề rằng những người đưa ra lệnh cấm 5 bài hát liệu có khả năng làm việc hay không?

Gãi dư luận vẫn là phương thức của một nền truyền thông bị kiểm soát theo chỉ đạo và kiểm duyệt. Sự kiện khởi nghĩa ở Đồng Tâm cho thấy người nông dân cũng học được bài học rất lớn khi quyết từ chối đưa tin cho báo chí Nhà nước – tức có gây ngứa cũng không cho gãi, vì có cần gãi dư luận thì cũng phải chọn được mặt, gửi được đúng người.

Chỉ khi nào người dân nhận ra đất nước mình đang tràn ngập những cơn ngứa và gãi dư luận có chủ ý, nhằm điều khiển và mê muội tinh thần con người, mà đích đến mơ hồ và thiếu sự thật, thì lúc đó công dân mới không còn ở tư thế là những bệnh nhân.

Và nếu đất nước cứ bị vây hãm bởi những cơn ngứa, và chỉ được gãi bằng dư luận như một cách đối phó, và thực chất không có, thì tương lai phía trước chỉ toàn là những ổ bệnh vậy.


Tuesday, April 25, 2017

Hân hoan trong sương mù



Đại tiệc mở ra, đôi khi vì quá hân hoan mà người ta dễ quên đi những phần quan trọng đã có. Sự kiện Đồng Tâm, Mỹ Đức cũng vậy. Trên các trang báo và truyền hình, rất nhiều hình ảnh ghi lại lực lượng cảnh sát cơ động vui vẻ ra về sau những ngày bị nông dân bắt giữ, hoa chào mừng vị chủ tịch thành phố Hà Nội đến làng để thương thuyết... nhưng khó ai tìm thấy được một bức ảnh đúng thời gian của cụ Lê Đình Kình, 82 tuổi, từ lúc bị bắt giữ, cho đến khi vào bệnh viện, bị khởi tố, theo cáo trạng thị chúng của công an Hà Nội.

Trong ngồn ngộn các thông tin của báo Nhà nước nói về về việc người dân Đồng Tâm hân hoan và biết ơn Đảng, Nhà nước khi được đoàn cán bộ về giải quyết sự việc, cũng như tâm nguyện thả hết những người đã tấn công vào làng bị bắt giữ, tôi lần mò tìm một hình ảnh của cụ Kình về ngày đáng nhớ này. Nhưng mọi thứ cứ mất hút, chỉ có vài thông tin mà ông chủ tịch Nguyễn Đức Chung đưa ra trước đó: cụ Kình phải vào bệnh viện để mổ vì bị các nhân viên an ninh làm cho chấn thương. Còn người nhà cụ Kình thì cho báo đài ngoại quốc biết rằng có khoảng 20 người canh giữ cụ trong tình trạng như vậy.

Tôi tự hỏi, không biết cụ Kình có nở nụ cười nào trong những ngày vui mà báo chí Nhà nước đưa tin về làng Hoành hay không. Cụ đang thế nào?

Báo chí Nhà nước lúc thì giống như một bầy trẻ con, thích ăn kẹo và thích vỗ tay, lúc thì cay nghiệt và độc ác với những cái nhìn cú vọ có chủ trương. Các bài viết, bình luận như cùng hẹn nhau co giật vô tri với các loại nhạc hiệu. Báo chí cách mạng vẫn thường hay lộng lẫy hai chiều: hoặc ngợi ca hết lời, hoặc đấu tố cay nghiệt đến vô nhân.

Lý ra thì cũng phải nên có một bài viết thăm hỏi và phỏng vấn cụ Kình về chuyện khủng hoảng tạm kết hôm nay, phải không? Bởi đơn giản không có cụ, thì giờ đây ruộng vườn của Đồng Tâm đã chằng chịt kẽm gai ngăn chận, dân làng Hoành cũng không còn bình yên trong cái nhìn quen thuộc công an địa phương: bất kỳ khác biệt nào cũng dễ dàng trở thành thù địch.

