Friday, October 9, 2020

TRẦN VÀNG SAO: thơ của một người chỉ yêu nước mình...

(ảnh: Bên trái là NXB Giấy Vụn, bên phải là NXB Nhã Nam)

Những bản thảo thơ từng gây nhiều tranh cãi của nhà thơ Trần Vàng Sao, rốt cuộc cũng đã ra đời trên hệ thống xuất bản của nhà nước. Bản in đẹp và trân trọng của NXB Nhã Nam với hơn 200 trang, gói tương đối đầy đủ về chân dung của một thi sĩ đất Huế; trong đó ông vẽ lại cuộc đời của mình, vẽ lại thế giới chung quanh mình Với một màu sắc lạ lùng khó tả.
Nhưng bất luận là gì, Nó là một nỗi đau có thật, đồng thời là một câu chuyện có thể được xem là biểu trưng của một thế hệ người Việt yêu nước, huyễn tưởng về một cuộc thống nhất dân tộc, đau đớn với hiện thực chung quanh và của chính mình.
Đọc thơ của Trần Vàng Sao có cả hai thái cực: sự ngây thơ và chân thành tuyệt đối của một người mang nặng chủ nghĩa dân tộc, và phía khác là sự giận dữ, hoài nghi và tuyệt vọng.
Tập thơ mang tên Bài thơ của một người yêu nước mình, ấn bản 2020 của NXB Nhã Nam, không khác biệt quá nhiều với ấn bản 2009 của NXB Giấy Vụn, một nhà xuất bản tự do, bản doanh bí mật ở phía Nam. Trong ấn bản 2009, người đọc có thể chạm vào, thấy, biết tức thì. Còn trong ấn bản 2020, chậm một chút, và đọc về cuộc đời thật của tác giả, mọi thứ cũng hiện ra khắc nghiệt và bàng hoàng không kém.
Chẳng hạn, trong chuỗi bài có tựa Người mất trí, ông để lại ít dòng như vầy:
“tôi xin chúc mọi người sung sướng
những bữa ăn thật nhiều thịt nhiều cơm
và không ai hầu hạ ai
không ai nhòm ngó ai
tôi xin chúc người già được nghỉ ngơi
buổi sáng mùa hè lên núi hái thuốc
buổi chiều mùa đông đốt lửa kể chuyện đời xưa cho con cháu nghe
tôi xin chúc mừng những người đàn bà sắp đẻ
mẹ tròn con vuông
tôi xin mừng các em có ăn và mau lớn
a ha a ha
mọi người đừng nhìn tôi thế
không phải tôi không phải là người
tôi ở đây trên bến sông này ngày ngày chèo thuyền
có xấu xí chi tôi không như các người”
Ấn bản 2009, NXB Giấy Vụn, ông viết trong Bản thánh ca của một tên hề mất trí là thi sĩ hay là Sự tích tôi làm hề:
“tôi tên hề mất trí
nói lời công an theo dõi
và làm thơ bị bắt
tôi ký tên tôi
nguyễn đính
lúc đó đám rước đi qua hết dãy phố
đám đông ở hai bên đường thắp đuốc chắp tay tụng niệm
những con nộm được treo lên trên cột điện bằng dải vải đen viết lời ca ngợi người chết
còn người nhắc tuồng hoa bó hương lên trời khấn vái trước chân dung những cái mặt nạ dựng ở ngã ba đường
và bây giờ tên hề bắt đầu đọc lời phúng điếu mình
1.
tôi làm kẻ hát ca
nửa đêm lang thang ngoài nghĩa địa đọc to danh sách những người chết được vẽ chân dung dán ngoài đường
tôi đốt những tờ giấy đắp mặt
rồi đắp mặt nạ vào nhảy múa
này tên tuổi của tôi
bầy đười ươi đã rút tay khỏi hai ống lồ ô
những người sống đứng sắp hàng trước bài vị của mình
rồi ném những chùm bông nứt nẻ xuống huyệt
đám người mù bắt đầu đánh trống
này tên tuổi của tôi
kẻ mất trí làm thi sĩ
ca ngợi những anh hùng không có thật trong truyện cổ tích
mai sau chết mù mắt
lúc đó mặt trời trong suốt”
...
Đọc tới đây, ắt những người yêu thi ca cũng đã cảm nhận tương đối đủ về số phận của Nguyễn Đính - Trần Vàng Sao.
Những dòng giản lược về cuộc đời của Trần Vàng Sao được ghi trong tập thơ xuất bản năm 2020 chung chung, bàng bạc và nhàn nhạt. Cũng dễ hiểu thôi, vì trong một thời đại của độc tài và kiểm duyệt, sự thật luôn bị thách thức và đòi hỏi sự kiên nhẫn của một phần người Việt còn suy tư và có nhân cách.
Những người cùng thời với nhà thơ Trần Vàng Sao nói tóm tắt rằng sau năm 1967, đi theo cách mạng được vài năm, nhà thơ Trần Vàng Sao đi ra Bắc do vừa bị thương, vừa là để được củng cố tư tưởng. Thế nhưng sống ở Hà Nội không ít lâu, ông nhận ra rằng cuộc cách mạng, mà ông mơ đến hoàn toàn khác với hiện thực. Từ việc ông chất vấn và phản biện rất nhiều vấn đề, cán bộ lãnh đạo trực tiếp đã xem ông là thành phần không thể cải tạo được, và giữ lại. Mãi cho đến sau năm 1975, thì ông mới tìm cách chạy được về Huế.
Tại đây, dù được kèm cặp, “giáo dục” và nhắc nhở liên tục từ hai người là Nguyễn Khoa Điềm và Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà thơ Trần Vàng Sao vẫn cứ là thứ “chai lì tư tưởng” nên luôn bị dè chừng và bị công an theo dõi, đặc biệt vào thời điểm có những đổi mới về văn nghệ của đầu thập niên 90.
Ông qua đời trong nghèo khổ, và sự xa lánh của những đồng đội, nay đã vào vị trí lãnh đạo. Lịch sử văn nghiệp của ông được vinh danh lần đầu tiên bởi các nghệ sĩ chủ trương tự do ngôn luận và xuất bản ở phía Nam, với tập thơ riêng và quảng bá đúng sự thật về cuộc đời ông, đánh động đến giới truyền thông nước ngoài.
Hai năm sau khi ông mất 9/5/2018, tập thơ đầy trân trọng đầu tiên của ông được xuất bản từ giấy phép nhà nước, dẫu có săm soi, cắt đục, nhưng vẫn đủ đẹp để trĩu nặng trái tim người đọc. Thôi thì vẫn hơn là không có gì, và vẫn là một ấn phẩm quý để giữ lại, chiêm nghiệm.
Gấp lại tập thơ, có thể bạn sẽ giống tôi, mong rằng ông sẽ yên nghỉ, thật sự được yên nghỉ. Ông như một hạt cát giữa sa mạc đau thương mang tên lịch sử của đất nước này, nhưng hạt cát cô độc của ông được giữ lại, được sẻ chia bởi tài năng thi ca của mình.

