Một ngày trong thời phong tỏa vì dịch bệnh ở Sài Gòn, tôi nhận được lời nhắc mà anh Phạm Chí Dũng phó thác từ trại giam: Anh viết một bài thơ về niềm tin nơi Thiên Chúa, và mong được nghe nó vang lên như một bài hát.
Từ tháng 1-2-2021, Phạm Chí Dũng nhận bản án 15 năm của mình
và im lặng không kháng án. Sự im lặng được bà Renate Künast, Dân biểu Liên bang
Đức, mô tả là “bàng hoàng” khi nghe tin này. Dường như thay vì dành thời gian
kháng án, Phạm Chí Dũng đã tận dụng nó để viết một bài thơ.
Vậy thì tôi nghĩ mình cũng không được phép chậm trễ hơn để giới thiệu
về bài hát này.
Ghi chép trong trí nhớ về Phạm Chí Dũng
Có một Phạm Chí Dũng rất khác mà tôi biết, kể từ khi nghe
tin anh bị bắt cho đến hôm nay. Nhất là khi biết anh lặng lẽ chọn Thiên Chúa
Làm người dẫn đường tinh thần cho anh.
Trong suy nghĩ của mình, tôi luôn nhìn thấy Phạm Chí Dũng là
người duy lý. Điều đó, khiến anh trở thành là một người tranh luận đáng gờm – kể
cả khi anh còn làm việc kiểm soát báo chí ở Sài Gòn, cho đến khi anh trở thành
người phản tỉnh và đốt lên ngọn đuốc về một tổ chức truyền thông tự do, ngay
trong lòng của nhà nước độc đảng.
Tôi nhớ thời mình còn làm báo, anh Dũng chạy xe honda vào
tòa soạn Tuổi Trẻ, tay mang theo chiếc cặp tài liệu và lạnh lùng chất vấn người
chịu trách nhiệm trang báo. Anh hỏi và dồn, có lúc đập bàn và hỏi lớn “Vậy anh
không thấy những điều này là dẫn đến tù à?”. Cả đám phóng viên mới vào đều xanh
mắt cá, ngồi thì thào với nhau về những điều cấm kỵ không thành văn của chế độ.
Lúc đó, anh Dũng quả thực là một nhân viên cần mẫn và đắc lực phục vụ cho nền
báo chí một chiều. Nói gì thì nói, anh là một người rất giỏi.
Đó chính là lý do, khi Phạm Chí Dũng đột nhiên thay đổi với
những bài viết bình luận không thuận đường với quan điểm nhà nước, và nhất là
khi anh tuyên bố ra mắt Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam (IJAVN), nhiều người không
khỏi bất ngờ. Trục xoay 180 độ, về con người và thể hiện bằng những lý luận
công khai đã làm nhiều người cảm mến, nhưng cũng không ít người nghi ngờ là trò
chim mồi của phía Nhà nước.
Phạm Chí Dũng cũng rất bản lĩnh để đi qua những điều đó, và
hơn nữa, rất thẳng thắn.
Còn nhớ trong một lần gặp mặt tiệc mừng tân niên 2016, do
tòa Tổng Lãnh Sự Anh tại Sài Gòn tổ chức, tôi đến và nhìn thấy Phạm Chí Dũng ở
đó. Anh nói với mọi người về Hội Nhà báo Độc Lập và những dự kiến trong sự hào
hứng. Rồi đột nhiên anh đưa mắt nhìn
tôi, cười và hỏi nhanh “Tuấn Khanh có nghe người ta nói gì về mình hay Hội nhà
báo Độc Lập không?”. “Anh muốn em nói thật à?”. “Ừ, thì mình cần thông tin thật
mà”. Tôi hơi ngần ngừ một chút, rồi cười “Không ít người nói anh giống như chim
mồi trong cuộc chơi dân chủ thông tin này”.
