Thursday, February 26, 2015

Hung hãn và hèn nhát


Xã hội Việt Nam đang rất sôi động. Một sức sống như đang bừng bừng trẻ trung với bề ngoài của nó. Hào nhoáng. Chộn rộn. Mỗi ngày, khi trên báo chí hay truyền hình ra một đề bài lá cải, khắp nơi nhộn nhịp tham gia bàn tán như các cô cậu học sinh mùa thi được thử thách tâm sinh lý. Ở các ngã tư đường, các quán nhậu, các diễn đàn facebook... đâu đâu người ta cũng bàn tán về đề thời sự mới nhất. Một ông già hom hem ngấu nghiến hôn cô gái trẻ được báo chí ghi lại, lập tức trở thành quốc sự. Nền dân chủ lý sự tầm ruồng phất cao ngọn cờ ngời sáng với 2 phe: một bên thì đập ngực đem tất cả vốn liếng đạo đức để chỉ trích, một bên thì chống nạnh, viện dẫn mọi tư duy cấp tiến để nói rằng đó là chuyện bình thường, thậm chí đáng yêu.

Quốc sự về nụ hôn của một cụ già trỗi máu xuân tình dĩ nhiên không quên bàn về nước dãi của cụ còn để lại trên gò má căng phính lông tơ của cô gái trẻ. Quốc sự về hình ảnh đó cũng có đủ mọi lời bảo vệ bằng cách đưa ảnh một vị lãnh tụ khác cũng hay hôn phụ nữ, đàn ông và trẻ con như một truyền thống đáng noi theo. Dĩ nhiên, khi đã tranh luận, mỗi phe càng nói càng hăng. Ngôn ngữ mỗi lúc một mạnh bạo, thậm chí rất hung hãn.

Sự hung hãn của một nền dân chủ xã hội đầy sôi động đó cũng được mô tả bằng bản tin hơn 5000 người Việt đánh nhau đến nhập viện trong một mùa xuân cầu mong yên lành. Sự hung hãn được chỉ định bằng việc giết heo trong lễ hội theo lối yêu trảm (chém ngang lưng) du nhập từ đời nhà Tần phương Bắc sang Việt Nam. Sự hung hãn được xác nhận như phần cần thiết của lễ hội mua thần bán thánh, từ miệng của một quan chức cấp cao, phó chủ tịch Uỷ ban Nhân Dân Sóc Sơn “Lễ hội không tổ chức phát lộc cho người dân nên ai muốn có phải cướp. Xô xát là bình thường”. Loại câu nói đủ biết hạng người nào, tri thức kiểu gì đang đứng trên đầu dân chúng.

Một khi chuyện hôn hít của một ông già, chuyện đánh nhau vỡ đầu giành lộc, chuyện hung hãn đánh nhau giữa đường rồi cùng nhập viện... nay đã trở thành quốc sự hạng một, chiếm lĩnh mọi sự quan tâm của quốc dân, thì đó cũng là một chỉ dấu của con đường đến mạt vận. 

Người Việt hôm nay dường như rất hung hãn trong những chuyện tự do ngôn luận dân chủ tầm ruồng, bỏ quên hay tránh né về những điều nguy ngập khác, rằng Trung Cộng đã dựng xong sân bay, pháo đài... trên biển, có thể đánh chiếm Sài Gòn trong 24 giờ. Thế nhưng tướng quân đội Việt Nam thì tâm tư tha thiết kêu gọi dân chúng không nên ghét bỏ kẻ đang lăm lăm cướp - giết tổ quốc mình. 

Người Việt hôm nay dường như rất hung hãn trong cách dùng mọi học thuật để chứng minh đối phương đồi bại hay tiến bộ trong những điều chỉ đáng liếc qua và lãng quên, nhưng giỏi cười qua loa với chuyện các dự án bauxite thua lỗ trầm trọng mà vẫn phải tiếp tục, ngày đêm giao nộp sang biên giới,  giỏi giả lơ khi giá xăng được tuyên hô sẽ lên giá không cần lý do, khi dầu thế giới chỉ có giá 50 USD/ thùng - mức giá thấp nhất từ trước đến nay.

Người Việt hôm nay dường như đủ hung hãn chém con heo ra nhiều mảnh, reo hò và tắm máu như thời các bộ lạc dã man, nhưng hèn nhát câm miệng không dám bàn về tài sản các quan chức tham nhũng đang đục ruỗng tổ quốc mình. Người ta im lặng hèn nhát khi nghe những kẻ như Trần Văn Truyền chỉ bị kỷ luật giơ cao đánh khẽ, còn những người tố cáo cái ác như ông Kim Quốc Hoa, báo Người Cao Tuổi, đang lao đao giữa trùng vây vô lại.