------

*** Nhà thơ Bùi Chát, người sáng lập và điều hành nhà xuất bản Giấy Vụn tại Sài Gòn, được Hiệp hội các Nhà xuất bản Quốc tế (The International Publishers Association, viết tắt là IPA) chọn để trao giải Tự Do Xuất bản năm 2011.
Ở Việt Nam từng có không ít nhà xuất bản ngoài luồng. Được biết nhiều nhất là các nhà xuất bản: Cửa của họa sĩ Trịnh Cung và nhà văn Nguyễn Viện, Lề Bên Trái của nhà văn Đào Hiếu, Tùy Tiện của nhà thơ Bỉm, Minh Châu của nhà thơ Đoàn Minh Châu, Da Vàng của nhà thơ Huỳnh Lê Nhật Tân, Một Mình của nhà văn Cung Tích Biền, Mũi Tên của nhà thơ Liêu Thái, v.v… Tuy nhiên, thứ nhất, tất cả các nhà xuất bản này đều xuất hiện sau Giấy Vụn.
Giấy Vụn, có quy mô lớn hơn hẳn. Có lẽ lớn nhất trong tất cả các nhà xuất bản chui ở Việt Nam từ trước đến nay.
Bắt đầu hoạt động từ năm 2002, với đứa con đầu lòng là tập thơ Vòng tròn sáu mặt của sáu tác giả (Bùi Chát, Khúc Duy, Lý Đợi, Trần Văn Hiến, Hoàng Long và Nguyễn Quán), đến nay, Giấy Vụn đã in được gần 30 đầu sách. Nhiều nhất là thơ, đặc biệt của các nhà thơ trong nhóm Mở Miệng (chủ yếu bao gồm hai người: Lý Đợi và Bùi Chát; giai đoạn đầu còn có sự tham gia, với mức độ vừa phải, của Khúc Duy và Nguyễn Quán) và những người đồng thanh tương ứng với họ, kể cả một nhà thơ nổi tiếng ở hải ngoại: Đinh Linh (với tập Lĩnh đinh chích khoái, xuất bản năm 2007).
Hai nhà thơ có tác phẩm được xuất bản nhiều nhất cũng là hai người đứng đầu nhóm Mở Miệng và nhà xuất bản Giấy Vụn: Lý Đợi (ba cuốn: Bảy biến tấu con nhện, 2003; Trường chay thịt chó, 2005; Khi kẻ thù ta buồn ngủ / When our enemy falls asleep – thơ song ngữ Anh Việt, 2010) và Bùi Chát (năm cuốn: Xáo chộn chong ngày, 2003; Cái lồn bỏ đi & những bài thơ chửi rủa [bới, lộn],2004; Tháng tư gãy súng, 2005; Xin lỗi chịu hổng nổi, 2007; và Bài thơ một vần/One-rhyme poems – thơ song ngữ Anh Việt, 2009) (1).
Ngoài thơ sáng tác, Giấy Vụn còn in một số tác phẩm văn xuôi (như Lĩnh nam tạp lục của Vương Văn Quang, 2005; Luận ngữ tân thư của Phạm Lưu Vũ, 2007; Lạc đường của Đào Hiếu, 2008; Viết của Bùi Hoàng Vị, 2011) và một số tác phẩm dịch, trong đó, đáng kể nhất là cuốn Trại súc vật của George Orwell (do Phạm Minh Ngọc dịch, 2010) và Việt Nam – hành trình một dân tộc của Philippe Papin (do Nguyễn Khánh Long dịch, 2011)

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.