Chuyện 4 nữ tiếp viên hàng không mắc sai lầm – theo như mô
tả của báo chí nhà nước, và được thông hiểu oan khiên bởi cơ quan điều tra -
tất cả nằm trong gọn trong một chữ, là “tin”.
Có tin vào lời khai, có tin vào suy đoán vô tội làm tiền đề,
thì các nhân viên điều tra mặt lạnh lùng và đủ nghiệp vụ để xoay mọi chiều luận
tội mới để mọi thứ đi qua. Nói trên báo Dân Việt ngày 22 Tháng Ba, Tiến sĩ,
luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp) nhận định
rằng những người đang bị điều tra, bị can, bị cáo “không có nghĩa vụ phải chứng
minh mình vô tội, không có nghĩa vụ nhận tội, thậm chí không có nghĩa vụ phải
đưa ra bằng chứng để chống lại mình”.
Nhưng mấu chốt, là tin. Vì nếu không tin, mọi thứ tìm thấy
trong quá trình điều tra đều có thể được cho là dàn dựng sẵn, và lại càng đáng
nghi ngờ hơn. Chỉ có duy nhất là tin, thì mới có thể đưa đến kết quả như vụ án
11kg ma túy mang về từ Pháp. Hơn nữa, mọi tường thuật của báo chí đều xoay
quanh một tình huống là các bản khai của cả 4 nữ tiếp viên hàng không chính là
điểm cốt yếu để cơ quan điều tra nhận biết. Hình ảnh cho thấy một vụ trọng án,
mà cả 4 nữ tiếp viên hàng không ngồi trong một căn phòng tạm, cùng nhau viết
lời khai, giống như học sinh cấp hai vi phạm nội quy cùng viết kiểm điểm. Luật
sư Hà Huy Sơn trong một status có tên là “Công lý có bị nhạo báng?” có đặt vấn
đề với tấm ảnh lấy lời khai rất lạ đó, là “Các tiếp viên hàng không được ngồi
chung bàn để viết tường trình thì có “thông cung”, nghiệp vụ đấu tranh với tội
phạm ở đâu?”
Có thể tạm trả lời ngay, là những phụ nữ mang 11kg ma túy đó
về nước không bị coi là tội phạm, họ không bị “đấu tranh”, và họ được tin vào
những gì họ nói, và viết ra. Dĩ nhiên, bài viết này không nhằm để cố làm khó
các cô gái của ngành hành không, mà mục đích là muốn đặt câu hỏi: niềm tin ấy,
niềm tin và tinh thần suy đoán vô tội
của luật pháp tuyệt vời đó, công dân Việt Nam nào sẽ được hưởng?
Trong vụ án của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, đến nay treo lơ
lửng đã 16 năm, chứng cứ quan trọng nhất anh Chưởng ở cách nơi xảy ra án mạng
đến 30 cây số, nhưng các công an điều tra viên vẫn có một niềm tin chắc chắn là
Chưởng đã bằng cách nào đó xuyên không về gây án. Niềm tin đó chắc chắn đến mức
Chưởng bị đánh nhiều lần ép nhận tội. Thư viết bằng máu kêu oan lén gửi ra, Chưởng
kể rằng anh bị “đánh bằng gậy gỗ rồi đạp, giật xiềng, xiết đạp xích, đấm, tát,
lấy đầu gậy tre chọc thẳng vào giữa ngực để buộc nhận tội”. Chưởng nói thà chết
chứ không chịu nhận điều mà anh không làm. Lúc đó, đánh mệt, các công an viên
nói “Thế mày biết thằng nào giết người?".
Rõ ràng, phải có một niềm tin vô cùng vững chắc, dù không có
chứng cứ đủ, các điều tra viên mới muốn lấy cho được bản nhận tội bằng máu của
một thanh niên. Bên cạnh đó, dù biết rõ cách điều tra và thói quen lấy cung của
phần lớn các điều tra viên, quý vị thẩm phán luôn nói không hề ngượng miệng
rằng “không có chứng cứ nhục hình”. Điều này đã từng được vỡ òa vào ngày 4
Tháng 2014, khi tử tù Huỳnh Văn Nén nói ông bị đánh đến mức quẩn trí và buộc
phải ký nhận mình là kẻ giết người. Điều tra viên Cao Văn Hùng trơ trẽn lên
giọng nói không có chuyện nhục hình, quan tòa cũng gật đầu không tin. Ông Nén
đã phải cởi áo phơi bày những vết tích thương tật trên thân thể mình trước mọi
người, thì mọi thứ mới được tỏ tường.
Nguyên cớ mà ông Nén bị bắt cũng là kiểu rất đặc thù của
luật pháp Việt Nam. Ngay sau lúc có vụ án giết người, ông Nén kể ông đi đến chủ
tiệm tạp hóa xin mua chịu 20 ngàn rượu trắng về nhậu. Chủ quán bực mình nên hỏi
là “uống gì mà uống hoài”. Ông Nén lúc đó nói vui là “uống để giải bớt tội
lỗi”. Chuyện đến tai công an, đêm đó ông Nén bị bắt vì trở thành nghi can. Điều
kinh hoàng hơn là để ép cung, cả gia đình 9 người nhà vợ ông Nén đều bị bắt
giam, nhục hình và không ai trong số đó được dịu dàng hưởng quyền suy đoán vô
tội. Cũng là một chữ “tin”, nhưng cái ác được tin và có những niềm tin đồng
thuận với cả cái ác.
Trong cuốn Hành trình minh oan cho tử tù Hàn Đức Long, được
luật sư Ngô Ngọc Trai viết lại toàn bộ quá trình của vụ án, ông có viết “Liệu
các nhà lãnh đạo tư pháp cấp cao có tin vào lời kêu oan của tử tù và luật sư,
hay là tin vào đội ngũ cán bộ tư pháp dưới quyền?”. Các cơ quan điều tra sau
khi kết tội, tin đó là nấc thang thăng tiến của mình, và luôn chống lại các suy
nghĩ ngược chiều hay minh oan, nên trong vụ án của Hàn Đức Long, việc tiến hành
sao lục hồ sơ để làm rõ là một trong những điều khó khăn nhất. Cả hai ông
Nguyễn Thanh Chấn và Hàn Đức Long đều kêu khóc trước tòa, nói mình không phạm
tội nhưng bị nhục hình quá sức chịu đựng mà phải tự viết ra giấy nhận tội. Thật
kinh khủng với niềm tin lạnh lẽo của các thẩm phán, khi họ thấy những tờ giấy
viết tay thú tội đó, đã không hề có chút nghi hoặc nào – và tin ngay lập tức.
Nhận định trong sách, luật sư Ngô Ngọc Trai viết “Ép người
ta nói miệng thừa nhận là một chuyện, nhưng buộc người ta phải viết ra bằng tay
những điều mình không làm, điều này cho thấy mức độ cưỡng bức khuất phục cao
hơn hẳn, cũng tức là mức độ tra tấn nhục hình đã ở tầng nấc cấp độ mới”. Dĩ
nhiên, những tử tù như ông Chấn và ông Long lúc đó, chỉ có một niềm tin trong
nỗi đau đớn vô kể ấy, là cứ nhận tội đã, rồi tin mình sẽ được minh oan.
Thật khó mà nói hết và phân định được, ai ở vòng lao lý được
“tin” và nhận được “quyền suy đoán vô tội” trên chính đất nước mà họ sống, làm
việc và tin vào luật pháp được ban hành. Vụ án Hồ Duy Hải đã 15 năm chờ thi
hành án tử hình, bất chấp các chứng cứ đều không có. Công an tìm thấy vân tay
của Hồ Duy Hải không trùng khớp với dấu vân tay thu giữ được ở hiện trường,
nhưng tòa án vẫn tin rằng đó không phải là bằng chứng ngoại phạm. Thậm chí đến
nay đã có 7 nhân chứng xác nhận thời điểm án mạng xảy ra, anh Hải đang có mặt
tại một đám tang. Ở vị trí Chánh án, ông Nguyễn Hòa Bình khi trơ mặt xác nhận
các chứng cứ như dao, thớt… hoàn toàn là điều tra viên ra chợ mua về làm tang
vật, mà vẫn khẳng định anh Hồ Duy Hải là kẻ thủ ác, thì chỉ có một điều duy
nhất nơi ông ta có, là niềm tin. Nhưng khác với những niềm tin được nói kể
trên, niềm tin của ông Nguyễn Hòa Bình nhân danh luật pháp nhà nước xã hội chủ
nghĩa Việt Nam, đẫm nước mắt, nỗi đau của gia đình nạn nhân và sự bất tín của
những người Việt Nam đang đăm đăm nhìn vào hệ thống tòa án.
Vậy thì, ai sẽ được tin, ai sẽ được quyền suy đoán vô tội trong một quốc gia được gọi là “phát triển đầy nhân văn” hôm nay? Chắc chắnđó không thể là chuyện may rủi như trò xổ số, mà luật pháp ở bất kỳ quốc gia nào biết tôn trọng dân tộc của mình, bắt buộc phải thật sự là chỗ dựa, niềm hy vọng và niềm tin của con người. Khi nào thì quyền suy đoán vô tội là niềm tin được chia đều cho mỗi con người Việt Nam?
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.