Trong một bức ảnh không có máu đổ, không có sự sắp đặt gượng gạo của truyền thông, tôi nhìn thấy Thượng tá Phạm Văn Trung, Trung đoàn phó Trung đoàn Cảnh sát cơ động vào làng đón người của mình. Anh chắp tay chào người dân với vẻ thành tâm đến xúc động. Bên cạnh là những người lính của anh, mà ai nấy đều có gương mặt thảnh thơi như vừa đi dự một trại hè. Tôi lại nhớ đến lời một người dân ở thôn Hoành trên radio, trong những ngày căng thẳng lịch sử ấy "dân không có ăn thì không sao, nhưng nhất định phải lo đủ suất ăn 30.000 đồng/ bữa cho mỗi người đang bị tạm giữ". Ôi, cực chẳng đã những người nông dân mới đứng dậy. Phải nhọc nhằn tâm can lắm thì những con người ít chữ ấy, luôn cắm mặt vào đất ấy, mới chọn cách thức phản kháng như cha ông mình từ ngàn năm trước.

Chưa thấy có bài báo nào phỏng vấn các nhân vật bị tạm giữ ở Đồng Tâm về những ngày họ mang giáp, cầm dùi cui hừng hực khí thế xông vào làng cho đến lúc thảnh thơi ra về, dĩ nhiên là với một nội dung phi tuyên truyền, để mọi người hiểu thêm về con người làng Hoành. Cũng không có bài báo nào phỏng vấn 15 người nông dân qua những ngày bị bắt, bị cưỡng bức ra khỏi làng của mình, mở đầu cho cuộc khủng hoảng. Có thể báo chí giờ đây quá trẻ con để có thể làm được những điều vừa sức như vậy, nhưng cũng có thể báo chí đã bị bóp nặn thành những đứa trẻ, chỉ thích ăn kẹo và hân hoan vui đùa trong cuộc sống mờ mờ sương mù.

Ông chủ tịch Chung đang trở thành ngôi sao sáng trong việc gỡ ngòi nổ ở Đồng Tâm. Nhưng ông Chung, rõ ràng, cũng chỉ là người may mắn nhận được sự ủng hộ và được gấp rút giao toàn quyền từ những nhân vật cấp cao, nhằm giải tỏa những vướng bận vỉa hè trước cánh cổng hội nghị trung ương 5, khóa 12 đang diễn ra đầy gây cấn cách điểm nóng chỉ có 30km. Ông Chung đã khéo léo làm tròn vai trò của mình nhưng ít có ai dám cam đoan là mọi thứ vẫn sẽ tốt đẹp trong thời gian tới. Nhất là khi trên mạng xã hội, trên các bài báo, vẫn còn những ngôn luận hậm hực và hườm sẳn cho một thái độ quay ngoắt về sau.

Tôi đọc thấy ngôn từ của nhà văn, nhân viên an ninh, những kẻ vô danh cực hữu… vẫn mắng nhiếc người nông dân. Từ ngôn ngữ đầy phân tích về luật đất đai cho đến lối mắng nhiếc hạ cấp nhất, các nòng súng dư luận chuẩn bị sẳn vẫn giương lên khắp mọi nơi. Họ gọi nông dân là tham, là quá đáng rồi đến đụ mẹ-cái lồn về hướng Đồng Tâm. Nhưng không ai trong đám người đó dám mở miệng đặt một câu hỏi giản đơn: vì sao đất dành cho chuyện quốc phòng lại giao cho một công ty bán điện thoại và lắp internet để làm ăn?

Trong một bài viết đầy vẻ hiểu biết trên facebook của một phụ nữ làm trong ngành an ninh, nói rằng nông dân Đồng Tâm đã tham lam muốn chiếm đất của nhà nước, tôi đọc được một lời bình luận đầy hớn hở của một chị người Bắc, rằng nên phổ biến thông tin này “để đồng bào miền Nam mở mắt”.