Cái cần phải hung hãn, thì người ta đang chọn cách hèn nhát. Cái cần phải hèn đi thì người ta ồ ạt xông lên: hung hãn giành giật thức ăn buffet, hung hãn trói đánh kẻ trộm chó, hung hãn phán xét, nguyền rủa chung quanh như bản thân mình là hiện thân của ngọn cờ đầu nhân nghĩa.

Hung hãn và hèn nhát, hai mặt đối lập của số đông trong một nước, cho thấy sự sục sôi của chủ nghĩa duy lợi đang lây lan như một loại virus trọng bệnh, mà tỷ lệ nghịch với làn sóng đó, là sức sống còn cho một quốc gia.






Tham khảo thêm:

http://www.webtretho.com/forum/f26/co-nen-chi-trich-hinh-anh-gs-vu-khieu-thom-ma-hoa-hau-ky-duyen-2016578/

http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/hon-5-000-nguoi-nhap-vien-vi-danh-nhau-trong-tet-3149577.html

Wednesday, February 18, 2015

Xuân đến, xuân đi

21f9d79c256fd02aad57f43d66bdde97ada1285ed7e7f957ca8898ca09729279

Sáng 30, đường phố Sài Gòn vắng đi, nhưng không vắng hẳn. Điều dễ thấy của xuân năm nay là những người buôn bán nghèo khó vẫn tiếp tục cầm cự bày hàng. Vỉa hè nhiều nơi vẫn còn chen nhau kiếm thêm chút, dành dụm cho một năm mới dự báo không nhiều niềm vui.

Cứ từng năm qua, mùa xuân như cứ nhạt dần. Đường phố không còn không khí của những ngày Tết mà ai ai cũng muốn đóng cửa nghỉ ngơi, ai ai cũng muốn dừng tay lại để hít thở với chút cảm giác khó tả của trái tim mình khi bước qua thêm một lằn ranh nữa ở cõi sinh tồn thế gian. Quán café trước ngõ vẫn đông khách như một ngày rất thường. Quán bánh ướt vỉa hè trong ngỏ hẻm cũng không nghĩ sáng 30 Tết. Quán không có có bàn, những người đến ăn phải ngồi ghế đẩu, cầm đĩa ăn cho đến hết. Những người ăn vội vàng cho qua một bữa sáng, cho qua một ngày 30 mà trước đây Sài Gòn đón chờ như một điều thiêng liêng và hân hoan. Ông cụ ngồi ăn bánh quay sang bắt chuyện. “Tết đến làm gì, chán quá”. Một cụ khác cười, góp thêm “Tui thấy 5 năm Tết một lần cũng được”.

Nghĩ mà buồn cười. Tết 5 năm một lần, cứ như là nhiệm kỳ của một ông quan thiên nhiên. Xuân đến như không mang đủ ngọt ngào của cuộc đời, đến mức dân chúng chán chê muốn xua đi, chỉ mong gặp và hy vọng vào một mùa xuân của nhiệm kỳ mới. Cuộc đời cũng vậy, bạn đã có bao giờ ngao ngán và chờ một điều mới mẻ nào đó từ con người, quan quyền trên đất nước này chưa?

Tết ở Sài Gòn, đặc biệt ở quận 5, lâu rồi không còn nghe tiếng “tùng cheng”. Chắc cũng phải hơn 5 năm, những chiếc xe ba gác bán đầu lân, đầu ông địa cho trẻ con không còn dạo khắp phố phường với tiếng “tùng cheng” quen thuộc như tín hiệu rộn ràng của một mùa xuân. Ngay trong thủ phủ của người Hoa Chợ Lớn, một vài cửa hàng có treo đầu lân, đầu ông địa cũng xao xác buồn. Ngày xưa trẻ con ai cũng muốn phải có cho được một món để chơi mùa Tết, nay thì cầm món ấy đi giữa phố, chẳng khác nào kẻ lập dị. Mới năm trước, lúc trước giờ giao thừa vẫn hay có các nhóm nhỏ Lân Sư Rồng đi dạo phố phường, vào nhà xin lì xì. Nay thì cũng vắng bặt. Tiền dành dụm chưa đầy, dân chúng ai còn dám mạnh dạn mở hầu bao. Ấy vậy mà báo Nhà nước vẫn có tờ đăng tin Việt Nam là quốc gia có name có mark về hạnh phúc và dễ kiếm tiền.