Tôi thấy anh Phạm Chí Dũng thoáng cau mày. Anh nhìn tôi và như
gật gật đầu, nhưng không nói gì. Chắc chắn là anh cũng đã nghe qua những điều
này, nhưng để nghe trực tiếp như vậy, cũng không dễ chấp nhận ngay. Nhưng nay anh
đã khác rồi. Anh không đặt lại câu hỏi nào chất vấn phủ đầu, cũng không đập tay
nói gì dữ dội như trước. Anh thật sự bước vào con đường có tiếng nói đa chiều,
và lắng nghe mọi tiếng nói đa chiều chứ không còn vướng thói quen mượn thứ quyền
lực nào đó để bịt miệng.
Tôi bắt đầu theo dõi anh Phạm Chí Dũng nhiều hơn từ đó. Những
bài phân tích thời sự của anh, các cuộc trò chuyện trực tuyến… để có thể tìm hiểu
anh rõ hơn, với bản thân mình. Không thể không nhận ra ở Phạm Chí Dũng có 3 điểm
đặc biệt đáng nể: trí nhớ kinh khủng về các dữ kiện, lập luận phân tích tại chỗ
với mọi vấn đề, hiểu biết sâu sắc về hệ thống mà anh đã phục vụ và rời bỏ.
Điều mà Phạm Chí Dũng làm được, gây khó chịu không ít với những
người kiểm soát báo chí Việt Nam, là tổ chức loạt bài nhận dạng, gọi tên và
bình luận đúng các vấn đề trọng yếu của nhà nước, từ Luật An Ninh Mạng, Luật
cho Xã Hội Dân Sự, Luật cho Công Đoàn Độc Lập… mọi thứ được tập trung và hệ thống
chứ không phản biện lan man, góp bài cho đủ mặt của Hội. Mọi luận điệu mỉa mai và
tấn công Phạm Chí Dũng sau khi anh bị bắt, từ chụp mũ là nhận tiền thế lực phản
động, cho đến ảo tưởng báo chí tự do… đều phản ánh về sự cay cú và thất bại, nhất
là với bản án 15 năm.
Thay đổi và phản biện của Phạm Chí Dũng có giá trị gì trong
những năm qua. Có lần nghe anh tâm sự là “những đảng viên theo dõi thường
xuyên. Thậm chí cánh công an cũng vậy. Những người công an về hưu tiết lộ cho mình
biết vậy. Không đâu xa, ngay cả một sĩ quan công an về hưu ở ngay phường mình
cư trú cũng cho biết ông theo dõi thường xuyên bài vở trên Việt Nam Thời Báo và
đồng tình với những luận điểm khách quan của Hội Nhà báo Độc Lập”.
Với bản tính xốc nổi của mình, tôi lại làm anh chựng lại một
lần nữa “Có những người. hay tổ chức vẫn chọn cách phản biện để nhận được sự
chú ý, sau đó tìm đến sự thỏa hiệp, khác biệt với những gì mình đã khởi đầu?” –
Tôi nhớ lúc đó, cuối cùng anh cũng cười “mày vẫn có cái tính này hả Khanh”, rồi
trả lời rành mạch “phản biện hay chỉ trích mang tính ôn hòa, không có nghĩa là Hội
Nhà báo Độc Lập đang đi tìm con đường thỏa hiệp với Đảng Cộng Sản. Hội Nhà báo
Độc Lập không bao giờ có quan điểm đó”.
Năm 2018, anh gọi điện thoại hỏi tôi tham gia Hội không, giọng
cũng rất sốc “nói nhanh, trả lời nhanh nhé. Vào Hội và viết bài với anh?”. Tôi
từ chối, nghe giọng anh có vẻ không vui nhưng tôn trọng suy nghĩ của tôi. “Để
em đứng một mình đi, tính em điên điên kiểu văn nghệ và vô kỷ luật, lại hay nói
thẳng dễ gây bất hòa. Nên để em ủng hộ anh từ bên ngoài”.