“Đồng bào miền Nam mở mắt” sẽ mãi là đề tài thú vị về ngày 30/4/1975 cho đến 42 năm sau, và chắc sẽ còn nhiều hơn, về sau nữa. Nhưng chuyện mở mắt, thì chắc là dân Đồng Tâm đã là những người tuyệt vời trong việc nhìn thấy điều cần phải làm, khi có bài học Thái Bình 1997, rồi 2007. Điều đáng thú vị cần phải nghiên cứu, là những nông dân này đã bảo vệ mình tốt đến mức quyết từ chối báo chí Nhà nước, hạn chế cung cấp thông tin cho cả phía nhận vai trò thương thuyết, và chỉ nhỏ giọt những gì cần nói cho truyền thông tự do trong và ngoài nước.

Chắc chắn trong chuyện “mở mắt”, không chỉ người dân Đồng Tâm, mà toàn thể người dân Việt Nam đều nhận ra rằng những biến cố hay oan khiên trên đất nước mình, trong thời chủ nghĩa cộng sản, đều có những bầy giòi bọ tham gia truyền thông dạo đầu hay tung hô cho những bữa tiệc tanh hôi. Thật dễ nhận dạng những giọng điệu như vậy, vốn sẳn sàng chà đạp con người và sự thật để chen chút liếm láp đuôi kẻ mạnh. Loại ký sinh chỉ thích tồn tại và hân hoan trong sương mù.

Cụ Kình chắc không muốn nhận mình là một ngôi sao hay là một anh hùng trong câu chuyện Đồng Tâm. Nhưng không có cụ, ắt hẳn đã không có một ánh sáng le lói nào dẫn đến đại cục hôm nay. Chắc cụ rồi cũng chỉ nhận mình là một người bình thường, một nông dân bình thường.

Quan nhất thời – dân vạn đại, ông bà xưa vẫn để lại lời khôn ngoan cho con cháu về sau như vậy. Nhưng giòi bọ bu bám cường quyền thì đời đời kiếp kiếp vẫn là giòi bọ dù luôn cố nhoi lên, giẫy đạp tranh chỗ của con người.

Friday, April 14, 2017

Bí mật của biển



Mới đây, có một bản tin nhỏ của Úc phát đi, mà có lẽ ít ai lưu tâm, đó là chuyện Bộ Tư lệnh Biên giới Hàng hải của Úc (Maritime Border Command – MBC) cho biết họ đã tăng cường gắt gao trên toàn bộ các vùng biển của Úc, liên tục tuần tra suốt 24g/ngày để chống lại nạn xâm nhập vùng biển (Australian Fishing Zone) của họ và đánh cá lậu. Thủ phạm chính gây lo ngại, là ngư dân Việt Nam.

Từ giữa năm ngoái đến nay, những chiếc tàu cá tội nghiệp từ Việt Nam đi thật xa và đến tận Úc để đánh bắt như vậy ngày càng nhiều hơn. Cơ quan quản lý Ngư nghiệp Úc (Australian Fisheries Management Authority – AFMA) nói rằng họ sửng sốt vì số lượng ngư dân Việt xuất hiện với mật độ dày đặc. Có đến 13 vụ xâm nhập bị phát hiện trong 11 tháng, 161 người bị bắt, còn bao nhiêu thoát được thì chưa biết. Những cuộc bắt giữ và thẩm tra đều có một kết quả chung: các thủy thủ phần lớn là mù chữ và nghèo khó. Lý do đi tận đến Úc để đánh cá, theo lời khai của họ vì bởi khu vực quần đảo Trường Sa vốn là nơi họ vẫn đánh bắt cá những năm qua, nay đã bị Trung Quốc kiểm soát và không còn an toàn để ra khơi nữa.  

