Wednesday, July 2, 2014
Xin lỗi "thuyền trưởng"!
Cuối tháng 6/2014, sự kiện một bài toán khó hiểu liên quan đến “cừu và thuyền trưởng” được bàn tán xôn xao khắp ở trên các trang mạng xã hội cũng như ở các quán cà phê. Bài toán như một nút thắt kịch tính cho vở kịch xã hội, và sau đó kết thúc với những suy gẫm khác nhau về xã hội Việt Nam.
Bài toán như sau "Trên tàu có 45 con cừu, 5 con bị rơi xuống nước. Hỏi ông thuyền trưởng bao nhiêu tuổi?". Rất nhiều tranh cãi diễn ra quanh bài toán này, bao gồm lời cười cợt, mỉa mai hoặc một ít suy nghĩ cho một cái gì đó bất thường. Chỉ sau vài ngày, khi câu chuyện bài toán “cừu và thuyền trưởng” này gây nên cơn sốt, tác giả của bài toán là giáo sư Phạm Đình Thực - nguyên Trưởng Bộ môn phương pháp dạy Toán Tiểu học của Trường ĐH Sài Gòn đã cho biết đó là một trong những bài toán cố ý nhằm tạo nên tính phản biện của học sinh, tránh cách học máy móc và lối mòn.
Khác với giai đoạn bùng nổ cười cợt, miệt thị vì đề toán này, hầu như sự yên lặng và quên lãng với câu chuyện đến rất nhanh. Tôi cũng là một trong những người bật cười trước đề bài, của ai đó đưa lên mạng, nhưng giờ này, khi tìm xem lại thì rất ít có phản hồi vể chuyện này, thậm chí là một lời tâm tình xin lỗi tác giả, khi biết được sự thật chỉ được giới thiệu một phân nửa.
Câu chuyện đơn giản này đang phác họa một xã hội Việt Nam rõ nét trong thời kỳ hiện đại: Con người đang dễ dàng chỉ trích, hạ thấp một ai đó, nhưng khi tìm ra điều đó là một sai lầm trong phản biện của mình thì né tránh đi qua. Con người đang hời hợt trong cuộc sống, nhanh nhạy tham gia những phong trào miệt thị đồng loại để chứng minh mình có lẽ phải, nhưng rồi quay mặt rất nhanh khi nhận ra là mình đã bước hụt chân.
Có phải con người Việt Nam hôm nay đã ích kỷ hơn, đã thiếu đi sự tử tế, chân thành khi không biết cất lên lời xin lỗi cho những gì mình gây ra? Trong vô số những lời miệt thị công việc lặng lẽ của vị giáo sư, sau đó, khi mọi chuyện được lý giải, hầu như tôi không tìm thấy một sự ân hận nào. Dĩ nhiên, trong muôn vàn cách nói, có thể lý giải rằng do việc bài toán “cừu và thuyền trưởng” đã được đưa ra thiếu một nửa sự thật ở phía sau khiến gây hiểu lầm, nhưng rõ ràng là có một sự thật hoàn hảo là đám đông chúng ta đã không buồn cất công tìm hiểu, và cũng rất sợ trễ chuyến tàu xu thời, nên vội góp ngay một bình luận cay độc, trước khi nhận biết đủ.
Tác giả bài toán đó lẽ ra phải được nhận một lời xin lỗi, vì giữa một xã hội lâu nay chỉ nhìn thấy vô số những sai lầm của sách giáo khoa, của phát ngôn từ ngành giáo dục… Con người Việt Nam có thể đã chai lì và quá ngán ngẫm trước hiện thực của đời mình, con cháu mình, thì chuyện giữa mênh mông hiện tại những điều đáng vứt đi, việc tìm thấy một tư duy tốt đẹp cho con người như vậy, dù nhỏ bé, điều đó cũng xứng đáng được cúi đầu kính trọng.
Cũng lâu lắm rồi, trên báo chí, truyền hình… người ta ngày càng thấy người Việt Nam đang biến dạng theo một hình mẫu nào đó thật đáng sợ. Người Việt tranh ăn giữa sảnh thượng lưu, cướp giật giữa phố khi gặp cảnh đánh rơi. Người Việt duy vật đến mức điên cuồng, khoe của và tự phân hóa nhau bằng vật chất. Thậm chí đền đài, thờ phượng cũng tràn ngập tiền bạc và mua vui. Giữa biển cả điên cuồng đó, bài toán lặng lẽ giải ước mơ, cho trẻ con có tính phản biện và logic của cuộc sống, quả là một món quà ẩn giấu kỳ diệu, khó tin trong một thời đại đầy công thức và chỉ biết lo bảo toàn bản thân.
Tôi muốn gửi đến giáo sư Phạm Đình Thực một lời xin lỗi. Vì tôi cũng đã cười khi nhìn bài toán đó, đã vô tâm không đi tìm lý do vì sao nó lại được in ra. Dĩ nhiên, tôi cũng giống như rất nhiều người đã mệt mỏi và ngao ngán trước nền giáo dục Việt Nam bấy lâu nay, nhưng đó không thể là lý do nếu tôi đánh đồng sai lầm với sự tận tụy – dù nhỏ bé – của một nhà giáo có lương tâm.
Đất nước đã ngàn năm tuổi, vì vậy người Việt cũng cần lớn lên để thoát khỏi trạng thái kỷ trẻ con, có thể vì một vấn nạn giáo dục nào đó đã hằn vào não nhiều thế hệ trên đất nước này, khiến đang ngày càng bùng lên như một khối u đau nhức. Lời xin lỗi trong suy nghĩ của người Việt cần phải được dựng lại từ hôm nay, vì xin lỗi một bài toán nhỏ có thể là khởi đầu cho những phục hưng lớn lao hơn. Để một lúc nào đó, chúng ta có thể mạnh dạn xin lỗi lịch sử, xin lỗi hiện tại và xin lỗi lẫn nhau. Để xin lỗi đất nước này vì chúng ta đã vui cười, tận hưởng trong vô tâm và không hề biết xấu hổ trước tiền nhân và đồng bào.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.