Trên chuyến xe taxi đi vào trung tâm Sài Gòn di chuyển chậm vì đông người trong những ngày cận Tết, người tài xế giết thời giờ bằng cách kể chuyện đó đây, trong đó ấn tượng nhất là chuyện bạn của anh làm công nhân mà năm nay không đủ tiền về quê. “Rất nhiều người gặp khó khăn như vậy nên ở lại buôn bán thời vụ, làm thêm để kiếm chút tiền sau Tết về”, anh tài xế kể. Trong bài hát Xuân này con không về của Trịnh Lâm Ngân, ca sĩ Duy Khánh có hát rằng “Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm, mái tranh nghèo không người sửa sang…”, giờ thì về quê đâu chỉ có dùng sức mà lo được cho mái tranh của mẹ. Tháng 12/2014, các bản tin của báo Nhà nước còn đưa tin rằng nhiều tỉnh nghèo quay quắt chờ 8.000 tấn gạo cứu đói mùa Tết này. Không có tiền thì vô phương. Pháo bông giao thừa cũng chẳng để làm chi, rồi chỉ biết ngó lầu đài của các quan chức như ông tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền mà thở dài. Trong những nhịp đồng hồ cuối cùng của năm âm lịch, báo đưa tin những người bán hoa, cây kiểng ở trung tâm Sài Gòn, ở bến Bình Đông rơi nước mắt vì ế ẩm, không bán được hàng. Đọc mà lòng tự dưng buồn khôn tả.

1a079a18e895f6aa2d4603016b6295f9608dbee2956af349dc6763e1d7631c54

Tết năm nay không thấy bà tổ trưởng nhắc treo cờ, anh công an khu vực đi kiểm tra. Có lẽ mệt mỏi vì nhiều năm nhắc hoài mà dân chúng vẫn lơ là, nên chính quyền địa phương ở nhiều nơi theo lệnh mà xuất tiền trồng cờ dọc theo cầu, dọc theo lề đường. Khắp nơi rực rỡ một màu đỏ như ngày đánh thắng một mùa xuân. Cờ được chất đống trên các xe tải nhỏ và được các bạn trẻ dân phòng vội vã ghé vào, cắm dựng, vuốt… rồi chạy đi chỗ khác làm cho kịp chỉ tiêu. Cờ ngay ngắn và rõ ràng như phân lô đất trong thành phố.

Ào một cái đã đến giờ cúng giao thừa. Mùa xuân vội đến và vội đi vậy sao? Mùa xuân nhạt nhòa và không còn rõ ràng trong sự chờ đón của con người. Những bài nhạc xuân viết mới ồn ào, như cố xô người nghe vào một không gian chộn rộn lố bịch đầy cố gắng. Khắp nơi ầm ầm như một chiến dịch đuổi bắt xuân. Mọi thứ đó, như chỉ để nhắc nhau về một điều gì đó gọi là mùa xuân nhưng dường như đã vàng phai biết mấy, hoặc đã không còn tìm thấy nữa.

Nửa thế kỷ hát tình ca

Miền Nam, với những ai yêu dòng nhạc bolero, chắc không thể quên được cái tên Đài Phương Trang, người nhạc sĩ lừnh danh với những ca khúc lừng danh như Hai Mùa Noel, Hoa Mười Giờ, Trái Tim Sỏi Đá, Người Yêu Cô Đơn... Mùa xuân 2015 này cũng là dịp đánh dấu nửa thế kỷ của một người viết những bản tình ca Sài Gòn, viết lại những những câu chuyện đô thị đã là ký ức và nỗi niềm của nhiều thế hệ.


Người dạy sử viết nhạc tình

Khi có dịp đối diện với nhạc sĩ Đài Phương Trang, nhiều khán giả đã bất ngờ với dáng vẻ hiền lành và nhỏ nhẹ của ông. Những bài hát tình yêu lâm ly bi đát của ông đã từng làm rung động các thế hệ yêu âm nhạc ở thập niên 60, 70... dường như không có chút gì gần gũi với phong cách của ông, khiến ai cũng dễ dàng ngỡ ngàng thốt lên "Ô, tác giả của Người Yêu Cô Đơn đây sao?"

Không giống với các nhạc sĩ cùng thời khi chọn âm nhạc như là một sự nghiệp chính, chàng thanh niên Phạm Văn Tứ (tên thật của nhạc sĩ Đài Phương Trang) lại chọn nghề thầy giáo môn học Việt Sử là sự nghiệp chính. Âm nhạc đến với anh thanh niên mê sáng tác này như một sở thích không có chủ đích, nhưng rồi lại bất ngờ làm nên tên tuổi của anh từ giữa thập niên 60.

Thời còn đi dạy học ở trường trung học cộng đồng Phú Định, (quận 6 ngày nay), ít ai tin rằng người thầy giáo có vẻ rất nghiêm nghị ấy, lại là tác giả của những bài hát mà các cô nữ sinh trong trường cứ chuyền tay nhau chép lời vài nghêu ngao trong sân trường. Ai hỏi thăm, ông chỉ cười cười, không nhận cũng không chối đó là những tác phẩm của mình. Thậm chí, khi biết chính ông là tác giả của các bài hát tình yêu thịnh hành đó, các đồng nghiệp cũng phải trợn mắt vì không tin nổi. Trong suy nghĩ của nhiều người, nghệ sĩ phải là một dạng người phong lưu hoặc rất giang hồ, chứ đâu lại có kiểu như nhạc sĩ Đài Phương Trang vậy.

Âm nhạc đến với nhạc sĩ Đài Phương Trang thật tình cờ. Thời thiếu niên lúc đang học lớp 5, ông luôn bị hấp dẫn bởi một người hàng xóm hay chơi đàn mandolin. Mỗi khi đi làm về, người đàn ông đó lại ngồi trước cửa nhà dạo lên những khúc nhạc réo rắt mà có lúc nghe sao thật vui tươi, nhưng có lúc nghe sao lại buồn bã lạ kỳ. Tâm hồn của một thiếu niên mới lớn bị lay động bởi những điều xao xuyến khó tả. Chú Mành, tên của người đàn ông đó, cũng chú ý đến thằng bé hàng xóm hay đứng ở cửa nhìn vào, im lặng nghe hàng giờ không biết chán. Rồi một ngày, chú Mành dừng tay đàn, ngoắc thằng nhỏ vô, hỏi là có thích học madolin không, thì "về xin tiền má để mua một cây đờn, qua đây chú dạy". Điều đơn sơ đó đã dắt tay nhạc sĩ Đài Phương Trang vào lâu đài của bolero, từ đó về sau. Cho tới giờ này, khi thấy ai ôm cây đàn nhỏ dây đôi đó, những ký ức đẹp nhất lại hiện về trong trí nhớ của ông.

Đến năm học đệ thất, tức đến lớp 6 hiện nay, nhạc sĩ Đài Phương Trang chuyển trường, và lại may mắn được học với thầy dạy nhạc Trần Anh Tuấn, vốn cũng đang là thầy giáo của trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ. Âm nhạc với nhạc sĩ Đài Phương Trang lại được dịp nâng cao và chuyên nghiệp hơn. Ít lâu sau, ông lại học thêm guitar. Đến năm lớp 11, nhạc sĩ Đài Phương Trang đã là một người chơi đàn hấp dẫn trong lớp, khiến nhiều bạn trai cùng lứa phải ghen tị, còn các bạn gái thì đi ngang phải liếc mắt nhìn.



Vang danh trong bóng tối

Năm 1966 là năm tác phẩm của nhạc sĩ Đài Phương Trang ra mắt, nhưng thực tế, ông bắt đầu viết nhạc từ năm 1965. Nhắc lại, nhạc sĩ Đài Phương Trang vẫn còn nhớ kỷ niệm này, khi ông ra mắt tác phẩm viết chung với nhạc sĩ Anh Thy (tác giả ca khúc Hoa Biển) có tên là Bốn Màu Áo, bút danh khởi đầu là Thanh Viên.

Do không quen biết ai trong giới sản xuất, những sáng tác của ông cứ nằm trong ngăn kéo. Người khán giả thưởng thức đầu tiên các bài hát đó không ai khác hơn là người vợ trẻ của ông. Rồi khi được cả gia đình khuyến khích, nhạc sĩ Đài Phương Trang tìm cách tiếp cận các hãng đĩa, mong giới thiệu các tác phẩm của mình. Chọn một ngày nghỉ, ông cưỡi chiếc mobylette của mình đi đến trung tâm Sài Gòn, kêu ly cà phê ở quán Kim Sơn ở đường Lê Lợi để quan sát tình hình. Ngày đó, quán Kim Sơn rất nổi tiếng vì là nơi hẹn gặp nhau của danh nhân tài tử văn nghệ như nhạc sĩ Mặc Thế Nhân, Hoàng Trang, Anh Việt Thu, Thanh Sơn... hơn nữa, cạnh đó lại có nhà phát hành nhạc bản Minh Phát rất có tiếng.