Người Úc cũng buộc phải lạnh lùng như người Trung Quốc. Họ đã làm mọi điều để chặn các ngư thuyền Việt Nam đến Úc. Hầu hết các ngư dân đều phải chịu án tù, phạt tiền, bị chứng kiến toàn bộ tài sản của mình là thuyền và ngư cụ bị phá hủy. Bộ Ngoại giao Úc đã bay sang Việt Nam và nhờ đưa ra những thông báo nghiêm ngặt về việc léo hánh đến vùng biển của Úc.

Ấy vậy mà, điều đó vẫn không giảm. Dự kiến con số ngư dân bị tù và bị bắt vẫn sẽ tăng lên trong năm 2017 này. Bởi một hiện thực đắng cay là ngư dân Việt phải chạy xa khỏi ngư trường của mình, lênh đênh tìm một lối thoát khác ít hiểm nguy hơn và có thể mưu sinh được.

Biển Việt Nam được học trong sách giáo khoa là tài nguyên, là sinh lực của quốc gia. Nhưng hôm nay, mọi bài học đều đã bị phản bội bởi hiện thực trên đất nước xã hội chủ nghĩa kèn trống. Từ tháng 4/2016 đến nay, sau khi Formosa xả chất độc ra biển, không chỉ hơn 200km biển chết dần, mà khắp nơi cũng ngập ngụa cá chết, ô nhiễm và sự bất lực chủ ý và hiển nhiên của nhà cầm quyền.

Đã vậy, không cần đi quá 12 hải lý thuộc chủ quyền của mình, ngư dân Việt vẫn có thể chết, có thể bị hủy hoại tài sản hoặc mất tích với những lý do mơ hồ như đang sống trong một đất nước vô chủ.

Ngày 8/4, chiếc tàu QNA 09191 bị một tàu vỏ sắt lao tới, cố ý đâm chìm. Điều đáng kinh ngạc là nơi tài Việt Nam bị đâm chìm, chỉ cách bờ 1 cây số, rất gần khu vực cảng Tiên Sa, Đà Nẳng. Ngư dân sống sót phải bơi trong đêm vào bờ.

Trước đó, vào tháng 3, tàu QNg 96677 TS ở Lý Sơn lại bị một tàu vỏ gỗ nổ súng tấn công bất ngờ trong đêm, một ngư dân trúng đạn tử thương. Tàu “lạ” bắn xối xả nhưng không rượt đuổi, không áp sát tấn công. Mục đích là khủng bố. Nhưng khi về đến đất liền, thuyền trưởng Nguyễn Văn Mười cùng 12 ngư dân khác được mớm cung là “cướp biển” để điền nhanh vào biên bản.

Bất ngờ hơn nữa, vào ngày 12/4, tàu cá  PY 95003 TS đang neo đậu ở vùng biển Phú Yên, Việt Nam, đột nhiên bị một tàu “lạ” ập đến bắt cả tàu và toàn bộ thủy thủ mang đi mất tích trong sự tê liệt của lực lượng biên phòng. Không chỉ ở khu vực miền Trung, tháng 1 năm nay, cũng đã có tàu “lạ” xông vào tận vùng biển Vũng Tàu và cố ý đâm chìm hoàn toàn tàu cá Việt Nam mang số hiệu BV 7804 TS.

Biển chết, ngư dân chết. Vậy người Việt Nam còn lại gì? Ắt hẳn chỉ còn lực lượng hải quân anh hùng và các chính sách ngoại giao hãnh tiến với những lời hữu nghị.

Biển ôm trong lòng nó vô vàn điều bí ẩn. Anh Phê-rô Lành, một ngư dân ở Nghệ An ra biển, kể rằng anh nhìn thấy tàu Trung Quốc bủa vây khắp nơi và tập bắn mỗi ngày trên biển. Hầu hết tàu cá Việt Nam đều hoảng hốt và né tránh, dạt đi nhiều nơi khác để toàn mạng sinh sống.

Và trong mọi câu chuyện kể, người ta vẫn hỏi vậy tàu kiểm ngư, hải cảnh, hải giám… của Việt Nam ở đâu?

