Ông Tập Cận Bình vừa có một phát biểu trong hội nghị Uỷ ban trung ương về tài chính và kinh tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 17/8, mà ngay sau khi truyền thông của nhà nước này đăng tải lại, có không ít những người đang có của ăn của để ở Trung Quốc bị rúng động.
Ông Tập nhấn mạnh rằng Trung Quốc phải theo đuổi mục tiêu
“thịnh vượng chung”, nơi sự giàu có được chia sẻ một cách công bằng cho tất cả
mọi người, như một mục tiêu chính cho giai đoạn phát triển tiếp theo của nước
này. Dù ngôn ngữ nghe rất hiền lành nhưng nhiều người đã lạnh gáy khi quay nhìn
về quá khứ cầm quyền của chế độ cộng sản. Bản tóm tắt của cuộc họp do Tân Hoa
xã chính thức công bố có vẻ làm rõ hơn khi cho biết tương lai của một Trung Quốc
cộng sản hiện đại, sẽ nhắm đển việc điều chỉnh thu nhập quá mức và khuyến khích
những người giàu có “trả lại cho xã hội nhiều hơn”.
Tờ Quartz mô tả về sự kiện này, còn rõ ràng hơn, khi viết “ông
Tập Cận Bình vừa gửi một thông điệp ảm đạm tới giới siêu giàu Trung Quốc”.
Quả là Bắc Kinh có đủ lý do chính đáng để lo lắng về tình trạng
bất bình đẳng, vốn gia tăng trong nhiều thập kỷ cải cách kinh tế nhằm tạo ra một
xã hội tư bản giàu có hơn – dù họ không muốn bị gọi tên là như vậy.
Năm ngoái, báo chí ghi nhận 20% giới nhà giàu ở Trung Quốc
có thu nhập vượt gấp 10 lần so với 20% lớp người thu thấp trong xã hội. Mối
quan tâm lớn của người dân Trung Quốc hiện
nay, là quá khó khăn để hội nhập vào xã hội – hoặc tụt lại phía sau – được cho thấy
rõ qua nhiều chỉ số, chẳng hạn như tỷ lệ sinh sụt giảm khi các bậc cha mẹ lo lắng
về chi phí giáo dục và chi phí đời sống tăng vọt.
Ở Trung Quốc đang phát triển phong trào lying flat (tạm dịch:
nằm bẹp) trong những người trẻ, như một hình thức phản kháng thụ động: không muốn
nỗ lực cạnh tranh, không muốn tìm kiếm thặng dư, và không muốn theo đuổi những
tiêu chuẩn mà xã hội đặt ra. Họ chỉ làm vừa đủ sống và nhận định mọi sự “tiến
thân” trong đất nước cộng sản rộng lớn này, ngày càng có vẻ giống như một cuộc
đua chuột vô nghĩa: có vượt lên, cũng chẳng có ý nghĩa gì ngoài việc hành hạ bản
thân mình. Về cơ bản, một lớp người trẻ tuyệt vọng và bất mãn xã hội đã chọn
không tham gia mọi thứ, và cuộc sống chỉ làm những điều tối thiểu nhất.
Mặc dù ông Tập nói rằng mọi thứ sẽ được tiến hành ổn định,
có kế hoạch và không gây khủng hoảng, nhưng giới trí thức Trung Quốc nhận ra,
có cái gì đó nhưng đang “phản bội” lại lý thuyết của Đặng Tiểu Bình nói trong hội
nghị về phát triển kinh tế năm 1978, rằng chế độ cộng sản này cũng sẽ chấp nhận
một giai cấp người giàu xuất hiện, và của cải có được sẽ được bảo đảm tuyệt đối
bằng luật pháp.
Những gì ông Tập nói, có thể hình dung sớm, đó là việc đánh
thuế cao hơn với các tập đoàn, công ty và giới siêu giàu Trung Quốc, và đưa nhiều
chương trình hoạt động xã hội hóa, kiểu “cùng chung tay”. Những dự án này thúc
đẩy giới có tiền ở Trung Quốc phải mở hầu bao, và nhà nước cũng sẽ bỏ ít tiền
hơn vào các dự án phát triển. Mọi thứ còn lại là việc phải đóng góp mang tính “xung
phong tự nguyện” của người giàu nói chung, theo cách gọi của nhà cầm quyền.
Nói rằng lời ông Tập phát biểu đã làm rúng động giới làm
giàu ở Trung Quốc, là không sai. Bản thân câu nói mô tả rất dịu dàng “người
giàu cần chia sẻ lại cho xã hội” của nhà lãnh độc độc tài quyền lực nhất Châu Á
này, vẫn chứa đựng nhiều ý nghĩa lịch sử còn rướm máu ở Trung Quốc. Chính những
bối cảnh nhân danh tái phân phối của cải mà Mao Trạch Đông đã sử dụng vào giữa
thế kỷ trước, đã cướp đi quyền lực từ địa chủ và nông dân giàu có, tầng lớp thượng
lưu nông thôn, đã khiến lịch sử hiện đại Trung Quốc man rợ không khác gì thời
Trung Cổ.
Gần đây, các cuộc đàn áp, tấn công của Bắc Kinh vào giới doanh
nghiệp tư nhân, đã làm choáng váng các nhà đầu tư toàn cầu và làm dấy lên lo ngại
về triển vọng đổi mới và tăng trưởng trong nền kinh tế Trung Quốc. Đặc biệt với
cách mà Tập Cận Bình nhắm vào Alibaba và Jack Ma, như là một bài học giáo khoa
về cách sống còn trong chế độ cộng sản.
Tờ Financial Times thì trích lời các từ nhà phân tích, mở ra
thêm một góc nhìn mới, cho thấy nền kinh tế của Trung Quốc gần đây đã có dấu hiệu
suy yếu. Dữ liệu được công bố đầu tháng này cho thấy sự phục hồi của đất nước tỷ
dân đang chậm lại, và tỷ lệ thất nghiệp ở những người trẻ tuổi đã tăng lên mức
tồi tệ nhất kể từ năm 2020. Các nhà kinh tế đã cho rằng sự chậm lại là do một
loạt các yếu tố, bao gồm sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta, thiên tai,
rủi ro nợ ngày càng tăng và tâm lý nhà đầu tư suy yếu trong giai đoạn này.
Không có gì thuận lợi hơn trong thời điểm này để hướng sự bất
mãn của dân chúng vào giai cấp giàu có ở Trung Quốc. Nhà lãnh đạo mưu mẹo của Bắc
Kinh có thể đã chuẩn bị cả một chiến lược rất dài cho việc tái phân phối của cải,
nhưng riêng chiến dịch gợi ý về sự bất bình đẳng xã hội, sẽ phần nào giúp chính
quyền thoát khỏi sự theo dõi của dân chúng về việc thất bại điều hành đất nước.
Giới nhà giàu ở Trung Quốc chắc chắn sẽ ra mặt “đóng góp xã
hội” rộn rịp hơn trong thời gian tới, như một cách mua vé bảo hiểm cho phần tài
sản còn lại của mình. Nhà nước cũng đỡ một phần gánh nặng vào ngân sách.
Nhưng mọi thứ cũng có thể là tiền đề chuẩn bị, nếu như có một
cuộc cải tạo tư sản hợp pháp bằng luật lệ hẳn hòi, thì ít nhất, nhà cầm quyền
đã có được sự đồng thuận từ giai cấp nghèo khó khắp trên đất nước này, đang giận
dữ và sẳn sàng vào cuộc xâu xé vi chuyện bất bình đẳng.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.