Tính tình rụt rè, nên nhạc sĩ Đài Phương Trang cũng không biết bắt đầu từ đâu. May sao, khi nhìn thấy nhạc sĩ Anh Thy ngồi đối diện đang soạn lại những bài nhạc, nhạc sĩ Đài Phương Trang bèn lân la hỏi thăm. Cuộc trò chuyện ngẫu nhiên đó, dẫn đến một tình bạn giữa hai người nhạc sĩ, khiến một ngày nọ, nhạc sĩ Anh Thy bèn đề nghị hai người cùng viết chung một bài hát làm kỷ niệm. Vậy là bài hát Bốn Màu Áo ra đời từ đó với ca sĩ Carol Kim là người trình bày đầu tiên. Ngay lập tức, tác phẩm này được khán giả đón nhận nồng nhiệt.

Nhạc sĩ Đài Phương Trang kể rằng đó là một kỷ niệm không thể quên. Khi cầm 10 ngàn đồng phát hành băng nhạc và nhạc bản đầu tiên, ông chưa thể tin nổi rằng mình làm ra nhiều tiền như vậy. Thời đó, 12 ngàn đồng đã có thể mua được chiếc Honda đỏ đời đầu, một gia sản với nghề thầy giáo trung học. Khi cầm trọn số tiền làm ra về đưa cho vợ, ông được vợ "thưởng" lại bằng cách trích số tiền đó để mua cho ông chiếc đồng hồ đeo tay Seiko-5, tức kiểu đồng hồ thời trang thịnh hành nhất của thập niên 60.

Giới nhạc sĩ bắt đầu tò mò về tay tác giả mới có những bài hát ăn khách, không thấy mặt mũi đâu nhưng lại có nhiều bút danh như Thanh Viên, Phạm Vũ Anh Tứ... Cũng nhờ việc tò mò đi tìm hiểu mà nhạc sĩ Ngọc Sơn (sinh năm 1934, tác giả Nét Son Buồn, Nếu Mình Còn Yêu Nhau...) mới phát hiện ra Đài Phương Trang, chính là người cháu họ của mình, cũng đang bước vào con đường âm nhạc.

Nhạc sĩ Đài Phương Trang kể rằng những khi ngồi ở hàng quán, nghe người ta bàn tán hoặc đi trên đường nghe phố phường vang lên những bài hát của mình, ông chỉ biết thầm mỉm cười. Niềm hạnh phúc âm thầm được công chúng đón nhận là điều khích lệ ông đi qua hơn nửa đời người với âm nhạc. Do bản tính dè dặt, đôi khi dù được hỏi, nhạc sĩ Đài Phương Trang cũng ít khoe khoang đó là những thành công của mình. Đó cũng là lý do vì sao, về sau này, người ta tìm thấy Đài Phương Trang có nhiều bài hát viết chung với nhạc sĩ Ngọc Sơn (như các bài hát Có Những Đêm Buồn, Màu Tím Pensée, Hoa Mười Giờ...) thật ra ông giao phó các bài hát của mình cho người chú lo việc ra ngoài thương thảo với các nhà sản xuất và in ấn rồi để tên chung, còn mình thì chỉ đi dạy rồi về nhà cắm cúi sáng tác.

Năm 1968, khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông gặp mặt chàng nhạc sĩ trẻ Đài Phương Trang, ông hết sức ngạc nhiên vì đã nghe rất nhiều bài trên đài phát thanh mà nay mới biết mặt. Lúc đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đang là giám đốc của nhiều hãng đĩa nhạc và nhà in như Continental, Ngày Xanh, Sơn Ca... nên đã lập tức mời Đài Phương Trang cùng cộng tác gửi bài. Tác phẩm đầu tiên nổi lên từ sự cộng tác này, như bài Biết Ai Tâm Sự với tiếng hát ca sĩ Kim Loan, ngay lập tức cũng trở thành hit trên thị trường và đài phát thanh lúc bấy giờ.

Hạnh phúc của người sáng tác không đơn thuần là đứng trên sân khấu để người ta biết mình. Những ngày mà các bài hát của ông trở thành hit trên làn sóng phát thanh chiều. Cả gia đình dọn cơm rồi cùng nhau ngồi lắng nghe những bài hát của ông, cùng bình phẩm, rồi vui cười. Niềm hạnh phúc với âm nhạc của nhạc sĩ Đài Phương Trang, giản dị là vậy. Mỗi khi nhắc lại, ông vẫn luôn bồi hồi về những kỷ niệm đó, như chỉ mới vừa qua.


Nửa thế kỷ nối lời tình ca

Không ít người thắc mắc về bút danh Đài Phương Trang, có vẻ rất nữ tính của ông. Cùng với những bài tình ca não lòng ăn khách, ai cũng nghĩ rằng ông có cuộc đời tình ái hết sức lãng mạn. Vì vậy nên có lời đồn rằng bút danh của ông được ghép lại từ tên của 3 người tình trong đời.

Nhưng thật ra không phải vậy. Bút danh đầy ẩn ý này được đặt theo một kỷ niệm thời học sinh của ông. Khi đó, dù là một tay chơi đàn được các cô trong lớp mến mộ và xin được nghe, nhưng ông lại ngại ngùng và chỉ đàn khi có các bạn trai yêu cầu. "Đàn phương trai" là một cách nói lái và làm thành bút danh, với ý nhắc lại kỷ niệm ngày xưa thời đi học, mà ông vốn vẫn bị mắng là "nhát gái", chỉ biểu diễn khi có bạn trai với nhau.

Liên tục trong nhiều năm của thập niên 60,70 ở Sài Gòn, các tác phẩm của nhạc sĩ Đài Phương Trang xuất hiện ngày càng thường xuyên và trở thành quen thuộc với người yêu nhạc. Từ Biết Ai Tâm Sự, Người Quên Kẻ Nhớ đến Tình Yêu Tuyệt Đối, Chuyến Xe Miền Tây... tên tuổi của ông thật sự trở thành một dấu ấn trong lịch sử âm nhạc bolero, đặc thù của miền Nam với gia tài hơn 600 ca khúc. Âm nhạc đã đưa ông bước đến những nẻo đường mới lạ, thay đổi nhiều trong cuộc sống của mình. Từ anh nhà giáo nghèo lọc cọc với chiếc xe cũ, nhạc sĩ Đài Phương Trang sắm sửa được chiếc xe Honda Dame, cuộc sống nhẹ nhàng hơn trong gia đình nhỏ của mình với 3 con nhỏ. Từ một người chơi mandolin trở thành một nhạc sĩ vang danh... Thế nhưng ông không bao giờ rời bỏ nghề dạy học và môn Việt Sử mà mình đã chọn. Thầy giáo - nhạc sĩ Đài Phương Trang chỉ về hưu vào cuối thập niên 90 và sau đó dành trọn thời gian cho việc thể nghiệm sáng tác nhạc trẻ và các bài ca hài, như kiểu ban tam ca AVT thời thập niên 60, 70.

Giờ đây, nhạc sĩ Đài Phương Trang cộng tác với nhạc sĩ Xuân Tường, lập thành ban nhạc để cùng hát, cùng sáng tác và rong ruỗi trên nhiều nẻo đường. Hai mái đầu bạc vẫn làm xúc động trái tim khán giả trong những khán phòng nhỏ và chia sẻ cảm xúc âm nhạc thật sự. Mùa Noel vừa qua, cũng là dịp kỷ niệm 50 bài hát lừng danh Hai mùa Noel của ông. Bài tình ca mà gần như đã gắn chặt với hình ảnh của một mùa cuối năm đầy kỷ niệm. "Mùa Noel đó, chúng ta quen bên giáo đường...". Khi nhắc về bài hát lừng danh này, nhạc sĩ Đài Phương Trang vẫn nói rằng mình cứ áy náy khi viết một bài hát rất buồn, dù đó chỉ là một câu chuyện tình mà ông tưởng tượng. Vì vậy nửa thế kỷ sau, ông lại cho ra đời bài Hai mùa Noel 2, với nội dung nói rằng những điều phiền muộn nhất rồi cũng sẽ qua đi, mọi thứ mãi là kỷ niệm đẹp. Bài hát nhân hậu như chính con người ông, cũng như là một ước ao đẹp chất chứa trong tim, hơn nửa thế kỷ mới có dịp tỏ bày.

Kỷ niệm 50 năm sự nghiệp âm nhạc Sài Gòn, mùa xuân này, nhạc sĩ Đài Phương Trang cũng vừa giới thiệu phần 2 của bài Người Yêu Cô Đơn, một bài bolero mà ở hang cùng ngõ hẻm hay nhà tranh vách núi... đâu đâu người yêu nhạc cũng biết, ai cũng có thể hát nghêu ngao. Cũng giống như những bài hát đầu tiên mà ông xuất hiện trên đời sống, nhạc sĩ Đài Phương Trang lại mời một vài bạn đến nghe ông hát Người Yêu Cô Đơn 2. Tất cả mọi người im lặng nghe và xúc động. Người nhạc sĩ cất tiếng hát run run để nối lại một vòng thời gian nửa thế kỷ âm nhạc của mình như một cuộc tái sinh. Và với tình ca, ông tìm thấy sự tái sinh thầm lặng và quý giá của một đời nghệ sĩ, một đời hạnh phúc được cống hiến cho lời yêu thương.



IMG_1461

Friday, February 13, 2015

Sài Gòn đêm rất lạ

Sài Gòn có những đêm thật lạ. Gió về khuya mỗi lúc càng lạnh. Đường phố vắng dần. Sài Gòn có những người rất trẻ ngồi gần lại với nhau trong quán cà phê nhỏ, thì thầm hát và nhớ về một danh ca của thành đô dĩ vãng như muốn làm ấm lòng mình.

Ngày 12-2-2015 là ngày kỷ niệm 12 năm mất của ca nhạc sĩ Duy Khánh, nhân vật có một không hai trong đời sống âm nhạc Việt Nam. Ít ai nghĩ rằng những người trẻ chỉ hơn 20 tuổi chia sẻ sở thích của nhau trên facebook đã tụ tập lại, ngồi kể chuyện về người nghệ sĩ đất quê Quảng Trị, hát và nhớ về ông. Sự hiểu biết lẫn yêu thích rõ ràng của những người bạn trẻ này khiến tôi nhớ về câu phàn nàn của ông Hoàng Thi Thao, cháu của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, rằng ông ít tin rằng giới trẻ sinh sau 1975 có đủ hiểu biết và giữ gìn văn hoá Sài Gòn. Nhưng ở đây, rõ ràng có một điều kỳ diệu nào đó thôi thúc từng con người đó, khiến họ giữ lại, yêu thích và chuyền cho nhau, bất chấp rằng dòng nhạc đó từng là điều cấm kỵ, hiện vẫn bị kỳ thị và mọi cuộc tập hợp chia sẻ điều mang hơi hướng của những cuộc mạo hiểm trong lòng đô thị.

Sài Gòn không thể thiếu bolero, và Sài Gòn không thể ngừng ca hát, dù có những ngày tháng sống giữa cơ cực và bi thương. Ngày hôm nay, chỉ cần tìm một từ khoá "nhạc vàng" trên facebook, người ta có thể lần ra hàng chục nhóm, diễn đàn, hội bạn... yêu nhạc bolero, yêu những giọng ca dĩ vãng thắp sáng những trang lịch sử âm nhạc hiện đại của Sài Gòn. Bất chấp có những danh nhân, tài tử đời mới trong Việt Nam hô hào huỷ diệt bolero, miệt thị những ai yêu thích nó, người miền Nam, dân Sài Gòn vẫn lặng lẽ giữ lại như một thành trì bí mật của tâm hồn.

Sài Gòn hôm nay nhớ Duy Khánh có vẻ nhẹ nhàng bình thường, nhưng nhiều năm trước, cùng nhau ngồi lại và nghe Duy Khánh một cách có chương trình như những người bạn trẻ mà tôi thấy hôm nay, có thể là một trọng tội. Duy Khánh từng bị liệt vào hàng ngũ những "những tên biệt kích văn hoá" với nhà nước Việt Nam. Nói đến Duy Khánh, là nói đến những bài tình ca quê hương và hình ảnh người lính Việt Nam Cộng Hoà. Tiếng hát của Duy Khánh vẽ nên một miền đất Việt khốn khổ với chiến tranh, mẹ già mong hoà bình, những người vợ chờ chồng đang cầm súng bảo vệ đường biên giới Nam Bắc, mệt mỏi với cuộc chiến tranh vô nghĩa.