Tháng 3/2017, trong một ghi nhận của giáo sư Ryan Martinson tại Trường Hải Chiến Mỹ (US Naval 
War College), ông nhận thấy có một sự bất thường về việc phát hiện qua vệ tinh, rất nhiều tàu đánh cá của Việt Nam xuất hiện ở bãi Scarborough – một ngư trường tự do của nhiều nước như Philippines, Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan… dựa theo phán quyết của tòa La Haye hồi tháng 7/2016 (đoạn 807). Dĩ nhiên, ngư dân Việt không tự mình liều lĩnh đi đến vùng đánh bắt hết sức xa xôi này, và lại đầy hiểm nguy giữa sự tranh chấp của Philippines và Trung Quốc. Từ bất thường đó, nhà phân tích Euan Graham (Viện nghiên cứu Lowy – Úc) phát hiện ra rằng Hà Nội đã có một chiến thuật mới là chiêu dụ và đưa ngư dân đến vùng biển này để duy trì giá trị phủ nhận đường 9 đoạn của Trung Quốc của tòa án Hà Lan, La Haye, như một phương thức sống còn để bám lại, trong lúc đang mất dần biển.

Cũng lại là ngư dân. Mưu sinh tự thân hay mưu sinh phất cờ cho chính phủ thì rủi ro và bạc phận vẫn thuộc về nhân dân, trên bàn cờ chính trị nào đó. Nhiều năm trước, truyền hình và báo chí Nhà nước từng tung hô ngư dân Mai Phụng Lưu với biệt hiệu “sói biển”, bởi ông liều mình ra Hoàng Sa đánh bắt, với 4 lần bị Trung Quốc phá tàu, bắt giam và đánh đập. Ngay cả con sói biển ấy giờ cũng mệt mỏi. Cũng như hàng ngàn người Việt đang vật vã mưu sinh trên biển lúc này, giờ thì chắc anh Lưu cũng đã nhận ra rằng tổ quốc – lòng yêu nước thật sự thì ở trong tim mình, chứ không phải là trong những lá cờ mới may được tặng để đi biển hay những lời vinh danh của những kẻ đeo cà vạt luôn bám bờ.

Trong một bài phân tích về việc Trung Quốc đang thôn tính biển Đông, ông Gregory Poling, giám đốc của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Á Châu (Asia Maritime Transparency Initiative) có viết một bài phân tích rằng “Liệu chúng ta có mất biển Đông chưa?” (Have we already lost the South China Sea?), ông nói rằng việc nói thẳng và tố cáo những âm mưu của Trung Quốc lúc này hết sức quan trọng để làm chậm lại những hành động điên cuồng sắp tới, và quan trọng là để cho cả thế giới cùng nhìn thấy.

Hãy quay trở lại với Việt Nam. Hãy đặt câu hỏi đó, rõ hơn “Chúng ta đã mất biển – hay mất nước chưa?”. Nếu những điều đen tối vẫn đang ở thì tương lai, thì điều quan trọng là lúc này, người Việt cũng cần thấy nhà cầm quyền của mình cũng cần tập biết nói thẳng và tố cáo những âm mưu của Trung Quốc trên biển và đảo và đối với sinh mạng ngư dân Việt Nam.

Không có một chính quyền nào đủ sức biện bạch rằng vì việc lớn nên phải chấp nhận hy sinh biển, đảo, đất nước hay tính mạng công dân của mình. Như mọi triều đại cam tâm hiến tế con người hay sản vật để bảo vệ cho quyền lợi riêng, sự sụp đổ sẽ đến là điều hiển nhiên cho mọi hình thái tà quyền như vậy.

Lúc này, biển Việt Nam đang ôm giữ biết bao nhiêu bí mật về vận mệnh của đất nước và con người. Những bí mật của thời đại rồi cũng có lúc phải mở ra, cho thấy một chính quyền có cơ may tồn tại vững mạnh hơn cùng với nhân dân, hoặc cũng có thể là lý do khiến nhân dân mình đứng lên và từ chối mãi mãi.


Tham khảo thêm: