Tuesday, March 1, 2022

Kỷ niệm 90 năm, ngày sinh của danh tài Hữu Phước (1932-2022)


Nói đến Hữu Phước, ai cũng phải nhìn nhận một trong những giọng ca làm nên sự rực rỡ của sân khấu cải lương miền Nam Việt Nam. Nhưng tiếc thay, sau năm 1975, tên tuổi của ông gần như không được nhắc tới nhiều ở trong nước, bởi ông là một trong những người chọn ra đi khỏi đất nước vào năm 1975, vì thấy tính cách nghệ sĩ và cuộc đời của mình không thể gọi là "sống” trong chế độ mới.

Nghệ sĩ Hữu Phước ra đi ở tuổi 65 (21-2-1997), cũng không gọi là quá trẻ nhưng lại còn quá sớm với những ước mơ mà ông ôm ấp bên ngoài quê hương. Chứng kiến vô số đồng nghiệp trở thành lưu dân ở bên ngoài quê hương của mình, năm 1986, ông từng ước mơ xây dựng một sân khấu của những nghệ sĩ cải lương tự do tại Pháp. Thế nhưng khó khăn của những cuộc đời tìm thấy tự do nhưng không giữ nổi nghề là một câu chuyện dài, không chỉ riêng ở một nơi chốn nào.

Cuộc đời của nghệ sĩ Hữu Phước vào đời nhọc nhằn lắm. Ở tuổi thiếu niên, ông đã phải làm nhiều việc để phục giúp gia đình, tự nuôi mình, chứ không rảnh rang nối nghiệp truyền từ song thân. Thân phụ mà ngài Trần Quang Cảnh, dù có công việc là Chánh lục sự Tòa của người Pháp tại Nam Kỳ, nhưng lại là một thầy đờn có tiếng. Dân trong vùng hay gọi tắt là ông Trưởng Tòa. Mẫu thân của ông là bà Tám Kiều, cũng là một nữ nghệ sĩ có tiếng trong gánh hát của Thầy Thuốc Minh tại Sóc Trăng.

Nói thêm một chút là vào thời 1945-1955 ở miền Nam, Có rất nhiều gánh hát mang tên người chủ tài trợ của mình. Người chủ có nghề gì thì mang tên gánh hát vậy, để quảng cáo cho công việc. Còn ngoài ra, các gánh của Ông Bảy Cần Thơ, Cậu Hai Long Xuyên… là do lấy tên những nhà giàu nuôi nghệ sĩ đi hát, còn rảnh rỗi thì phục vụ tại gia. Do đó, Thầy thuốc Minh cũng là một gánh hát có tên tuổi trong vùng Sóc Trăng.

Nhưng lúc nghệ sĩ Hữu Phước ra đời, gia cảnh cũng khó khăn. Năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp khiến đời sống đảo lộn. Hữu Phước cũng lưu lạc tứ xứ, chạy lên tới Sài Gòn. Vào đến Đại Thế Giới, sòng bạc lớn nhất Đông Dương thời đó do tướng quân Bảy Viễn bảo kê, chú nhỏ Hữu Phước lúc ấy chạy bàn cho quán Họa My của cô Năm Cần Thơ. Thời đó, mấy đứa nhỏ sống bằng nghề đó, được người Hoa gọi là “phổ ky”.

Soạn giải Nguyễn Phương cũng nhắc rằng Hữu Phước khởi nghiệp cầm ca từ năm 1954, được ông Trần Hữu Lương, tức nhạc sĩ Mười Lương, chồng của nữ danh ca Năm Cần Thơ dạy ca và đặt nghệ danh Hữu Phước thay cho tên Henry Trần Quang trong giấy tờ.

Nhưng khoảng thời gian đáng nhớ nhất chính là lúc đó. Về sau báo Điện Tín ở Sài Gòn kể lại, nghe mới thú vị biết bao: Thời chú nhỏ phổ ky Quận 5 được phát hiện bởi một tướng quân nổi tiếng, trở thành giai thoại không thể nào quên của lịch sử cải lương Việt Nam.

Tướng Bảy Viễn, người được ai nấy vừa kính vừa sợ trong giai đoạn đó. Người lớn kể lại, tướng quân Bảy Viễn oai vệ lắm. Ông có khuôn mặt chữ điền và đôi mày rậm Với ánh nhìn quyết đoán, khiến ít ai dám nhìn thẳng vào mắt ông khi trò chuyện. Nhưng tướng Bảy Viễn lại là khách thân quen của quán Hoạ My, trưa nào sau giờ cơm, ông cũng ghé đó để làm vài chai con cọp cùng với hai người cận vệ của mình.

Nhầm bữa phổ ky Hữu Phước lại phục vụ. Thấy trên nhà gọi bưng mấy món đồ nhắm ra bàn, chú nhỏ Hữu Phước khoác trên vai cái khăn lau, vừa bưng ra, vừa hát một câu trong bài Tôn Tẩn Giả Điên, theo tuồng được ghi âm lại của hãng dĩa Asia. Đây cũng là câu hát mùi có một không hai của danh tài đương thời Út Trà Ôn. Đang ngon trớn, thấy khách là tướng Bảy Viễn, chú nhỏ hoảng kinh im ngang, đặt dĩa mồi lên bài rồi quay vô. Ai ngờ, tướng Bảy Viễn gọi lại “ê, sao nửa chừng ngưng mậy? hát thử tiếp nghe coi”. Không dám cãi, Hữu Phước đứng lại, hát một hơi rồi nhìn tướng Bảy Viễn coi bị rầy hay không. Ai ngờ, ông Viễn tấm tắc giọng hát của chú nhỏ Phổ Ky, còn nhận xét một câu để đời “Nghe đâu có thua gì Út Trà Ôn đâu?”.

Được nước, ông tướng hỏi tới coi thằng nhỏ này đâu ra, có nghề sân khấu chưa… nghệ sĩ Hữu Phước cũng nhân lúc đó mà kể nỗi niềm của mình. Thật ra, lên Sài Gòn chờ cơ hội, Hữu Phước đã thử xin đến vào gánh học nghề, phụ việc để lân la đến chuyện ca hát. Nhưng đâu phải ai cũng tin. Đến đi xin kéo màn cho gánh Thanh Minh của ông Năm Nghĩa, mà còn bị chê là nhìn ốm yếu quá, không thích hợp.

Bảy Viễn một phần yêu mến, một phần cũng muốn giới thiệu uy quyền của mình, nên đích thân chở Hữu Phước trên chiếc xe Jeep của mình, đến hãng dĩa Hoành Sơn của ông Ba Bản (tức ông Phan Văn Bản, bầu gánh Thủ Đô) nằm ở bến Chương Dương để giới thiệu. Do nể tướng quân, nên chủ hãng nhận Hữu Phước vào, nhưng giao cho công việc là giữa chìa khóa đóng mở cửa cửa hãng mà thôi. Một thời gian sau do thiếu những giọng ca phụ nên Hữu Phước được gọi vào để hát thử, ai dè tiếng hát cất lên thì mọi người đều trợn mắt bất ngờ. Dân trong nghề nói thời đó, Hữu Phước có lối xuống xề rất độc đáo, ở câu 5 và câu 6 khiến ai nấy cũng nhớ hoài, do đó trở thành nổi tiếng luôn.

Năm 1957, bài Vọng Cổ mà Hữu Phước thu vào hãng dĩa Asia, phát thanh trên Đài Pháp Á năm 1957 coi như bán chạy nhất nước, già trẻ đều say mê, đặc biệt là bản Nắm Xương Tàn của Quy Sắc-Thái Thụy Phong.

Trời cũng đã đãi người tài. Chỉ qua hai lần thu đĩa là tên của nghệ sĩ Hữu Phước bắt đầu vang dội khắp Sài Gòn. Ngay khi đó, ông Ba Bản mới biết mình đang nắm một mỏ vàng từ tiếng hát của Hữu Phước. Dĩa hát nào, dân chúng cũng tìm coi có cái tên Hữu Phước hay không. Lúc đó cũng có tin là hãng dĩa Việt Nam của bà Sáu Liên tìm cách gặp riêng Hữu Phước để độc quyền giọng ca này với một mức giá rất cao. Thời đã tới rồi. Hữu Phước thấy vậy bèn cũng nói thiệt với ông chủ hãng Hoành Sơn và xin rằng mình cũng muốn được đối đãi trọng thị. Đó là lý do, ngoài Út Trà Ôn, Hữu Phước là nghệ sĩ cải lương thứ hai ở Sài Gòn được mua cho chiếc xe hơi để đi hát. Ông Ba Bản nói là vừa đúng lúc có một ông chủ hãng người Pháp muốn bán chiếc Peugoet 203 mui trần màu trắng, nên ông mua cho Hữu Phước luôn.

Đời của nhạc sĩ Hữu Phước từ đó, chỉ có rực sáng hơn mà thôi, đỉnh cao là năm 1965, với giải Thanh Tâm cao quý của thời đệ nhị Cộng Hòa Việt Nam. Giá cát-sê thu dĩa của ông vọt lên cao nhất, thậm chí đoàn Thanh Minh ký contract với Hữu Phước suốt năm, thời gian đó có giá tương đương đến 200.000 Mỹ kim.

Như đã biết, sau 1975, cũng nhiều nghệ sĩ khác, Hữu Phước rời khỏi Việt Nam. Mang tâm trạng u uất của một tài năng không còn đất dụng võ, nhưng ông vẫn không quay lại sân khấu phục vụ tuyên truyền của chính quyền mới. Trong bài “Nhựt ký đời tôi” do ông tự soạn và hát để diễn tả nỗi niềm của mình “Có những lúc mơ màng trong giấc ngủ. Tôi cứ ngỡ mình đang sống giữa quê hương. Chợt nhớ ra mình là kẻ tha phương. Giữa đêm lạnh ngập ngừng bông tuyết trắng. Ôi ! Nhớ giọng ca trầm ấm của nghệ sĩ Tám Thưa, nhớ tiếng cười vui của lão độc Hoàng Giang và giọng ca nức nở bi thương của Út Bạch Lan sầu nữ, những người anh người chị thân yêu đã dìu dắt từng bước tôi đi trên bước đường sân khấu, suốt bao năm biết mấy…”

Nhân 90 năm ngày sinh của một danh tài cải lương, rực sáng và mai một theo vận mệnh của đất nước tự do, vốn không thể tìm lại trong tương lai. Nhất là vào khi cải lương đang úa tàn ở ngay tại quê nhà được gọi là rất đỗi phồn vinh. Một giọng hát huyền thoại mà khi nhắc đến, học giả Vương Hồng Sển đã từng nói rất đỗi ngậm ngùi: “Mấy mươi năm trước chưa ai ca vọng cổ hay hơn Hữu Phước, e rằng mấy mươi năm sau cũng chẳng có ai”.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.