Ca sĩ Duy Khánh có một giọng hát mạnh mẽ, quyến luyến và tự nhiên như tiếng hò trên đồng ruộng. Thưởng thức tiếng hát Duy Khánh đồng nghĩa chối bỏ mọi lề thói và kỹ thuật thanh nhạc vô hồn mà hôm nay vẫn được thấy nhan nhản trên truyền hình, phát thanh. Ngay cả với nhạc sĩ Phạm Duy, người ít mở lời khen một cách tuyệt đối với những ai hát những bài hát của mình, vậy mà ông đã từng nói rằng mình biết ơn Duy Khánh khi cùng với ca sĩ Thái Thanh đã hát hai bản trường ca Con Đường Cái Quan và Mẹ Việt Nam của ông. Thậm chí nhạc sĩ Phạm Duy từng khẳng định rằng hai bài trường ca này rất kén chọn khán giả, và nhờ vào giọng ca của Duy Khánh nên mới được đông đảo người biết đến. Lời phát biểu của nhạc sĩ Phạm Duy trong đám tang của ca sĩ Duy Khánh, nay trở thành như bia đá tạc"Trong giọng ca Duy Khánh, nghe âm hưởng tiếng trống cổ thành, tiếng thông reo trên đồi Vọng Cảnh”.

Duy Khánh không là ca sĩ, ông là một nghệ sĩ. Ông hoá thân vào các tác phẩm mà mình trình bày. Lúc thì ông là chứng nhân trước quê hương miền Trung buồn bã nghèo khó của mình (Thương về miền Trung, Xin anh giữ trọn tình quê), lúc ông là là người kể chuyện đời (Màu tím hoa sim, Ngày xưa lên năm lên ba)... Hình ảnh Việt Nam chân thực trong bài hát của ông, có thể làm cho người nghe nao nao ứa lệ. Xuân này con không về, Thư xuân ba viết cho con... Là những bài hát về mùa xuân buồn da diết mà hầu như ai yêu bolero cũng muốn nghe lại trong những ngày cuối năm. "Hãy lắng nghe mọi ca từ có dấu ngã (~) mà Duy Khánh hát, sẽ không còn ai hát như vậy trong thế kỷ này", một người bạn Tây học rất điệu đàng của tôi, vốn là một người yêu tiếng hát của ca sĩ Duy Khánh, hay tấm tắc như vậy.

Sau năm 1975, như rất nhiều nghệ sĩ của miền Nam, ca sĩ Duy Khánh bị cấm hành nghề. Dĩ nhiên, bởi lý lịch của ông là thành phần hoạt động nổi bật trong Biệt Ðoàn Văn Nghệ Trung Ương thuộc cục Tâm Lý Chiến. Những bài hát của ông cũng bị gạch bằng mực đỏ trong nhiều năm liền. Duy Khánh trở nên trầm uất và nhiều lần định vượt biên mà không được. Giai đoạn đó là lúc ông trở nên nghiện rượu nặng, mang theo di chứng này cho đến sau năm 1988, khi ông ra đi theo diện đoàn tụ gia đình do người em gái ở Mỹ bảo lãnh. Được tự do ca hát, như cá trở về nước, Duy Khánh đã dành hết phần đời còn lại của mình để trình diễn, tổ chức văn nghệ... cho đến lúc giã từ trần thế ở tuổi 65 (tháng 2-2003). Tang lễ ra ông là một trong những tang lễ nghệ sĩ hiếm hoi ở hải ngoại được khán giả, đồng bào quan tâm chia sẻ nhiều đến mức bản video ghi lại được bày bán ở nhiều nơi. Trước đó chỉ có đám tang của ca sĩ Ngọc Lan và sau đó chỉ có đám tang của nhạc sĩ Việt Dzũng mới có sự rầm rộ như vậy.

image


Tôi thấy trong đêm mà những người bạn trẻ tưởng niệm ca nhạc sĩ Duy Khánh ở Sài Gòn, không có ai có ý định mời những ca sĩ có giọng hát được báo chí và truyền hình lăng-xê là "giống như Duy Khánh" đến để chia sẻ. Sự so sánh đó, có thể gọi là tiếc nhớ nhưng cũng là sự lố bịch khi tạo nên một xu hướng chấp nhận những sự lập lại bằng các phiên bản tồi hơn. Chỉ có những người Sài Gòn chính danh với cảm nhận tinh tế mới có thể khước từ những sự lập lại đó. Đêm Sài Gòn ấy mà tôi thấy bừng lên những điều rất lạ: Duy Khánh chỉ có một và Sài Gòn chỉ có một trong lòng người mà thôi. Ôi. Nghe Duy Khánh mà nhớ Sài Gòn...