Nhạc
sĩ Phạm Duy đã dành nhiều sức sáng tác, nghĩ suy của mình để lại, đặc biệt là
với những tháng ngày sau năm 1975, khi ông đến và sống cuộc đời khác trên đất
Mỹ, trải qua một chuyến dạ hành bàng hoàng.
Dạ
hành là cách nói của ông để mô tả về những ngày tháng ra biển, ở trại tỵ nạn và
sau đó được tạm cư khởi đầu tại Florida. Dạ hành, bởi theo ông, với những điều
của gia đình mình thấy, và của những những người Việt khác là:
“Bất
cứ ai trong chuyến ra đi này cũng có thể nói rằng đây là đêm đen nhất, dài nhất
của đời mình. Những phi vụ chở người tị nạn từ Saigon qua căn cứ không quân
Clark ở Phi Luật Tân rồi lại bay ngay đi đảo Guam hay đảo Wake, đó là những
chuyến bay đêm. Đúng ra, vì sự khác nhau của thời khắc ở những vùng cách nhau
vài kinh tuyến, đêm phải ngắn chứ? Vậy mà phi cơ bay hoài cũng chỉ gặp toàn đêm
và đêm thôi. Mặt Trời đâu rồi? Đêm hôm nay không phải là đêm 12 tiếng đồng hồ,
thời gian thực tại của đêm ngắn đi vài ba tiếng nhưng thời gian tâm lý thì
dường như kéo dài dằng dặc…”
Gia
đình của nhạc sĩ Phạm Duy vừa may mắn, vừa xui rủi trong những ngày rời khỏi
Việt Nam vào Tháng Tư 1975. May mắn, vì ông ra đi rất êm đềm vào rất sớm. Ngày
28 Tháng Tư, một nhân viên CIA của Tòa Đại Sứ Mỹ tên Ed Jones đã cho ông và một
số ít trí thức, thành phần đặc biệt – vốn không thể ở lại Sài Gòn vì sợ Bắc
Việt trả thù – một địa chỉ bí mật tập trung ở đường Kỳ Đồng, Quận 3, để được
đưa đi. Nhạc sĩ Phạm Duy cùng vợ và con gái Thái Hiền đi trước, cùng nhiều đồ
vật kỷ niệm – mà cũng là niềm cảm hứng sáng tác của ông suốt nhiều năm tha
hương về sau. Nhưng xui rủi là có bốn đứa con của ông đi sau và kẹt lại. Cảnh
hỗn loạn vào giờ cuối đã khiến cả bốn người không đến được điểm trực thăng đưa
di tản. Điều đó làm Phạm Duy khốn khổ vô cùng, tận cho đến khi gặp lại mọi người
đầy đủ, sau này ở Mỹ.
Nhạc
sĩ Phạm Duy kể, vào ngày 30 Tháng Tư, khi còn trên đảo Guam, ông nghe người kế
bên mở cái radio chạy pin, phát bản tin về quân Bắc Việt đã vào đến Sài Gòn.
Nhiều người vây quanh nơi có tin tức này sầu lặng nghe. Nhưng không đợi hết bản
tin, nhạc sĩ Phạm Duy vì tâm tình dồn nén, không chịu nổi nên bỏ chạy ra ngoài,
đi thẳng ra bờ biển gần đó. Trong hồi ký của nhạc sĩ Phạm Duy, ông kể lại giờ
phút đó, với sự tuyệt vọng của mình, rằng “Tôi đã không còn là tôi nữa rồi”.
Câu nói đó cũng giống như niềm tuyệt vọng của rất nhiều người tại miền Nam lúc
đó, những người sống và tin vào xã hội, đất nước của mình và cảm thấy mọi thứ
mất hết, không còn gì kể cả bản thân. Đó là số phận chung của hàng triệu người
miền Nam bị mất căn cước công dân tự do, sau Tháng Tư đó.
Nhạc
sĩ Phạm Duy kể lại sự giày vò cứ dội lên trong từng khoảnh khắc, mỗi khi nghe
về những đổi thay đang diễn ra tại Việt Nam qua giọng đọc của cô Kim Vui trên
Đài phát thanh Sài Gòn.
“Trong
suốt Tháng Tư này, kẻ trước người sau bỏ nước ra đi nhưng Saigon và vùng Hậu
Giang hãy còn, nay nghe tin Việt Nam đã hoàn toàn rơi vào tay Cộng Sản, mặt ai
cũng sa sầm, mắt ai cũng rớm lệ, đầu ai cũng cúi gằm. Khi cô Kim Vui đọc xong
bản tin và bản thông cáo, mọi người lủi thủi bước đi trong sự lặng lẽ tột độ.
Người mình xưa nay vốn rất ồn ào vì thích nói nhiều, nói to. Chưa bao giờ tôi
thấy hình ảnh lạ lùng là một đám rất đông người Việt đi đi lại lại mà không có
một tiếng động nào cả. Trông chẳng khác chi những bóng ma trong một khúc dạ
hành…”, nhạc sĩ Phạm Duy kể lại.
