Cuối tháng 8-2021, ở Mỹ diễn ra một sự kiện về luật pháp thật đáng ghi nhớ.
Người đàn ông có tên Sirhan Sirhan, là thủ phạm đã âm mưu hạ
sát Thượng nghị sĩ Robert F Kennedy vào năm 1968, được khơi lại niềm hy vọng rằng
sẽ được trả tự do vào cuối năm 2021, từ án chung thân trọng tội giết người. Trải
qua 16 lần đệ đơn xin ân xá, với nỗ lực của nhiều đời luật sư, cuối cùng thi Sirhan
cũng đã nhận được sự chấp thuận vào hồ sơ xét ân xá, ở năm 77 tuổi.
Tuy nhiên, Sirhan sẽ còn phải trải qua 90 ngày thẩm định của
California Parole Board (tạm dịch: Hội đồng Ân xá California), và thêm 30
ngày chờ quyết định cuối cùng của thống đốc tiểu bang, Gavin Newsom.
Điều không ai ngờ tới là sức nặng của lời kêu gọi ân xá lần
này, có một tiếng nói rất đặc biệt: Douglas Kennedy, con trai của chính người bị
sát hại.
Sirhan là một người Palestine sinh ra ở Jerusalem, đã thụ án
53 năm vì tội sát hại thượng nghị sĩ RFK (Robert F Kennedy), và cũng là anh
trai của Tổng thống John F. Kennedy.
RFK (Robert F Kennedy) là ứng cử viên tổng thống của đảng
Dân chủ khi ông bị bắn hạ tại khách sạn Ambassador ở Los Angeles, ngay sau khi
có bài phát biểu chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ quan trọng ở California.
Tháng 6-1968, khi cha của mình ngã gục trên con đường đầy
người hò reo ủng hộ, thì Douglas Kennedy chỉ mới là đứa trẻ đang chập chững bước
đi. Hình ảnh và cái tên Sirhan đã là sự ám ảnh đến vô cùng trong trí nhớ của Douglas
Kennedy từ những câu chuyện kể của người lớn và lịch sử ghi lại. Và đến khi ông
trưởng thành, nước Mỹ vẫn chưa nguôi sự tức giận của mình về sự kiện một người
Trung Đông nhập cư đã bắn vào vị ứng cử viên tổng thống được yêu mến của mình.
Nhưng giờ đây, Douglas lại là một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất, kêu gọi việc
xin trả tự do cho Sirhan.
Cuộc đời có rất nhiều điều thật kỳ diệu. Nhưng bao dung và công
chính thì chưa bao giờ là điều dễ gặp trong cuộc sống đầy vị kỷ hôm nay.
George Gascón, Ủy viên công tố Los Angeles nói câu chuyện giữa
vị cố tổng thống RFK và Sirhan là điển hình của chuyện không thể chấp nhận nổi
trong tâm lý con người: “Một bên là đáng kính trọng, và một bên là kẻ không ai
có thể ưa nổi”, nói với tờ Times of Israel trong ngày 28-8, vị Ủy viên còn xác
nhận rằng hơn nữa với chính ông, hình tượng của RFK là điều mà ông vô cùng ngưỡng
mộ.
Chính vì vậy, không ai có thể tưởng tượng được cảnh Douglas
Kennedy, con trai của người bị hại, là người lên tiếng xin ân xá. Ông Douglas
nói đã có lúc khi trò chuyện mặt đối mặt với Sirhan, ông hiểu được con người
này, rơi nước mắt vì số phận của hắn. “Tôi từng nghĩ rằng tôi đã sống cả đời với
nỗi sợ khi nghe tên ông ta, theo cách này hay cách khác. Nhưng hôm nay, tôi cảm
tạ đời mình khi có thể nhìn ông ta, như là một con người đáng để thương xót và
yêu thương”, ông Douglas nói.
Phiên điều trần được mô tả rằng Sirhan là một ông già tóc bạc
chậm chạp, xuất hiện trong bộ đồ màu xanh, thỉnh thoáng lấy chiếc khăn giấy trong
túi ra, và như mỉm cười khi nghe Douglas Kennedy nói về mình. Khi nói với Hội đồng
Ân Xá, Sirhan cho biết giờ đây ông đã học cách kiềm chế cơn tức giận của mình
và và hứa sẽ sống đoạn cuối cuộc đời yên lành. Những gì diễn ra trong phiên điều
trần đó làm người ta ngẩn người về tính công chính của một phiên tòa ở Mỹ, đặc
biệt khi luật sư của Sirhan là Angela Berry đã nói rằng sự phán xét con người,
cũng tùy thuộc vào giai đoạn, và xin mọi người hãy nhìn vào Sirhan của ngày hôm
nay.
“Nếu chúng ta từ chối suy xét đến sự ân xá, dựa trên mức độ
nghiêm trọng của một tội đã từng gây ra, thực tế là nó đã tước đi quyền của hàng
triệu con người có khả năng đổi thay đời mình. Và nên nhớ sự đổi thay phục thiện
chính là sự xét đoán cần thiết, hơn là cứ mặc định một người có là một nguy cơ
đối với xã hội hay không”, bà Angela Berry nói.
Sirhan phạm tội khi 24 tuổi, và thú nhận rằng ông đã bị sự điên
cuồng của tuổi trẻ thúc đẩy khi nghe thấy một vị tổng thống tương lai của Hoa Kỳ
phát biểu trên đài về sự ủng hộ của mình đối với Israel. Sirhan mang đến đất nước
tự do phần lý tưởng và hận thù, từ vùng đất mình đã sinh ra, và trở thành nạn
nhân của nó.
Câu chuyện của Sirhan ắt hằn là điều đáng để suy nghĩ cho
nhiều người, về sự cần thiết của luật pháp và sự bao dung. Nếu ở một thế giới khác
đang tràn ngập những phán xét và nhận định dựa trên cảm tính, thao túng chính
trị, Sirhan ắt hẳn sẽ không thể có một phiên tòa công chính như vậy, chẳng hạn
như ở Trung Quốc hay Việt Nam. Bài học quốc gia làm giàu hay vượt trội sẽ chẳng
có ý nghĩa gì, nếu đất nước không nuôi dưỡng được lòng người về sự trắc ẩn và lẽ
phải.
Ủy viên công tố George Gascón, đã nói rằng xin hãy xét cho một
Sirhan hôm nay. “Tôi yêu mến RFK, nhưng tôi đã cố gạt mọi cảm xúc qua một bên
và suy nghĩ về sự bao dung của luật pháp, và thậm chí tôi cố không hình dung
người bị hại đã có thể là một tổng thống của Hoa Kỳ, mà chỉ là một công dân bình
thường bị hại”. Thậm chí một nhân chứng là Paul Schrade, vốn cũng bị thương do
lạc đạn từ vụ mưu sát ấy, cũng ủng hộ việc nên trả lại tự do cho cho một người
khao khát được phục thiện ở phần cuối đời mình.
Khi được hỏi về quê hương Jordan của mình, ông Sirhan đã ôm
mặt, nghẹn lời, không nói được gì một lúc lâu.
Trong thời đại của xu hướng đám đông thực dụng, sòng phẳng,
và thậm chỉ cười chê sự yếu đuối và thiệt thòi của tha thứ; chuyện ân xá nhân vật
Sirhan không khác nào một mũi khâu nhỏ cho vết thương tàn bạo trong trái tim của
nhân loại hôm nay.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.