Khi tôi trả lời anh những điều như vậy, cũng là lúc cuộc đời
của cựu đảng viên Phạm Chí Dũng, xuất thân từ một gia đình truyền thống cộng sản,
bắt đầu gặp lao đao liên tục. Nhưng người quen của anh kể là anh liên tục bị chận
cửa, ép quay về nhà khi thành phố có biểu tình chống Trung Quốc, khi có hội họp...
Anh cũng không khác gì bạn bè tôi hay tôi vào lúc đó. Anh là một phần của những
người muốn cất lên tiếng nói khác biệt. Anh đã là một con người thật sự khác.
Nói theo kiểu nhà văn Dương Thu Hương là “chọn ngồi bệt xuống cỏ với nhân dân
và đối diện với chính quyền”.
Tôi tin vào những đổi thay và chọn lựa của con người. Nên tôi
nhìn thấy ở Phạm Chí Dũng một hình ảnh mới mẻ nhưng quen thuộc: vẫn quyết liệt
và tự giành phần chủ động nơi suy nghĩ và lý tưởng mình chọn phục vụ. Lịch sử
hiện đại Việt Nam đã chứng minh biết bao điều “khác” thú vị như vậy. Chẳng hạn
như trường hợp các cán bộ tôn giáo cấp cao Đỗ Trung Hiếu (với Phật Giáo), ông
Nguyễn Hoàng Đức (với Công Giáo).
Nếu vài năm trước, nghe tin anh bị bắt, có lẽ tôi sẽ ngạc
nhiên – bởi vẫn mơ hồ cũng những suy nghĩ ngu muội rằng sau lưng anh có “thế lực”
nào đó chống đỡ. Nhưng tháng 1-2021, nghe cái án 15 năm tù, rồi nghe anh không
buồn kháng cáo, tôi thấy mình như hiểu anh nhiều hơn. Đến khi đọc được bài thơ
của anh Phạm Chí Dũng về việc anh chọn Thiên Chúa là người dẫn dắt đời mình, mọi
thứ hiện ra là điều rất diệu kỳ của cuộc đời, nhưng hợp lý làm sao. Anh chọn Chúa
làm lý tưởng của mình, đối lập với con đường vô thần đã qua, thì rõ anh đang khát
khao nối dài con đường mình đã thay đổi, đã chọn, với một niềm tin mới.
Tôi điểm lại, thấy mình cũng được dẫn vào một cung đường thật
lạ lùng. Tất cả những cái tên như Trần Huỳnh Duy Thức, Tô Hải, Phạm Chí Dũng… đều
gửi gắm tôi những tiếng hát không thành lời của họ. Lại nhớ Phạm Đoan Trang, trước
khi đi tù, cô ấy bảo “Em không sáng tác được, nhưng anh có bài nào cho em, thì
đưa em hát với”. Tôi chưa đưa kịp thì Trang đã không ở bên ngoài để nhận. Tất cả
những con người ấy, chẳng phải họ đã hợp thành một bài ca lớn, vẫn cứ âm vang mỗi
ngày với khát khao con người thức tỉnh trong niềm hy vọng hay sao?
Ghi chú:
Đỗ Trung Hiếu: Cán bộ cấp cao thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ,
có trách nhiệm kiểm soát Phật Giáo sau năm 1975, bất đồng vì tiến trình hủy bỏ
Giáo hội Phật Giáo Thống Nhất, nên đã xin ra khỏi hệ thống vào năm 1990.
Nguyễn Hoàng Đức: Cán Bộ đặc phái Phòng Tôn giáo, Cục Chống
Phản Động của Bộ Công an, người trực tiếp kiểm soát Đức Cha - Hồng Y Nguyễn Văn
Thuận trong thời gian bị cầm cố ở miền Bắc (1976-1989), đã được cảm hóa, và xin
theo đạo, ra khỏi ngành.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.