Nhạc
sĩ Phạm Duy cũng nhắc lại thời khắc mà tiếng hát Nối Vòng Tay Lớn của nhạc sĩ
Trịnh Công Sơn vang lên trên radio của Đài phát thanh Sài Gòn kêu gọi tất cả
mọi người hãy cùng bỏ súng và hợp tác với chế độ mới. Ông kể vào lúc đó, người
chủ cái radio tức giận bật lên tiếng chửi thề rồi tắt máy ngang.
Trong
lặng thinh sau đó, nhạc sĩ Phạm Duy nói ông suy nghĩ mông lung về tiếng hát
nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vang lên kêu gọi hòa hợp với chế độ mới. Thậm chí ông
còn tự hỏi rằng có cái gì vội vã hay ít thiết tha đến mức cây đàn guitar cho
bài hát đó còn không lên được lên dây đúng? Trong giới nghệ sĩ vào Nam từ năm
1954, có lẽ Phạm Duy là người có đủ kinh nghiệm về cộng sản miền Bắc, do đó, có
lúc ông cũng tự hỏi rằng nếu như mình còn kẹt lại Sài Gòn thì liệu, tiếng hát
đó không phải của Trịnh Công Sơn mà là của mình thì sao? Trong cuộc chiến tranh
vừa tạm dừng, súng vẫn giương cao nòng, và kèm sự cao hứng và kiêu ngạo của bọn
chỉ điểm, của các thành phần vũ trang gọi là “cách mạng 30 Tháng Tư”, và cả
những kẻ nằm vùng, thì liệu ông có cưỡng lại chuyện phải hát bài phục vụ nào đó
không?
Nỗi
đau khổ chất chồng, đặc biệt là về chuyện lo lắng cho số phận của bốn đứa con
trai còn ở lại là Duy Quang, Duy Minh, Duy Hùng và Duy Cường khiến nhạc sĩ Phạm
Duy rơi vào trầm cảm nặng. Lúc đó, bà Thái Hằng là chỗ dựa lớn trong đời ông.
“Tôi
lao mình vào giường ngủ, gục mặt vào đống chăn, khóc rống như chưa bao giờ khóc
như vậy. Không cần đối thoại, vợ tôi biết các con bị kẹt lại rồi. Dù cũng buồn
khổ như tôi, nhưng vợ tôi vốn là người kín đáo, ít khi biểu lộ tình cảm một
cách mạnh mẽ như tôi. Tôi vẫn cho rằng trong những năm tháng buồn rầu vì xa bốn
đứa con, tôi không ngã quị xuống vì không bao giờ vợ tôi làm tăng thống khổ của
tôi lên. Đúng thế, trong những năm xa con, nếu người mẹ này suốt ngày ngồi khóc
thầm, oán trời, oán đất, oán chồng thì tôi phải chết từ lâu”, Phạm Duy kể.
Phạm
Duy thú nhận rằng bên cạnh chuyện bốn người con, ông cảm thấy mình mất tất cả.
Mất quê hương, mất thân phận một người Việt đã đi theo tiếng gọi của tự do,
rong ruổi khắp đất nước Việt. Có lẽ đây là tâm tình lớn của ông, tạo nên tác
phẩm Một Ngày 54, Một Ngày 75 về sau này. Giới truyền thông hải ngoại có thời
gian coi bài hát này là Quốc ca Tháng Tư mỗi khi nhắc về miền Nam sụp đổ. Bài
hát này được nói có lúc làm một số nhân vật cấp cao ở Việt Nam sau 1975 vô cùng
khó chịu. Tuy nhiên đến 2005, bài này vắng tiếng hẳn, do theo mô tả từ một
trung tâm ở Mỹ, đề nghị giấu tên, cho biết là có người đi nhiều nơi, xin không
phát bài hát này để nhạc sĩ Phạm Duy được yên ổn trong việc xin mang hài cốt bà
Thái Hằng về Việt Nam.
Không
giản đơn để quyết định cuộc đời tha hương ở Hoa Kỳ, nói trên một chương trình
phát thanh vào năm 1995, nhạc sĩ Phạm Duy tâm tình rằng ông biết sẽ phải mất
một thời gian dài, ông mới bước qua được những thống khổ, hoặc nguôi ngoai dần.
“Sự thống khổ vào lúc này còn giày vò tôi đến độ tôi muốn trở về Việt Nam ngay
lập tức. Hay là nhảy ngay xuống biển tự tử cho rồi…”
Ngày
15 Tháng Năm 1975, nhạc sĩ Phạm Duy chấp nhận đối diện với khúc quanh nghiệt
ngã của số phận. Gia đình ông lên máy bay rời đảo Guam để đi đến Eglin,
Florida, bắt đầu một chặng đời mới. Lý do ông chọn một nơi thật xa và lạ của
nước Mỹ là bởi quá buồn khổ. Ông muốn “ở một nơi nào càng xa quê hương bao
nhiêu càng tốt bấy nhiêu” để không phải nghe thêm gì về những mất mát đang đến
ở Việt Nam, với con người Việt Nam.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.