Các sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tuy không rầm rộ về số lượng nhưng rất biểu trưng cho phong cách sáng tác của ông, không thể lẫn với ai. Phía truyền thông nhà nước đã nhiều lần viết về ông với sự trân trọng, liệt kê nhiều tác phẩm của ông với lời ca ngợi. Duy có một ca khúc thì luôn bị né tránh, không muốn nhắc đến, xem như là một điều tối kỵ. Đó là bài hát Mẹ Việt nam ơi, chúng con vẫn còn đây, phổ thơ của Hoàng Phong Linh. Đây là một trong những bài hát thường được sử dụng cho thể loại hợp ca, các phong trào sinh hoạt… cũng như được các ca sĩ lừng danh như Thái Thanh, Khánh Ly trình bày với giá trị biểu đạt như một dạng tâm ca.
Bài hát được nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cho ra mắt công chúng vào 20 Tháng Một năm 1975, trong bối cảnh lúc đó người dân miền Nam đang loay hoay với tình hình cuộc chiến đang có những chiều hướng xấu đi cho chính quyền miền Nam. Vào thời điểm đó hầu như các hoạt động âm nhạc đều đình trệ, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 vẫn chọn cách tự mình in và phát hành bài nhạc này đến với công chúng.
Lời thơ trong bài hát này, được nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 phối hợp, dựng nên một giai điệu trầm hùng và bi phẫn.
Một đàn con rồi quên ơn Mẹ nuôi dưỡng
Súng đạn cày tan nát luống quê hương
Mẹ lòng đau thương xót cảnh lầm than
Xót xa nhiều phương Bắc chiếm phương Nam
Tháng Một 1975 là lúc có nhiều gia đình đã im lặng ra đi, rời khỏi nước vì cảm nhận thấy một miền Nam sắp không thể giữ vững được nữa. Súng đạn đã tràn vào tận miền Trung và ngấp nghé ở các tuyến đường trọng yếu vào Sài Gòn. Như tiên đoán trước điều sẽ đến, bài hát có đoạn cuối vô cùng quyết liệt:
Mẹ Việt Nam ơi chúng con vẫn còn đây
Không phản bội giòng sữa thơm nuôi dưỡng
Chúng con nguyện đi dựng lại Quê hương
Mẹ Việt Nam ơi.
Bài hát Mẹ Việt nam ơi, chúng con vẫn còn đây được phổ từ thơ của Hoàng Phong Linh. Tác giả này là ai?
Tên thật của nhà thơ Hoàng Phong Linh là Võ Đại Tôn, vốn là sĩ quan cấp tá trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, từng được biệt phái ngoại ngạch sang nhiều công vụ dân chính tại miền Nam trước 1975 (Phụ Tá Tổng Trưởng Bộ Thông Tin, Giám Đốc Công Tác Bộ Chiêu Hồi).
Sau năm 1975, ông vượt biển đến định cư tại Úc Châu. Năm 1981, ông bí mật trở lại Việt Nam để tham gia Kháng Chiến Phục Quốc (qua đường rừng Thái-Lào) nhưng rồi bị nhà cầm quyền mới bắt giữ vào Tháng Mười 1981, tại biên giới Lào-Việt.
Trong cuộc họp báo với giới phóng viên quốc tế về trường hợp của mình, do Hà Nội tổ chức, mà trước đó tưởng chừng như đã thuyết phục được ông công khai nhận tội và xin khoan hồng, nhưng Võ Đại Tôn bất ngờ cầm micro tuyên bố giữ vững lập trường “không đầu hàng Cộng Sản” trong cuộc họp báo quốc tế ngày 13 Tháng Bảy 1982 tại Hà Nội. Cuộc họp báo bị hủy bỏ ngay lập tức và sau đó ông Võ Đại Tôn bị nhà cầm quyền mới biệt giam hơn 10 năm tại trại tù Thanh Liệt (B-14), ngoại thành Hà Nội. Võ Đại Tôn trở thành trường hợp duy nhất và cuối cùng, đứng trước ống kính truyền hình trực tiếp và hô lời đả đảo. Đài NHK của Nhật đã ghi lại trọn vẹn và phát nhiều lần, như một sự kiện lịch sử có một không hai.
Nhờ sự vận động của quốc tế, ông được trả tự do trở lại Úc châu ngày 11 Tháng Mười Hai 1991.
Vài năm trước khi mất, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tạo nên một làn sóng dư luận, khi lên tiếng thẳng thắn nhận xét về việc khác biệt âm nhạc cũng như cách trình bày của hai miền Nam-Bắc, dù được gọi là một quốc gia thống nhất địa lý.
Ý kiến của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 lúc đó mở ra một cánh cửa mà lâu nay nhiều người nghĩ đến, nhưng không ai dám nói: Văn hóa âm nhạc miền Nam qua thời kỳ hai nền Cộng hòa, đòi hỏi sự thể hiện bằng thấu cảm và tâm hồn-rất khác, chứ không phải bằng kỹ thuật và bắt chước lại, và đó là thứ khó đạt được nhất. Đặc biệt khó thể hiện được với lối đào tạo ca sĩ hát hùng ca tuyên truyền của các trường thanh nhạc phía Bắc. Từ đó, ông gọi thẳng tên nhiều ca sĩ đương thời gọi là thành danh sau năm 1975, thời đại Việt Nam XHCN, là không có khả năng trình diễn thuyết phục trước công chúng. Thậm chí gọi là ca sĩ hạng B, so với thời sinh hoạt âm nhạc trước 1975 của ông.
Nói trên báo nhà nước, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 gần như phủ nhận khả năng trình bày của hầu hết lứa ca sĩ xã hội chủ nghĩa sau 1975. Ông nói trên tờ Thanh Niên rằng cảm thấy mệt mỏi và buồn chán, và kết luận “Tôi chỉ mong muốn duy nhất là có nhiều nghệ sĩ tử tế và người nghe nhạc tử tế”.
Có thể quan điểm này của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tạo nên sự khó chịu không ít với thị trường âm nhạc giai đoạn mới, nhưng ông cũng nhận được vô số lời tán thưởng và xác nhận đồng điệu với suy nghĩ trực diện này.
Cũng cần nói thêm là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 có họ hàng với nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm, tác giả lừng danh với những ca khúc Tháng Sáu Trời Mưa, Lời Tình Buồn… hiện đang sinh sống tại Úc. Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm gọi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là cậu.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.